GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 4 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU

TRONG NĂM THÁNH THỂ

       

Mẹ Maria, Mẫu Gương Cảm Nghiệm Chiêm Niệm, theo Cha Chu Công

Tới đây, tôi đã trình bày những mấu chốt cảm nghiệm chiêm niệm của tôi, tức là, việc đọc suy niệm Sách Thánh, việc học hỏi các văn kiện thần bí của Thánh Bơ-Na, việc đào sâu vào sự khôn ngoan của các Bậc Thày Đông Phương, nhất là việc dìm mình vào mầu nhiệm Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Trong chương này, tôi xin trình bày phương thế cuối cùng, nhưng không có nghĩa là phương thế kém nhất, trong các mấu chốt cho cảm nghiệm chiêm niệm của tôi – đó là Đức Trinh Nữ Maria, mô phạm của cuộc hiệp sinh chiêm niệm với Thiên Chúa.

Tôi đã cố gắng diễn tả cảm nghiệm chiêm niệm như là một “cảm nghiệm thực sự (experiential realization) về cuộc hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa”. Vậy chúng ta có thể nói rằng cả cuộc sống của Mẹ Maria là một cảm nghiệm chiêm niệm liên lỉ và cứ tiếp tục như thế! Vì Mẹ không thôi sống cuộc sống bình thường hằng ngày của Mẹ trong trạng thái hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa.

Mẹ Maria đã chiếm một chỗ tôn kính đặc biệt nơi các cộng đoàn Xi-Tô. Mẹ là quan thày của chúng tôi, và tất cả các đan viện của chúng tôi đều được hiến dâng cho Mẹ và tôn kính ảnh hay tượng Mẹ trên cửa sổ nhà thờ. Việc cuối cùng của mỗi ngày sống đan viện là việc chúng tôi tụ họp lại trước hình ảnh Mẹ để hát “Kinh Lạy Nữ Vương” (Salve Regina) – “Kính chào Thánh Nữ Vương”. Việc tôn sùng Mẹ Maria này không phải là cổ hủ hay một việc tình cảm. Các đan sĩ đã nhận ra từ lâu là Mẹ Maria đã được đầy cảm nghiệm chiêm niệm và là mô phạm cũng như hướng viên cho cuộc sống chiêm niệm. Mẹ cũng có đầy kinh nghiệm loài người nữa. Là tiêu biểu cho nữ tính vĩnh viễn, Mẹ giữ chìa khóa cho việc hòa nhập nội tại riêng của chúng ta cũng như cho mầu nhiệm phải được hoàn thành nơi mỗi người chúng ta: đó là mầu nhiệm tái sinh “không bởi huyết nhục hay đam mê nhục dục hoặc ý muốn con người mà là bởi Thiên Chúa” (Jn.1:13).

 Mẹ Maria Biểu Hiệu Nữ Tính nơi Loài Người

 Mẹ Maria là mô phạm của linh hồn trong tinh thần chiêm niệm và thiết tha phó mình cho Thiên Chúa. Khi Thần Gabiên truyền tin cho Mẹ Maria là Mẹ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con Trai bởi Chúa Thánh Thần thì Mẹ cởi mở toàn thể con người mình ra cho Thiên Chúa, Mẹ thưa: “Này tôi là nữ tỳ Chúa! Xin thực hiện nơi tôi những gì ngài truyền” (Lk.1:38). Trong việc hoàn toàn cởi mở cho ý muốn của Thiên Chúa, Mẹ phó mình cho Thiên Chúa như một người nữ, để hạt giống của Thiên Chúa gieo vào lòng Mẹ. Trong cuốn Maria: Cung Lòng của Thiên Chúa, Cha George Maloney đã viết:

 “Mẹ Maria chiêm niệm là mẫu thức tiêu biểu (the archetypal symbol) cho nữ tính nơi mỗi một con người. Chúng ta sống động như Kitô hữu. Giáo Hội trở nên Thân Thể sinh động của Chúa Kitô khi chúng ta sống cái nữ tính ấy nơi chúng ta. Cung lòng Mẹ Maria nói lên cho chúng ta thấy một cách hùng hồn là, tầng sâu thẳm nhất của tiềm thức chúng ta là nơi Thiên Chúa đã gieo cái đói khát tiên nguyên (primeval), muốn vây quấn, bao phủ, ấp ủ Thiên Chúa, Đấng khó tới gần, khó chiếm đoạt và siêu việt”.

