GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 24 THỨ SÁU, ÁP LỄ GIÁNG SINH

 

Đèn Noel, Cây Noel, Quà Giáng Sinh, tất cả đều biểu hiệu cho Chúa Kitô

Những gì trang hoàng để đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh liên quan đến Ánh Sáng Cây Noel, kể cả tục lệ tặng Quà Giáng Sinh, tất cả đều tiêu biểu cho Chúa Kitô, vì Người là sự thật (ánh sáng) và là sự sống (cây thông xanh tươi trong mùa đông), một sự sống hy hiến và thông ban (quà tặng).

 

Chúa Kitô "là sự thật" (John 14:6), một sự thật được biểu hiệu nơi hình ảnh ánh sáng: "Tôi là Ánh Sáng Thế Gian" (John 8:12). Thánh Tông Đồ Gioan đã chân nhận rằng việc Lời (Con Thiên Chúa) hóa thân Làm Người như "ánh sáng đã chiếu trong tăm tối" (John 1:5), một thứ "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (John 1:9).

 

Chúa Kitô "là sự sống" (John 14:6), một sự sống được biểu hiệu nơi hình ảnh Cây Noel xanh tươi không bao giờ tàn héo, dù trong mùa đông tàn tạ như sự chết: "Thày là sự sống lại và là sự sống" (John 11:25). Thánh Tông Đồ Gioan cũng đã nhắc lại trong Sách Khải Huyền của mình lời Chúa Kitô phán về bản chất trường sinh bất tử của Người như sau: "Ta là nguyên thủy và là cùng tận. Ta đã chết nhưng nay vẫn sống muôn đời" (Revelation 1:17-18).

 

Chúa Kitô là sự sống hy hiến thông ban, qua Cuộc Vượt Qua (Tử Giá và Phục Sinh) của Người, một cuộc Vượt Qua được hiện thực (realized/becomes real sacramentally) nơi việc Cử Hành Thánh Thể (Eucharistic celebration), một Thánh Thể là Quà Tặng từ một tình yêu thương nhân loại "đến cùng" (John 13:1) của một Vị Thiên Chúa hóa thân Làm Người: "Thày đến cho chiên được sự sống và là một sự sống viên trọn" (John 10:10); "Con tự thánh hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (John 17:19). Chính Hài Nhi Giêsu Kitô là Quà Tặng của Thiên Chúa ban cho loài người: "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một của Ngài cho thế gian, để thế gian nhờ Người mà được sự sống" (John 3:16).

 

Bởi thế, với ý thức siêu nhiên như thế, khi trang hoàng mừng Lễ Chúa Giáng Sinh hay khi mua Quà Tặng mừng kỷ niệm Con Thiên Chúa Làm Người, là chúng ta đang bắt đầu cử hành Mầu Nhiệm Giáng Sinh rồi vậy.

 

Nguyện chúc tất cả mọi tâm hồn bé nhỏ chúng ta được tràn đầy Bình An Dưới Thế cho người thiện tâm, một bình an là phản ảnh của Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời!

 
Đminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


 

Giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh: 20 năm phục vụ


(tiếp và hết)

Vấn:     Một ngày làm việc bình thường của một vị giám đốc văn phòng báo chí Vatican như thế nào?

Đáp:     Ngày làm việc của tôi bắt đầu rất sớm vào buổi sáng khoảng 6 giờ, bằng việc điểm báo là việc chưa từng làm như thế trước đây, rồi sau đó từ từ được thực hiện với báo chí Ý ngữ mà thôi. Hiện nay việc này được thực hiện một cách toàn cầu.

Nhờ các đài truyền hình, chúng tôi có thể thu được tất cả mọi bài viết đáng chú ý và được phổ biến ở các phần đất khác nhau trên thế giới.

