GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 17 Thứ Tư

 

 

ĐTC với Ngày Sinh Viên Đại Học Âu Châu II về việc giữ di sản giá trị thiêng liêng làm nên Thế Giới Cổ Âu Châu


Chủ đề cho Ngày Đại Học Đường Âu Châu năm thứ hai được tổ chức vào ngày Thứ Bảy 13/3/2004 này là “Chúa Kitô, Niềm Hy Vọng của Âu Châu”. Cao điểm của ngày này là Buổi Tối Thánh Mẫu áp ngày cử hành, được tổ chức tại Sảnh Đường Phaolô VI vào lúc 6 giờ chiều và sẽ được truyền hình đi đến 10 thành phố thuộc các nước sắp được gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu là Tallinn, Vilnius, Riga, Warsaw, Prague, Bratislava, Ljubljana, Budapest, Valletta và Nicosia. Phần kỹ thuật truyền hình viễn liên bằng vệ tinh này được thực hiện bởi Trung Tâm Truyền Hình Vatican với sự hợp tác của Bộ Truyền Thông Ý Quốc. Trước khi ĐTC đến vào lúc 6 giờ 30, các sinh viên đại học đã cùng nhau suy niệm về tông huấn “Giáo Hội tại Âu Châu”. Khoảng 9 ngàn sinh viên ở tất cả mọi thành phố tham dự qua hệ thống viễn liên truyền hình đã cùng ĐTC và sinh viên Ý đang ở Sảnh Đường Đức Phaolô VI cầu kinh Mân Côi. Sau đó ĐTC đã ban huấn từ như năm ngoái.


“Đêm vọng Thánh Mẫu này có một đặc tính biểu hiệu quan trọng. Hỡi các bạn sinh viên đại học thân mến, các bạn cũng được trao phó cho một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một Âu Châu hiệp nhất, một Âu Châu được vững vàng thiết lập trên các truyền thống và những giá trị thiếng liêng hình thành nó.


“Bởi thế đại học đường vẫn là một trong những lãnh vực thông thường, nơi văn hóa, một thứ văn hóa đã được hình thành qua các thế kỷ, đã từng gây ảnh hưởng của tính chất Kitô giáo. Cần phải làm sao để đừng đánh mất đi cái di sản lý tưởng phong phú này”.


Giới trẻ đã đáp lại những lời ĐTC nói bằng những tràng vỗ tay lớn cùng với những hô hoán kích động. ĐTC đã kết thúc bằng lời chào 10 ngôn ngữ khác nhau gửi đến 10 quốc gia tham dự qua hệ thống vệ tinh viễn liên truyền hình. Cây Thánh Giá cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới được ĐTC trao cho giới trẻ từ năm 1984 và là cây Thánh Giá đi khắp nơi ở các nước tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới (thường vào năm lẻ) cũng được mang đến trong buổi tối cầu Kinh Mân Côi này. Buổi tối vọng Thánh Mẫu này đã được kết thúc bằng việc giới trẻ kiệu Thánh Giá từ Vatican tới Piazza Navona, đến Nhà Thờ Thánh Agnes là nhà thờ được ĐTC gần đây tuyên bố là nhà thờ của giới trẻ ở Rôma.

Từ năm ngoái, Ngày Đại Học Đường Âu Châu này đã được bắt đầu, với sự bảo trợ của Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu và Ủy Ban của Các Hội Đồng Giám Mục Thuộc Cộng Đồng Âu Châu, và được tổ chức bởi Đại Diện Văn Phòng Rôma Đặc Trách Việc Mục Vụ Các Đại Học Đường.


Thật vậy, năm ngoái, vào Thứ Bảy 15/3/2003 tại Sảnh Đường Phaolô VI, do Ban Trung Ương Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, Ủy Ban Các Tuyên Úy Đại Học Âu Châu và Văn Phòng Mục Vụ Các Đại Học của Vicariate Rôma đồng bảo trợ, với đề tài “Đức Ái Tri Thức, Linh Hồn của Tân Âu Châu”. Cuộc họp này đã được bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều ngày 13/3, với những bài suy niệm về Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của ĐTC, cũng như về 6 vị thánh đồng quan thày của Âu Châu là Biển Đức, Catarina Sienna, Cyrilô và Mêthôđiô, Bridget và Edith Stein.


ĐTC đã đến tham dự vào lúc 7 giờ tối Thứ Bảy 15/3/2003, sau Tuần Phòng năm của Ngài, và chủ tọa buổi lần hạt Mân Côi năm Mầu Nhiệm Ánh Sáng, sau đó Ngài đã ban huấn từ cho họ. Hàng ngàn giới trẻ ở Cologne, Đức; Krakow, Balan; Fatima, Bồ Đào Nha; Uppsala, Thụy Điển; Bratislava, Slovakia; và Vienna, Áo đã theo dõi Ngài qua hệ thống truyền hình viễn liên qua vệ tinh rất sống động. Trong bài huấn từ Ngài đã nói đến Ngày Giới Trẻ 20 năm 2005.


