GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 2/2004

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, những người Do Thái và Hồi Giáo biết chung sống hòa bình với nhau ở Thánh Ðịa”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội địa phương ở Ðại Dương Châu đặc biệt lưu ý đến các ơn gọi linh mục và tu sĩ lo việc truyền bá phúc âm hóa”.

 

___________________________________________

 15-21/02/2004

Giovanni Paolo II

 

21/2 Thứ Bảy

Biến Cố Fatima – Dấu Hiệu Cứu Độ
(tiếp theo Thứ Bảy tuần trước)

Dấu Hiệu Cứu Độ liên quan đến Chứng Từ Lịch Sử Giáo Hội và Thế Giới 

Người Việt Hải Ngoại thuyền nhân vượt biên đã có quá nhiều kinh nghiệm về những gì được gọi là “dấu hiệu cứu độ”. Một con thuyền nhỏ lênh đênh trên biển cả bị lạc hướng không thấy bờ bến, chẳng những máy tắt dầu cạn, cả thuyền còn kiệt sức, nói không ra hơi, thở không ra tiếng, vì nhịn đói nhịn khát cả tuần lễ, một khi đôi mắt lờ đờ của họ vừa trông thấy được bờ bến, hay thấy bóng một cái gì đó nhữ chiếc tầu từ xa, thì không phải chiếc tầu xuất hiện từ chân trời đó là “dấu hiệu cứu độ” đối với số mệnh đang hấp hối của chiếc thuyền bất hãnh này hay sao? Hay một con thuyền bị sóng gió bão táp cuốn trôi dạt vào một hoang đảo xa xăm, không một bóng người, khó có thể tìm thấy lương thực để sinh tồn trong vòng một tuần, nếu không ăn thịt nhau, chợt xuất hiện một chiếc máy bay từ chân trời đang tiến thẳng về phía hoang đảo của họ, làm họ mừng cuống lên, tìm cách ra hiệu để chiếc máy bay đó có thể nhìn thấy họ mà cứu, thì không phải chiếc máy bay xuất hiện từ chân trời ấy là “dấu hiệu cứu độ” của những con người đang đặt hết niềm hy vọng vào những gì họ vừa nhìn thấy đó hay sao?

Cũng thế, Fatima quả thực là Chân Trời Cứu Độ, vì từ chân trời này đã xuất hiện “dấu hiệu cứu độ” là Biến Cố Fatima.

Đúng vậy, vào thời điểm của Biến Cố Fatima 1916 và 1917, thế giới chẳng khác gì như một chiếc thuyền đang gặp phong ba bão tố dữ dội chưa từng thấy xẩy ra trong lịch sử loài người, đó là lúc loài người nói chung và địa lục Âu Châu nói riêng đang ở vào Cuộc Thế Chiến Thứ I (1914-1918), một trận chiến chẳng những cho thấy con người hận thù ghen ghét nhau đến độ chém giết nhau kéo dài 4 năm trời, mà còn cho thấy con người đang đi đến chỗ diệt vong, vì nạn cộng sản vô thần duy vật đang hiện lên như một đám mây mù dầy đặc kéo đến từ bầu trời phía Đông Bắc địa cầu qua cuộc Cách Mạng Tháng Mười 1917 ở Nga Sô. Trong hoàn cảnh bi thương ấy, trong tình thế suy vong này, con người trong cuộc chỉ biết lo âu sợ hãi và chỉ còn biết hy vọng vào một quyền lực cứu độ duy nhất là Đấng Tối Cao. Giữa lúc phong ba bão táp kinh hoàng này, trước một tương lai tăm tối rùng rợn ấy, tại cực Tây Nam Âu Châu đã xẩy ra Biến Cố Fatima ở Bồ Đào Nha. Phải chăng Fatima là Chân Trời Cứu Độ loài người vào thời đểm bấy giờ và sau này, với Biến Cố Fatima như là một Dấu Hiệu Cứu Độ?

Thật vậy, kinh nghiệm phũ phàng cho thấy, có lúc những gì con người cho là và hy vọng là “dấu hiệu cứu độ” đã trở thành “dấu hiệu thất vọng”, bởi nó không đáp ứng được hoàn cảnh nguy tử của họ và nhu cầu cần phải được cấp cứu của họ. Chẳng hạn như chiếc máy bay xuất hiện từ chân trời trong trường hợp thứ hai trên đây quả thực có bay tới hoang đảo của những người đang vẫy gọi nó, nhưng nó lại bay ngang qua đó chứ không hạ cánh xuống để cứu vớt những con người lạc loài trên hoang đảo này. Hay chẳng hạn chiếc tầu xuất hiện từ chân trời trước mắt của đám thuyền nhân đang lênh đênh chờ chết trong trường hợp thứ nhất trên đây lại không phải là chiếc tầu tuần hải hay chiếc tầu nhân đạo mà là một chiếc tầu hải tặc.

Cũng thế, Chân Trời Cứu Độ Fatima có thực sự xuất hiện như là một “dấu hiệu cứu độ” hay chăng? Nói cách khác, Fatima có phải là một Biến Cố có thư c hay chăng? Nếu Fatima không phải là một biến cố có thật thì Biến Cố Fatima chắc chắn không phải là Dấu Hiệu Cứu Độ.

Ngay trong câu mở đầu của phần dẫn nhập “Fatima: Tổng Quan”, người viết đã khắng định: “Theo lịch sử Thánh Mẫu, Biến Cố Fatima là Biến Cố Thánh Mẫu trọng đại nhất trong các Biến Cố Thánh Mẫu, vì Biến Cố Fatima liên quan đến vai trò của Giáo Hội cũng như đến vận mệnh thế giới”. Chính lịch sử của cả Giáo Hội lẫn thế giới đã là nhân chứng cho sự thật về Biến Cố Fatima, không phải ở chỗ lịch sử Giáo Hội và thế giới là hiện chứng nhân tận mắt nhìn thấy Biến Cố Fatima xẩy ra như 3 Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta bấy giờ, mà là hậu chứng nhân cảm thấy ứng nghiệm những gì đã xẩy ra tại Fatima đúng như được một trong ba hiện nhân chứng sống động bấy giờ là Lucia thuật lại trong Hồi Ký của mình, một bộ Hồi Ký được vị chứng nhân này thuật lại từ thập niên 1930.

Sự thật thần linh thường được tỏ hiện nơi việc ứng nghiệm của những gì đã được báo trước. Và ngược lại, chính sự kiện xẩy ra ứng nghiệm những gì đã được báo trước đó là dấu chứng thực cho thấy sự thật thần linh hay thực tại thần linh nơi những gì đã được báo trước đó. Biến Cố Fatima cũng vậy, những gì đã xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội và thế giới đã chứng thực Fatima là Biến Cố có thật, Đức Mẹ quả thực đã hiện ra ở Fatima, và vì thế Fatima đúng là Chân Trời Cứu Độ.

Những gì đã được báo trước nơi Biến Cố Fatima đều ở trong Bí Mật Fatima. Lời tiên báo rất quan trọng có thể chứng thực Fatima là Biến Cố có thật, đó là câu kết thúc phần thứ hai của Bí Mật Fatima: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình”.

Quả vậy, những lời tiên báo trên đây đã được ứng nghiệm từng chữ, từng lời, từng đoạn, theo thứ tự đã được khẳng định. Trước hết, “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng”, ở chỗ nào? Phải chăng ở chỗ Mẹ đã thắng Cộng Sản, hay thực tế hơn đó là việc Mẹ làm cho Nước Nga trở lại? Tuy nhiên, việc làm cho Nước Nga trở lại chắc chắn sẽ xẩy ra, nếu hội đủ điều kiện như trời cao mong muốn, đó là, như Mẹ đã tiết lộ cho nữ tu Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1917, tại tu viện của chị ở Tuy nước Tây Ban Nha biết vào ngày 13/6/1929, đó là “đã đến lúc Thiên Chúa xin Đức Thánh Cha hiệp cùng với các vị giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách này”. Và điều kiện ắt có và đủ để Nước Nga trở lại này đã được nữ tu Lucia đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII trong bức thư đề ngày 24/10/1940. Thế nhưng, điều kiện bề ngoài có vẻ hết sức đơn giản và dễ dàng này đã phải mất tới 42 năm trời các Vị Lãnh Đạo Đức Tin Giáo Hội Công Giáo từ đó mới có thể hoàn tất đúng như ý muốn của trời cao. Tức từ ngày 31/10/1942, Đức Thánh Cha Piô XII, vị được tấn phong lên hàng giáo phẩm vào chính ngày giờ Mẹ hiện ra ở Fatima 13/5/1917, đã hiến dâng lần đầu tiên thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vào dịp kỷ niệm ngân khánh 25 năm Biến Cố Fatima, đến ngày 25/3/1984, ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiệp cùng các vị giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, trước Tượng Mẹ Thánh Du Fatima được cung nghinh từ Đền Thánh Mẫu Fatima về Giáo Đô Vatican. Tại sao lại khó khăn như thế? Tại sao lại kéo dài như vậy? Các vị giáo hoàng có lý của các vị.

Theo nữ tu Lucia, vào năm 1940, trong các Thư chị gửi cho Cha Linh Hướng của mình như vào những ngày 21/1, 24/4, 15/7 và 18/8, tức vào thời điểm trước ngày 24/10 là ngày chính Chị viết Thư đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII về điều kiện tiên quyết để Nước Nga trở lại này, chị đã nói về lý do và hậu quả của việc Đức Thánh Cha không hiến dâng Nước Nga trong Thư đề ngày 18/8 như sau:

• “… Con nghĩ rằng Chúa lấy làm hài lòng khi biết rằng có người cố gắng làm cho Vị Đại Diện Người trên thế gian này hiện thực các ý nguyện của Người. Thế nhưng Đức Thánh Cha vẫn chưa làm điều ấy. Ngài nghi ngờ về thực tại của nó và ngài có lý của ngài. Chúa nhân lành của chúng ta có thể tỏ rõ ý định của Người ra bằng những sự lạ lùng, song Người muốn sử dụng cơ hội này để trừng phạt thế giới theo đức công minh của Người về rất nhiều tội ác của họ, cũng như để sửa soạn cho họ một cuộc hoàn toàn trở về với Người. Chứng cớ Người ban cho chúng ta là việc Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đặc biệt bảo vệ nước Bồ Đào Nha vì nước này đã được hiến dâng cho Mẹ… Tuy nhiên, xin cha đừng quên là bao giờ có thể xin cha hãy lợi dụng hết mọi cơ hội để lập lại điều chúng ta xin Đức Thánh Cha may ra chúng ta có thể rút ngắn thời gian này lại. Con thấy thông cảm với Đức Thánh Cha và cầu xin cho ngài bằng những lời nguyện cùng với những hy sinh khiêm hèn của con”.

(Documents on Fatima, Fatima Family Apostolate, United States of America, English edition, 1992, trang 336)

Đó là lý do cho thấy “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” là ở chỗ Mẹ làm cho Đức Thánh Cha hiến dâng Nước Nga cho Mẹ để Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu Nước Nga bằng cách ấy. Mẹ đã làm thế nào, nếu không phải Mẹ đã đụng đến chính bản thân của vị giáo hoàng “totus tuus” của Mẹ, vị giáo hoàng đã bị ám sát song không chết vào chính ngày kỷ niệm Mẹ hiện ra cách đó 64 năm trước, tức vào ngày 13/5/1981 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Trong Bản Dẫn Giải Bí Mật Fatima phần thứ ba, Đức Hồng Y Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, đã nhắc đến sự kiện sau khi bị ám sát không chết, ĐTC đã đọc lại phần bí mật này, phần bí mật Ngài thấy ứng nghiệm nơi Ngài:

• “Sau cuộc bị ám sát xẩy ra vào ngày 13/5/1981, nhận được bản văn của phần ‘bí mật’ thứ ba đem tới cho mình, Ngài không nhận ra số phận của mình trong đó hay sao? Ngài tí nữa đã bị chết, và chính Ngài đã cắt nghĩa việc sống còn của mình bằng những lời sau đây: ‘... chính bàn tay của người mẹ đã lái viên đạn và Vị Giáo Hoàng thống khổ đã khựng lại trước cửa miệng tử thần’ (13/5/1994)”.

Phải chăng sau khi nhận ra “dấu chỉ thời đại” qua việc can thiệp của trời cao, của bàn tay của Mẹ Maria, chẳng những Ngài đã sang tận Đền Thánh Mẫu Fatima ngày 13/5/1982, sau khi bị ám sát chết hụt đúng một năm, để tạ ơn Đức Mẹ, mà còn để đáp ứng điều Thiên Chúa muốn Ngài hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội nữa. Đây là những lời trong bản kinh hiến dâng đã được ngài đã đọc tại Fatima ngày 13/5/1982 và sau đó Ngài đã chính thức cùng các vị giám mục Công Giáo trên thế giới hợp nhau đọc trong ngày 25/3/1984 tại Giáo Đô Vatican:

• “Chúng con xin hợp với tất cả mọi vị chủ chăn trong Giáo Hội (tức là các vị giám mục trên khắp thế giới Công Giáo) làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với Thánh Phêrô... Một cách đặc biệt, chúng con xin ký thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được ký thác và hiến dâng (ở đây đặc biệt có ý nói về Nước Nga, song vì tế nhị nên không gọi đích danh mà thôi)… Xin Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ chiếu tỏa ánh sáng hy vọng ra cho tất cả mọi người!”

(Documents on Fatima, Fatima Family Apostolate, United States of America, English edition, 1992, trang 82-83)

Những gì đã xẩy ra sau cuộc hiến dâng Nước Nga đúng như những gì Thiên Chúa muốn? Ngài có giữ lời hứa là cứu Nước Nga bằng việc hàng giáo phẩm thế giới hiến dâng này hay chăng? Chỉ biết rằng, vào năm 1985, tức sau biến cố hiến dâng Nước Nga một năm, thì Gorbachev đã xuất hiện, nhân vật đã làm biến đổi thế giới Cộng Sản Đông Âu và Liên Bang Sô Viết, nhân vật đã từ chức tổng thống Liên Bang Nga vào chính Lễ Giáng Sinh 25/12/1991, từ giây phút đó đã chính thức chấm chế độ Cộng Sản ở Liên Bang Nga, nhân vật sau đó cũng công nhận việc sụp đổ của Cộng Sản Đông Âu là do vai trò của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Nếu lúc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần thứ ba 13/7/1917 tiết lộ hiện tượng “Nước Nga (bấy giờ chưa bị cộng sản hóa) sẽ gieo rắc lầm lạc (tức gieo rắc lý thuyết cộng sản) khắp thế giới”, thì việc Mẹ tiên báo “Nước Nga sẽ trở lại”, tức là việc Mẹ làm cho nước này từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản vậy. Như thế, khi Gorbachev từ chức, chế độ Cộng Sản ở Liên Bang Nga vì thế cũng tự động giải thể, thì không phải là việc “Nước Nga trở lại” hay sao, đúng như những gì Mẹ Maria tiên báo.

Và nếu “Nước Nga trở lại” thực sự, tức không còn trở thành một thứ ngòi chiến tranh nữa, một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản, một cuộc chiến tranh, nếu xẩy ra, sẽ là một cuộc chiến tranh nguyên tử, như tí nữa đã xẩy ra vào đầu Tháng Mười năm 1962, ngay trước khi Công Đồng Chung Vaticanô II khai mạc (11-10-1962), giữa Nga và Mỹ, khi phi đạn nguyên tử của Nga đang chĩa vào Mỹ từ Vịnh Cuba. Như thế, lời tiên báo của Mẹ Maria là sau khi “Nước Nga trở lại” rồi thì “thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình” hay sao? Thời gian hòa bình này kéo dài bao lâu, không ai biết ngoài trời cao. Chỉ biết rằng, 10 năm sau, tức đến 11/9/2001, (từ ngày 25/12/1991), một trận chiến tranh có tầm mức quốc tế bắt đầu diễn ra, với cuộc khủng bố tấn công vào chính hai cơ quan đầu não về kinh tế (Trung Tâm Thương Mại Thế Giới) và quân sự (Ngũ Giác Đài) của một quốc gia đệ nhất cường quốc là Hoa Kỳ, một quốc gia cũng đã ra tay tấn công khủng bố ở A Phú Hãn vào chính ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/1991, rồi sau đó, vào chính ngày Lễ Thánh Giuse 19/3/2003, đã cùng với lực lượng liên minh (chính yếu là Hiệp Vương Quốc) qua mặt Liên Hiệp Quốc tấn công Iraq để diệt trừ nhà lãnh đạo độc tài Saddam Hussein mà họ nghĩ rằng ông này đang có những thứ vũ khí đại công phá trong tay, rất nguy hiểm đến nền hòa bình thế giới nói chung, Trung Đông và Hoa Kỳ nói riêng.

Nếu những lời tiên báo ở Fatima ngày 13/7/1917: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình”, đã xẩy ra đúng như lịch sử chứng thực, thì Fatima quả là một Biến Cố có thật, và Biến Cố Fatima đúng là một Dấu Hiệu Cứu Độ.


Biến Cố Fatima – Dấu Hiệu Cứu Độ liên quan tới Bí Mật Fatima, Sứ Điệp Fatima và Thiếu Nhi Fatima


Có thể nói Fatima là một Khoa Học. Bởi vì, nói đến Fatima là nói đến cả một hệ thống bao gồm Biến Cố Fatima, Bí Mật Fatima, Sứ Điệp Fatima và Thiếu Nhi Fatima. Tất cả những gì tạo nên Hệ Thống Fatima này đều liên hệ hết sức mật thiết với nhau.

Chính vì Fatima là một Khoa Học, với một Hệ Thống liên hệ hết sức mật thiết với nhau như thế mà sự kiện về Biến Cố Fatima – Dấu Hiệu Cứu Độ cũng có liên quan tới Bí Mật Fatima, Sứ Điệp Fatima và Thiếu Nhi Fatima.

Trước hết, Biến Cố Fatima – Dấu Hiệu Cứu Độ liên quan tới Bí Mật Fatima

Người ta thường nói Bí Mật Fatima thứ ba và người ta đã hết sức muốn biết Bí Mật Fatima thứ ba này là gì trước khi nó được chính Tòa Thánh tiết lộ vào Đại Năm Thánh 2000. Thật ra chí có một Bí Mật Fatima duy nhất chứ không phải có ba bí mật, như người ta vẫn nhầm lẫn khi nói đến Bí Mật Fatima

Thật vậy, Biến Cố Fatima là Dấu Hiệu Cứu Độ liên quan đến Bí Mật Fatima ở chỗ, phần thứ nhất của bí mật này là thị kiến hỏa ngục, một thị kiến kinh hoàng cho thấy một thực tại phũ phàng đó là sự kiện các linh hồn vô cùng cao trọng và quí giá thực sự đời đời bị trầm luân. Bởi vậy, để có thể cứu vớt các linh hồn tội nhân cho khỏi sa hỏa ngục như thế, sứ điệp ở phần Bí Mật Fatima thứ hai đã tiết lộ cho biết một phương thế thần hiệu, đó là lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một lòng tôn sùng Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới bằng việc Ngài đã thực sự làm cho Nước Nga trở lại qua tác động hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ của toàn thể hàng giáo phẩm thuộc Giáo Hội Công giáo.