(George Maloney, Mary the Womb of God; Denville, New Jersey, 1976, pp, 21-22)

Theo tâm lý Á Đông, chúng ta thấy có một sự chung đụng giữa hai nguyên lý Dương (Yang) và Aâm (Yin), một chung đụng tạo nên toàn khối con người. Theo lối nói ngày nay thì tâm lý cổ kính này diễn tả mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa như là một cuộc chung đụng của hai nguyên lý ấy.

 

Trong cuốn Mầu Nhiệm và Lương Tâm, L. Beirnaert đã nhấn mạnh như sau:

 

“Chính cái tâm linh (the psyche), cái hồn sống (the anima), cái linh hồn (the soul) làm nên việc giao tiếp với Thiên Chúa… và là một cuộc giao tiếp với Thiên Chúa bằng nữ tính”.

 

(L. Beirmaert, Mystique et Conscience; Paris, 1952, pp. 377, as quoted by George Maloney in Mary the Womb of God; Denville, New Jersey, 1976, p.21)

 

Cũng thế, trong cuốn Độc Tiêu, Matthew Kelty đã nói một cách táo bạo thế này:

 

“Không ai chỉ là người nam mà thôi (no man is only man). Loài người không phải chỉ là người nam (the human race is not just man). Làm sao chúng ta có thể liên hệ với Thiên Chúa mà lại không liên quan gì tới phụ nữ? Và làm sao chúng ta có thể nhận ra toàn thể Chúa Kitô (the whole Christ) nếu chúng ta không có người nữ để nhận ra toàn thể Chúa Kitô? Và nếu chúng ta cho rằng chúng ta có thể liên hệ với Giáo Hội là Mẹ của chúng ta, vị hôn thê của Chúa Kitô, mà không cần đến mô thức là Thánh Mẫu của Người, thì chúng ta tưởng rằng các công thức và các quan niệm suông chính là thực tại vậy”.

 

(Matthew Kelty, Flute Solo; New York: Image Books, 1980, p. 106)

 

Trong bài giảng “Chúa Giêsu Đã Vào Làng”, Meister Eckhart (d.1327), một nhiệm sĩ dòng Đaminh người Đức ở thế kỷ 14, đã nói đến hoạt động của yếu tố nữ tính này nơi tất cả loài người bằng những lời mạnh mẽ như sau:

 

“Đối với người nam, để sinh hoa kết trái họ phải là một người vợ. ‘Người vợ’ đây là một danh xưng cao qúi nhất mà tâm trí có thể có được, và nó thực sự còn cao qúi hơn cả danh xưng ‘trinh khiết’. Người nam ấy chịu lấy Chúa trong mình là việc tốt, và nhờ việc tiếp nhận này họ trở thành một trinh nữ. Thế nhưng, Thiên Chúa sinh hoa kết trái nơi ho ïthì tốt hơn, vì việc sinh hoa kết trái cho ơn được ban tặng chính là tỏ lòng tri ân ơn đã lãnh nhận. Tâm linh con người là một người vợ khi nó tỏ lòng biết ơn trong việc sinh ra Chúa Giêsu và trao lại vào cung lòng thân phụ Thiên Chúa”.

 

(Reiner Schurmann, Meister Eckhart: Mystic & Philosopher, transl. Reiner Schermann; Indiana University Press, 1978, p. 4)  

 

Cũng trong bài giảng này, Eckhart còn nói:

 

“Nơi tâm trí có một năng lực không đụng chạm gì đến thời gian hay xác thịt; nó từ tâm linh chan hòa ra và lưu tồn trong tâm linh, hoàn toàn là tâm linh. Nơi năng lực này, Thiên Chúa hoàn toàn tốt tươi và thăng hoa với tất cả hỉ hoan và tất cả vinh dự như nơi chính mình Ngài. Năng lực này được chiếm ngự bởi niềm vui ưu ái ấy, một niềm vui cả thể khôn thấu đến nỗi không ai có thể nói hết. Vì, nơi năng lực này, Chúa Cha hằng hữu không ngừng hạ sinh Chúa Con hằng hữu, như thể năng lực này sinh ra Con Thiên Chúa cùng với Ngài, và chính năng lực này, giống năng lực của Chúa Cha, cũng sinh ra cùng một Người Con ấy”.

