GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 5 CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

TRONG NĂM THÁNH THỂ

       

"Đấng đến sau tôi nhưng uy quyền hơn tôi"

 

Suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Vọng A-B-C

 

Chiêm Ngắm Lời Chúa là Thần Linh:

 

A.        "Đấng đến sau tôi (Gioan) nhưng uy quyền hơn tôi. Người là Đấng sẽ rửa anh em trong Thánh linh và trong lửa": Người là "nụ hoa nở ra từ các  rễ của (chồi Đavít)" - "Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người"' "Chúa Kitô phục vụ người Do Thái vì Thiên Chúa trung tín giữ những lời hứa của Ngài với các tổ phụ họ - Xin Thiên Chúa là nguồn mọi nhẫn nại và khích lệ làm cho anh em sống hòa hợp trọn vẹn với nhau theo tinh thần của Chúa Giêsu Kitô".

 

B.        "Có Đấng uy quyền hơn tôi sẽ đến sau tôi... Người sẽ rửa qúi vị trong Thánh Linh": "Như một mục tử, Ngài (Thiên Chúa) chăn nuôi đàn vật của mình" - "Lạy Chúa xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng tôi, và ban ơn cứu rỗi cho chúng tôi"' "Chúa không trì hoãn trong việc giữ lời Ngài hứa... vì Ngài muốn mọi người ăn năn thống hối - trong khi chờ đợi, hãy hết sức nỗ lực cho khỏi bị vết nhơ hay dơ bẩn và an bình trước nhan Ngài".

 

C.        "Lời của Thiên Chúa đã nói với Gioan con Zacharia trong sa mạc. Ông đã đi khắp miền sông Dược-Đăng loan báo phép rửa thống hối mang lại ơn tha thứ tội lỗi... dọn đường lối của Chúa... và mọi người sẽ được thấy ơn Thiên Chúa cứu độ": "Thiên Chúa xót thương và chính trực đang dẫn đưa -ch-Diên trong hân hoan bằng ánh sáng của Ngài" - "Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan' "Đấng đã khởi sự việc lành nơi anh em sẽ hoàn tất nó cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô -  Anh em có thể biết thẩm định đích thật các sự vật, bằng lương tâm trong sáng và việc làm vô tì tích".

  

Cảm Nghiệm Lời Chúa là Sự Sống:

 

"Lời đã hóa thành nhục thể" là "Đấng sẽ đến", như "nụ hoa nở ra từ các rễ của (chồi Đavít)" (bài đọc 1  năm A). Tức là, khi "đã hóa thành nhục thể", thì Người có hai bản tính: Một bản tính nhân loại, như Gioan, vì Người là giòng dõi của "chồi Đavít"' và một bản tính Thiên Chúa, "uy quyền hơn (Gioan)" (Phúc Âm năm A và B), vì theo nguồn gốc Thần Linh của mình, Người còn phát sinh "từ các rễ của (chồi Đavít)", tức từ các lời Thiên Chúa "hứa với nhà -ch-Diên và Giuđa" (bài đọc 1 CN1MV năm C).

 

Chính vì "Đấng sẽ đến sau (Gioan)" (Phúc Âm năm A và B) phát sinh từ một nguồn gốc Thần Linh như thế, mới có "Lời của Thiên Chúa đã nói với Gioan con Zacharia trong sa mạc. Ông đã đi khắp miền sông Dược-Đăng loan báo phép rửa thống hối mang lại ơn tha thứ tội lỗi... dọn đường lối của Chúa... và mọi người sẽ được thấy ơn Thiên Chúa cứu độ" (Phúc Âm năm C). Như thế, theo dự định của Đấng "muốn mọi người ăn năn thống hối" (bài đọc 2 năm B), Đấng "không trì hoãn trong việc giữ lời Ngài hứa" (bài đọc 2 năm B), thì "Đấng sẽ đến sau (Gioan)" này chính là "ơn Thiên Chúa cứu độ".

 

Thế nhưng, chính vì "Thiên Chúa trung tín giữ những lời hứa của Ngài với các tổ phụ của họ" (bài đọc 2 năm A) là dân tộc Do Thái mới xuất hiện một "Đấng sẽ đến sau (Gioan)". Như thế, trên thực tế, theo tiến trình cứu chuộc, "Thiên Chúa xót thương và chính trực đang dẫn đưa -ch-Diên trong hân hoan bằng ánh sáng của Ngài" (bài đọc 1 năm C): "Như một mục tử, Ngài chăn nuôi đàn vật của mình" (bài đọc 1 năm B), làm cho "sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người" (đáp ca năm A).