Ngay mở đầu thị kiến ở phần Bí Mật Fatima thứ ba đã cho thấy rõ vai trò của Mẹ Maria trong việc cứu thế giới, khi ánh quang tỏa ra từ bàn tay phải của Mẹ Maria đã chẳng những làm tan biến những ngọn lửa chớp nhoáng phát ra từ thanh gươm đang ở trong bàn tay trái của thiên thần bấy giờ giáng xuống trừng phạt thế giới, mà còn khiến vị thiên thần này dùng tay phải chỉ xuống đất mà kêu gọi lớn tiếng ba lần ‘hãy ăn năn đền tội’. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vì loài người không chịu ăn năn nên máu tử đạo đã phải đổ ra để đền tội thay, thậm chí có cả máu của chính Vị Giáo Hoàng (ngày 13/5/1981 tại Công Trường Thánh Phêrô), nhờ đó, như đoạn kết của thị kiến Bí Mật Fatima phần thứ 3 cho thấy, máu tử đạo đã cứu được những kẻ thành tâm tìm đến với Thiên Chúa, (trong đó có vị lãnh tụ cuối cùng của Cộng Sản Liên Bang Nga là Gorbachev, nhân vật đã làm biến đối thế giới cộng sản Đông Âu và Nga Cộng).

Nếu Bí Mật Fatima làm nên Dự Án Cứu Độ được Mẹ Maria tiết lộ trong Biến Cố Fatima thì quả thực Biến Cố Fatima là Dấu Hiệu Cứu Độ vậy.

Sau nữa, Biến Cố Fatima – Dấu Hiệu Cứu Độ liên quan tới Sứ Điệp Fatima

Nếu Biến Cố Fatima – Dấu Hiệu Cứu Độ liên quan tới Bí Mật Fatima, như được suy diễn và trình bày trên đây, thì Biến Cố Fatima – Dấu Hiệu Cứu Độ cũng liên quan cả tới Sứ Điệp Fatima nữa.

Như chỉ có một Bí Mật Fatima duy nhất nhưng bí mật này lại được làm nên bởi 3 phần thế nào, cũng chỉ có một Sứ Điệp Fatima duy nhất bao gồm 3 mệnh lệnh như vậy. Đúng thế, nếu cốt lõi của Bí Mật Fatima là vấn đề cứu độ thì trọng tâm của Sứ Điệp Fatima duy nhất này cũng chính là vấn đề cứu độ. Nếu mỗi phần của Bí Mật Fatima đều qui về vấn đề cứu độ thế nào thì mỗi Mệnh Lệnh Fatima cũng có tính chất và mục đích cứu độ như thế.

Trước hết, Sứ Điệp Fatima liên quan đến Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống không phải có tính chất và mục đích cứu độ hay sao, vì mệnh lệnh này chẳng những đã hoàn toàn đáp ứng lời Chúa Giêsu kêu gọi trong Phúc Âm ngay từ Lời Rao Giảng Tiên Khởi của Người: “Thời giờ đã viên trọn. Nước Thiên Chúa gần đến! Hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm!” (Mk 1:15; x Mt 4:17; 3:2), mà còn hết sức phù hợp với Lệnh Truyền Phục Sinh cuối cùng của Người nữa (xem Mk 16:16; Lk 24:47).

Có thể khẳng định là nếu thiếu Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống chính yếu tối quan trọng này, chưa chắc Giáo Hội đã công nhận Biến Cố Fatima, dù Sứ Điệp Fatima còn có Mệnh Lệnh Tôn Sùng Mẫu Tâm và Mệnh Lệnh Cầu Kinh Mân Côi. Bởi vì, nếu không có Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống, mệnh lệnh trực tiếp liên quan đến Thiên Chúa, thì hai mệnh lệnh còn lại cũng chỉ như xác không hồn. Đó là lý do hai Mệnh Lệnh Tôn Sùng Mẫu Tâm và Cầu Kinh Mân Côi cũng có tính chất và mục đích cứu độ nhờ liên hệ chặt chẽ với Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống.

Mệnh Lệnh Tôn Sùng Mẫu Tâm, theo nội dung của Biến Cố Fatima, có tính chất và mục đích cứu độ, trước hết, ở chỗ, đó là dự định của Thiên Chúa, Đấng được Mẹ Maria tiết lộ cho biết ở phần Bí Mật Fatima thứ hai là “muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, tức là, theo Dự Án Fatima, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ thực sự là phương thế cứu độ nhân loại. Chính Mẹ đã khẳng định với riêng Thiếu Nhi Lucia vào lần hiện ra thứ hai ngày 13/6/1917 rằng: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”.

Mệnh Lệnh Cầu Kinh Mân Côi không phải chỉ liên quan đến chiến tranh và hòa bình, như mỗi lần Mẹ kêu gọi, trong cả sáu lần hiện ra ở Fatima năm 1917, đều cho thấy điều này. Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày để xin cho chiến tranh chấm dứt và thế giới có hòa bình là gián tiếp cầu nguyện cho con người cải thiện đời sống, biết sống công bằng bác ái, đoàn kết yêu thương nhau như anh chị em trong một gia đình. Ngoài ra, Mệnh Lệnh Cầu Kinh Mân Côi còn cho thấy tính chất và mục đích cứu độ của mình ở lời ngay phần sau của Kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Chưa hết, vào lần hiện ra thứ ba, sau khi tiết lộ toàn bộ Bí Mật Fatima, Mẹ Maria đã xin 3 Thiếu Nhi Fatima thêm Lời Nguyện Fatima vào sau mỗi chục kinh, lời nguyện chúng ta vẫn đọc cho tới nay: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”.

Nếu 3 Mệnh Lệnh Fatima làm nên Sứ Điệp Fatima là Sứ Điệp Cứu Độ như thế, thì quả thực Biến Cố Fatima là Dấu Hiệu Cứu Độ vậy.

Sau hết, Biến Cố Fatima – Dấu Hiệu Cứu Độ liên quan tới Thiếu Nhi Fatima

Nếu Bí Mật Fatima và Sứ Điệp Fatima đều có tính chất và mục đích cứu độ thì Thiếu Nhi Fatima cũng thế, cũng có tính chất và mục đích cứu độ như thế.

Thật vậy, ngay từ ban đầu, từ lần hiện ra đầu tiên, 3 Thiếu Nhi Fatima đã dứt khoát đồng thanh đáp lại lời kêu gọi của Mẹ Maria trong việc dấn thân trở thành hy tế đền tạ Thiên Chúa hầu cứu độ các tội nhân. Tuy nhiên, để sống ơn gọi hy tế cứu độ hết sức gian nan khốn khổ này, mỗi Thiếu Nhi Fatima đã phải thực hiện một sứ vụ chuyên biệt thích hợp với mình: Giaxinta nhỏ nhất chuyên lo hy sinh cứu rỗi các tội nhân; Phanxicô nam nhi duy nhất chuyên tâm đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng được Mẹ Maria cho biết là “Người đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”; và Lucia lớn nhất chuyên tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và đặc trách việc truyền bá lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, nơi nương náu và là đường đến với Thiên Chúa cho các linh hồn nói chung và cho tội nhân nói riêng.

Nếu 3 Thiếu Nhi Fatima làm nên Lực Lượng Cứu Độ như thế, thì quả thực Biến Cố Fatima là Dấu Hiệu Cứu Độ vậy.

 

“Yêu thương kẻ thù”

Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật Thứ VII Thường Niên

Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình. Ai vả má con bên nầy, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn, để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án; Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Hướng Dẫn

Bài Phúc Âm Chúa Nhật VII Thường Niên Năm C tuần này thuật lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ những phúc đức trọn lành, cho đến độ sống nhân từ như Cha trên trời với mọi người, nhất là đối với những người thù địch của mình.

Ở đây Chúa dạy các môn đệ của Người phải sống trọn lành chẳng những hơn thành phần tội nhân, thành phần dân ngoại, mà còn hơn cả thành phần luật sĩ và biệt phái thông luật song không giữ luật hay giữ luật theo hình thức chứ không phải theo tinh thần của luật là đức ái.

Tất cả những gì Chúa Giêsu dạy trong suốt cả bài Phúc Âm này là những điều Người muốn khai triển hay dẫn giải về câu chủ yếu đầu tiên Người nói: “Các con hãy yêu keœ thù, hãy làm ơn cho những keœ ghét mình, hãy chúc phúc cho những keœ ngược đãi mình, hãy cầu nguyện cho những keœ vu khống mình”.

Ai thực hành được câu đầu tiên này là thực hành hết những gì Người dạy thi hành ở phần dưới sau đó, hay nói ngược lại, ai thi hành được tất cả những gì Người dạy sau khi nói câu đó là người thi hành được câu đầu tiên này.

Tóm lại, qua bài Phúc Âm này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người phải “yêu kẻ thù”, một tình yêu được tỏ ra bằng ba thái độ cụ thể: làm ơn cho keœ ghen ghét mình, chúc phúc cho keœ nguyền ruœa mình, và cầu nguyện cho keœ ngược đãi mình.

Nếu để ý kỹ ba thái độ cụ thể trên đây, chúng ta chẳng những thấy tính cách lành dữ đối chọi nhau, như làm ơn đối lại ghen ghét, chúc phúc đối lại nguyền rủa và cầu nguyện đối lại ngược đãi, mà còn thấy được cả tiến trình đảo ngược của tâm ngôn hành nữa.

Thật vậy, nạn nhân phải tỏ ra hành (“làm ơn”) đối lại với tâm (“ghen ghét”) của kẻ thù, sau đó, nạn nhân còn phải lấy ngôn (“chúc phúc”) đối lại với ngôn (“nguyền rủa”) của kẻ thù, sau hết nạn nhân lấy tâm (“cầu nguyện”) đối lại với hành (“ngược đãi”) của kẻ thù.

Đó là lý do hôm nay chúng ta sinh hoạt trò chơi Phúc Âm: “yêu thương kẻ thù” như sau.

Sinh Hoạt

1. Có nhiều cách chơi khác nhau. Ở đây chỉ đề nghị hai cách đơn giản.

2. Cách thứ nhất cho ngành nghĩa và trưởng, mỗi nhóm cử ra một người. Tất cả những người do các nhóm cử ra đùứng thành hàng ngang đối diện với người quản trò.

3. Người nào cũng phải thuộc cả 6 chữ kép trên đây: “làm ơn” đối lại với “ghen ghét”, “chúc phúc” đối lại với “nguyền rủa”, và “cầu nguyện” đối lại với “ngược đãi”.

4. Khi nghe người quản trò nói bất cứ một chữ kép nào trong 6 chữ kép này, đều phải đáp ngay lập tức chữ kép đối lại. Chẳng hạn. người quản trò hô: “ngược đãi”, những người đại diện các nhóm phải đáp liền “cầu nguyện”, hay khi nghe người quản trò hô “làm ơn” thì phải đáp ngay “ghen ghét” v.v.

5. Trò chơi được kết thúc sau khi người quản trò hô hết 6 chữ kép. Nhóm nào ít sai nhất và đáp nhanh nhất trong cả 6 lần cộng lại là nhóm đoạt giải “yêu thương kẻ thù”.

6. Cách thứ hai cho ngành thiếu và ấu. Mỗi nhóm cử ra 2 người, một người đóng vai nạn nhân và một người đóng vai kẻ thù. Cứ hai nhóm đấu với nhau.
7. Người nạn nhân của nhóm này đứng đối diện với người đóng vai kẻ thù của nhóm kia, và người đóng vai kẻ thù của nhóm kia đứng đối diện với người đóng vai nạn nhân của nhóm này.

8. Khi nghe người quản trò hô bất cứ 1 trong 6 chữ kép trên đây, người đóng vai kẻ thù hay nạn nhân phải tỏ ra cử chỉ thích hợp.

9. Chẳng hạn, những người đóng vai kẻ thù, khi nghe “ghen ghét”, phải tỏ mặt hầm hầm nghiến răng, hay khi nghe “nguyền rủa”, phải trợn mắt há hốc miệng ra, hoặc khi nghe “ngược đãi” phải lấy tay tát vào không trung một cái.

10. Còn người đóng vai nạn nhân, khi nghe “chúc phúc” thì lấy tay ban phép lành như linh mục trong Thánh Lễ, hay khi nghe “cầu nguyện” thì chắp tay nhắm mắt cuí đầu xuống, hoặc khi nghe “làm ơn” thì giơ hai cánh tay rộng mở về phía kẻ thù.

11. Tuy nhiên, hai nhóm sẽ đấu với nhau như thế này, bất cứ lúc nào nghe người quản trò nói một chữ kép thôi, chẳng hạn chữ “cầu nguyện” thì chẳng những nạn nhân phải làm cử chỉ hợp với cầu nguyện mà cả kẻ thù của nạn nhân này cũng phải có cử chỉ ngược lại là “ngược đãi”. Nghĩa là người quản trò chỉ cần nói 1 chữ kép thì hai người đối nghịch nhau phải làm hai cử điệu của mình.

12. Trò chơi được kết thúc sau khi người quản trò nói hết 6 chữ kép và nhóm nào làm đúng nhất và nhanh nhất là nhóm đoạt giải “yêu thương kẻ thù”.

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, biên soạn gợi ý

 

20/2 Thứ Sáu

ÐTC GPII chia sẻ Giáo Lý Thánh Vịnh Bài 99 Thứ Tư 18/2/2004

Qui Tụ Mọi Sự Trong Chúa Kitô

(Ca Vịnh Eph 1:3-10– Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất)



1.     Bài thánh thi ca về “phúc lành” rạng ngời mở đầu Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô và được đọc lên vào mỗi ngày Thứ Hai ở phụng vụ giờ kinh tối, sẽ là đối tượng của một chuỗi bài suy niệm trong tiến trình chia sẻ của chúng ta. Giờ đây, chúng ta sẽ lấy làm mãn nguyện khi thoáng nhìn vào bài ca vịnh trọng thể và khéo bố cục giống như một thứ kiến trúc uy nghi này, một bài ca vịnh nhắm đến việc tôn tụng công việc diệu kỳ của Thiên Chúa tác hành nơi Chúa Kitô cho chúng ta.

Bài ca vịnh được bắt đầu bằng chữ “trước”, một cái trước thời gian và tạo thành: Đó là cõi vĩnh cửu thần linh vốn đã có một dự án vượt trên chúng ta, một “sự tiền định”, tức là một dự án yêu thương và tự do của một định mệnh cứu độ và vinh quang.

2.     Theo dự án siêu việt này, một dự án bao gồm cả việc tạo thành lẫn việc cứu chuộc, cả vũ trụ lẫn lịch sử loài người, Thiên Chúa, “theo lòng ưu ái của Ngài”, đã thiết lập để “phục hồi mọi sự trong Chúa Kitô”, tức là để tái thiết trật tự và ý nghĩa sâu xa của tất cả thực tại, những sự trên trời và dưới thế (1:10). Thật vậy, Người là “đầu của tất cả mọi sự thuộc Giáo Hội là thân mình của Người” (1:22-23), song Người cũng là nguyên lý bám víu sống còn của vũ trụ.

Bởi thế, vai trò làm chúa tể của Đức Kitô bao gồm cả vũ trụ lẫn một chân trời chuyên biệt hơn đó là Giáo Hội. Chúa Kitô thi hành một phận sự “trọn vẹn”, nhờ đó, nơi Người, “mầu nhiệm” tỏ hiện (1:9) đã được giữ kín qua nhiều thế kỷ, và toàn thể thực tại nhận ra, theo thứ tự riêng biệt của mình cũng như theo cấp độ của mình, dự án đã được Cha ôm ấp từ thuở đời đời.

3.     Như chúng ta sẽ có dịp thấy sau này, loại Thánh Vịnh Tân Ước đây trước hết chú trọng tới lịch sử cứu độ, một lịch sử trở thành một thể hiện và là một dấu hiệu sống động của [lòng ưu ái] (1:9), của “sở nguyện” (1:6) và của tình yêu thần linh.

Bởi thế mới có một thứ tôn tụng “ơn cứu chuộc nhờ máu” của cây thập giá, “sự thứ tha tội lỗi”, việc tuôn đổ muôn vàn “những kho tàng ân sủng của Người” (1:7), tình con thảo thần linh của Kitô hữu (1:5), thành phần được tỏ cho biết “mầu nhiệm ý định” của Thiên Chúa (1:9) là những gì nhờ đó con người tiến vào mối thân tình của chính sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa.

4.     Khi thoáng nhìn vào toàn thể bài thánh thi ca mở đầu Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô này, giờ đây chúng ta hãy lắng nghe Thánh Gioan Chrysostom, một bậc thày và một nhà giảng thuyết ngoại hạng, một nhà diễn giải Thánh Kinh tài tình, vị sống ở thế kỷ thứ 4 và làm giám mục ở Contantinople giữa đủ mọi thứ khó khăn, và thậm chí đã hai lần bị lưu đầy.

Trong bài giảng thứ nhất của mình về Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô, khi dẫn giải về bài ca vịnh này, ngài đã suy niệm với một lòng biết ơn về “phúc lành” chúng ta đã nhận được “nơi Chúa Kitô”: “Thật thế, anh chị em đang thiếu những gì? Anh chị em đã trở thành bất tử, tự do, con cái, công chính, anh em, đồng thừa tự, với Đấng anh chị em hiển trị, với Đấng anh chị em được vinh quang. Hết mọi sự đã được ban cho anh chị em, và đúng như câu nói, ‘Ngài lại chẳng ban cho chúng ta hết mọi sự khác cùng với Người hay sao?’ (Rm 8:32). Các thứ hoa trái đầu mùa của anh chị em (x 1Cor 15:20,23) được tôn thờ bởi các Thiên Thần, Các Thần Cherubim, Các Thần Seraphim: vậy thì anh chị em còn thiếu chi nữa đây?” (PG 62, 11).

