GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 14 Chúa Nhật

 

Càng Thánh Thiện Càng Cần Phải Cải Thiện

 
Chúa Nhật III Mùa Chay Năm C

 

Theo ý nghĩa Mùa Chay, Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay mới thực sự là Chúa Nhật Giáo Hội muốn kêu gọi con cái mình ăn năn cải thiện đời sống qua các bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc. Hai Chúa Nhật trước, hai Chúa Nhật mở màn cho Mùa Chay 6 tuần lễ, Giáo Hội cho chúng ta thấy hai mầu nhiệm tương phản của Chúa Kitô, một Chúa Kitô chay tịnh khổ hạnh ở Chúa Nhật Thứ Nhất và ngay sau đó là một Chúa Kitô biến hình vinh hiển trên núi cao ở Chúa Nhật thứ hai. Giáo Hội có ý đặt hai mầu nhiệm này gần nhau là để cho Kitô hữu thấy được Linh Đạo Vượt Qua của mình, một linh đạo cho thấy ý nghĩa và giá trị cũng như đích điểm của việc bỏ mình và cải thiện đời sống của Kitô hữu. Đối với Kitô giáo và tinh thần Chúa Kitô thì bỏ mình không phải là tự diệt mà là để sinh hoa trái, để có thể lâm bồn sinh con. Đó là lý do trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay Năm C tuần này, sau khi nói đến việc cần phải ăn năn hối cải, Chúa Giêsu nói đến dụ ngôn cây vả cần phải sinh hoa kết trái, bằng không sẽ bị đốn đi. Bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay Năm C tuần này thuật lại việc Chúa Giêsu dạy con người phải lợi dụng những sự dữ xẩy ra cho người khác như dịp tốt để tự kiểm điểm bản thân mà cải thiện đời sống cho tốt lành hơn.

Đó là lý do, bài Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã thẳng thắn bảo cho thành phần đến thuật vụ Philatô sát hại một số người Galilê biết rằng họ đã có một mặc cảm hay tâm tưởng tự mãn hoàn toàn sai lầm và hết sức nguy hiểm. Ở chỗ, họ cho rằng không có lửa làm sao có khói, tức là những người gặp hoạn nạn như thế là do bởi tội lỗi của những người ấy, mà họ không gặp hoạn nạn như những người ấy tức là họ không có tội lỗi như những nạn nhân ấy, và một khi không có lỗi, không phạm tội đến nỗi cần phải lãnh chịu một hậu quả như thế, thì họ không cần phải cải thiện, không cần phải ăn năn hối cải!

Theo chiều hướng của bài Phúc Âm hôm nay và căn cứ vào những lời Chúa Giêsu dạy ở phần thứ hai của bài Phúc Âm này thì thành phần không gặp hoạn nạn khốn khổ chưa chắc đã tốt lành hơn những nạn nhân trong cuộc, bởi thế, ai cũng cần phải cải thiện đời sống.

Mà việc cải thiện đời sống không phải chỉ là một nhu cầu tiêu cực, ở chỗ tránh tội hay giữ mình không phạm tội là đủ, mà là một nhu cầu tích cực, ở chỗ sống trọn lành hơn, qua việc sinh hoa kết trái, qua việc chẳng những lánh dữ mà còn làm lành, làm những việc bác ái yêu thương, điển hình như việc làm phúc bố thí chẳng hạn (x Is 58:6-7).

Vì cải thiện đời sống ở tại chỗ sinh hoa kết trái, ở chỗ sống bác ái yêu thương chứ không phải chỉ ở chỗ ăn chay, hy sinh, hãm mình, cầu nguyện, bởi thế như cây vả xum xuê sẽ bị đốn đi vì không sinh hoa kết trái thế nào, con người ta cũng bị trừng phạt như thế, như trường hợp được Chúa Giêsu nêu lên làm gương trong dụ ngôn người đầy tớ đem chôn nén bạc của mình không chịu sinh lời cho chủ (x Mt 25:24-28).

