GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 16 Thứ Ba

 

 

ĐTC dâng lễ và cầu nguyện cho thành phần nạn nhân bị khủng bố tấn công ở Tây Ban Nha

Ngay sau trưa ngày Thứ Hai 15/3/2004, vị giám đốc của văn phòng báo chí tòa thánh đã cho biết: “ĐTC một lần nữa đã cử hành Lễ cầu cho linh hồn các nạn nhân của cuộc khủng bố tấn công ở Tây Ban Nha được yên nghỉ. Ngoài ra, vào buổi trưa, Ngài đã ngừng lại trong giây lát để tưởng niệm, hướng tinh thần về tất cả những ai đang chịu khổ vì cuộc khủng bố tấn công này, cùng cầu nguyện cho những ý chỉ của họ”.

Thật vậy, trong lúc cả Âu Châu thinh lặng tưởng nhớ đến 200 người đã bị thiệt mạng thì ĐTC đã quì trong nguyện đường của Ngài để hiệp ý cầu nguyện. Và sau 3 phút thinh lặng khắp Châu Âu này, trong khi đó ĐTC vẫn tiếp tục cầu nguyện trong nguyện đường của mình, Đài Phát Thanh Vatican đọc lời kinh Ngài đã sử dụng sau biến cố khủng bố tấn công Hoa Kỳ ngày 11/9/2001.

“Ôi Thiên Chúa Toàn Năng và Xót Thương, thành phần gieo rắc bất hòa không thể nào hiểu được Chúa, thành phần ưa chuộng bạo lực không thể nào chấp nhận được Chúa. Xin Chúa hãy nhìn đến tình trạng khổ đau của nhân loại, một tình trạng bị thử thách bởi những hành động dã man của khủng bố và chết chóc. Xin Chúa hãy an ủi con cái của Chúa và hãy hướng lòng của chúng con về niềm hy vọng, nhờ đó thời đại của chúng con lại thấy được những tháng ngày yên hàn và an vui. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con”.
 

 

ĐTC với Các Vị Giám Mục Hòa Lan về việc rao giảng Phúc Âm cho một xã hội khao khát thiêng liêng

Thứ Sáu 12/3/2004, ĐTC đã tiếp các vị giám mục Hòa Lan nhân dịp các vị viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên. Hàng giám mục nước này vừa cử hành kỳ niệm 150 năm hàng giáo phẩm ở đây được tái thiết lập. Trong bài huấn từ của mình, căn cứ vào bản tường trình của các v ị liên quan đến vấn đề tục hóa, đến việc loan truyền và làm chứng cho Chúa Kitô, đến việc canh tân trong Giáo Hội ở Hòa Lan cũng như đến cuộc khủng hoảng về ơn gọi. Sau đây là những điểm chính yếu tiêu biểu trong bài huấn từ của Ngài:

Xứ sở của quí huynh vẫn đang trải qua một hiện tượng tục hóa thật nhiều trong 30 năm rồi, một hiện tượng lan tràn đến Giáo Hội Công Giáo như ngọn lửa hoang dại và bất hạnh thay vẫn cứ tiếp tục làm nên xã hội Hòa Lan”, một hiện tượng làm giảm bớt con số tín hữu một cách trầm trọng. Ngài đã nhắc lại biến cố công nghị đặc biệt của hàng giáo phẩm này ở Rôma năm 1980 để bày tỏ mối quan tâm về tình hình Giáo Hội nguy ngập như thế.

ĐTC nhấn mạnh đến nhu cầu cần các gia đình, giáo xứ và học đường Công Giáo phải liên lỉ ở khắp nơi “rao giảng Phúc Âm hy vọng”, “rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho giới trẻ về tình yêu của Chúa Kitô... thành phần đang sống trong một xã hội mang đặc tính của một thứ luân lý tương đối cũng như của tính cách tôn giáo đa dạng”. Ngài kêu gọi “giáo huấn của Kitô giáo hãy bảo trì và củng cố căn tính riêng của mình, bằng việc hòa hợp nó với vô vàn những đòi hỏi mới về giáo dục giữa một xã hội đa diện, bằng việc tôn trọng kẻ khác, song không loại trừ ban cho nó tầm vóc phong phú nguyên khôi”.