 

(Reiner Schurmann, Meister Eckhart: Mystic & Philosopher, transl. Reiner Schermann; Indiana University Press, 1978, p. 5)

 

Cuộc hạ sinh tinh tuyền của Chúa Kitô là một việc kỳ diệu và là một kỳ công vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Nó được thực hiện là vì Mẹ Maria hoàn toàn cởi mở đối với Thiên Chúa. Cuộc hạ sinh tinh tuyền của Chúa Giêsu cách thiêng liêng cũng có thể xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, nếu chúng ta biết hoàn toàn cởi mở trước Thiên Chúa. Suy đến mầu nhiệm này, Cố linh mục Bede Grifths đã viết trong cuốn Về Với Cõi Lòng như sau:

 

“Cuộc hạ sinh tinh tuyền của Chúa Giêsu đạt được là vì một người nữ tỏ ra hoàn toàn phó mình cho tình yêu. Cái mà tình yêu nhân loại cố chiếm lấy một cách bất toàn bằng tình dục và hôn nhân thì ở đây lại được đạt thành bởi Tình Yêu thần linh. Mầu nhiệm yêu thương hoạt động nơi toàn thể tạo vật, nơi các vì tinh tú và các nguyên tử, nơi cây cối, nơi thú vật, và nơi con người là nơi nó đạt tới tột đỉnh của mình. Con người kết hôn với Thiên Chúa trong Mẹ Maria; người nam và người nữ  hiệp thành một con người trong cuộc hôn nhân nội tâm và một con người mới được sinh ra… Con người mới này không được sinh ra bởi việc truyền sinh theo tình dục: ‘Không bởi huyết nhục hay bởi đam mê nhục dục hoặc bởi ý muốn con người, mà là bởi Thiên Chúa’ (Jn.1:13). Đây là một mầu nhiệm cần phải được hoàn thành nơi chúng ta. Mọi người nam nữ đều phải đảm nhận cuộc hạ sinh tinh khiết này, đều phải kết hôn với Thiên Chúa. Nói cách khác, ngoài con người thể lý và tâm lý của chúng ta, chúng ta còn phải khám phá ra con người linh thiêng của mình nữa, khám phá ra trọng tâm đời đời của mình, nơi mầu nhiệm yêu thương được nên trọn”.

 

(Bede Griffiths, Return to the Center, Springfield, II: Templegate, 1977, pp. 64-65)

 

Nếu chúng ta để cho mình thanh thoát và giữ mình khỏi dính bén với tất cả mọi sự thì chúng ta có thể cảm nghiệm được việc sinh hoa kết trái thiêng liêng này, một mầu nhiệm của “trọng tâm tinh tuyền” ấy nơi chúng ta, nơi sinh ra con người nam hay nữ bằng sự viên mãn vô cùng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã phán: “Ta là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Ta và Ta ở trong họ, sẽ sinh nhiều hoa trái” (Jn.15:5). Cũng trong cùng một bài giảng, Meister Eckhart tiếp tục như sau:

 

“Người trinh nữ nào làm vợ, thanh thoát và giữ mình khỏi dính bén trong mọi lúc, thì gần gữi với Thiên Chúa cũng như với chính mình. Người trinh nữ ấy sinh nhiều hoa trái, những hoa trái to tát, không gì khác hơn là chính Thiên Chúa. Người trinh nữ làm vợ ấy trổ sinh hoa trái gấp trăm hay ngàn lần một ngày. Phải, họ sinh hoa trái không ngừng nghỉ, bằng việc sản sinh nơi cõi lòng cao qúi nhất của mình. Nói đúng hơn: người trinh nữ ấy thực sự dồi dào sinh lực bởi cùng một cung lòng Chúa Cha nhiệm sinh Lời hằng hữu của Ngài, và thực sự cùng Ngài sinh sản.

 

Phần Chúa Giêsu, là ánh sáng và là phản ánh cung lòng Chúa Cha, như Thánh Phaolô nói, hiệp nhất với người trinh nữ, cũng như người trinh nữ hiệp nhất với Người, và người trinh nữ cùng Người chiếu sáng và tỏa rạng, một cuộc hiệp nhất đồng dạng, một ánh sáng tinh tuyền và tỏ tường, như ở nơi cung lòng Chúa Cha”.

 

(Reiner Schurmann, Meister Eckhart: Mystic & Philosopher, transl. Reiner Schermann; Indiana University Press, 1978, p. 58)

 

Có thật sự tất cả chúng ta đều là nữ tính trong mối liên hệ với Thiên Chúa không?  Khi qúi bạn nhớ lại cảm nghiệm chiêm niệm của riêng mình thì sự thật này có thể sẽ sáng tỏ hơn đối với qúi bạn. Tôi nhận ra có một cái gì không trúng trong việc khuyên kẻ khác cứ cho mình đóng vai trò Mẹ Maria vào lúc Truyền Tin, nhất là khi có nhiều độc giả của tôi lại là người nam. Khi chúng ta bắt đầu tiến vào mối liên hệ hiệp nhất với Thiên Chúa, chúng ta đừng ngỡ ngàng khi những cử chỉ thân mật làm ta “giật mình” và “bị xóc”. Lối sống mới bao giờ cũng làm “xóc” lối cảm xúc, lối suy tưởng và lối sống cũ.

