GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 15 Thứ Hai

 

Huần Từ Truyền Tin về biến cố khủng bố tấn công ở Tây Ban Nha

Kể từ ngày Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay 14/3/2004, ĐTC GPII đã làm giáo hoàng được 9281 ngày, tức 25 năm 4 tháng và 18 ngày, qua mặt Đức Lêô XIII, vị đã cai trị Giáo Hội 25 năm và trên 4 tháng (18/2/1878-20/7/1903, hưởng thọ 94 tuổi). Ngài chỉ thua Đức Piô IX (trên 30 năm: 16/6/1846-7/2/1878, hưởng thọ 86 tuổi) và Thánh Phêrô, Giáo Hoàng tiên khởi (35 năm) mà thôi. ĐTC GPII được bầu làm giáo hoàng ở vào tuổi 58, vị giáo hoàng trẻ nhất thế kỷ 20 và là vị giáo hoàng không phải người Ý từ Đức Adrian VI người Hòa Lan năm 1552.

Chúa Nhật 3 Mùa Chay, 14/3/2004, ĐTC đã lợi dụng bài huấn từ trước khi nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật hằng tuần để nói về biến cố khủng bố tấn công ở Tây Ban Nha mới xẩy ra hôm Thứ Năm trong tuần trước đó, một nhân tai gây thiệt mạng cho 200 người và thương tích cho hơn 1400 người.

“Trước hành động thật là dã man như thế, người ta cảm thấy hết sức hoang mang cho rằng làm thế nào tinh thần con người ta lại có được những thứ trọng tội quá sức như thế.

“Trong khi khẳng định việc hoàn toàn lên án những hành động bất khả biện minh này, một lần nữa Tôi xin bày tỏ mối đau buồn của Tôi với họ hàng thân quyến của các nạn nhân cũng như việc Tôi liên kết với họ trong lời nguyện cầu cho những ai bị thương tích cùng với các người thân yêu của họ.

“Chứng từ đoàn kết với nhau nổi lên trên khắp nước Tây Ban Nha hôm Thứ Sáu vừa rồi, cùng với sự tham dự của các vị thẩm quyền về chính trị ở khắp Âu Châu, đã là một tiếng vang làm rung động cả thế giới.

“Với sự góp phần hòa hợp của tất cả mọi lực lượng lành mạnh ở Lục Địa này người ta mới có thể tin tưởng nhìn về phía trước và hy vọng thấy được một tương lai tốt đẹp hơn.

ĐTC đặc biệt kêu gọi thành phần các tín đồ tin tưởng “vào Thiên Chúa, là Đấng Hóa Công và là Cha”, hãy dấn thân “hoạt động để xây dựng một thế giới huynh đệ và đoàn kết hơn, bất chấp những khó khăn và những chướng ngại họ có thể gặp phải trên con đường cần thiết và khẩn trương này”.

ĐTC cuối cùng đã xin cầu nguyện cho các nạn nhân của những cuộc tấn công, “cho quốc gia Tây Ban Nha thân yêu, cho Âu Châu cũng như cho toàn thế giới”.

ÐTC hết sức quan tâm đến
Khủng Bố Tấn Công ở Tây Ban Nha
 

Cuộc khủng bố tấn công xẩy ra vào cao điểm của Ngày Thứ Năm khi ba chiếc xe lửa khác nhau nổ gần giờ nhau vào lúc 8 giờ sáng ở phía nam của hệ thống đường rầy xe lửa thủ đô Ma Ní. Tất cả có 10 vụ nổ xẩy ra ở các trạm Santa Eugenia, El Pozo và Atocha và 3 trái bom khác được cảnh sát khám phá ra và hủy hoại. Cuộc nổ lớn nhất ở chuyến xe lửa tiến đến trạm xe lửa chính Atocha của thủ đô. Ngoài ra, các lực lượng an ninh còn khám phá ra và hủy hoại 4 quả bom khác. Chính phủ đã tuyên bố thực hiện tang chế toàn quốc trong 3 ngày.
 

