GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 8 THỨ TƯ, LỄ MẸ VÔ NHIỄM

 

Lễ Mẹ Vô Nhiễm, 8/12      

 

Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể

Trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, có hai khẳng định về vai trò của Mẹ Maria giúp chúng ta ý thức và cảm nghiệm Thánh Thể được ĐTC GPII nói đến. Khẳng định thứ nhất đó là: “Nếu chúng ta muốn tái nhận thức mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể nơi tất cả nguồn phong phú của nó thì chúng ta không thể bỏ qua Mẹ Maria”; và khẳng định thứ hai của ĐTC đó là: “Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến bí tích chí thánh này, vì chính Mẹ có một liên hệ sâu xa với bí tích ấy”. Hôm nay, nhân dịp Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria trong Năm Thánh Thể, chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe những lời ĐTC GPII đã nói về việc Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, trong Sứ điệp Ngài gửi thành phần tham dự viên Đại Hội Thánh Mẫu Thế Giới lần thứ 19 ở Balan ngày 15/8/1996 sau đây.

1.     “Kính mừng Chúa Giêsu là Con Đức Maria, Chúa là Thiên Chúa thật trong tấm Bánh thánh này”.

Liên kết trong tinh thần với những ai đang tham dự Đại Hội Thánh Mẫu Thế Giới lần thứ 19, Tôi nhớ lại những lời từ một bài thánh ca ở Balan thường được sử dụng cho việc tôn thờ và cung nghinh Thánh Thể. Tôi muốn lập lại những lời ấy vì chúng chất chứa một sự thật mà, cùng với việc chúc tụng Chúa Kitô hiện diện trong mầu nhiệm Thánh Thể này, chúng ta rất cần phải tưởng nhớ đến Mẹ Thiên Chúa. Chính nhờ Mẹ quảng đại thưa tiếng xin vâng mà Lời Thiên Chúa, bởi việc làm của Thánh Linh, đã hóa thành nhục thể. Mẹ đã cống hiến thân thể của Mẹ cho Lời Thiên Chúa, để Người mặc lấy cho phép lạ Thiên Chúa Nhập Thể được thực hiện. Trong cung lòng đồng trinh của mình, Mẹ Maria đã cưu mang Lời Nhập Thể, mong chờ cuộc hạ sinh của Đấng Cứu Thế “bằng một tình yêu khôn tả” như được phụng vụ diễn tả (Pref. of Advent II).

Khi Mẹ sinh ra Con Thiên Chúa, ở một nghĩa nào đó, Mẹ đã là con người đầu tiên tôn thờ việc Người hiện diện giữa loài người. Cùng với Thánh Giuse, Mẹ đã mang Con Trẻ Thần Linh lên đền thờ để hiến dâng Người cho Thiên Chúa theo luật định. Thậm chí vào lúc bấy giờ, qua những lời lẽ của ông Simeon, Thiên Chúa đã mạc khải cho Mẹ biết rằng lòng Mẹ sẽ bị đâm thâu, khi Con Mẹ trở thành dấu hiệu xung khắc “cho nhiều người sa ngã và chỗi dậy!” (Lk 2:34). Đó là lời loan báo về việc Mẹ Maria tham dự vào công cuộc cứu độ của Chúa Kitô, Đấng vừa là Tư Tế vừa là Lễ Tế, một công cuộc cứu độ đã được hoàn thành trên đồi Golgôta. “Dưới chân cây Thập Giá, vì yêu mến Con mình, Mẹ đã vươn rộng vai trò từ mẫu của Mẹ ra đón nhận lấy tất cả mọi người, thành phần được tái sinh từ cuộc Chúa Kitô tử nạn cho một sự sống không bao giờ cùng… Được đưa về trời vinh hiển, với tình yêu thương từ mẫu, Mẹ hỗ trợ Giáo Hội và bảo vệ Giáo Hội trên con đường về quê cho đến ngày vinh hiển của Chúa” (Italian Missal, Pref. of the Blessed Virgin Mary III).

Hết mọi Thánh Lễ đều hiện thực hóa một cách không đổ máu hy tế độc nhất vô nhị và toàn vẹn được Chúa Kitô hiến dâng trên cây Thập Giá, một hy tế Mẹ Maria đã thông phần, đã liên kết trong tinh thần của mình với Người Con đau khổ, ưu ái thuận hợp với hy tế của Người và hiến dâng nỗi sầu thương của mình lên Chúa Cha (cf. Lumen Gentium, n. 58). Bởi thế, khi chúng ta cử hành Thánh Thể, cử hành việc tưởng niệm cuộc vượt qua của Chúa Kitô, thì việc tưởng niệm nỗi khổ đau của Mẹ Người cũng trở thành sống động và hiện hữu, một người Mẹ, như một mô phạm siêu việt, dạy cho thành phần tín hữu biết hiệp nhất mình mật thiết hơn nữa với hy tế của Con Mẹ, Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Bằng việc hiệp thông thiêng liêng với Người Mẹ Thiên Chúa sầu thương này, tín hữu thông phần một cách đặc biệt vào mầu nhiệm vượt qua và hướng về thứ tác động phi thường của Thánh Linh làm phát sinh một niềm vui siêu nhiên vì mối hiệp thông với Chúa Kitô hiển vinh, theo kiểu mẫu vui mừng được ban cho Mẹ Maria trên nơi hiển vinh thiên đình, như con người đầu tiên được thông phần vào những hoa trái Cứu Chuộc.

2.     Mẹ Maria và Thánh Thể. Ban tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu Thế Giới lần thứ 19 ở Jasna Gora này đã đưa ra vấn đề này như đề tài học hỏi và nguyện cầu. Việc chọn đề tài này rất đúng, nhất là lúc đang hướng đến Đại Hội Thánh Thể Thế Giới sẽ được tổ chức vào năm tới tại Krakow. Như thế, như Mẹ Maria hiện diện ngay lúc mở màn cho sứ vụ của Lời Nhập Thể, nhờ đó, cũng ở ngay nguồn mạch của Thánh Thể nữa, Đại Hội Thánh Mẫu này năm nay đánh dấu việc Giáo Hội bắt đầu sửa soạn thiêng liêng để làm cho Đại Hội Thánh Thể trở thành một cảm nghiệm thành quả. Chớ gì những ngày này làm cho tất cả anh chị em gần gũi Mẹ hơn, Vị mà suốt cuộc đời của mình hiệp thông với Con Mẹ, chẳng những vì những gắn bó máu mủ mà nhất là bởi lòng yêu mến, là Bậc Thày trọn hảo nhất của một tình yêu giúp cho chúng ta có thể hiệp nhất một cách sâu xa nhất với Chúa Kitô trong mầu nhiệm hiện diện Thánh Thể của Người. Chúng ta hãy để cho Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Thánh Thể!

Tôi xin tất cả mọi anh chị em đang qui tụ ở Jasna Gora tham dự Đại Hội Thánh Mẫu này hãy cầu nguyện cho những ý chỉ về Giáo Hội và thế giới. Trong khi chúng ta dâng lời tạ ơn về 20 thế kỷ việc Mẹ Maria bảo vệ Giáo Hội, chúng ta cùng nhau xin Mẹ hãy dẫn tín hữu tiến đến chỗ hiểu biết trọn vẹn hơn nữa về quyền năng cứu độ nơi Hy Tế của Chúa Kitô là Đấng hiện diện trong Thánh Thể. Chúng ta hãy cầu nguyện để cái cảm nghiệm sống động về mối hiệp thông với Chúa Kitô này sinh hoa kết trái nhiệt thành nơi tâm hồn của tất cả mọi Kitô hữu, trong khi họ xây dựng mối hiệp thông yêu thương giữa loài người. Chớ gì Mẹ Thiên Chúa dẫn chúng ta vào ngàn năm thứ ba, liên kết gắn bó với Lời Thiên Chúa là Đấng đã hóa thành nhục thể nơi Mẹ.

 

Phân tích sứ điệp gửi Đại Hội Thánh Mẫu lần thứ 19 năm 1996 này, chúng ta có thấy được ý tưởng của Đức Thánh Cha muốn nói về vai trò Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể hay chăng? Hay nói cách khác, theo Đức Thánh Cha thì Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể như thế nào và bằng cách nào?

Trước hết, ĐTC đã nhận định và khẳng định về việc sống động hóa và hiện hữu hóa vai trò Đồng Công của Mẹ Maria khi hiện thực hóa Hy Tế Thập Giá trong mỗi Thánh Lễ. Ngài nhận định và xác tín rằng:

• “Hết mọi Thánh Lễ đều hiện thực hóa một cách không đổ máu hy tế độc nhất vô nhị và toàn vẹn được Chúa Kitô hiến dâng trên cây Thập Giá, một hy tế Mẹ Maria đã thông phần, đã liên kết trong tinh thần của mình với Người Con đau khổ, ưu ái thuận hợp với hy tế của Người và hiến dâng nỗi sầu thương của mình lên Chúa Cha (cf. Lumen Gentium, n. 58). Bởi thế, khi chúng ta cử hành Thánh Thể, cử hành việc tưởng niệm cuộc vượt qua của Chúa Kitô, thì việc tưởng niệm nỗi khổ đau của Mẹ Người cũng trở thành sống động và hiện hữu, một người Mẹ, như một mô phạm siêu việt, dạy cho thành phần tín hữu biết hiệp nhất mình mật thiết hơn nữa với hy tế của Con Mẹ, Đấng Cứu Chuộc duy nhất”.

Sau đó, ĐTC đã nói đến đường lối hay phương thức Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng Mẹ đã thụ thai, hạ sinh, dưỡng dục và hy hiến làm giá cứu chuộc loài người. Cách thức đó là làm cho tín hữu chúng ta hiểu biết trọn vẹn hơn quyền năng cứu độ của Hy Tế Thập Giá. Ngài viết:

• “Trong khi chúng ta dâng lời tạ ơn về 20 thế kỷ việc Mẹ Maria bảo vệ Giáo Hội, chúng ta cùng nhau xin Mẹ hãy dẫn tín hữu tiến đến chỗ hiểu biết trọn vẹn hơn nữa về quyền năng cứu độ nơi Hy Tế của Chúa Kitô là Đấng hiện diện trong Thánh Thể”.

Thế nhưng, Mẹ Maria có thể dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể được chăng? ĐTC đã xác nhận là có. Ở chỗ nào? Ngài nhận định và kêu gọi như sau:

• “Chớ gì những ngày này làm cho tất cả anh chị em gần gũi Mẹ hơn, Vị mà suốt cuộc đời của mình hiệp thông với Con Mẹ, chẳng những vì các gắn bó về máu mủ mà nhất là bởi lòng yêu mến, là Bậc Thày trọn hảo nhất của một tình yêu giúp cho chúng ta có thể hiệp nhất một cách sâu xa nhất với Chúa Kitô trong mầu nhiệm hiện diện Thánh Thể của Người”.

Đó là lý do, ngay sau câu này, ĐTC đã kêu gọi chung mọi người, trong đó có cả Ngài rằng:

• “Chúng ta hãy để cho Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Thánh Thể!”

Tóm lại, vì Mẹ Maria, bằng tình yêu trọn hảo, đã được hiệp thông trọn vẹn với Hy Tế Thập Giá, một hy tế được hiện thực nơi Phụng Vụ Thánh Thể, Mẹ cũng có thể dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, bằng cách giúp chúng ta “hiểu biết trọn vẹn hơn nữa về quyền năng cứu độ nơi Hy Tế của Chúa Kitô”, một kiến thức đưa con người đến cảm nghiệm hiệp thông, chẳng những với Thánh Thể mà còn với loài người nữa, một mối hiệp thông Mẹ đã cảm nghiệm khi đồng công đứng dưới chân Thập Giá Con Mẹ. Đức Thánh Cha đã chuyển từ ý thức Hy Tế Thánh Thể, hay ý thức “quyền năng cứu độ nơi Hy Tế của Chúa Kitô”, sang cảm nghiệm hiệp thông Thánh Thể như sau:

• “Chúng ta hãy cầu nguyện để cái cảm nghiệm sống động về mối hiệp thông với Chúa Kitô này sinh hoa kết trái nhiệt thành nơi tâm hồn của tất cả mọi Kitô hữu, trong khi họ xây dựng mối hiệp thông yêu thương giữa loài người”.

 

Một Dòng Tu đặc biệt gắn liền với Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria


Vị bề trên tổng quyền của Dòng Anh Em Hèn Mọn là linh mục Joachim Giermek đã gửi một bức thư cho anh em dòng Phanxicô của mình, trong đó, ngài nói đến lịch sử hình thành tín lý Mẹ Vô Nhiễm với thành quả là việc Giáo Hội công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, một thành quả do tu sĩ dòng của ngài đặc biệt đóng góp một cách hữu hiệu.


Qua bức thư gửi nhân dịp kỷ niệm 150 năm tín điều thánh mẫu Vô Nhiễm Nguyên Tội, vị linh mục bề trên tổng quyền này thôi thúc anh em dòng của mình hãy “truyền bá sự thật này nơi tâm can con người”. Ngài cho biết ngày tuyên bố tín điều thánh mẫu này cách đây 150 năm là tột đỉnh của một tiến trình 550 năm suy tư và tranh luận về thần học liên quan đến tín lý thánh mẫu ấy, một tiến trình có sự góp mặt của anh em dòng của ngài. Và đó là lý do tại sao việc tuyên bố tín điều thánh mẫu này trở thành “lịch sử, truyền thống và đặc tính” của dòng ngài.


Trong bức thư của mình, vị linh mục tổng quyền đã viết: “lòng yêu thương con thảo của gia đình Phanxicô đối với Vị Toàn Thánh là những gì bẩm sinh nơi tâm hồn của các phần tử gia đình này, vì, khi Thánh Phanxicô Assisi, vị sáng lập dòng này, từ bỏ những liên hệ về huyết nhục với ông bố của ngài, ngài đã “khám phá ra vai trò thân mẫu của Mẹ Maria, Đấng được Chúa Giêsu trên cây thập tự giá trao ban cho Gioan, người môn đệ yêu quí của Người, người môn đệ thay mặt cho toàn thể thành phần được cứu chuộc”.


Đối với thánh nhân thì “Mẹ Maria là Người Mẹ đệ nhất và trên hết vì Mẹ đã ban cho chúng ta Vị Chúa cao cả làm Anh Em của mình. Nên những người con ở Poverello, vào những thời xa xưa ấy và cứ mãi thế, đã cố gắng tranh đua với nhau về tình mến yêu con thảo này đối với Mẹ Maria, cả trong đời sống riêng tư của mình cũng như trong đời sống huynh đệ. Cũng thế, họ vẫn cố gắng để truyền bá tình yêu mến này ở khắp mọi nơi trong tín hữu cũng như trong Giáo Hội, bằng gương sống của mình, bằng việc rao giảng cũng như ở lãnh vực về suy tư thần học”.


Chứng nhân của việc làm này có thể kể đến Thánh Antôn Pađua, Thánh Bônaventura, Alexander of Hales, William of Ware, Petrus Aureolus, John Duns Scotus “vị là người đầu tiên dẫn giải một cách dứt điểm về tín lý cứu chuộc được ngăn ngừa”.


Thật vậy, “Scotus là người đầu tiên nói rằng việc thụ thai vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria không phải là những gì ngoại trừ đối với tính cách phổ quát của việc Chúa Kitô cứu chuộc, thế nhưng lại là trường hợp của một tác động cứu độ toàn hảo và công hiệu hơn do Đấng Trung Gian duy nhất thực hiện”. Những đóng góp của dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô này đã liên tục từ đầu cho tới khi Giáo Hội tuyên tín Mẹ Maria Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội.


Lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được cử hành trong dòng này từ năm 1263, và được Tòa Thánh chính thức chấp nhận như một lễ riêng biệt với giờ kinh phụng vụ bởi Đức Sixtus IV cũng là tu sĩ dòng này. Vào năm 1477, vị giáo hoàng này đã khẳng định là “tín lý Vô Nhiễm Nguyên Tội thích hợp với những gì đức tin Công Giáo nắm giữ”.

 


Chúa Kitô là Hình Ảnh Thiên Chúa Vô Hình

(ĐTC GPII: Bài 127 giáo lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, Thứ Tư 24/11/2004, về Ca Vịnh Colosê 1:3,12-20, cho Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)


1.     Bài thánh thi ca trọng đại này, một bài thánh thi ca bắt đầu Bức Thư gửi giáo đoàn Côlôsê, vừa vang lên. Nơi bài thánh thi ca này, nổi bật là hình ảnh hiển vinh của Chúa Kitô, tâm điểm của phụng vụ và là trọng tâm của toàn thể đời sống giáo hội. Tuy nhiên, chân trời của bài thánh thi ca này liền vươn đến việc tạo dựng và việc cứu chuộc, bao gồm hết mọi tạo sinh và toàn thể lịch sử.

Nơi bài ca này chất chứa một đức tin sống động cùng lời nguyện cầu của cộng đồng Kitô hữu cổ xưa, một cộng đồng có tiếng nói và chứng từ được Thánh Tông Đồ tiếp tục, cũng như ghi dấu ấn của nó nơi bài thánh thi ca ấy.

2.     Sau đoạn dẫn nhập nói lên lòng tri ân đối với Chúa Cha về ơn cứu chuộc (x 12-14), bài ca vịnh này, một bài ca vịnh được phụng vụ giờ kinh chiều lập lại hằng tuần, được ăn khớp với nhau nơi hai tiết khúc. Tiết khúc thứ nhất chúc tụng Chúa Kitô là “trưởng tử của tất cả mọi tạo vật”, tức là được sinh ra trước hết mọi hữu thể, bởi thế khẳng định tính cách vĩnh hằng của Người là những gì vượt thời không (x 15-18a). Người là “hình ảnh”, là “ảnh tượng” hữu hình của Vị Thiên Chúa vẫn huyền nhiệm vô hình. Đó là cảm nghiệm của Moisen, người theo lòng sốt sắng muốn thấy thực tại cá thể của Thiên Chúa, đã nghe thấy lời phán: “Ngươi không thể nhìn thấy nhan Ta; vì không ai thấy Ta mà còn sống cả” (Ex 33:20; x Jn 14:8-9).

Thế nhưng, dung nhan của Chúa Cha là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ trở nên hữu hình nơi Chúa Kitô, tác giả của thực tại tạo sinh: “tất cả mọi sự nhờ Người mà được tạo thành… trong Người tất cả mọi sự liên kết với nhau” (Col 1:16,17). Bởi thế, một đàng thì Chúa Kitô là Đấng trổ vượt trên thực tại tạo sinh, nhưng đàng khác, Người cũng được bao gồm trong tạo vật của Người. Ví thế Người có thể được chúng ta thấy như là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, vị Thiên Chúa gần gũi chúng ta qua tác động sáng tạo.

3.     Việc chúc tụng tôn vinh Chúa Kitô tiến triển, ở tiết khúc thứ hai (x 18b-20), hướng về một chân trời khác, đó là chân trời cứu độ, chân trời cứu chuộc, chân trời tái sinh loài người được Người dựng nên nhưng cũng là loài, vì phạm tội, đã bị chìm ngập trong sự chết.

Giờ đây, tình trạng “tràn đầy” ân sủng và Thánh Thần được Cha đặt nơi Con là một tình trạng mà nhờ việc chết đi và sống lại Người có thể thông truyền sứ sống mới cho chúng ta (x 19-20).

4.     Bởi thế Người được chúc tụng như “trưởng tử của kẻ chết” (1:18b). Với tình trạng “tràn đầy” thần linh này, song cũng bằng máu của Người đổ ra trên thập tự giá, Chúa Kitô “giao hòa” và “ổn định” lại tất cả mọi thực tại trên trời cũng như dưới thế. Nhờ đó Người trả chúng về cho tình trạng nguyên thủy của chúng, tái tạo tình trạng hòa hợp nguyên khôi theo những gì Thiên Chúa muốn như dự định yêu thương và sự sống của Ngài. Bởi vậy, việc tạo dựng và việc cứu chuộc liên hệ với nhau như những diễn tiến của cùng một lịch sử cứu độ.

5.     Như mọi lần, giờ đây chúng ta giành chỗ chia sẻ cho các vị đại sư về đức tin, đó là các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội. Một trong các vị ấy sẽ dẫn chúng ta đến việc suy niệm về công cuộc cứu độ được Chúa Kitô hoàn tất bằng máu hy sinh của Người.

Khi dẫn giải về bài thánh thi ca của chúng ta đây, Thánh Gioan Đamascênô, trong Bài Dẫn Giải cho rằng của ngài về các Bức Thư của Thánh Phaolô, viết rằng: “Thánh Phaolô nói về ‘việc cứu chuộc bằng máu của Người’ (Eph 1:7). Thật vậy, máu của Chúa được cống hiến như là một thứ giá chuộc, mang thành phần tù nhân của tử thần đến sự sống. Những ai bị làm tôi cho vương quốc của tử thần chỉ có thể được giải phóng bởi Người là Đấng tự dấn thân tham dự vào cái chết của chúng ta… Nhờ việc Người đến, chúng ta đã nhận biết bản tính Thiên Chúa là bản tính hiện hữu trước khi Người đến. Thật vậy, đó là những gì Thiên Chúa làm trong việc dập tắt tử thần, phục hồi sự sống, và mang thế giới về lại với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao thánh nhân nói: ‘Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’ (Col 1:15), để biểu lộ rằng Người là Thiên Chúa, mặc dù Người không phải là Cha, mà là hình aảh của Cha, và có cùng căn tính với Cha mặc dù Ngài không phải là Cha” ("I Libri della Bibbia Interpretati dalla Grande Tradizione" [The Books of the Bible Interpreted by the Great Tradition], Bologna, 2000, pp. 18,23).

Thánh Gioan Đamascênô sau đó kết luận bằng một cái nhìn tổng quan về công cuộc cứu độ của Chúa Kitô: Cái chết của Chúa Kitgô đã cứu độ và canh tân con người; cũng như đã phục hồi niềm vui nguyên thủy cho các thần trời, vì thành phần cứu độ, và đã hiệp nhất các thực tại hạ giới với các thực tại thượng giới…. Thật thế, Người đã giải hòa và loại trừ sự hận thù ra khỏi những thực tại ấy. Đó là lý do tại sao các thiên thần mới xướng lên: ‘Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bằng an ở nơi dương thế’ vậy” (ibid., p. 37).

Anh Chị Em thân mến,

Nơi bài thánh thi ca về Kitô học được trích dẫn từ Thư gửi giáo đoàn Côlôsê, chúng ta tuyên tụng hình ảnh hiển vinh của Chúa Kitô là tâm điểm của phụng vụ và là trọng tâm của toàn thể Giáo Hội. Trong bài ca vịnh này, chúng ta nhận ra được đức tin sống động và lời nguyện cầu của cộng đồng Kitô Giáo xa xưa về Chúa Giêsu là Đấng được chúc tụng như là “trưởng tử” của tất cả mọi thụ tạo cũng như của những ai sonág lại từ kẻ chết (x 1:15,18).

Với tầm mức “tràn đầy” thần linh của mình, cũng nhờ việc Người đổ máu trên thập giá, Chúa Kitô “giao hòa” và “phục hồi” tất cả mọi sự trên trời và dưới thế. Nhờ đó Người mang lại cho họ tình trạng nguyên khôi của họ như những gì Thiên Chúa muốn theo dự án sự sống yêu thương của Ngài.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 24/11/2004.
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