Tuy nhiên, việc cải thiện đời sống là một việc khó chứ không phải dễ, cần phải có thời gian. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự nên thông cảm với con người bất toàn và yếu đuối về điều này. Đó là lý do thái độ nhẫn nại của Thiên Chúa và thời gian nhẫn nại của Ngài là để chờ con người sinh hoa kết trái vậy, đúng như phần cuối của bài Phúc Âm hôm nay cho thấy.

Vấn đề Tội Lỗi và Trừng Phạt

Những gì Chúa Giêsu phán dạy trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến căn nguyên làm cho con người không chịu ăn năn hối cải và vì thế họ đáng bị trừng phạt, một thứ trừng phạt không bởi Chúa vô cùng từ bi nhân ái, mà là bởi chính họ tự gây ra và chuốc lấy cho mình.

Thật vậy, kính thưa quí vị, tất cả những gì bất hạnh xẩy ra cho con người ta trên trần gian này nói chung, nhất là cho thân xác con người nói riêng, cả về thiên tai, như vụ tháp Siloê đổ xuống chết người, hay về nhân tai, như vụ Philatô sát hại dân chúng, theo nguyên tắc chung, đều là sự dữ thể lý, những sự dữ bởi nguyên tội mà ra, thế nhưng, trên thực tế, những sự dữ ấy lắm khi không hẳn hay hoàn toàn không phải bởi tội lỗi của thành phần nạn nhân. Đúng thế, những sự dữ về nhân tai lắm khi không hẳn bởi tội lỗi của nạn nhân, chẳng hạn như trường hợp họ bị Philatô giết oan; và những sự dữ về thiên tai hoàn toàn không phải bởi tội lỗi của nạn nhân, chẳng hạn như trường hợp họ bị tháp Siloe đè chết. Trái lại, những sự dữ con người phải chịu, điển hình là trường hợp của người bị mù từ thuở mới sinh, như Chúa Giêsu khẳng định với các tông đồ trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 9 câu 3: “Không phải bởi tội lỗi của anh ta hay của cha mẹ anh ta mà là để cho việc Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta”. Chính vì thế, trong bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu mới nhấn mạnh với thành phần thuật lại cho vụ Philatô sát hại ấy người Galilê rằng: “Quí vị đừng tưởng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê?” Thế rồi lợi dụng dịp này, Người khuyên bảo họ: “Tôi cho quí vị hay, không phải thế đâu. Nhưng nếu quí vị không ăn năn hối cải, thì tất cả quí vị cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”.


Đúng thế, nếu sự dữ tạm thời ở trên đời này (như về nhân tai) không hẳn do bởi tội lỗi của nạn nhân, và lại càng hoàn toàn không phải (như về thiên tai) bởi tội lỗi của cá nhân thành phần nạn nhân, thì sự dữ muôn đời muôn kiếp là tình trạng bi hư đi trong hỏa ngục, một sự dữ trên hết mà chúng ta hằng xin Chúa cứu chúng ta thoát khỏi ở câu kết trong Kinh Lạy Cha: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, chính là do bởi tội lỗi của mỗi một người. Chính vì thế, hình ảnh của thành phần hư đi được Chúa Giêsu diễn tả 6 lần Phúc Âm Thánh Mathêu (8:12; 13:42, 50; 22:13; 24:51; 25:30), và 1 lần trong Phúc Âm Thánh Luca ở đoạn 13 câu 28, đó là thành ngữ: “khóc lóc và nghiến răng”. Sở dĩ thành phần bị hư đi đời đời “khóc lóc” vì vô cùng khổ đau, ở chỗ không đạt được cùng đích vĩnh cửu của mình là Thiên Chúa Hằng Sống Vô Cùng Thiện Hảo; và sở dĩ họ “nghiến răng” là vì họ tự trách mình, như con người khi còn sống bị lương tâm cắn rứt khi làm điều gì sai trái vậy. Tình trạng bị hư đi đời đời này, theo ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói hai lần trong đoạn 9 của bài Phúc Âm hôm nay, một ở câu 3 và câu 5, đó là tình trạng “bị hủy diệt”, một tình trạng bị hủy diệt chẳng những linh hồn mà cả thân xác nữa, như Chúa Giêsu khẳng định trong Phúc Âm Thánh Mathêu ở đoạn 10 câu 28: “Các con đừng sợ những người chỉ giết được thân xác mà không sát hại được linh hồn, song hãy sợ Đấng có quyền hủy diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”.