“Làm nhân chứng cho Chúa Kitô bằng lời nói cũng như việc làm là một trách nhiệm chung của tất cả mọi người đã lãnh nhận bí tích rửa tội và bao gồm một số điều kiện. Làm sao người ta có thể cho đi những gì mình không có? Làm sao người ta có thể nói về Chúa Kitô để làm cho người khác muốn tìm gặp Người nếu người đó trước hết không phải là môn đệ của Người?”

Về vấn đề tiến trình canh tân đang được các vị thực hiện, Ngài khuyên “đừng giới hạn việc này vào vấn đề tái trúc về hình thức mà thôi, mà còn phải làm cho việc ấy trở thành một cơ hộp để tái khám phá ra vai trò thiết yếu của giáo xứ cũng như sứ vụ thích hợp với tín hữu là thành phần lợi dụng việc canh tân này để huy động mọi người hơn nữa trong việc rao giảng Phúc Âm”. ĐTC còn nhận thấy một “bộ mặt toàn cầu” nơi nhiều giáo xứ với sự hiện diện của thành phần di dân, thành phần cần phải được “đón nhận như anh chị em của mình, khiến cho họ có thể mang tảng đá của họ đến góp phần vào việc xây dựng chung” trong “việc trao đổi các tặng ân”.

ĐTC cũng lưu ý tới tình trạng khủng hoảng ơn gọi, cả ơn gọi linh mục cũng như tu trì, khi nói rằng việc tạo nên môi trường thuận lợi cho các ơn gọi này đối với các vị giám mục là “một sứ vụ hết sức cần thiết”. Ngài nhận định rằng có một số giáo xứ tiếp đón các vị linh mục thuộc các giáo xứ địa phương khác, thậm chí thuộc các địa lục khác, đến để nghiên cứu học hỏi, và được Ngài cho rằng đó là điều tốt, “thế nhưng chúng ta quá biết rằng mỗi một Giáo Hội cần phải gắn bó với việc nuôi dưỡng ơn gọi riêng của mình”. Ngài cũng nhấn mạnh đến phận sự của cha mẹ trong việc tạo môi trường thuận lợi cho ơn gọi nơi con cái nữa.

Để kết thúc, căn cứ vào nhận định của các vị giám mục xứ này về “một thứ khao khát mới đối với đời sống thiêng liêng” nơi xứ sở của các vị, ĐTC đã nói rằng hết mọi người trong Giáo Hội, “nhất là thành phần tín hữu giáo dân, cần phải tha thiết làm chứng cho đức tin của mình, bằng cách mang ánh sáng Phúc Âm đến cho các lãnh vực khác nhau của xã hội. Chớ gì họ chứng tỏ cho thấy tính cách cao cả và mỹ diệu của đời sống hôn nhân,… thấy phẩm giá bất khả chuyển nhượng của hết mọi người trong tất cả mọi hoàn cảnh, … và chớ gì họ làm chứng cho thấy những giá trị Kitô giáo góp phần vào việc hình thành nên một Âu Châu ngày nay”.
 

Thi Phẩm “Roman Triptych” của ĐTC GPII được dịch sang các thứ tiếng

Thi phẩm “Roman Triptych” của ĐTC GPII được sáng tác bằng tiếng Balan vào mùa hè và mùa thu năm 2002 và được xuất bản năm 2003, đã được dịch sang các thứ tiếng như Ý, Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Trong năm 2003, nhà xuất bản Vatican Publishing House, nơi giữ bản quyền, đã cho phép dịch và xuất bản bằng tiếng Hòa Lan, Hung Gia Lợi, Đại Hàn, Croatian, Nga, Tiệp Khắc, Romania, Slovenian, Malayalam (Ấn Độ), Catalan, Basque, Na Uy và Bồ Đào Nha. Trong năm 2004, nhà xuất bản này đã tiếp tục cho phép dịch và xuất bản bằng tiếng Nhật và Bulgaria.

Ngoài ra, Trung Tâm Truyền Hình Vatican đã thực hiện 1 chương trình với nội dung đọc bản văn bằng tiếng Ý, được kèm theo những hình ảnh về Nguyện Đường Sistine cùng với nhạc phụ họa.

 

Bản Hiến Pháp Lâm Thời của Iraq & cho Iraq
 

Sau những ngày tang chế toàn quốc cho vụ khủng bố tấn công tuần trước, một biến cố đã làm đình trệ việc phổ biến bản tân hiến pháp cho Iraq, hôm Thứ Hai 8/3/2004, các phần tử thuộc Hội Đồng Quản Trị Iraq đã chính thức ký ban hành bản hiến pháp lâm thời này, một cơ sở để từ đó nhân dân Iraq thực hiện các cuộc bầu, thực hiện một bản hiến pháp vĩnh viễn và có một cơ cấu chính trị tự trị cho một chính thể dân chủ sau này.

Chủ tịch của Hội Đồng Quản Trị Iraq lâm thời này là ông Mohammed Bahrululum cho biết: “Hôm nay đây chúng tôi đang đứng ở một thời điểm lịch sử trong việc đặt nền móng vững chắc để xây dựng một tân Iraq. Một Iraq mới mẻ, tự do, dân chủ bảo vệ phẩm giá con người và bảo vệ các quyền lợi của con người”.

Thế nhưng, ngay sau đó bản hiến pháp này đã bị phê phán bởi một trong những vị lãnh đạo tôn giáo có thế lực nhất ở Iraq là Đại Tôn Ayatollah Ali al-Sistani thuộc Hồi giáo phái Shittes. Vị này đã phổ biến lời phê phán này trên hệ thống điện toán toàn cầu riêng của ông như sau: “Bản (văn kiện) này đặt những trở ngại cho việc tiến tới chỗ thành hình một bản hiến pháp vĩnh viễn cho xứ sở đây. Bất cứ luật lệ nào được dọn soạn cho một giai đoạn chuyển tiếp sẽ không có hiệu lực cho đến khi nó được chấp thuận bởi hội đồng được toàn quốc tuyển bầu”.

Trong khi các viên chức trong hội đồng này họp lại để ký ban hành bản tân hiến pháp lâm thời thì một cuộc bùng nổ đã xẩy ra khắp thủ đô Iraq, song bên trong hội đồng này không hề nghe thấy gì cả. Theo cảnh sát cho biết thì một đầu đạn đã bắn trúng một nhà gần trạm cảnh sát tuần tiểu Karada ở trung tâm thủ đô Baghdad. Cuộc tấn công này xẩy ra tiếp nối cuộc tấn công tối hôm trước, Chúa Nhật, với ít là 7 đầu đạn bắn vào một khách sạn ở trung tâm thành phố. Cuộc tấn công vào Chúa Nhật này xẩy ra sau khi bản hiến pháp được công bố là sẽ được ban hành mà không thay đổi gì trong đó.

Bản hiến pháp lâm thời của Iraq và cho Iraq này dầy 25 trang, xác định Iraq theo chính thể “liên bang, dân chủ và đa điện”.

Con của vị chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Lâm Thời Iraq là Sayed Mohammed Hessein Bahrululum cho biết “Chúng tôi có những ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi đã có thể tiến đến chỗ hiểu biết. Chúng tôi sẽ tiếp tục ký ban hành bản hiến pháp này mà không thay đổi bất cứ điều gì trong đó nữa”.

Hôm Thứ Sáu tuần trước đó, các phần tử theo phái Hồi Giáo Shittes trong hội đồng này đã bước ra khỏi biến cố ban hành bản hiến pháp sau kihi vị Đại Tôn của họ chống lại khoản cho 3 khu vực của người Kurdish có quyền phủ quyết việc chấp thuận bản hiến pháp vĩnh viễn.

Những cuộc hội họp của hội đồng này có sự hiện diện của cả những vị lãnh đạo các giáo phái như Mohammed Ishak Sayed, Mohammed Said Al-Hakim và al-Sistani. Đáng lẽ biến cố ký ban hành này đã xẩy ra vào hôm Thứ Tư 10/3/2004, nhưng đã bị đình trệ 3 ngày tang chế cho vụ khủng bố tấn công ở thủ đô Baghdad và Karbala trong dịp lễ lớn nhất của phái Hồi giáo Shittes. Biến cố này sau đó dự định được hoàn thành vào Ngày Thứ Sáu, 12/3/2004, thế nhưng vẫn không thể thực hiện được vì những bất đồng nội bộ làm hội đồng phải giải tán sau 8 tiếng hội họp.

Bản hiến pháp lâm thời này sẽ không có hiệu nghiệm nếu không được ông Paul Brener, một nhân viên Hoa Kỳ quản trị dân sự Iraq chấp thuận. Bản hiến pháp lâm thời này sẽ được áp dụng trong thời gian chấp thuận bản hiến pháp vĩnh viễn và tuyển cử chính phủ tương lai cho Iraq, thời điểm được ước định xẩy ra vào ngày 1/7/2004 tới đây.