Ai đã gây ra những cuộc khủng bố tấn công này? Theo Bộ Trưởng Nội Vụ Angel Acebes cho biết chính quyền đang điều tra một chiếc xe Van ở tỉnh Alcala de Henares, ngoài Ma Ní, có ít là 7 ngòi nổ và một cuốn băng tiếng Ả Rập về những giáo huấn của Sách Kinh Koran. Chiếc xe Van này bị đánh cắp tháng vừa rồi. Tuy nhiên, những cuộc tấn công này được nghi là do ETA thực hiện, vì trong 3 thập niên qua, họ đã sát hại 800 người ở Tây Ban Nha. Năm 1987, họ đã khủng bố tấn công bằng bom vào một siêu thị, sát hại 21 người. Trong tháng vừa qua chính quyền đã chặn được một chiếc xa Van chở 500 ký thuốc nổ trên đường vào Ma Ní, và trong tháng 12/2003, chính quyền cũng đã chặn đứng kịp một cuộc tấn công tương tự, với những vụ nổ cùng một lúc ở hệ thống đường rầy xe lửa. Cả hai vụ này đều có liên can đến ETA.
 

Tổng Thống Cuba Fidel Castro tố cáo chính quyền Tây Ban Nha đã lừa đảo nân dân của mình về cuộc khủng bố tấn công các chuyến xe lửa, để nắm phần thắng cử của mình vào Ngày Chúa Nhật 14/3/2004. Trong cuộc phỏng vấn tối Thứ Bảy với truyền hình Cuba, vị tổng thống này cho biết ông tin rằng những cuộc tấn công gây ra bởi “các tay cực đoan Hồi Giáo”, chứ không phải bởi những tay phân rẽ Basque như Thủ Tướng Jose Maria Aznar thoạt đầu công bố. Ông nói một cách ngang nhiên, ngược hẳn lại với chiều hướng cả thế giới đang tỏ ra liên kết cảm thông với Tây Ban Nha: “Cái trầm trọng ở đây đó là vấn đề dối trá, cái trầm trọng ở đây đó là việc đánh lừa dân tộc cao quí này khi họ đang trải qua khổ đau, khi họ đang bị chấn thương”.
 

Hai triệu người đã xuống đường ở Ma Ní. Một cảnh tượng tương tự cũng diễn ra ở thành phố Bilboa lớn nhất miền Basque của xứ Tây Ban Nha, cũng như ở Barcelona. Trong số những người xuống đường này có cả Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi, Thủ Tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, Chủ Tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu Romano Prodi và Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức Joschka Fischer. Thủ Tướng Tây Ban Nha Aznar tuyên bố bỏ ra 140 triệu đồng Âu (hay 171.2 triệu Mỹ kim) cho các gia đình nạn nhân, và chính quyền Tây Ban Nha kêu gọi xuống đường tối Thứ Sáu chống bạo lực.
 

Thế giới Tây Phương cũng tỏ ra thương cảm với Tây Ban Nha trước cuộc khủng bố tấn công này. Chẳng hạn ở Pháp, dọc theo biên giới Tây Ban Nha, lá cờ Pháp đã được hạ xuống nửa cột cờ. Ở Hoa Thịnh Đốn, vợ chồng Tổng Thống Bush cũng đến Tòa Lãnh Sự Tây Ban Nha đặt vòng hoa tưởng niệm biến cố này. Quốc Hội Đức cũng giành 1 phút thinh lặng tưởng nhớ đến các nạn nhân của cuộc khủng bố tấn công này, như Khối Hiệp Nhất Âu Châu đã làm. Những người Ý cũng xuống đường để tỏ tình đoàn kết với nước Tây Ban Nha. Cuộc khủng bố tấn công Tây Ban Nha này là cuộc tấn công sát hại kinh hoàng thứ hai ở Âu Châu kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Cuộc khủng bố kinh hoàng hơn là cuộc nổ bom ở Chuyến Bay Pan Am 103 trên không phận Lockerbie năm 1988, sát hại 259 người trên máy bay và 11 người dưới mặt đất. Ở Sidney, Úc Đại Lợi, hằng trăm trăm người Tây Ban Nha đã đeo giây rubăng đen khi tham dự lễ nghi ở khu phố Tây Ban Nha.