“Tôi cám ơn ĐHY Cologne, Joachim Meisner đã mời Tôi, vì Tôi tin rằng lời mời này cũng được ngỏ cùng Tôi, mặc dù Tôi không còn trẻ nữa như các bạn thấy”. Câu nói này làm vang lên tràng pháo tay của tham dự viên.


“Giới trẻ Kitô hữu được mời gọi để loan báo chứng từ cho Chúa Kitô của họ và là những kiến trúc sư của mối hiệp nhất trong đa dạng, của tự do trong chân lý cũng như của hòa bình trong công chính, một thứ hòa bình thế giới đặc biệt cần đến”.


ĐTC cũng kêu gọi giới trẻ Âu Châu hãy trung thành “với những nguyên tắc thiêng liêng và luân lý đã tác động các vị tiền bối của khối hiệp nhất Âu Châu”. Ngài cho thấy Âu Châu đang trải qua một thời điểm quan trọng trong lịch sử của nó, bởi thế, giới trẻ phải đóng góp phần của mình. ĐTC cũng mới các sinh viên hãy tham dự buổi lần hạt Mân Côi vào ngày 10/4/2003, “một cơ hội nguyện cầu và cử hành” ở Quảng Trường Thánh Phêrô để “có thể thay đổi định mệnh thế giới”.


Đức Ông Lorenzo Leuzzi, giám đốc Văn Phòng Mục Vụ Đại Học, đã nói đến việc lần hạt Mân Côi năm ngoái với ĐTC thế này: “Không ai trong chúng tôi có thể quên được lòng phấn khởi và cảm xúc về việc truyền hình viễn liên với Moscow, một thứ truyền hình viễn liên vệ tinh cho thấy việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ‘thực sự viếng thăm’ ‘thành Rôma đệ tam’ ấy”.


 

Thiên Chúa nâng đỡ những ai tin tưởng nơi Ngài


(Bài Giáo Lý về Việc Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh của ÐTC GPII 100 Thứ Tư 10/3/2004 về Thánh Vịnh 19 [20] cho giờ Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất)



1.     Lời kêu cầu cuối cùng “Lạy Chúa, xin ban vinh thắng cho đức vua; xin hãy trả lời khi chúng tôi kêu lên Chúa” (Ps 19[20]: 10) cho chúng ta thấy nguồn gốc của bài Thánh Vịnh này, bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe và giờ đây chúng ta suy niệm. Bởi thế chúng ta thấy mình đứng trước một bài Thánh Vịnh vương giả của dân Do Thái xưa, một bài thánh vịnh được công bố trong đền thờ Sion trong một lễ nghi trang trọng. Nơi bài Thánh Vịnh này trước hết người ta thấy việc kêu khẩn phúc lành của Thiên Chúa “trong thời gian buồn khổ” (câu 2), tức là trong thời gian cả quốc gia bị quằn quại bởi nỗi phiền sầu do cơn ác mộng chiến tranh gây ra. Thật vậy, những chiến mã và kỵ binh (x câu 8) tiến lên ở chân trời; đức vua và dân chúng đương đầu với chúng bằng một tấm lòng tin tưởng vào Chúa, Đấng ở bên kẻ yếu thế, kẻ bị đàn áp và những nạn nhân của cái ngang tàng của những tay thắng trận.


Thật là dễ hiểu khi truyền thống Kitô Giáo đã biến bài Thánh Vịnh này thành một bài thánh thi ca chúc tụng Chúa Kitô Vua, chúc tụng “Đấng Được Xức Dầu” tuyệt vời nhất, “Đấng Thiên Sai” (câu 7). Ngài không đến thế gian với các đạo binh, nhưng bằng quyền lực của Chúa Thánh Linh, và đã khởi sự cuộc chiến đấu cuối cùng chống lại sự dữ và quanh quéo, chống lại ngang tàng và kiêu hãnh, chống lại gian dối và cái tôi. Người ta có thể thấy được một âm vang sâu xa những lời Chúa Kitô công bố khi nói cùng tổng trấn Philatô, biểu tượng cho vương quyền trần thế: “Ngài nói Tôi là vua. Đó là lý do Tôi đã được sinh ra và đó cũng là lý do Tôi đến trong thế gian, để làm chứng cho chân lý. Ai thuộc về sự thật thì nghe thấy tiếng Tôi” (Jn 18:27).