 

            Lạy Cha chúng con ở trên trời, Cha là "Chúa đã đối xử đại lượng với chúng con, đã tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con và ban ơn cứu rỗi cho chúng con" (đáp ca năm C và B), nơi "Đấng sẽ đến" là Con Cha, "Lời đã hóa thành nhục thể" - xin cho chúng con biết, "trong khi chờ đợi, hãy hết sức nỗ lực tránh vết nhơ hay dơ bẩn, và được an bình trước nhan (Cha)" (bài đọc 2 năm B), để nhờ đó chúng con "có thể biết thẩm định đích thật các sự vật, bằng lương tâm trong sáng và việc làm vô tì tích" (bài đọc 2 năm C), "cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô" (bài đọc 2 năm C).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TIẾNG KÊU TRONG SA MẠC

Bài Suy Niệm Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng

(Giáo Phụ Eusebius of Caesarea: Cap. 40: PG 24, 366-367)


Có tiếng của một người kêu trong hoang địa: hãy dọn đường cho Chúa, hãy dọn đường nẻo của Thiên Chúa cho ngay thẳng. Lời tiên tri này rõ ràng đã được nên trọn, không phải ở Giêrusalem mà là ở trong hoang địa, nơi Chúa tỏ vinh hiển của Ngài ra cũng là nơi ơn cứu độ của Thiên Chúa tỏ ra cho toàn thể nhân loại.

Chính ở nơi hoang địa mà Gioan Tẩy Giả đã loan báo việc hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, và cũng ở đó mới thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Những lời tiên tri này đã được nên trọn khi Chúa Kitô và vinh hiển của Người tỏ ra cho tất cả mọi người thấy, ở chỗ, sau khi Người chịu phép rửa thì các tầng trời liền mở ra và Thánh Thần dưới hình thù chim bồ câu đã đậu xuống trên Người, rồi có tiếng Chúa Cha phán để chứng nhận Con Mình: Này là Con Ta yêu dấu, hãy lắng nghe lời Người.

Lời tiên tri có ý nói rằng Thiên Chúa phải đến một nơi hoang địa, nơi mà từ ban đầu không thể tới được. Không một con người dân ngoại nào có một chút kiến thức gì về Thiên Chúa, vì những tôi tớ và tiên tri thánh đức của Ngài ở cách xa họ. Tiếng ấy truyền lệnh phải sửa dọn đường cho Lời của Thiên Chúa, ở chỗ, phải làm cho ngay ngắn những chỗ gồ ghề xiên xẹo, để Thiên Chúa của chúng ta khi đến có thể đi trên một đại lộ. Hãy dọn đường cho Chúa: đường ở đây là việc rao giảng Phúc Âm, là rao giảng một sứ điệp mới của sự ủi an, là sẵn sàng làm cho toàn thể nhân loại có thể nhận biết quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.

Hãy leo lên ngọn núi cao, mang tin mừng đến cho Sion. Hãy mạnh mẽ lên tiếng nói, mang tin mừng đến cho Giêrusalem. Những lời này rất hòa hợp với ý nghĩa của những gì đã nói đến trước đây. Những lời này, sau khi nói về tiếng kêu trong hoang địa, đã nói một cách thích hợp về các vị rao giảng tin mừng cũng như về việc loan báo sự kiện Thiên Chúa đến với con người. Việc đề cập đến các vị rao giảng tin mừng thật là thích hợp sau lời tiên tri nói về Gioan Tẩy Giả.

Sion đây nghĩa là gì, nếu không phải là thành đô trước đó được gọi là Giêrusalem? Đó là một ngọn núi được nhắc đến trong đoạn Thánh Kinh nói rằng: Đó là núi Sion, nơi Ngài cư ngụ. Thánh Tông Đồ viết: Chúa đã đến núi Sion. Phải chăng lời này ám chỉ về đoàn thể các vị tông đồ, thành phần được tuyển chọn từ đám dân chịu phép cắt bì trước đó?

Đó là Sion, là Giêrusalem, thành đô đã lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nó đứng cao ngất trên ngọn núi của Thiên Chúa, tức là, nó được nâng lên cao bên trên Lời hạ sinh duy nhất của Thiên Chúa. Cần phải leo lên núi cao để loan báo lời cứu độ. Ai là người mang tin mừng, nếu không phải là những kẻ rao giảng tin mừng? Mang tin mừng nghĩa là gì nếu không phải là rao giảng tin mừng cho tất cả mọi dân nước, trước hết cho những phố thị ở Giuđêa, tin mừng về việc Chúa Kitô đến thế gian?