Ngay ngày xẩy ra cuộc khủng bố tấn công này, ĐHY Angelo Sodano Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, nhân danh ĐTC, đã gửi một bức điện văn đến ĐHY Antonio Maria Rouco Varela, TGM Ma Ní:
 

“Biết được tin buồn về những cuộc khủng bố tấn công ghê gớm xẩy ra sáng nay tại những trạm xe lửa ở Atocha, El Pozo del Tio Raimundo và Santa Eugenia trong thủ đô gây thiệt mạng cho rất nhiều người cũng như gây thương tích cho vô số công dân đang tên đường đi làm, và là một cuộc khủng bố tấn công nhận chìm một cách dã man rất nhiều gia đình và xã hội Tây Ban Nha nói chung vào một tình trạng buồn thảm, Đức Thánh Cha muốn lập lại việc mạnh mẽ và hoàn toàn lên án những hành động bất khả biện minh ấy phạm đến Thiên Chúa, phạm đến quyền lợi căn bản của sự sống, và làm hại tới việc chung sống an vui, một cuộc chung sống rất được mong muốn bởi các cộng đồng giáo hội cũng như bởi nhân dân Tây Ban Nha cao quí.

“Đức Thánh Cha, trong khi cầu nguyện cho việc an nghỉ của những linh hồn đã chết, hứa là lòng của Ngài luôn gắn bó với các gia đình đang thương khóc việc mất mát những người thân yêu của họ. Ngài đồng thời cũng xin ĐHY chuyển đến họ lời phân ưu của Ngài và lời Ngài chúc tốt đẹp nhất cho những ai bị thương tích được chóng lành mạnh.

“Trong khi khuyến khích nhân dân Tây Ban Nha yêu dấu tiếp tục cương quyết và không thất đảm trên con đường chung sống an vui và yên hàn, Ngài cầu xin Đức Mẹ bảo vệ tất cả mọi người, và Ngài ban cho hết mọi người phép lành tòa thánh như dấu hiệu lòng Ngài cảm thương và hy vọng”.
 

Khi ĐTGM Ma Ní đang đi thăm các nạn nhân bị khủng bố tấn công thì điện thoại của xe ngài vang lên. Đức Thánh Cha gọi để biết thêm tin tức về nạn nhân và các gia đình của nạn nhân. ĐTGM Antonio Rouco Varela đang đi thăm Bệnh Viện Princess đã trình ĐTC về tình hình tổng quát xã hội và Giáo Hội Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Cuộc tấn công đã gây ra cho 199 người thiệt mạng và 1.400 người bị thương. ĐTC nói: “Tôi rất lấy làm buồn”. Ngài cũng xin ĐTGM chuyển lời phân ưu của Ngài với Vua Juan Carlos I và phép lành của Ngài cho toàn thể nhân dân Tây Ban Nha.
 

ĐTC đã cố gắng gọi cho ĐTGM từ tối Thứ Năm nhưng không được vì ĐTGM đang di chuyển. Khi cuộc khủng bố tấn công xẩy ra thì ĐTGM đang ở Rôma tham dự đại hội của Hội Đồng Tòa Thánh Về Văn Hóa. Không thể liên lạc được với ĐTGM, ĐTC đã gọi đến tư gia của vị tổng giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Joaquín Navarro-Valls để muốn biết thêm tin tức mới nhất. Ngài đặc biệt muốn biết các gia đình của người chết ra sao. Vị giám đốc này cho biết ĐTC bảo ông rằng “Hãy cho tất cả mọi người Tây Ban Nha biết rằng ĐGH rất gần gũi với họ, Ngài đang cầu nguyện, và Ngài cảm thấy rất gắn bó với tất cả mọi gia đình”.
 

Khủng Bố Tấn Công cơ sở của Tam Điểm ở thành phố Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ

Theo phóng viên CNN Eyup Karasakal thì vào lúc 10 giờ 30 đêm ngày Thứ Ba 9/3/2004, một cuộc nổ bom xẩy ra ở khu Á Châu của thành phố Istanbul sau khi hai người đàn ông gây thương tích cho nhân viên giữ an ninh canh cửa.

Thống đốc của thành phố này là ông Muammer Guler xác nhận với các phóng viên báo chí rằng có hai kẻ tấn công nhân viên gác cổng và nhào vô bên trong bắn loạn xạ trước khi cho nổ bom. Một trong hai kẻ tấn công đã bị thiệt mạng và cả người giúp bàn trong nhà hàng của cơ sở Tam Điểm này nữa. Tên khủng bố còn lại bị thương. Có tất cả 40 người đang ở trong nhà hàng này lúc bấy giờ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra và nghi rằng vụ này có dính dáng đến tổ chức gây ra những vụ khủng bố vào Tháng 11/2003, tức bốn vụ tấn công vào đền thờ Do Thái và những người Hiệp Vương Quốc làm thiệt mạng 60 người ở thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ đã qui trách cho tổ chức khủng bố quốc tế al Qaeda.