2.     Khảo sát mối liên hệ của bài Thánh Vịnh này, chúng ta thấy rằng bài này phản ảnh một thứ phụng vụ được cử hành ở đền thờ Giêrusalem. Người ta thấy xuất hiện ở cảnh tượng cử hành phụng vụ này là một hội đồng con cái Do Thái đang nguyện cầu cho vị vua, vị lãnh đạo dân tộc của họ. Chưa hết, ngay từ đầu, người ta có thể nhận thấy lễ nghi của một thứ hy tế, một thứ hy tế như những lễ vật hy sinh và toàn thiêu do vị vương chủ dâng lên “Thiên Chúa Giacóp” (câu 2), Đấng không bỏ rơi “vị được xức dầu” (câu 7) song bảo vệ và nâng đỡ vị ấy.


Lời nguyện cầu này cho thấy niềm tin tưởng là Chúa là nguồn mạch của sự an ninh, ở chỗ, Ngài đến để đáp ứng lời nguyện cầu tin tưởng này của vị vua cũng như của toàn thể cộng đồng Ngài có liên hệ bằng một mối giao ước. Bầu không khí thực sự là bầu khí của một biến cố chiến cuộc, với tất cả những gì là sợ hãi và nguy hiểm nó khơi dậy. Bởi thế, Lời của Thiên Chúa không hiện lên như là những gì trừu tượng mà là như một tiếng kêu phản ảnh những nỗi thương tâm lớn nhỏ của nhân loại. Đó là lý do bài Thánh Vịnh phản ảnh những cảm giác của con người khi gặp khốn khó.


3.     Trong bài Thánh Vịnh này, câu 7 cho thấy một khúc quanh. Trong khi những câu trước đó bao gồm những lời thỉnh nguyện có ý dâng lên Thiên Chúa (x 2-5), thì câu 7 này cho thấy rằng lời nguyện cầu chắc chắn được chấp nhận: “Giờ đây tôi biết rằng vị xức dầu của Chúa nắm trong tay phần thắng. Thiên Chúa từ các tầng trời thánh cung sẽ đáp lại lời ngài van xin”. Bài Thánh Vịnh không nói rõ dấu hiệu nào cho vị vua này biết được như thế.


Dù sao bài Thánh Vịnh cũng rõ ràng cho thấy một sự tương phản giữa chủ trương của các kẻ thù địch là thành phần cậy dựa vào sức mạnh vật chất của các thứ chiến mã và kỵ binh, với chủ trương của dân Do Thái là thành phần đặt niềm tin tưởng của mình nơi Thiên Chúa nhờ đó cũng là thành phần cuối cùng đã chiến thắng. Bài Thánh Vịnh này đã gợi lại biến cố quá quen thuộc về Đavít và Gồliát, đó là trước những thứ vũ khí và cái ngạo mạn của tên háo chiến Philitinh, con người trẻ Do Thái đã đương đầu với hắn bằng danh Chúa là Đấng bảo vệ thành phần yếu đuối và bất lực. Thật vậy, Đavít đã nói với Gồliát rằng: ‘Ngươi sử dụng gươm giáo đao thương mà đánh ta, nhưng ta chống lại ngươi nhân danh Chúa các đạo binh, vị Thiên Chúa của các quân đoàn… Chúa không cứu vơtù bằng gươm giáo. Vì Chúa làm chủ chiến cuộc’ (1Sam 17:45,47).


4.     Mặc dù có tính cách lịch sử liên hệ với chiến tranh, bài Thánh Vịnh này cũng trở thành một lời mời gọi đừng bao giờ để mình chạy theo cái thu hút của bạo lực. Tiên tri Isaia cũng kêu lên rằng: ‘Khốn cho những ai… lệ thuộc vào kỵ binh, thành phần đặt niềm tin tưởng của mình nơi số chiến mã cũng như nơi sức mạnh của kỵ binh, mà không nhìn đến Đấng Thánh của Do Thái hay không tìm kiếm Chúa!’ (31:1).