Việc điểm báo được phân làm 5 đề tài: đề tài “hiển nhiên” là tin tức ở trang đầu, tin quan trọng nhất; “Tòa Thánh” là tin liên quan đến Vatican; “Giáo Hội địa phương” là tin liên quan tới các sinh hoạt diễn ra tại các Giáo Hội địa phương khác nhau; “Luân Lý và Xã Hội” là tin tức liên quan đến các lối sống; sau hết và “Chính Trị Quốc Tế” là những đêàtài quan trọng chúng tôi được thành phần thính giả chất vấn hằng ngày.

Khi tôi đến văn phòng của mình thì việc đầu tiên của tôi là điểm báo. Sauk hi phân tích những đề tài trong ngày, chúng tôi nghiên cứu tới ngày của Tòa Thánh. Bắt đầu với sinh hoạt của Đức Giáo Hoàng, và tiếp theo là những văn kiện được tuần tự phổ biến, sinh hoạt của các phân bộ của Tòa Thánh, việc loan báo và giải thích về những chuyến đi quan trọng của các vị đại diện Tòa Thánh v.v.
Tất cả các biến cố quan trọng đều được quan tâm chú trọng, những biến cố sau đó được cho vào bản thông tin của văn phòng báo chí là văn kiện được phổ biến mỗi ngày sau 12 giờ trưa.

Trước 10 giờ sáng, chúng tôi có một cuộc họp làm việc để kiểm điểm xem những đề tài nào do chúng tôi tung ra hôm trước được truyền thông nhận định. Rồi chúng tôi bàn luận cách thức để làm sao cho có công hiệu những thứ điều chỉnh và những thứ cải tiến. Trong lúc đó, ngay vào buổi sáng ấy văn phòng này đã nhận được những cú điện thoại, viễn phóng thư (fax) hay điện thư (email) từ phía Đông xin tín liệu.

Vào buổi trưa, giờ Âu Châu thức giấc, cho đến 5 giờ chiều, là thời điểm đến phiên Gia Nã Đại, Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc Mỹ Châu Latinh bắt đầu xin tín liệu.

Một trong những vấn đề khó khăn của văn phòng này là nó phải làm việc liên quan tới múi giờ trên toàn thế giới, để khi nhận được yêu cầu trong giờ làm việc thì lúc nào cũng cần phải sẵn sàng cung ứng. Khi tôi không có đủ tín liệu để trả lời đầy đủ vấn đề, tôi liền liên lạc với các văn phòng Quốc Vụ Khanh, bởi thế mà tôi hằng liên lạc với văn phòng quốc vụ khanh này.

Tôi phải công nhận rằng thành phần làm việc ở văn phòng này, đặc biệt là ĐHY Angelo Sodano, lúc nào cũng hết sức sẵn sàng giúp đỡ.

Tôi bao giờ cũng thấy tính cách sẵn sàng này nơi Đức Thánh Cha là vị tôi thường xuyên gặp gỡ. Nếu tôi thấy rằng vào buổi sáng Đức Giáo Hoàng tiếp một nhân vật nào đó mà tôi sẽ được công luận chất vấn thì tôi liền đi gặp ĐTC ngay sau khi ngài gặp gỡ xong để hỏi ngài về những vấn đề đã được bàn luận.

Tôi xin nhấn mạnh rằng trong rất nhiều năm được làm việc với vị Giáo Hoàng này tôi chưa bao giờ nghe ngài nói: “Cẩn thận nhé, vấn đề này chỉ giành riêng với anh thôi đấy nhé”.

Vấn:     Có bao giờ ông đã đề nghị với Đức Thánh Cha cách thức ngài cần tỏ ra trước truyền thông hay chăng?

Đáp:     Tôi đã trình bày với Đức Thánh Cha rất ít lời đề nghị: những chi tiết thật sự tối thiểu và hết sức cần thiết thôi. Thế nhưng có những dấu hiệu cho thấy giáo triều của ngài đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với truyền thông. Chúng là những dấu hiệu có một giá trị mạnh mẽ, một giá trị liên quan tới một điều gì đó thuộc thượng giới.