Ngày nay người ta có khuynh hướng không tin có hỏa ngục, một là vì họ chấp nhận thuyết đầu thai luân hồi, hai là vì họ không tin tưởng thần linh và đời sau theo chủ thuyết vô thần duy vật, ba là vì vị họ tin vào Thiên Chúa là Tình Yêu nên Ngài không thể nào lại nỡ trừng phạt con cái mình đời đời khốn nạn như vậy v.v. Đúng thế, chính vì “Thiên Chúa là tình yêu”, như Thánh Gioan Tông Đồ đã cảm nhận và định nghĩa trong Thư Thứ Nhất ở đoạn 4, câu 8 và 16, mà “nơi Ngài không hề có tối tăm”, như Thánh Gioan cũng xác nhận trong cùng Bức Thư ở đoạn 1 câu 5, nghĩa là không có sự chết, không có sự dữ, không có án phạt. Sở dĩ con người bị phạt là vì họ đã không chấp nhận tình yêu của Ngài, không chấp nhận ân sủng cứu độ của Ngài, nên tình yêu của Ngài đã nên án phạt cho họ, như ánh sáng mặt trời tự bản chất là tốt, song đối với kẻ đau mắt lại là một hình khổ mà họ phải tránh xa, không dám nhìn. Đó là lý do, trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 3 câu 17 đến 19, Chúa Giêsu đã minh định với Nicôđêmô thế này: “Thiên Chúa không sai Con đến thế gian để luận phạt thế gian mà là để thế gian nhờ Con mà được cứu. Ai tin vào Con thì khỏi bị luận phạt, còn ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một của Thiên Chúa. Luận phán tuyên phạt là thế này, đó là ánh sáng đã đến trong thế gian, song con người ta lại chuộng tối tăm hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều là những việc gian ác”.

Như thế, sự dữ vĩnh tử vô cùng bất hạnh này không bao giờ xẩy đến cho thành phần tội nhân nói chung, nếu họ giống như người thu thuế trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện, biết hạ mình xuống trước nhan Chúa ăn năn thống hối với tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung của mình, mà chỉ xẩy ra cho riêng thành phần không chịu ăn năn hối cải, một là vì họ bị mặc cảm hoàn toàn tuyệt vọng, như trường hợp tông đồ Giuđa bán Chúa, hai là vì mặc cảm quá ư tự mãn đến nỗi sống trong tình trạng cằn cỗi thiêng liêng mà không biết, như trường hợp cây vả xum xuê hoa lá cành mà không sinh hoa kết trái gì hết, nên đáng bị đốn đi như dụ ngôn hôm nay Chúa nói tới, hay như Chúa đã có lần thực sự nguyền rủa một cây vả bên đường làm cho nó chết đứng vì không có trái như thế.

Bởi thế, theo tôi, những người còn cảm thấy cần phải cải thiện là những người còn ý thức tội lỗi, và là những người cảm thấy rằng càng thánh thiện càng cần phải cải thiện, vì càng gần “Thiên Chúa là ánh sáng” (1Jn 1:5), chúng ta mới càng thấy được mình vô cùng bất xứng, khốn nạn và tội lỗi. Đó là lý do các thánh mới năng xưng tội, hằng ngày, hằng tuần, trái lại, càng xa Chúa, càng tối tăm, càng cảm thấy mình “có tội gì đâu mà xưng”!

