GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 12 Thứ Sáu

 

Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về Tình Trạng Nữ Giới “vẫn là nạn nhân của bạo lực và chiến tranh”

Trong cuộc họp của Ủy Ban Về Tình Trạng Nữ Giới được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước cho đến hết ngày 12/3/2004, nữ giáo sư Marilyn Ann Martone, một phần tử của phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh, đã phát biểu nhận định và chủ trương của Tòa Thánh hôm Thứ Năm 4/3/2004, một bài diễn văn được văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến hôm Thứ Hai 8/3/2004.

Thay mặt cho phái đoàn đại biểu của mình, xin cho phép tôi được gửi lời chúc mừng tới bà chủ tọa cũng như tới văn phòng được bà tuyển lựa. Bà sẽ được phái đoàn Đại Biểu của chúng tôi hợp tác và hết sức chú trọng tới những diễn tiến này.

Về khía cạnh thuộc vai trò thiết yếu của mình trong việc bảo tồn hòa bình và an ninh thế giới, nữ giới đã không ngừng chứng tỏ cho thấy những việc đóng góp quan trọng của họ được phát xuất từ mối quan tâm liên lỉ đến vấn đề đạt tới tình đoàn kết và công ích cho toàn thể nhân loại. Nữ giới có được một ân hệ đặc biệt là làm cho những người khác thấy được nhu cầu khẩn trương trong việc vượt lên trên tư lợi cũng như trong việc hoạt động để cải thiện hết mọi sự, hầu hiện thực hóa những nhu cầu thiết thực về việc chăm sóc sức khỏe căn bản, việc giáo dục cũng như vấn đề an ninh kinh tế và xã hội.

Nơi nhiều miền đất trên thế giới, nữ giới hiện đang có mặt ở hết mọi lãnh vực sinh hoạt, xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo và chính trị, và đã góp phần bất khả châm chước của mình vào việc thiết lập những cơ cấu kinh tế và chính trị xứng đáng với con người hơn bao giờ hết. Bằng minh thức nữ giới của mình, người phụ nữ làm phong phú kiến thức của thế giới và giúp cho những mối liên hệ của con người giữa và nơi con người với nhau được thành thực hơn và chân thực hơn.

Nữ giới thực hiện tất cả những điều ấy bằng một giá cao. Giá phải trả này đòi một thứ bình đẳng thực sự về mọi lãnh vực: về việc bình đẳng lợi tức cho việc làm như nhau, về việc bảo vệ những bà mẹ đi làm, về sự công bằng nơi những thứ tiến thân về nghề nghiệp, về việc bình đẳng giữa vợ chồng liên quan đến các quyền lợi trong gia đình, và về việc công nhận hết mọi sự thuộc quyền lợi và nhiệm cụ của tất cả mọi người trong một xã hội dân chủ. Đó là vấn đề của công lý và nhu cầu.

Đại biểu tôi ủng hộ những yếu tố chính yếu của một xã hội chân chính này nơi Bản Tuyên Ngôn Hành Động Bắc Kinh (Hội Nghị Quốc Tế Về Nữ Giới Lần Bốn). Trong tất cả mọi lãnh vực này, việc nữ giới có mặt đông đảo hơn trong xã hội sẽ cho thấy những gì cao quí nhất cũng như sẽ giúp vào việc cho thấy những thứ tương phản nơi xã hội khi xã hội được tổ chức chỉ hoàn toàn theo tiêu chuẩn hiệu năng và việc sản xuất hay theo tiêu chuẩn của một thứ sức mạnh cầm thú.

Về việc ngăn ngừa những gì xung khắc ấy, điều hành xung khắc và giải quyết xung khắc, Phái Đoàn Đại Biểu của chúng tôi xin nhấn mạnh đến một ít khía cạnh của vấn đề này như sau.

Trước hết, ngày nay vẫn còn quá nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực và chiến tranh. Liên Hiệp Quốc đã chú trọng một cách thích đáng những trường hợp khác nhau, chẳng những đối với thảm cảnh bạo lực tại gia mà còn bày tỏ cho thấy tổ chức này muốn dấn thân khắc phục nỗi đau thương phụ nữ phải chịu nơi những cuộc xung đột ở quốc gia và trên thế giới; vấn đề dấn thân này bao gồm vấn đề nữ giới tị nạn và bị phân tán trong nước đang tìm cách đương đầu chẳng những với nỗi khổ đau bản thân của họ mà còn phải đương đầu với cả nỗi lao nhọc và trách nhiệm phải chăm sóc cho con cái cùng các phần tử lớn tuổi của gia đình trong những hoàn cảnh tuyệt vọng ấy.