Vị Giáo Hoàng này không bao giờ quan tâm tới hình ảnh của mình. Sau khi lâu dài theo dõi vị Giáo Hoàng này trên truyền hình, một bình luận gia của tờ Thời Điểm Nữu Ước đã phải thú nhận là Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn đi ngược lại với tất cả mọi qui lệ của việc xuất hiện trên truyền hình, và chính vì điều này đã làm cho ngài thành công, ở chỗ, ngài coi thường truyền hình nên ngài đã làm chủ nó.

Vấn:     Có bao giờ vị Giáo Hoàng này đã từng than về những gì các ký giả viết về ngài hay chăng?

Đáp:     Theo chỗ tôi biết thì chưa bao giờ xẩy ra, và chưa bao giờ xẩy ra cả đối với tôi nữa. Ngay cả những thứ hí họa hay trào phúng làm cho ngài bị tổn thương.

Có những lúc tôi nghe thấy ngài nói rằng cần phải tỏ thái độ là những trường hợp các vấn đề chính của giáo huấn bị bóp méo. Lúc nào tôi cũng thấy, trong các cuộc gặp gỡ với thành phần phóng viên ký giả, ngài tỏ ra rất thông cảm với họ cũng như với công việc khó khăn để thông tin của họ.

Vấn:     Thậm chí cả những tiếng đồn về sức khỏe của ngài nối tiếp nhau đã không làm cho ngài trở nên bất nhẫn sao?

Đáp:     Điều ngài không chấp nhận không phải là những lời đồn đại về sức khỏe của ngài mà là những thứ võ đoán về khả năng hay dở của ngài để làm Giáo Hoàng.

Đức Gioan Phaolô II không chấp nhận một số ngờ vực bệnh hoạn tỏ ra đối với luân lý thần học. Ngài không hờn giận về hình ảnh của mình. Ngài không sợ bị thấy đớn đau; ngài rõ biết rằng đớn đau là một cảm nghiệm đặc biệt nơi đời sống của hết mọi người.

Vấn:     Có lẽ ông là người nổi danh nhất của hội Opus Dei. Điều này có bao giờ gây rắc rối cho ông hay chăng?

Đáp:     Tổ chức Opus Dei là vấn đề chọn lựa riêng tư của tôi, một đường lối nhờ đó tôi sống trong đại gia đình Giáo Hội. Và việc làm phần tử của tổ chức này không gây trục trặc gì cho tôi cả trong mối liên hệ giữa tôi với những người khác, vì tôi thực hiện một công việc làm chuyên muôn về nghề nghiệp.

Đó là lý do tôi không bao giờ quan tâm tới vấn đề tôn giáo của những phóng viên ký giả làm việc với văn phòng báo chí của tòa thánh. Một đặc tính duy nhất chúng tôi quan tâm tới khi họ xin chúng tôi chấp nhận cho làm việc với chúng tôi đó là khả năng chuyên nghiệp của họ mà thôi.

Vấn:     Có những qui chuẩn để ông có thể xác định thành phần Vatican tốt hay chăng?

Đáp:     Đó không phải là thói quen của tôi trong việc làm cố vấn cho thành phần đồng nghiệp. Tuy nhiên, tôi có thể nói về kinh nghệm chuyên môn với tư cách là một ký giả, tôi tôi thoạt tiên là một y sĩ và là một giáo chức. Tôi là một phóng viên ngoại quốc ở vùng Địa Trung Hải đông phương trên thế giới, nơi các tôn giáo đóng vai trò thiết yếu.

Dù ở Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ, ở Do Thái hay các quốc gia Hồi Giáo Bắc Phi, kinh nghiệm của tôi đó là tôi không thể nào hiểu được một số dữ kiện về đời sống công chúng và xã hội ở những quốc gia ấy trừ phi tôi nghiên cứu vùng nội địa tôn giáo này.

Cũng thế, rất khó lòng hiểu được một số chủ trương của Tòa Thánh nếu người ta không biết đến khoa nhân loại học Kitô giáo, tín lý và luân lý của Giáo Hội. Nhận định những biến cố Vatican thuần túy theo tính chất chính trị tức là chẳng hiểu gì cả.