Vấn đề Đau Khổ và Cứu Độ


Vấn đề của bài Phúc Âm hôm nay còn có thể được đặt ra là tại sao Thiên Chúa vô cùng toàn hảo, khôn ngoan và toàn năng lại có thể để sự dữ bất hạnh xẩy ra cho con người, chẳng hạn như trường hợp được nhắc đến trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến cả thiên tai và nhân tai? Trong hai sứ điệp đầu năm 2004, một gửi cho thành phần bệnh nhân trong Ngày Thế Giới Bệnh Nhân Thứ XII, 11/2/2004, và một gửi cho Giáo Hội hoàn vũ về Mùa Chay 2004 với chủ đề “ai tiếp nhận một trẻ nào như những trẻ này là tiếp nhận Thày”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã nêu lên vấn nạn này như sau:

“Có những thành phần giới trẻ đã bị xúc phạm nặng nề bởi hành động bạo lực của người lớn: như việc lạm dụng tình dục, bắt làm gái điếm, dính dáng đến việc buôn bán và sử dụng thuốc nghiện; bị bắt lao động và gia nhập hàng ngũ chiến đấu; luôn phập phồng về tình trạng gia đình bị đổ vỡ; bị lọt vào việc buôn bán các bộ phận con người và con người. Còn thảm cảnh hội chứng liệt kháng AIDS cùng với các hậu quả tàn hại của nó ở Phi Châu nữa thì sao? Người ta nói rằng hằng triệu người hiện nay đang bị cơn khổ nạn này hành hạ, nhiều người đã bị lây nhiễm từ khi mới sinh. Nhân loại không thể nhắm mắt làm ngơ trước một thảm cảnh hết sức thượng tâm này!

“Những trẻ em này đã làm sự xấu nào mà lại phải gánh chịu khổ đau như thế? Theo quan điểm nhân loại thì không dễ gì, thật sự là không thể, giải đáp vấn nạn nhức nhối này. Chỉ có đức tin mới khiến chúng ta bắt đầu hiểu được vực thẳm rất sâu xa của khổ đau mà thôi. Bằng việc ‘vâng lời cho đến chết cho dù chết trên thập giá’ (Phil 2:8), Chúa Giêsu đã gánh chịu khổ đau nơi bản thân mình và đã chiếu tỏ nó bằng ánh sáng rạng ngời của việc Người phục sinh. Người đã hoàn toàn chiến thắng tử thần bằng cái chết của Người” (Sứ Điệp Mùa Chay 2004, đoạn 3 và 4).

“Trong Tông Thư ‘Salvifici Doloris’, Tôi đã nhận định rằng đau khổ là những gì thăng trầm của con người nam nữ trong suốt giòng lịch sử mà họ cần phải biết chấp nhận và thắng vượt nó (cf. No. 2: [11 February 1984]; L'Osservatore Romano English Edition [ORE], 20 February, p. 1). Tuy nhiên họ làm sao có thể thực hiện được điều này nếu không nhờ Thập Giá Chúa Kitô?

“Nơi cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đấng Cứu Chuộc, khổ đau của nhân loại tìm thấy được ý nghĩa sâu xa nhất của mình cùng với giá trị cứu độ của nó. Tất cả mọi gánh nặng của khổ ải và đau đớn của nhân loại được tóm lại nơi mầu nhiệm của một Vị Thiên Chúa, khi mặc lấy bản tính loài người, đã ‘trở thành tội lỗi… vì chúng ta’ (2Cor 5:21) một cách nhục nhã. Trên Golgotha Người đã gánh lấy tội lỗi của hết mọi con người tạo sinh, và Người đã kêu lên cùng Chúa Cha trong nỗi tủi thân và niềm phó thác là ‘Tại sao Cha lại bỏ rơi con?’ (Mt 27:46).