Thảm thương thay, khi xẩy ra cuộc xung đột bằng vũ khí ở bất cứ một mức độ nào thì phụ nữ trở thành mục tiêu đặc biệt của thành phần chiến đấu qua những hành động hạ nhục phẩm giá của họ. Đây là lúc cần phải mãnh liệt lên án và trừng phạt tất cả mọi thứ hành động tình dục thú tính phạm đến nữ giới. Về khía cạnh này, thật là quan trọng khi nữ giới tham gia vào việc điều hành giúp đỡ về chất liệu cũng như vào việc trợ giúp về y khoa lẫn tâm lý cho các nạn nhân bị bạo hạnh như thế.

Còn có một hình thức xung khắc khác gây ra những hậu quả khủng khiếp cho đời sống của bao nhiêu là triệu con người ta nữa. Nhân danh việc tôn trọng những con người này, chúng ta không được thôi lên án thứ văn hóa lạc thú và thương mại đang lan tràn làm phát triển việc khai thác một cách có phương pháp những người em gái và phụ nữ. Phải chấm dứt việc buôn bán nữ giới và trẻ em ấy. Việc góp phần của nữ giới vào tiến trình quyết định để chiến đấu với việc buôn bán xấu xa này là một việc quan trọng, vì họ là những nạn nhân chính của những loại tội ác này vậy.

Đại biểu tôi xác tín rằng con đường bảo đảm việc nhanh chóng tiến bộ dẫn tới chỗ hoàn toàn tôn trọng nữ giới cũng như căn tính của họ không phải chỉ ở chỗ cần phải lên án vấn đề kỳ thị và bất công, dù là cần mấy đi nữa. Việc tôn trọng này, trước hết và trên hết, cần phải được đạt đến bằng một cuộc vận động hữu hiệu và khôn khéo để cổ võ nữ giới nơi tất cả mọi lãnh vực của xã hội loài người. Nữ giới phải là thày dạy và là thành phần xây dựng hòa bình, cũng như phải được cống hiến cho họ có được một cơ hội sửa soạn đầy đủ.

Cám ơn Bà Chủ Tọa.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 8/3/2004


“Nữ Tính Mới” – “Nữ Tính Vĩnh Tại”

Một trong những nữ thần học gia nổi tiếng ở Pháp là bà Janine Hourcade vừa xuất bản cuốn “Nữ Tính Vĩnh Tại: Nữ Giới Nhiệm Mầu ” (L'Eternel Féminin. Femmes Mystiques) do Carmel phát hành. Tác phẩm này được ĐHY Paul Poupard, chủ tịch Hội Đồng Văn Hóa của Tòa Thánh đề tựa. Những tác phẩm khác của cùng nữ tác giả này là “Phải Chăng Giáo Hội là Kẻ Ghét Nữ Giới?” (xuất bản năm 1990) và “Linh Mục Nữ Giới?” (xuất bản năm 1993). Theo bà, đã đến lúc cần phải công nhận tinh hoa của nư õgiới, “nữ tính mới”, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề ra. Sau đây là cuộc phỏng vấn của Zenit với nữ tác giả.

Vấn     Vào ngày 8/3, Liên Hiệp Quốc đã mời chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Phụ Nữ. Biến cố này có ý nghĩa ra sao theo quan điểm Kitô giáo?

Đáp     Ngày hôm đó, hết mọi Kitô hữu, dù là một người công dân bình thường hay một nhà lãnh đạo chính trị, cũng phải tỏ ra thái độ yêu mến và chú trọng tới nữ giới, tới những người ở bên họ như là người vợ, người mẹ, người chị, người công dân hay người thuộc thẩm quyền của họ; cũng như đến những người bị cách biệt bởi không gian hay chủng tộc.

Trên hết, Kitô hữu cần phải sống nhiệm vụ này như Chúa Giêsu là Đấng đã cho thấy Người hết sức quan tâm và nhân ái với nữ giới.

Vấn     Bà vừa xuất bản một cuốn sách về nữ giới. Bà muốn truyền đạt những gì vậy?

Đáp     Cuốn sách của tôi được bắt đầu bằng việc suy tư về vấn đề “nữ tính vĩnh tại”, một kiểu diễn tả của Goethe, vị đã nói rằng “nữ tính vĩnh tại lôi kéo chúng ta đến tuyệt đỉnh”.

Theo ý nghĩa của một thứ “nữ tính vĩnh tại” này, những người phụ nữa đã đánh dấu lịch sử Giáo Hội, từ Thánh Genevieve tới Mẹ Têrêsa Calcutta, đều cho thấy những biểu hiệu của một thứ nữ tình ở tầm mức được hoàn trọn.