Thiên Chúa đã làm tất cả mọi sứ ấy vì chúng ta, Thánh Chrysostom tiếp tục, “theo sở nguyện ý muốn của Ngài”. Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là Thiên Chúa nhiệt tình mong muốn và thiết tha khao khát phần rỗi của chúng ta. Và tại sao Ngài lại yêu thương chúng ta như thế? Vì lý do nào Ngài đã muốn rất nhiều điều thiện hảo cho chúng ta như thế? Chỉ nguyên vì lòng lành của Ngài mà thôi: ‘ân sủng’ thực sự là những gì xứng hợp với lòng lành” (ibid., 13).

Chính vì thế mà vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã kết luận rằng Thánh Phaolô nói rằng hết mọi sự được thực hiện “để chúc tụng và tôn vinh ân sủng Ngài đã ban cho chúng ta nơi Con yêu dấu của Ngài”. Thật vậy, Thiên Chúa “chẳng những đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, mà còn làm cho chúng ta nên dễ thương… ngài đã trang điểm cho linh hồn của chúng ta và làm cho nó nên mỹ miều kiều diễm, đáng thèm khát và khả ái”. Khi Thánh Phaolô tuyên bố là Thiên Chúa đã làm như thế nhờ máu của Con Ngài thì Thánh Gioan Chrysostom than lên rằng: “Không gì cao cả hơn điều này, đó là máu của Thiên Chúa đã đổ ra cho chúng ta. Việc thậm chí không dung tha cho Con (x Rm 8:32) còn cao cả hơn là việc thừa nhận làm con cái và những tặng ân khác; thật vậy, việc tội lỗi được thứ tha là điều cao cả, thế nhưng con cao cả hơn thế nữa khi việc tha thứ này được thực hiện nhờ máu của Chúa” (ibid., 14).

Anh Chị Em thân mến,

Mỗi ngày Thứ Hai vào Giờ Kinh Tối, Giáo Hội hát lên bài ca vịnh cao cả mở đầu Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô. Bài ca vịnh này là một bài thánh thi ca về quyền năng cứu độ của Thiên Chúa đực tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô . Theo lòng nhân lành vô biên của mình, Thiên Chúa đã có ý định trước khi tạo thành thế gian để mang tất cả mọi sự về một mối duy nhất nhờ Con yêu dấu của Ngài.

Dự án cứu độ nhiệm mầu này đã lên đến tột đỉnh nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội. Nhờ máu của Chúa Kitô đổ ra trên thập tự giá, chúng ta đã lãnh nhận ơn cứu chuộc và ơn thứ tha tội lỗi của chúng ta. Bởi ân sủng, chúng ta được tiền định trong yêu thương để trở thành con cái của Thiên Chúa cũng như để thông phần vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 18/2/2004.

Cuốn Tự Thuật của một vị tôn sư Do Thái trở lại Kitô giáo

Có một vị tôn sư mang tên Israel Zoller ở Rôma vào thời thế chiến thứ hai, vị đã trở lại Kitô giáo năm 1945 và viết cuốn tự thuật từ năm 1954, mang tựa đề “Trước Hừng Đông” ("Prima dell'Alba," St. Paul Publishers), một cuốn tự thuật vừa được xuất bản bằng Ý ngữ, sau đúng nửa thế kỷ.

Theo vị tôn sư tác giả này thì ông đã lấy tên thánh khi rửa tội là Eugene để tôn kính ĐTC Piô XII (Eugenio Pacelli) bấy giờ đã giúp cho cộng đồng của ông trong thời thế chiến thứ II. Vị tôn sư này đã lãnh đạo cộng đồng Do Thái ở Rôma từ năm 1938 đến 7/1944. Vào ngày 15/8 năm 1944, ông đã tỏ cho Cha Paolo Dezza, bấy giờ là viện trưởng Đại Học Viện Gregorian và là vị hồng y sau đó, biết ông có ý định trở thành một người Công Giáo. Ông cùng bà vợ là Emma được rửa tội ngày 13/2/1945 ở nguyện đường Thánh Maria ở Nhà Thờ Các Thiên Thần. Ông đã qua đời năm 1956 sau hai năm viết cuốn tự thuật này.

Vị tôn sư Israel Zoller này có gốc gác người Balan. Mẹ của ông thuộc về một gia đình thuộc truyền thống tôn sư Do Thái kéo dài từ 4 thế kỷ trước đó. Ông đã học ở Đại Học Vienne Áo quốc rồi sau đó ở Đại Học Florence, nơi ông lấy được văn bằng về triết học, đồng thời ông cũng học cả ở Rabbinical College nữa.

Năm 1920, ông đã trở thành vị tôn sư trưởng ở Trieste. 13 năm sau ông trở thành công dân Ý. Vì luật của Đảng Fascist, ông phải Ý hóa tên họ của ông từ Zoller thành Zolli. Về sau ông trở thành một vị giáo sư về nghệ thuật và văn chương Do Thái ở Đại Học Padua, thế nhưng ông đã bị bắt buộc phải bỏ nghề dạy học vì luật kỳ thị chủng tộc của chính phủ độc tài Benito Mussolini. Ông được bổ nhiệm làm tôn sư trưởng ở Rôma năm 1938.

Trong cuốn tự thuật của mình, ông đã kể lại, sau khi Đảng Nazis Đức quốc đến Rôma, cách thức ông che giấu những người Do Thái và cứu sống họ ra sao, nhờ việc hợp tác của các cơ cấu ở Vatican, nhất là của Đức Piô XII.

Theo cuốn tự thuật này thì vị chủ tịch cộng đồng Do Thái ở Rôma bấy giờ là Ugo Foa không sợ hãi như vị trưởng tôn sư này và cho những lời cảnh giác của ông về Đảng Nazis là một thứ báo động vậy thôi. Đối với những ai tố cáo ông về việc ông phản bội khi lãnh nhận bí tích rửa tội, ông đã trả lời như sau:

“Tôi không chối bỏ điều gì; lương tâm của tôi bình an. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, của Phaolô không phải cũng là vị Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp hay sao? Phaolô đã trở lại. Chẳng lẽ ngài đã từ bỏ vị Thiên Chúa của Do Thái hay sao? Chẳng lẽ ngài đã không còn yêu mến Dân Do Thái hay sao? Chỉ cần nghĩ đến mấy điều như thế này là đủ thấy vô lý rồi vậy”.

 

19/2 Thứ Năm

ĐTC GPII với Hội Nghị Phong Trào Focolare về Ơn Gọi Nên Thánh

Trong buổi triều kiến chung hôm nay, buổi triều kiến vào các ngày Thứ Tư trong tuần ở Sảnh Ðường Phaolô VI ÐTC GPII đã tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh của Ngài, tới hôm nay là bài thứ 99, về Ca Vịnh Ephêsô 1:3-10 cho Ngày Tứ Hai. Trong số 9 ngàn người tham dự, có cả nữ sáng lập Chiara Lubich Phong Trào Focolare và trên 100 vị giám mục đến từ 40 quốc gia trên thế giới về Rôma tham dự hội nghị của phong trào này. ĐTC đã chào các vị giám mục sau khi kết thúc buổi triều kiến chung này và trao cho các vị sứ điệp Ngài gửi cho hội nghị của các vị với phong trào Focolare, một hội nghị sẽ được kết thúc vào Thứ Sáu 20/2/2004. Sau đây là những lời huấn dụ của Ngài:

“Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta rằng thánh thiện là ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa… Thật vậy, chỉ có cộng đồng Kitô hữu nào chiếu sáng thánh đức mới có thể hoàn tất một cách hiệu năng sứ vụ đã đực Chúa Kitô ủy thác cho, tức là sứ vụ truyền bá Phúc Âm tới tận cùng trái đất.

“Tính chất phổ quát ơn gọi nên thánh của Giáo Hội là một sự thật tiêu biểu cho một trong những trụ cột của hiến chế công đồng ‘Ánh Sáng Muôn Dân’. Cần phải nhấn mạnh ở đây hai khía cạnh tổng quát. Trước hết, vấn đề là Giáo Hội thánh thiện tự bản chất và được kêu gọi sống động cũng như thể hiện thánh đức này nơi hết mọi phần thể của mình. Sau nữa, lời diễn tả “đức thánh thiện của dân Chúa”, làm cho chúng ta nghĩ đến tính cách thường tình, tức là nghĩ về nhu cầu thành phần đã lãnh nhận phép rửa cần phải biết cách sống gắn bó với Phúc Âm trong cuộc sống hằng ngày: trong gia đình, nơi sở làm, qua mọi mối liên hệ và nghề nghiệp. Chính trong cái thường tình này mà người ta cần phải sống phi thường”.

Bản Tìm Hiểu về Nội Vụ Linh Mục Hoa Kỳ Lạm Dụng Tình Dục Vị Thành Niên

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, vì muốn có một cái nhìn sâu xa và chính xác hơn nội vụ linh mục Hoa Kỳ lạm dụng tình dục vị thành niên, đã thực hiện một cuộc tìm hiểu được thực hiện bởi John Jay College, căn cứ vào hồ sơ của các giáo phận ở toàn quốc. Tuy Bản Tìm Hiểu này sẽ được phổ biến vào ngày 27/2/2004, một bản tìm hiểu được các chuyên viên thực hiện nói có thể được điều chỉnh chút ít trước khi trình làng, nhưng CNN đã được xem qua và thấy những chi tiết sau đây:

Về phía phạm nhân, có 4.450 vị linh mục bị tố cáo trong vòng 52 năm, từ năm 1950 đến 2002, tức 4% trong tổng số 110 ngàn vị. Hơn 50% vị linh mục bị tố cáo 1 lần duy nhất, 25% hay 1.112 vị bị tố cáo từ 2 đến 3 lần, gần 13% hay 578 vị từ 4 đến 9 lần, và gần 3% hay 133 vị bị tố cáo 10 lần hay hơn. Trong 11 ngàn vụ tố cáo chỉ có 6.700 vụ là được điều tra và có chứng cớ, 1 ngàn vụ không có chứng cớ, và 3300 vụ không điều tra được vì các vị linh mục bị tố cáo đã chết.

Về phía nạn nhân, có 78% ở vào tuổi giữa 11 và 17, 16% từ 8 đến 10, và gần 6% từ 7 tuổi trở xuống.

Về những yếu tố góp phần vào cuộc khủng hoảng này có thể kể đến là vì không cho vấn đề này là quan trọng, quá nhấn mạnh đến việc tránh gương mù gương xấu, sử dụng các trung tâm trị liệu không đủ phẩm chất, sẵn lòng tha thứ một cách lầm lẫn và không đủ uy tín.

Hiện nay có trên 44 ngàn vị linh mục đang phục vụ tại Hoa Kỳ.

ĐGM chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ là Gregory Wilton đã cho biết như sau: “Tôi chưa được thấy nh74ng bản tường trình này nên tôi không thể phê phán gì về bản chất của chúng. Thế nhưng, tôi muốn tái khẳng định là các vị giám mục chúng tôi đã yêu cầu thực hiện những cuộc nghiên cứu này để chúng tôi hiểu được trọn vẹn bao nhiêu có thể những gì đã gây ra cho biến cố thê thảm nơi đời sống cộng đồng của chúng tôi ấy, nhờ đó bảo đảm không bao giờ để cho những thứ ấy tái diễn nữa. Lòng tôi thông cảm với tất cả mọi người đã phải chịu đựng khổ đau và tôi đặc biệt bảo đảm với họ rằng các vị giám mục quyết tâm triệt để áp dụng Hiến Chương Dallas và sẽ tiếp tục làm việc với Văn Phòng Bảo Vệ Trẻ Em và Giới Trẻ cũng như với Hội Đồng Tra Xét Toàn Quốc để liên lạc với các nạn nhân và ngăn ngừa vấn đề lạm dụng này xẩy ra trong tương lai”.


Những điểm tương đồng và tương phản giữa TT Bush và ĐGH GPII

Ký giả Andrea Kirk đang soạn một cuốn sách về những điểm tương đồng và tương phản giữa TT Bush và ĐTC Gioan Phaolô II liên quan đến những chủ trương hay chính sách về xã hội và ngoại giao, cuốn sách sẽ được xuất bản vào cuối năm nay. Bà là một tay viết tự do cho các tờ Inside the Vatican, Our Sunday Visitor và United Press International. Bà đã chia sẻ với Zenit một số nhận định của bà như sau:

Vấn     Mục đích của việc nghiên cứu có tính cách thân hữu của bà là để tìm thấy những điểm trùng hợp và những điểm khác biệt giữa các chính sách của Tổng Thống George W. Bush và của ĐGH Gioan Phaolô II. Ngoài ra bà còn tìm thấy những gì nữa chăng?

Đáp     Tổng quát mà nói thì ĐGH và vị tổng thống này có nhiều điểm trùng hợp nơi lãnh vực liên quan đến chính sách về xã hội nhưng lại hoàn toàn khác nhau về chính sách ngoại giao.

Vị tổng thống này đã hoán cải trở về với Chúa Kitô, một cuộc hoán cải được phản ảnh nơi một số chính sách liên quan đến, chẳng hạn, hoạt động theo đức tin và đến vấn đề tài trợ cho việc giáo dục tiết dục để ngăn ngừa chứng Liệt Kháng HIV/AIDS.

Cũng tương tự như vấn đề hoán cải, việc thay đổi hành vi là một vấn đề diễn tiến nơi nhiều chính sách xã hội của ông, những chính sách ông đã đặt cho một biệt hiệu là “chủ nghĩa bảo thủ lòng thương cảm”.

Thế nhưng, có một số nhà phân tích cho rằng đường lối của ông Bush về chích sách xã hội là một đường lối Tin Lành khác biệt và là đường lối không đồng điệu với Vatican cho lắm. Bởi vì, dù giả thuyết này chưa được chứng thực, nhưng sau biến cố 11/9, Tổng Thống Bush cũng đã trở thành một vị “tổng thống (tự động tuyên) chiến” và chiến tranh chống khủng bố đã qua mặt cả những hoạt động của chính sách về xã hội này.

Vấn     Còn những điểm tương phản thì sao?

Đáp     Những điểm tương phản đã tỏ tường ở nơi việc dẫn tới chiến tranh đánh Iraq, nhưng còn khác nhau hơn nữa liên quan đến vấn đề có được xâm chiếm Iraq hay chăng.

Nhiều vấn đề trong “chính sách ngoại giáo” của Vatican, hay trong giáo huấn xã hội về những liên hệ quốc tế, đã cho thấy những khác biệt về vai trò của Liên Hiệp Quốc, về vấn đề đơn phương tấn công, về việc ngoại giao cũng như về vấn đề biện minh cho chiến tranh chính nghĩa.

Có một chính sách đặc biệt đã làm cho đôi bên đối nghịch nhau. Vào thời gian từ khi xẩy ra cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ cho tới lúc bắt đầu chiến tranh tấn công Iraq, chính phủ Bush đã theo chính sách ngoại giao khiến cho hầu hết các viên chức Vatican không thể chấp nhận được về nguyên tắc. ĐHY Ratzinger đã thẳng thắn nói là thứ chiến tranh ngăn ngừa không hợp với Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, không hợp với nhiều viên chức Vatican nghĩ rằng gây ra một cuộc chiến tranh như thế với Iraq là điều bất hợp pháp.

Chính phủ Bush thực hiện chính sách ngoại giao và vấn đề ngoại giao theo một kiểu cách rất khác với Vatican. Dĩ nhiên, khó lòng có thể so sánh giữa quyền lực trần thế với quyền thế thiêng liêng. Tuy nhiên, nói như vậy là có ý nói rằng cả hai đều hoạt động nhắm đến những mục đích đề ra giống nhau, bằng đường lối riêng của mình tuy đôi khi khác nhau.

Chính phủ Bush đã thực hiện nỗ lực từ biến cố 11/9 trong việc bênh vực quyền lợi con người, công lý và quyền tự do, nhất là những người công dân bị đàn áp dưới chế độ Hussein. Chính phủ này đã ghép cho cuộc chiến tranh này những ngôn từ ấy bằng việc đặt tên cho nó là Hành Quân Giải Phóng Iraq (Operation Iraqi Freedom).

Phần Vatican, trong khi liên tục bênh vực cho những mục đích ấy, đã tỏ ra chống lại phương tiện được chính phủ Bush sử dụng. ĐGH đã bày tỏ rõ ràng bằng câu “mục đích không bao giờ biện minh cho phương tiện” trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2004, hay “chiến tranh không bao giờ lại là một phương tiện con người được quyền chọn sử dụng để giải quyết những khác nhau giữa các quốc gia” trong diễn từ Ngài ngỏ với phái đoàn ngoại giao vào Tháng Giêng 2003.

Vấn     Đâu là những liên hệ giữa chính phủ Bush và Vatican nơi tình hình Iraq hậu chiến?

Đáp     Tôi nghĩ rằng cuộc viếng thăm mới đây của Phó Tổng Thống Cheney đến Vatican gặp ĐGH, ĐHY Sodano và TGM Lajolo là một việc quan trọng, vì Cheney là một trong những kiến trúc sư chính của cuộc hành quân ở Iraq.

Cuộc đối thoại tập trung vào cách làm sao để xây dựng một xã hội yên vui ở đó cũng như ở Do Thái và Palestine. Đó là một thí dụ điển hình cho thấy Vatican đã chuyển sứ vụ của mình từ việc ngăn ngừa chiến tranh sang việc xây dựng hòa bình, như Tòa Thánh vẫn thường làm liên quan đến mục đích của sứ vụ Giáo Hội đó là bao giờ cũng phải nhắm đến phúc hạnh của con người.

Tòa Thánh Vatican và chính phủ Bush có thể gặp nhau ở cùng một căn bản chung nào đó trong việc xây dựng hòa bình, vì Giáo Hội, trong số các vấn đề, đang quan tâm đến việc bảo toàn quyền tự do tôn giáo nơi bản hiến pháp tương lai của Iraq.

Cuộc gặp gỡ vị phó tổng thống này cũng đã cống hiến cho ĐGH cơ hội để tái nhấn mạnh đến niềm tin tưởng của Ngài nơi nhu cầu cần phải có sự hợp tác quốc tế “trong việc phục vụ hòa bình”, một thứ hợp tác chúng ta cho rằng có ý nói đến việc hoạt động với Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, như tôi nêu lên nơi giấy trắng mực đen, Tòa Thánh đã hết sức phàn nàn về việc bất lực của Liên Hiệp Quốc trong vấn đề đối ứng với thách đố của cuộc chiến tranh ngăn ngừa bằng cách thi hành sứ vụ cũng như những giải pháp của tổ chức này.

Từ khi sứ điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình được phổ biến, lời kêu gọi canh tân Liên Hiệp Quốc đã được lập đi lập lại nhiều lần bởi các viên chức Vatican, với mục đích là để phấn khích tổ chức này hãy đóng đúng vai trò của nó. Bằng không, chính phủ Bush có thể sẽ tiếp tục ra tay chiến đấu chống khủng bố theo kiểu cách của mình, nếu chính phủ này còn tồn tại một khóa nữa ở Tòa Bạch Ốc.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu do Zenit phổ biến ngày 16/2/2004.
 