“Từ cái mâu thuẫn của Thập Giá đã phát xuất ra câu giải đáp cho những vấn đề rắc rối nhất của chúng ta. Chúa Kitô đã chịu khổ vì chúng ta. Người đã mang lấy nơi bản thân Người các thứ khổ đau của hết mọi người và cứu chuộc chúng. Chúa Kitô chịu khổ với chúng ta, cho chúng ta được thông phần đau khổ của chúng ta với đau khổ của Người. Liên kết với đau khổ của Chúa Kitô, đau khổ của nhân loại trở thành phương tiện cứu độ; đó là lý do tại sao tín hữu có thể cùng với Thánh Phaolô nói rằng ‘Giờ đây tôi vì anh em vui mừng chịu đựng đau khổ của mình, và tôi hoàn tất nơi xác thịt của mình những gì còn thiếu nơi những đau thương của Chúa Kitô phải chịu vì thân thể của Người là Giáo Hội’ (Col 1:24). Được chấp nhận bằng đức tin, đau đớn trở thành cửa ngõ tiến vào mầu nhiệm khổ đau cứu chuộc của Chúa Kitô; một khổ đau không còn làm mất đi sự bình an và hạnh phúc vì nó được chiếu tỏa bởi ánh quang của Cuộc Phục Sinh” (Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2004, đoạn 4).

Thật vậy, ngoài đức tin con người chẳng những không thể nào chịu được khổ đau mà còn không thể nào hiểu được và giải được vấn nạn khổ đau nữa. Theo giáo lý của Phật giáo thì “đời là bể khổ”, mà khổ là do “tham, sân, si” nơi con người, nên muốn thoát khổ con người cần phải “diệt dục” ngay khi còn sống để có thể được “giác ngộ” như Phật tổ, bằng không, cho tới khi chết mà vẫn còn “nghiệp chướng” thì phải “đầu thai luân hồi” cho tới khi hoàn toàn thoát hết nợ trần, trả hết nghiệp kiếp của mình mới được vào cõi “niết bàn”. Tiện đây, người Công Giáo chúng ta cũng nên phân biệt giáo lý và tinh thần của Kitô giáo khác với chủ trương của Tam Giáo Khổng-Lão-Phật ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.


Đối với Khổng giáo, Kitô giáo hợp với Khổng giáo ở chủ trương và hoạt động dấn thân phục vụ con người để cải cách xã hội, thế nhưng, đường lối và tinh thần phục vụ của Kitô giáo hoàn toàn khác hẳn, ở chỗ, đối với Kitô giáo, làm đầu là làm cuối, người trên hy sinh cho người dưới, “quân, sư, phụ” phải quì xuống rửa chân cho các môn sinh của mình. Đối với Lão giáo, Kitô giáo cũng chủ trương thoát tục, vô vi thanh tịnh, sống bình an tự tại theo thiên ý, nhưng không phải chỉ để hưởng nhàn và khỏi bị quấy nhiễu, mà là để chẳng những biết được thiên ý muốn gì và có dồi dào sinh lực hơn trong việc hoàn tất thiên ý, dù có phải hy sinh vào đời và cho đời; đó là lý do đi tu theo Kitô giáo là yêu đời chứ không phải là chán đời, nhất là không phải chỉ vì khinh đời. Đối với Phật giáo, Kitô giáo cũng chủ trương diệt dục, được gọi là bỏ mình, nhưng Kitô giáo không sợ đau khổ; cho dù có tìm hết cách để tránh lánh khổ đau tự bản chất vốn là sự dữ phản lại với bản tính tự nhiên vốn hướng về chân thiện mỹ của mình, Kitô giáo vẫn sẵn sàng chấp nhận khổ đau là hậu quả của tội lỗi để biến nó thành phương tiện cứu độ cho mình và cho tha nhân; đó là lý do Kitô giáo chủ trương diệt dục hay hãm mình và bỏ mình là để có khả năng chịu được khổ đau, có thể vác thập giá, nhất là được như hạt lúa miến mục nát đi mới sinh muôn vàn hoa trái, tức là được Vượt Qua từ sự chết mà vào sự sống như chính Vị Giáo Tổ Phục Sinh của mình.