Nói như thế tôi không có ý nói rằng người ta cần phải trở thành một người Công Giáo mới là thành phần Vatican tốt. Tôi không trở thành một tín đồ Hồi Giáo để hiểu được tại sao Sadat bị ám sát. Để viết một bản tin hay cần phải để ý tới một loạt những tính chất về tôn giáo, luân lý, lịch sử và văn hóa. Phóng viên nào càng hiểu rộng càng phục vụ tốt đẹp hơn và trọn vẹn hơn.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 14/12/2004
 

ĐTC GPII: Sứ Điệp cho Ngày Di Dân và Tị Nạn Thế Giới 16/1/2005: “Vấn Đề Hội Nhập Liên Văn Hóa”

Anh Chị Em thân mến,

1.     Ngày Di Dân và Tị Nạn Thế Giới sắp tới. Trong Sứ Điệp hằng năm tôi thường ngỏ lời cùng anh chị em vào dịp này, tôi muốn nhân cơ hội này để nói tới hiện tượng di dân theo quan điểm hội nhập.

Nhiều người sử dụng từ ngữ này để nói lên nhu cầu của thành phần di dân cần phải thực sự tháp nhập vào xứ sở chủ quốc, thế nhưng cả nội dung lẫn việc thực hành quan niệm này không dễ gì xác định được. Về vấn đề này, tôi muốn phác họa một bức tranh qua việc nhắc lại Bản Hướng Dẫn mới đây “Tình yêu Chúa Kitô hướng về những người di dân - Erga migrantes caritas Christi” (cf. nos. 2, 42, 43, 62, 80, 89).

Nơi bản Văn Kiện này, việc hội nhập không được trình bày như là một thứ đồng hóa khiến thành phần di dân đi tới chỗ hủy hoại hay quên lãng căn tính văn hóa riêng của họ. Trái lại, việc giao tiếp với những người khác giúp cho họ khám phá ra “cái bí mật” của họ, giúp cho họ cởi mở với những người ấy để đón nhận những khía cạnh đáng giá của những người này, nhờ đó góp phần vào việc hiểu biết nhau hơn. Đây là một tiến trình lâu dài nhắm đến việc hình thành các xã hội và văn hóa, làm cho chúng càng ngày càng phản ảnh hơn những tặng ân muôn mặt của Thiên Chúa ban cho loài người. Trong tiến trình này, người di dân cần phải thực hiện những việc làm cần thiết hướng về việc tham phần vào xã hội, như việc học hỏi ngôn ngữ của quốc gia ấy cũng như việc tuân hợp với các thứ luật lệ và đòi hỏi hiện hành, hầu có thể tránh khỏi xẩy ra tình trạng biệt phân tệ hại.

Ở đây tôi không có ý bàn đến những khía cạnh khác nhau của vấn đề hội nhập. Tất cả những gì tôi muốn nói trong dịp này đó là cùng với anh chị em đi sâu hơn vào một số hàm ý của chiều kích liên văn hóa của vấn đề hội nhập này.

2.     Không ai lại không biết đến tình trạng xung khắc về căn tính thường xẩy ra nơi cuộc gặp gỡ giữa những con người khác văn hóa nhau. Những yếu tố tích cực thực sự được thể hiện ở tình trạng này. Khi đụng đầu với một môi trường sống mới, những người di dân thường ý thức hơn nữa họ là ai, nhất là khi họ cảm thấy mất mát đi những con người và những giá trị hệ trọng đối với họ.

Trong xã hội của chúng ta, một xã hội có đặc tính của một hiện tượng toàn cầu về di dân thì cá nhân con người cần phải tìm kiếm cái quân bình xứng hợp giữa việc tôn trọng căn tính riêng của mình với sự nhìn nhận căn tính nơi kẻ khác. Thật thế, cần phải nhìn nhận tính cách đa diện hợp lý của các thứ văn hóa đang có mặt ở một xứ sở, một tính cách đa văn hóa hợp với việc bảo trì luật lệ và trật tự, là những gì giúp cho xã hội được an bình và những người công dân được tự do.