18/2 Thứ Tư

ĐTC GPII nhận bằng Tiến Sĩ Danh Dự và nói về vai trò của Đại Học trong Thời Đại Toàn Cầu Hóa

Ngày 17/2/2004, Đại Học Balan Opole, trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, 20 vị đại diện của đại học này đã đến Rôma để trao tặng bằng Tiến Sĩ Danh Dự cho ĐTC GPII vì Ngài đã đóng vai trò trong thập niên trước đây để làm cho thần học được nhìn nhận ở các đại học đường quốc gia nơi xứ sở Balan của Ngài.

Viện trưởng đại học này là Jozef Musielok nhắc lại là 10 năm trước đây ĐTC đã góp phần thực hiện đạt thành việc hội nhập giữa Viện Thần Học Mục Vụ của giáo phận Opole với Trường Cao Đẳng Sư Phạm. Phân Khoa Thần Học của đại học đường này hiện hữu phát xuất từ cuộc sát nhập này. Đó là trường đại học đầu tiên theo kiểu này ở một đại học quốc gia từ khi chế độ cộng sản đóng cửa các trường thần học ở Krakow và Warsaw nửa thế kỷ trước đây.

Sau đây là những ý tưởng chính tiêu biểu của ĐTC về vai trò của đại học đường trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

“Tôi tạ ơn Thiên Chúa về sự kiện là Viện Đại Học này hợp tác với Giáo Hội trong công cuộc hội nhập xã hội ở Opole… Khi nói về vấn đề hội nhập xã hội chúng ta không có ý nói theo ý nghĩa hủy bỏ đi những gì khác nhau, theo chiều hướng thống nhất cách thức suy tưởng, theo đường lối lãnh quên lịch sử thường được đánh dấu bằng những biến cố gây ra chia rẽ, trái lại, chúng ta có ý nói đến việc tiếp tục tìm kiếm các thứ giá trị phổ quát nơi con người, thành phần có nguồn gốc khác nhau, có một lịch sử khác nhau bởi thế có những quan niệm riêng của họ về thế giới cũng như có những liên hệ với các xã hội họ đang sống.

“Đại học đường, trong việc tạo nên những khả năng để phát triển những khoa học về nhân bản, có thể góp phần vào cuộc thanh tẩy ký ức, một cuộc thanh tẩy sẽ không quên được những lỗi lầm nhưng là một cuộc thanh tẩy chấp nhận tha thứ và xin thứ tha”.

Nhờ đó, “trí khôn và lòng muốn mới có thể mở ra trước sự thật, sự thiện và sự mỹ, những giá trị tạo nên một đại kho tàng chung, những giá trị cần phải được vun trồng và phát triển một cách hòa hợp.

“Các khoa học cũng có thể hữu dụng trong công cuộc hiệp nhất này. Nhờ sự kiện không dính dáng gì tới những chiều hướng tiết lý thiên về ý hệ, chúng mới có thể hiện thực công việc này một cách trực tiếp hơn.

“Hôm nay, chúng ta nói về các nguồn gốc Kitô giáo của Âu Châu. Nếu các vương cung thánh đường, các công trình nghệ thuật, âm nhạc và văn chương là những dấu hiệu của các (căn gốc Kitô giáo), ở chỗ chúng phát ngôn một cách âm thầm, thì trái lại, các đại học đường là những nơi có thể nói lớn tiếng. Chúng có thể nói bằng ngôn ngữ đương thời ai cũng hiểu được.

“Phải, tiếng nói này có thể không được tất cả mọi người đón nhận, thành phần cứ bị điếc lác bởi ý hệ trần tục của châu lục chúng ta đây. Thế nhưng điều này vẫn không châm chước cho con người khoa học, thành phần trung thành với sự thật lịch sử, khỏi vấn đề làm chứng bằng việc học hỏi vững chắc những bí mật của khoa học và của sự khôn ngoan là những gì đã được phát triển ở mảnh đất phì nhiêu Kitô giáo”.
 

Những Phẩm Tính cần có để gặp gỡ Thiên Chúa

(Bài Giáo Lý 98 của ÐTCGPII Thứ Tư 4/2/2004 - Thánh Vịnh 14 [15] – Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất)


1.     Thánh Vịnh 14[15] được cống hiến cho chúng ta suy niệm đây thường được các vị học giả Thánh Kinh liệt kê như là một thứ “phụng vụ dẫn nhập”. Như vẫn thấy nơi một số bài Thánh Vịnh khác của sách Thánh Vịnh (chẳng hạn Thánh Vịnh 23, 25 và 94), người ta nghĩ về một thứ kiệu rước của tín hữu tập trung ở cửa đền thờ Sion để tiến vào cử hành việc tôn thờ. Những điều kiện bất khả châm chước để được tham dự vào việc cử hành phụng vụ, nhờ đó, tham dự vào mối thân mật thần linh, đã được phác họa nơi một thứ trao đổi giữa tín hữu và các thày Lêvi.

Một bên nêu lên vấn nạn là: “Lạy Chúa, ai sẽ là người được ở trong lều tạm của Ngài? Ai sẽ là người được ở trên núi thánh của Ngài? (câu 1). Một bên nêu lên một loạt những phẩm tính cần có để bước qua ngưỡng cửa tiến vào “lều tạm” ấy, tức tiến vào đền thờ trên “núi thánh” Sion. Có 11 phẩm tính được kể ra làm nên một tổng hợp lý tưởng liên quan đến những thực hành về luân lý được chất chứa trong lề luật thánh kinh (câu 2-5).

2.     Có những thời các điều kiện cần phải có để tiến vào linh phòng này đã được khắc trên cửa của các đền đài ở Ai Cập và Babylon. Tuy nhiên, người ta nhận thấy một sự khác biệt rất nhiều so sánh với những gì đã được đề cập đến ở bài Thánh Vịnh của chúng ta đây. Nơi nhiều nền văn hóa đạo giáo thì những gì được đòi hỏi cần phải có trước Thần Linh nhất đó là việc thanh tẩy theo nghi thức bề ngoài được thể hiện qua những việc tẩy rửa, những cử điệu và cách trang sức đặc biệt.

Thánh Vịnh 14[15], ngược lại, kêu gọi việc thanh tẩy lương tâm, nhờ đó, những tác động chọn lựa của nó được tác động bởi tình yêu công lý và tha nhân. Bởi thế, qua những câu thánh vịnh này, người ta cảm thấy âm vang tinh thần của những vị tiên tri hằng kêu gọi chúng ta hãy liên kết đức tin với đời sống, nguyện cầu với hoạt động bề ngoài, thờ phượng với công bằng xã hội (x Is 1:10-20, 33:14-16; Hos 6:6; Mic 6:6-8; Jer 6:20).

Chẳng hạn, chúng ta hãy nghe thấy lời trách móc nghiêm khắc của tiên tri Amos, vị đã nhân danh Thiên Chúa bác bỏ một thứ tôn thờ không dính dáng gì đến đời sống thường nhật như sau: “Ta ghét, Ta bác bỏ các thứ lễ lậy của các ngươi, Ta chẳng có hài lòng gì nơi những thứ cử hành long trọng của các ngươi hết;/ Ta không chấp nhận các thứ của lễ tiến dâng hoa mầu ngũ cốc của các ngươi, cũng chẳng màng đến các thứ lễ cầu an béo bở chiên bò của các ngươi… Bởi thế, hãy làm cho công lý như nước cuộn lên, và sự thiện hảo như khe suối chảy” (5:21-22,24).

3.     Giờ đây chúng ta tiến đến 11 việc thực hành được tác giả Thánh Vịnh liệt kê, những thực hành làm căn bản cho việc xét lương tâm mỗi khi chúng ta sửa soạn xưng thú lỗi lầm của mình để được hiệp thông với Chúa trong việc cử hành phụng vụ.
Ba việc thực hành đầu tiên liên quan đến một lãnh vực tổng quát và nói lên việc chọn lựa về phương diện đạo lý, đó là thực hành đường lối đoan chính về luân lý, đường lối áp dụng công lý, và sau cùng là đường lối hết sức chân thực nơi ngôn từ (câu 2).

Ba việc thực hành kế tiếp chúng ta có thể diễn tả như có liên hệ với tha nhân của chúng ta, đó là không nói những lời vu cáo, tránh tất cả mọi hành động hại tới anh em mình, không xỉ nhục kẻ khác hằng ngày sống với mình (câu 3). Từ đó mới có vấn đề là cần phải giữ mình ở một tư thế dứt khoát trong xã hội, đó là tỏ ra bất chấp thành phần gian ác và tôn kính những ai kính sợ Thiên Chúa.

Sau cùng là ba điều tâm niệm được liệt kê để con người xét lương tâm mình, đó là trung thành với lời lẽ của mình, với những lời thề thốt, cho dù ở vào trường hợp phải chịu những hậu quả tai hại đến bản thân; không cho vay nặng lãi, một thứ dịch tễ xẩy ra cả ở thời đại chúng ta đây là một thực tế vô phúc đã bóp cổ đời sống của nhiều người; và sau hết là tránh hết mọi thứ bại hoại trong đời sống dân chúng, một việc thực hành nữa cũng cần phải được mạnh mẽ áp dụng ở thời đại của chúng ta đây (câu 5).

4.     Việc theo đuổi đường lối quyết định chân thực về luân lý này là để sửa soạn cho việc hội ngộ thần linh. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu cũng nêu lên “cửa ngõ phụng vụ” thiết yếu của Người: “Bởi thế, khi các con mang của lễ đến bàn thờ, và ở đó nhớ lại rằng anh em của các con có điều gì phạm đến các con, thì các con hãy bỏ của lễ của các con tại bàn thờ, mà trước hết hãy về làm hòa với anh em mình, đoạn hãy tới mà dâng lễ vật của các con” (Mt 5:23-24).

Ai tác hành theo đường lối được vị tác giả Thánh Vịnh đề cập tới, thì như bài thánh vịnh nguyện cầu của chúng ta kết thúc, “sẽ không bao giờ bị lay chuyển” (câu 5). Trong văn liệu "Tractatus super Psalmos," Thánh Hilary ở Poitiers, một vị Giáo Phụ và Tiến Sĩ Giáo Hội ở thế kỷ thứ tư, đã dẫn giải đoạn kết bài thánh vịnh này bằng việc liên kết nó với hình ảnh đầu tiên về lều tạm của đền thờ Sion như sau: “Tác hành theo những điều tâm niệm này là người ta được ở trong lều tạm ấy, là người ta được an nghỉ trên ngọn đối kia. Thế nên, cần phải duy trì việc chú trọng tới những điều tâm niệm ấy cũng như đến việc thực hành các giới răn. Bài Thánh Vịnh này cần phải được đâm rễ vào nội tâm, cần phải được viết trong tâm khảm, cần phải được ghi vào ký ức; ngày đêm chúng ta cần phải nhắc nhở tới kho tàng ngắn gọn dồi dào của nó. Nhờ đó, nhờ chiếm được cái dồi dào phong phú này trong cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu cũng như nhờ ở trong Giáo Hội, mà chúng ta cuối cùng mới được an nghỉ trong vinh quang của thân xác Chúa Kitô” (PL 9, 308).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 14[15] hôm nay tuyên bố rằng muốn được gần gữi Thiên Chúa chúng ta cần phải có một lương tâm trong sáng, dấn thân cho việc mến chuộng công lý và tha nhân. Để đạt được điều ấy, chún ta cần lắng nghe thần linh của các vị Tiên Tri vang vọng qua cả bài Thánh Vịnh này, nhắc nhở chúng ta rằng không có vấn đề tách biệt đức tin khỏi đời sống hằng ngày, nguyện cầu khỏi hoạt động, hay tôn thờ khỏi công bình xã hội.

Tính chất luân lý xác thực có liên quan đến tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, những mối liên hệ của chúng ta với giá đình và bạn bè, cũng như với những ai chúng ta gặp gỡ hay hoạt động. Chính khi trở thành một con người liêm chính là chúng ta làm hài lòng Chúa, là sẵn sàng gặp gỡ Ngài trong nguyện cầu và trong việc cử hành phụng vụ.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 4/2/2004.
 

Nỗ lực giải quyết vấn đề truy lùng vũ khí đại công phá ở Iraq

Sau biến cố từ chức mới xẩy ra của vị lãnh đạo ban thanh truy lùng vũ khí của Hoa Kỳ cũng như trước áp lực chính trị trong mùa tranh cử tổng thống được bắt đầu diễn tiến, hôm Thứ Hai 2/2/2004, qua lời tuyên bố với báo chí tại một cuộc họp Nội Các của mình, Tổng Thống Bush tuyên bố rằng ông muốn xem xét lại vấn đề tình báo tiền chiến và sẽ chỉ định một ủy ban chính thức bao gồm cả hai đảng dân chủ và cộng hòa để tái xét hồ sơ tình báo của Hoa Kỳ về vấn đề vũ khí đại công phá ở Iraq. Vị tổng thống này cũng cho biết là ông muốn nói chuyện với ông David Kay, vị nguyên lãnh đạo phái đoàn thanh tra vũ khí của Hoa Kỳ, trước khi ông tiến tới chỗ thành lập ủy ban độc lập này.

Hai nhân vật này, theo phát ngôn viên Scott McClellan, quả thực đã ăn trưa với nhau tại Tòa Bạch Ốc và cuộc gặp gỡ có tính cách “xây dựng”. Tổng Thống Bush đã tuyên bố quyết định thành lập ủy ban độc lập này sau khi một phóng viên đặt vấn đề là những người Hoa Kỳ “cần có một lời giải thích về vấn đề thất bại của tình báo trước cuộc bầu cử”. Ông đã trả lời quan tâm này như sau: “Trước hết tôi muốn biết tất cả sự thật… Chúng ta biết rằng hắn (Saddam) là một mối nguy hiểm… Hắn đã sát hại cả bao nhiêu ngàn người, đã bỏ tù dân chúng. Cái chúng ta chưa biết được đó là những gì chúng ta đã tưởng và những gì Nhóm Truy Tìm Iraq đã thấy”.

Sau đó, vào ngày Thứ Hai 5/2/2004, đương kim giám đốc cơ quan tình báo liên bang Hoa Kỳ CIA là ông George Tenet đã lên tiếng bênh vực cho việc thẩm lượng tình báo Hoa Kỳ về vấn đề vu õ khí đại công phá ở Iraq thời tiền chiến Iraq, khi ông tuyên bố ở Đại Học Georgetown rằng cơ quan CIA này “sẽ không bao giờ hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai” khi nắm được những dữ kiện. Ông đồng thời cũng phủ nhận cơ quan này bị apùp lực chính trị chi phối đến việc thẩm lượng về vấn đề vũ khí cấm ở Iraq: “Chúng tôi bao giờ cũng vậy, thấy sao nói vậy”. Bài nói chuyện này của vị giám đốc CIA đã là cơ hội để cơ quan này đáp lại những gì ông Kay đã nói với Thượng Viện tuần trước về vấn đề tình báo mập mờ hơn là lỗi lầm của chính phủ Bush.

Thứ Sáu 6/2/2004, Tổng Thống Bush đã thực sự bổ nhiệm một ủy ban lưỡng đảng “để tìm hiểu tại sao” vấn đề tình báo của Hoa Kỳ thất bại về các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq. Trong một buổi họp báo ngắn ở Tòa Bạch Ốc để bổ nhiệm ủy ban này, tổng thống đã nói: “Chúng tôi cũng quyết định để làm sao nắm vững được là vấn đề tình báo Hoa Kỳ chính xác bao nhiêu có thể để đương đầu với mọi thách đố trong tương lai”. Mục đích của ủy ban này, như tổng thống nói: “để xem xét tình báo về các thứ khí giới đại công phá” cùng vơiùi những thứ de dọa khác rồi nêu lên những khuyến cáo. Bản tường trình của ủy ban này sẽ được hoàn tất vào hạn cuối là ngày 31/3/2005, tức sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2004.

Ủy ban này được lãnh đạo bởi một dân chủ và cộng hòa, đó là nguyên thượng nghị sĩ và thống đốc Chuck Robb ở Virginia, và thẩm phán nguyên Tòa Điều Trần Hoa Kỳ Laurance Silberman, môt vị bảo thủ đã từng phục vụ cho chính phủ Nixon và Ford. Những phần tử khác trong ủy ban này gồm có Lloyd Cutler, cố vấn ở Tòa Bạch Ốc cho Tổng Thống Carter và Clinton; Thượng Nghị Sĩ John McCain, R-Arizona; nguyên thẩm phán tòa điều trần Pat Wald, thuộc đảng Dân Chủ; Rick Levin, viện trưởng Yale University, Bush's alma mater; và Ret. Adm. Bill Studeman, nguyên phó giám đốc CIA.

Trước đó, vào sáng cùng ngày này, tổng thống đã gặp ông Charles Duelfer, tân lãnh đạo Nhóm Truy Tìm Iraq, mà nói rằng ủy ban này “hoàn toàn có thể” xem xét tất cả những gì nhóm này đang có trong tay. Mới ngày hôm trước, tổng thống, đã mạnh mẽ bênh vực quyết tâm của chính phủ Hoa Kỳ tấn công Iraq là vì dù không thấy những thứ vũ khí đại công phá ở Iraq nhưng nhà lãnh đạo Saddam vẫn là một mối đe dọa cho thế giới, qua hành động ông ta đã sử dụng các thứ vũ khí cấm đối với dân chúng của ông ta trong quá khứ và ông ta cũng cho thấy hào hứng rất lâu trong vấn đề chế tạo vũ khí đại công phá.

Trong khi đó, ở Hiệp Vương Quốc, vào hôm Thứ Ba 3/2/2004, Thủ Tướng Tony Balair, không biết có phải vì thấy Tổng Thống Bush hôm Thứ Hai 2/2/2004 đã nghiêng về quyết định thành lập ủy ban lưỡng đảng kiểm soát lại vấn đề tình báo Mỹ tiền chiến Iraq hay chăng, cũng quyết định làm tương tự như thế. Trước Tiểu Ban Liên Lạc Quốc Hội năm nay, vị thủ tướng này, đã tỏ ra thay đổi chiều hướng hầu như vốn cố chấp của mình trước đó, khi nói ông nghĩ có “những vấn đề liên quan đến tình báo, liên quan đến việc chính phủ thu thập, thẩm lượng và sử dụng tình báo chúng ta cần phải xem xét… Đúng thế, chúng tôi cần phải xem xét vấn đề tình báo chúng ta đã nhận được và xem coi nó có chính xác hay chăng. Tôi chỉ có ý muốn nói rằng bất cứ tìm ra được những gì thì tôi cũng không chấp nhận sai lầm trong việc lật đổ Saddam Hussein và thế giới này không phải là một nơi tốt đẹp hay an toàn hơn”.