 

Bị đóng đanh trên thập giá có lẽ là một cái rùng mình dữ dội hơn hết, thế nhưng, nó cũng chỉ là cái vươn dài của lời Mẹ Maria thưa: “Xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài”. Meister Eckhart đã thấy cái “xóc” và “rùng mình” này như là “một niềm vui cả thể khôn lường” (Reiner, Meister Eckhart, Ibid. p. 5).

 

 

Mẹ Maria Biểu Hiệu Đức Khiêm Nhượng Trọn Vẹn

 

 

Trăm năm và ngàn năm đã sửa soạn cho việc nhập thể của Chúa Kitô. Trung tâm điểm của dự án Thiên Chúa này là một người nữ trẻ, người sẽ hiến cho Chúa Giêsu tất cả những gì là nhân loại.

 

Khi Mẹ Maria cầu nguyện, trông đợi và kêu cầu Thiên Chúa sai Đấng Cứu Chuộc đến với dân Ngài, thì Tổng Thần Gabiên đến và chào Mẹ rằng: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc; Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ có phúc trong các người nữ” (Lk.1:28).

 

Mẹ Maria đã đáp lại lời chào này ra sao? Mẹ đã giữ thinh lặng, thế nhưng, khi suy nghĩ về các lời của thiên thần thì Mẹ đã cảm thấy bối rối. Cái bối rối của Mẹ hoàn toàn nổi lên từ lòng khiêm hạ của Mẹ, một lòng khiêm hạ bị quấy rầy bởi tiếng chúc tụng vượt quá ý nghĩ của Mẹ về thân phận Mẹ thấp hèn. Thấy Mẹ Maria bị bối rối về lời chào của mình, Tổng Thần Gabiên buộc phải trấn an Mẹ:

 

“’Hỡi Maria, xin đừng sợ! Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai, rồi Trinh Nữ phải đặt tên cho Ngài là Giêsu. Ngài sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài vương tòa của Đavít tổ phụ Ngài; Ngài sẽ cai trị Nhà Giacóp đến muôn đời và triều đại Ngài sẽ vô cùng tận’.

 

Maria thưa với thiên thần rằng: ‘Thế nhưng điều này xẩy ra thế nào được, vì tôi là một trinh nữ?‘ Thiên Thần đáp: ‘Thánh Thần sẽ đến với Trinh Nữ, và quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ Trinh Nữ. Bởi thế Con Trẻ sinh ra sẽ là thánh và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Xin hãy biết điều này nữa là, bà Isave thân thuộc của Trinh Nữ cũng đã mang thai trong tuổi già, người dân chúng cho là son sẻ nay đã cưu mang được sáu tháng, vì không có gì Thiên Chúa lại không làm được’. Maria thưa: ‘Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thể hiện nơi tôi như lời ngài truyền’” (Lk.1:22-38).

 

Oâi, còn câu trả lời nào tuyệt vời hơn, tự hạ hơn và khôn ngoan hơn, câu trả lời làm trời cao mừng vui, và mang đến cho thế gian một biển cả ân sủng cùng với phúc lành! Trong bài giảng thứ nhất trong số bốn bài về Việc Chúc Tụng Trinh Nữ Maria, Thánh Bơ-Na đã gán vai trò làm mẹ của Mẹ Maria cho lòng khiêm nhượng của Mẹ. Ngài lý luận thế này:

 

