GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 1/2004

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi con người nam nữ biết nhìn nhận mình là phần tử của một gia đình Thiên Chúa duy nhất để họ có thể chấm dứt các thứ chiến tranh, bất công và kỳ thị”.


Ý Truyền Giáo: “Xin cho hết mọi Giáo Hội thuộc các xứ truyền giáo biết dấn thân huấn luyện cán bộ hoạt động tông đồ”.

 

___________________________________________

 18-24/01/2004

Giovanni Paolo II

 

24/1 Thứ Bảy, Mùng Ba Tết Giáp Thân

MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA
 

Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở" không phải chỉ là một cụm từ hoa mỹ để gọi Mẹ Maria theo văn chương của nhân loại, hay chỉ là một kiểu sánh ví biểu tượng cho một tạo vật đệ nhất trong trật tự ân sủng.

"Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở" hoàn toàn là một thực tại, một thực tại về cả phương diện siêu nhiên cũng như tự nhiên. Đến nỗi, có thể nói, thực tại này đúng là "một điềm lạ xuất hiện trên không trung" (KH 12:1), "kỳ diệu trước mắt chúng ta" (TV 118:23).

"Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở" không phải chỉ là một cụm từ hoa mỹ hay một kiểu sánh ví biểu tượng về Mẹ Maria tuyệt diệu, mà hoàn toàn còn là một thực tại. Ở chỗ nào? Xin mời qúi con cái Mẹ cùng nhau từ từ tiến vào "Mùa Xuân Muôn Thuở" này theo hành trình của lịch sử nhân loại đã biến thành Lịch Sử Cứu Độ như sau:

Mùa Xuân Trước Nguyên Tội
Mùa Xuân Sau Nguyên Tội
Mùa Xuân Maria
Mùa Xuân Viên Mãn

 

1.- MÙA XUÂN TRƯỚC NGUYÊN TỘI

 

T

heo đúng ý nghĩa của mình, một mùa được gọi là Mùa Xuân phải hội đủ 3 yếu tố, bằng không sẽ không phải là hay không còn đáng là Mùa Xuân nữa. Ba yếu tố chính của Mùa Xuân đích thực, theo cảm nhận của con người từ trước đến nay, đó là: mới mẻ (của thời gian), tươi trẻ (nơi không gian) và vui vẻ (cho nhân gian).

"Mới mẻ": Tự bản chất, Mùa Xuân là thời gian. "Mùa Xuân là Thời Gian", theo nghĩa thuần túy nhất của "mới mẻ", phải là thời-gian-ban-đầu (in the beginning), tức "thời gian" và "ban đầu" chỉ là một, (như trong STK 1:1 hay của Gioan 1:1). Hay "Mùa Xuân là Thời Gian" theo nghĩa tối thiểu nhất của "mới mẻ", đó là thời gian từ ban đầu (from the beginning), tức "thời gian" và "ban đầu" đã hơi tách biệt nhau, bằng chữ "từ", (như trong Gioan 8:44). Hoặc "Mùa Xuân là Thời Gian", theo nghĩa bình thường nhất của "mới mẻ", lại là thời gian bắt đầu, tức "thời gian" không còn là một thực tại "ban đầu" hay "từ ban đầu" nữa, song đã trở thành một tác động "bắt đầu", “bắt đầu” mở màn cho một năm mới, (như trong lịch sử và thực tế cho thấy).

"Tươi trẻ": vì Mùa Xuân thể hiện bóng dáng của mình qua không gian mát mẻ, đẹp đẽ, với cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, hoa lá tốt tươi.

"Vui vẻ": vì Mùa Xuân làm cho chung động vật và riêng nhân gian cảm thấy dễ chịu, thoải mái, khoan khoái, hân hoan, phấn khởi, yêu đời.

"Trước Nguyên Tội", như thế, có Mùa Xuân đích thực theo cảm nhận chung của loài người như được phân tích trên đây hay không?

"Trước Nguyên Tội" ở đây là lúc "ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất" (STK 1:1), và cũng là lúc "Thiên Chúa nhìn xem mọi sự Ngài đã làm nên, Ngài thấy là rất tốt đẹp" (STK 1:31).

"Trước Nguyên Tội" ở đây, cũng là lúc "ban đầu", "Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài: ‘theo hình ảnh thần linh, Ngài đã dựng nên con người' Ngài đã dựng nên con người có nam có nữ. Thiên Chúa chúc lành cho họ khi phán: 'Hãy sinh sôi nẩy nở' hãy làm tròn đầy trái đất và làm chủ nó..." (STK 1:27).

"Trước Nguyên Tội" trong một khung cảnh như thế, "trời đất" nói chung và thiên nhiên nói riêng không phải là một Mùa Xuân Đích Thực hay sao!?!
"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "mới mẻ" nhất, vì là thời-gian-ban-đầu của trời đất, thời gian tiên khởi và nguyên khôi cho tất cả mọi sự trên trời dưới đất.

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "tươi trẻ" nhất, vì không gian, bao gồm mọi sự trong thiên nhiên, mới được Thiên Chúa tạo dựng, còn nguyên vẹn, hoàn toàn "rất tốt đẹp" trước thiên nhan, như Thiên Chúa muốn và theo ý của Ngài.

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "vui vẻ" nhất, vì con người được "Thiên Chúa mang đặt ở trong vườn Địa Đường để canh tác và chăm sóc cho vườn" (STK 2:15), và được "tự do ăn mọi thứ cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ" (STK 2:16-17).

“Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "vui vẻ" nhất, chẳng những cho riêng con người là đệ nhất tạo vật trên trần gian này, mà còn cho chung cả mọi tạo vật đã được Thiên Chúa tạo dựng nên cho con người nữa: "Chúa là Thiên Chúa hình thành từ bùn đất các loại hoang thú và chim chóc trên trời, rồi Ngài mang đến cho con người xem để con người đặt tên cho chúng' con người gọi mỗi loại là gì thì nó là như vậy" (STK 2:19).

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội", bởi vậy, không phải là mùa xuân của con người và cho con người hay sao?!? Địa Đường là thiên thai trên trần gian ngay "ban đầu" có nghĩa gì, nếu không có con người sống động ở giữa và ở với, theo ý muốn của Thiên Chúa, để "canh tác và chăm sóc" cho. Cũng thế, trời đất với tất cả mọi sự "rất tốt đẹp" ngay "ban đầu", theo ý muốn của Thiên Chúa, chỉ giữ được vẻ nguyên tuyền "tươi trẻ" của mình trong sứ mệnh "làm tròn đầy" và bằng quyền năng "làm chủ" của con người mà thôi.

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" phải chăng chính là Mùa Thái Hòa trong Trời Đất mà "con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" (STK 9:6) là chính Chúa xuân!
 

2.- MÙA XUÂN SAU NGUYÊN TỘI

 

N

ếu "trước Nguyên Tội" đã có mùa xuân, thì phải chăng ngay "ban đầu" ấy trời đất cũng đã có 4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay?
Õ
"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", theo cảm nghiệm tự nhiên, có thể ví như tâm trạng của trời đất được bộc lộ qua những dáng vẻ thay đổi định kỳ trong thiên nhiên.

"Xuân" là thời gian đầu năm "mới mẻ", hiển hiện qua không gian nẩy nở đầy "tươi trẻ", làm cho nhân gian sống trong không gian và thời gian cảm thấy hân hoan "vui vẻ".
"Hạ" là thời gian năng động, hiển hiện qua không gian thật căng thẳng và nóng nảy, làm cho nhân gian dễ cảm thấy hung hăng, không thể ngồi yên.

"Thu" là thời gian tàn tạ, hiển hiện qua không gian vàng úa và trống vắng, làm cho nhân gian dễ cảm thấy bâng khuâng, buồn buồn.

"Đông" là thời gian cô đọng (ngày ngắn đêm dài), qua không gian lạnh lẽo và tăm tối, làm cho nhân gian cảm thấy co ro, đơn độc, nhung nhớ, mang một mầu sắc chết chóc.

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", nếu quả thật "trước Nguyên Tội" đã có thì không biết tình trạng "trần truồng mà không biết xấu hổ" (STK 2:25) của hai nguyên tổ ra sao? Có thể lúc bấy giờ, khi còn ở trong tình trạng Công Chính Nguyên Thủy, tình trạng "vô tội" và không biết đến tội lỗi là gì, da thịt của ông bà được miễn nhiễm khỏi mọi bất hạnh trong đời sống, gây ra từ môi sinh hay chăng?

Thế nhưng, chính trong lúc "trước Nguyên Tội" này mà mối thân tình giữa "trời đất" và con người "làm chủ nó" không thể có gì ngăn cách. Bởi đó, nếu "trước Nguyên Tội" đã có 4 mùa, vì không có quần áo để ăn mặc theo "thời trang", thì da thịt "trần truồng" của hai ông bà chắc hẳn sẽ phải biến dạng theo "thời tiết": đỏ, vào "mùa xuân Mỹ Châu", đen vào "mùa hè Phi/Úc Châu", vàng vào "mùa thu Á Châu", và trắng vào "mùa đông Âu Châu". Nếu "trước Nguyên Tội" đã có 4 mùa, thì không biết hai nguyên tổ che đậy bản thân "trần truồng" của mình và trốn lánh Thiên Chúa làm sao được khi Nguyên Tội xẩy ra vào cuối "mùa thu lá bay", lúc mà Vườn Địa Đường đã trở thành một khu rừng thưa trần trụi?!?

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", với bản chất luân chuyển theo tác động thời gian, được tỏ lộ qua hình dáng nơi không gian như thế, làm sao nó có thể xuất hiện ngay "từ đầu", khi mà "Thiên Chúa nhìn mọi sự Ngài đã làm và Ngài thấy nó rất tốt đẹp" (STK 1:31).

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", do đó, chỉ bắt đầu có kể từ "sau Nguyên Tội". "Trước Nguyên Tội", nếu có "mùa" thì chỉ duy có Xuân: Mùa Thái Hòa của Trời Đất, trong trật tự tạo dựng của Đấng Hóa Công, và nếu có "thời" thì chỉ là Thời Phúc Lộc Thọ của Con Người, trong yêu thương của "Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất" (kinh Tin Kính).

"Sau Nguyên Tội" ở đây tức là lúc "con cựu xà, gọi là ma qủi hay Satan, tên cám dỗ cả thế gian" (KH 12:9), đã dùng chính miệng lưỡi thâm độc "không có sự thật trong mình" (Gioan 8:44) để sát hại con người "từ ban đầu" (Gioan 8:44).

"Sau Nguyên Tội" ở đây cũng là lúc hai nguyên tổ nghe theo "tên gian trá và là cha của những sự dối trá" (Gioan 8:44) "ăn cây (Thiên Chúa) cấm không được ăn" (STK 3:11), và "cả hai đã mở mắt ra, nhận thấy mình trần truồng" (STK 3:7), phải đan lá vả làm áo che thân mình và không dám đối diện với Thiên Chúa (x.STK 3:7,8).

"Sau Nguyên Tội" ở đây còn là lúc Bản Án Nguyên Tội được tuyên phán, minh định tình trạng băng hoại nơi cả hữu thể của "con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" (STK 9:6), cũng như nơi bản chất của tạo vật được dựng nên "rất tốt đẹp" ngay "ban đầu" cho con người.

Theo Bản Án Nguyên Tội, hữu thể của con người bị băng hoại ở chỗ: "Ngươi sẽ đổ mồ hôi mới có của ăn... cho đến khi ngươi trở về bụi đất" (STK 3:19), và bản chất của tạo vật nói chung cũng vì con người mà bị băng hoại ở chỗ: "Vì ngươi (con người) mà khốn cho đất... Đất sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi" (STK 3:17). Phải, chính tình trạng bị biến dạng (deformation) có nghĩa tiêu cực này, chứ không phải tình trạng được biến hình (transformation) có nghĩa tích cực, nơi con người "làm chủ trái đất" và nơi "đất" ngay "từ ban đầu" như thế, mới sinh ra và mới có "4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay": Xuân thường từ cuối tháng 12 tới cuối tháng 3, Hạ thường từ cuối tháng 3 tới cuối tháng 6, Thu thường từ cuối tháng 6 tới cuối tháng 9, Đông thường từ cuối tháng 9 tới cuối tháng 12, và từ cuối mùa Đông sang đầu mùa Xuân thường có mưa để những gì chết chóc trong giá lạnh mùa Đông được hồi sinh tươi tốt trong ấm áp mùa Xuân.

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" từ đó bắt đầu đi vào ngõ hẻm của lịch sử nhân gian, được mở màn bằng mùa hè "đổ mồ hôi" (STK 3:19), khi "Chúa là Thiên Chúa tống cổ con người ra khỏi Vườn Địa Đường, để cầy sới đất đai mà từ đó con người được hình thành" (STK 3:23). Cũng từ đó, mưa bắt đầu đổ xuống trái đất, chứ trước đó, ngay "ban đầu", "Chúa là Thiên Chúa chưa làm mưa xuống trái đất và chưa có con người cầy sới đất đai" (STK 2:5). Từ đó, không còn "Mùa Xuân Nguyên Thủy", Mùa Thái Hòa Trời Đất nữa. Cũng từ đó, trên trái đất, có nơi một năm có đủ bốn mùa, như ở miền Bắc Việt Nam, song cũng có nơi một năm chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa mưa, như ở miền Nam Việt Nam.

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội", như thế, không phải là và không còn là Mùa Thái Hòa Trời Đất, Mùa mọi sự còn liên kết và hòa hợp với nhau như ý và theo ý Đấng Hóa Công. Nó cũng không còn là và không phải là Thời Con Người Phúc Lộc Thọ nữa, Thời con người còn sống trong Phúc được làm con cái Thiên Chúa "theo hình ảnh thần linh", hưởng Lộc tự do với quyền "làm chủ trái đất", và hưởng Thọ không "phải trở về bụi đất". Theo lịch sử nhân gian, "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" chỉ là một trong "4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", với thiên chức là mùa đầu trong một năm, và với sứ mạng là làm mới lại những gì đã phát triển trong "mùa hè đỏ lửa" song đã tàn tạ trong "mùa thu lá bay" và đã lịm chết trong "mùa đông nghĩa địa".

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" đã trở thành Mùa Hy Vọng cho con người và của con người, vì hai lý do. Thứ nhất, vì còn giữ được nét xuân, qua hai trong ba yếu tố chính là "mới mẻ" và "tươi trẻ", tuy không nguyên tuyền như "ban đầu", "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" vẫn có thể làm cho con người "vui vẻ", vui xuân, hưởng xuân. Thứ hai, nhất là vì cái còn làm cho con người đã bị hư đi "vui vẻ" mừng xuân, đón xuân, không phải ở tại "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" còn "nét xuân", cho bằng niềm hy vọng ở ngay chính trong lòng người.

"Niềm Hy Vọng" này bắt đầu ló dạng trước khi con người bị "Thiên Chúa tống cổ ra khỏi Vườn Địa Đường". Ngay trong Bản Án Nguyên Tội, Thiên Chúa là Đấng "yêu (con người) trước" (1Gioan 4:19) đã chẳng tự động loan báo cho họ một Tin Vui hay sao, khi nhưng không đoan hứa với con người: "Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi (ma qủi) và người nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ. Ngài sẽ đạp nát đầu ngươi, trong khi ngươi rình cắn gót chân ngài" (STK 3:15).

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" trở thành Mùa Hy Vọng chẳng những cho con người mà còn cho chung cả tạo vật nữa. Kể từ khi con người bị "Thiên Chúa tống cổ ra khỏi Vườn Địa Đường", Vườn Địa Đường vốn là thiên thai trần thế đã chẳng trở thành khu cấm địa hay sao (x.STK 3:24)? Bởi đó, thời tiết có 4 mùa định kỳ sau Nguyên Tội không phải là phản ảnh tâm trạng của trời đất hay sao, một tâm trạng "quằn quại và rên xiết" (Rm 8:22) của "toàn thể tạo vật đang ngong ngóng đợi trông cuộc hiển linh của con cái Thiên Chúa" (Rm 8:19).

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" sẽ mất hết ý nghĩa nếu con người sống trong lầm than và vô vọng. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" (Nguyễn Du: Kiều): như mùa xuân hận thù đầy tang thương chết chóc với những ngày đầu năm khói lửa vào dịp Tết Mậu Thân 1968, hay như mùa xuân vô vọng tự trong lòng người, nơi các trại tị nạn Đông Nam Á, đối với thành phần Thuyền Nhân Việt Nam bị rớt thanh lọc, lo âu chờ đến phiên bị trả về với quê hương yêu dấu, nơi mà họ không còn tìm thấy an bình "vui vẻ".

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" là bóng ma chập chờn, nếu con người chỉ quay cuồng với cuộc sống hiện sinh. Đối với thành phần "chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì đến kia" (Trần Tế Xương?), xuân không có gì là "mới mẻ", vì càng làm cho họ già thêm, không có gì là "tươi trẻ", vì càng làm cho họ tàn phai nhan sắc, không có gì là "vui vẻ", vì càng làm cho họ thất vọng về cuộc sống hiện sinh chẳng thể nào làm cho họ hoàn toàn thỏa mãn.
 

3.- MÙA XUÂN MARIA

 

M

aria": "Người nữ" mà Thiên Chúa đề cập đến trong Lời Hứa với con người ngay trong Bản Án Nguyên Tội chính là mầm hy vọng vươn lên ngay "từ ban đầu" và "bắt đầu" lịch sử của con người sa đoạ. Chính mầm hy vọng làm cho con người sống "vui vẻ" trong lầm than này đã biến "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" trở thành Mùa Hy Vọng cho con người và của con người. "Người nữ" của "Lời Hứa" trở thành niềm hy vọng cho con người và của con người này, theo Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo, chính là: "Trinh Nữ Maria, Đấng đã mang đến cho thế gian bình minh của niềm hy vọng và của ơn cứu rỗi" (Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria: Lời Nguyện Sau Hiệp Lễ).

"Maria": "Người nữ" của "Lời Hứa" vươn lên ngay "từ ban đầu" trong lịch sử của con người sa đoạ như một mầm hy vọng ấy chẳng những hội đủ ngay nơi mình ba yếu tố chính làm nên Mùa Xuân đích thực, Mùa Xuân Nguyên Thủy, "Mùa Xuân Trước Nguyên Tội", mà còn chính là Mùa Xuân Viên Mãn, Mùa Xuân Muôn Thuở, cho chung mọi tạo vật, cũng như cho riêng thế giới ngày nay đang ở vào mùa đông của lịch sử nhân gian.

"Mùa Xuân Maria": "Mới Mẻ". "Mới mẻ" là bản chất nội tại làm nên Mùa Xuân. "Mới mẻ" của Mùa Xuân nói lên thời gian khởi đầu trong thiên nhiên. "Ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên trời đất" (STK 1:1) mang tính chất "mới mẻ" của thời gian khi trời đất còn tinh nguyên. Do đó, lúc ngay "ban đầu" của đất trời, của mọi tạo vật đây chính là Mùa Xuân Nguyên Thủy.

Tiếc thay, Mùa Xuân Nguyên Thủy này đã bị "tên sát nhân từ ban đầu" (Gioan 8:44), cùng với sự cộng tác của hai nguyên tổ "muốn nên bằng Thiên Chúa" (STK3:5), làm cho tàn úa thảm thương. Thế nhưng, theo "dự án mà (Thiên Chúa) có ý ấn định trong Đức Kitô, được thực hiện khi thời gian nên trọn, đó là, đem mọi sự trên trời dưới đất đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô" (Eph 1:9-10), lịch sử nhân loại đã trở thành Lịch Sử Cứu Độ ngay "từ ban đầu".

Tuy nhiên, trong Lịch Sử Cứu Độ này, theo thời gian, cả trước khi và ngay khi "thời gian nên trọn", Mẹ Maria cũng là nhân vật có trước nhất. Trước khi "thời gian nên trọn", qua hình ảnh "người nữ", Mẹ được Thiên Chúa nhắc đến "trước nhất", trước cả Chúa Giêsu là "giòng dõi người nữ". Ngay khi "thời gian nên trọn", Mẹ cũng là nhân vật mà Tân Ước chân nhận: "Khi thời gian ấn định đến, Thiên Chúa sai Con mình sinh bởi người nữ" (Gal 4:4), trở thành "giòng dõi người nữ", Đấng "tỏ mình ra là để phá hủy công việc của ma qủi" (1Gioan 3:8).

Giáo Hội mừng lễ Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngay ngày 1-1, ngày đầu năm dương lịch hằng năm, từ năm 1969, cũng không ngoài ý nghĩa này. ĐTC Phaolô VI như đã xác nhận như thế trong tông huấn "Marialis Cultus": "Việc cử hành này, được đặt vào ngày 1-1 hợp với sự ấn định cũ của phụng vụ Thành Rôma, là để tưởng nhớ đến vai trò Mẹ Maria đã thực hiện trong mầu nhiệm cứu chuộc này" (đoạn số 5).

"Mùa Xuân Maria": "Tươi Trẻ". "Tươi trẻ" là hình thức, là bóng dáng, là hiện thân của Mùa Xuân, làm cho Mùa Xuân sống động trong thiên nhiên. Thế gian bị "tội lỗi cùng với chết chóc đột nhập" (Rm 5:12), càng ngày càng trở nên tàn tạ xấu xa, cả về tinh thần "tội lỗi" lẫn thể chất "chết chóc". Đến nỗi, Thiên Chúa hối tiếc vì đã dựng nên con người trên mặt đất" (STK 6:6) và đã "thanh trừng khỏi mặt đất" (STK 6:7) hầu hết cả con người lẫn con vật bằng trận Đại Hồng Thủy.

Trong khi ấy, nơi Mẹ Maria lại "đầy ơn phúc" (Lc 1:28), cả trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác của Mẹ. Tâm hồn Mẹ Maria tuyệt đối "tươi trẻ", ở chỗ, "Vô Nhiễm Nguyên Tội", như chính Mẹ đã tỏ mình ra tại Lộ Đức ngày 25-3-1858, tức "khỏi mọi tì vết của nguyên tội", như Đức Thánh Cha Piô IX định tín trong trọng sắc Ineffabilis Deus.