Những chi tiết về việc thiết lập việc tìm hiểu tình báo này sau đó trong cùng ngày đã được ngoại trưởng Jack Straw loan báo ở Quốc Hội. Theo vị ngoại trưởng ấy thì ngươiụi lãnh đạo tiểu ban này là nguyên Bí Thư Nội Các Lord Butler ở Brockwell, và tiểu ban này sẽ tường trình cho quốc hội vào trước kỳ nghỉ hè năm nay.

Hôm Thứ Tư, 4/2/2004, trong khi ở bên trong Thủ Tướng Tony Balair đang nói chuyện với quốc hội về bản tường trình của Hutton liên quan đến cái chết của chuyên viên vũ khí David Kelly, một bản tường trình có lợi cho chính phủ đang bị nghi ngờ về chuyện lem nhem tình báo, thì bên ngoài xẩy ra một cuộc xuống đường biểu tình chống chính phủ Tony Balir. Đám biểu tình hô hoán những lời lẽ như “Đồ Sát Nhân” (cố ý nói về vị đương kim thủ tướng chính phủ), “Đồ tẩy não” (liên quan đến bản tường trình Hutton), “Đừng có mà gây chiến tranh bất hợp pháp nữa” (liên quan đến chính phủ đương thời) v.v. Một phát ngôn viên của đám biểu tình này cho biết: “Vấn đề đã được cả bao nhiêu triệu người chú ý tới, thành phần nghĩ rằng chính phủ này dối trá, tất cả mọi người đều hết sức bất mãn với cuộc chiến tranh sát hại cả 10 ngàn người dân Iraq”.

Ở Luân Đôn Anh Quốc, hôm Thứ Tư 4/2/2004, có một số nhân viên tình báo của Hiệp Vương Quốc tin rằng khả năng vũ khí đại công phá của Iraq đã bị phóng đại nơi hồ sơ của chính phủ được sử dụng để biện minh cho cuộc chiến tranh tấn công Iraq, nhưng mối quan tâm của những nhân viên này đã bị coi thường. Thật vậy, Tiến Sĩ Brian Jones, một nhân viên về hưu nguyên lãnh đạo một nhóm chuyên viên về các thứ vũ khí hóa chất và sinh trùng, một nhóm thuộc về thành phần của cơ quan tình báo phòng thủ vụ của Hiệp Vương Quốc, đã viết trong trong tờ nhật báo Independent thế này: “Theo tôi nghĩ thì các nhà phân tích tình báo chuyên môn thuộc Nhân Viên Tình Báo Phòng Thủ DIS (Defence Intelligence Staff) đã bị loại trừ trong việc sửa soạn hồ sơ hồi Tháng 9/2002, kết quả đã đi đến một bản tường trình sai lệch về các thứ năng lực của Iraq”.

Tác giả bài viết càng gây sôi nổi cho vấn đề đang nóng bỏng này nhấn mạnh đến những quan tâm của ông về việc thêm thắt vào bản hồ sơ năm 2002 chi tiết là Saddam có thể bắn các thứ vũ khí cấm trong vòng 45 phút. Ông còn cho biết là các chuyên viên thuộc DIS cảm thấy là bản hồ sơ này cần phải viết rằng Iraq có thể có một năng lực hóa chất hay sinh trùng ở một mức độ nào đó thôi chứ không được sử dụng những lời lẽ mạnh mẽ hơn thế. Ông viết trong cùng tờ nhật báo là: “Mặc dù điều này đã được vạch ra trong những lời nhận định ở một số banũn thảo, song những lời lẽ mạnh mẽ hơn đã thực sự từ từ xuất hiện ở bản tóm lược hành sự”.

Tuần trước, thẩm phán Lord Hutton sau thời gian điều tra về cái chết tự tử của chuyên gia vũ khí Kelly đã tuyên bố là vấn đề đài truyền hình BBC cho rằng chính phủ “sexed up” cái nguy hiểm Iraq có thể gây ra là vô bằng.

Thế nhưng, trên cùng đài truyền hình này, trong chương trình “Điểm Tâm với cóc nhái” vào Chúa Nhật 8/2/2004, ông lãnh đạo ban thanh tra vũ khí của LHQ ở Iraq trước khi chiến tranh xẩy ra là Hans Blix đã cho biết nhận định của mình là chính phủ của Thủ Tướng Tony Blair đã làm cho một số chứng cớ tiền chiến về các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq “trở thành thê thảm”. Chẳng hạn như chi tiết về việc Iraq có thể khai hỏa các thứ vũ khí đại công phá trong vòng 45 phút.

 

17/2 Thứ Ba

ĐTC GPII với các vị Giám Mục Pháp về Nỗ Lực Mới để Truyền Bá Phúc Âm Hóa Giới Trẻ

Tối Thứ Sáu 13/2/2004, ĐTC GPII đã gặp gỡ các vị giám mục Pháp vào lúc kết thúc cuộc viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên định kỳ của các vị thuộc các giáo tỉnh Bordeaux và Poitiers. Ngài đã chia sẻ mục vụ với các vị đặc biệt về vấn đề truyền bá phúc âm hóa giới trẻ liên quan đến môi trường gia đình của chúng.

“Hôm nay Tôi xin kêu gọi hãy sáng tạo ra những hoạch định mới cho giới trẻ nhắm tới mục tiêu cống hiến cho chúng những nơi chốn, phương tiện và nâng đỡ đặc biệt giúp chúng có thể phát triển về nhân bản và thiêng liêng, ở cấp giáo phận và giáo xứ; nơi việc làm tuyên úy, nơi những phong trào cũng như nơi các việc phục vụ.

“Sứ vụ của các cộng đồng Kitô hữu là dẫn dắt giới trẻ đến với Chúa Kitô và làm cho chúng đi sâu vào mối thân tình với Người, để nhờ đó chúng có thể sống cuộc sống của mình và xây dựng một xã hội huynh đệ hơn bao giờ hết. Khía cạnh xã hội không được làm cho người ta quên đi mục tiêu chính của vấn đề chăm sóc mục vụ là dẫn dắt giới trẻ đến với Chúa Kitô”.

“Làm sao người ta lại không nghĩ đến các trẻ em và giới trẻ đang chịu đựng khủng khiếp vì tình trạng phân tán tế bào gia đình, hay đến những em đang trải qua những tình trạng bấp bênh khiến chúng coi mình như bị loại trừ khỏi xã hội?”

ĐTC nhấn mạnh đến tình trạng biến hóa của “những tâm thức bất ổn”, bao gồm “tính cách chủ quan quá trớn, tính cách tự do thái quá đối với những thói lệ khiến giới trẻ nghĩ rằng tất cả mọi hành vi cử chỉ có thể làm được đều là những gì tốt lành, một thứ suy giảm trầm trọng về cảm quan luân lý”, thậm chí đến chỗ “khiến cho chúng nghĩ rằng các thứ mục đích tốt xấu không còn hiện hữu nữa…”. Có những lúc giới trẻ “yên trí là vấn đề trưởng thành thật sớm là ở những gì chúng quen thuộc và ở những hành vi cử chỉ của chúng chứ không cần phải trải qua một thời gian chín mùi về thể lý, tâm trí, tình cảm và luân lý.

“Là các vị mục tử, quí huynh cần phải lưu ý đến những thực tại này, bằng việc nhận thức thấy được lòng quảng đại của giới trẻ là thành phần sẵn sàng để hoạt động cho những lý tưởng chân chính và là thành phần hăm hở tìm kiếm hạnh phúc”.

Ngài nói giáo dục là chìa khóa để huấn luyện giới trẻ ở gia đình, học đường và giáo xứ. Pháp quốc có một lịch sử của những nhà đại giáo dục, bởi thế “Tôi kêu gọi quí huynh, cho dù có ít phương tiện, cũng đừng bỏ qua nỗ lực nơi lãnh vực giáo dục này”.
ĐTC còn nhận định về khuynh hướng của giới trẻ như sau: “giới trẻ thích sống trong những nhóm chúng được biết đến và yêu thương”, trước hết và trên hết là gia đình, rồi tới bạn bè, và kể cả cộng đồng giáo phận nữa vì theo Ngài “việc hiện diện của những người lớn không phải là họ hàng thân thuộc thường có ích lợi”. Ngài khuyến khích các học đường Công Giáo hãy trở thành những cộng đồng luôn truyền đạt các thứ giá trị Kitô giáo và Huấn Quyền của Giáo Hội cho giới trẻ.

“Thế giới văn hóa của chúng được đánh dấu bằng những kỹ thuật truyền thông mới thường là những gì tạo nên những khó khăn đối với những liên hệ giữa chúng và thế giới, giữa chúng với các thời điểm cũng như giữa chúng với những người khác, và là những gì hình thành hành vi cử chỉ của chúng. Những gì tạo nên một thứ văn hóa cấp thời và nông nổi không phải lúc nào cũng có lợi cho việc học hỏi đàng hoàng hay cho việc phát triển nội tâm hoặc cho nhận thức về luân lý.

“Tuy nhiên”, việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới cũng cống hiến những cơ hội lợi ích “không thể chối cãi” Giáo Hội có thể sử dụng để “chỉ dẫn, huấn luyện” giới trẻ cũng như để cho chúng “thấy được những dự án khác nhau của Giáo Hội”.

“Vấn đề mục vụ dẫn dắt giới trẻ cần những người đồng hành với chúng phải kiên trì, chú tâm và sáng tạo. Đừng bao giờ ngần ngại sử dụng các vị linh mục có phẩm chất tốt, được huấn luyện đàng hoàng, có một đời sống thiêng liêng và luân lý vững chắc, để nâng đỡ giới trẻ, để truyền đạt giáo huấn của Giáo Hội cho chúng, để chia sẻ với chúng những giây phút huynh đệ và vui chơi, hầu chúng sẽ trở thành những nhà thừa sai truyền giáo”.

Một cơ hội khác có thể truyền bá phúc âm hóa giới trẻ là việc sửa soạn cho chúng đi đến chỗ kết hôn: “Trong một xã hội có nhiều những kiểu cách khác nhau về những mối liên hệ thiếu tính cách nhân loại học hay phẩm chất… Giáo Hội muốn đề ra một đường lối thăng tiến cho các mối liên hệ yêu thương, bao gồm việc gắn bó nhau và cho thấy lý tưởng của đức thanh tịnh. Giáo Hội muốn lập lại là hôn nhân giữa một con người nam nữ cũng như đời sống gia đình đặc biệt được xây dựng trên những mối liên hệ vững chắc giữa các ngôi vị con người cũng như trên việc trọn vẹn dấn thân, chứ không phải trên một chiều hướng thuần cảm xúc là những gì không thể là căn bản duy nhất cho đời sống phối ngẫu.

“Chớ gì các vị mục tử và các cặp vợ chồng Kitô hữu đừng sợ giúp cho giới trẻ biết ý thức được những vấn đề tế nhị và thiết yếu này, qua việc dạy giáo lý và những buổi noiùi chuyện xứng hợp, làm cho ngời sáng tính cách sâu xa và đẹp đẽ nơi tình yêu con người”.
 

Giáo Hội lên tiếng trước Thành Quả Sao Bản Phôi Thai Bào để triệt sinh lấy tế bào thân trị liệu

Vào những ngày cuối cùng của năm 2002 và đầu năm 2003, thế giới thoạt tiên đã sửng sốt bàng hoàng trước lời công bố về con người đầu tiên được sinh ra theo phương pháp khoa học sao bản phi tính dục cloning. Bà giám đốc Brigitte Boisselier của hãng tạo sinh phi tính dục Clonaid và vị “giám mục” của giáo phái Raelian đã nói trong một cuộc họp báo ở Orlando, Florida rằng con người đầu tiên này là bé sơ sinh “Evà” đã được sinh ra vào ngày 26/12/2002 tại phòng mổ.

Thế rồi, trong khi cả thế giới đang bàng hoàng ngờ vực thì bà giám đốc Brigitte Boisselier của hãng tạo sinh phi tính dục Clonaid thuộc giáo phái Raelian lại tuyên bố một hài nhi nữa sẽ được xuất hiện cùng lắm vào Chúa Nhật 5/1/2003 tại một nơi ở Âu Châu không được cho biết tên. Ngoài ra, còn 3 cặp vợ chồng nữa sẽ có con theo kiểu này vào đầu tháng Hai 2003.

Hãng Clonaid của giáo phái Raelian cho biết có một danh sách 2 ngàn người muốn trả cho họ 200 ngàn Mỹ Kim để chính họ hay người thân của họ được tạo sinh kiểu vô tính dục, và họ đã công bố họ làm được điều này vào ngày 27/12/2002 vừa qua, với một bé gái cho người mẹ Hoa Kỳ 31 tuổi. Bà giám đốc của hãng Clonaid nói rằng tất cả các cha mẹ đều ký hợp đồng với hãng của bà là họ sẽ trình việc thử nghiệm chất di truyền DNA để chứng thực những lời công bố của hãng bà: “Quí vị cần phải hiểu rằng họ rất lo sợ về những gì đang xẩy ra hiện nay. Tôi nghĩ rằng chẳng mấy chốc họ sẽ làm việc này, nhưng chúng ta không thể nào biết được”.

Thế rồi, kết quả là, cuối cùng Claude Vorilgon, vị sáng lập giáo phái Raelian đã tỏ ra vui mừng về việc nhóm của ông đã tung tin kéo được sự chú ý của quần chúng gần đây và đã thú nhận là những công bố về việc tạo sinh sao bản phi tính dục này có thể là sai. Hôm Chúa Nhật 19/1/2003, tại Montreal Canada, vị này đã nói với 300 môn đồ của mình rằng: “Dù đúng hay sai thì giáo phái Raelian cũng đã được cả thế giới biết đến rồi”. Về bà giám đốc hãng Clonaid của giáo phái này, thì vị sáng lập này đã nói: “Nếu Brigitte Boisselier đã thực hiện việc tung tin này thì bà đã làm một điều tuyệt vời, đáng được giải thưởng Nobel. Nếu điều tung tin ấy không đúng thì nó cũng là một thứ diễu cợt về khoa học rất là hay ho, dầu sao nó cũng giúp cho chúng ta chuyên chở được sứ điệp của chúng ta muốn nói đến với toàn thể thế giới. Tôi xin đời đời cám ơn Brigitte về việc này, mà một khi tôi nói là đời đời thì tôi cố ý nói thật sự như vậy”.

Dù sao biến cố tung tịt vịt đánh lừa cả thế giới này cũng làm cho một số thẩm quyền đạo đời, nhất là Giáo Hội Công Giáo lên tiếng phản chống vấn đề tạo sinh sao bản vô luân phi nhân bản này. Hơn một năm sau, vấn đề tạo sinh sao bản lại bùng lên một lần nữa khi thế giới nghe thấy phát xuất từ Nam Hàn lời tuyên bố hôm Thứ Năm 12/2/2004 về việc họ thành công trong việc tạo sinh sao bản những phôi thai bào con người và lấy được những tế bào thân từ một trong những phôi thai bào này.

Giáo sư Hwang Yoon-Young thuộc Đại Học Hanyang tuyên bố: “Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã lấy được một cách thành công những tế bào thân từ một phôi thai bào con người được sao bản qua tiến trình phát triển trong một ống nghiệm”.

Nhóm nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của Bác Sĩ Hwang Woo Suk ở Đại Học Quốc Gia Seoul đã tường trình cho các khoa học gia Nam Hàn biết những thành quả của mình và những thành quả này cũng được phổ biến trên tờ Khoa Học Hoa Kỳ. Theo tờ Khoa Học này cho biết thì các khoa học gia Đại Hàn đã tạo nên một phôi thai bào kiểu sao bản với những noãn sào của các phụ nữ Đại Hàn. Các khoa học gia này cũng minh định một điều là kỹ thuật này không phải là để tạo nên những thai nhi mà là để tìm hiểu rõ hơn về những nguyên nhân và việc trị liệu của nhiều thứ bệnh tật, như tiểu đường, ung thư, những loại thương tổn xương sống và chứng lẩy bẩy Parkinson.

Theo Viện Sức Khỏe Quốc Gia của Hoa Kỳ thì các tế bào thân có thể được các khoa học gia làm phát triển thành nhiều tế bào khác của con người. Những tế bào thân này, vẫn biết có thể thấy được nơi người lớn nhưng những thứ thấy được nơi những phôi thai bào mới thành hình dễ thí nghiệm hơn để tạo ra các tế bào chuyên biệt trong việc chữa trị bệnh tật của con người.

Thành phần chống đối cho rằng việc sử dụng phôi thai bào, cho dù phôi thai bào này mới chỉ được mấy phút cũng là việc hủy hoại đi một sự sống con người. Giáo sư Hwang nhận định là “kết quả của việc chúng tôi nghiên cứu chứng tỏ vấn đề tạo sinh sao bản con người là điều khả dĩ theo khoa học, và dường như chúng tôi làm tái phát cuộc tranh luận về việc tạo sinh sao bản con người”. Tuy nhiên, riêng về phương diện khoa học, các khoa học gia cũng cảnh giác là cần phải nhiều năm nghiên cứu nữa trước khi khoa te bào thân trở thành những thứ trị liệu thực sự.

Tổng Thống Bush đã chống lại việc sử dụng phôi thai bào con người để nghiên cứu y khoa. Hai năm trước đây, chính phủ liên bang đã triệt để giới hạn việc sử dụng công quĩ vào những việc như thế. Năm ngoái Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cấm tạo sinh sao bản con người, nhưng Thượng Viện không chấp thuận liên quan đến vấn đề tạo sinh sao bản có mục đích nghiên cứu trị liệu khác với tạo sinh sao bản hoàn toàn thành một con người. Cả Liên Hiệp Quốc vào cuối năm vừa rồi cũng trì hoãn trong vòng hai năm việc quyết định về việc cấm tạo sinh sao bản.