“Anh em có thể được cứu rỗi mà không cần đức trinh khiết, thế nhưng, không có lòng khiêm nhượng anh em sẽ không được cứu rỗi. Mất đức khiết trinh mà khiêm nhượng thương tiếc thì còn được. Trái lại, tôi dám nói rằng, không có khiêm nhượng thì ngay cả đức trinh khiết của Mẹ Maria cũng không được Chúa chấp nhận. Chúa phán: ‘Thần Linh của Ta sẽ ở trên ai, nếu không phải trên kẻ khiêm nhượng và thống hối ăn năn’ (Is.66:2). Hãy để ý là Ngài nói ‘trên kẻ khiêm nhượng’ chứ không phải ‘trên kẻ đồng trinh’. Nếu Mẹ Maria không khiêm nhượng, thì Thánh Thần đã không ở trên Mẹ. Nếu Ngài không ở trên Mẹ thì Mẹ không thụ thai được. Thật thế, sao Mẹ có thể thụ thai bởi Ngài mà lại không có Ngài? Thế thì rõ ràng là Mẹ đã thụ thai bởi Thánh Thần, vì, như chính Mẹ nói: ‘Thiên Chúa đã trông đến phận thấp hèn nữ tỳ Ngài’ hơn là đến đức trinh khiết của Mẹ. Mà dù có vì đức trinh khiết của Mẹ mà Mẹ có phúc đi nữa, thì việc Mẹ thụ thai là do lòng khiêm nhượng của Mẹ. Thế nên, chắc chắn đức đồng trinh của Mẹ có làm Thiên Chúa hài lòng chính là vì lòng khiêm nhượng của Mẹ đã giúp cho”.

(Bernard of Clairvaux, Magnificat in Praise of the Blessed Virgin Mary; transl. Maria Bernard; Kalamazoo, MI. Cistercian Publications; CF 18, pp. 9-10)

Dự đoán có người sẽ hỏi ý nghĩa của việc hoan hưởng tình trạng hiệp nhất thân mật với Chúa Kitô hay việc hoan hưởng cảm nghiệm chiêm niệm, Thánh Bơ-Na đã nhấn mạnh đến việc cần phải có lòng khiêm nhượng như sau:

 

“Có thể một ai sẽ hỏi tôi rằng: ‘Việc hoan hưởng Lời nghĩa là gì?’ Tôi sẽ trả lời rằng, họ phải tìm người nào có kinh nghiệm về việc này mà hỏi. Giả như tôi có kinh nghiệm đi nữa, anh em nghĩ tôi có thể diễn tả nó cho anh em hay chăng? Tôi đã nhận được kinh nghiệm này, song tôi không nói về nó đâu. Tôi đã dễ dãi nơi những gì tôi nói để anh em có thể hiểu tôi. Ôi, bất kỳ ai tò mò muốn biết ý nghĩa trong việc hoan hưởng Lời, hãy sửa soạn lòng mình, chứ không phải tai của anh em! Miệng lưỡi không thể chỉ dạy điều này, ân sủng mới dạy cho biết được mà thôi. Nó bị giấu kín đối với kẻ khôn ngoan khéo léo mà được tỏ ra cho các con trẻ. Anh em thân mến, khiêm nhượng là một nhân đức lớn, cao cả và trọng vọng. Nó có thể đạt được những gì nó không thể học biết; nó được cho là xứng đáng chiếm hữu những gì nó không có khả năng chiếm hữu; họ có thể hiểu, bởi Lời và nhờ Lời, những gì không thể giải thích bằng lời nói. Tại sao lại như vậy? Không phải vì vấn đề tự nó là khó khăn, mà bởi vì nó làm hài lòng Cha của Lời, Vị Hôn Phu của linh hồn, Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen” (SC 85:14).

 

Khiêm nhượng là nhân đức chính cho con đường dẫn đến chiêm niệm. Không có nó thì các mầu nhiệm cao sang nhất và sâu xa nhất về Thiên Chúa, những niềm vui thân tình của việc hiệp nhất, đều bị hư phế bởi cái huyênh hoang (egotism) và tự đại (self-importance). Thánh Truyền nhấn mạnh đến điều ấy và đó cũng là lý do tại sao Thánh Truyền cũng nhấn rất mạnh là nhân đức quan trọng nhất của Mẹ Maria là nhân đức khiêm nhượng. Mẹ làm nên khuôn mẫu chúng ta phải theo, nếu chúng ta muốn có cảm nghiệm chiêm niệm về mối hiệp nhất thân tình với Thiên Chúa.

 

Khi chúng ta tiến bước theo hành trình chiêm niệm của mình, chúng ta phải tiến bước với lòng khiêm nhượng, không bao giờ quá kiêu căng đến không cần kêu xin Mẹ Maria giúp đỡ. Trong bài giảng Missus Est, Thánh Bơ-Na đã khéo léo nói về quyền phép của danh Thánh Maria, khi sử dụng hình ảnh được ưa chuộng về Mẹ Maria là “Sao Biển”:

 

“Mẹ là Ngôi Sao chiếu tỏa trên trái đất để sưởi ấm cõi lòng của chúng ta, bồi dưỡng nhân đức và phá hủy tính mê nết xấu. Ngôi sao sáng lạn lạ lùng lơ lửng trên biển cả bao la. Ôi các bạn ơi! Bị xô lấn vùi dập, các bạn đừng ngoảnh mặt đi khỏi tia sáng của Ngôi Sao này. Khi cơn gió cám dỗ thổi lên trong lòng, các bạn hãy nhìn lên Ngôi Sao này! Các bạn hãy gọi tên Maria! Khi ước muốn xác thịt nổi lên làm sóng sánh chiếc thuyền con, chiếc thuyền nhỏ của hồn các bạn, các bạn hãy kêu tên Maria. Khi tội lỗi các bạn ghì các bạn xuống, và các bạn bị bối rối vì lương tâm mình cắn rứt. Khi tư tưởng về việc phán xét kinh hoàng làm các bạn hoảng sợ và các bạn bắt đầu buông xuôi theo cơn phiền muộn lẫn thất vọng. Các bạn hãy nhìn lên Sao. Hãy gọi tên Maria. Trong hiểm nguy, trong khốn khó, trong mọi day dứt, các bạn hãy nghĩ đến tên Maria. Hãy kêu lên Mẹ! Hãy giữ lấy Mẹ nơi miệng lưỡi các bạn, hãy giữ lấy Mẹ trong tâm hồn các bạn. Hãy theo gương đời sống Mẹ, các bạn sẽ được ơn Mẹ cầu cho. Hãy theo Mẹ các bạn không bao giờ bị lạc bước. Kêu cầu Người giúp đỡ các bạn sẽ không bao giờ thất vọng… Lòng từ ái của Mẹ sẽ theo các bạn tới cùng. Tới bấy giờ, theo kinh nghiệm của mình, các bạn mới biết thật sự Tên Trinh Nữ là Maria, là Sao Biển!”

(Advent 3, Seasons & Festivals of the Year, Vol. 1; transl. Mount Melleray Abbey; Westminster, Md: The Carroll Press, 1950, p. 91) 

 

Maria Bông Hoa Chiêm Niệm

 

 

Theo truyền thống Đông Phương, hoa thường được dùng để diễn tả các lãnh vực tư tưởng thâm sâu, các lãnh vực thường có một ý nghĩa sâu xa hay có một ý vị hay ho không nên để bị gò bó trong khuôn khổ ngôn ngữ và suy luận. Thay vì cắt nghĩa tư tưởng thâm sâu, Sư Phụ thường ngồi trước môn sinh nâng một đóa hoa lên. Sau đây là câu truyện vui hay hay được kể lại trong các viện tu Á Đông, nhan đề là “Đức Phật nâng đóa hoa lên”. Truyện kể thế này:

 

“Ngày xưa, khi Đức Phật thuyết pháp ở Núi Gradhraket, ngài giơ đóa hoa trước cộng đồâng. Thấy thế, tất cả đều im lặng. Một mình Đức Kasho mỉm cười. Đấng Phật liền nói: ‘Ta có Chân Lý Tối Thượng. Giờ đây ta trao cho Maha Kasho’”.

 

Sau đó một bài thơ nổi tiếng được sáng tác để dẫn giải câu truyện này:

 

            “Cầm một Bông Hoa 

            Bí mật lộ ra.

            Kasho cười mỉm;

            Cả cộng đồng ngơ ngác sững sờ”

(Zenkei, Zen Comments on the Mumonkan; New York: A Mentor Boas, 1975, p. 57, 66-67)

 

Bây giờ tôi xin hỏi qúi độc giả: “Theo qúi bạn nghĩ thì ‘bí mật’ của việc Đức Phật giơ bông hoa lên đây là gì, và tại sao lại chỉ có một người trong tất cả bao ngàn người tham dự có thể hiểu được bí mật ấy? Còn qúi bạn thì sao? Qúi bạn có hiểu ‘bí mật’ này không? Qúi bạn sẽ thực sự hiểu được và không thuộc về thành phần ngơ ngác, nếu qúi bạn biết lý do tại sao chính Mẹ Maria, “Hoa Hường Mầu Nhiệm”, là người tình trong Diễm Tình Ca, và tại sao chính Người gọi mình là “Bông Huệ Thung Lũng”. Mầu nhiệm Mẹ Maria phản ảnh trong thẳm cung linh hồn qúi bạn sẽ là mầu nhiệm dẫn qúi bạn đến cảm nghiệm chiêm niệm riêng của qúi bạn. Ví qúi bạn nên biết rằng, qúi bạn và tôi, tất cả chúng ta, đều cầm một cành hoa vĩnh cửu trong tay của mình; đúng hơn, chúng ta là chính bông hoa ấy. Khi cắt nghĩa “bí mật” việc Đức Phật cầm bông hoa, vị thiền sư tuổi tác viết:

 

“Mưa rơi đêm qua

tan nát bông hoa

Lâu đài hương sắc

Nước mắc chung quanh”.

 

Suy niệm về mầu nhiệm Maria, và cẩn thận chú ý đến Mẹ như một nhà chiêm niệm, và như một người nữ được Thiên Chúa chọn, có thể là một phương tiện tuyệt vời dẫn chúng ta đến cảm nghiệm chiêm niệm của riêng chúng ta trong thẳm cung con người mình. Đây không phải chỉ là thái độ của thời nguyên khác, hay là việc tôn sùng một vị thánh đặc biệt. Trái lại, nó là một lời kêu gọi phổ quát. Nó áp dụng cho cả nam nhân lẫn nữ giới như nhau, cho tất cả những ai muốn biết cảm nghiệm chiêm niệm của mình. Ở đây, chúng ta có một mô phạm tác hành diễn tiến trong mỗi một linh hồn. Theo tác hành này, là âm cực, mỗi một linh hồn sẽ tăng thêm nhận thức về mình tới mức độ nhận thức của Trinh Nữ Maria. Lòng dạ Mẹ Maria là một biểu hiệu hùng hồn cho “cõi lòng của con người chúng ta”, nhờ đó, tỏ cho chúng ta thấy được cái đói khát tiên nguyên của chúng ta trong việc ôm lấy Thiên Chúa. Thế nên, khi chúng ta sống theo nữ tính của Mẹ Maria trong chúng ta là chúng ta có được một cảm nghiệm chiêm niệm trong mình.

 


Hội Nghị Doha, một hội nghị cử hành để kỷ niệm 10 năm Năm Quốc Tế Tiên Khởi Về Gia Đình: Giáo Hôi Công Giáo Quyết Thắng ở Hội Nghị Cairo về Dân Số 10 Năm Trước Đây

 

Hôm Thứ Hai 29/11/2004, Hội Nghị Quốc Tế Doha về Gia Đình đã được khai mạc ở thủ đô nước Qatar trước sự hiện diện của 1500 quan khách, trong đó có cả Sheikha Moza Bint Nasser Al-Missned, vợ của tiểu vương nước này kiêm nữ sáng lập viên và là chủ tịch Hội Đồng Tối Cao của Qatar đặc trách Gia Đình Vụ là hội đồng bảo trợ cho hội nghị này.

Trong thành phần tham dự người ta còn thấy, ĐHY Alfonso Lopez Trujillo, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình, cùng với một số phần tử thuộc hội đồng này. Ngoài ra còn có ông Richard Wilkins, giám đốc Trung Tâm Qui Chế Gia Đình Thế Giới ở Đại Học Brigham Young tiểu bang Utah, vị được yêu cầu tổ chức biến cố hai ngày này, Tiến sĩ Gary Becker, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel ở Đại Học Chicago, các phần tử thuộc các cơ quan NGO không chính phủ, các vị học giả, các viện sĩ hàn lâm cùng các đại diện dân sự cùng tôn giáo, kể cả Đức Giáo Hoàng Shenouda III thuộc Giáo Hội Coptic Ai Cập.

Hội Nghị Doha, một hội nghị cử hành để kỷ niệm 10 năm Năm Quốc Tế Tiên Khởi Về Gia Đình, có ý để vừa khảo sát lại lời phát biểu ở Khoản 16, số 3 của Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền nói rằng “Gia đình là một đơn vị nhóm theo tự nhiên căn bản của xã hội, và có quyền được bảo vệ trước xã hội và quốc gia”, cũng như kiểm điểm lại những chính sách trên thế giới về gia đình. Hội nghị này hy vọng chứng tỏ cho thấy rằng vấn đề chú trọng tới gia đình là việc hướng dẫn vững chắc đối với vấn đề sức khỏe khả thủ của xã hội cũng như với thiện ích của xã hội.

 

Để thấy được Giáo Hội Công Giáo đã phải cương quyết và gay go đến thế nào trong việc chiến đấu chống văn hóa sự chết rất mãnh liệt trong Hội Nghị Cairo về Dân Số thế nào, chúng ta hãy cùng với vị đại diện Tòa Thánh bấy giờ và sử gia của TĐCGPII ôn lại biến cố kinh hoàng khủng khiếp này để tạ ơn Chúa. (Bài viết sau đây được trích từ cuốn Ánh Sáng Thế Gian của Cao Tấn Tĩnh, do Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam Hoa Kỳ xuất bản năm 2000, trang 214-227)
 

Ngày nay, đạo lý Kitô giáo còn bị cả trào lưu “văn hóa tử vong”, văn hóa duy nhân bản, tức trào lưu sống theo đạo làm người, mà là đạo làm người vô thần, nghĩa là đạo thờ thần tôi, đạo thờ nữ thần tự do, nổi lên chống đối nữa, càng ngày càng quyết liệt, nhất là về mặt luân lý liên quan đến quyền làm người tuyệt đối, quyền tự quyết hết mọi sự theo ý mình, kể cả sự sống của con người. Điển hình nhất là Hội Nghị Về Dân Số ở Cairô nước Ai Cập vào năm 1994. Để có thể cảm nhận được sức bung phá và hận thù như thế nào phát ra từ những con người văn minh đang có thế hoạt động trên bình diện quốc tế qua Hội Nghị này, trước hết chúng ta hãy nghe cảm tưởng của Đức Tổng Giám Mục Renato Martino, vị đại biểu của Tòa Thánh tham dự Hội Nghị, cho biết như sau:

 

·        Tôi lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh ở Cairô (năm 1994). Tôi có thể cho quí vị (phóng viên nguyệt san Inside The Vatican 8-9/1999, trang 67) biết là ở Hội Nghị Cairô chúng tôi có rất nhiều người, nhiều vị đại biểu, nhiều phái đoàn đại biểu và nhiều người khác nữa chống lại chúng tôi. Chúng tôi thật là đau khổ khi thấy được tình trạng hận thù này. Tôi sẽ không đề cập đến thành phần thù hận chúng tôi làm gì, mà chỉ cho quí vị biết những gì đã xẩy ra tại Hội Nghị Cairô thôi.

 

“Trong việc thương thuyết vào lúc cuối cùng của cuộc Hội Nghị Cairô, nhóm phác họa vấn đề đã đi đến kết luận thiên về việc phá thai, và vị chủ tọa của nhóm này bắt đầu kêu gọi các phái đoàn đại biểu mà ông biết là thích phá thai. Thế rồi, chỉ vào phút cuối cùng – chỉ vào phút cuối cùng mà thôi – ông mới nhường lời cho Tòa Thánh. Dĩ nhiên là Tòa Thánh nói ‘Không đồng ý!’ – chống lại việc phá thai.

 

“Sau đó, ông ta cho giải tán phiên họp. Thế nhưng ông đã không thèm đếm xỉa gì tới 17 chữ ký của các phái đoàn đại biểu cùng chí hướng với Tòa Thánh yêu cầu được trình bày để chống lại việc phá thai. Và cái gì đã xẩy ra? Ngày hôm sau, các đầu đề của tất cả mọi tờ báo trên thế giới đăng là ‘Toàn Thánh Vatican Cản Trở Hội Nghị Cairô’, ‘Tòa Thánh Vatican Bị Cô Lập’, ‘Tòa Thánh Vatican Đơn Thân Độc Mã’ v.v… v.v.

 

“Hôm sau, vị chủ tọa ấy đã xin lỗi về đường lối ông điều khiển buổi họp cũng như về việc ông phải cho các phái đoàn đại biểu yêu cầu đêm hôm trước được phát biểu. Đây là những mưu mô và là những phương pháp – những mưu mô bẩn thỉu – họ chơi chúng tôi. Từ bấy giờ họ đã cố gắng cho tới cùng, trong các cuộc họp khác, để đẩy mạnh ý tưởng phá thai.

 

“Một mình chúng tôi phải chịu trận, nếu cần, để chỉ cần bảo vệ những gì Đức Giáo Hoàng đã nói. Chúng tôi thấy có một số nước, mặc dù đồng ý với những nguyên tắc được chúng tôi bênh vực, song vào phút chót, đã rút lui khỏi vị thế bênh vực của Tòa Thánh, chỉ vì những ý tứ về chính trị, mặc dù họ hoàn toàn chấp nhận nguyên tắc được Tòa Thánh bênh vực. Thế nhưng, vào giây phút cuối cùng họ lại nói: ‘Này, chúng tôi không muốn làm phiền đến người này, người kia hay người nọ’.

 

“Thế là, vì ý tứ chính trị, họ chấp nhận đứng ở vị thế mập mờ, và họ bảo vệ một vai trò mập mờ.”

 

(trích Ánh Sáng Thế Gian, của Cao Tấn Tĩnh, Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam Hoa Kỳ, 2000, trang 214-227)

 

(còn tiếp)

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