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 23-24)


“Phục hồi được việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như việc gia tăng tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ”

Trong việc mở Năm Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã nói rõ, cũng trong Tông Thư về Năm Thánh Thể Xin Chúa Ở Với Chúng Con, ở khoản số 29, là Ngài ước mong Kitô hữu Công Giáo thực sự cảm nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể ở hai điều thực hành cụ thể chứng thực cảm nghiệm này là “phục hồi được việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như việc gia tăng tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ”. Ngài bày tỏ ước vọng thiết tha này của mình như sau:

• “Chớ gì đối với hết mọi người Năm Thánh Thể là một cơ hội quí báu để ý thức hơn nữa cái kho tàng khôn sánh được Chúa Kitô ký thác cho Giáo Hội của Người ấy. Chớ gì Năm Thánh Thể kích thích việc cử hành Thánh Thể sống động và sốt sắng hơn nữa, mang lại một đời sống Kitô giáo được biến đổi trong yêu thương… Chỉ cần làm sao trong Năm này, ở tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu, phục hồi được việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như việc gia tăng tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, là Năm ân sủng này hết sức thành đạt rồi vậy” (khoản số 29).

Trước hết, sở dĩ ĐTC mong ước thấy được Kitô hữu cần phải “phục hồi được việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật”, là vì tình trạng khô đạo và bỏ đạo đang xẩy ra mỗi ngày một trầm trọng trong Giáo Hội, nhất là ở các nước Tây Phương Âu Châu, nơi Kitô giáo đã phát triển dồi dào đến độ lan tràn khắp nơi trên thế giới. Trong buổi phát thanh 169 ngày 7/12/2003 cách đây một năm, cũng vào Mùa Vọng, vị linh mục về hưu Trần Văn Khoa ở Pháp, trong cuộc phỏng vấn của chương trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống ở Orange County, đã trả lời cho biết là giáo xứ của ngài có 2500 tín hữu, nhưng đi lễ Chúa Nhật chỉ có 50 người vào ngày không mưa. Phải chăng, chính vì bỏ Chúa, qua hiện tượng hiển nhiên bỏ lễ Chúa Nhật là Ngày của Chúa như thế, mà xã hội văn minh Âu Châu đang gặp khủng hoảng về văn hóa, đang trở thành nguồn mạch phát xuất thứ văn hóa sự chết và là nơi lan truyền thứ văn minh duy nhân bản vô thần, một thứ văn minh hợp thức hóa việc hôn nhân đồng tính, một thứ văn minh được tự do ly dị phá thai, một thứ văn minh đang có khuynh hướng tiến đến chỗ tạo sinh sao bản con người, một thứ văn minh triệt sinh an tử thành phần bệnh nhân bất trị v.v.

Trong huấn từ truyền tin Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng 28/11/2004, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở riêng dân chúng Kitô hữu Ý quốc về việc giữ Ngày Chúa Nhật này như sau:

• “Ở Ý quốc, chính vào những ngày này, bắt đầu sửa soạn cho Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc lần thứ 24 sẽ được tổ chức tại Bari vào thời khoảng 21-29/5/2005. ‘Chúng Ta không thể sống nếu không có Chúa Nhật’ là đề tài của cuộc gặp gỡ quan trọng này trong giáo hội, một biến cố trùng hợp khít khao với Năm Thánh Thể, làm tăng thêm tính cách nổi bật hơn nữa cho Năm Thánh Thể. Tôi kêu gọi cộng đồng giáo hội Ý quốc hãy sốt sắng sửa soạn cho biến cố thiêng liêng này, để ‘tái nhận thức một cách sâu xa lại ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật, ý nghĩa về ‘mầu nhiệm’ của ngày này, của việc cử hành ngày ấy, của tầm quan trọng của nó đối với đời sống Kitô hữu và nhân loại’ (Apostolic letter "Dies Domini," No. 3)”.

Sau nữa, ngoài mục đích mong muốn thấy con cái Giáo Hội Tây Phương “phục hồi được việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật”, ĐTC còn mong muốn thấy Giáo Hội khắp nơi “gia tăng tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ”. Bởi vì, Chúa Giêsu Thánh Thể, như Mẹ Maria, trước khi hoàn toàn kết thúc Biến Cố Fatima năm 1917, vào ngày 13/10, tức vào lần hiện ra cuối cùng, đã tỏ ra buồn sầu kêu gọi chung con người và riêng con cái Giáo Hội rằng: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”. Đó là lý do 3 em Thiếu Nhi Fatima, nhất là Phanxicô, đã luôn tìn dịp an ủi Chúa Giêsu Ẩn Thân trong Bí Tích Thánh Thể của em bằng Kinh Mân Côi. Và đó cũng là lý do, vào ngày 13/6/1929, tại thành Tuy Nước Tây Ban Nha, chị Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima sống sót, đã được thấy một thị kiến trong nguyện đường dòng của chị khi chị đang làm giờ thánh một mình từ 11 đến 12 giờ đêm như thế này:

“Bỗng nhiên, cả nhà nguyện bừng sáng, không còn lờ mờ với ngọn đèn chầu nhà tạm nữa. Một thánh giá bằng ánh sáng hiện ra trên bàn thờ cao lên tới trần nhà nguyện. Phần trên của cây thánh giá sáng hơn, có dung nhan cùng với thân mình của một người từ cạnh sườn trở lên; trên ngực của người này có một con chim câu bằng ánh sáng; bị đóng đanh vào thập giá là thân mình của một người khác. Dưới cạnh sườn chút xíu, có một chén thánh và một bánh thánh lớn lơ lửng trên không trung. Những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh. Bên phải cây thánh giá là Đức Mẹ với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội ở trong tay Mẹ. Bên trái cây thánh giá có những chữ lớn như thể bằng nước trong như thủy tinh chảy xuống trên bàn thờ làm thành những chữ: ‘Ân Sủng và Tình Thương’".

Đó là lý do, ở khoản số 18 trong Tông Thư về Năm Thánh Thể Xin Chúa Ở Với Chúng Con, ĐTC GPII đã đề cập đến một trong những mục đích của việc “gia tăng tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ” như sau:

• “Trong năm nay, cần phải quyết tâm thực hiện việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ nơi mỗi giáo xứ và các cộng đồng tu trì. Chúng ta hãy tìm giờ để quì trước Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, để lấy đức tin và đức mến của chúng ta đền tạ những hành động vô ý và coi thường, nhất là những xỉ nhục Chúa Cứu Thế của chúng ta phải chịu ở nhiều nơi trên thế giới”.

 

Hội Nghị Doha, một hội nghị cử hành để kỷ niệm 10 năm Năm Quốc Tế Tiên Khởi Về Gia Đình: Giáo Hôi Công Giáo Quyết Thắng ở Hội Nghị Cairo về Dân Số 10 Năm Trước Đây (tiếp)

 

Để theo dõi kỹ lưỡng hơn tiến trình chống lại “Phúc Âm Sự Sống” (tên của bức thông điệp Evanglium Vitae ban hành ngày 25/3/1995 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II) cũng là chống lại Giáo Hội, thẩm quyền bảo vệ lề luật Thiên Chúa, chúng ta hãy theo dõi bài tường thuật “Những Gì Đã Xẩy Ra Ở Hội Nghị Cairô” của Dale O’Leary được phổ biến trong tờ Nguyệt San Inside The Vatican 2/1999 (trang 85-87) sau đây.

 

·     “Hội Nghị Quốc Tế Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Dân Số và Phát Triển năm 1994 đã được tổ chức tại Cairô trong việc đối đầu với những đe dọa của nhóm Hồi Giáo cực đoan và trách Tòa Thánh Vatican đã hợp tấu việc đàn áp nữ giới. Các tham dự viên chia rẽ nhau một cách dữ dội về vấn đề phá thai. Bên được dẫn đầu bởi phái đoàn đại biểu Hoa Kỳ thì tranh đấu về từ ngữ có thể đưa đến việc chấp nhận phá thai như một phần của vấn đề sức khỏe sinh sản. Bên kia chống lại bất cứ một áp đặt nào về việc phá thai đối với các nước đang coi phá thai là việc bất hợp pháp. Các vị đại biểu của Tòa Thánh đóng vai trò chủ động trong cuộc tranh luận, bênh vực sự sống và gia đình, bênh vực người nghèo và các quyền lợi đích thực của nữ giới.

 

“Hội Nghị Cairô không phải là hội nghị đầu tiên về vấn đềø dân số. Năm 1974 Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một hội nghị về dân số tại Bucharest chấp nhận một Dự Án Thực Hiện Dân Số Thế Giới, đến năm 1984, hội nghị về dân số ở Thánh Phố Mễ-Tây-Cơ đẩy mạnh 88 đề nghị để thực hiện dự án này hơn nữa.

 

“Ở Hội Nghị Mễ-Tây-Cơ, phái đoàn đại biểu Hoa Kỳ dẫn đầu tranh đấu việc thêm chữ nghĩa vào các đề nghị để làm cho sáng tỏ vấn đề không được cổ võ phá thai như là một phương tiện kế hoạch hóa gia đình.

 

“Trong thập niên giữa Hội Nghị Mễ Tây Cơ và Cairô, Liên Hiệp Quốc Tế Hoạch Định Vai Trò Phụ Huynh (IPPF International Planned Parenthood Federation), các nhóm muốn kiểm soát dân số, và các nhóm phụ nữ cố gắng gây thêm ảnh hưởng của mình ở Liên Hiệp Quốc. Thay thế chính phủ Reagan và Bush, chính phủ Clinton đã ủng hộ vấn đề phá thai. Nắm được cơ hội này, những nhóm ấy chống lại ‘ngôn ngữ của Hội Nghị Mễ Tây Cơ’, thứ ngôn ngữ cần phải được bãi bỏ ở Hội Nghị Cairô.

 

“Ngoài ra, còn có những thay đổi thật nhiều trong giới những người để ý tới vấn đề kiểm soát dân số. Thành phần nữ giới ở các nước đang phát triển đã chống lại những chương trình kiểm soát dân số do các viên chức chính quyền bắt buộc họ nỗ lực đạt tới chỉ tiêu về việc thực hành ngừa thai hay hủy hoại bộ phận sinh sản. Những chương trình mới đã đề cao sức khỏe và quyền lợi phụ nữ. Theo bản tin tức chính thức của Hội Nghị Cairô thì ‘những mục tiêu của hội nghị này là tăng thêm quyền cho nữ giới – một tiến trình bao gồm việc cải tiến các khía cạnh về vị thế, sức khỏe, kiến thức và công ăn việc làm của họ – và bảo đảm quyền chọn lựa đối với vấn đề kế hoạch hóa gia đình’.

 

“Các cuộc hội nghị của Liên Hiệp Quốc được sửa soạn bằng những phiên họp dọn đường để soạn thảo sẵn các dự án thực hiện. Một cuộc họp như thế đã được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước vào tháng Ba năm 1994. Như đã dự định, ngôn ngữ được sử dụng trong Hội Nghị Mễ Tây Cơ đã được loại bỏ. Trong khi bản thảo không minh nhiên kêu gọi quyền phổ quát trong việc phá thai, nó cũng nói đến ‘vai trò làm mẹ an toàn’, đến ‘vấn đề phá thai không an toàn’, đến ‘vấn đề sức khỏe sinh nở và sinh dục’, đến ‘những quyền sinh sản và sinh dục’, đến ‘việc điều hòa thai nghén’ và đến ‘những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình toàn diện’ – những từ ngữ có trường hợp được xác định bao gồm cả trường hợp được phép phá thai. Có đoạn trong bản thảo viết như sau: ‘Những chương trình chăm sóc sức khỏe sinh dục và sinh sản, bao gồm cả các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, phải giúp cho việc tự do chọn lựa tối đa bao nhiêu có thể’. Một đoạn khác viết: ‘Để giúp cho các cặp vợ chồng và cá nhân đạt được mục tiêu sinh sản’. Cụm từ ‘các cặp vợ chồng và cá nhân’ gợi lên cho thấy bản chương trình này khích lệ sinh hoạt dục tính ngoài hôn nhân. Bản văn cũng có các câu ‘các hình thức khác nhau của gia đình” và “các cuộc phối hợp khác” là những gì được một số nước Hồi Giáo cho rằng đó là nỗ lực của Tây phương trong việc cổ động vấn đề đồng tính luyến ái.

 

“Một bản văn thẩm quyền mang tựa đề ‘Việc Hoạch Định Sức Khỏe Sinh Sản và Gia Đình là Quyền Lợi của Con Người’ do Văn Phòng Tổng Thư Ký chính thức của Hội Nghị Quốc Tế về Dân Số và Phát Triển viết: ‘bước đầu tiên để tiến đến việc cải tiến sức khỏe của thành phần vị thành niên là cất đi những ngãng trở về pháp lý cũng như về qui lệ làm cản bước đường của họ đến với những dịch vụ ấy’. Điều này được coi như là một cuộc tấn công quyền làm cha làm mẹ.

 

“Chính quyền Clinton hết lòng ủng hộ chủ trương của bản thảo ấy. Năm 1994, chính quyền Hoa Kỳ đã tăng ngân khoản tài trợ cho các chương trình dân số quốc tế lên tới 600 triệu Mỹ kim. Trong cuộc họp sửa soạn cho Hội Nghị, các đại biểu Hoa Kỳ làm áp lực bắt các đại biểu Châu Mỹ Latinh không được chống đối. Marta Casco, một đại biểu ở Honduras, đã đứng lên phản đối áp lực của Hoa Kỳ và tỏ ra không ưng thuận với việc dùng từ ngữ của bản thảo.

 

Trong khi chờ đợi, Cơ Quan Thông Tin Hoa Kỳ cho phổ biến một tập tổng hợp các bài viết mang tựa đề ‘Dân Số, Phát Triển và Vai Trò Nữ Giới: Cần Được Đồng Lòng Thỏa Thuận’, với lời giới thiệu của Tổng Thống Bill Clinton và Phó Tổng Thống Al Gore. Hai trong các bài viết này được trích từ cuốn ‘Vượt Ra Ngoài Những Con Số: Một Dẫn Giải về Dân Số, về Việc Tiêu Thụ và Môi Sinh’ (Island Press, 1994), do Laurie Ann Mazur duyệt thảo. Một trong những bài viết ấy, ‘Cứu Xét Các Vấn Đề Đạo Lý’, Ruth lập luận rằng, việc từ chối không cho nữ giới có thể phá thai một cách an toàn hợp pháp vì những ‘niềm tin và thói tục lâu đời’ là điều bất nhân vô đạo’. Một bài viết khác, ‘Việc Cân Bằng Những Mức Độ: Chính Sách về Dân Số và Sức Khỏe của Phụ Nữ’, Adrienne Germain và Jane Ordway lập luận: ‘Việc ngăn ngừa trẻ vị thành niên có thai đòi phải được xã hội chấp nhận vấn đề giáo dục về tình dục và các dịch vụ về ngừa thai đối với đám tuổi từ 13 tới 19’ và ‘các dịch vụ hoạch định gia đình, bao gồm cả việc phá thai an toàn, phải làm sao cho thuận lợi, tính chất của nó phải được cải tiến và mục tiêu của nó phải được mở rộng’.

 

“Điều đáng để ý ở đây là chính phủ Hoa Kỳ xuất bản  những bài viết chọn lọc này, những bài viết ăn rễ sâu vào trào lưu nữ giới, vào văn từ phản lại gia đình, tức là chính phủ Clinton đã tự đặt mình vào tư thế tương khắc đối nghịch với những quan tâm của Tòa Thánh.

 

“Ủy ban chính phát xuất ra việc sử dụng từ ngữ được bàn cãi này lại nằm dưới quyền chủ tọa của Fred Sai ở Ghana, chủ tịch của cơ quan Liên Hiệp Quốc Tế Kế Hoạch Hóa Vai Trò Phụ Huynh, một tổ chức đã hết mình vận động cho việc hợp thức hóa vấn đề phá thai.

 

Ngày 30 tháng 6 năm 1994, trên nhật báo Thời Điểm Trái Đất, tờ tổng hợp các cuộc hội nghị của Liên Hiệp Quốc, đã xuất hiện một nhan đề ‘Tòa Thánh Vatican Cương Quyết Giữ Vững Lập Trường Đối Với Hội Nghị Dân Số’. Trong số nhật báo này, Carla Shea, tay viết của tờ New York, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn Sai, mang tựa đề ‘Việc Sửa Soạn Cho Hội Nghị Cairô Bị Trầm Trọng’. Shea hỏi Sai: ‘Tôi có sai hay không khi đi đến kết luận rằng mục tiêu của hội nghị này là đặt lại vấn đề với chính những giả thiết và nền tảng ý hệ nơi trật tự xã hội cổ kính?’ Sai đã trả lời: ‘Đúng. Xác nhận ấy đúng. Đúng là như thế’…

 

“Việc Đức Thánh Cha phê phán về bản thảo (theo tác giả lần 1 ngày 19/3/1994, qua bức thư riêng gửi cho mọi vị quốc trưởng, và 3 lần sau qua các Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin hay Triều Yết Chung vào tháng 3, 4 và 8) đã làm bùng lên hàng loạt cuộc tấn công Tòa Thánh Vatican cũng như tấn công giáo huấn Công Giáo đối với vấn đề tính dục, sự sống và nữ giới. Mặc dầu Đức Thánh Cha đã kêu gọi nhiều lần việc tôn trọng nữ giới và việc bênh vực nữ giới, Tòa Thánh cũng vẫn bị tố cáo là chống lại việc giải phóng nữ giới.

 

“Trong khi có một số người ửng hộ bản thảo cho rằng Tòa Thánh Vatican đã hiểu lầm nó và cho rằng văn kiện này không tấn công gia đình hay vấn đề phá thai, thì lần nào các vị đại biểu yêu cầu các câu định nghĩa loại trừ vấn đề phá thai ra cần phải cho vào bản thảo họ đều bị chống đối kịch liệt.

 

“Ngày 5 tháng 9 năm 1994, ngày khai mạc hội nghị, Gro Brundtland, Thủ Tướng nước Na-Uy, kêu gọi ‘việc tha phép cho phá thai’ như là ‘một phương thế cần thiết trong việc bảo vệ sự sống của nữ giới’.

 

“Những phần tử của Các Tổ Chức Ngoài Chính Quyền (NGO: Non-Government Organizations) được phép phát biểu trong hội nghị cũng như được phép vận động các đại biểu. Một số đã cổ võ ‘quyền’ cho nữ giới phá thai. Francis Kissling, chủ tịch tổ chức Các Người Công Giáo Tự Do Chọn Lựa, một nhóm bị các giám mục Hoa Kỳ cho de, đã lợi dụng vị thế là một tổ chức ngoài chính quyền của mình để tấn công Tòa Thánh Vatican. Muthgard Toewe, thuộc nhóm Linh Động Truyền Thông với Nữ Giới theo Văn Hóa của Họ, tuyên bố rằng: ‘Mọi người phụ nữ đều có quyền – vì đó là một phần thuộc phẩm vị cũng như nhân quyền của họ – trong việc phá bất cứ một cái thai nào không cần thiết’.

 

“Tuy nhiên, có một vài đại diện của các tổ chức ngoài chính quyền thuộc các Đệ Tam Quốc Gia đã phê bình việc Liên Hiệp Quốc đang nhấn mạnh đến vấn đề ngừa thai đối với người nghèo. Margaret Ogla, một bác sĩ nhi đồng ở Kenya, đã nói đến những nạn ở xứ sở của mình: ‘Chúng tôi đang hết cả thuốc chính ngừa. Chúng tôi không có lấy cả ống tiêm, cả mũi chích, cả thuốc khử trùng, cả thuốc trụ sinh, thế mà các Trung Tâm An Sinh Gia Đình của chúng tôi lại không bao giờ thiếu các đồ dự trữ cho việc kiểm soát sinh sản. Nữ giới chết  xuất huyết bởi các thứ thuốc IUD’

 

“Zainab Sa’id Kabir, một giáo sư của Đại Học Bayero ở Nigeria, cũng phàn nàn rằng việc quá chú trọng tới ‘sức khỏe sinh sản’ đã đưa đến việc chểnh mảng chăm sóc sức khỏe căn bản: ‘Ở Châu Phi chúng tôi không chăm sóc về y tế cho lắm, chúng tôi không có các thứ thuốc kháng tố, song lại có đầy những thứ ngừa thai… Chúng tôi không thể nào không nghĩ rằng các thành phần viện trợ đã có những mưu đồ bí ẩn nào đó’.

 

“Henri Boulad, Giám Đốc của tổ chức Caritas Ai Cập, đã thách thức thuyết chủ trương dân số tăng gây ra nghèo khổ rằng: ‘Các trường hợp ở Ai Cập, Ấn Độ và Trung Hoa cho thấy việc tăng nhân số thực sự giúp cho các xứ sở ấy thoát được cảnh nghèo khổ. Vì tình trạng phong phú của một xứ sở là chính dân chúng của mình, nên việc tăng dân số lên thực sự không nguy hiểm bằng việc giảm dân số xuống… nạn dân số tăng quá nhiều là chuyện hoang đường, một chuyện vì được lập đi lập lại và tuyên truyền mới trở thành một tín điều vậy thôi’.

 

“Cuộc tranh cãi giữa những vị đại biểu xẩy ra dữ dội. Đến lúc căng thẳng nhất thì Dr. Sai đã đổ lỗi cho Tòa Thánh Vatican là gây cản trở cho việc đồng lòng thỏa thuận với nhau. Vào ngày 8 tháng 9 năm 1994, nhật báo Terra Viva, tờ tường thuật về các hoạt động của Liên Hiệp Quốc, đăng một đầu đề: ‘Các quyền của nữ giới bị giữ làm con tin: Nạn nhân của tình trạng thiếu đồng ý về việc phá thai’. Một bức tranh hí họa vẽ một đấng bậc Công giáo đang cau mày giữ chặt lấy cây thập giá và quay lưng lại với một đám đông đa văn hóa đang cầm các bảng hiệu yêu cầu ‘cùng nhau đồng thỏa thuận lòng’ và ‘dung hòa’.

 

“Thật ra, không có một sự thỏa thuận nào cả, vì các đại biểu của các nước Hồi Giáo và Công Giáo lo ngại là, nếu ngôn từ đang tranh luận về sức khỏe sinh dục và sinh sản được chấp nhận, thì việc ngoại quốc viện trợ sẽ dính liền với việc chấp nhận các chương trình cổ võ phá thai hay làm băng hoại các giá trị tôn giáo. Hội nghị đã đi đến chỗ tắc nghẽn.

 

“Bấy giờ phái đoàn đại biểu Ai Cập mới đề nghị dung hòa: vấn đề ngôn từ về sức khỏe sinh dục và sinh sản vẫn để nguyên trong bản văn, nhưng sẽ được thêm vào ở đầu văn kiện một chapeau (đoạn rào đón) là vấn đề thực hiện Chương Trình Thực Hiện là quyền tối hậu của mỗi quốc gia đối với việc hoàn toàn tôn trọng các giá trị đạo giáo và luân thường khác nhau của dân chúng.

 

“Bản Chương Trình Thực Hiện cũng nói rõ ràng là hội nghị không có thẩm quyền ban bố các thứ nhân quyền mới, như thế là phủ nhận chủ trương ‘các quyền sinh sản và sinh dục’. Ngôn từ của Hội Nghị ở Mễ Tây Cơ không bị bãi bỏ. Thay vào đó, thành ngữ đã được chấp nhận ở Hội Nghị Mễ Tây Cơ – ‘không có một trường hợp phá thai nào được cổ võ như phương pháp kế hoạch hóa gia đình’ – xuất hiện ở hai phần tách biệt. Chương Trình Thực Hiện cũng xin tài trợ 17 tỉ rưỡi Mỹ kim cho các chương trình kiểm soát dân số.

 

“Cả hai phía đều cho rằng mình thắng. Một nữ phát ngôn viên cho Tổ Chức Đại Đa Số Nữ Giới cho rằng Bản Chương Trình Thực Hiện được chấp thuận là ‘cái tát vào nỗ lực của Tòa Thánh Vatican trong việc làm trật đường rầy tình trạng phát triển của giới phụ nữ’.

 

“Olivia Gans, đại diện tổ chức Liên Hiệp Quyền Sống Quốc Tế cho rằng bên mình thắng, vì ngôn từ của Hội Nghị ở Mễ Tây Cơ vẫn còn giữ nguyên.

 

“Một số người ủng hộ bản thảo nguyên thủy công nhận là họ không thắng nổi ở những vấn đề then chốt. Jan Pronk, một đại biểu ở Nertherlands phàn nàn rằng: Câu ‘quyền sinh dục’ bị loại bỏ thật là đáng tiếc”.

 

Tuy nhiên, theo George Weigel, một trong những bình luận gia hàng đầu về tình hình luân lý và xã hội ở Hoa Kỳ, cũng là tác giả viết cuốn tiểu sử chân thực nhất về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua cuốn “Witness to Hope” (Cliff Street Books, 1999), thì:

 

·        “Việc thảm bại của chính quyền Clinton cũng như của nhóm liên minh quốc tế ở hội nghị dân số Cairô chắc chắn không phải là thành quả của riêng một mình Tòa Thánh… Tất cả những yếu tố này (được tác giả cho biết là do khối các quốc gia đệ tam thực hiện từ hai hội nghị dân số trước đó cho tới hội nghị lần ba đây), cộng với những can thiệp của Tòa Thánh (như những lần Đức Thánh Cha chính thức công khai liên tục lên tiếng chống lại tinh thần và hình thức của bản thảo đề ra cho hội nghị dân số ở Cairô vào tháng 9, qua các Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật  hằng tuần hay các Buổi Triều Kiến Chung mỗi ngày Thứ Tư hằng tuần, được tác giả liệt kê ở trang 723-724, chẳng hạn các ngày 12/6, 19/6, 22/6, 26/6, 3/7, 10/7, 17/7, 24/7, 31/7, 7/8, 14/8, 28/8/1994, nhất là lời Ngài viết gửi cho mọi vị quốc trưởng ngày 19/3/1994, trong đó, cả tác giả cuốn sách này, ở trang 718, và tác giả của bài viết trên đây, trang 86, đã trích lại cùng câu: ‘Có lý do để mà sợ rằng bản thảo ấy có thể gây ra một tình trạng suy thoái về luân lý khiến cho nhân loại bị thụt lùi một cách trầm trọng’), đã giúp vào việc chuyển hướng mẫu thức kiểm soát của hội nghị dân số ở Cairô từ ‘việc kiểm soát dân số’ đến ‘việc cho quyền nữ giới’… Nếu mẫu thức trao quyền cho nữ giới được phối hợp với việc tái sinh hóa đời sống gia đình cũng như việc tái xác nhận quyền năng làm mẹ của nữ giới, hơn là với cuộc cách mạng dục tính như đang diễn tiến nơi thế giới các nước phát triển, thì trên cầu trường chính trị quốc tế ở thế kỷ 21 sẽ xẩy ra khác hẳn

 

Hội nghị Cairô đã diễn tiến như thể hoàn toàn không đếm xỉa gì tới cuộc vận động của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong những tháng trước đó…

“Ai cũng nắm chắc được là trong tương lai vẫn không thể nào thoát được những cuộc đối chọi tương tự như thế xẩy ra… Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã đẩy mạnh cái chính yếu của luân lý trong lập luận về dân số lên chính tâm điểm của khấu trường thế giới, đã làm thay đổi được bản chất của cuộc tranh luận chung này, và đã giúp vào việc chuyển hướng cái bố cục của cuộc bàn luận từ ‘việc kiểm soát’ dân số sang việc cho quyền nữ giới.

 

Tiến trình hội nghị dân số ở Cairô đã được thay đổi là như thế”.

 

(Witness to Hope trang 726-727)

 

Trường hợp điển hình cuộc chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối tại Hội Nghị Cairô năm 1994 trên đây đã chứng thực là “bóng tối không át được ánh sáng” (Jn 1:5). Nói như thế không có nghĩa là hoàn toàn phủ nhận “quyền thống trị của tối tăm” (Col 1:13) trên thế gian này, một quyền thống trị đến nỗi có thể có thể “át được” (Jn 1:5) cả chính “ánh sáng thực” (Jn 1:9) là Chúa Kitô: “Đây là giờ của các người – giờ chiến thắng của tối tăm!” (Lk 22:53), tất nhiên cũng sẽ “át được” cả “các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5:14) khi tới thời điểm “được phép” (Rev 13:7; cũng xem 20:3,7) của nó, đến nỗi, như Người cảnh báo trước “lúc Con Người tới không biết Người có còn thấy đức tin trên thế gian này nữa chăng?” (Lk 18:8).

 

(trích Ánh Sáng Thế Gian, của Cao Tấn Tĩnh, Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam Hoa Kỳ, 2000, trang 214-227)

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