Trước tin mới nhất về việc tạo sinh sao bản con người dù với mục đích trị liệu này, Giáo Hội Công Giáo vẫn cương quyết với lập trường chống đối của mình, một lập trường đã được bày tỏ vào ngày 27/10/2003 tại Liên Hiệp Quốc, một lập trường chống lại tất cả mọi hình thức tạo sinh sao bản triệt sinh. Hôm Thứ Sáu 13/2/2004, Đức Giám Mục Elio Sgrecis, phó chủ tịch Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống, đồng thời cũng là Giám Đốc Trung Tâm Đạo Lý Sinh Học ở Đại Học Thánh Tâm Rôma đã trả lời cuộc phỏng vấn với Hãng Thông Tấn Reuters điện thoại rằng:

“Qúi vị không thể sát hại sự sống con người với hy vọng tìm kiếm những thứ thuốc men để cứu các sự sống khác. Việc này sẽ là việc tái diễn những gì Đảng Nazis đã làm trong các trại tập trung. Các khoa học gia nói rằng: ‘đầu tiên thì chúng tôi tạo sinh sao bản các người. Rồi tôi sẽ giết các người’. Đây không phải là một thứ chiến thắng mà là việc giầy đạp sự sống con người gấp đôi. Điều này (việc nghiên cứu ở Nam Hàn) không phải là nhưnõng gì con người thắng cuộc mà là một tội ác gấp đôi. Không có chứng cớ nào cho thấy những tế bào thân được lấy từ phôi thai bào thì có công hiệu hơn trong việc chữa trị bệnh tật hơn là những tế bào thân được lấy từ người lớn. Một số khoa học gia đang làm cho dân chúng ôm toàn là những thứ hy vọng hão huyền trong khi họ thực hiện những tội ác bởi việc tạo nên một phôi thai bào để triệt hạ nó, một thứ trò chơi về kỹ thuật nhưng phi nhân”.

Đức Giám Mục này cũng nói trên Đài Phát Thanh Vatican rằng:

“Theo quan điểm đạo lý thì việc tạo sinh sao bản cho là ‘trị liệu’ này là việc bất hợp pháp lưỡng diện. Trước hết, tạo sinh sao bản là một phương pháp phản tự nhiên, và sau nữa, nó loại trừ một phôi thai bào được tạo sinh sao bản. Bởi thế việc tạo sinh phi tính dục một con người, tức việc sao bản con người theo ý muốn của chúng ta là điều quái dị; nó cành quái dị hơn nữa khi loại trừ một phôi thai bào để dùng nó làm phương pháp trị liệu. Đây là một bước tiến về trị liệu theo khoa học chưa được chứng thực. Không có chứng cớ nào cho thấy tất cả những thứ này đều là những gì thiện ích. Ngược lại, chứng cớ cho thấy những tế bào thân được lấy từ người lớn hay từ cái nhau trong bụng người mẹ đều có giá trị và đủ để chữa trị những chứng bệnh này. Việc cứ tiếp tục đi theo đường lối được gọi là tạo sinh sao bản trị liệu này, với những mục đích ‘tuyệt vời’, cho thấy ý nghĩ về một cuộc chiến tranh chính trị. Tức là cho thấy một ước mong muốn đạt đến quyền tự do làm gì thì làm theo ý con người đối với phôi thai bào theo quan điểm kỹ nghệ. Ước muốn kiểm soát toàn thể việc cấu tạo cá thể con người tự bản chất là những gì vô luân”.

Vì các khoa học gia khi thực hiện việc sao bản phi tính dục này đều nấp dưới bình phong trị liệu các chứng bệnh bất trị cho con người hơn là tạo sinh con người thật mà chủ trương của Giáo Hội cũng như của những ai chống lại phương pháp này đều bị tố cáo là thành phần phản văn minh hay phản minh tri “obscurantism”. Đó là lý do vị giám mục trên đã minh định thế này:

“Đó thực sự là một điều tố cáo sai lầm, vì, như tôi đã nói, còn có một ít phương cách để chữa trị những chứng bệnh này, thế nhưng những phương cách ấy không phát xuất từ những tế bào của các phôi thai bào. Cho tới nay các kỹ thuật đạt được những kết quả tốt đẹp đều như thế bằng việc sử dụng những tế bào thân chín mùi. Có những thứ lợi lộc của những kẻ, khi nới rộng loại thành công này, tìm cách tạo nên những thứ mong đợi nơi dân chúng để thức tỉnh niềm hy vọng vào một thứ thiện ích biết vậy. Khi làm như thế mà không nắm vững vấn đề là làm một việc lừa đảo”.

Tại Hoa Kỳ, ĐHY William Keeler, vị lãnh đạo Tiểu Ban Hoạt Động Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng lên tiếng bày tỏ mối quan tâm của mình khi ngài như sau:

"Việc sử dụng phương pháp này hay bất cứ phương tiện nào khác để tạo nên sự sống con người vô tội với mục đích duy nhất là hủy hoại chúng đi là một vi phạm trầm trọng đến đạo lý của việc nghiên cứu. Nếu các khoa học gia không tự động từ bỏ việc lạm dụng ấy về khoa học thì nỗ lực của quốc gia và quốc tế trong vấn đề cấm đoán việc tạo sinh sao bản con người là việc làm khẩn trương hơn bao giờ hết. Việc tạo sinh sao bản con người biến việc sản sinh thành một tiến trình chế tạo, coi sự sống con người như là môt thứ sản vật được tạo nên cho những mục đích ấn định. Cả mấy chục phôi thai bào con người được tạo nên và bị hủy hoại đi để sản xuất ra một loạt tế bào thân duy nhất cho việc nghiên cứu thêm. Vấn đề lại càng rắc rối hơn nữa là việc sử dụng những loại thuốc đậu thai khả dĩ tác hại nơi 16 phụ nữ để sản xuất ra 242 noãn sào cho việc thí nghiệm này. Những người phụ nữ ấy được dùng như là những hãng sản xuất trứng trong khi con cái phôi thai bào của họ được coi chẳng hơn gì những vật để làm thí nghiệm”.

Do Thái tẩy chay việc điều trần ở Công Pháp Viện Quốc Tế ở Netherlands về những bức tường rào cản chống khủng bố

Thứ Năm 12/2/2004, văn phòng Thủ Tướng Sharon cho biết họ sẽ tẩy chay việc ra điều trần với tòa án quốc tế này vào ngày 23/2/2004, vì lời than phiền của bên Palestine về bức tường rào cản này được Tổng Hội Đồng LHQ gửi đến cho tòa án này. Theo văn phòng thủ tướng Do Thái thì “tiểu ban các bộ do thủ tướng Ariel Sharon lãnh đạo quyết định là Do Thái đã công bố đầy đủ hôm 30/1 là tòa án này không đủ thẩm quyền xét xử vấn đề của bức rào cản khủng bố ấy là những gì thuộc về quyền lợi tự vệ căn bản của Do Thái”.

Bức tường rào cản khủng bố này được chính phủ Do Thái bắt đầu xây dựng từ năm 2002, tức khoảng hai năm sau cuộc tái bùng nổ bạo động giữa Do Thái và Palestine ở Tây Ngạn và Gaza. Ở một số nơi, hàng rào này được truyền điện bằng giây kẽm gai. Có nơi là một bức tường xi măng kiên cố. Nếu hoàn thành như dự tính ban đầu thì bức tường rào cản này dài 217 dặm (350 cây số), với chi phí lên tới 200 triệu Mỹ kim. Lộ trình của bức tường rào cản này kéo dài từ bắc xuống nam, phần nhiều ở bên trong Lằn Xanh (Green Line), tức ở biên giới trước năm 1967 giữa Do Thái và Tây Ngạn, một vùng biên giới là phần đất của Jordan thời Cuộc Chiến Sáu Ngày, và ăn sâu vào nhiều chỗ ở vùng Tây Ngạn. Ngoài ra, nó cũng cắt nhiều ruông đất và thôn làng của người Palestine, ở một số nơi đã khiến cho dân Palestine bắt buộc phải leo qua các những chỗ hổng để mua bán và thăm viếng gia đình.

Vào Tháng 10/2003, Tổng Hội Đồng LHQ yêu cầu Do Thái ngưnụng lại việc làm này và hủy bỏ những gì đã xây cất. Một tháng sau, Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan đã phổ biến một bản tường trình hết sức chỉ trích bức tường rào cản này, cho rằng Do Thái “không tuân hợp những gì LHQ yêu cầu. Vào Tháng 12 cùng năm, tổng hội đồng LHQ đã gửi bản giải pháp cho tòa án công pháp quốc tế. Hoa Kỳ mạnh mẽ chống lại bản giải pháp của tổng hội đồng LHQ, cho rằng bản giải pháp này phản lại với lộ trình hòa bình được LHQ, US, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Nga phác họa.


 

16/2 Thứ Hai

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giúp cho nữ giới hiểu biết về ơn gọi của họ

Bà Helen Avare, một phụ giáo sư ở Trường Luật Columbus của Đại Học Công Giáo đã chia sẻ với Zenit về những giáo huấn của ĐTC GPII đã làm cho ơn gọi của người phụ nữ có ý nghĩa nơi vai trò làm việc ở nhà hay ở sở của họ, nhất là giúp họ hiểu được vai trò ưu tiên chăm dưỡng cho con cái của họ. Bà giáo sư này dạy luật về gia đình, mới đây viết một chương cho cuốn “Những Đề Tài về Thần Học Nữ Giới cho Tân Ngàn Năm Thứ Ba”, do Villanova University Press xuất bản, và được Cha Dòng Augustinô Francis Eigo hiệu đính. Bà trước kia còn là nữ phát ngôn viên của văn phòng phò sự sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Vấn     Bà có thấy chiều hướng xã hội về thành phần nữ giới có đầy khả năng lại bỏ nghề nghiệp của mình để ở nhà với con cái hay chăng?

Đáp     Tôi không dám nói rằng tôi đã thấy một chiều hướng như thế, mặc dù ở Washington DC, nơi tôi sinh sống, tôi có thể bảo đảm chỉ cho thấy những trường hợp có vẻ huyền thoại về những trường hợp nữ giới xuất sắc về học thức, thậm chí đầy kinh nghiệm nghề nghiệp, hoàn toàn bỏ không đi làm hay bỏ công việc hoặc địa vị danh giá để giành giờ sống với con cái của họ. Thật vậy, tôi thấy có nhiều điều chọn lựa về việc bỏ công việc hay địa vị này nơi nữ giới mà ít thấy ngoài một số ít nơi nam giới.

Tôi cũng thấy có nhiều phụ nữ biết khôn khéo sắp xếp giờ giấc làm việc với chủ của mình, hay tìm việc làm ở nhà để có thể đáp ứng những nhu cầu về tài chính của gia đình. Làm việc linh động, làm việc bán thời, làm việc ở nhà và làm việc chia phần chỉ là một số trong những cách thức sắp xếp việc làm mà tôi thấy giới phụ nữ đang thực hiện.

Phụ nữ thực sự cũng cảm thấy nặng mình khi phải yêu cầu chủ nhân của họ theo đường lối sắp xếp công việc để làm sao hợp với các bà mẹ chú trọng đến việc coi sóc cho con cái.

Vấn     Đức tin đóng vai trò ra sao trong việc nữ giới quyết định ở nhà với con cái? Bà có nghĩ là giáo huấn của ĐTC Gioan Phaolô II đã ảnh hưởng tới những việc chọn lựa này của giới nữ hay chăng?

Đáp     Đức tin có thể đóng vai trò đáng kể nơi việc quyết định của một số nữ giới. Trong cả môi trường trần thế lẫn tôn giáo ngày nay, ý niệm làm mẹ như là một ơn gọi quan trọng cho phúc hạnh của con cái cũng như của xã hội vốn đã từng được nhấn mạnh rất nhiều.

Ngoài ra, Đức Gioan Phaolô II đã thực sự chú trọng tới rất nhiều về những vấn đề liên quan tới căn tính và vai trò của nữ giới trong thế giới tân tiến này. Ngài đã góp phần vào việc làm sống lại nơi nữ giới một cảm quan hãnh diện về vai trò quan trọng đối với vấn đề nuôi dưỡng con cái. Ngài đã cho việc đóng góp của họ là những gì “bất khả thay thế” và liệt kê những gì được Ngài gọi là “ưu tiên” của họ trong “lãnh vực yêu thương”.

Đi đây đó rất nhiều ở Hoa Kỳ, gặp gỡ cũng như nói chuyện với hằng ngàn ngàn người Công Giáo, tôi nghĩ rằng tôi có một nhận định ở một mức độ chính xác nào đó, ở chỗ có rất nhiều phụ nữ trong những năm chăm sóc cho con cái, hay thậm chí ở cả những năm còn trẻ trung, đã hoàn toàn đồng ý với những gì được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết về ơn gọi của nữ giới là làm mẹ.

Tôi tin rằng Ngài đã đóng một vai trò quan trọng nơi quyết định của một số nữ giới về việc họ cần phải hết sức nhiệt thành với vai trò làm mẹ của họ.

Đồng thời các vị đại diện của Tòa Thánh ở các Hội Nghị của Liên Hiệp Quốc khác nhau đã trình bày những gì nữ giới cần làm, khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng việc giáo dục của nữ giới, một phương cách tạo nên những cơ hội hoạt động cũng như những vai trò có tầm ảnh hưởng tới chính sách của quốc gia, của công chúng.

Như thế, cho dù nữ giới có bỏ việc đi làm hay chăng, nếu họ nghe theo giáo huấn của ĐGH Gioan Phaolô II, họ sẽ hiểu hơn nữa ơn gọi trọn vẹn của họ, ơn gọi làm nữ giới và làm mẹ, trong gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội. Họ còn có thể hiểu rõ hơn nữa việc chăm sóc con cái là việc ưu tiên của họ.

Vấn     Những yếu tố thực tế chính yếu nào đã đòi buộc nữ giới phải đi vào con đường quyết định trở thành một người làm mẹ ở nhà?

Đáp     Đây quả thực là một vấn đề tế nhị, vì có rất nhiều lý do riêng đối với một quyết chọn làm như thế. Có một số lý do tôi thấy được, đó là vấn đề tin rằng một người mẹ tốt không thể nào bị chi phối bởi những đòi hỏi bỏ nhà đi làm; đó là ước mong được có một gia đình đông đảo; đó là kinh nghiệm hay niềm tin cho rằng việc bỏ nhà đi làm không mãn nguyện bằng việc ở nhà làm mẹ; và đó là việc thiếu tính cách gắn bó thực sự giữa nghề nghiệp với bất cứ một thứ công việc riêng tư nào.

Có một yếu tố tôi thường nêu lên, mặc dù, một lần nữa, có vẻ huyền thoại, đó là tình trạng bất thành hay tâm trạng cảm thấy bất ổn đối với vấn đề xác đáng của việc sắp xếp và khó khăn cần phải có để làm sao có thể phối hợp tốt đẹp giữa các thứ nhu cầu cũng như những sinh hoạt của con cái với những nhu cầu và đòi hỏi của một công ăn việc làm.

Đặc biệt là ở một trung tâm đô hội như Washington đây, thì khoảng cách giữa sở làm, học đường và nhà ở, cùng với cái khổ sở của việc di chuyển hằng ngày lâu lắc trên những xa lộ đông xe, thực sự cũng góp phần vào vấn đề này nữa.

Có thể kể đến một lý do thông thường nữa là tình trạng bất lực trong việc tìm được một việc làm với số lương có thể bù đắp được số tiền đắt đỏ gửi con cái, vấn đề di chuyển v.v. Và tình trạng sau cùng tôi nhận thấy ảnh hưởng đến vấn đề nữ giới ở nhà đó là vấn đề người chồng có khả năng kiếm đủ lợi tức để người vợ có thể bỏ việc đi làm kiếm tiền.

Tôi nghĩ có hai “yếu tố về hoàn cảnh” nữa cũng chi phối đến những quyết chọn của nữ giới về việc đi làm. Yếu tố thứ nhất đó là việc những người làm chủ vẫn tiếp tục sắp xếp các công việc cho thành phần “nhân viên lý tưởng” mà thôi, tức cho mẫu người không phải mang trách nhiệm coi sóc con cái. Trong một thế giới kinh tế rất gay go và toàn cầu này thì nhu cầu cần phải làm sao cho có hiệu năng và lượng chất thường lất át những nhu cầu của gia đình cần nhiều giờ với con cái.

Yếu tố thứ hai, tôi thường nghĩ bụng nếu chiều hướng liên quan cả đến những đứa con rất nhỏ trong việc sắp xếp dạy dỗ và sinh hoạt của chúng cũng vẫn không thể nào thuyết phục được một số bà mẹ nghĩ rằng họ chắc chắn có nhiều giờ hơn những gì thực sự cần thiết trong việc họ chuyên chở con cái của họ đi từ nơi này đến nơi kia.

Vấn     Bà nghĩ sao về hiện tượng sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh làm mẹ và công ăn việc làm như thế?

Đáp     Xét về phương diện đây là một hiện tượng, thì trong một xã hội Hoa Kỳ đa số các bà mẹ cũng bỏ nhà đi làm, tôi nghĩ nó thực sự là một cái gì giống nhau nơi cả quyết định một nhà bỏ không đi ra ngoài làm việc, hai là chấp nhận những địa vị có tầm ảnh hưởng thấp kém để có giờ ở với con cái hơn.

Hình ảnh làm mẹ và làm việc sẽ bị ảnh hưởng bởi những khuynh hướng này ra sao thì dường như lệ thuộc vào cách chúng được cắt nghĩa.

Phải chăng chúng là, chẳng hạn, hoa trái của một thứ phân tích về luân lý, của một thứ đáp ứng cho những như cầu con cái không thỏa nguyện? Phải chăng chúng là một hiện tượng về kinh tế, thành quả của một thứ công việc khó khăn và của thị trường lợi tức, hay của các ân huệ bất cân đối giành cho thành phần may mắn? Phải chăng chúng là những phản ứng ngược lại với kinh nghiệm của những người đàn ông “loại chuột đua” đã từng chạy quá lâu?

Một yếu tố khác nữa có thể ảnh hưởng tới hình ảnh về lâu về dài của vai trò làm mẹ và làm việc. Nếu tình trạng thực sự diễn tiến cho tới độ nữ giới bắt đầu càng ngày càng biến mất khỏi lực lượng làm việc, bao gồm cả việc biến mất khỏi những vị thế có tầm ảnh hưởng quan trọng đến chính sách chung cũng như đến tương lai của chính quyền, của thương mại, của truyền thông, của giáo dục và của nghệ thuật, thì sẽ phát hiện một vấn đề trầm trọng.

Phải chăng tương lai của tất cả những lãnh vực được quyết định phần lớn bởi những ai không có trách nhiệm đáng kể nào đối với con cái cả? Tức được quyết định bởi những con người nam nữ độc thân, cũng như bởi những nam giới lập gia đình song đã có vợ thực sự thi hành tất cả những việc chăm sóc con cái? Tôi không nghĩ rằng dấu chỉ thời đại cho thấy hiện lên một tương lai như thế.

Trái lại, dường như những vấn đề mà các gia đình, những chủ nhân ông và các cộng đồng xã hội trong tương lai… sẽ là những vấn đề về cách thức làm sao để cùng một lúc tôn trọng việc ưu tiên của chúng ta đối với con cái, đối với những mục tiêu nghề nghiệp của nữ giới cũng như đối với những mục tiêu của công ăn việc làm.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu do Zenit phổ biến ngày 8/2/2004.
 

Cơn Lốc Đồng Tính Luyến Ái và Đồng Tính Lấy Nhau lại Bùng Lên ở Hoa Kỳ

Thật vậy, cơn lốc đồng tính luyến ái đã bùng lên ở Hoa Kỳ vào dịp Ngày Tình Nhân Valentine Day Thứ Bảy 14/2/2004, tại thành phố nổi tiếng trên thế giới của thành phần này là San Franciscô California.
 

Hôm Thứ Sáu, 13/2/2004, vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Tiểu Bang California đã bác bỏ cuộc vận động của nhóm bảo thủ xin tòa án ra lệnh cấm thành phố San Francisco cấp hôn thú cho các cặp đồng tính muốn lập gia đình với nhau. Đúng thế, thẩm phán James Warren đã trì hoãn cuộc điều trần này cho đến Thứ Ba 17/2/2004, vì lý do điều yêu cầu của nhóm vận động này không đầy đủ nhận định.

Nhóm Vận Động Cho Các Gia Đình Ở California đã kiện tân Thị Trưởng San Francisco là Gavin Newsom và bà Thư Ký Hạt Tỉnh này là Nancy Alfaro hôm Thứ Sáu “về việc vi phạm luật tiểu bang California về hôn nhân và về việc cấp hôn thú” cho các cặp đồng tính luyến ái. Theo Luật California thì hôn nhân là cuộc hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ. Trong khi đó, hôm Thứ Năm 12/2/2004, ông thị trưởng lại ra lệnh cho bà thư ký cấp giấy hôn thú cho các cặp đồng tính luyến ái.
 

Bởi thế, nghe tin này, các cặp đồng tính luyến ái đã kéo nhau tới đầy tòa thị xảnh, để rồi trước khi đóng cửa, 95 tờ hôn thú đã được cấp phát và 87 cặp đã làm đám cưới ngay tại chỗ. Những cặp nào chưa kịp kết hôn vì hết giờ đều được mời trở lại ngày hôm sau Thứ Sáu, một ngày, theo tường trình của Thông Tấn AP (Associated Press) đã có 489 cặp lập gia đình và được cấp giấy hôn thú. Cặp đầu tiên trong dịp này là Phyllis Lyon 80 tuổi và Dorothy Martin 83 đã sống với nhau 51: “Chúng tôi cũng có quyền giống như bất cứ một ai khác trong việc lập gia đình với người chúng tôi kết hôn”, ông Lyon chia sẻ cảm nhận của mình.

Sở dĩ ông thị trưởng San Farancisco cấp giấy hôn thú như thế là vì, theo ông, nếu không là tỏ ra kỳ thị. Ông đã nói với CNN hôm Thứ Sáu thế này: “Chúng tôi đọc được lời lẽ rõ ràng trong hiến pháp của tiểu bang và chúng tôi bảo người thư ký hạt tỉnh chúng tôi làm điều hay lẽ phải để ban một thứ đặc ân đã được ban cho vợ tôi cũng như cho chính tôi cùng cả hằng triệu triệu người trong chúng ta khắp quốc gia cho các cặp đồng tính luyến ái nữa”. Ông thị trưởng này không chấp nhận việc làm của ông là vi hiến tiểu bang. Ông cũng thú rằng ông chưa bàn hỏi gì với thống đốc tiểu bang về hành động của ông, vị thống đốc khi tranh cử để đóng vai trò hiện tại đã tuyên bố hôn nhân là vấn đề giữa nam và nữ. “Tôi không biết vị thống đốc này chủ trương ra sao?”, ông thị trưởng nói.
 

Trong khi San Franciscô cấp hôn thú cho các cặp hôn nhân đồng tính như thế thì ở Massachusetts các nhà lập luật cố phác họa một tu chính loại trừ vấn đề hôn nhân đồng tính. Bởi vì, vào Tháng 11/2003 vừa qua, Tòa Thượng Thẩm của tiểu bang này đã phán là không được cấm đoán các cặp đồng nam tính và đồng nữ tính lập gia đình với nhau theo Hiếp Pháp Massachusetts. Hôm Thứ Ba 3/2/2004, Tòa Thượng Thẩm tiểu bang Massachusetts đã phán quyết là các vị luật sư tiểu bang “đã không nêu lên được bất cứ lý do đầy đủ nào về hiến pháp” để chối bỏ quyền lợi của những cặp đồng tính hôn nhân cả nam lẫn nữ, đồng thời muốn ngành lập pháp trong vòng 6 tháng phải viết lại những khoản luật của tiểu bang có lợi cho những cặp hôn nhân đồng tính. Ngành Lập Pháp tiểu bang Massachusetts, để bác bỏ lệnh của tòa án trên đây cần phải thực hiện việc tu chính hiếp pháp của tiểu bang, và khoản tu chính này cần phải được tối thiểu là 101 phiếu trong hai phiên họp liên tiếp năm nay và trong năm 2005-2006, trước khi xẩy ra cuộc bỏ phiếu của dân chúng vào Tháng 11/2006.

 

Thống Đốc tiểu bang đã lập tức chống lại phán quyết của tòa án hôm Thứ Ba này và nói sẽ vận động một tu chính để bác bỏ nó. Tổng Thống Bush cũng lên tiếng phản đối pháp lệnh này: “Hôn nhân là một cơ cấu linh thánh giữa một người nam và một người nữ. Phán quyết hôm nay… vi phạm trầm trọng đến nguyên tắc này. Tôi sẽ làm việc với các vị lãnh đạo của quốc hội và các người khác để làm những gì cần thiết về pháp lý hầu bênh vực tính cách linh thánh của hôn nhân”. Thế nhưng, vị tổng thống này không nói gì đến vấn đề ông có sẽ ủng hộ nỗ lực của một số thành phần Cộng Hòa trong Quốc Hội trong việc thông qua một tu chính liên bang loại trừ vấn đề hôn nhân đồng tính.

Sau hai ngày họp, 11-12/2/2004, ngành lập pháp tiểu bang Massachusetts đã không thể đi đến chỗ thực hiện khoản tu chính chống loại vấn đề hôn nhân đồng tính. Sau ba lần bỏ phiếu, kết quả bỏ phiếu là 103-96. Và họ sẽ trở lại họp vào ngày 11/3/2004. Trong khi ngành lập pháp làm việc bên trong thì bên ngoài là áp lực của thành phần đồng phái tính xuống đường biểu tình đòi “bình quyền”.

Tại Hoa Kỳ, 38 tiểu bang và chính phủ liên bang đã phê chuẩn những khoản luật hay những khoản tu chính cấm cản việc nhìn nhận vấn đề hôn nhân đồng tính. Vermont là tiểu bang duy nhất ở Hoa Kỳ, vào năm 1999, đã cho phép các cặp đồng tính luyến ái nhưnõg quyền lợi và ân huệ của đời sống hôn nhân, gọi nó là những cuộc hiệp nhất dân sự hơn là hôn nhân. Hạ Viện California mới đây cũng đã thông qua một khoản luật đồng bạn tại gia cũng cho hưởng những lợi lộc tương tự như thế, nhưng không cho thành phần đồng tính lập gia đình với nhau.

Theo bản thăm dò ý kiến quần chúng (1006 người) của CNN/USA Today/Gallup vào những ngày 24-26/10/2003, về vấn đề hôn nhân đồng tính cần phải được pháp luật công nhận có 61% chống và 35% thuận. Tuy nhiên, căn cứ vào phái tính tham dự cuộc thăm dò này thì có 70% nam giới chống và 26% thuận, trong khi đó có 53% nữ giới chống và 43% thuận.

 

 

15/2 Chúa Nhật VI Thường Niên Năm C

Chúc Phúc Nguyền Rủa

Chúc Phúc: Bốn Phúc Đức của Bài Giảng Trên Núi

Để tiếp tục cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô: Sự Sống Tỏ Hiện trong Phụng Vụ Mùa Thường Niên năm C sau Mùa Giáng Sinh, vào Chúa Nhật Thứ Sáu tuần này, Giáo Hội chọn bài Phúc Âm của Thánh Ký Luca trình thuật về Bài Giảng Trên Núi Chúa dạy liên quan đến bốn phúc đức và bốn hoạn nạn.

Thật vậy, bài Phúc Âm Chúa Nhật VI Thường Niên Năm C tuần này cho thấy những gì được Chúa Giêsu chúc phúc và nguyền rủa được gọi là 4 phúc đức và 4 ác đức. Phúc Âm Thánh Mathêu ghi lại có 8 phúc đức và không nói gì đến 4 ác đức. Ở đây Phúc Âm Thánh Luca chỉ nói đến 4 trong 8 phúc đức này mà thôi, và còn thêm 4 ác đức ngược lại với 4 phúc đức nữa. 4 phúc đức được Thánh Luca ghi lại ở đây là nghèo khổ, đói khát, khóc lóc và nhục nhã, và 4 ác đức hoàn toàn ngược lại là giầu sang, no đầy, vui cười và vinh quang. Tức là phúc đức của người này là ác đức của người kia, hay ngược lại ác đức của người kia là phúc đức của người này. Chẳng hạn, nghèo khổ là phúc đức của người sống đức tin, lại là ác đức của người chỉ tìm giầu sang phú quí ở đời này; hay được vinh quang chúc tụng là những gì vô phúc cho những tâm hồn chỉ biết tìm vinh quang Thiên Chúa thì lại là những gì diễm phúc cho thành phần tham quyền cố vị, ham danh trọng tiếng v.v.

Thật vậy, theo Phúc Âm Thánh Luca, Chúa Giêsu không nói đến Tám Mối Phúc Thật mà chỉ nói đến 4 này 4 kia thôi. Về bốn Phúc Đức Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm Thánh Luca, phúc thứ nhất cho người nghèo khó thứ tự giống như trong Kinh Tám Mối Phúc Thật, phúc thứ hai cho người đói khát lại là phúc thứ bốn trong Kinh Tám Mối Phúc Thật, phúc thứ ba cho người khóc lóc cũng là phúc thứ ba trong Kinh Tám Mối Phúc Thật, và phúc thứ bốn cho người bị bách hại là phúc thứ tám trong Kinh Tám Mối Phúc Thật. Nếu để ý so sánh chúng ta còn thấy, phúc thứ nhất ở đây Chúa Giêsu không nói rõ về người có tinh thần nghèo khó hay người có lòng nghèo khó, mà chỉ nói trống về người nghèo khó thì sẽ được nước Thiên Chúa; phúc thứ hai ở đây Chúa Giêsu cũng không nói rõ là khao khát nhân đức trọn lành, mà chỉ nói trống là đói khát vậy thôi thì sẽ được phúc no đầy. Thêm vào đó, theo Phúc Âm Thánh Luca, Chúa Giêsu chẳng những nói trống mà còn nói mạnh nữa, ở chỗ Người lật ngược vấn đề, tức nói đến cả bốn cái khốn nạn của thành phần sống ngược lại với bốn mối phúc này.

Tuy có những điểm khác nhau như thế giữa Phúc Âm Thánh Luca hôm nay với Kinh Tám Mối Phúc Thật theo đoạn 5 của Phúc Âm Thánh Mathêu, nhưng cả hai Phúc Âm đều giống nhau về sự kiện cả hai đã trình thuật để dẫn vào Bài Giảng Trên Núi. Ở đây tôi muốn nói đến môi trường và đối tượng của Bài Giảng Trên Núi.

Về môi trường của bài Giảng Trên Núi là ở trên núi, (bởi thế mới gọi là Bài Giảng Trên Núi), Phúc Âm Thánh Luca thuật lại rằng: “Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với 12 tông đồ và dừng lại trên một khoảng đất bằng”, và Phúc Âm Thánh Mathêu diễn tả là: “Khi thấy đoàn lũ dân chúng kéo đến thì Người lên núi, và sau khi ngồi xuống… Người giảng dạy họ”. Chúng ta biết là địa điểm Chúa chọn để giảng cũng có ý nghĩa của nó, chẳng hạn Bài Giảng Trong Sa Mạc ở đoạn 6 của Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa đã nói về Bánh Hằng Sống, được tiên báo qua hình ảnh Manna là lương thực duy nhất Thiên Chúa đã ban cho dân Do Thái hưởng dùng trên đường họ băng qua sa mạc vào Đất Hứa, và Bài Giảng Trên Núi theo Phúc Âm Thánh Luca và Mathêu cũng vậy, Chúa cố ý nói về những gì trọn lành siêu vượt, trên tầm mức tầm thường thế gian.

Bởi vậy, cũng dễ hiểu thôi, đối tượng chính của Bài Giảng Trên Núi này trước hết là thành phần môn đệ thân cận với Người. Đó là lý do, chúng ta thấy Phúc Âm Thánh Luca ghi nhận: “Bấy giờ, người đưa mắt nhìn các môn đệ mà nói”, và Phúc Âm Thánh Mathêu cũng cho thấy: “Sau khi Người đã ngồi xuống, các môn đệ đến cùng Người. Người bắt đầu giảng dạy họ”. Phải chăng đó là ý nghĩa của câu Chúa trực tiếp nói với các tông đồ ngay sau khi liệt kê Tám Mối Phúc Đức và trước khi dẫn giải chi tiết Tám Mối Phúc Đức này, đó là câu 14 trong đoạn thứ 5 của Phúc Âm Thánh Mathêu: “Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi không thể nào khuất được nữa”. Chúng ta còn thấy một điểm nữa ở đây liên quan đến tiến trình của phụng vụ, đó là tuần trước, bài Phúc Âm về việc Chúa Giêsu chinh phục các môn đệ đầu tiên làm nghê đánh cá, khiến các vị dứt khoát từ bỏ mọi sự để được Người huấn luyện cho thành những tay chài lưới người, thành phần chinh phục nhân tâm con người. Tuần này, Giáo Hội đã cố ý bỏ đi những phần còn lại của đoạn 5 sau đó của Phúc Âm Thánh Ký Luca, như đoạn về phép lạ chữa một người tật phong, rồi tới phép lạ chữa một người bại liệt, kể cả đoạn kêu gọi người thu thuế Lêvi tức Thánh Mathêu, và bỏ cả đoạn giải quyết vấn đề chay tịnh, mà sang ngay đầu đoạn 6, đoạn về Bài Giảng Trên Núi, bài giảng phúc đức trọn lành nhắm vào thành phần môn đệ của Người, thành phần Người sẽ sai đi chinh phục thế giới sau này, như ánh sáng chiếu trong tăm tối.

Ngoài ra, ngoài chi tiết về địa điểm và đối tượng của Bài Giảng Trên Núi, chúng ta cần lưu ý tới thứ tự của bốn Mối Phúc Đức nữa, một thứ tự rất ăn khớp với nhau theo tâm lý tự nhiên: chẳng hạn, vì nghèo khó, tình trạng liên quan đến phúc thứ nhất, nên mới đói, cảm giác liên quan đến phúc thứ hai; và vì đói nên mới khổ, gọi là đói khổ, được tỏ ra bằng tiếng khóc, thái độ liên quan đến phúc thứ ba; song nỗi khổ nhất của thành phần nghèo đói là ở chỗ chẳng những họ không được người đời thông cảm mà thường còn bị xã hội khinh thường, đàn áp và bóc lột nữa, hậu quả liên quan đến phúc thứ bốn. Áp dụng tâm lý của bốn mối phúc đức có liên hệ khít khao và chặt chẽ với nhau này vào lãnh vực tu đức sống đạo, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được tất cả sự thật và ý nghĩa của lời Chúa phán dạy không bao giờ sai lầm như sau.

Về phúc đức thứ nhất, những tâm hồn nghèo khó tức là những tâm hồn không dính bén với bất cứ một sự gì trên trần gian này, nên họ đã thực sự chiếm được Nước Trời, như trường hợp các tông đồ đã bỏ mọi sự sau khi được Chúa Giêsu kêu gọi như đoạn kết của bài Phúc Âm tuần trước cho thấy (x Lk 5:11), nên các vị đã được ở với Người là chính Nước Trời sống giữa các vị (x Lk 17:21).

Về phúc đức thứ hai, một khi sống nghèo khó thiêng liêng như thế, linh hồn chỉ biết trông đợi hoàn toàn nơi Thiên Chúa và chỉ có một nỗi đói khát duy nhất là Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối có thể làm cho lòng mong đợi của họ được thỏa mãn, và thực sự họ đã được no thỏa, được gấp trăm ngay ở đời này như trường hợp các thánh tông đồ xưa (x Mt 19:29), hay như trường hợp viên thu thuế lùn tên Giakêu (x Lk 19:4-6).

Về phúc đức thứ ba, mặc dù tên của họ có được ghi trên trời đi nữa, nghĩa là chắc chắn sẽ được rỗi đi nữa, không phải vì thế mà họ không còn cần phải sống đức tin, tức không còn phải chịu thử thách, đau khổ nữa, trái lại, càng trung thành theo Chúa cho đến cùng, họ càng đau khổ, càng khóc lóc, như chính Đấng họ theo đã phải thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ rơi Con” (Mt 25:46); thế nhưng, chính đau khổ ấy lại biến thành niềm vui cho họ, như trường hợp của người mẹ lúc lâm bồn sinh con thì quằn quại đớn đau, song khi thấy con ra đời thì vui mừng quên hết mọi sự (x Jn 16:20-21).

Về phúc đức thứ bốn cũng là phúc đức đệ nhất, phúc đức tuyệt đỉnh của những người môn đệ thực sự theo Chúa và theo Chúa cho đến cùng, đó là phúc được chịu mọi sự khốn khó vì Chúa, nhất là phúc được chịu tử vì đạo để chứng minh cho Đấng đã chết và sống lại vì họ, như chính Người cũng đã chết để làm chứng cho chân lý là Người thực sự là Đấng Thiên Sai, Đấng đến cho chiên được sống và sống viên mãn hơn. Điển hình của phúc này là trường hợp các tông đồ cảm thấy vui mừng vì được chịu khốn khó vì Chúa trong thời Giáo Hội vừa mới được khai sinh ở Giêrusalem (x. Acts 5:41).

Nguyền Rủa: Phải chăng Thiên Chúa là Đấng Ác Ôn?

Song song và tương phản với bốn phúc đức được Chúa Giêsu chúc phúc trên đây là bốn ác đức bị Người nguyền rủa và trở thành hoạn nạn cho những ai tìm kiếm và chiếm đoạt chúng. Về ý nghĩa những ác đức này cũng liên hệ với nhau một cách khít khao theo thứ tự như các phúc đức trên đây. Thật thế, kinh nghiệm sống nhân sinh cũng chứng thực những gì Chúa Giêsu tuyên phán về bốn ác đức đáng nguyền rủa này không hề sai lầm.

Trước hết, về mối hoạn nạn thứ nhất, “khốn cho các ngươi là kẻ giầu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi”. Đúng thế, lý do tại sao người giầu có bị khốn đốn chính là vì họ đã được an ủi, nghĩa là đã được sung sướng trong việc được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, một thứ sung sướng thường làm cho con người dễ bị mê tham đến coi của hơn người, coi đời hơn Chúa, như trường hợp của người phú hộ trước thân phận cùng cực của Lazarô trước cổng nhà của ông, một con người được tổ phụ Anbraham nói rằng đã được an ủi trên đời này rồi (x Lk 16:19-21,25). Cái khốn khi được an ủi chính là ở chỗ con người vốn có lòng tham vô đáy dễ dàng mù quáng trong việc đảo lộn giá trị của cuộc sống vậy, như trường hợp Dân Do Thái hễ bình yên thì lại bỏ Chúa đi tôn thờ ngẫu tượng cho đến khi quay về với Ngài để được Ngài cứu cho khỏi ngoại bang thống trị. Như vậy, thà chịu khổ cực và bần cùng ở đời này mà, về phần tiêu cực, tránh được tình trạng tham lam vô đáy đến coi của hơn người và coi đời hơn Chúa đây, nhờ đó, về phần tích cực, con người dễ hướng về đời sau, về hạnh phúc thật và cuối cùng được đời đời cứu độ thì không phải là có phúc hay sao?

Tiếp mối hoạn nạn thứ nhất là mối hoạn nạn thứ hai, “khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát”. Tại sao? Nếu không phải vì càng giầu có người ta lại càng trở nên nghèo khó, chẳng những bởi lòng tham vô đáy, làm họ luôn bất an và thấy mình luôn thiếu thốn, mà nhất là bởi thiếu thốn của ăn tinh thần, càng làm cho họ dù sống giữa mọi thứ tiện nghi vật chất song vẫn không bao giờ hoàn toàn thực sự thỏa nguyện, như trường hợp người thanh niên giầu có đến hỏi Chúa Giêsu anh phải làm gì để được sống đời đời, để rồi đã buồn bã bỏ đi sau khi nghe cách Người khuyên nên trọn lành (x Mk 10:17-23). Tân Chân Phước Têrêsa Calcutta đã nhận thấy hiện tượng rất điển hình này nơi một nhà chăm sóc những người già ở Âu Châu như sau: “Tôi đã thấy họ có hết mọi sự, có những thứ đẹp đẽ, nhưng hết mọi người đều ngồi hướng về phía cửa. Tôi không hề thấy một nụ cười nào nở ra trên môi miệng của họ. Tôi quay sang chị nữ tu hỏi: ‘Như thế nghĩa là làm sao? Những người có hết mọi sự ở đây mà làm sao tất cả mọi người lại cứ hướng mắt về phía cửa ra vào? Tại sao họ lại chẳng tươi cười gì cả?’ Người nữ tu trả lời: ‘Điều này hầu như xẩy ra hằng ngày như thế. Họ đang mong chờ, đang hy vọng là có người con trai hay con gái nào tới thăm viếng họ. Họ cảm thấy tủi đau vì bị lãng quên” (Kathryn Spink, Mother Teresa, Harper San Francisco, 1997, page 169).

Từ mối hoạn nạn thứ hai sang mối hoạn nạn thứ ba, “khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc”. Thật vậy, kẻ giầu có dù có no nê, song vẫn đói khát vì lòng tham vô đáy của họ và nhất là vì họ đói khát bởi thiếu lương thực thiêng liêng, nên cho dù họ có đang vui cười sung sướng về những thành đạt tạm bợ trên đời, họ vẫn cảm thấy chẳng những con người luôn bất an mà còn bị chính những thứ họ ham thích và tích trữ ấy làm họ phải ưu sầu khóc lóc nữa, như trường hợp Giuda Ích Ca bán Thày lấy của đã chết vô cùng thảm thương vậy (x Mt 27:3-5). Ngày nay, ở Âu Châu, nơi sặc mùi văn hóa sự chết, người ta thấy xuất hiện một trào lưu dường như muốn tìm về với đời sống tâm linh, dù qua phương pháp Thiền hay Yoga của các đạo giáo Đông Phương, nơi một số nhỏ tâm hồn cảm thấy văn minh không thể đáp ứng cái khát vọng sâu xa vô tận bẩm sinh của họ, cái khát vọng đã được Đại Tiến Sĩ Giáo Phụ Âu-Cơ-Tinh, sau cuộc đời hoang đường của mình về cả nhục dục lẫn tri thức, đã giác ngộ và nói lên cảm nhận của mình ngay ở chương đầu tiên cuốn Tự Thú của mình: “Chúa đã dựng nên trái tim con cho Chúa, nên lòng con khắn khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Sau cùng là mối hoạn nạn thứ bốn, “khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”. Thường giầu sang đi với phú quí, và phú quí sinh lễ nghĩa, đó là lý do người giầu có thường được người đời trọng vọng và chúc tụng v.v. Thế nhưng, vinh quang trần thế không phải là một thứ phúc cho bằng là một thứ họa, vì lòng người nông cạn, chủ quan, vị kỷ luôn luôn thay đổi theo bộ diện bề ngoài của đối tượng, bởi thế, một khi thần tượng không được như ý nghĩ và ý thích của họ nữa, thì họ đả đảo, truất phế, hạ bệ, như trường hợp tiên tri giả trong Cựu Ước chỉ được dân Do Thái ủng hộ và tôn sùng khi còn nói tiên tri có lợi cho họ, nói theo ý họ mà thôi. Thực tế của cái ác đức thứ tư này có thể thấy nơi các thần tượng như Michael Jackson, một thần tượng lừng danh về nhạc mang danh “Vua Nhạc Pop” chẳng những ở Mỹ mà còn trên khắp thế giới trong thập niên 1990, một thần tượng hốt bạc về cả đĩa nhạc lẫn những buổi lưu diễn thu hút vô số người lớn nhỏ, thế mà, từ đầu thiên niên kỷ thứ ba, chẳng những đã biến dạng mà còn (vào chính thời điểm phụng vụ Chúa Nhật VI Thươnụng Niên 15/2/2004) đang trở thành một trò cười cho thiên hạ về vụ liên quan đến tính dục nữa.

Hôm Thứ Bảy Đầu Tháng 7/2/2004, trong buổi đền tạ và học hỏi hằng tháng theo thường lệ của Liên Đoàn Thiếu Nhi Fatima Tổng Giáo Phận Los Angeles, tổ chức ở North Hollywood, trong hội trường của Giáo Xứ Saint Charles Borromeo, để trả lời cho thắc mắc được giới trẻ Thiếu Nhi Fatima nêu lên rằng tại sao Thiên Chúa vô cùng nhân ái và toàn năng mà lại để cho con người nói chung và nhiều người nói riêng phải cùng cực nghèo khổ hay chịu đủ mọi thứ khổ đau trên đời này, tôi đã chia sẻ như thế này. Vì Thiên Chúa dựng nên con người là để cho họ được sống đời đời chứ không phải chỉ để họ chết là hết như con vật. Do đó, Ngài đã dùng hết cách, theo thượng trí vô cùng khôn ngoan của Ngài để cứu độ con người. Một trong những cách Ngài thường dùng nhất đó là đau khổ, một sự dữ Ngài không tạo dựng nên ngay từ ban đầu mà là do nguyên tội mà có, song Ngài đã lợi dụng nó để làm lợi cho con người mang bản tính đã hư đi theo nguyên tội. Nếu bây giờ cho con người được chọn trên thế gian này chịu khổ suốt đời mà được rỗi hay được sung sướng tột độ mà nguy hiểm đến phần rỗi thì chúng ta chọn đằng nào? Đó là lý do Chúa Giêsu đã khẳng định rằng “được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn cũng chẳng được ích gì” (Mt 16:26). Như thế, chìa khóa để giải quyết vấn đề ở đây là Thập Giá Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng lại không sử dụng đường lối nào khác để cứu độ con người mà lại phải sử dụng đến một biểu hiệu tượng trưng cho sự dữ, tiêu biểu cho tội lỗi và sự chết! Tôi chưa kịp kết thúc những gì tôi dẫn giải cho các em thì một em đoàn trưởng ở San Gabriel đã vỗ tay và tiến lên bắt tay và ôm lấy tôi tỏ vẻ cảm nhận được những gì tôi chia sẻ.

Quả thế, trong Sứ Điệp Mùa Chay 2004, nhất là trong Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã đề cập đến và giải quyết vấn nạn được giới trẻ Thiếu Nhi Fatima nói riêng cũng như được nhiều người thắc mắc nói chung, theo chiều hướng của bài Phúc Âm chúc phúc nguyền rủa đang được chúng ta chia sẻ đây:

“Những trẻ em này (những em bị người lớn hành khổ trong nền văn hóa sự chết hiện nay trên khắp thế giới) đã làm sự xấu nào mà lại phải gánh chịu khổ đau như thế? Theo quan điểm nhân loại thì không dễ gì, thật sự là không thể, giải đáp vấn nạn nhức nhối này. Chỉ có đức tin mới khiến chúng ta bắt đầu hiểu được vực thẳm rất sâu xa của khổ đau mà thôi. Bằng việc “vâng lời cho đến chết cho dù chết trên thập giá” (Phil 2:8), Chúa Giêsu đã gánh chịu khổ đau nơi bản thân mình và đã chiếu tỏ nó bằng ánh sáng rạng ngời của việc Người phục sinh. Người đã hoàn toàn chiến thắng tử thần bằng cái chết của Người. Trong Mùa Chay, chúng ta sửa soạn để sống lại Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm chiếu tỏa ánh sáng hy vọng trên tất cả cuộc sống của chúng ta, thậm chí cả những khía cạnh phức tạp nhất và đau thương nhất. Tuần Thánh lại diễn ra trước mắt chúng ta mầu nhiệm cứu độ này nơi những nghi thức sống động của Tam Nhật Thánh” (đoạn 4).

“Từ cái mâu thuẫn của Thập Giá đã phát xuất ra câu giải đáp cho những vấn đề rắc rối nhất của chúng ta. Chúa Kitô đã chịu khổ vì chúng ta. Người đã mang lấy nơi bản thân Người các thứ khổ đau của hết mọi người và cứu chuộc chúng. Chúa Kitô chịu khổ với chúng ta, cho chúng ta được thông phần đau khổ của chúng ta với đau khổ của Người. Liên kết với đau khổ của Chúa Kitô, đau khổ của nhân loại trở thành phương tiện cứu độ; đó là lý do tại sao tín hữu có thể cùng với Thánh Phaolô nói rằng “Giờ đây tôi vì anh em vui mừng chịu đựng đau khổ của mình, và tôi hoàn tất nơi xác thịt của mình những gì còn thiếu nơi những đau thương của Chúa Kitô phải chịu vì thân thể của Người là Giáo Hội” (Col 1:24). Được chấp nhận bằng đức tin, đau đớn trở thành cửa ngõ tiến vào mầu nhiệm khổ đau cứu chuộc của Chúa Kitô; một khổ đau không còn làm mất đi sự bình an và hạnh phúc vì nó được chiếu tỏa bởi ánh quang của Cuộc Phục Sinh (đoạn 4). Xin Mẹ giúp cho hết mọi Kitô hữu biết làm chứng rằng chỉ có một giải đáp duy nhất cho đớn đau, khổ đau và chết chóc đó là Chúa Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. (đoạn 6).

Lạy Lời Nhập Thể là ánh sáng thật đã chiếu soi hết mọi người trong tăm tối. Chỉ có Chúa mới là Đấng định đoạt lành dữ và chỉ cho nhân loại biết lành biết dữ. Xin Thần Linh Chúa đã ban cho chúng con qua các bí tích làm chủ con người và điều khiển cuộc đời Kitô hữu chúng con, để như Mẹ Maria đầy ơn phúc khôn ngoan như rắn và chân thật như bồ câu, chúng con luôn tìm kiếm những gì chân thiện nhất theo tinh thần Phúc Âm của Chúa, cho Danh Cha muôn đời cả sáng. Amen.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

 

HẠNH PHÚC NGHÈO

Nghèo là một cái gì mà hầu như ai cũng khiếp, cũng sợ, cũng ngán ngẩm và xa tránh. Tĩnh từ nghèo, do đó, thường là tĩnh từ kép được theo sau bằng một hình dung từ để diễn tả cách đầy đủ hơn về tình trạng, và cách thức nghèo như thế nào. Thí dụ: nghèo túng, nghèo khó, nghèo khổ, và nghèo hèn.

Hầu như ai nghèo cũng rơi vào cảnh túng thiếu, chật vật. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhiều khi đau ốm cũng không đủ thuốc thang. Ngoài ra, đã nghèo thì bao giờ cũng gặp khó khăn. Khó khăn khi phải mua sắm, chi tiêu, hoặc ngay trong những xã giao thường ngày: “Phú quí đa nhân hội. Bần cùng thân thích ly” là vậy. Rồi từ cái túng đưa đến cái khó, và làm ta phải khổ. Khổ thân xác, khổ tâm hồn, đến nỗi có thể làm ảnh hưởng đến cả tâm lý sống của một người: “Cái khó nó bó cái khôn”, hoặc: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Sau cùng, người nghèo thì vì nghèo nên sống cảnh hèn mọn, thấp cổ, bé miệng. Người ta thường nói: “Miệng nhà sang có gang, có thép”. Cũng một câu nói ấy, tư tưởng ấy mà được nêu lên bởi một kẻ giầu có, quyền thế sẽ có kết quả đôi khi trái ngược với những người nghèo.

Nhưng đối với Chúa Giêsu, và dưới con mắt của Ngài, nghèo không hẳn mang ý nghĩa túng, khó, khổ, và hèn. Ngược lại, nó còn là một mối lợi, một hồng phúc, và là một điều đáng cho con người hăm hở tìm kiếm. Ngài nói: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời” (Luc 6: 20-23). Vậy, ai là người nghèo. Và phải nghèo đến đâu mới được hưởng lời chúc phúc đó.

- Ai là những người nghèo? Thưa, đó là tất cả mọi người chúng ta. Chúng ta đều là những người nghèo trước mặt Thiên Chúa. Thân xác, khả năng, tinh thần, và sự sống, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho. Không một ai tự mình mà có, và có thể tồn tại mà không cần đến bàn tay quan phòng của Ngài. Khí trời, hơi ấm, gió mát, cơm gạo, nước uống, thức ăn.... Chính bản thân ta, ta cũng không tự tạo ra được. Chính sự sống ta, ta cũng không giữ nó được, nói gì đến những chuyện như tài năng, giầu sang, sắc đẹp, thành công, danh vọng, hay quyền lực. Tóm lại, dù trong cõi tự nhiên hay siêu nhiên, dù vật chất hay tinh thần, trong bất cứ môi trường nào, cảnh sống nào, chúng ta đều là những con nợ của Thiên Chúa. Những người nghèo trước mặt Ngài.

- Nghèo đến đâu thì được chúc phúc? Như vậy, khi Chúa Giêsu đề cập đến cái nghèo, Ngài không nhắm đến những thiếu thốn vật chất, hoặc những khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Những thứ ấy có thể là do chính con người tạo nên cho mình và cho nhau. Thí dụ, một người nghiện ngập, cờ bạc, hoặc ươn lười không chịu khó. Cũng có những trường hợp mặc dù đã chịu khó, những do lòng ích kỷ, hoặc tham lam của chính mình hay của những người chung quanh mình, nên đã khiến cho nếp sống bình thường hạnh phúc lại trở nên một cái nghèo làm ta thấy khổ sở. Trường hợp của những người có lòng tham lam và ham muốn tiền bạc. Hoặc trường hợp của những người là nạn nhân của tính tham lam và ích kỷ của người khác.

Từ ngữ “nước trời”, hoặc “phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời”, là những lời mang ý nghĩa siêu nhiên và tinh thần. Nghèo tâm linh, nghèo tinh thần, do đó, là sự nhận thức rõ về cội nguồn, và xuất xứ của mình và bằng lòng đón nhận cuộc sống này trong sự tín thác, tin tưởng ở Thiên Chúa. Nghèo như vậy là một phúc lộc tuyệt vời, không chỉ đối với những ai đang sống trong những điều kiện khó khăn bên ngoài đang chi phối hoặc trói buộc mình về khả năng tài chánh hay cuộc sống; mà còn đối với những ai có tấm lòng đơn sơ, khiêm tốn. Và niềm vui, hạnh phúc nhất đối với họ là tâm hồn bằng an.

Tâm lý học cũng coi sự bằng an và hạnh phúc tâm linh quý hơn và cao trọng hơn những hạnh phúc do vật chất bề ngoài mang lại. Có những người dư tiền, nhiều của nhưng không bao giờ có được một giây, phút thoải mái, và hạnh phúc thật sự. Nhìn vào thế giới của những người giầu có vật chất chúng ta thấy gì? Thuốc an thần, thuốc ngủ, rượu, nha phiến, bảo hiểm, hệ thống an toàn. Tất cả những thứ đó luôn luôn gắn liền với cuộc sống của họ, và làm cho họ không bao giờ có cảm giác rằng mình hạnh phúc và bằng an. Nhưng ngược lại, một người nghèo vật chất nhưng tâm hồn thành thật, đơn sơ, khiêm tốn, họ tuy vất vả, cực nhọc, nhưng rồi giấc ngủ họ an bình. Họ luôn mở lời cám ơn Thiên Chúa thay vì phàn nàn, kêu ca, và trách móc. Mỗi giây, mỗi phút, và mỗi ngày sống đối với họ là một hồng ân. Họ không có tiền nhưng có sự bình an của tâm hồn. Như vậy, họ không phải là những người hưởng ngay hạnh phúc nước trời giữa cái nghèo của mình như Chúa đã nói sao.

Tóm lại, ai sống với tinh thần nghèo Phúc Âm, mới là những người giầu thật sự. Không những trong cõi đời đời, mà còn ngay hiện tại trước mắt. Điều này chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời” (Luc 6: 23). Có nghĩa là nếu thật sự ta khiêm tốn, thành thật, và tín thác trong cuộc sống mình mà có bị người đời chê bai, khinh bỉ, hoặc thua thiệt phần nào về vật chất, thì “ngày ấy”, ngay hôm nay ta đã được chúc phúc rồi. Và phúc lộc đó chính là sự bằng an, và lòng cậy trông nơi Thiên Chúa.

 

Trần Mỹ Duyệt

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)