Ngoài ra, theo tu đức Kitô giáo, chính Thiên Chúa muốn sử dụng khổ đau chẳng những để làm cho con người được siêu thoát, được thanh tẩy khỏi những tục lụy hầu có thể tiến tới chỗ thần hiệp với Ngài, mà còn, sau khi họ được thần hiệp với Ngài, Ngài vẫn còn tiếp tục dùng khổ đau để làm cho họ sinh hoa kết trái hơn nữa, như cành nho đã sinh trái càng bị tỉa đi cho sai trái hơn (x Jn 15:2). Đó là lý do chúng ta thấy không một vị thánh Kitô giáo nào mà không phải trải qua thấm thía đau khổ, trải qua tăm tối cuộc đời. Thậm chí càng khổ đau càng nên trọn lành, càng nên giống Chúa Kitô, Đấng là chính Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể, nhưng cũng đã phải kêu lên trên thập giá “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa lỡ bỏ rơi con” (Mt 27:46), Đấng cũng đã liên kết việc ngồi bên hữu và bên tả của Người, như một Đức Maria đồng công cứu chuộc đứng dưới chân thập giá của Người (x Jn 19:25), tức Người đã liên kết tình trạng sống thân mật với Người nhất và nên giống Người nhất đó là được cùng Người uống chén khổ đau (x Mt 20:21-23), hay được dự phần với Người, một vinh dự cần phải được Người thanh tẩy cho trước họ mới có tư cách và khả năng tham hưởng (x Jn 13:8), một vinh dự mà đích thân Người phải dọn sẵn ra cho họ bằng chính cuộc Vượt Qua Tử Giá, như việc “Thày đi để dọn chỗ cho các con”, đến vinh quang Phục Sinh, như việc “Thày sẽ trở lại để đem các con đi để Thày ở đâu các con cũng ở đó” (Jn 14:3), như trường hợp điển hình của vị trưởng tông đồ đoàn Phêrô sau cuộc đời “theo Thày” làm đầu là phục vụ đã được phúc chết giống như Người (x Jn 21:18-19).

Thật vậy, ngay từ ban đầu “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16) đã dựng nên con người là để cho họ được trường sinh vinh phúc, chứ không phải để đọa đầy con người. Sở dĩ con người phải chịu khổ trên đời này và cuối cùng phải chết là vì tội lỗi của họ, được gọi là nguyên tội. Thế nhưng, cũng chính vì Thiên Chúa vô cùng toàn thiện, khôn ngoan và toàn năng mà Ngài đã biến sự dữ do con người gây ra thành sự lành cho họ, tức Ngài đã biến tội lỗi và sự chết (cùng với tất cả mọi khổ đau) là hậu quả của tội lỗi, một tình trạng tội lỗi và sự chết được biểu hiệu nơi cây thập giá, hình phạt giành cho thành phần tử tội dưới chế độ của Đế Quốc Rôma, trở thành ân phúc và sự sống cho họ, nhờ cuộc Vượt Qua của Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể.

Như thế, nhờ Lời Nhập Thể là Thiên Chúa Thần Linh vô cùng toàn hảo mặc lấy xác thể con người mà thân xác của con người đã được thần linh hóa, do đó con người càng thấp hèn trước mắt thế gian càng giống Ngài, thậm chí ai không tôn trọng và giúp đỡ họ là phủ nhận Ngài (x Mt 25:45); nhất là nhờ cuộc Tử Giá và Phục Sinh của Vị Thiên Chúa toàn năng này mà tất cả những bất hạnh, thậm chí kể cả những tội lỗi của con người, đã được cứu chuộc và thánh hóa, và thân phận yếu đuối của con người, nhờ phép rửa, còn được mặc lấy quyền năng vô địch của Đấng Phục Sinh (x Mt 28:18), để họ có thể làm chủ tất cả mọi sự dữ, như được Chúa Giêsu đề cập tới trong đoạn cuối cùng của Phúc Âm Thánh Marcô, đó là có thể trừ quỉ, chữa lành bệnh tật, bắt rắn trong tay và uống phải độc dược cũng không sao (x Mk 16:17-18). Đó là lý do, đối với thập giá đã trở thành Thánh Giá, đau khổ trở thành quyền linh này, Kitô hữu chẳng những không được sợ thánh giá đau khổ, trái lại, như Thánh Tông Đồ Dân Ngoại, còn phải hiên ngang tuyên bố rằng: “Tôi không hãnh diện về bất cứ điều gì ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô!” (Gal 6:14).


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL