GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 7 THỨ BA

       

Sứ Điệp của Tòa Thánh cho Ngày Thế Giới Hội Chứng Liệt Kháng, 1/12/2004


Kính gửi các Vị Chủ Tịch Chư Hội Đồng Giám Mục
và các Vị Giám Mục Đặc Trách Việc Chăm Sóc Mục Vụ về Sức Khỏe thuộc các Chư Hội Đồng Giám Mục này,
cùng toàn thể Dân Chúa

Anh chị em thân mến,

1. Cho đến nay đã trải qua một số năm Ngày Thế Giới Hội Chứng Liệt Kháng đã từng được cử hành vào ngày 1/12. Nhân dịp này, kể cả năm nay nữa, với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Việc Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe, tôi xin gửi một sứ điệp để nói lên việc Giáo Hội gần gũi và lời Giáo Hội phấn khích đến tất cả những ai đang chiến đấu chống lại nạn đại dịch tàn hại này, đến những ai chăm sóc và chữa trị thành phần bị nhiễm hội chứng hay vi khuẩn liệt kháng, cũng như đến những người cuối cùng này, những người bản thân đang cảm nếm mầu nhiệm khổ đau của con người. Năm nay, tổ chức của Liên Hiệp Quốc đặc trách chương trình Hội Chứng Liệt Kháng (UNAIDS) đã giành năm nay cho nữ giới, cho các em nữ nhi và cho vấn đề Hội Chứng Liệt Kháng cùng Vi Khuẩn Liệt Kháng, vì khả năng bị tổn hại nặng nề hơn của họ, so với nam giới, đối với việc bị nhiễm hội chứng liệt kháng hay vi khuẩn liệt kháng. Theo một cuộc nghiên cứu cho thấy thì họ bị nhiễm hội chứng hay vi khuẩn liệt kháng này 2.5% hơn nam giới.

2. Tôi chia sẻ mối quan tâm của cộng đồng thế giới về hình ảnh thảm thương gây ra bởi những hậu quả của nạn dịch về sức khỏe này, về những điều kiện sinh sống, về những viễn ảnh, về tình trạng và phẩm giá của nữ giới cũng như của các nữ nhi ở nhiều miền đất trên thế giới. Thật vậy, tác dụng của Hội Chứng Liệt Kháng hay Vi Khuẩn Liệt Kháng đối với thành phần nữ giới càng gây thêm trầm trọng hơn về vấn đề bất bình đẳng cũng như làm ngăn trở việc tiến bộ đối với tính cách đại đồng của các thứ quyền lợi. Ngoài ra, việc lây nhiễm này càng tăng phát nơi nữ giới, thành phần là cột trụ của gia đình và cộng đồng, càng đi đến chỗ nguy hiểm trong việc đổ vỡ về xã hội. Giáo Hội luôn luôn tỏ ra cương quyết trong việc bênh vực nữ giới và chính phẩm giá của họ, và đang chiến đấu chống lại những trường hợp kỳ thị vẫn còn là vấn đề lớn ngày nay trong xã hội của chúng ta, vấn đề cần phải cố gắng hơn nữa để bảo đảm việc loại trừ đi những gì chênh lệch liên quan tới nữ giới ở những lãnh vực giáo dục, bênh vực sức khỏe và làm việc.

3. Hội Chứng Liệt Kháng hay Vi Khuẩn Liệt Kháng là một trong những nạn dịch tàn hại nhất trong thời đại chúng ta; nó là một thảm kịch của nhân loại mà, vì tính cách trầm trọng và to tát của nó, là một trong những thách đố chăm sóc sức khỏe khó khăn nhất ở một tấm mức toàn cầu hiện nay. Dữ kiện được trình bày trong bản tường trình của Liên Hiệp Quốc “Tác Dụng của Hội Chứng Liệt Kháng” năm 2004 là những gì hiển nhiên cho thấy rằng: từ khi xuất hiện nạn dịch này (vào thập niên 1980), có trên 22 triệu người đã bị thiệt mạng trên thế giới vì Hội Chứng Liệt Kháng, và hiện nay có 42 triệu người đã bị nhiễm Vi Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng. Trong năm 2003, có 2.9 triệu người đã chết vì Hội Chứng Liệt Kháng và có 4.8 triệu người bị nhiễm Vi Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng. Hội Chứng Liệt Kháng là nguyên nhân chính gây chết chóc nơi thành phần ở tuổi từ 15 đến 49. Nơi nhiều xứ sở, nhất là ở Phi Châu cũng như ở các quốc gia bị nhiễm lây nhất, như Botswana, Swaziland và Zimbabwe, dịch Liệt Kháng lan tràn nhanh chóng với các thứ bệnh nạn, chết chóc, nghèo khổ và đớn đau. Gần đây, nạn dịch này đã tấn công một cách thảm hại vào những quốc gia có nhiều dân số, như Trung Hoa và Ấn Độ. Ước lượng là vào năm 2025, Hội Chứng Liệt Kháng sẽ gây thiệt mạng cho 31 triệu người ở Ấn Độ và 18 triệu người ở Trung Hoa.

4. Tình trạng này đối với trẻ em cũng thảm thương nữa. Thật vậy, theo dữ kiện của bản tường trình năm 2004 của UNICEF, UNAIDS và USAID, bản tường trình mang tựa đề “Trẻ Em Trên Bở Vực Thẳm”, giữa năm 2001 và 2003, tổng số trẻ em bị mồ côi bởi Hội Chứng Liệt Kháng tăng lên từ 11.5 đến 15 triệu em, phần lớn ở Phi Châu. Người ta ước lượng là vào năm 2010, ở vùng Hạ Mạc Sahara sẽ có tới 18.4 em bị mồ côi bởi Vi Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng. Chỉ nguyên trong năm 2003, có 2.5 triệu em bị mồ côi bởi nạn dịch này. Ngoài ra, con số gia tăng của các em đang thay đổi (nhất là ở Phi Châu) cơ cấu truyền thống của việc đón nhận các em mồ côi vào gia đình, vì những gia đình này, thành phần vốn đã nghèo, lại càng thấy khó khăn trong việc gánh thêm trách nhiệm đối với những em đó nữa.

5. Trong nhiều dịp, Đức Gioan Phaolô II đã nói tới vấn đề này và đã cung cấp cho chúng ta những đường hướng khôn ngoan cho thấy bản chất của thứ bệnh này, việc ngăn ngừa nó, tác hành của bệnh nhân cũng như của những ai chăm sóc họ, và vai trò thẩm quyền dân sự cùng các khoa học gia cần phải thực hiện. Tôi muốn nhấn mạnh đến những gì ngài suy nghĩ liên quan tới tình trạng liệt kháng về những giá trị luân lý và tâm linh cũng như liên quan đến vấn đề dính dáng tới các thành phần nạn nhân Hội Chứng Liệt Kháng, thành phần cần được hưởng trọn vẹn việc chăm sóc và dịch vụ vì họ là thành phần cần đến chúng nhất. Đặc biệt là trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2005 (số 3-4), Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng thảm kịch Hội Chứng Liệt Kháng là một thứ ‘bệnh lý về tinh thần” và để chiến đấu với nó một cách ý thức cần phải gia tăng việc ngăn ngừa bằng cách dạy cho con người biết tôn trọng giá trị linh thánh của sự sống cũng như bằng việc hướng dẫn thực hành đứng đắn tính dục.

6. Chúng ta cần phải loại trừ đi vết nhơ rất thường làm cho xã hội tỏ ra hà khắc đối với thành phần nạn nhân của Hội Chứng Liệt Kháng. Để đánh tan các thành kiến của những ai sợ sống gần gũi với thành phần nạn nhân Hội Chứng Liệt Kháng vì họ muốn tránh bị lây nhiễm, chúng ta cần phải nhớ rằng Hội Chứng Liệt Kháng chỉ được lây lan qua ba cách, đó là lây qua máu me, qua liên hệ giữa thai mẫu và thai nhi, và qua giao tiếp về tình dục. Cần phải chiến đấu chống lại tất cả mọi cách thức lây lan này một cách hiệu nghiệm nhờ đó loại trừ được chúng. Đối với vấn đề giao tiếp về tình dục, chúng ta cần phải nhớ rằng việc lây nhiễm phải được loại trừ bằng hành vi cử chỉ hữu trách cũng như bằng việc tuân giữ nhân đức trọng sạch. Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng, khi đề cập tới Thượng Hội Giám Mục Phi Châu năm 1994, đã lập lại lời huấn dụ được nói lên bởi các vị Giám Mục tham dự thượng hội này: “cảm tình, niềm vui, hạnh phúc và bình an đạt được qua đời sống hôn nhân và sự thủy chung Kitô giáo là những gì, giống như sự an toàn được đức trong sạch bảo đảm thế nào, phải được liên tục trình bày cho tín hữu, nhất là cho giới trẻ”.

7. Đáp lại lời kêu gọi thảm thiết của Đức Thánh Cha ấy, Giáo Hội Công Giáo, ngay từ khi thảm họa kinh hoàng này mới xuất đầu lộ diện, đã luôn luôn đóng góp vào cả việc ngăn ngừa việc truyền nhiễm Vi Khuẩn Liệt Kháng cũng như trong việc chăm sóc các nạn nhận Hội Chứng Liệt Kháng cùng gia đình của họ ở những lãnh vực y khoa hay hỗ trợ, xã hội, thiêng liêng và mục vụ. Hiện nay, có 26.7% các trung tâm giành để chữa trị Hội Chứng Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng trên thế giới là Công Giáo. Những dự án và những chương trình bao gồm vấn đề giáo dục và ngăn ngừa liên quan đến Hội Chứng Liệt Kháng, cũng như đến việc chăm sóc, chữa trị và hỗ trợ về mục vụ các nạn nhân nhiễm Vi Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng này được các Giáo Hội địa phương, các tu hội và các hiệp hội giáo dân cổ vỡ một cách ưu ái, bằng một cảm quan trách nhiệm cũng như bằng một tinh thần bác ái là một con số khá nhiều. Song song với nỗ lực vô giá và đáng khen này, Hội Đồng Tòa Thánh về Việc Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe đã đáp ứng lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị trong lời ngỏ với các vị Giám Mục thuộc Các Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu, Úc Châu và Âu Châu, đã xin các vị hãy liên kết với các vị mục tử ở Phi Châu trong việc giải quyết một cách hiệu nghiệm tình trạng khẩn trương Hội Chứng Liệt Kháng.

8. Để đạt được nhiều thành quả trong việc chiến đấu với Vi Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng, ở đây tôi xin nêu lên một lần nữa một số qui chế hành động được tôi vạch ra trong bài diễn từ của tôi ở Khóa Họp Đặc Biệt XXVI của Tổng Hội Đồng LHQ về Vi Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng (Nữu Ước năm 2001):

- Ủng hộ những dự án chung toàn cầu trong việc chiến đấu chống Vi Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng.
- Gia tăng việc giáo dục ở học đường và việc dạy giáo lý về các thứ giá trị của sự sống và tình dục.
- Loại trừ tất cả mọi hình thức kỳ thị liên quan đến thành phần nạn nhân nhiễm i Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng.
- Cung cấp tín liệu đầy đủ về nạm dịch tễ này.
- Kêu gọi các chính phủ kiến tạo các điều kiện thích thuận để chiến đấu với cuộc khổ nạn này.
- Duy trì việc tham dự hơn nữa về phía xã hội dân sự trong việc chiến đấu chống lại Hội Chứng Liệt Kháng.

- Xin các quốc gia kỹ nghệ hóa giúp các quốc gia cần đến việc giúp đỡ này trong cuộc vận động chống Hội Chứng Liệt Kháng miễn là làm sao tránh được tất cả mọi hình thức thực dân đế quốc.
- Giảm bớt tối đa giá của các loại thuốc men và y khoa chống vi khuẩn cần thiết để chữa trị thành phần bệnh nhân nhiễm Vi Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng.
- Gia tăng các thứ hướng dẫn để tránh lây lan vi khuẩn từ thai mẫu sang thai nhi.
- Chú trọng hơn nữa đến việc chữa trị và chăm sóc cho hài nhi seropositive cũng như việc bảo vệ trẻ em bị mồ côi bởi Hội Chứng Liệt Kháng.
- Chú trọng hơn nữa tới các nhóm xã hội yếu kém nhất.

9. Tôi xin được kết thúc bằng lời nguyện cầu đặc biệt có ý nghĩa hợp với cơ hội này, một lời nguyện cầu được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vào dịp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2005, cầu cho những ai đang trải qua khổ đau và nhìn thấy trên dung nhan của con người chịu khổ dung nhan của Chúa Kitô. Tôi kêu mời anh chị em, hỡi anh chị em thân mến, hãy sử dụng kinh nguyện này như là của anh chị em:

“Ôi Maria, Trinh Nữ Vô Nhiễm, Người Nữ khổ đau và hy vọng, xin hãy tò lòng từ ái với mỗi một con người đang chịu khổ đau và giúp cho hết mọi người được tràn đầy sự sống.

“Xin hãy hướng ánh mắt từ mẫu của mình đặc biệc về những ai ở Phi Châu đang hết sức thiếu thốn vì bị nhiễm Hội Chứng Liệt Kháng hay bởi một thứ bệnh nạn tử vong khác.

“Xin hãy nhìn đến các bà mẹ đang khóc thương con cái mình; xin hãy nhìn đến các người làm ông làm bà không đủ nguồn lợi để nâng đỡ cháu chắt trở thành mồ côi của mình. Xin hãy ghì chặt lấy họ trong trái tim làm Mẹ của mình, hỡi Nữ Vương Phi Châu và toàn thế giới, Lạy Rất Thánh Trinh Nữ, xin cầu cho chúng con!”

+ ĐHY Janier Lozano Barragán
Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Chăm Sóc Mục Vụ về Sức Khỏe

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 24/11/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)


ĐTC GPII: Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2005: “Chúa Kitô, Niềm Hy Vọng Cho Phi Châu”, nơi đang bị hành hạ bởi Hội Chứng Liệt Kháng


Năm 2005, Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 13 sẽ được tổ chức ở Yaoundé nước Cameroon vào ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2, ngày được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn để tổ chức biến cố quốc tế hằng năm này tại Đền Thánh Mẫu trên toàn thế giới, bắt đầu từ Đền Thánh Mẫu Lộ Đức, nơi Mẹ đã chữa lành cho nhiều bệnh nhân, được cả khoa học lẫn Giáo Hội công nhận. Vì Phi Châu, ngoài những cuộc xung đột dai dẳng và đẫm máu về chính trị và nội chiến ở nhiều nơi, đang bị quằn quại bởi nhiều bệnh hoạn chí tử, nhất là nạn Hội Chứng Liệt Kháng, Đức Thánh Cha đã đặc biệt hướng về Phi Châu trong năm 2005, bằng sứ điệp cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2005 nguyên văn như sau.


1.     Vào năm 2005, tiếp tục 10 năm trước, Phi Châu một lần nữa sẽ chủ sự các cuộc cử hành chính cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân sẽ được tổ chức tại Đền Thánh Maria Nữ Vương Các Tông Đồ ở Yaoundé nước Cameroon. Việc chọn lựa này sẽ cống hiến cơ hội để bày tỏ tình đoàn kết cụ thể đối với các thành phần dân chúng ở châu lục này, những người đang quằn quại với những thảm bại về việc chăm sóc sức khỏe. Nhờ đó, tiến tới chỗ thực hiện một cuộc dấn thân được Kitô hữu ở Phi Châu, 10 năm trước đây, đã cho thấy trong Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ ba, tức là trở thành ‘những người Samaritanô nhân lành’ đối với anh chị em đang gặp khốn khó của mình.


Thật vậy, trong Tông Huấn “Giáo Hội tại Phi Châu” Hậu Thượng Hội Giám Mục Phi Châu của mình, căn cứ vào những nhận định của nhiều vị Nghị Phụ của Thượng Hội này, tôi đã viết rằng “Phi Châu hiện đại có thể được so sánh với con người đi từ Giêrusalem đến Giêrichô; người này bị rơi vào tay những tay cướp giật, thành phần đã tước đoạt anh ta, đánh đập anh ta rồi bỏ đi, để anh ta ngấp ngoái chết (x Lk 10:30-37). Và tôi đã thêm là “Phi Châu là một Lục Địa có vô vàn con người ta, cả nam lẫn nữ, cả trẻ em lẫn giới trẻ, đang thực sự nằm ở lề đường, bị bệnh nạn, bị thương tích, bị tàn tật, bị vất vưởng và bị bỏ rơi. Họ hết sức cần đến những Người Samaritanô Nhân Lành đến cứu giúp họ” (n. 41: AAS, 88 [1996], 27).


2.     Ngày Thế Giới Bệnh Nhân còn có mục đích của nó đó là để khích lệ suy tư về quan niệm sức khỏe, một quan niệm mà, ở ý nghĩa trọn vẹn nhất của nó, cũng là một dạo khúc cho một tình trạng hòa hợp của con người với chính bản thân mình và với thế giới chung quanh họ. Bởi vậy, chính vì cái nhãn quan này mà Phi Châu đang thể hiện, một cách phong phú đặc biệt theo truyền thống văn hóa của mình, như được sinh ra để làm chứng cho nhãn quan ấy bằng rất nhiều biểu hiện nghệ thuật, có tính chất cả về dân sự lẫn tôn giáo, những biểu hiện đầy cảm quan hân hoan, nhịp điệu và âm nhạc.


Tuy nhiên, tiếc thay, tình trạng hòa hợp này, hôm nay đây, đang bị lũng đoạn một cách trầm trọng. Rất nhiều bệnh nạn tật nguyền đang tàn phá châu lục này, trong số tất cả những bệnh tật ấy, đặc biệt có khổ nạn của Hội Chứng Liệt Kháng, “một hội chứng đang gieo rắc khổ đau và chết chóc ở nhiều phần đất của Phi Châu” (ibid., n. 116; 1.c., 69).


Những cuộc xung đột và chiến tranh, những thứ hành hạ chẳng phải chỉ ở một ít miền đất Phi Châu nào, đang làm cho những cuộc nhúng tay vào can thiệp để ngăn ngừa và chữa trị những thứ bệnh nạn tật nguyền thêm phần khó khăn. Nơi những trại giành cho những người tị nạn và những người di tản, thường thấy có những con người nằm đó thiếu thốn thậm chí đến cả những thứ tiếp tế bất khả thiếu cần thiết cho sự sống còn. Tôi kêu gọi những ai có khả năng làm điều này hãy thực sự dấn thân để chấm dứt những thảm trạng ấy (cf. ibid., n. 117:1.c., 69-70).


Tôi cũng nhắc nhở những ai có trách nhiệm về vấn đề buôn bán vũ khí là vấn đề được tôi viết trong văn kiện này rằng: “Những ai xui bẩy các cuộc chiến tranh ở Phi Châu qua việc buôn bán vũ khí là những kẻ đồng lõa vào những thứ tội ác ghê tởm phạm đến nhân loại” (ibid., n. 118: 1.c., 70).


3.     Về vấn đề thảm kịch Hội Chứng Liệt Kháng (AIDS), tôi đã có cơ hội trong các trường hợp khác nhấn mạnh rằng AIDS cũng là một “chứng bệnh về tinh thần”. Để chiến đấu với AIDS một cách có ý thức thì việc ngăn ngừa nó cần phải được gia tăng qua vấn đề dạy cho con người biết tôn trọng giá trị linh thánh của sự sống cũng như qua việc hướng dẫn thực hành đứng đắn tính dục. Thật vậy, mặc dù có nhiều thứ lây nhiễm xẩy ra qua máu mủ, nhất là trong giai đoạn có thai, những nhiễm lây cần phải hết sức nỗ lực chiến đấu chống lại, những thứ lây nhiễm xẩy ra qua ngả tình dục, một thứ tình dục có thể tránh lánh trước hết và trên hết bằng hành động hữu trách cùng với việc giữ mình trọng sạch, vẫn chiếm số nhiều.


Các vị Giám Mục tham dự Thượng Hội về Phi Châu năm 1994 được đề cập đến trên đây, khi đề cập tới vai trò được tác hành vô trách nhiệm về tình dục đã góp phần vào việc truyền lan chứng bệnh này, đã đưa ra một lời khuyến dụ tôi xin được nêu lên một lần nữa ở đây: “Cảm tình, niềm vui, hạnh phúc và bình an đạt được qua đời sống hôn nhân và sự thủy chung Kitô giáo là những gì, giống như sự an toàn được đức trong sạch bảo đảm thế nào, phải được liên tục trình bày cho tín hữu, nhất là cho giới trẻ” (Apostolic Exhortation "Ecclesia in Africa," n. 116: AAS, 88 [1996], 27).


4.     Hết mọi người cần phải cảm thấy dính dáng đến cuộc chiến chống AIDS. Nó tùy thuộc vào những ai nắm chính quyền cũng như các thẩm quyền dân sự trong việc cung cấp, liên quan đến cùng một đề tài này, các thứ tín liệu rõ ràng và xác đáng để phục vụ thành phần công dân, cũng như trong việc giành ra những phương tiện đầy đủ để giáo dục giới trẻ và chăm sóc sức khỏe. Tôi xin các tổ chức quốc tế hãy phát động các sáng kiến ở lãnh vực này, những sáng kiến được tác động bởi đức khôn ngoan và tình đoàn kết, bao giờ cũng kiếm cách bênh vực phẩm giá con người và ủng hộ quyền lợi cho sự sống.


Thực sự là đáng khen ngợi cho những hãng bào chế dược liệu quyết tâm hạ giá thuốc men được dùng trong việc chữa trị AIDS. Chắc chắn là cần phải có các nguồn kinh tế trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe và còn cần cả những nguồn kinh tế khác nữa để những thứ thuốc men này được tung ra trên thị trường, thế nhưng, trước những tình trạng khẩn cấp như AIDS thì việc bảo toàn sự sống con người phải được ưu tiên trước tất cả mọi tính toán.


Tôi xin các cán sự mục vụ “hãy mang đến cho anh chị em của mình bị lây nhiễm AIDS tất cả mọi niềm an ủi có thể về vật chất, luân lý và thiêng liêng. Tôi khẩn thiết xin các khoa học gia cùng các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới, cảm kích bởi lòng mến yêu và trọng kính hết mọi con người, hãy sử dụng mọi phương tiện trong tầm tay để chấm dứt cuộc khổ nạn này” (Apostolic Exhortation "Ecclesia in Africa," n. 116: 1.c.).


Ở đây, tôi đặc biệt nhớ đến và ca ngợi chính những cán sự chăm sóc sức khỏe, những người phụ tá mục vụ và những tình nguyện viên, thành phần, như những Người Samaritanô Nhân Lành, đã sống cuộc đời bên cạnh các nạn nhân AIDS cùng chăm sóc cho các thân nhân của họ. Về phương diện này, dịch vụ mà cả hằng triệu tổ chức chăm sóc sức khỏe của Công Giáo cung cấp là những gì cao quí, khi họ thực sự đến giúp đỡ, có những lúc tỏ ra can trường, những người ở Phi Châu bị lây nhiễm hết mọi thứ tật bệnh, đặc biệt là AIDS, sốt rét và lao phổi.


Những năm gần đây tôi đã từng nhận thấy rằng các lời kêu gọi của tôi nhân danh thành phần nạn nhân AIDS đã không trở thành luống công vô ích. Tôi cảm thấy hài lòng khi thấy rằng có những quốc gia và tổ chức khác nhau hợp lực ủng hộ các cuộc vận động cụ thể liên quan đến vấn đề ngăn ngừa và chữa trị những ai đang chịu khổ bởi AIDS.


5.     Giờ đây, một cách đặc biệt, tôi hướng đến anh em, hỡi quí huynh Giám Mục thuộc Các Hội Đồng Giám Mục ở những châu lục khác trên thế giới, quí huynh hãy quảng đại hợp tác với các Vị Mục Tử ở Phi Châu để giải quyết một cách hiệu nghiệm các tình trạng khẩn cấp này và các trường hợp khẩn trương khác. Hội Đồng Tòa Thánh về Việc Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe sẽ không ngừng cống hiến, như đã từng thực hiện trong quá khứ, việc đóng góp của mình vào vấn đề điều hợp và cổ động việc hợp tác này, khi kêu gọi hết mọi Hội Đồng Giám Mục tỏ ra việc nâng đỡ cụ thể.


Mối quan tâm của Giáo Hội về các vấn đề ở Phi Châu được tác động nguyên bởi những lý do từ nhân thương cảm đối với những người khốn khó, nó cũng được tác động bởi việc gắn bó với Chúa Kitô Cứu Chuộc, Đấng có dung nhan được Giáo Hội nhìn thấy nơi những đặc tính của hết mọi con người đau khổ. Bởi thế, chính đức tin đã thúc đẩy Giáo Hội hoàn toàn dấn thân chăm sóc cho thành phần bệnh nhân, như Giáo Hội đã từng làm trong giòng lịch sử. Chính đức cậy trông đã làm cho Giáo Hội có thể kiên trì theo đuổi sứ vụ này, bất chấp đủ thứ trở ngại Giáo Hội đụng phải. Sau hết, chính đức bác ái là những gì đã hướng dẫn Giáo Hội thực hiện đường lối xác đáng nơi những trường hợp khác nhau, giúp Giáo Hội có thể nhận thấy các đặc tính đặc biệt nơi mỗi một con người để mà đáp ứng.


Bằng đường lối tận tình chia sẻ này, Giáo Hội đã tiến đến với thành phần bị tổn thương trong cuộc sống để cống hiến cho họ tình yêu thương của Chúa Kitô qua nhiều hình thức giúp đỡ được “tính cách sáng tạo của đức bác ái” (Apostolic Letter "Novo Millennio Ineunte," n. 50) gợi ý cho Giáo Hội trong việc Giáo Hội cứu trợ họ. Đối với mỗi một người trong họ, tôi muốn nói rằng: xin hãy can đảm lên, Thiên Chúa không lãnh quên anh chị em đâu. Chúa Kitô đang chịu khổ với anh chị em. Và anh chị em, khu hiến dâng những nỗi khổ đau của mình, có thể cùng với Người hoạt động cho phần rỗi của thế giới.


6.     Việc cử hành hằng năm Ngày Thế Giới Bệnh Nhân cống hiến cho hết mọi người cơ hội để ý thức một cách hiệu nghiệm hơn nữa tầm quan trọng của việc chăm sóc mục vụ nơi lãnh vực sức khỏe. Trong thời đại của chúng ta đây, một thời đại được đánh dấu bằng một thứ văn hóa duy thế tục, có những lúc con người hướng chiều về việc không cảm nhận được hoàn toàn lãnh vực mục vụ này. Họ nghĩ rằng số mệnh của con người cũng bị nguy khốn ở các phương diện khác nữa. Trái lại, đặc biệt chính vào lúc bệnh hoạn mà mới khẩn trương can đến những giải đáp nhất cho những vấn nạn tối hậu liên quan tới sự sống của con người: những vấn nạn về ý nghĩa của đớn đau, của khổ đau cũng như của chính sự chết, những vấn nạn được thấy như là một thứ bí ẩn cần phải được tận lực đối diện nhưng cũng là một mầu nhiệm được Chúa Kitô chấp nhận cuộc sống của chúng ta và mở ra cho nó một cuộc tái sinh vĩnh viễn cho một sự sống vô cùng bất tận.


Niềm hy vọng cho một thứ sinh lực thật sự và hoàn toàn là ở nơi Chúa Kitô; ơn cứu độ được Người mang đến là lời giải đáp thực sự cho những vấn nạn tối hậu của con người. Không có vấn đề mâu thuẫn giữa sinh lực trần thế và sinh lực trường cửu, bởi vì vị Chúa này đã chết cho sinh lực nói chung của con người cũng như của tất cả mọi người (cf. 1 Peter 1:2-5; Liturgy of Good Friday, the Adoration of the Cross). Ơn cứu độ là nội dung tối hậu của Tân Ước vậy.


Bởi thế, vào Ngày Thế Giới Bệnh Nhân năm tới, chúng ta muốn loan báo niềm hy vọng cho một thứ sinh lực trọn vẹn cũng như cho toàn thể nhân loại, dấn thân hoạt động một cách cương quyết hơn nữa trong việc phục vụ cho lý tưởng cao cả này.


7.     Trong đoạn phúc âm về Các Mối Phúc Đức, Chúa Kitô đã công bố rằng: “Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an” (Mt 5:4). Cái tương khắc dường như hiện hữu giữa khổ đau và niềm vui đang được thắng vượt nhờ tác động ủi an của Thánh Linh. Khi uốn nắn chúng ta theo mầu nhiệm của Chúa Kitô là Đấng tử giá và sống lại, vị Thần Linh này nhờ đó hướng chúng ta tới một niềm vui được đạt tới tầm mức trọn vẹn của nó nơi cuộc hội ngộ diễm hạnh với Đấng Cứu Chuộc. Thật ra con người không chỉ khát vọng niềm phúc hạnh thuần thể lý hay tinh thần thôi, mà còn là một thứ “sinh lực” cho thấy nó hoàn toàn hòa hợp với Thiên Chúa, với bản thân họ cũng như với nhân loại. Mục đích này chỉ có thể đạt tới nhờ mầu nhiệm Khổ Nạn, Tử Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô mà thôi.


Rất Thánh Nữ Maria cống hiến cho chúng ta một tiền thân sống động về thực tại cánh chung này, nhất là qua các mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mông Triệu Về Trời của Người. Nơi Người, vị đã được thụ thai không hề có bất cứ một bóng mờ tội lỗi nào, là tất cả những gì cởi mở hướng về ý muốn của Thiên Chúa cũng như cho việc phục vụ con người, nhờ đó tình trạng hoàn toàn hòa hợp này đã làm xuất phát ra một niềm hân hoan vui mừng. Bởi thế chúng ta sử dụng đúng tước hiệu khi hướng về Mẹ và kêu cầu Mẹ là “nguồn vui”. Những gì Vị Trinh Nữ này ban cho chúng ta đó là một niềm vui dù ở ngay giữa các cuộc thử thách.


Tuy nhiên, khi nghĩ đến Phi Châu, nơi có đầy giẫy những nguồn nhân bản, văn hóa và tôn giáo nhưng cũng là nơi đang phải chịu đựng những đau thương khôn xiết, môi miệng của tôi tự nhiên nẩy lên lời nguyện cầu đau thương sau đây:


Maria, Vị Trinh Nữ Vô Nhiễm,
Người Nữ của niềm đau và hy vọng,
Xin thương cảm từng người khổ đau
Và xin giúp cho hết mọi người được một sự sống trọn vẹn.

Xin hãy hướng đôi mắt từ mẫu của Mẹ
Đặc biệt tới những ai ở Phi Châu
Đang hết sức sống trong khốn khổ
Bởi nhiễm phải Hội Chứng Liệt Kháng hay một thứ bệnh vong mạng khác.

Xin hãy nhín đến các bà mẹ đang khóc thương con cái mình;
Xin hãy nhìn đến những người làm 6ong làm bà không đủ khả năng
Để nâng đỡ cháu chắt của mình bị mồ côi cha mẹ.

Xin hãy ôm lấy tất cả họ vào lòng Từ Mẫu của Mẹ,
Hỡi Nữ Vương Phi Châu và toàn thế giới,
Hỡi Trinh Nữ Rất Thánh, cầu cho chúng con!

Tại Vatican ngày 8/9/2004

Gioan Phaolô II


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 30/9/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