Thân xác Mẹ Maria hoàn toàn "tươi trẻ", ở chỗ, trọn đời đồng trinh, "không hề biết đến nam nhân" (Lc 1:34). Nhan sắc tự nhiên của Mẹ Maria tuyệt vời "tươi trẻ", ở chỗ, không già, tầm vóc và hình dung luôn ở mức độ hoàn hảo nhất, như Mẹ đã tỏ cho nữ Đáng Kính Maria D'Agreda vào thế kỷ 17: "Điều kiện và vóc dáng tự nhiên nơi thân xác đồng trinh thánh hảo của Mẹ vẫn như hồi Mẹ 33 tuổi" (Thiên Đô cuốn 4, số 736), cho dù Mẹ sống trên thế gian thiếu 26 ngày là đủ 70 tuổi (cùng sách, số 742).

Hữu thể của Mẹ đời đời "tươi trẻ", ở chỗ, cả "linh hồn vô nhiễm và thân xác trinh trong của Mẹ" (Tông Huấn Marialis Cultus số 6), như tông hiến Munificentissimus Deus của Đức Thánh Cha Piô XII định tín, được Thiên Chúa đem về trời vinh hiển.

"Mùa Xuân Maria": "Vui Vẻ". "Vui vẻ" là tác dụng của Mùa Xuân trên mọi sinh vật nói chung và nhân gian nói riêng, làm nên ý nghĩa của Mùa Xuân. Thế mà, "Sau Nguyên Tội", "tất cả mọi tạo vật quằn quại và rên xiết" (Rm 8:22), trừ duy nhất tạo vật "đầy ơn phúc" (Lc 1:28) là Trinh Nữ Maria.

Nơi "Maria đầu thai Vô Nhiễm Nguyên Tội", như hàng chữ trong thị kiến của chị thánh Catarina Labuarê ngày 27-11-1830, niềm "vui vẻ" là "được tự do" (STK 2:16) như hai nguyên tổ trong Vườn Địa Đường "trước Nguyên Tội" vẫn còn đó. Niềm "vui vẻ" này của Mẹ đạt đến mức độ tuyệt đỉnh khi "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) ngay trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ. Đến nỗi, niềm "vui vẻ" này đã tuôn tràn ra ngoài, qua ca vịnh "Ngợi Khen" (Magnificat), "bài ca của thời cứu tinh, hòa trộn niềm vui vẻ của cả cựu lẫn tân Yến-Duyên" (Marialis Cultus số 18): "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hân hoan (mừng rỡ, hoan lạc, 'vui vẻ') trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc tôi" (Lc 1:46-47).

Niềm "vui vẻ" của Mẹ Maria được thể hiện, trước hết, qua tác động nhận biết của Mẹ: "Ngài đã đoái trông đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài (và) đã làm cho tôi những sự trọng đại, danh Ngài là thánh" (Lc 1:48-49). Niềm "vui vẻ" của Mẹ, đồng thời, cũng được bộc lộ qua tác động chúc tụng của Mẹ: "Lòng thương xót Ngài trải qua đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những người kính sợ Ngài... như Ngài đã phán hứa... đến muôn đời" (Lc 1:49-50,55).
 

4.- MÙA XUÂN VIÊN MÃN

 

M

ùa Xuân Nguyên Thủy, "Mùa Xuân Trước Nguyên Tội", cho dù có hội đủ 3 yếu tố chính là "mới mẻ" của thời gian, "tươi trẻ" nơi không gian và "vui vẻ" cho nhân gian, để làm nên Mùa Xuân Đích Thực, vẫn không phải là Mùa Xuân Muôn Thuở. Bởi vì, Mùa Xuân Nguyên Thủy đã không còn nữa, đúng hơn, đã biến thái (deformed) thành "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội", một trong "4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay".

Trái lại, nơi "Mùa Xuân Maria", 3 yếu tố chính làm nên Mùa Xuân Đích Thực, chẳng những không mất, mà còn trở thành "viên mãn", trở thành bất diệt, để "Mùa Xuân Maria" không còn là gì khác hơn là chính "Mùa Xuân Muôn Thuở". "Mùa Xuân Maria" là "Mùa Xuân Muôn Thuở" vì bản chất "viên mãn" của mình như thế, trước hết là do bởi "Con Đấng Tối Cao" (Lc 1:32), Chúa của "Mùa Xuân Viên Mãn", và sau nữa, là nhờ ở chính Maria, "người đã tin" (Lc 1:45), Hồn của "Mùa Xuân Muôn Thuở" này.

"Mùa Xuân Viên Mãn" là do Chúa Xuân. Trước khi con người có, đã có Mùa Xuân Nguyên Thủy, Mùa Thái Hòa Trời Đất. Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, với quyền "làm chủ trái đất", ngay "từ ban đầu", con người có thể được coi là chủ của mùa xuân, chủ của Mùa Xuân Nguyên Thủy này. Nói cách khác, Mùa Xuân Nguyên Thủy có là để cho con người, và nếu không có con người, Mùa Xuân Nguyên Thủy sẽ không cần có hay có cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Cũng thế, trước khi "Ngôi Lời hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), đã có "Mùa Xuân Maria". "Là trưởng tử mọi tạo vật" (Col 1:15), và "trong Người mà mọi sự trên trời dưới đất được tạo thành... tất cả được tạo thành nhờ Người và cho Người" (Col 1:16), Người cũng chính là Chúa Xuân, Chúa của "Mùa Xuân Maria". "Mùa Xuân Maria" sẽ không bao giờ có, nếu không có và không cho vị Chúa Xuân là Con Đấng Tối Cao.

Thế nhưng, Mùa Xuân Nguyên Thủy, tức "Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" đã bị bàn tay lông lá của tà thần cũng như của con người là chủ nó làm tàn úa. Trái lại, "Mùa Xuân Maria" lại được chính tổng thần Gabriel cung kính chúc tụng: "Kính mừng đầy ơn phúc" (Lc 1:28), được bao phủ bởi "quyền phép Đấng Tối Cao" (Lc 1:35), và được "thụ thai...Con Đấng Tối Cao" (Lc 1:31-32). Vị Chúa Xuân là "Quả phúc của lòng Mẹ" (Lc 1:42) này, khi được đầu thai, cưu mang và sinh hạ bởi Mẹ, chẳng những không tác hại "Mùa Xuân Maria" đồng trinh vô nhiễm, mà còn làm viên mãn "Mùa Xuân Maria" của mình nữa.

Là "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể...đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14,16), "đến cho chiên được sống và được sống viên mãn hơn" (Gioan 10:10), "sự viên mãn của Người là Đấng làm trọn vẹn tất cả mọi phần của hoàn vũ" (Eph 1:23), vị Chúa Xuân này chắc chắn đã làm "Mùa Xuân Maria" của mình "viên mãn" trước hết và trên hết. Mức độ "viên mãn" của "Mùa Xuân Maria" do Chúa Xuân Giêsu tạo nên đã làm cho thai nhi tiền hô Gioan "nhảy mừng" (Lc 1:41), cho thai mẫu của Gioan được "đầy Thánh Linh và kêu lên lớn tiếng" (Lc 1:42), cho cả người phụ nữ không hề biết Mẹ cũng "kêu lên: 'Phúc cho lòng đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú'" (Lc 11:27), và còn cho "mọi đời về sau sẽ chúc khen (Mẹ) diễm phúc" (Lc 1:48).

Như thế, "Mùa Xuân Maria" chẳng những là của Chúa Xuân Giêsu Kitô mà còn cho chung tất cả mọi người và mọi thời, cho riêng Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Kitô nữa, và qua việc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, "cho tất cả mọi tạo vật" (Mc 16:15) "đã phải chịu lụy thuộc trong cảnh hư hoại ngoài ý muốn của mình... đang ngong ngóng...chia sẻ tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa" (Rm 8:20,19,21).

"Mùa Xuân Viên Mãn" là nhờ Hồn Xuân. "Mùa Xuân Maria" chẳng những "viên mãn" do Chúa Xuân là Chúa Giêsu, mà còn nhờ Hồn Xuân là chính Đức Tin của Trinh Nữ "đầy ơn phúc".

Không phải vì được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhờ đó, không có đam mê tình dục, không có khuynh hướng phạm tội, mà Mẹ Maria không có thử thách (cám đỗ) và không thể phạm tội. Nếu thế thì đã không có Nguyên Tội khi hai nguyên tổ còn ở trong Sự Công Chính Nguyên Thủy, trong tình trạng vô tội và không biết đến tội lỗi là gì. Đặt trường hợp Trinh Nữ "đầy ơn phúc", vì bất cứ lý do gì, một khi đã biết rõ ý định của Thiên Chúa về mình và cho mình như sứ thần trình bày, không chịu thưa "xin vâng" (Lc 1:38), thì Người có còn đáng nhận lời chúc tụng của mẹ thai nhi tiền hô Gioan hay không: "Phúc cho Người là vị đã tin rằng lời Chúa phán cùng Người sẽ được thực hiện" (Lc 1:45).

Phải, chính nhờ Đức Tin là "Hồn Xuân" này mà "Mùa Xuân Maria" chẳng những không tự tàn héo, mà càng trở thành "Mùa Xuân Viên Mãn", đúng như ngụ ý của câu Chúa Giêsu trả lời người phụ nữ lạ khen tụng Mẹ Người: "Phúc hơn cho người nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy" (Lc 11:28). Đôi tân hôn cùng với khách dự tiệc cưới ở Cana là những người đã không ngờ được thưởng thức một thứ rượu ngon hơn thứ rượu đã hết của họ. "Thứ rượu ngon hơn" này chắc chắn sẽ làm cho họ "vui vẻ" trọn vẹn hơn và hoàn toàn hơn, không phải là nhờ có Mẹ Maria hay sao!?! Đâu có Mẹ ở đấy có hy vọng, có niềm vui, có sự sống. Là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ chính là "Mẹ Sự Sống" (x.STK 3:20, Gioan 14:6, 1Gioan 1:2).

"Mùa Đông Lịch Sử": Sự Chết. Thế giới hiện đại, thế giới ngay trước ngưỡng cửa của đệ tam thiên niên (mà năm 2001 là năm đầu tiên mở màn) theo Tây Lịch này cũng có thể tìm thấy Sự Sống nơi "Mùa Xuân Viên Mãn" Maria. Nhân loại về cuối đệ nhị thiên niên và từ giữa thập niên cuối cùng của kỷ nguyên thứ hai đang ở vào giai đoạn "lịch sử mùa đông".

Thật vậy, nhờ khoa học siêu đẳng và kỹ thuật tối tân, con người ngày nay xa dần thiên nhiên, không còn phải lao động "đổ mồ hôi" nhiều nữa, như lúc con người đang ở trong giai đoạn "lịch sử mùa hè" là giai đoạn tiền sử và bán khai, giai đoạn lịch sử mà lúc gay gắt nhất là lúc Con Thiên Chúa "đổ mồ hôi máu nhỏ xuống đất" (Mt 22:44) và lúc chính ngọ là lúc ánh sáng phục sinh của Mặt Trời Công Chính chiếu giãi. Thế nhưng, thực tế cho thấy, càng xa thiên nhiên, càng gần nhân tạo, càng tự động (autonomy), càng tự do (right of freedom), càng tự nhiên (naturalism), con người hình như càng xa Đấng Hóa Công, càng bại hoại về luân lý, như xã hội loài người đã từng trải qua giai đoạn "lịch sử mùa thu" từ đầu thế kỷ 19, giai đoạn kỹ nghệ mở màn.

Những hiện tượng đang xẩy ra cho thấy từ hậu bán thế kỷ 20, khởi sự từ thập niên 1960, con người bắt đầu đi vào giai đoạn "lịch sử mùa đông". Mùa đông là mùa lạnh lẽo và tối tăm, những biểu tượng của sự chết. Hơn bao giờ hết, ngày nay người ta trực tiếp ra tay giết nhau: các cường quốc giết nhau qua hai trận Thế Chiến I và II, các chủng tộc giết nhau như đang diễn ra ở Âu Châu cũng như Phi Châu, thậm chí, các thầy thuốc vốn làm nghề cứu nhân độ thế cũng biến thành thợ giết bệnh nhân "vì nhân đạo", giết thai nhi vì tôn trọng quyền tự do (pro-choice) của người mẹ v.v. Người ta giết nhau như thế là do tình trạng "lạnh", lạnh kiểu "thương hàn", lạnh từ trong ra, lạnh tình, lạnh cảm. Họ không còn biết yêu, đúng hơn, không có tình yêu: "Ai không yêu thương thì ở trong sự chết. Ai ghét anh em mình là kẻ sát nhân" (1Gioan 3:14-15).

"Mùa Xuân Viên Mãn": Sự Sống. Thế nhưng, theo chu kỳ của thời gian, sau giai đoạn "lịch sử mùa đông", biểu hiệu cho sự chết, sẽ là và phải đến giai đoạn "lịch sử mùa xuân", biểu hiệu cho sự sống cũng là dấu hiệu của sự sống: "Sự chết giống như một giấc ngủ triền miên của vũ trụ khi mùa đông tới chờ sang xuân mới thức dậy. Đối với thiên nhiên cũng như đối với các linh hồn, đó là bình minh của phục sinh". Chúa Giêsu đã nói với người nữ sứ giả giáo dân Magarita của Người trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu ngày 18-11-1966 như thế.

Chúa Cứu Thế đã không giáng sinh vào mùa đông cách đây 2000 năm hay sao? Giữa mùa đông giá buốt, tối tăm, mù mịt đêm hôm ấy, đã không hiện lên những dấu chỉ của một mùa xuân hay sao: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm" (Lc 2:14). Phải chăng giai đoạn "lịch sử mùa đông" càng ngày càng rùng rợn và kinh hoàng trên thế giới hiện nay chính là "những điềm thời đại" (Mt 16:3) báo hiệu Chúa Kitô sắp tái giáng?

Không ai dám quả quyết và biết chắc được lúc nào tận thế. Tuy nhiên, những biến cố liên quan đến lịch sử thế giới nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng trong thế kỷ 20 này, không phải hay sao, là "những điềm trời" (Mt 16:1) đã hiện lên báo động. Bức tường Bá-Linh sụp đổ ngày 9-11-1989 ngay sau biến cố Đông Âu 1989 không phải là "điềm trời" báo hiệu giai đoạn "lịch sử mùa đông" đang tan dần như một tảng băng tuyết trên miền bắc cực của trời đất (cũng là địa thế của Liên Bang Sô Viết trên bản đồ thế giới) hay sao? Thế nhưng, theo thú nhận của chính nhà lãnh đạo vô thần cuối cùng của chế độ Cộng Sản Sô Viết, cũng là nhân vật chủ chốt gây nên cuộc sụp đổ ở Đông Âu, thì hiện tượng cộng sản tự giải thể, như tảng băng tuyết tan dần này là do vai trò chủ chốt của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, và Đức Thánh Cha lại qui về Biến Cố Fatima, như ngài minh định trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng của ngài.

Phải, nhờ ảnh hưởng 25 năm Biến Cố Fatima mới có cuộc hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 31-10-1942 do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Cuộc hiến dâng quyết liệt liên quan đến vận mệnh của thế giới này được trọn vẹn kết thúc vào ngày 25-3-1984 do Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cùng với hàng giáo phẩm thế giới thực hiện. Song song với việc làm chủ yếu trên đây của thẩm quyền Giáo Hội, còn có phong trào Mẹ Thánh Du Quốc Tế từ ngày 13-5-1947, đến nay vẫn liên tục tiếp diễn khắp nơi trên thế giới. Tất cả những diễn tiến đó, không phải hay sao, đều là "những điềm trời" báo hiệu "Mùa Xuân Maria", "Mùa Xuân Muôn Thuở", Mùa Xuân Viên Mãn Chúa Kitô, "Đấng một lần đã chết nhưng hiện vẫn sống muôn đời" (KH 1:18). "Mùa Xuân Maria" ấy đang tưng bừng mở hội cho một Mùa "Trời Mới Đất Mới" (KH 21:1) là Thời "Canh Tân Mọi Sự" (KH 21:5).

(Bài này đã được phổ biến trên các Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ 1/1995, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 2/2000, Hiệp Nhất 2/2000, và Tam Cá Nguyệt San Vào Đời 2/2000)


 

23/1 Thứ Sáu, Mùng Hai Tết Giáp Thân

Ngày mùng một Tết, chúng ta đã chúc xuân cho nhau. Ngày mùng hai Tết, Thứ Sáu, hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy tư về thời gian trong Mầu Nhiệm Lời Nhập Thể. Ngày mùng ba tết, ngày mai Thứ Bảy, chúng ta sẽ suy tư về thời gian trong Mầu Nhiệm Thánh Mẫu Maria.

Thiên Chúa Là Chúa của Thời Gian

(ÐTC GPII: Bài Giáo Lý thứ nhất về Năm Thánh 2000 Thứ Tư ngày 19-11-1997) 

3-       Chân trời bao rộng của lịch sử đang chuyển dịch này gợi lên một số vấn đề căn bản: Thời gian là gì? Đâu là nguồn gốc của thời gian? Đâu là mục đích của thời gian?

          Thật thế, khi chúng ta nhìn đến cuộc hạ sinh của Đức Kitô, tầm mắt của chúng ta chú trọng đến 2000 năm lịch sử phân cách chúng ta với biến cố này. Thế nhưng, cái nhìn của chúng ta cũng hướng về những ngàn năm trước biến cố này và đồng thời chúng ta cũng nhìn lại nguồn gốc của con người cũng như của thế giới. Khoa học đương thời đang xoay quanh việc hình thành những giả thuyết về nguồn gốc và phát triển của vũ trụ. Tuy nhiên, cái mà những dụng cụ cùng với tiêu chuẩn khoa học nắm được không phải là tất cả, và cái mà cả đức tin lẫn lý trí nắm được, ngoài cả những dữ kiện có thể chứng thực và đo lường được, thì qui về trọng điểm của mầu nhiệm. Trọng điểm này được xác định ở ngay câu đầu tiên của Thánh Kinh: “Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trời và đất” (Gn.1:1).

          Mọi sự được Thiên Chúa tạo dựng. Bởi thế, không một sự gì đã hiện hữu trước công cuộc tạo dựng trừ Thiên Chúa. Ngài là một vị Thiên Chúa siêu việt, Đấng đã tác tạo nên mọi sự bằng quyền năng riêng của mình, không bị chi phối bởi một thiết yếu nào, với một tác động tuyệt đối tự do và nhưng không, hoàn toàn do tình yêu thôi thúc. Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng mạc khải mình là Cha, Con và Thánh Thần.         

4-       Trong việc tạo dựng vũ trụ Thiên Chúa đã dựng nên thời gian. Từ Ngài mà thời gian bắt đầu có cùng với việc tỏ hiện sau đó của nó. Thánh Kinh nhấn mạnh đến việc các sinh vật lệ thuộc từng giây từng phút vào tác động thần linh: “Khi Ngài ẩn mặt đi chúng thất kinh; khi Ngài rút hơi thở chúng lại, chúng chết đi và trở về chỗ tro bụi của mình. Khi Ngài gửi Thần Linh tới, chúng được tạo thành; và Ngài canh tân diện mạo trái đất” (Ps.104/103:29-30).

          Do đó, thời gian là quà tặng của Thiên Chúa. Được liên tục tạo dựng bởi Thiên Chúa, nó ở trong tay Ngài. Ngài hướng dẫn việc tỏ hiện của nó hợp với ý định của Ngài. Từng ngày là một tặng ân của tình yêu thần linh dành cho chúng ta. Với quan niệm này, chúng ta nghênh đón ngày của Cuộc Đại Hỷ như một món quà tặng của tình yêu.     

5-       Thiên Chúa là Chúa của thời gian không những như đấng hoá công của thế giới, mà còn như tác giả của một cuộc tân tạo trong Đức Kitô nữa. Ngài nhúng tay vào việc chữa lành và cải hoá thân phận con người đã bị tội lỗi đả thương sâu nặng. Ngài đã dùng nhiều thời gian trong việc sửa soạn dân Ngài cho quang vinh của cuộc tân tạo này, đặc biệt qua lời của các vị tiên tri: “Này đây, Ta tác tạo trời mới và đất mới; rồi những cái trước kia sẽ không còn được tưởng nhớ hay gợi nhớ nữa. Hãy vui mừng và hoan hỉ luôn mãi nơi cái mà Ta tạo dựng; này đây, Ta tạo cho Gialiêm niềm hoan lạc và dân thành niềm vui sướng” (Is.65:17-18).

          Lời hứa của Ngài đã nên trọn 2000 năm trước đây qua việc hạ sinh của Đức Kitô. Theo ý nghĩa này, biến cố kỷ niệm mừng là một lời mời gọi cử hành một kỷ nguyên Kitô giáo như là một giai đoạn canh tân đối với nhân loại cũng như đối với vũ trụ. Cho dù khó khăn và khổ đau, những năm qua đã là 2000 năm ân phúc.

          Những năm tới đây, cũng thế, ở trong bàn tay của Thiên Chúa. Tương lai của con người, trước hết là tương lai của Thiên Chúa, theo nghĩa là chỉ có một mình Ngài biết nó, sửa soạn cho nó và thực hiện nó. Dĩ nhiên, Ngài kêu gọi và mời con người cộng tác, thế nhưng, Ngài không ngừng là “vị chủ trì” siêu việt của lịch sử.

          ... Chỉ một mình Thiên Chúa biết tương lai sẽ ra sao. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng trong bất cứ một biến cố nào nó cũng sẽ là một tương lai ân phúc; nó sẽ là việc hoàn tất ý định yêu thương thần linh đối với toàn thể loài người cũng như đối với mỗi một người trong chúng ta. Đó là lý do tại sao, khi chúng ta nhìn về tương lai, chúng ta tràn đầy hy vọng và không sợ hãi...

(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 26/11/1997)

Với Chúa Kitô, Vĩnh Cửu đã đi vào Thời Gian  

(ÐTC GPII: Bài Giáo Lý thứ hai về Năm Thánh 2000 Thứ Tư ngày 26-11-1997)  

V

iệc cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô như là tận điểm của thời gian trước Người và như là khởi điểm của tất cả thời gian sau Người. Thật thế, Người đã khai mào cho một tân sử, không những cho những ai tin Người mà còn cho cả cộng đồng nhân loại, vì ơn cứu chuộc Người hoàn thành là để hiến cho mỗi một con người. Từ đó, những hoa trái của việc Người cứu chuộc được thấm nhập tràn lan khắp giòng lịch sử một cách mầu nhiệm. Với Chúa Kitô vĩnh cửu đã đi vào thời gian.

          “Ngay từ ban đầu đã có Lời” (Jn.1:1). Bằng những lời này, thánh Gioan khai mở cho Phúc Âm của ngài, mang chúng ta vượt ra ngoài khởi điểm thời gian của mình, đến tận cõi vĩnh hằng thần linh. Lời diễn tả này đã vang vọng lời diễn tả trong đoạn sáng tạo: “Ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trời và đất” (Gn.1:1). Thế nhưng, trong việc tạo dựng, nó là một vấn đề của thời gian, trong khi đó, nơi mà Lời được nói đến, lại là một vấn đề của vĩnh hằng.

          Có hai khoảng cách vô cùng giữa hai yếu tố. Nó là một khoảng cách giữa thời gian và vĩnh cửu, giữa tạo vật và Thiên Chúa. 

2-       Là Lời từ đời đời hiện hữu, Chúa Kitô có một nguồn gốc vượt xa khỏi cuộc hạ sinh của Người trong thời gian.

          Lời minh xác của thánh Gioan được căn cứ vào chính những lời của Chúa Giêsu. Để trả lời cho những người Do Thái hạch trách Người vì Người cho rằng Người đã thấy Abraham trong khi Người chưa đầy 50 tuổi, Chúa Giêsu đáp: “Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho qúi vị hay, Tôi hiện hữu trước khi có Abraham” (Jn.8:58). Lời minh xác này nhấn mạnh đến cái tương phản giữa việc trở nên (the becoming) của Abraham và việc hiện hữu (the being) của Chúa Kitô. Chữ “genésthai” được dùng trong bản văn Hy Lạp chỉ về Abraham thực sự có nghĩa là “trở nên” (to become), hay “hình thành” (to come into being): nó là một động từ xác đáng để chỉ về thể thức hiện hữu hợp với loài tạo vật. Ngược lại, chỉ có một mình Chúa Giêsu mới có thể nói: “Tôi hiện hữu” (I am), một diễn tả xác định mức độ hoàn toàn của hiện thể, vượt ra ngoài tất cả những năng thể. Như thế là Người chứng tỏ Người nhận thức được việc Người có một hiện hữu cá biệt từ đời đời.

3-       Khi áp dụng lời “Tôi hiện hữu” cho chính mình, Chúa Giêsu đã làm cho danh của Thiên Chúa thành tên của Người, một danh xưng được tỏ cho Moisen trong sách Xuất Hành. Sau khi trao cho Moisen sứ mệnh giải thoát dân của mình khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập, Giavê là Chúa đã bảo đảm sẽ hộ giúp và sát cánh với Moisen, và để đoan quyết cho lòng trung thành của mình, Ngài đã tỏ cho ông biết mầu nhiệm danh tánh của Ngài: “Ta là Đấng hiện hữu” (Ex.3:14). Nhờ đó, Moisen có thể nói cùng các người Yến-Duyên rằng: “Đấng hiện hữu đã sai tôi đến với qúi vị” (ibid.). Danh xưng này chẳng những nói lên sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa dành cho dân của Ngài, mà còn nói lên mầu nhiệm khôn thấu của Ngài.

          Chúa Giêsu lấy danh hiệu thần linh này làm của mình. Trong Phúc Âm thánh Gioan, lời diễn tả này xuất hiện một số lần trên môi miệng Người (xem 8:24,28,58;13:19). Với danh hiệu này, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một cách thực sự rằng, nơi bản thân Người, vĩnh cửu chẳng những có trước thời gian mà còn đi vào thời gian nữa.

          Cho dù chia sẻ với thân phận con người, Chúa Giêsu vẫn nhận thức được việc hiện hữu đời đời của mình, một hiện hữu khiến cho tất cả mọi hoạt động của Người có một giá trị cao cả hơn. Chính Người đã nhấn mạnh giá trị đời đời này: “Trời đất có qua đi nhưng những lời của Tôi sẽ không qua đi” (Mk.13:31; par.). Những lời của Người, cũng như những tác hành của Người, có một giá trị chuyên biệt chung kết, và sẽ tiếp tục kêu gọi loài người đáp ứng cho đến cùng thời gian.

4-       Việc làm của Chúa Giêsu có hai phương diện liên hệ chặt chẽ với nhau: việc của Người là một việc cứu độ giải thoát con người khỏi quyền lực sự dữ, việc của Người cũng là một việc tân tạo để con người được tham dự vào sự sống thần linh.

          Việc giải thoát khỏi sự dữ đã được báo trước trong Cựu Ước, nhưng chỉ một mình Đức Kitô mới hoàn toàn chiếm được nó. Chỉ có một mình Người là Con mới có quyền năng vĩnh hằng trên lịch sử con người: “Nếu Con giải thoát cho qúi vị, qúi vị sẽ thực sự được giải thoát” (Jn.8:36). Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái cũng hết sức nhấn mạnh đến sự thật này, khi tỏ cho thấy hy tế duy nhất của Con đã chiếm lấy cho chúng ta “ơn cứu độ đời đời” (Heb.9:12), vượt trên giá trị của những hy tế Cựu Ước.

          Việc tân tạo chỉ có thể đạt được bởi Đấng toàn năng, vì nó bao hàm việc thông truyền sự sống thần linh cho việc hiện hữu của con người. 

5-       Quan điểm về nguồn gốc đời đời của Lời, đặc biệt được nhấn mạnh trong Phúc Âm thánh Gioan, thôi thúc chúng ta đi sâu hơn vào mầu nhiệm này.

          Bởi thế, chúng ta hãy tiến đến Cuộc Mừng Kỷ Niệm, bằng việc tuyên xưng đức tin của mình nơi Đức Kitô càng ngày càng mãnh liệt hơn bao giờ hết: “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Những đoạn của Kinh Tin Kính đây hiến cho chúng ta lối tiến vào mầu nhiệm này; chúng là một lời mời gọi tiến đến mầu nhiệm này. Chúa Giêsu tiếp tục làm chứng cho thế hệ của chúng ta, như Người đã làm 2000 năm trước đối với các môn đệ của Người cũng như với những ai nghe Người, về việc Người nhận thức được căn tính thần linh của Người: mầu nhiệm Tôi hiện hữu.

          Vì mầu nhiệm này, lịch sử nhân loại không còn rơi vào tình trạng băng hoại nữa, nhưng có một ý nghĩa và một hướng đi: một cách nào đó, lịch sử nhân loại đã được thai nghén với vĩnh cửu. Lời hứa an ủi mà Chúa Kitô đã nói với các môn đệ của Người vang lên cho mọi người là: “Này đây Thày luôn ở cùng các con cho đến cùng thời gian” (Mt.28:20). 

 (Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 3/12/1997)

Nơi Chúa Kitô, Thời Gian Nhân Trần đã được Tràn Đầy Vĩnh Cửu

(ÐTC GPII: Bài Giáo Lý thứ bốn về Năm Thánh 2000 Thứ Tư ngày 10-12-1997)  

 

Trong việc kêu mời chúng ta cùng tưởng niệm 2000 năm Kitô giáo, Cuộc Mừng Kỷ Niệm này đưa chúng ta về lại với biến cố khai mở cho kỷ nguyên Kitô giáo: đó là việc hạ sinh của Chúa Giêsu. Phúc Âm thánh Luca kể cho chúng ta nghe về biến cố phi thường này bằng những lời đơn sơ và cảm kích: Maria “đã sinh con trai đầu lòng, bọc Người trong khăn và đặt Người nằm trong máng cỏ, vì không có quán trọ để trú ngụ” (2:7).

          Việc hạ sinh của Chúa Giêsu làm cho mầu nhiệm Nhập Thể đã được hiện thực nơi cung dạ của Đức Nữ Trinh trong ngày Truyền Tin trở thành tỏ tường. Thật thế, Đức Trinh Nữ hạ sinh con trẻ này ở chỗ, là một dụng cụ chân thành và dễ dậy đối với ý định thần linh, Đức Trinh Nữ đã thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Linh. Nhờ nhân tính mặc lấy trong cung dạ của Mẹ Maria, Con hằng hữu của Thiên Chúa bắt đầu sống như một con trẻ, và lớn lên “trong khôn ngoan và tầm vóc, đẹp lòng Thiên Chúa và loài người” (Lk.2:52). Như thế Người tỏ mình ra Người là con người thật. 

2-       Sự thật này được thánh Gioan nhấn mạnh trong Phần Nhập Đề Phúc Âm của mình, khi viết: “Lời đã hoá thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (1:14). Khi viết “hoá thành nhục thể”, Thánh Ký chẳng những đang có ý nói đến nhân tính của Người theo thân phận tử vong mà còn với tính cách nguyên trọn nữa. Con Thiên Chúa đã mặc lấy tất cả những gì là nhân loại, ngoại trừ tội lỗi. Việc Nhập Thể là hoa trái của một tình yêu bao la, một tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa tự động chia sẻ trọn vẹn thân phận loài người của chúng ta.

          Trong việc trở nên con người, Lời Thiên Chúa đã mang lại một đổi thay sâu đậm nơi chính thân phận của thời gian. Chúng ta có thể nói rằng nơi Chúa Kitô thời gian nhân trần đã được tràn đầy vĩnh cửu.

          Cuộc biến đổi này chạm đến định mệnh của tất cả nhân loại, vì “bởi việc Nhập Thể của mình, Người, Con Thiên Chúa, bằng một cách nào đó, đã liên kết mình với mỗi một người” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 22). Người đã đến để hiến tặng cho mỗi một người việc thông dự vào sự sống thần linh của Người. Tặng ân của sự sống đời này bao gồm cả việc chia sẻ với cõi trường sinh của Người. Chúa Giêsu đã phán điều liên quan đến Thánh Thể này một cách rất đặc biệt: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời” (Jn.6:54). Hiệu quả của bữa tiệc Thánh Thể đó là chúng ta có được sự sống này. Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng đã xác định cùng một ý nghĩa như thế với hình ảnh tượng trưng của nước hằng sống làm cho giãn khát, một thứ nước hằng sống của Thần Linh được ban phát liên quan đến sự sống đời đời (x.Jn.4:14). Như thế, sự sống ân sủng đã cho thấy một chiều kích trường sinh, một chiều kích thăng hoa việc hiện hữu trần thế của chúng ta, và không ngừng liên tục hướng dẫn việc hiện hữu trần thế của chúng ta cho tới ngưỡng cửa sự sống thiên đình. 

3-       Việc thông truyền sự sống trường sinh của Chúa Kitô còn có nghĩa là chúng ta thông phần với thái độ con cái mến thảo của Người đối với Chúa Cha.

          Từ đời đời, “Lời ở với Thiên Chúa” (Jn.1:1), nghĩa là, ở trong một mối gắn bó trọn hảo hiệp thông với Chúa Cha. Khi Người hoá thành nhục thể, mối gắn bó này bắt đầu được diễn đạt ra nơi tất cả mọi tác hành của Chúa Giêsu. Con đã sống hiệp thông liên lỉ với Cha trên thế gian bằng một thái độ của đức tuân phục mến yêu trọn hảo.

          Việc vĩnh cửu đi vào thời gian nơi cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu là cửa ngõ của tình yêu đời đời liên kết Con với Cha. Bức thư gửi giáo đoàn Do Thái đề cập đến mối liên kết này khi nói về thái độ nội tại của Chúa Kitô vào chính lúc Người vào đời: “Này Con xin đến để thực thi ý Chúa, Oâi Thiên Chúa” (10:7). “Cái nhảy” vọt bao la từ sự sống thiên quốc của Con Thiên Chúa vào hố thẳm hiện hữu của loài người được kích động bởi ý muốn tự toàn hiến của Người trong việc hoàn tất ý định của Cha.

          Chúng ta được kêu gọi để mặc lấy cùng một thái độ này, bằng cách bước theo con đường Con Thiên Chúa làm người đã khai mở, để chúng ta có thể thông phần cuộc hành trình của Người về với Chúa Cha. Cuộc sống trường sinh hội nhập với chúng ta là một quyền năng thống trị của yêu thương, một quyền năng tìm cách hướng dẫn trọn cuộc sống của chúng ta về tới mục đích tối thượng của mình được dấu ẩn nơi mầu nhiệm của Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu đã nối kết hai hướng động bất khả phân ly xuống và lên xác nghĩa Nhập Thể này: “Từ Cha mà Thày đã đến và đã đến trong thế gian; để rồi, Thày lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha” (Jn.16:28).

          Cuộc sống trường sinh đã đi vào cuộc sống loài người. Bởi vậy cuộc sống loài người được kêu gọi để thực hiện cuộc hành trình với Chúa Kitô từ thời gian về vĩnh cửu. 

4-       Nếu thời gian nơi Chúa Kitô được nâng lên tới một mức độ cao hơn, khi nhận đuợc khả năng tiến tới vĩnh cửu, thì có nghĩa là việc ngàn năm đang tiến tới không được coi như một tiến bước thuần túy theo giòng thời gian, mà là như một chặng hành trình của nhân loại hướng về đinh mệnh chung cuộc của nó.

          Năm 2000 không phải chỉ là cửa qua một ngàn năm khác; nó là cửa cho cõi trường sinh mà, trong Chúa Kitô, tiếp tục mở ra trong thời gian để ban cho nó một hướng đi đích thực cũng như một ý nghĩa chuyên chính.

          Năm 2000 tỏ bày cho tâm trí và cõi lòng của chúng ta một cái nhìn bao rộng hơn liên quan đến tương lai. Thời gian thường không được tri nhận. Nó dường như làm con người thất vọng về tình trạng bất ổn của nó, về việc trôi qua nhanh chóng của nó, khiến cho tất cả mọi sự thành vô dụng. Thế nhưng, nếu vĩnh cửu đã hội nhập thời gian, thì không thể chối bỏ được cái giá trị phong phú của chính thời gian. Việc trôi đi dứt khoát không phải là một hành trình tiến đến hư vô, mà là một hành trình tiến về vĩnh cửu.

          Cái nguy hiểm thực sự không phải là việc trôi theo thời gian, mà là sử dụng nó một cách tệ hại, khi chối bỏ sự sống đời đời được Chúa Kitô hiến ban. Ước vọng được sự sống và hạnh phúc trường sinh phải được tái thức tỉnh không ngừng nơi tâm can con người. Việc cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm có một ý nghĩa đích thực là làm tăng phát niềm ước vọng này, giúp cho các tín hữu và con người của thời đại chúng ta mở lòng mình ra cho một cuộc sống vô biên. 

(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 17-24/12/1997)

 

22/1 Thứ Năm, Mùng Một Tết Giáp Thân

Chúc Mừng Năm Mới Giáp Thân 2004

Nếu thời tiết trong một năm có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì một ngày sống hay một đời người cũng có 4 mùa như vậy.

Ngày Sống 4 Mùa là Sáng Xuân, Trưa Hạ, Chiều Thu và Đêm Đông.


Đời Người 4 Mùa với Tuổi Xuân: 0-20; Tuổi Hạ: 21-40; Tuổi Thu: 41-60; Tuổi Đông: 61-100.

Chỉ có một loại người không già, muôn thuở trẻ trung, trường sinh bất tử, trọn lành thánh hảo, đó là con người sống trong Sự Thật, sống theo Sự Thật, và đạt được Sự Thật. Vì Sự Thật là một Thực Tại Toàn Hảo, một Thực Tại Bất Biến, một Thực Tại không bao giờ đổi thay, một Thực Tại không bao giờ cùng, một Chân Trời Lịch Sử, một Trời Mới Đất Mới!

Xin Kính chúc quí thân hữu của Thời Ðiểm Maria Tân Niên Giáp Thân 2004 được tràn đầy Thần Chân Lý cho Hồn An, Xác Mạnh, Đời Vui, Sống Thánh.


“Thày ban bình an của Thày cho các con”

Trong buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần tuần này, ĐTC lại tạm ngừng loạt bài về giáo lý thánh vịnh được Ngài vừa tái chia sẻ tuần trước (tới bài 96) để nói về đề tài hiệp nhất Kitô giáo nhân dịp Giáo Hội đang cử hành Tuần Lễ Cầu Nguyện Hiệp Nhất Kitô hằng năm (18-24/1) trước khi cử hành Lễ Thánh Phaolô Trở Lại (25/1). Sau đây là những gì Ngài huấn dụ.

1. “Thày ban bình an của Thày cho các con” (Jn 14:27). Tuần Lễ Cầu Nguyện và Suy Tư về Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo nhắm đến những lời Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly. Ở một nghĩa nào đó, những lời này là một thứ ước thệ thiêng liêng của Người. Lời hứa này đã được hoàn toàn thể hiện nơi các vị môn đệ khi Chúa Kitô sống lại. Khi hiện ra với 11 Vị ở Nhà Tiệc Ly, Người đã nói những lời ấy 3 lần khi chào các vị: “Bình an cho các con” (Jn 20:19).

Bởi thế, quà tặng các tông đồ nhận được không phải là bất cứ một thứ “bình an” nào, mà là chính bình an của riêng Chúa Kitô: “bình an của Thày”, theo lời Người nói. Và để làm sáng tỏ những gì Người nói hơn nữa, Người đã nói thẳng là: Thày ban bình an của Thày cho các con “không phải như thế gian ban” (Jn 14:27).

Thế giới mong đợi hòa bình, cần đến hòa bình, hôm nay cũng như hôm qua, thế nhưng nó thường được tìm kiếm bằng đường lối không xứng hợp, thậm chí có những lúc sử dụng đến cả bạo lực hay bằng việc cân bằng quyền lực. Trong những trường hợp như thế, con người sống với một tâm hồn lo lắng sợ hãi và bất ổn. Ngược lại, bình an của Chúa Kitô là một thứ bình an hòa giải tâm linh, thanh tẩy tâm hồn, hoán cải tâm trí.

2. Đề tài của Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo được chọn cho năm nay do một nhóm đại kết ở thành phố Aleppo nước Syria. Điều này khiến Tôi nhớ đến cuộc tông du Tôi đã thực hiện ở Damascô. Tôi đặc biệt biết ơn sự tiếp đón nồng hậu mà hai vị thượng phụ Chính Thống và Công Giáo Hy Lạp giành cho Tôi. Cuộc gặp gỡ này vẫn còn cho thấy dấu hiệu của một niềm hy vọng tiến đến đại kết. Tuy nhiên, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta, vấn đề đại kết sẽ không chân thực nếu có vấn đề “thay đổi lòng trí. Vì những ước muốn hiệp nhất phát xuất và phát triển từ việc canh tân đời sống nội tâm của tâm trí chúng ta, từ việc bỏ mình cũng như từ một thứ yêu thương vô hạn. (Sắc lệnh về đại kết "Unitatis Redintegratio," 7).

Người ta đang thấy phát triển một thứ nhận thức về nhu cầu cần phải có một linh đạo sâu xa về hòa bình và việc kiến tạo hòa bình, chẳng những nơi những ai trực tiếp hoạt động đại kết, mà còn nơi tất cả mọi Kitô hữu nữa. Thật vậy, lý tưởng hiệp nhất này liên quan đến hết mọi tín hữu được kêu gọi để làm thành một dân tộc được cứu chuộc bởi máu của Chúa Kitô trên thập tự giá.

3. Thật là phấn khởi khi thấy việc tìm cầu hiệp nhất nơi Kitô hữu đang lan tràn mỗi ngày một hơn nhờ những sáng kiến thuận lợi liên quan đến những lãnh vực khác nhau của việc dấn thân hoạt động cho đại kết. Trong những dấu hiệu hy vọng này Tôi hân hoan kể đến việc tăng triển đức bác ái huynh đệ và mức tiến bộ nơi những đối thoại về thần học với một số Giáo Hội cũng như với các cộng đồng giáo hội. Với các cộng đồng giáo hội, vấn đề đã tiến đến, ở những mức độ và tính chất khác xưa, những qui điểm về các chủ đề hết sức căng thẳng trong quá khứ.

Trước những dấu hiệu tích cực này, người ta cũng không được tỏ ra chán nản khi phải đối diện với những khó khăn cũ mới, song phải luôn trông cậy vào ơn Chúa hầu nhẫn nại và hiểu biết mà đương đầu với chúng.

4. “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”: phụng vụ nguyện cầu và hát lên như thế trong tuần lễ này, làm sống lại bầu khí của Bữa Tiệc Ly. Từ đức bác ái hỗ tương và tình yêu thương nhau ấy phát sinh ra sự an bình và mối hiệp nhất của tất cả mọi người Kitô hữu, thành phần có thể góp phần quyết liệt làm cho nhân loại thắng vượt được những lý do chia rẽ và xung khắc.

Anh chị em thân mến, cùng với lời cầu nguyện, chúng ta cũng cảm thấy được mãnh liệt thúc đẩy đóng góp nỗ lực của mình trong việc trở thành “những người xây dựng hòa bình” (x Mt 5:9) chân chính trong những hoàn cảnh chúng ta sống động.

Xin Trinh Nữ Maria, Đấng ở trên đồi Canvê đã chứng kiến hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô, giúp chúng ta và hỗ trợ chúng ta trên con đường hòa giải và hòa bình.

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 21/1/2004)

 

Thánh Tử Ðạo Việt Nam:

Thứ Năm 22/1/2004

Phanxicô Féderich Tế, Lm, và

Matthêô Alonso Liciniana Ðậu

 

Thần Học Về Thân Thể của ĐTC Gioan Phaolô II

(tiếp theo ngày Thứ Bảy 17/1/2004 tuần trước)

Tác Hiệu và Chiều Kích của Thần Học về Thân Thể

Nhận xét của nữ tâm lý giả tác giả trong cuộc phỏng vấn với màn điện toán Zenit trên đây ở câu vấn đáp thứ hai: “Những ai lắng nghe những thứ giáo huấn này sẽ có thể tự điều giải bản thân họ; họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và được kêu gọi thực hiện một công việc lạ lùng trong vấn đề luyện tập yêu thương và liên hệ với những người khác”, quả nhiên đã được chứng thực nơi hai trường hợp sau đây, nhất là trường hợp thứ hai.

Trường hợp thứ nhất liên quan đến cặp vợ chồng mới lấy nhau, Jason và Crystalina Evert, đang làm việc cho tờ nguyệt san Catholic Answers, ở San Diego California, đã là chứng nhân cho nhận định này, khi họ đi chia sẻ ở các trường trung học khắp nước Mỹ, dù là trường công, trường Kitô giáo hay trường Công giáo. Cả chục ngàn giới trẻ đã hào hứng đến nghe cặp vợ chồng diễn giả này. Riêng Jason còn là tác giả cuốn “Nếu Chàng/Nàng Thực Sự Yêu Tôi” do Catholic Answers xuất bản. Người tác giả này đã chia sẻ cảm nhận của mình về giới trẻ đối với dự án của Thiên Chúa nơi hôn nhân liên quan đến tính dục, cũng như về thành phần phụ huynh làm sao để giúp cho con cái của mình sống thanh tịnh, một cuộc phỏng vấn đã được Zenit phổ biến ngày 12/12/2003, trong đó có đề cập đến vấn đề Thần Học Về Thần Thể như sau.

• “Việc chúng mở lòng ra hào hứng đón nghe những gì chúng tôi muốn truyền đạt cho chúng là một điều phải nhận là tuyệt vời. Thế nhưng, tôi cần phải nói thêm thế này, đó không phải những gì chúng tôi truyền đạt, vì chúng tôi không thể chiếm công của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về thứ “thần học thân thể” của Ngài”.

Trường hợp thứ hai liên quan tới ký giả David Morrison, ở Arlington Virginia, đã từng sống đời đồng tính nhưng đã trở về sống thanh tịnh như một người trở lại Công Giáo, và là tác giả cuốn “Beyond Gay” (Bên Trên Cuộc Đồng Tính Nam Nhân) do Tuần San Our Sunday Visitor xuất bản, hiện là sáng lập viên và điều hành viên Mạng Điện Toán Can Trường. Anh đã chia sẻ cảm nghiệm của mình với màn điện toán Zenit về cách thức sống thanh tịnh đã giúp giảm bớt mức độ của những thứ hấp lực đồng phái tính, một cuộc phỏng vấn đã được Zenit phổ biến ngày 9/1/2004, trong đó có đề cập đến vấn đề Thần Học Về Thần Thể như sau.

Vấn: Các thứ giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có giúp được gì anh không? Tại sao?

Đáp: Tôi nghĩ Đức Gioan Phaolô đã phục vụ Kitô hữu, thậm chí cả những người không phải là Kitô hữu nữa, bằng việc Ngài đã cẩn thận giải thích và loan truyền một thứ thần học về thân thể. Tôi nghĩ rằng ngày nay đang xẩy ra một thứ lầm lẫn về vai trò thân thể chúng ta đóng trong đời sống tâm linh của chúng ta cũng như về tầm quan trọng của thân thể của chúng ta như là những gì chúng ta được tạo dựng nên. Đức Gioan Phaolô II đã đặt một nền móng cho một phần rất quan trọng nơi sứ điệp của Giáo Hội thuộc những ngàn năm tới đây.

Ngoài ra, một điểm đặc biệt về thần học về thân xác của ĐTC Gioan Phaolô II cũng cần phải được đề cập đến ở đây là, thứ thần học về thân xác này chẳng những có chiều kích hiện thế của thân xác mà còn liên hệ cả đến chiều kích cánh chung của thân xác nữa. Ở chỗ, thân xác của con người sẽ được cứu độ, theo chiều hướng được Vị Tông Đồ Dân Ngoại giảng dạy trong Thư gửi giáo đoàn Rôma: “Ôi tôi là con người yếu đuối dường nào! Ai có thể cứu tôi khỏi thân xác ở dưới quyền lực sự chết” (7:24); “Mặc dù có hoa trái đầu mùa là Thần Linh, chính chúng ta cũng phải quằn quại đợi chờ việc cứu chuộc của thân xác chúng ta” (8:23).

Thật ra, cuối cùng thân xác của con người, dù lành hay dữ cũng sẽ được sống lại. Tuy nhiên, thân xác của con người được cứu độ đây không phải là thân xác sống lại để đời đời bị trầm luân, mà là thân xác được biến đổi nên giống như thân xác hiển vinh của Chúa Kitô phục sinh (x Ph 3:21). Vậy, để thân xác con người được cứu độ, được biến đổi nên giống như thân xác hiển vinh của Chúa Kitô phục sinh, thân xác của con người cần phải được điều khiển bởi Thần Linh Chúa Kitô để sự sống của Chúa Kitô hiện tỏ nơi thân xác của họ (x 2Cor 4:10), tức con người không được sống theo xác thịt mà là theo Thần Linh (x Rm 8:8-9), không được sử dụng thân xác của mình làm khí cụ cho gian ác (như cho gian dâm nhục dục) mà là cho đức công chính (x Rm 6:13).


Đối với kẻ viết bài này, thần học về thân thể không phải chỉ liên quan đến vấn đề tình dục và hôn nhân kèm theo chiều hướng cánh chung theo ý định của Thiên Chúa thôi. Thần học về thân thể còn phải bao gồm cả lãnh vực triết lý nữa. Đúng thế, theo nhân loại học và hiện tượng học thì thân xác của con người chẳng những là cơ sở hiện hữu của con người còn là dấu hiệu cho thấy ngôi vị (person) của con người và là hấp lực lẫn phương tiên để con người sống ngôi vị của mình nữa.

Thật vậy, yếu tố chính yếu tạo nên con người là linh hồn chứ không phải thân xác. Linh hồn là mô thể (form) và thân xác là chất thể (matter). Tuy nhiên, nếu không có thân xác cũng không có con người và không phải là con người. Con người chỉ hiện hữu với thân xác và trong thân xác mà thôi. Thế nhưng, theo dự án của Đấng dựng nên con người theo hình ảnh thần linh và tương tự như thần linh (x Gen 1:26) thì thân xác có một giá trị, như trên vừa nhận định, không phải chỉ để làm cơ sở hiện hữu của con người và cho con người, mà còn là dấu hiệu cho thấy con người là một ngôi vị và là phương tiện thể hiện ngôi vị con người. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ở chỗ có ngôi vị và là một ngôi vị, một ngôi vị có những đặc thù của mình và có khuynh hướng cùng khả năng hiệp thông, tương tự như Ba Ngôi Thiên Chúa, mỗi Ngôi đều biệt phân song lại chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nếu con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ở chỗ có ngôi vị và là một ngôi vị thì họ tương tự như Thiên Chúa ở chỗ còn biết yêu thương và hiệp thông.

Thân xác của con người là dấu cho thấy con người có ngôi vị, là một cá thể hay chủ thể (subject) độc lập, ở chỗ, từ tạo thiên lập địa tới tận thế, người nào, cá nhân nào, ngôi vị nào cũng có một bộ mặt riêng, có một chỉ tay không giống ai, có một giọng nói,
kiểu nói, cách nói, hầu như không giống ai. Chính cái riêng biệt nơi thân xác này của con người, khác hẳn với “khối” loài vật, chứng tỏ họ là một ngôi vị, và đã là một ngôi vị thì con người cần phải có tự do hay mới có tự do, để nhờ đó họ có thể bộc lộ những gì là chuyên biệt, là cá biệt, là ngôi vị của mình. Có thể nói thân thể là “cái tôi” của con người. Và người khác chỉ nhận ra tôi, tôi là ai và tôi như thế nào, qua/nơi thân xác mang những dấu vết ID (căn cước chuyên biệt theo ngôi vị) của tôi mà thôi.

Đó là lý do, nếu phương pháp tạo sinh sao bản phi tính dục (cloning) là cách tạo nên hai sinh vật giống hệt như nhau, thì khoa học và kỹ thuật dù có tân kỳ đến đâu đi nữa, chắc chắn sẽ không thể nào có thể sao bản con người có ngôi vị được. Nếu chỉ thiếu một nhiễm sắc thể (chromosome) trong thai bào (cần phải có đủ 46 sợi: 23 từ tế bào tinh trùng và 23 từ tế bào noãn sào) mà con người được sinh ra với hội chứng lạc diện (Down Syndrome, hội chứng có một bộ mặt bèn bẹt không thật, tương tự như nhau ở bất cứ mầu da hay phái tính nào), thì phương pháp tạo sinh sao bản phi tính dục, cần phải bỏ hết nhân trung nơi tế bào trứng đi, chỉ có thể tạo nên, nếu thành công, một quái thai hay một thứ được gọi là “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi” thôi.

Vì thân xác của con người đã là dấu cho thấy ngôi vị của con người, cho thấy một chủ thể có tự do, mà thân xác cũng là một hấp lực của ngôi vị và trở thành phương tiện để con người sống ngôi vị của mình, điển hình nhất là nơi đời sống hôn nhân. Thân thể là hấp lực của ngôi vị ở chỗ thu hút ngôi vị con người có duyên với mình. Thân thể trở thành phương tiện cho ngôi vị bộc lộ tình yêu thương và gắn bó nên một của mình. Chiều kích yêu thương, vừa là hấp lực vừa là bộc lộ này của thân xác con người được thể hiện rõ ràng nhất nơi đời sống hôn nhân, một đời sống cho thấy hai con người nam nữ cảm thấy đắm đuối và quyến luyến nhau, đi đến chỗ trao thân cho nhau bằng tác động giao hợp.

Ngoài ra, triết lý về thân xác, theo tôi, chẳng những liên quan đến ngôi vị của con người, đến chủ thể tự do tác hành của con người, đến vấn đề hiệp thông hôn nhân, như vừa nhận định trên đây, mà còn liên quan đến riêng nữ giới nữa. Tại sao? Bởi vì, theo bản chất, nữ giới tự nhiên thiên về những gì liên quan đến thân thể, chẳng hạn đặc tính của nữ giới tự nhiên vốn chú trọng về nhu cầu ăn uống (thích ăn vặt chẳng hạn) và có khả năng chuyên môn về nấu nướng, hay thích làm đẹp bộ diện và làm dáng toàn thân v.v. Có thể nói nữ giới là bộ mặt của con người, là vóc dáng của con người.

Chính nơi thân phận nữ giới này mà thần học về thân xác và triết lý về thân xác đã gặp nhau. Thật vậy, theo thần học, tức theo Mạc Khải Thần Linh, thì đối với Thiên Chúa, Đấng Hóa Công và Cứu Độ của mình, con người tạo vật đóng vai thụ nhận, cưu mang và sinh hoa trái như một nữ giới trong đời sống hôn nhân. Thực tại về thân phận nữ giới đối với thần linh này đã được Chúa Kitô minh định trong Bữa Tiệc Ly khi nói với các tông đồ rằng: “Thày là cây nho, các con là cành, ai sống trong Thày và Thày sống trong họ sẽ trổ sinh muôn vàn hoa trái” (Jn 15:5). Nếu vấn đề thụ nhận, cưu mang và sinh sản thiêng liêng trực tiếp liên quan đến thân phận nữ giới, thì quả thực cũng là những gì thuộc về chức phận riêng của thân thể con người, một cơ sở được Đấng Hóa Công dựng nên để thụ nhận một mầm mống sự sống là linh hồn, cưu mang những tâm tưởng của linh hồn và sinh sản những hành vi cử chỉ của linh hồn. Ngoài ra, nếu theo thần học, thân xác của con người chỉ được cứu, tức chỉ được biến đổi nên giống thân xác hiển vinh của Chúa Kitô phục sinh tái giáng, nếu nó trở thành một cơ sở thần hiển hay trở thành một phương tiện hoạt động cho công lý, thì thân xác của con người không phải chỉ nguyên sống bởi bánh mà còn bởi đạo lý (x Deut 8:3), để có thể trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa (x Mt 22:21).

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch và khai triển
 

21/1 Thứ Tư

Bài 96 (Thứ Tư 14/1/2004)

Chúa Kitô Tử Giá Vì Chúng Ta

(Ca Vịnh 1Phêrô 2:21-24 – Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất)

1. Sau thời gian tạm dừng để cử hành Lễ Giáng Sinh, hôm nay chúng ta tiếp tục những bài suy niệm của chúng ta về phụng vụ giờ kinh tối. Bài ca vịnh vừa được công bố trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô đề cập đến cuộc khổ nạn cứu chuộc của Chúa Kitô là biến cố đã đực tiên báo vào giây phút Người lãnh nhận phép rửa ở sông Dược Đăng.

Như chúng ta đã nghe vào Chúa Nhật vừa rồi, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu tỏ mình ra ngay từ lúc khởi đầu cuộc hoạt động công khai của mình như là “Người Con yêu dấu” được Cha lấy làm hài lòng (x Lk 3:22), và là “Người Tôi Tớ Giavê” (x Is 42:1) thực sự, Đấng giải thoát con người khỏi tội lỗi bằng cuộc khổ nạn và tử giá của mình.

Việc tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn này rất thường được nhắc đến trong Bức Thư của Thánh Phêrô này, trong đó, người đánh cá ở Galilêa tự nhận mình là “chứng nhân thấy những khổ nạn của Chúa Kitô” (5:1). Chúa Giêsu là Con Chiên hy hiến tinh tuyền đã đổ máu cao quí của mình ra vì phần rỗi của chúng ta (x 1:18-19). Người là tảng đá sống bị con người loại bỏ nhưng được Thiên Chúa chọn làm “tảng đá gốc” làm nền tảng cho “ngôi nhà thiêng liêng” tức là cho Giáo Hội (x 2:6-8). Người là Đấng công chính tự hiến mình cho thành phần bất chính để dẫn họ về lại với Thiên Chúa (x 3:18-22).

2.     Giờ đây chúng ta chú trọng tới những gì về Chúa Kitô được đoạn văn chúng ta vừa nghe nói tới (x 2:21-24). Người hiện lên trước mắt chúng ta như là một mô phạm để chiêm ngưỡng và bắt chước, một thứ “chương trình”, như bản nguyên ngữ Hy Lạp viết (x 2:21), cần phải được thực hiện, một gương mẫu cần phải nhất định noi theo, liên kết chúng ta với những ước muốn của Người.

Thật vậy, bản văn đã sử dụng đến động từ Hy Lạp về việc đi theo, về môn đệ tính, về việc bước theo từng bước chân của Chúa Giêsu. Những bước chân của Vị Thày thần linh này tiến đi trên con đường dốc dác và nhọc nhằn, như người ta đọc thấy trong Phúc Âm: “Ai muốn theo Thày phải … vác thập giá mà theo Thày” (Mk 8:34).

Ở đây bài thánh thi ca của Thánh Phêrô mô tả một tổng hợp rất hay về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, được diễn tả bằng những lời lẽ và hình ảnh được tiên tri Isaia ám chỉ về nhân vật Tôi Tớ khổ đau (x Is 53), và được đọc lại theo chiều hướng thiên sai của truyền thống Kitô Giáo xưa kia.

3.     Câu truyện khổ nạn theo hình thức của một bài thánh thi ca này được cấu tạo bởi 4 lời công bố tiêu cực (22-23a) và 3 lời công bố tích cực (23b-24), là những gì cho thấy thái độ của Chúa Giêsu nơi biến cố kinh hoàng và cả thể ấy.

Bắt đầu là việc xác nhận lưỡng đôi về tính cách hoàn toàn vô tội của Người như được tiên tri Isaia nói tới: “Người không hề phạm tội và không hề có điều chi điêu ngoa nơi miệng lưỡi của Người” (22). Sau đó là hai nhận định khác về tác hành gương mẫu theo đức hiền lành và từ ái của Người: “Khi bị xỉ nhục, Người không lăng nhục, khi bị khổ đau Người không dọa nạt” (23). Việc âm thầm nhẫn nhịn của Chúa không phải chỉ là một hành động can đảm và quảng đại. Nó còn là một cử chỉ tin tưởng vào Cha của Người, như một trong ba điều xác nhận tích cực cho thấy: “Người đã phó mình cho Đấng phân xử công minh” (ibid). Người đã hoàn toàn và trọn vẹn tin tưởng vào đức công chính thần linh, một đức công chính hướng lịch sử đi đến chỗ chiến thắng của thành phần vô tội.

4.     Như thế chúng ta tiến tới tột đỉnh của trình thuật về cuộc khổ nạn cho thấy giá trị cứu độ của hành động hy hiến bản thân đến cùng của Chúa Kitô: “Chính Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta nơi thân thể bị treo trên một cây gỗ của Người, nhờ đó, được giải thoát khỏi tội lỗi, chúng ta sống cho đức công minh” (2:24).

Nhận định tích cực thứ hai này, một nhận định theo những gì được lời tiên tri của Isaia diễn tả (53:12), cho thấy rõ Chúa Kitô đã mang “nơi thân xác của Người” “ở trên một cây gỗ”, tức là ở trên cây thập tự giá, “tội lỗi của chúng ta” để có thể xóa bỏ chúng đi.
Trên con đường này, cả chúng ta nữa, được giải thoát khỏi con người cũ cùng với sự dữ và khốn nạn của nó, có thể “sống công chính”, tức là sống thánh thiện. Tư tưởng này tương hợp với, mặc dù chữ nghĩa rất khác nhau, giáo lý về phép rửa của Thánh Phaolô, một phép rửa tái sinh chúng ta nên những tạo vật mới, dìm ngập chúng ta vào mầu nhiệm khổ nạn, tử giá và hiển vinh của Chúa Kitô (x Rm 6:3-11).

Câu cuối cùng “nhờ bởi những thương tích của Người mà anh em đã được chữa lành” (24) cho thấy giá trị cứu độ nơi những gì Chúa Kitô phải chịu, một giá trị cứu độ được diễn tả bằng những lời tương tự bởi tiên tri Isaia trong việc nhấn mạnh đến hoa trái cứu độ phát sinh từ nỗi khổ đau Người Tôi Tớ Chúa phải chịu (x Is 53:5).

5.     Chiêm ngưỡng những thương tích của Chúa Kitô đã cứu độ chúng ta, Thánh Ambrôsiô nói: “Tôi chẳng có gì nơi những việc tôi làm để mà tự tôn vinh mình, tôi chẳng có gì để mà vinh vang, bởi thế, tôi mới tôn vinh trong Chúa Kitô. Tôi sẽ không tự tôn vinh mình vì tôi là kẻ công chính, song tôi tôn vinh vì tôi được cứu chuộc. Tôi sẽ không tự tôn vinh mình vì tôi được không vướng mắc tội lỗi, song tôi tôn vinh vì tội lỗi tôi đã được thứ tha. Tôi không tự tôn vinh mình vì tôi đã giúp đáp hay được giúp đáp, song vì Chúa Kitô là Đấng cầu bầu cho tôi trước Chúa Cha, vì máu của Chúa Kitô đã đổ ra cho tôi. Chúa Kitô đã nếm cái chết vì tôi. Lỗi tội còn có lợi hơn là vô tội. Vô tội làm tôi huyênh hoang, lỗi tội làm tôi khiêm hạ” ("Giacobbe e la Vita Beata," [Jacob and the Blessed Life], I,6,21: Saemo, III, Milan-Rome, 1982, pp. 251.253).

Anh Chị Em thân mến,

Sau khi cử hành Lễ Giáng Sinh, hôm nay chúng ta chiêm ngắm một đoạn Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, đoạn thư khảo sát về Cuộc Khổ Nạn hiển vinh của Chúa được tiên kiến từ khi Người lãnh nhận Phép Rửa ở sông Dược Đăng. Bài ca vịnh này trình bày như là một tổng hợp về nhân vật Tôi Tớ Khổ Đau được Tiên Tri Isaia nói đến và là then chốt để hiểu được quan điểm Kitô hữu xưa về Đấng Thiên Sai. Khi chúng ta suy niệm về hình ảnh Đấng Cứu Thế khổ đau của chúng ta, chúng ta hãy nhớ lại những lời của Thánh Ambrôsiô nói la “Tôi không được hiển vinh vì tôi là kẻ công chính, song tôi sẽ được hiển vinh vì tôi được cứu chuộc”.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 14/1/2004)

 

ĐTC với tân lãnh sự Nam Dương về việc đối đầu với nạn khủng bố quốc tế

Hôm 10/1/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Nam Dương là Bambang Prayitno và đã đề cập đặc biệt đến việc chống nạn khủng bố quốc tế, vì Nam Dương, nơi Ngài đã viếng thăm năm 1989, cũng đã là một trong những nơi nếm mùi khủng bố tấn công này ở “Bali 15 tháng trước đây”.
….
Như ngài đã đề cập, quốc gia của ngài và Tòa Thánh đã có những mối liên hệ thân hữu và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết, bằng việc cùng nhau dấn thân hoạt động cho hòa bình và phúc hạnh của tất cả mọi dân tộc ở mọi tầng lớp xã hội. Đây là một trách nhiệm bao gồm tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm, và là một công việc ngày nay có một tầm mức quan trọng hơn bao giờ hết khi toàn thể gia đình nhân loại đang tìm kiếm những phương tiện hiệu nghiệm để đương đầu với nạn khủng bố quốc tế. Không phủ nhận được là tai họa độc hại này đã trở nên dữ dội hơn nữa trong những năm gần đây, gây ra những cuộc tàn sát dã man là những gì chỉ làm thái quá hơn tình trạng khó khăn, làm tăng thêm căng thẳng và làm suy giảm những cơ hội kiến tạo hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia. Bất hạnh thay xứ sở của ngài lần đầu tiên cũng đã nếm mùi những hành động bạo lực ghê tởm như vậy, những hành động bất chấp sự sống bất khả vi phạm của con người vô tội. Cái cảm giác hết sức bàng hoàng trước cuộc khủng bố tấn công cho bom nổ ở Bali 15 tháng trước đây vẫn còn âm vang sâu xa trong tâm trí của cộng đồng thế giới.

Bất chấp sự khinh thường mạng sống con người được thể hiện nơi những cuộc khủng bố tấn công như thế, chúng ta cũng không bao giờ được phản ứng một cách hận ghét hay trả thù. Những biện pháp chỉ nhắm đến việc trừng phạt hay áp đảo thôi cũng không đủ. Cuộc chiến chống khủng bố còn cần phải được thực hiện ở tầm mức chính trị và giáo dục nữa. Cần phải động viên về lãnh vực chính trị để loại trừ những căn nguyên sâu xa gây ra những tình trạng bất công là những gì thúc đẩy con người tới những hành động thất vọng và bạo động. Cũng thế, cần phải quyết tâm thực hiện những chương trình giáo dục được bởi cũng như nuôi dưỡng lòng tôn trọng sự sống con người trong tất cả mọi trường hợp. Có thế mối hiệp nhất nhân loại mới thắng thế, cho thấy nó mãnh lực hơn bất cứ sự chia rẽ lây lan nào làm tách phân cá nhân, nhóm phái và các dân tộc (cf. Message for the 2004 World Day of Peace, No. 8). Chính vì khía cạnh giáo dục này mà các tôn giáo chính trên thế giới mới đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

Việc hiểu biết và hợp tác liên tôn thực sự sẽ giúp nhiều vào vấn đề phát động một cảm quan rõ ràng hơn nữa về mối hiệp nhất của toàn thể nhân loại, bằng việc nhổ tận căn gốc những căn nguyên về xã hội và về văn hóa gây ra nạn khủng bố. Tôi càng tin tưởng rằng các vị lãnh đạo Hồi giáo, Kitô giáo và Do Thái giáo cần phải đi tiên phong trong việc lên án nạn khủng bố cũng như trong việc bác bỏ bất cứ hình thức hợp lý nào về tôn giáo hay luân lý được thành phần khủng bố viện dẫn. Cần phải phát động việc đối thoại với nhau như là một phương tiện cho việc hiểu biết lẫn nhau, như là một cuộc trao đổi gia sản thiêng liêng với nhau và như là dụng cụ thắng vượt cách êm đẹp những thứ khác biệt nhau. Đó là đường lối duy nhất để bảo toàn được mối hiệp nhất, để giữ được tình trạng ổn định và để xây dựng nền dân chủ rất đáng ước mong nơi đại Quốc do ngài đại diện đây.

Trong tinh thần này, Tôi lấy làm mãn nguyện khi thấy rằng việc Chính Phủ của ngài tích cực dấn thân trong việc bảo tồn tình trạng hòa hợp giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau ở Nam Dương. Thật vậy, câu khẩu hiệu Bihneka Tung al lka, “hiệp nhất trong đa dạng”, đính ở vai áo quốc thể của ngài, đã cho thấy một nguyên tắc hướng dẫn quan trọng khiến xứ sở của ngài đang nỗ lực xây dựng và củng cố một xã hội được xây dựng trên những nguyên tắc dân chủ liên quan đến tự do và bình đẳng, bất kể ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa hay tôn giáo. Những cuộc tuyển cử vào cuối năm nay, một thời điểm lịch sử thực sự đối với nước Nam Dương, là một cơ hội tuyệt hảo để tái củng cố những nguyên tắc này nơi những cơ cấu dân chủ của quốc gia cũng như để phát triển việc tham dự trọn vẹn của tất cả mọi người công dân vào sinh hoạt chung của Đất Nước. Bầu không khí chính trị này cũng cho thấy một bước tiến lớn trong việc tiếp tục biến đổi xã hội Nam Dương, qua những nỗ lực loại trừ tình trạng bại hoại và bảo đảm việc tôn trọng các thứ quyền lợi của tất cả mọi người công dân, nhất là những quyền lợi thuộc các thành phần thiểu số về chủng tộc và tôn giáo.

Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo là một đồng bạn tích cực trong việc tiếp tục chương trình của đất nước ngài để phát triển những cơ cấu có khả năng làm thỏa nguyện niềm hy vọng và ước vọng của tất cả mọi dân tộc thuộc quần đảo này. Vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực giáo dục có một tầm vóc đặc biệt quan trọng, ở chỗ, mặc dù những người Công Giáo chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số dân chúng, họ cũng đã phát triển một hệ thống học đường rộng lớn và hiệu nghiệm. Việc quyết tâm giữ tinh thần dung nhượng về tôn giáo cũng như giữ nguyên tắc nền tảng về quyền tự do tôn giáo đã cho phép Giáo Hội thực hiện một thứ đóng góp vô giá vào sinh hoạt của xứ sở này. Tôi hy vọng rằng Chính Quyền đây sẽ tiếp tục hỗ trợ Giáo Hội trong việc theo đuổi sứ vụ của Giáo Hội, bằng việc tỏ ra tôn trọng căn tính Công Giáo nơi các học đường cũng như nơi các hoạt động giáo dục của Giáo Hội.
………


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 11/1/2004.

 

20/1 Thứ Ba

Các Vị Tôn Sư Do Thái với ĐTC GPII về những vấn đề nối kết Do Thái giáo và Công Giáo

Tôn Sư Ashkenazi Yona Metzger và tôn sư Sephardic Shlomo Amaralso đã bày tỏ với ĐTC GP II 3 ước muốn của các vị. Thứ nhất, người Công Giáo khắp thế giới nên tổ chức Ngày Đối Thoại với Người Do Thái. Thứ hai ĐTC nên bày tỏ một cử chỉ đặc biệt nào với “Năm Maimonides”. Thứ ba, Giáo Hội Công Giáo nên tặng một đồ vật thờ phượng của người Do Thái mà Giáo Hội Công Giáo đang có cho người Do Thái.

Các vị tôn sư này, sau khi các vị gặp ĐTC 35 phút, đã tiết lộ những điều yêu cầu này của mình với ĐTC cho báo chí biết hôm Thứ Sáu ở Sảnh Đường Hội Đồng của Đại Hội Đường Do Thái ở Rôma.

Về Ngày Đối Thoại như thế này đã được tổ chức ở Ý nhiều năm nay. Ngày này năm nay đã được tổ chức hôm Thứ Bảy 17/1/2004, áp Tuần Lễ Cầu Cho Việc Hiệp Nhất Kitô Giáo. Vào những ngày đối thoại này, người Do Thái và Công Giáo gặp nhau để nghị hội, viếng thăm các hội đường hay qui tụ lại để quen biết nhau hơn.

Về Năm Maimonides, nhân dịp kỷ niệm 800 qua đời của Moses Maimonides là một đại triết gia kiêm thần học gia ở Cordoba, Tây Ban Nha, sống vào những năm 1135-1204, Tòa Thánh cho mượn một số bản thảo quí giá của đại triết gia kiêm thần học gia này, những văn bản đang được giữ ở Thư Viện Vatican, để trưng bày ở Do Thái. Vị đại triết gia kiêm thần học gia Do Thái này đã được nhìn nhận là một triết gia người Do Thái quan trọng nhất thời Trung Cổ. Ông đã viết “13 Điều Đức Tin”, một trong những kinh tin kính vẫn được nhiều người Do Thái chính thống sử dụng cho đến nay. Trong tác phẩm “Hướng Dẫn Kẻũ Bối Rối” được viết năm 1190, vị này đã cố gắng hòa hợp giữa đức tin và lý trí, dung hòa những tín điều của Do Thái giáo kinh điển với duy trí thuyết của triết lý Aristote trong bản viết bằng tiếng Ả Rập, một bản bao gồm cả các yếu tố Tân Triết Plato. Tác phẩm được vị này bàn về bản tính của Thiên Chúa và việc tạo dựng, về ý muốn tự do, về vấn đề thiện ác, đã ảnh hưởng rất nhiều nơi những đại triết gia Kitô giáo như Tôma Aquinas và Albêtô Cả.

Trong cuộc hội kiến riêng với ĐTC, các vị tôn sư này nói bằng tiếng tân Do Thái, và được vị lãnh sỉ Do Thái ở Tòa Thánh Vatican là Obed Ben-Hur thông dịch. Cùng tham dự buổi triều kiến này với những vị tôn sư ấy có cả Tôn Sư Trưởng Roccardo Di Segni ở Rôma. Trong cuộc họp báo, các vị tôn sư cho biết cuộc triều kiến này là một cuộc gặp gỡ “chân tình” và “thân ái”, Tôn sư Metzger cho biết ĐGH rất chú trọng tới những điều được phát biểu và tỏ ra niềm nở với khách của ngài. Tôn sư Amar cho rằng cuộc gặp gỡ này giúp làm tăng thêm “niềm hy vọng hòa giải và tình huynh đệ giữa hai tôn giáo” cũng như “tăng thêm các mối liên hệ”, vì ĐTC và các vị cộng sự viên của Ngài trong quá khứ đã sử dụng những lời nói mạnh mẽ để lên án nạn bài Do Thái.

Nhân dịp kỷ niệm năm thứ 18 việc ĐTC GPII đến viếng thăm hội đường ở Rôma, Tôn Sư Metzger lập lại lời ông mời ĐTC viếng thăm Giêrusalem và nhắc lại rằng năm nay là năm kỷ niệm đệ lục chu niên “hiệp ước căn bản” giữa Tòa Thánh và Nước Do Thái.

Đối với Tôn Sư Amar, cái khó khăn nhất giữa các cá nhân cũng như các cộng đồng đó là “việc thiếu đả thông nhau”, đó là việc không thể “hiểu” nhau hay “nghe” nhau, nên mỗi người cứ khư khư với chủ trương riêng của mình. Bởi thế, vì tôn sư này nhấn mạnh: “Chúng ta phải nói”. Theo ông, những cuộc gặp gỡ liên tôn có thể “thắng vượt những khó khăn phát xuất ở lãnh vực chính trị”.

Tôn Sư Metzger cho biết là trong cuộc triều kiến với ĐGH, họ đã nói đến vấn đề đối đầu với nạn bài Do Thái và khủng bố: “Hôm qua họ bắt bớ chúng tôi vì chúng tôi không có quốc gia và hôm nay đây chúng tôi đã có đất nước”. Vị tôn sư này cũng cho biết là ông đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo hãy ngăn chặn việc tăng thêm khủng bố dưới chiêu bài tôn giáo. Ông nói tất cả chúng ta đều là “con cái của Abraham”, không thể nào “người Cha này lại sung sướng khi trông thấy rằng cảnh anh em sát hại nhau. Máu đã chảy ra đủ rồi!”

Tôn sư Amar nhấn mạnh là cần phải ngồi xuống thương thảo với nhau, vì vấn đề giải quyết chỉ bắt đầu khi biết đối thoại mà thôi. Điều cần đó là sự nhẫn nại và tương nhượng để xây những chiếc cầu dẫn đến việc đối thoại làm cho nhau “nghe được sự khôn ngoan của nhau”. “Nếu tất cả chúng ta đều có thái độ này thì thế giới chắc hẳn là đã khác rồi”.

 

“Giáo Hội Hoàn Vũ Liên Kết với Giáo Hội ở Thánh Địa”

Các vị giám mục thuộc hai châu lục này sẽ gặp nhau tại Bêlem và Giêrusalem tuần này về chủ đề “Giáo Hội Hoàn Vũ Liên Kết với Giáo Hội ở Thánh Địa”. Các hội đồng giám mục Canada, Hoa Kỳ, Anh và Wales, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ sẽ gửi các vị giám mục tới tham dự cuộc họp này. Chủ hội của cuộc gặp gỡ này là Đức Thượng Phụ lễ nghi Latinh Michel Sabbah ở Giêrusalem cùng với Hội Đồng Giám Mục Công Giáo ở Thánh Địa.

Ủy Ban Các Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu, Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu (CCEE: Council of European Bishops' Conferences), và Mỹ Châu Latinh Caritas cũng sẽ có đại diện tham dự. Hội Đồng Giám Mục Anh và Wales điều hợp cuộc gặp gỡ từ Thứ Hai đến hết Thứ Năm này (12-15/1/2004).

Về phía hội đồng giám mục Hoa Kỳ sẽ có ĐGM chủ tịch Wilton Gregory; về phía Canada có vị chủ tịch của hội đồng nước này là ĐTGM Brendan O’Brien; và về phiá hội đồng giám mục Anh và Wales có phó chủ tịch của hội đồng là ĐTGM Patrick Kelly ở Liverpool và về phía CCEE có 1 vị đại diện.

Mở đầu cuộc họp của các vị giám mục Âu Châu và Mỹ Châu, hôm Thứ Hai 12/1/2004, Giáo Hội ở Thánh Địa đã kêu gọi tất cả mọi giáo hội trên thế giới hãy giúp vào việc cổ võ hòa giải.

Đức Thượng Phụ Michel Sabbah ở Giêrusalem nói rằng Thánh Địa “chẳng những là một cảnh tượng của một cuộc xung khắc về chính trị giữa những người Palestine và Do Thái”, mà còn là “một mảnh đất của Kitô hữu”, bởi thế, “các giáo hội trên thế giới có trách nhiệm phải xác nhận tính chất Kitô giáo này của mảnh đất này, bằng việc hiện diện qua nhiều cách, bằng những cuộc hành hương, bằng việc hòa giải và tôn trọng con người nói chung. Những gì thực sự đòi hỏi các giáo hội trên thế giới không phải là ngả về phe bên này hay bên kia mà là giúp vào việc hòa giải, vì việc hòa giải hai dân tộc này cũng là cách tốt nhất để giúp cho việc Kitô giáo hiện diện ở mảnh đất này”.

Đức Thượng Phụ còn nhấn mạnh đến việc xin giấy thông hành và cư trú cho các viên chức Giáo Hội ở Thánh Địa đã trở nên khó khăn liên quan đến “việc tự do di chuyển đối với viên chức của các Giáo Hội khác nhau của chúng ta. Đó là vấn đề quyền tự do tôn giáo, một vấn đề tự do đi lại ở Thánh Địa là những gì cho phép các Giáo Hội, theo Hiệp Ước Căn Bản giữa Tòa Thánh và Nước Do Thái, được tự do tiếp tục ở Thánh Địa với tất cả viên chức, dù là tu sĩ hay giáo dân. Những cuộc họp này quan trọng để củng cố mối hiệp thông với nhau của chúng ta cũng như để tìm kiếm sự hỗ trợ và niềm hy vọng”.

Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, khâm sứ Tòa Thánh ở Thánh Địa, đã bày tỏ nỗi lo ngại là bức tường an ninh của Do Thái đang xây sẽ băng ngang qua mảnh đất của người Công giáo. Vị khâm sứ này đã nhắc lại lời “Đức Giáo Hoàng nói rằng Thánh Địa không cần đến những bức tường ngăn cách mà là những cây nối nối”. Tuy nhiên, ngài cũng thấy được một tia hy vọng ở chỗ “tôn giáo tích cực ở Thánh Địa, và đó là một dấu hiệu hy vọng”.

Sư Huynh Vincent Malham, viện trưởng Đại Học Bêlem, trường trình là học đường, nơi có 34% Kitô hữu, đã bị đóng của trên cả 10 lần trong vòng 30 năm qua: “Khoảng 3 năm trước đây, tòa nhà chúng tôi đang ở bị ba phi đạn lớn bắn vào. Khi có những người Tây Phương đến, trong ba năm qua chúng tôi không có nhiều lắm, dân chúng ở đây đã nhận thấy như vậy. Việc hiện diện của quí vị rất ư là quan trọng. Tôi cầu xin cho nó là một dấu hiệu hy vọng cho dân chúng ở Thánh Địa này”.

ĐGM Wilton Gregory, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, nói rằng ngài đã yêu cầu Tổng Thống Bush hỗ trợ “lộ trình” hòa bình, và đã cùng với đồng bạn của mình vận động có một cuộc họp với vị tổng thống này về Thánh Địa.

Sau 4 ngày gặp nhau ở Bêlem và Giêrusalem, các vị giám mục đã kết thúc bằng lời kêu gọi như sau:

“Không Phải là Những Bức Tường Chắn mà là Những Cây Cầu Nối”

1. Chúng tôi là những Giám Mục Công Giáo ở Âu Châu và toàn Mỹ Châu, đến đây để bày tỏ tình đoàn kết Công Giáo khắp thế giới với Giáo Hội ở Thánh Địa. Đây là lần thứ ba trong nhiều năm chúng tôi đã đến bằng tình hữu nghị với cả nhân dân Do Thái lẫn Palestine, với Kitô hữu, Do Thái lẫn Hồi giáo. Chúng tôi đã thấy bạo lực cả hai cộng đồng này phải trải qua, đó là cuộc tấn công những người Do Thái ở Gaza và cuộc trừng phạt chung các người công dân Palestine. Chúng tôi xin phân ưu về những cái chết xẩy ra trong thời gian chúng tôi ở đây, cũng như xin xác định việc chúng tôi phản đối tất cả mọi thứ đổ máu.

Chúng tôi đã nghe thấy ước vọng mong muốn hòa bình, công lý và hòa giải giữa cả đôi bên Do Thái và Palestine. Chúng tôi cũng rất lấy làm tiếc xót nhận thấy cái thiếu hụt về ý chí chính trị, chẳng những nơi miền đất này mà còn nơi cả cộng đồng thế giới nữa trong việc hoạt động cho một cuộc ổn định êm đẹp. Bởi thế chúng tôi kêu gọi tất cả mọi vị lãnh đạo chính trị của chúng tôi hãy đáp ứng ước vọng hòa bình là những gì nhân dân ở Thánh Địa này sâu xa ấp ủ trong lòng.

2.     “Chúng tôi lao nhọc và nỗ lực, vì chúng tôi đặt hết niềm hy vọng của mình nơi Vị Thiên Chúa hằng sống” (1Tim 4:10).

Chúng tôi đã chứng kiến thấy nhiều dấu hiệu hy vọng trong thời gian ngắn ngủi chúng tôi ở Thánh Địa. Trong số những dấu hiệu hy vọng này là lòng quảng đại đối với Giáo Hội hoàn vũ và những việc thể hiện tình đoàn kết của các Kitô hữu ở Do Thái cũng như ở các nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, hy vọng hơn hết là sức sống và việc dấn thân của chính Giáo Hội ở Thánh Địa, bao gồm cả các mối liên hệ huynh đệ giữa các vị lãnh đạo Kitô giáo.

Chúng tôi chúc mừng Hội Đồng Các Đấng Bản Quyền Công Giáo ở Thánh Địa, cùng với tất cả mọi Kitô hữu ở Thánh Địa hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, về việc áp dụng một cách thành công Công Hội của mình, cũng như chúc mừng các tổ chức cứu trợ Công Giáo đã từng hoạt động rất vất vả để điều hợp những nỗ lực của mình và dồn nỗ lực của mình vào việc hỗ trợ tất cả mọi dân tộc ở Thánh Địa.

3.     “Thánh Địa không cần đến những bức tường ngăn mà là những chiếc cầu nối!” theo lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 16/11/2003.

Chúng tôi đã thấy hậu quả tàn hại của bức tường đang được xây dựng ngang qua đất đai và nhà cửa của các cộng đồng Palestine. Việc này dường như trở thành một thứ kiến tạo vĩnh viễn, phân chia các gia đình, cô lập hóa vườn ruộng của họ cũng như hoàn cảnh sinh sống của họ, và phân cách các tổ chức tôn giáo. Chúng tôi đã có một kinh nghiệm về cái chán nản và nhục nhã phải chịu đựng mỗi ngày của những người Palestine ở những trạm kiểm soát, ngăn chặn không cho họ trợ cấp cho gia đình họ, đi đến bệnh viện, đi làm việc, đi học hành và đi thăm họ hàng.

Chúng tôi phàn nàn về sự kiện là, mặc dù đã có những cải tiến rõ ràng, có một số linh mục, chủng sinh, nữ tu, nam tu và giáo dân bị từ chối hay bị làm khó dễ trong việc xin giấy thông hành và phép cư ngụ để học hỏi và hoạt động ở Do Thái cũng như ở những phần đất của người Palestine. Những điều này tạo nên những thứ ngăn trở thật sự đối với khả năng của Giáo Hội trong việc thực hiện sứ mệnh phục vụ dân chúng ở Thánh Địa. Sự kiện này thật là đáng tiếc vì Nước Do Thái và Tòa Thánh vừa đánh dấu 10 năm ký kết Hiệp Ước Căn Bản.

Chúng tôi cũng quan tâm đến những thông báo thành văn do thẩm quyền Do Thái trao cho những người hành hương đến Thánh Địa, gây khó dễ cho việc họ viếng thăm những miền thuộc quyền kiểm soát của Thẩm Quyền Palestine, bao gồm nhiều Nơi Thánh của Kitô giáo.

4.     “’Lạy Thày, Thày hiện đang ở đâu?’ ‘Hãy đến mà xem!’” (Jn 1:38-39).

Chúng tôi đã thấy được niềm hy vọng nơi việc tăng số tuy nhỏ nhưng đáng kể của những người hành hương đến những Nơi Thánh. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc hành trình của chúng tôi sẽ là một gương mẫu và là thứ khích lệ cho Kitô hữu đồng đạo của mình trong việc đến mà xem nơi Chúa Giêsu Kitô đã sống. Việc hành trình và là một kẻ lữ hành là dấu hiệu của hy vọng và của tình đoàn kết đối với Kitô hữu ở Thánh Địa, là một nhắc nhở về sự hiện diện của Giáo Hội sống động này, Giáo Hội Mẹ, và là một chứng từ hòa bình hòa giải ở miền đất quá khổ đau vì xung khắc.

Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi tín đồ thân hữu hãy làm chứng cho chân lý của sứ điệp được ngỏ với Kitô hữu ở Thánh Địa trong những ngày này là “Anh chị em không lẻ loi một mình đâu!”

+ Brendan O'Brien
Archbishop of St John's Newfoundland and President, Canadian Bishops' Conference

+ Wilton D. Gregory
Bishop of Belleville and President, United States Conference of Catholic Bishops

+ Patrick Kelly
Archbishop of Liverpool and Vice President, Catholic Bishops' Conference of England & Wales (Delegate, Council of European Bishops' Conferences)

+ Bernard-Nicolas Aubertin
Bishop of Chartres, French Bishops' Conference

+ Lucien Daloz
Archbishop Emeritus of Besanẫon, French Bishops' Conference

+ Reinhard Marx
Bishop of Trier, German Bishops' Conference

+ Joan Enric Vives
Bishop of Urgell and co-Prince of Andorra, Spanish Bishops' Conference

+ William Kenney
Auxiliary Bishop of Stockholm, Scandinavian Bishops' Conference and
Commission of the Bishops' Conferences of the European Community (COMECE)

+ Pierre Bủrcher
Auxiliary Bishop of Lausanne, Swiss Bishops' Conference

+ Gregorio Rosa Chavez,
President, Caritas Latin America

Mgr Piergiuseppe Vachelli
Undersecretary, Italian Bishops' Conference

 

19/1 Thứ Hai

Huấn Từ Truyền Tin về Tuần Lễ Hiệp Nhất Kitô Giáo và Mừng Tân Niên Giáp Thân 2004 Á Đông

Trước khi nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 18/1/2004, ĐTC đã kêu gọi cầu nguyện cho Tuần Lễ Hiệp Nhất Kitô Giáo như sau:

“Trong một thế giới khát khao hòa bình thì các cộng đồng Kitô hữu rất cần phải đồng tâm nhất trí loan báo Phúc Âm. Không thể châm chước cho việc họ làm chứng cho Tình Yêu thần linh là Tình yêu liên kết họ, cũng như cho việc họ trở thành những người mang lại niềm vui, hy vọng và an bình, bằng việc làm men cho một tân nhân loại”.

ĐTC nhắc cho mọi người biết rằng đề tài của Tuần Lễ Hiệp Nhất Kitô Giáo năm 2004 là “Thày ban bình an của Thày cho các con”. Chương trình của tuần lễ này, năm nay được phác họa bởi các anh chị em Kitô hữu ở Aleppo Syria, Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành, theo hướng dẫn của Hội Đồng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo và Hội Đồng Thế Giới Đức Tin Các Giáo Hội cùng Ủy Ban Hành Sự. ĐTC nhận định về việc phác họa này như sau: “Vấn đề đáng chú ý ở đây là đề tài này đã được phác họa bởi các giáo hội ở Trung Đông, nơi mối hiệp nhất và niềm hòa bình hết sức cảm thấy cần phải được đặt ưu tiên trên hết. Kitô hữu hết sức cảm thấy cần phải quay về với Vị Chúa duy nhất của mình, để Người giúp họ thắng vượt khuynh hướng chán nản trong con đường khó khăn dẫn đến mối hiệp thông trọn vẹn”.

Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo được bắt nguồn từ Phong Trào Thánh Linh ở Tô Cách Lan. Năm 1894, Đức Lêô XIII đã khuyến khích làm Tuần Bát Nhật cho Mối Hiệp Nhất theo chiều hướng Lễ Hiện Xuống. ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Cổ Võ Hiệp Nhật Kitô Giáo đã chính thức khai mạc cho Tuần Lễ này bằng việc chủ sự một lễ nghi đại kết vào ngày Chúa Nhật 18/1/2004 ở Nhà Thờ Thánh Bridgita, có cả vị giám mục Lutherô ở Helsinki. Tuần Lễ này sẽ được kết thúc vào Chúa Nhật tuần tới, 25/1/2004, Lễ Thánh Phaolô trở lại, tại Đền Thờ Thánh Phêrô Ngoại Thành, cũng với sự chủ sự của cùng ĐHY chủ tịch.

Kết thúc buổi nguyện Kinh Truyền Tin hôm nay, ĐTC đã có lời chúc tết mừng Tân Niên Giáp Thân theo âm lịch thứ 4702 của “những đại dân tộc Đông phương, nhất là Trung Hoa, Việt Nam và Đại Hàn, các dân tộc trong mấy ngày nữa đây hân hoan cử hành tất niên âm lịch. Tôi chắc chắn liên kết với họ và thành thật chúc cho họ được an vui và thịnh vượng”.



ĐTC GPII với các Tôn Sư Do Thái về Vấn Đề Đối Thoại Liên Tôn giữa Công giáo và Do Thái giáo

Hôm Thứ Sáu, 16/1/2004, ĐTC đã tiếp hai vị tôn sư trưởng Jona Metzgher và Slomo Amar cùng với vị giám đốc của Văn Phòng Trưởng Tôn Sư là ông Oded Wiener, những người đến Rôma để tham dự buổi Hòa Nhạc Hòa Giải đực trình diễn bởi Ban Đại Hợp Tấu Pittsburgh ở Sảnh Đường Phaolô VI vào tối hôm sau, Thứ Bảy 17/1.

ĐTC ghi nhận rằng “trong 25 năm giáo triều của mình, Tôi đã nỗ lực phát động việc đối thoại Do Thái giáo và Công giáo cũng như bồi dưỡng việc thông cảm, tôn trọng và hợp tác giữa chúng ta. Thật vậy, một trong những cao điểm của giáo triều của Tôi vẫn là cuảc Hành Hương Năm Thánh của Tôi tới Thánh Địa, một cuộc bao gồm những giây phút linh thiêng cho việc tưởng nhớ, suy niệm và nguyện cầu ở Đài Tưởng Niệm Biến Cố Tế Thần Yad Vashem cũng như ở Bức Tường Than Khóc.

“Cuộc đối thoại chính thức được thiết lập giữa Giáo Hội Công Giáo và Văn Phòng Tôn Sư Trưởng của Do Thái là một dấu hiệu hết sức hy vọng. Chúng ta không được bỏ qua một nỗ lực nào để cùng nhau hoạt động dựng xây một thế giới công chính, an bình và hòa giải cho tất cả mọi dân tộc. Xin Đấng Quan Phòng Thần Linh chúc lành cho hoạt động của chúng ta và làm cho chúng đạt được thành quả!”


Bài Diễn Từ của ÐTC GPII trong buổi “Tấu Nhạc Hòa Giải”

Trong buổi “Tấu Nhạc Hòa Giải” hôm Thứ Bảy 17/1/2004, tại Sảnh Đường Phaolô VI, ĐTC GPII đã lên tiếng như sau.

Trong đoạn 1, ĐTC đã nhắc đến mục đích của buổi tấu nhạc hòa giải giữa ba Thiên Chúa Giáo là Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo. Ngài ngỏ lời chào các quí chức và đại diện của các tổ chức của 3 tôn giáo này hiện diện trong buổi tấu nhạc hòa tấu này. Ngài cám ơn tổ chức Hiệp Sĩ Columbus bảo trợ cho buổi tổ chức này. Ngài cũng chào ban hòa tấu Pittsburgh cũng như các ca đoàn Ankara, Krakow, London và Pittsburgh. Ngài nhắc đến “hai điểm là việc tôn kính Tổ Phụ Abraham và việc phục sinh của kẻ chết. Trong đoạn thứ 2 và 3, ĐTC nói đến mối liên hệ giữa ba tôn giáo này như sau:

2.     Lịch sử của các mối liên hệ giữa những người Do Thái, Kitô hữu và Hồi giáo được đánh dấu bằng ánh sáng và bóng tối, đáng buồn thay, đã trải qua những thời điểm đau thương. Hôm nay đây, rất cần phải thực hiện một cuộc hòa giải chân thành giữa các tín đồ tin vào một Vị Thiên Chúa duy nhất.

Buổi tối hôm nay, chúng ta qui tụ lại đây cho thấy việc cụ thể biểu lộ việc dấn thân tiến đến mối hòa giải này, bằng sứ điệp phổ quát của âm nhạc. Chúng ta đã được nhắc nhở về lời cảnh giác “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Hãy bước đi trước nhan Ta và sống liêm chính” (Gen 17:1). Hết mọi con người nghe thấy những lời này âm dội trong bản thân họ: Họ biết rằng một ngày kia họ sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa là Đấng từ trời cao nhín thấy lối sống của họ trên trần gian.

Chúng ta cùng nhau bày tỏ niềm hy vọng là con người sẽ được thanh tẩy cho khỏi hận thù và sự dữ là những gì hằng đe dọa hòa bình, nhờ đó họ mới có thể cùng nhau nối vòng tay lớn bất bạo động để sẵn sàng giúp đỡ và an ủi những ai cần thiết.

3.     Người Do Thái tôn kính Đấng Toàn Năng như “vị bảo vệ con người” và là Thiên Chúa “của những lời hứa sự sống”. Kitô hữu biết rằng tình yêu là lý do tại sao Thiên Chúa đã thiết lập mối liên hệ với con người và tình yêu là đáp ứng cần con người phải tỏ ra. Đối với tín đồ Hồi giáo thì Thiên Chúa là Đấng tốt lành và hết sức xót thương tín hữu. Được nuôi dưỡng bằng những niềm xác tín ấy, người Do Thái, Kitô hữu và Hồi giáo không thể nào chấp nhận được trái đất này lại bị hành hạ bởi hận thù, nhân loại bị quằn quại bởi những cuộc chiến tranh không cùng.

Đúng thế! Chúng ta phải tạo lấy cho mình lòng can đảm hòa bình. Chúng ta phải nài xin trời cao tặng ân hòa bình. Và hòa bình này sẽ loang ra như dầu xoa dịu, nếu chúng ta không ngừng bước đi trên con đường hòa giải. Bấy giờ sa mạc sẽ biến thành một khu vườn là nơi công lý ngự trị, và hoa trái của công lý sẽ là hòa bình (x Is 32:15-16).

“Omnia vincit amor!” – Tình yêu chiến thắng hết mọi sự!


“Nữ Giới Trước Những Gì Thế Giới Mong Đợi”

Sáng Thứ Sáu 16/1/2004, ĐTC đã tiếp thành phần tham dự hội nghị toàn quốc của Trung Tâm Nữ Giới Ý Quốc, một hội nghị bàn về đề tài “Nữ Giới Trước Những Gì Thế Giới Mong Đợi”.

ĐTC trước hết nhắc đến việc Trung Tâm này “được tác động bởi những nguyên tắc Kitô giáo, thực hiện hết mọi nỗ lực để giúp cho phụ nữ hiểu được hơn bao giờ hết một cách hữu trách vai trò riêng của họ trong xã hội.

“Nhân loại ngày nay càng ngày càng cảm thấy nhu cầu cần phải cống hiến một thứ cảm quan và trách nhiệm cho một thế giới đang có những vấn đề mới gây ra tình trạng bất an và lộn xộn hiện lên hằng ngày. Kỷ nguyên hiện nay, được đánh dấu bằng sự kiện liên tục xẩy ra nhanh chóng những biến cố, đã từng được chứng kiến thấy nữ giới càng ngày càng tham dự vào hết mọi lãnh vực sinh hoạt về dân sự, kinh tế và tôn giáo, bắt đầu từ gia đình là tế bào đầu tiên và quan trọng nhất của xã hội loài người.

“Về phần mình, sự kiện này đòi họ phải chú trọng đến những vấn đề xẩy ra cùng với một viễn quan bao rộng trong việc đương đầu với những vấn đề ấy. Đối với nữ giới, vấn đề quan trọng là luôn ý thức được ơn gọi trọng yếu của mình, ở chỗ họ làm cho bản thân được nên trọn bằng việc ban phát yêu thương. Sức mạnh về luân lý và tinh thần của họ phát xuất từ nhận thức là ‘Thiên Chúa đã ủy thác một cách đặc biệt cho nữ giới con người, nhân loại.

“Chính đó là sứ vụ trên hết của hết mọi người nữ, ngay cả trong Ngàn Năm Thứ Ba này. Hãy sống một cách trọn vẹn và đừng làm cho mình bị thất đảm trước những khó khăn và cản trở chị em đụng độ trên đường đi. Trái lại, hãy luôn tin tưởng vào ơn trợ giúp thần linh, hoàn thành sứ vụ của mình một cách hân hoan, nói lên cho thấy ‘tinh hoa’ nữ giới của mình”.
 

Iraq Hậu Chiến: Tranh Thủ Trao Nhượng Chủ Quyền
 

Không biết có phải do tác lực của những lời ĐTC Gioan Phaolô II nói với Phái Đoàn Ngoại Giáo Các Nước liên hệ với Tòa Thánh dịp đầu năm Thứ Hai 12/2/2004, mà tại Iraq đã xẩy ra biến cố xuống đường biểu tình đòi chủ quyền hay chăng? Thật vậy, ngay khi bắt đầu vào phần thứ nhất về tình hình chính trị thế giới trong bài diễn từ của mình, ĐTC GPII đã kêu gọi cộng đồng thế giới nói chung và nhắc khéo Hoa Kỳ nói riêng như sau: “Vấn đề quan trọng hôm nay đó là vấn đề cộng đồng quốc tế giúp cho những người Iraq đã được thoát khỏi một chế độ đán áp họ, để họ có thể lại tiếp tục làm chủ xứ sở của mình, củng cố chủ quyền của họ, quyết định thể chế chính trị và kinh tế một cách dân chủ theo lòng họ mong ước, và để Iraq trở lại làm một phần tử có ưu thế trong cộng đồng quốc tế”.

Đúng thế, trước tình hình mỗi ngày một tệ hơn thời chế độ độc tài Saddam Hussein, nhất là đối với vấn đề công ăn việc làm của dân chúng. Kể từ ngày chấm dứt chế độ cũ vào Tháng Tư 2003, ngày bức tượng Saddam Hussein ở thủ đô Baghdad bị lật đổ, đã xẩy ra nhiều vụ xuống đường của thành phần thất nghiệp, mới nhất vào cuối tuần vừa rồi (10-11/1/2004), với 5 người dân Iraq đã bị thiệt mạng vì vụ này. Theo thống kê của United Nations/World Bank được phổ biến từ tháng 10/2003, trong 26 triệu dân Iraq, có một nửa bị thất nghiệp hay không có việc làm, trong số đó có 400 ngàn quân nhân bị mất việc vì ông quản trị dân sự Iraq của chính phủ Hoa Kỳ là L. Paul Brener đã giải tán quân đội Iraq sau khi chấm dứt cuộc Hoa Kỳ tấn công Iraq.
 

Trong khi đó, dự án viết hiến pháp cho một tân Iraq, thực hiện việc bầu cử cùng với việc trao quyền lại cho nhân dân Iraq duờng như đang muốn câu giờ để thực hiện một mưu đồ gì đó, một thời gian càng kéo dài càng gây ra những cuộc phục kích và khúng bố tấn công, khiến cho đôi bên bị thiệt hại không ít về nhân mạng. Hôm Thứ Năm 15/1/2004, các vị lãnh đạo của phái Hồi Giáo lớn nhất Iraq là Shiite, trong đó có cả Đại Tôn Ayatollah Ali Sistani, được hỗ trợ bởi cả mấy chục ngàn người xuống đường biểu tình ở Barsa và ở những nơi khác. Ở nơi chính là Barsa có những tấm biểu ngữ chống liên quân như “Bây giờ hãy bầu cử đi”, “Liên Hiệp Quốc ở đây vậy?”, và một số hô hoán “Không theo Hoa Kỳ”.

Cho đến nay, dự án chuyển tiếp về chính trị được Hoa Kỳ ủng hộ là thành phần lãnh đạo theo miền sẽ chọn một ngành lập pháp Iraq vào cuối tháng 5/2004. Thế rồi ngành lập pháp này sẽ chọn một chính phủ hành sự mới để đứng ra lãnh nhận chủ quyền Iraq muộn nhất vào ngày 1/6/2004, thời hạn đực chính phủ Bush đồng ý vơiùi Hội Đồng Quản Trị Iraq lâm thời.

Tuy nhiên, vị Đại Tôn Sistani lại kêu gọi thực hiện những cuộc trực tiếp tuyển cử, vì cho rằng dự án các nhà lãnh đạo theo vùng trên đây phác ra là để giới hạn tầm ảnh hưởng của nhóm Hồi Giáo Shiite. Phần các viên chức Hoa Kỳ thì cho rằng thục hiện những cuộc tuyển cử trực tiếp không thực tế, một phần là vì tình hình an ninh, nhất là vì không biết đích xác con số nhân dân Iraq và thành phần cử tri. Ngoài ra các viên chức này còn tỏ ra lo rằng các tay cực thủ Hồi giáo hay những người của Đảng Baath sẽ chiếm ưu thế hơn trong những cuộc tuyển cử trực tiếp vì họ là những tổ chức có bề thế lâu đời. Cũng vào cùng ngày Thứ Năm xẩy ra biến động đòi trực tiếp tuyển cử này, ông chủ tịch của Hội Đồng Quản Trị Iraq lâm thời là Adnan Pachachi đã cảnh giác là nếu cần phải kiến tạo những phương thức thực hiện một cuộc bầu phiếu trực tiếp thì viec chuyển tiếp chủ quyền sẽ bị đình trệ lâu hơn.
 

Tuy nhiên, cuộc biến động này cũng khiến cho Hoa Kỳ phải quan tâm. Bằng cớ là ngay hôm sau, Thứ Sáu, 16/1/2004, sau khi gặp Tổng Thống Bush và các cố vấn tối cao ở Tòa Bạch Ốc, vị đại diện Hoa Kỳ quản trị nhân dân Iraq ở Baghdad là L. Paul Bremer, đã nói với báo chí rằng Liên Hiệp Quốc đóng mảt “vai trò quan trọng trong việc phát triển chính trị và kinh tế ở Iraq. Chúng tôi quả thực nghĩ rằng Liên Hiệp Quốc cần phải có một vai trò trong tiến trình này. Liên Hiệp Quốc có nhiều kinh nghiệm về việc tổ chức những cuộc bầu cử, lập các ủy ban lo việc bầu cử cùng những qui lệ về bầu cử, cũng như có nhiều kinh nghiệm trong tiến trình viết hiến pháp”. Ông này sẽ đến Liên Hiệp Quốc để gặp Tổng Thứ Ký LHQ vào Thứ Hai, 19/1/2004, một cuộc gặp gỡ tay ba, giữa Hoa Kỳ, LHQ và hội đồng lâm thời quản trị Iraq. Hoa Kỳ chạy tới với LHQ là để tổ chức quốc tế vốn bị Hoa Kỳ cho ra rìa này đỡ đòn dùm trước những chỉ trích phê bình của thế giới về hoạt đảng của Hoa Kỳ ở Iraq nói chung và về việc các vị lãnh đạo phái hồi giáo Shiite đòi phải tổ chức những cuộc trực tiếp tuyển cử.

Đối với phái Hồi giáo Shiite này, trên 200 nhà trí thức và chính trị gia Iraq đã kêu gọi các vị lãnh đạo Hồi giáo, Hội Đồng Quản Trị Iraq và các thẩm quyền liên minh hãy ngăn cản các nhóm thuộc giáo phái Hồi giáo đông đảo nhất ở Iraq này tấn công những người Kitô hữu. Lời kêu gọi này đã được phổ biến hôm 4/1/2004 trên màn điện toán Elaph Ả Rập. Lời kêu gọi này đã nhắc đến sự kiện Kitô hữu đã hiện diện ở Iraq cả 2 ngàn năm nay và đã đóng góp rất nhiều cho văn minh ở miền đất này, cả trước và sau khi có Hồi giáo nữa. Lời kêu gọi cho rằng đã có những tội ác “ghê tởm” phạm đến nữ giới trong việc bắt buộc họ phải đội khăn, nhưng tệ nhất là việc “khủng bố anh em Kitô hữu” gây khó dễ để họ biến thành những người Hồi giáo.


 

18/1 Chúa Nhật II Thường Niên Năm C

Đèn Soi… Rạng Đông… Mặt Trời

Năm Phụng Vụ bao gồm các thời điểm kính nhớ từng Mầu Nhiệm Chúa Kitô được gọi là Mùa: như Mùa Vọng và Giáng Sinh, từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng đến Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, kính nhớ Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh của Con Thiên Chúa; Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, từ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa đến Thứ Tư Lễ Tro, kính nhớ Mầu Nhiệm về Đời Sống Công Khai của Chúa Giêsu; Mùa Chay, Tam Nhật Thánh và Phục Sinh, từ Thứ Tư Lễ Tro đến Chúa Nhật Lễ Phục Sinh, kính nhớ Mầu Nhiệm Khổ Nạn, Tử Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô; sau hết là Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, từ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đến Lễ Chúa Kitô Vua, kính nhớ Mầu Nhiệm Thần Linh là Đấng Chúa Kitô Phục Sinh đã thông ban cho và sai đến với Nhiệm Thể của Người, để Giáo Hội có thể làm chứng về Người cho tới khi Người lại đến, thời điểm được Phụng Vụ kết thúc vào Lễ Chúa Kitô Vua.

Thế nhưng, chúng ta nên nhớ rằng, việc chúng ta kính nhớ Mầu Nhiệm Chúa Kitô theo chu kỳ Phụng Niên của Giáo Hội không phải là việc chúng ta kính nhớ những biến cố hoàn toàn đã qua đi, như tất cả những biến cố lịch sử trần gian tự nhiên khác, mà là cử hành những gì thực hữu, tức những gì vẫn còn tiếp diễn, vẫn còn tác dụng một cách thần linh trên thế gian này. Tại sao? Là bởi vì Chúa Kitô vẫn còn ở cùng Giáo Hội luôn mãi cho đến tận thế, như Người đã khẳng định trong lời cuối cùng của Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 28, câu 20. Chưa hết, còn bởi vì tất cả những gì Chúa Kitô là Con Thiên Chúa Nhập Thể làm cho loài người trên trần gian này, dù chỉ một lần duy nhất, song có giá trị vô cùng, nên các việc Người làm và từng việc Người làm cũng có cả tính cách vĩnh viễn không qua đi nữa.

Đúng thế, nếu Chúa Kitô vẫn tiếp tục hiện diện và sống động với Giáo Hội cho đến tận thế, thì việc Giáo Hội cử hành Phụng Vụ “mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19) chính là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin của mình. Để rồi, nhờ tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, chủ động và tích cực, Kitô hữu chúng ta được sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô, hay Chúa Kitô tỏ hiện nơi Đức Tin của chúng ta và tỏ mình cùng ban mình cho lòng khao khát và trông mong của chúng ta.

Chúa Kitô: Tại sao cần môi giới nhập thế?

Tuần này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu tại sao Phụng Vụ Năm C là chu kỳ phụng vụ bao giờ cũng theo Phúc Âm Thánh Luca, như Năm A theo Phúc Âm Thánh Mathêu và Năm B theo Phúc Âm Thánh Marcô, mà trong Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên Năm C tuần này Giáo Hội bao giờ cũng chọn đọc bài Phúc Âm Thánh Gioan về tiệc cưới Cana? Ý nghĩa của bài Phúc Âm theo Thánh Gioan về tiệc cưới Cana này như thế nào đối với riêng Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên cũng như đối với chung cả Mùa Thường Niên?

Để có thể hiểu được lý do tại sao Giáo Hội lại cố ý xen kẽ bài Phúc Âm Thánh Gioan vào Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên cho cả ba chu kỳ phụng vụ A, B, C, trước hết chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của Mùa Thường Niên.

Mùa Thường Niên trong Phụng Niên được chia ra làm hai phần, phần hậu Giáng Sinh và phần hậu Phục Sinh. Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, từ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa đến Thứ Tư Lễ Tro, kính nhớ Mầu Nhiệm về Đời Sống Công Khai của Chúa Giêsu, và Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, từ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đến Lễ Chúa Kitô Vua, kính nhớ Mầu Nhiệm Thần Linh là Đấng Chúa Kitô Phục Sinh đã thông ban cho và sai đến với Nhiệm Thể của Người, để Giáo Hội có thể làm chứng về Người cho tới khi Người lại đến, thời điểm được Phụng Vụ kết thúc vào Lễ Chúa Kitô Vua. Như thế, nếu Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh kính nhớ Mầu Nhiệm về Đời Sống Công Khai của Chúa Giêsu thì bài phúc âm Thánh Gioan về tiệc cưới Cana cho Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Thường Niên hôm nay, được Giáo Hội chọn xen kẻ vào Chu Kỳ Phụng Vụ Năm C là chu kỳ vốn theo Phúc Âm Thánh Luca, là vì Giáo Hội muốn Chúa Kitô phải được Mẹ Maria đóng vai trò trung gian để giới thiệu Người với các môn đệ của Người, hay vai trò Mẹ Maria làm môi giới trong công cuộc cứu độ của Chúa Kitô, Con Mẹ.

Thật vậy, nếu chúng ta đọc kỹ lại ba bài Phúc Âm theo Thánh Gioan được Giáo Hội cố ý chọn để đưa vào Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên cho cả ba Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A, B và C, chúng ta sẽ thấy được vai trò môi giới hay vai trò trung gian giới thiệu này hết sức hiển nhiên nơi ba trường hợp khác nhau.

Trước hết, cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A, Giáo Hội chọn bài Phúc Âm Thánh Tông Đồ Gioan trình thuật về việc Vị Tiền Hô Gioan làm chứng để giới thiệu Chúa Kitô cho dân Do Thái như sau: “Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: ‘Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian… Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa’”.

Thứ đến, cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm B, Giáo Hội chọn bài Phúc Âm Thánh Gioan trình thuật về việc hai môn đệ của Vị Tiền Hô sau khi đến gặp và ở với Chúa Kitô trở về liền giới thiệu Người cho nhau để cùng nhau đến với Người thế này: “’Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đức Kitô’. Và ông dẫn anh mình đến với Chúa Giêsu”.

Sau hết, cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm C, Giáo Hội chọn bài Phúc Âm Thánh Gioan trình thuật về việc Mẹ Maria can thiệp để cứu vãn tình thế thiếu rượu của đôi tân hôn, nhờ đó Chúa Kitô đã bắt đầu chính thức tỏ mình ra cho các môn đệ có thể nhận biết Người: “Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang của Người ra và các môn đệ Người tin vào Người”.

Qua bài Phúc Âm trình thuật biến cố Chúa Giêsu lần đầu tiên tỏ vinh quang của Người ra cho các người môn đệ tiên khởi của Người, chúng ta thấy rõ vai trò môi giới của Mẹ Maria ở chỗ, Mẹ chẳng những đến xin Con Mẹ là Đấng Mẹ hoàn toàn tin tưởng là chỉ có một mình Người mới có thể cứu vãn tình thế cho bữa tiệc cưới đang ở trong tình trạng thiếu rượu, mà còn đến với cả thành phần phục vụ tiệc cưới nữa, để dọn đường cho giờ Con Mẹ tới. Kết quả là Mẹ đã làm cho hai bên thực sự gặp được nhau. Đó là cuộc hội ngộ thần linh giữa Thiên Chúa và loài người do Mẹ làm môi giới.

Đến đây chúng ta có thể đặt vấn đề là tại sao Chúa Kitô lại cần phải được giới thiệu như vậy, Người không thể tự tỏ mình ra được ư?

Về vấn nạn này, chúng ta cần phải lưu ý đến lời Chúa Kitô tuyên bố với tổng trấn Philatô trong Phúc Âm Thánh Gioan, ở đoạn 18, câu 37, về mục đích cho cuộc sống trần gian của Người, đó là: “Lý do Tôi được sinh ra, lý do Tối đến thế gian là để làm chứng cho chân lý”. Cũng theo Phúc Âm Thánh Gioan, chúng ta thấy thực sự Chúa Kitô đã chứng minh một chân lý duy nhất, đó là chân lý Người là Đấng Thiên Sai, hay nói cách khác, Cha là Đấng đã sai Người đến cũng vậy. Như thế, khi làm chứng về mình là Chúa Kitô đồng thời cũng làm chứng về Cha của Người.

Để thực hiện việc làm chứng cho chân lý duy nhất lưỡng diện này, chân lý ban sự sống đời đời cho những ai nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Chúa Kitô Cha sai (xem Jn 17:3), Chúa Kitô đã dùng nhiều cách. Vẫn biết cách tốt nhất là việc Người chu toàn tất cả những gì Cha đã truyền cho Người làm, tuy nhiên, Người cũng dùng cả những chứng từ khác nữa, như nại vào Cựu Ước hay vào chính thế giá của Gioan Tiền Hô, như chính Người khẳng định trong Phúc Âm Thánh Gioan, ở đoạn 5, câu 33-36: “Quí vị đã sai người đến với Gioan, vị đã làm chứng cho chân lý. (Không phải là Tôi cần đến một chứng cớ trần gian như thế – Tôi nại vào những điều này chỉ vì phần rỗi của quí vị mà thôi). Ông là ngọn đèn chiếu sáng mà quí vị đã muốn hưởng ánh sáng của ông. Tuy nhiên Tôi có một chứng cớ còn quan trọng hơn của Gioan nữa kìa, đó là những việc Cha trao cho Tôi phải hoàn tất. Chính những việc Tôi làm này làm chứng cho Tôi rằng Cha đã sai Tôi”.

Đúng thế, con người cần phải từ từ tiếp nhận Mạc Khải Thần Linh chứ không thể tiếp nhận ngay lập tức, vì Mạc Khải này là một Thực Tại Thần Linh siêu việt quá tầm với của tri thức loài người. Đó là lý do cho thấy chân lý mà Chúa Giêsu sẽ tỏ ra cho dân Do Thái biết thật là khủng khiếp, một chân lý hay một Thực Tại Thần Linh họ rất muốn biết song tự mình họ lại không thể chấp nhận nổi. Đó là lý do Người đã khẳng định cả với dân Do Thái nói chung cũng như với thành phần môn đệ thân tín nhất của Người nói riêng là nơi Người đi họ không thể nào đến được, trái lại, chính lúc họ tìm kiếm Người, chính khi họ muốn biết Người là ai và được Người tỏ hết mình ra cho họ biết, thì họ lại vấp phạm vì Người, lại chết trong tội lỗi của họ (xem Jn 7:33-34, 8:21, 13:33). Điển hình nhất là lúc Hội Đồng Do Thái bắt được Người và nhân danh Thiên Chúa hỏi Người, để rồi ngay sau khi nghe Người nhận mình là Con Thiên Chúa xong thì đã uất hận vùng lên đòi giết Người (xem Mt 26:64-68).

Bởi thế, để thích hợp với tầm mức tiếp thu Mạc Khải Thần Linh nơi con người, Chúa Kitô là Mặt Trời Công Chính sẽ hiện lên sáng tỏ đến chói ngời trên bầu trời cứu độ thế giới thật sự cần phải được báo trước, cần phải được dọn đường trước, bằng những dấu chỉ thời đại, như dấu chỉ một Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đóng vai như Ngọn Đèn sáng vừa tầm mắt của dân Do Thái, nhất là như dấu chỉ một Từ Mẫu Maria đóng vai như Rạng Đông của Giáo Hội nói riêng (một Giáo Hội được tiêu biểu nơi các tông đồ dự tiệc cưới Cana bấy giờ) và của loài người nói chung (một loài người được thể hiện qua môi trường hôn nhân là cơ cấu Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ ban đầu nơi loài người).

Chúa Kitô: tại sao ẩn dật nhiều hơn công khai?

Dầu sao, theo diễn tiến của phụng vụ Giáo Hội, Chúa Giêsu hình như lớn nhanh quá đi. Người vừa mới Giáng Sinh cách đây chưa đầy một tháng mà nay đã xuất thân nhập thế rồi. Bởi vậy, vấn đề có thể được đặt ra ở đây là tại sao cuộc đời của Chúa Kitô chỉ được các Thánh Ký thuật lại nhiều về giai đoạn công khai của Người hơn là giai đoạn Người sống ẩn dật? Thế mà, xuống thế gian với chung loài người mà tại sao Chúa Kitô lại chỉ tỏ mình cho tất cả thế gian vỏn vẹn có 3 năm, còn 30 năm Người giành để sống với Mẹ Maria? Phải chăng giai đoạn ẩn dật của Người hoàn toàn không quan trọng, nhất là những việc không được các Thánh Ký thuật lại, ngoài những biến cố đã được ghi thau65t trong Phúc Âm Thánh Mathêu và Luca, như việc Người Giáng Sinh, Người chịu phép cắt bì, được dâng lên Thiên Chúa như một người con trai đầu lòng, việc Người bị quận vương Hêrôđê sát hại và phải di cư sang Ai Cập, việc Người âm thầm ở lại trong đền thờ và trở về tuân phục cha mẹ ở Nazarét v.v.?

Để có thể hiểu được vấn đề một cách xác đáng và trung thực, không gì bằng việc chúng ta hãy dựa vào Huấn Quyền của Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã nói về ý nghĩa và giá trị của giai đoạn đời Chúa Giêsu ẩn dật như sau:

Số Giáo Lý 512 nhận định: “Đối với đời sống của Chúa Kitô, Kinh Tin Kính chỉ nói tới các mầu nhiệm Nhập Thể (đầu thai và giáng sinh) và mầu nhiệm Vượt Qua (khổ nạn, thập giá, tử nạn, táng xác, âm phủ, phục sinh và thăng thiên). Tin Tin Kính không nói một cách tỏ tường đến những mầu nhiệm của đời sống ẩn dật hay công khai của Người cả, thế nhưng, các điều đức tin liên quan tới mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Người đã soi sáng cho cả đời sống trần gian của Người. ‘Tất cả những gì Chúa Giêsu làm và dạy, từ đầu cho tới ngày Người được đem về trời’ (Acts 1:1-2) cần phải được thấy trong ánh sáng của các mầu nhiệm Giáng Sinh và Phục Sinh”.

Số Giáo Lý 514 xác định: “Có nhiều sự về Chúa Giêsu khêu gợi óc tò mò của con người không được ghi chép lại trong Phúc Âm. Cuộc sống ẩn dật tại Nazarét hầu như không được đề cập tới, thậm chí một phần lớn cuộc sống công khai của Người cũng không được kể lại (x. Jn 20:30). Những gì được các Phúc Âm ghi chép lại và trình bày ‘để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin tưởng mà anh em có sự sống bởi danh Người’ (Jn 20:31)”.

Số Giáo Lý 517 và 518 nói lên thực tại của chung đời sống Chúa Kitô, trong đó có cả những gì không được Phúc Âm ghi lại thế này.

Số Giáo Lý 517 tuyên xưng: “Toàn thể đời sống của Chúa Kitô là mầu nhiệm cứu chuộc. Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta trước hết từ máu thập giá của Người (x. Eph 1:7; Col 1:13-14; 1Pt 1:18-19), song mầu nhiệm cứu chuộc này hoạt động khắp đời sống của Chúa Kitô: nơi việc Nhập Thể, nhờ trở nên nghèo nàn Người làm cho chúng ta nên giầu có bằng đức thanh bần của Người (x. 2Cor 8:9); nơi cuộc sống ẩn dật, việc Người phục tùng đã đền thay cho những bất phục tùng của chúng ta (x Lk 2:51); bằng lời nói, Người thanh tẩy thính giả của mình (x Jn 15:3); bằng việc chữa lành và trừ quỉ, Người ‘mang lấy những yếu hèn và gánh chịu những bệnh nạn của chúng ta’ (Mt 8:17; x. Is 53:4); và bằng việc Phục Sinh của mình, Người đã làm cho chúng ta được nên công chính (x Rm 4:25)”.

Số Giáo Lý 518 tuyên xưng thêm: “Toàn thể đời sống của Chúa Kitô là mầu nhiệm tái tạo. Tất cả những gì Chúa Giêsu thực hiện, nói năng và chịu đựng là nhắm đến mục đích để phục hồi con người sa đọa trở lại với ơn gọi nguyên thủy của họ: Nhập thể và làm người, Người đã tái tạo nơi bản thân mình cả một lịch sử dài của loài người, và mang chúng ta đến với ơn cứu độ bằng một ngõ tắt, để những gì chúng ta đã bị mất đi nơi Adong, tức là đã bị mất đi cái hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, chúng ta có thể lấy lại nơi Chúa Giêsu Kitô (Thánh Irênêô, Adv. haeres. 3, 18, 1: PG 7/1, 932). Vì lý do này, Chúa Kitô đã phải trải qua tất cả các đoạn đời của cuộc sống, nhờ đó Người làm cho tất cả mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa (Thánh Irênêô, Adv. haeres. 3, 18, 7: PG 7/1, 937; x. 2, 22, 4)”.

Lạy Chúa Giêsu là Con Cha trên trời và là Con Người dưới thế, “là dung nhan nhân loại của Thiên Chúa và là gương mặt thần linh của nhân loại”, như Chúa đã tỏ mình ra đúng như thế ở tiệc cưới Cana qua môi giới Mẹ Maria. Nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, Xin Chúa tiếp tục tỏ mình ra nơi những yếu hèn của chúng con là những chi thể của Chúa, để được tràn đầy nhựa sống Thần Linh, chúng con có thể trổ sinh muôn vàn hoa trái cho Danh Cha muôn đời cả sáng. Amen.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

HÔN NHÂN HIỆP THÔNG XÃ HỘI
 
 


Hôn nhân là một ơn gọi và ơn gọi này dẫn đến rất nhiều tương quan trong cuộc sống. Đây là một điểm nổi bật và mang một ý nghĩa đặc thù của hôn nhân, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay khi đề cập đến những va chạm với cuộc sống từ bên ngoài mái ấm gia đình. Sự hiệp thông giữa xã hội và hôn nhân, do đó, không những gần gũi, gắn bó mà còn trở nên rất cần thiết cho đời sống con người.

Con người có mặt trên trái đất này bao lâu rồi thì cũng chưa ai có câu trả lời một cách xác quyết. Nhưng những đổ vỡ của hôn nhân mà kết quả đem tới ly thân, ly dị thì ít nhất chúng ta cũng thấy xuất hiện 2000 năm trước. Căn cứ này dựa vào Thánh Kinh Kitô Giáo trong đó có chỗ đề cập đến việc con người ly dị, một việc làm ngược lại với chủ ý sáng tạo của Thượng Đế: “Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mk 10:9).

Đối với những người có đầu óc thực tế và phân tích kỹ hơn, chắc cho rằng con người ngày nay với sự phát triển về ý thức và vai trò xã hội, và với sự đổi mới cách thức suy luận, có lẽ con số ly dị chắc nhiều hơn so sánh với xã hội của 2000 năm trước. Thống kê không cho biết tỷ lệ ly dị của con người lúc bấy giờ, nhưng bây giờ thì con số đã lên đến hơn 50% các cuộc hôn nhân. Điều này đã đưa đến một hậu quả hết sức tai hại và trầm trọng cho nền tảng và tương lai của xã hội, vì mọi người đều cho rằng gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội. Một khi tế bào ấy bị hư thối, thì sẽ đưa tới tình trạng hủy diệt của xã hội, tôi có ý nói đến sự hủy diệt về luân lý và đạo đức.

Do đó, sự hiệp thông xã hội được nêu lên ở đây chính là vai trò tế bào của hôn nhân. Nếu xã hội là một thân thể sống động, thì gia đình chính là những tế bào nối kết và làm nên sự sinh động ấy của xã hội. Trong ý học, sự phát triển quá mức của các tế bào, hoặc sự phát triển bất bình thường của các tế bào tất cả đều dẫn đến những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới ung thư chẳng hạn. Thực tế ngày nay nếu chúng ta nhìn vào tế bào xã hội là gia đình bằng con mắt y học, chắc chắn phải đưa đến một kết luận là thân thể xã hội đang mắc phải những chứng bệnh nan y và đủ nhiều triệu chứng ung thư đang tàn phá.

Triệu chứng ung thư thông thường nhất là sự hỗn loạn về tình yêu và tình dục. Người ta bước vào hôn nhân như một thỏa ước song phương nhằm thỏa mãn những đòi hỏi và nhu cầu sinh lý.

Tiếp đến là sự hỗn loạn về ý niệm và vai trò của phụ huynh. Nếu con cái là hoa trái của tình yêu và là một ân huệ của Thương Đế ban cho cha mẹ thì quan niệm này ngày nay đang bị rất nhiều người coi thường và chối bỏ. Hiện tượng ngừa thai và phá thai công khai như hiện nay đang dẫn đến một sự phá sản về tính cách cao cả của hành động sinh lý trong hôn nhân. Và nếu hiểu như những người chủ trương phá thai thì những hành động sinh lý đưa đến những kết quả tốt chỉ là một điều bất hạnh, và những kết quả ấy phải được loại bỏ khi người ta không thích hay không muốn giữ nó nữa.

Sau nữa là sựỉ băng hoại của tuổi trẻ. Vì gia đình, cái nôi êm ái không còn là một nơi để tuổi trẻ nương thân nữa, chúng sẽ đi tìm và đi vào những hư hỏng. Lỗi lầm này phụ huynh phải có trách nhiệm một phần rất lớn. Hằng ngày có tới hàng triệu triệu em nhỏ bỏ nhà đi hoang, bị dụ dỗ và đi vào những sa đọa của rượu chè, cần sa, ma túy và dục tình. Kết quả là toàn bộ những tế bào cần thiết để cấu tạo một gia đình tốt, và một xã hội tương lai tốt đang bị nhiễm độc. Tóm lại, điều quan trọng cho xã hội hôm nay và tương lai là làm thế nào để có một tế bào gia đình tốt.

Muốn có một gia đình tốt, cần phải có một tế bào hôn nhân tốt. Sự liên hệ giữa hôn nhân và xã hội đến từ ý nghĩa liên đới này. Hôn nhân tốt, hôn nhân lành mạnh sẽ đưa xã hội nhân loại vào kỷ nguyên tươi đẹp, lành mạnh và hạnh phúc. Hôn nhân chắp nối, cẩu thả, buông túng, và thiếu ý thức chỉ là một nối kết và chắp nhặt của những tế bào ung thối làm nền tảng cho sự phát triển những căn bệnh trầm kha của xã hội. Nhưng để có một kết luận thực hành, chúng ta phải làm gì?

- Các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm với cuộc sống hôn nhân mình, và phải cho con cái biết rằng hôn nhân là một cuộc sống hạnh phúc. Con cái cần được tận mắt chứng kiến cha mẹ yêu thương nhau, kính trọng nhau. Và cha mẹ cũng cần phải thực tế hoá cuộc sống hạnh phúc ấy bằng chính hành động yêu thương, tha thứ và trách nhiệm của mình.

- Bầu khí gia đình cần được bảo vệ cho ấm cúng, lành mạnh và an toàn. Phần đông con cái bỏ nhà đi hoang không phải vì cha mẹ không có tiền, không có địa vị, hoặc ngay cả cuộc sống đầy đủ về vật chất. Lý do để các em bỏ nhà đi hoang vì không tìm được tình thương và bầu khí vui tươi của gia đình.

- Tuổi trẻ cần được huấn luyện cho biết sự quí trọng của thân xác và trách nhiệm với thân xác của mình. Đây là một quan niệm giáo dục hết sức quan trọng phát xuất ngay từ trong gia đình. Nếu cha mẹ tỏ ra thiếu sự kính trọng dành cho chính thân xác của mình qua cách ăn mặc lố lăng, khiêu gợi, hoặc những chăm lo cho sắc đẹp một cách quá đáng, thì con cái sẽ bị những cám dỗ bên ngoài lôi cuốn và làm mất đi sự kính trọng cần thiết phải có đối với chính bản thân mình. Hậu quả của lối sống này sẽ đưa tới những hành động buông thả, tạo nên những khủng hoảng về những giá trị thật và giả của cuộc sống.

Tóm lại, hôn nhân với ý nghĩa đi liền với trách nhiệm và xây dựng xã hội như một thân thể nhiệm mầu, như một toàn thể mà mỗi gia đình là một tế bào là một quan niệm rất hay phù hợp với tâm lý xã hội, và với tâm lý hôn nhân gia đình. Mặc dù gần đây có một vài khảo cứu cho rằng hậu quả của ly dị không còn nhiều nữa trên con cái, nhưng điều này không chối bỏ được rằng tâm lý cô đơn, mâu thuẫn và bất ổn thường thấy xuất hiện và là một trong những hội chứng tâm bệnh của các trẻ em thuộc các gia đình mà cha mẹ ly dị.

Hôn nhân và mối tương quan của hôn nhân với xã hội cũng có giá trị nếu ta nhìn nói với cái nhìn của tâm lý giáo dục nữa. Thống kê gần đây cho biết thêm là con cái của những cha mẹ ly dị thường có xác xuất ly dị cao hơn. Và một người đã ly dị một lần thường có khuynh hướng sẽ ly dị nhiều lần.

Hôn nhân đưa đến đời sống gia đình. Gia đình đưa tới sinh hoạt xã hội. Hôn nhân và xã hội do đó có một gắn bó rất mật thiết và không thể không có những hậu quả hỗ tương dù là tích cực hay tiêu cực.


Trần Mỹ Duyệt

 

 

Hôn Nhân: Đồng Tế Mầu Nhiệm Yêu Thương

 

Hôn Nhân: Khủng Hoảng Yêu Thương

"Hôn nhân không phải là một tiệc cưới yêu thương, mà là một cuộc đồng tế Mầu Nhiệm Yêu Thương, liên hoàn cử hành trong đền thành gia đình và trên ban thờ thân thể nên một của hai vợ chồng" (Cao Tấn Tĩnh: "Mái Ấm Yêu Thương", Cao-Bùi, 1993)

Thật vậy, theo khuynh hướng và trào lưu duy nhân bản (humànism) ngày nay, hôn nhân "không phải là một tiệc cưới yêu thương" là gì, đối với đa số (nếu không muốn nói là hầu hết) cặp vợ chồng (tại Âu Mỹ), nhất là trong thành phần giới trẻ, qua hiện tượng "tự do luyến ai".

Hôn nhân ngày nay "không phải là một tiệc cưới yêu thương" là gì, khi mà chế độ hay chính sach "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" hầu như đã hoàn toàn giải thể, như đang xẩy ra cho chế độ và chính sach cộng sản ở Âu Châu nói riêng và trên thế giới nói chung.

Hôn nhân ngày nay cũng "không phải là một tiệc cưới yêu thương" là gì, khi mà giới gia (thành phần đã lập gia đình) đang trên đa ly dị (thay vợ đổi chồng) với thống kê (tại Hoa Kỳ) hiện nay (1994) là 60%.

Hôn nhân ngày nay cang "không phải là một tiệc cưới yêu thương" là gì, khi mà giới trẻ (có ý định lập gia đình) hầu như bao giờ cũng enjoy "tiền dâm hậu thú", bằng việc cử hành "giây phút trọng đại" (big moment) vào dịp Dạm Ngõ (dating) riêng với nhau.

Ngày 2-2-1994, trong "Thư Gửi Các Gia Đình" nhân dịp Năm Gia Đình Quốc Tế 1994, ĐTC Gioan-Phaolô II đã nhận định về hiện tượng và hậu quả của "tự do luyến ai" nay như sau:

"Ngược lại với văn minh yêu thương (the civilization of love) hẳn là hiện tượng được gọi là 'tự do luyến ai' (free love)' điều nay thật là nguy hiểm vì nó thường đưa ra một lối sống theo những cảm xúc thực sự của mình, nhưng thật ra là hủy hoại yêu thương. Biết bao gia đình đã bị hủy hoại vì tự do luyến ai!" (The Pope Speaks: vol 39, no 4, 7-8/1994, pg 224).

Tình trạng "biết bao gia đình bị hủy hoại vì tự do luyến ai" như ĐTC nhận định như thế nghĩa là gì?

"Nếu không phải là một chứng cớ nói lên việc con người văn minh ngày nay đã lạm dụng 'tự do luyến ai' của mình, hay đã không biết 'tự do luyến ai' là gì, hoặc đã 'tự do luyến ai' qua trớn v.v." ("Mái Ấm Yêu Thương" tr. 118)

Về nguyên tố làm cho "biết bao gia đình bị hủy hoại vì tự do luyến ai" nay đã được chính ĐTC Gioan-Phaolô II trong cùng bức "Thư Gửi Các Gia Đình" đề cập đến như sau:

"Tất cả những gì phản lại với văn minh yêu thương là phản lại tất cả sự thật về con người và trở nên một mối đe dọa cho họ: nó không cho phép họ tự tìm thấy và cảm thấy an toàn làm vợ chồng, làm cha mẹ, làm con cai. Cai được gọi là 'làm tình an toàn' (safe sex) do 'văn minh kỹ thuật' (civilization of technology) phổ biến, thật ra, theo quan điểm về những đòi hỏi tổng quan của người ta, chẳng có an toàn gì cả, mà lại thật là nguy hiểm. Nó tac hại cả con người lẫn gia đình. Và điều nguy hiểm nay là gì? Đó là làm mất đi sự thật về riêng con người mình và về gia đình, cộng với việc liều mất đi tự do mà hậu qủa là mất chính tình yêu" (Cùng tai liệu trích dẫn The Pope Speaks, tr 223).


Hôn Nhân: Phản Ảnh Yêu Thương

Như thế, nguyên nhân sâu xa trong hiện tượng "Hôn Nhân: Khủng Hoảng Yêu Thương" không phải bắt nguồn từ khuynh hướng hay trao lưu "tự do luyến ai", cho bằng vì khủng hoảng Đức Tin: "Ai có thể chối cải là thời đại của chúng ta là một thời đại được đanh dấu bằng một 'cuộc khủng hoảng về sự thật' (crisis of truth)? Cuộc khủng hoảng về sự thật trước tiên có nghĩa là khủng hoảng về các ý niệm (crisis of concepts). Những từ ngữ 'yêu thương', 'tự do', 'chân tặng' (sincere gift), và ngày cả từ ngữ về 'con người' (person) và 'các quyền của con người' có thật sự lột tả ý nghĩa chính yếu của chúng hay không?" (Gioan-Phaolô II: "Thư Gửi Các Gia Đình").

Phải, thực tế ngày nay đã cho thấy, cơn bão lốc (tornado) "khủng hoảng về sự thật" nay trong thế giới tột đỉnh văn minh ngày nay đã quật tung lên và cuốn văng đi tất cả những cặp vợ chồng "xây nhà mình trên cát" (Mt 7:26). "Nhà" của họ đây là gì? Nếu không phải là "gia đình" của họ, là "lâu đai tình ai" của họ, là "hạnh phúc hôn nhân" của họ. Họ đã "xây nhà mình trên cát" là gì? Nếu không phải là xây trên những quan niệm và ý hướng tự nhiên trong việc lập gia đình. Quan niệm tự nhiên trong việc lập gia đình như "trai lớn lấy vợ, gai lớn lấy chồng". Ý hướng tự nhiên trong việc lập gia đình như chỉ hoàn toàn vì nhu cầu yêu thương thuần túy đòi hỏi để tìm kiếm hạnh phúc hôn nhân mà thôi.

Nếu "trai lớn lấy vợ, gai lớn lấy chồng" "chỉ hoàn toàn vì nhu cầu yêu thương thuần túy đòi hỏi để tìm kiếm hạnh phúc hôn nhân mà thôi", thì đến chính lúc cần phải yêu thương nhau chân chính nhất, hoàn toàn nhất, ở tại hy sinh, nhịn nhục, thứ tha (mới thật là yêu) thì họ lại bỏ nhau. Điều có vẻ mâu thuẫn đến chói tai nay thực sự đã xẩy ra trong thế giới ngày nay tại các nước văn minh Âu Mỹ, mà "Hôn Nhân: Khủng Hoảng Yêu Thương" là một bằng cớ hùng hồn nhất.

Thật vậy, nếu "chỉ hoàn toàn vì nhu cầu yêu thương thuần túy đòi hỏi để tìm kiếm hạnh phúc hôn nhân mà thôi" thúc đẩy làm cho "trai lớn lấy vợ, gai lớn lấy chồng", thì thực sự họ đã "xây nhà mình trên cát", chắc chắn "túp lều lý tưởng" của họ, cho dù có trở nên "một túp lều tranh, hai trai tim vàng" theo nỗ lực tự nhiên của họ đi nữa, cũng khó lòng thoat khỏi cảnh bất hạnh, không nặng thì nhẹ. Nếu nhẹ thì bị "thiếu rượu" (Gn 2:3) ngày trong "tiệc cưới yêu thương" là lúc vui nhất và long trọng nhất của cuộc sống gia đình mà họ mơ ước. Nếu nặng, sẽ bị "hoàn toàn sụp đổ" (Mt 7:27) khi gặp mưa giông bão tố trong cơn bão lốc "khủng hoảng về sự thật" hiện nay.

Thực trạng cũng là thảm trạng nay không có gì đang bỡ ngỡ và lạ lùng. Bởi vì, cả họ là người yêu lẫn người chồng hay vợ là người tình tuyệt vời trăm năm của họ không phải là chính "tình yêu". Vì không phải "là chính tình yêu", do đó, tình yêu mà họ có (chứ không phải họ là) để hướng về nhau, để tìm kiếm nhau, để thu hút nhau, để trao cho nhau, để nên một với nhau, tự bản chất của nó, vẫn có thể bị chi phối, vẫn có thể thay đổi, vẫn có thể xoay chiều, vẫn có thể phản bội.

Để rồi, một khi tình yêu tự nhiên đã cạn, (theo định luật tự nhiên nơi những gì hạn hữu), như cây đèn hết dầu, anh sang hạnh phúc hôn nhân cũng sẽ tự nhiên tắt lịm. Hạnh phúc bị khành kiệt (bankruptcy) như cây đèn hết dầu nay không phải chỉ vì nó đã cạn dầu yêu thương, mà còn có thể là vì yêu thương đã trở thành một thứ vốn liếng làm ăn (business), có lời thì nhào vô đầu tư và cạnh tranh, bất lợi thì rút lui và bảo thủ.

Chính vì hiện tượng "Hôn Nhân: Khủng Hoảng Yêu Thương" gây ra bởi "cuộc khủng hoảng về sự thật" đang làm tan nat bao cặp vợ chồng và bao gia đình là nền tảng xã hội hiện nay mà "con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" (STK 9:6), "có nam có nữ" (STK 1:27), cần phải hiểu được ý nghĩa đích thực của hôn nhân và nhờ đó đi theo đúng chiều hướng siêu nhiên của hôn nhân, để có thể "xây nhà mình trên đa", trên nền tảng kiên cố mà không gì có thể tan pha được nó.

"Ý nghĩa đích thực của hôn nhân và chiều hướng siêu nhiên của hôn nhân" đây được ham chứa nơi và biểu hiện qua ơn gọi hôn nhân, một ơn gọi "phản ảnh yêu thương". Bất cứ một cuộc hôn nhân nao không thực sự "phản ảnh yêu thương" sẽ không bao giờ có hạnh phúc chân thật, nếu không muốn nói là nó còn có thể trở nên bất hạnh. Cang "phản ảnh yêu thương", hôn nhân cang hạnh phúc. "Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" "có nam có nữ" chỉ tìm thấy ý nghĩa đích thực và phẩm vị cao qúi của hôn nhân trong ơn gọi "phản ảnh yêu thương" mà thôi:

"Trong anh sang của Tân Ước, có thể nhận chân khuôn mẫu nguyên vẹn của gia đình được tìm thấy trong chính Thiên Chúa, trong mầu nhiệm sự sống Ba Ngôi của Ngai. Ngôi thần linh 'chúng ta' (the divine 'We') là mẫu thức đời đời của ngôi nhân loại 'chúng ta' (the humàn 'we'), nhất là ngôi 'chúng ta' được hình thành có nam có nữ theo hình ảnh và giống như thần linh"
(ĐTC Gioan-Phaolô II: "Thư Gửi Các Gia Đình")

"... bản tính và vài trò của gia đình được chuyên biệt bởi yêu thương. Bởi thế gia đình màng sứ mạng bảo trì, thể hiện và thông đạt yêu thương, một việc làm phản ảnh sống động của và cũng là một chia sẻ thực sự vào tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại cũng như tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội hiền thê của Người" (ĐTC Gioan-Phaolô II: Tông huấn "Familiaris Consortio", đoạn 17)


Hôn Nhân: Mái Ấm Yêu Thương

Tuy nhiên, "con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" "có nam có nữ" làm thế nao để có thể trung thực và sống động "phản ảnh yêu thương" qua cuộc sống vợ chồng của mình? Nếu không phải, theo tinh thần của hôn ước, vợ chồng yêu thương nhau vì Chúa, trong Chúa, cho Chúa và như Chúa.

"Vợ chồng yêu thương nhau vì Chúa":

Chính Thiên Chúa là Đấng đã xe duyên kết nghĩa cho hai người, đó là một việc "thiên định" (Tobia 7:11), như ngày từ ban đầu Ngai đã nhúng tay vào việc hôn nhân của hai nguyên tổ khi dựng nên Evà từ con người và dẫn đến cho con người (x.STK 2:22). Trên thực tế, người ta thường quên hay không để ý đến ý nghĩa hôn nhân được "thiên định" nay. Do đó, họ đã dễ dang thay vợ đổi chồng như thay đổi thời trang, làm như người phối ngẫu của họ là do họ chọn lựa, hơn là do Thiên Chúa sắp xếp duyên số cho họ gặp nhau, hợp nhau, yêu nhau và lấy nhau. Cho dù trên thực tế con người có quyền tự do chọn lựa chung mọi sự và riêng hôn nhân đi nữa, quyền tự do chọn lựa của họ vẫn hoàn toàn không có tính cách tuyệt đối, hơn là chỉ có tính cách tương đối, tính cách nhận biết và chấp nhận những gì Thiên Chúa đã tiền định mà thôi. Chính vì hôn nhân được "thiên định" như vậy, một khi họ phản bội nhau thì, trước hết và trên hết, họ phản bội Thiên Chúa, Đấng xe duyên kết nghĩa cho họ, họ "phân ly những gì Thiên Chúa đã liên hợp" (Mt 19:6). Trong cuộc sống hôn nhân, bao giờ hai vợ chồng còn ý thức được người phối ngẫu của mình là "người của Chúa" ở với mình, thì hôn nhân, về mặt tiêu cực, khó lòng mà đổ vỡ, trai lại, về mặt tích cực, vợ chồng sẽ có khả năng yêu thương nhau trong Chúa.

"Vợ chồng yêu thương nhau trong Chúa":

Cho dù lý do hai vợ chồng lấy nhau hoàn toàn vì Chúa, "không phải vì nhục dục" (Tobia 8:7), như chang Tôbia con trong đêm tân hôn, và nhận biết nhau là "người mà Chúa cho ở với tôi" (STK 3:12), như con người (Adong) khi còn ở trong vườn địa đường đi nữa, họ vẫn có thể "nghe vợ mình" (STK 3:17) hơn nghe Chúa. Bởi con người vợ chồng, qua hai nguyên tổ, đã yêu nhau lệch lạc như thế, họ đã làm mất đi sự hiệp thông "ngày ban đầu" (Mt 19:8) của "một bản thân" (STK 2:24), được bộc lộ qua cảm nhận "xấu hổ" của họ, đến nỗi họ phải che dấu đi bộ phận phai tính của mình (x.STK 3:7). Thực tế cũng cho thấy, dù ca nhân mỗi người phối ngẫu không làm gì tiêu cực có thể trực tiếp tac hại đến hạnh phúc hôn nhân, song nếu không chịu luôn luôn cùng nhau tìm hiểu ý Chúa để hiệp nhất tâm trí và hành động, hai vợ chồng cũng khó lòng tranh khỏi những bất đồng, bất nhất, bất ổn, bất mãn, bất an, thậm chí bất hạnh, vì ai cũng nghĩ là mình đúng, cũng nghĩ là mình hay, cũng nghĩ là mình hơn.

"Vợ chồng yêu thương nhau cho Chúa":

Trong việc "liên hợp" con người được dựng nên theo hình ảnh Ngai "có nam có nữ" để "nên một bản thân", Thiên Chúa, qua việc chúc phúc cho họ, muốn họ "sinh sôi nẩy nở' tran làn mặt đất và làm chủ nó" (STK 2:28). Do đó, hôn nhân sẽ mất mục đích khi con người nam nữ là vợ chồng với nhau chỉ tìm vui nơi nhau và với nhau, sợ màng nặng đẻ đau, sợ con cai làm phiền mình, sợ con cai làm giảm hạnh phúc hôn nhân, bằng những cách thức ngừa thai nhân tạo, thậm chí bằng đường lối pha thai, hay giáo dục con cai cách bừa bãi. Hôn nhân cũng sẽ lu mờ giá trị cao qúi khi cha mẹ chỉ biết đến tổ ấm của mình mà không cần biết đến hay không để ý đến cộng đồng xã hội, đến nhu cầu công ích cần sự đóng góp của họ, hay có đóng góp họ cũng chỉ nhắm đến lợi ích trước hết cho ca nhân hay gia đình mình mới dấn thân cộng tac hay mới chịu hy sinh.

"Vợ chồng yêu thương nhau như Chúa":

"Thiên Chúa là Tình yêu" (1Gn 4:8,16), và Ngài đã tỏ mình ra hay tỏ tình với nhân loại bằng việc ban mình cho họ, khi mặc lấy nhân tính của họ, nên giống họ hoàn toàn, để có thể gánh lấy những yếu hèn của họ, tiêu hủy đi những tội lỗi của họ, hầu cho họ được sống, một sự sống viên mãn hơn (x.Gn 3:16, 1:14, 1Gn 4:9, DT 2:17, 4:15, Gn 10:10). "Hôn Nhân: Phản Ảnh Yêu Thương" cũng chỉ hoàn toàn và thực sự đạt đến tầm vóc trọn vẹn của mình khi hai vợ chồng lột tả và hiện thực hóa tình yêu trọn hảo nay của Thiên Chúa. Bằng cách: "Các người vợ phải phục tùng chồng mình như phục tùng Chúa, vì chồng là đầu của vợ mình như Chúa Kitô là đầu của thân thể mình là Giáo Hội cũng là vị cứu tinh của Giáo Hội. Như Giáo Hội phục tùng Chúa Kitô, các người vợ cũng phục tùng chồng mình như vậy trong mọi sự. Các người chồng hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội. Người đã hiến mình cho Giáo Hội... Chồng phải yêu thương vợ mình như chính bản thân mình" (Eph 5:22-25, 28).

Vào chính ngày kỷ niệm thành hôn hằng năm, hai vợ chồng họ bao giờ cũng xin nghỉ việc (nếu gặp ngày trong tuần), để cùng nhau đi tĩnh hôn (tĩnh tâm về hôn nhân). Sau đúng 10 năm lấy nhau, họ đã cùng nhau soạn thảo một văn kiện hôn nhân như sau:

Thỏa Ước Yêu Thương.

Vợ chồng tôi ý thức được rằng:

1.     Bản chất của hôn nhân là vợ chồng hiệp nhất "nên một bản thân", (bởi thế, không có vấn đề xưng hô "hai vợ chồng chúng tôi" ở đây, mà chỉ còn là "vợ chồng tôi").

2.     Thế nhưng, sự hiệp nhất nguyên thủy của hôn nhân đã bị nguyên tội hủy hoại.

3.     Bí Tích Hôn Phối có tac dụng hiệp nhất "nên một bản thân" người nam và người nữ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, để biểu hiện cho"Thiên Chúa là Tình Yêu".

4.     Thế nhưng, trên thực tế, vợ chồng tôi vẫn nhận thấy mình mới hiệp nhất nên một thân mình có 4 chân, còn sống với nhau theo luật rừng, thường cắn cấu, giành giựt nhau.

5.     Bởi vậy, đối với vợ chồng tôi, hôn nhân là tiến trình hiệp nhất "nên một bản thân".

6.     Thế nhưng, trong đời sống hôn nhân, vợ chồng không thể hiệp nhất "nên một bản thân" nếu không biết cảm thông và chia sẻ.

7.     "Cảm thông" bằng cách lắng nghe nhau: 1 x 1 = 1 (hôn nhân là "nên một bản thân").

8.     "Chia sẻ" bằng cách thích ứng với nhau: 1 / 1 = 1 (hôn nhân là "nên một bản thân").

9.     Sở dĩ vợ chồng tôi không/chưa lắng nghe được nhau là vì nơi mỗi người còn ồn ào với đủ thứ đòi hỏi theo tư lợi: 1 + 1 = 2 (hôn nhân không nên 1: vô nghiã).

10.     Sở dĩ vợ chồng tôi không/chưa biết chia sẻ với nhau là vì nơi mỗi người còn nghẹt cứng tự ai của thần tôi vĩ đại: 1 - 1 = 0 (hôn nhân không nên 1: tan vỡ).

Do đó, để hiệp nhất "nên một bản thân", vợ chồng tôi đồng tâm nhất quyết từ nay:

1. Tin tưởng vào con người của nhau,
2. Để ý đến những sở thích của nhau,
3. Tôn trọng những tâm tư của nhau,
4. Chiều theo đòi hỏi vô tội của nhau,
5. Đap ứng những nhu cầu của nhau,
6. Chia sẻ những khó khăn của nhau,
7. Nâng đỡ những yếu kém của nhau,
8. Bênh chữa những lỡ lầm của nhau,
9. Bổ khuyết những thiếu sót của nhau,
10. Tha thứ những bội bạc của nhau.

Xin Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Trinh Nữ Sinh Con Maria, Mô Phạm cho cả đời sống tu trì (Trinh Nữ) và hôn nhân (sinh con), là Mái Ấm Yêu Thương của gia đình vợ chồng con! (TGP/LA ngày 6-8-1993)
 


 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)