Nữ tính của các vị đã không ngăn cản các vị trong việc thi hành những vai trò thuộc lãnh vực đầu tiên về chính trị, xã hội, giáo hội và đạo giáo.

Đối với chúng tôi thì các vị ấy là một bài học đích đáng cho thấy rằng nữ giới không cần phải làm linh mục mới có quyền lực về phẩm trật trong việc thi hành một vai trò quan trọng trong Giáo Hội cũng như trên thế giới. Bởi thế mà những cuộc chiến đấy và những bất mãn theo ý nghĩa này đều là những gì vô bổ.

Vấn     Đức Gioan Phaolô II vừa cử hành 25 năm giáo triều của Ngài. Bà đã cảm phục nhất về vị Giáo Hoàng này ở những giáo huấn của Ngài về nữ giới cũng như ở những cử chỉ của Ngài đối với nữ giới?

Đáp     Nhiều điều phải nói về các thứ giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II về nữ giới. Hết mọi người phụ nữ cần phải biết ơn Ngài về điều này. Ngài đã giảng dạy về phẩm vị của nữ giới, về niềm tin vô hạn vào “các tinh hoa của nữ giới”, nơi những văn kiện chính yếu cũng như riêng tư.

Lần đầu tiên Ngài đã sử dụng kiểu diễn tả “các tinh hoa của nữ giới” này trước mặt bà Maria Antonietta Macciochi, giáo sư đại học và là vị phó đại biểu Âu Châu nhưng theo chủ nghĩa Các Mác và phong trào nữ giới. Làm sao phụ nữ chúng ta trong thế kỷ 21 này lại không bị cuốn hút vào cuộc thách đố Ngài đã đề ra cho chúng ta chưa, đó là cuộc thách đố sống một thứ nữ tính mới, một thứ nữ tính không bị chi phối bởi chiến đấu tính diệt vong cũng như bởi sự lụy thuộc đớn hèn vào tiên tổ?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 4/3/2004
 

Nữ Tân Chủ Tịch Học Viện Tòa Thánh Về Khoa Xã Hội

ĐTC GPII đã bổ nhiệm bà Mary Ann Glendon, giáo sư Trường Luật Đại Học Harvard làm chủ tịch của Học Viện Tòa Thánh Về Khoa Xã Hội. Bà là người nữ đầu tiên lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh ở Hội Nghị Về Nữ Giới ở Bắc Kinh năm 1995 do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Bà vào đời ngày 7/10/1938 ở Pittsfield, Massachusetts, có gia đình và sinh được 3 người con gái. Bà dạy luật ở Đại Học Boston và là giáo sư cho cả Đại Học Chicago cũng như Đại Học Gregorian của Tòa Thánh và Đại Học Regina Apostolorum của Tòa Thánh ở Rôma. Bà từng là phần tử của học viện này ngay từ khi nó được thành lập, 19/1/1994.

ĐTC GPII đã thành lập học viện này bằng văn kiện “Socialum Scientiarum”, với mục đích, như Ngài phác họa ở khoản thứ nhất trong văn kiện là “để cổ võ việc học hỏi và tiến bộ nơi những khoa học về xã hội, kinh tế, chính trị và pháp luật theo chiều hướng tín lý về xã hội của Giáo Hội”. Ngài đã chỉ định từ 20 tới 40 phần tử làm nên học viện này. Hiện nay có tất cả 24 quốc gia bất phân biệt giáo phái có chân trong học viện này. Học viện hoạt động biệt lập, tuy nhiên, nếu cần, cũng hợp tác với cả Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Về Công Lý Và Hòa Bình nữa.

Bà tân chủ tịch từng nghiên cứu về lãnh vực đạo đức sinh học, lãnh vực nhân quyền, lãnh vực so sánh hiến pháp luật giữa Hoa Kỳ và Âu Châu, cũng như lãnh vực về lý thuyết của luật lệ. Bà là phần tử của Hội Đồng Đạo Đức Sinh Học của Tổng Thống Bush. Bà là vị chủ tịch thay cho Edmond Malinvaud là người thuộc Cơ Viện Quốc Gia Về Thống Kê Và Nghiên Cứu Kinh Tế ở Paris. Bà là người phụ nữ thứ hai được ĐTC bổ nhiệm làm chủ tịch của một học viện của tòa thánh sau một phụ nữ người Ý là Letizia Pani Ermini, chủ tịch học viện về Khảo Cổ Học mới được bổ nhiệm vào Tháng 5/2003.