Đúng vậy, cần phải loại trừ đi, một mặt, những kiểu cách đồng hóa có khuynh hướng muốn biến đổi những người khác với mình thành sao bản của mình, mặt khác, loại trừ những kiểu cách loại trừ thành phần di dân, bằng những thái độ thậm chí phát xuất từ quyết định muốn tách biệt chủng tộc. Đường lối cần phải theo đó là con đường hội nhập chân thực (cf. "Ecclesia in Europa," no. 102), với một quan niệm cởi mở không chấp nhận vấn đề chỉ chú ý tới những khác biệt giữa thành phần di dân với dân chúng địa phương mà thôi (cf. Message for World Day for Peace 2001, no. 12).

3.     Như thế, nhu cầu cần phải có một cuộc đối thoại giữa thành phần sống văn hóa khác nhau trong một môi trường đa diện là những gì vượt lên trên thái độ đành chịu vậy để tiến đến chỗ thiện cảm. Nguyên việc sống cận kề nhau giữa các nhóm di dân và các người ở địa phương là những gì có chiều hướng khích lệ một thứ tương cận giữa các nền văn hóa, hay việc thiết lập nơi họ những mối liên hệ không phải chỉ có bề mặt hay chịu vậy. Trái lại, chúng ta cần phải khích lệ một thứ tương thụ về văn hóa nữa. Điều này bao hàm việc tương kiến và cởi mở giữa các nền văn hóa, trong một tương quan hiểu biết và nhân ái thực sự.

Kitô hữu, ý thức được phần của mình về hành động siêu việt của Thần Linh, cũng có thể nhận thấy nơi các thứ văn hóa khác nhau sự hiện diện của “những yếu tố quí báu về tôn giáo và nhân loại” (cf. "Gaudium et Spes," no. 92) là những gì có thể cống hiến các quan niệm vững chắc về việc hiểu biết lẫn nhau. Dĩ nhiên, cần phải bao gồm nguyên tắc tôn trọng những thứ khác biệt về văn hóa, bằng việc bảo vệ những thứ giá trị chung bất khả vi phạm, vì chúng được đặt nền tảng trên các thứ nhân quyền phổ quát. Điều này làm phát sinh ra bầu khí “hợp tình hợp lý về dân sự” giúp cho việc chung sống được thân tình và yên ổn.

Ngoài ra, nếu chúng gắn bó với nhau, Kitô hữu cũng không thể từ bỏ việc loan báo Phúc Âm của Chúa Kitô cho tất cả mọi tạo vật (x Mk 16:15). Hiển nhiên là họ phải làm điều này bằng sự tôn trọng lương tâm của kẻ khác, bao giờ cũng sử dụng phương pháp bác ái yêu thương, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ thành phần Kitô hữu sơ khai (x Eph 4:15).

4.     Hình ảnh trích từ Tiên Tri Isaia, một hình ảnh có một số lần tôi đã đề cập tới ở những cuộc gặp gỡ giới trẻ khắp nơi trên thế giới (x Is 21:11-12), cũng có thể được sử dụng ở nơi đây để kêu mời tất cả mọi tín hữu hãy trở thành “những người canh gác ban mai”. Muốn được như vậy, Kitô hữu trước hết cần phải lắng nghe tiếng kêu gào giúp đỡ xuất phát từ đám đông những người di dân và tị nạn, bởi thế họ phải chủ động dấn thân nuôi dưỡng những viễn ảnh của niềm hy vọng loan báo rạng đông của một xã hội cởi mở hơn và nâng đỡ hơn. Vấn đề ở đây là họ trước hết phải làm sao để Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử, ngay cả khi mà mọi sự dường như vẫn còn bị tối tăm phủ kín.

Với niềm hy vọng này, một niềm hy vọng tôi biến thành lời nguyện cầu cùng Thiên Chúa là Đấng muốn qui tụ hết mọi quốc gia và hết mọi ngôn ngữ lại bên Ngài (x Is 66:18), tôi thật lòng ưu ái gửi đến mỗi một người trong anh chị em Phép Lành của tôi.

Tại Vatican ngày 24/11/2004

Gioan Phaolô II


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 9/12/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