Trước tất cả mọi thứ bạo lực, con người công chính chống lại bằng niềm tin tưởng, bằng lòng nhân ái, bằng sự thứ tha, bằng việc cống hiến hòa bình. Thánh Tông Đồ Phaolô đã cảnh giác Kitô hữu rằng: ‘Anh em đừng lấy dữ báo dữ cho ai; anh em hãy quan tâm đến những gì là cao quí trước mắt tất cả mọi người’ (Rm 12:17). Sử gia của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu là Eusebius ở Caesarea (vị sống giữa thế kỷ thứ ba và thứ bốn), khi dẫn giải bài Thánh Vịnh này, đã nới rộng cái nhìn của ông bèng việc bao gồm sự dữ của chết chóc được Kitô hữu tin rằng họ có thể chiến thắng bằng quyền năng của Chúa Kitô: “Tất cả mọi thứ quyền lực đối địch cùng những thù địch của Thiên Chúa, dù ẩn kín hay hiện lộ, mà lẫn tránh trước Vị Cứu Tinh sẽ bị gục ngã. Còn tất cả những ai được cứu độ sẽ vùng lên khỏi cảnh tàn rụi trước đó của mình. Bởi thế Simêon mới nói: ‘Con trẻ này trở nên cho nhiều người như cớ vấp phạm và chỗi dậy’, tức là, trở thành sự tàn rụi cho các kẻ thù địch và quân thù của Người, cũng như trở thành sự phục sinh cho những ai đã từng sa ngã được Người làm cho phục sinh” (PG 23,197).


Anh Chị Em thân mến,


Bài Thánh Vịnh 19 là một lời nguyện cầu phụng vụ trang trọng xin Chúa ban cho đức vua được chiến thắng các kẻ thù của ông. Bài này cho thấy một niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng trung thành với dân của Ngài. Ngài là Vị Thiên Chúa nâng đỡ những ai tin tưởng nơi Ngài. Truyền Thống Kitô giáo áp dụng bài này vào trường hợp Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai, Vị Thiên Chúa Xức Dầu, Đấng chiến thắng sư ỉ dữ. Nơi Người, tất cả mọi Kitô hữu được kêu gọi để thắng vượt sự dữ, không phải bằng bạo lực mà là bằng quyền năng của đức tin cũng như bằng lòng tha thứ.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 10/3/2004.
 

Những Phản Công Ngăn Chặn Hiện Tượng Đồng Tính Lấy Nhau ở Hoa Kỳ
 

Vào hôm Thứ Ba 9/3/2004, Vị Luật Sư Tổng Biện Lý của Tiểu Bang New Jersey là Peter Harvey đã gửi một bức thư cho thị trưởng của thánh phố Asbury Park, cho cả phó thị trưởng và thư ký thành phố này cảnh báo là sẽ truy tố họ trước tòa án tiểu bang nếu họ tiếp tục cử hành các vụ hôn nhân đồng tính, cấp giấy hôn thú hay thậm chí nhận đơn xin hôn thú của thành phần này. Các viên chức của thành phố này đã nhận được thư cảnh báo ấy ngay sau ngày họ cử hành hôn nhân cho cặp đồng tính đầu tiên. Bức thư của vị luật sư tổng biện lý có câu:

“Chúng tôi yêu cầu qúi vị hãy thi hành nhiệm vụ chính thức của mình một cách hòa hợp với những quyết định đã được ấn định tòa án ấn định rõ ràng và khuyến cáo quí vị hãy tránh đi việc chúng tôi cần phải thực hiện vấn đề pháp lý”.

Cuộc chiến chống hôn nhân đồng tính này đã bùng lên sau khi Tổng Thống Bush chấp thuận việc tu chính hiến pháp cấm chỉ những thứ hôn nhân đồng tính này, sau khi hiện tượng ấy bùng lên từ thành phố đồng tính San Francisco từ dịp Lễ Tình Nhân Valentine tháng trước đây. Những kiểu cảnh báo như ở New Jersey đây cũng đã được áp dụng ở các nơi khác như New Paltz Nữu Ước, Portland Oregon, và Sandoval County New Mexico.

Trong cuộc họp khẩn cấp ngày Thứ Tư sau ngày nhận được thư cảnh báo của vị luật sư tổng biến lý của tiểu bang, Hội Đồng Thánh Phố Asbury Park đã bỏ phiếu 5-0 ngưng ngay việc nhận đơn xin làm hôn thú của các cặp đồng tính, nhưng sẽ nộp đơn kiện tòa án về vụ này. Theo ông phó thị trưởng Jim Bruno, người đã cử hành hôn phối cho đôi đồng tình đầu tiên vào hôm Thứ Hai thì:

“Chúng tôi hành động theo thiện chí ngay lành. Chúng tôi vững vàng tin rằng chúng tôi đã hành động theo đúng với Hiến Pháp Hoa Kỳ và hiến pháp của Tiểu Bang New Jersey. Luật Tiểu Bang không chính thức chấp thuận hôn nhân đồng tính nhưng cũng không cấm nó. Bởi thế chúng tôi đang tìm cách làm sáng tỏ vấn đề này với vị thẩm phán”.

Ông Terence Reidy, vị quản đốc của Hội Đồng Thành Phố này cũng phát biểu cùng chiều hướng ấy như sau:

“Trong khi chúng tôi tôn trọng trách nhiệm của ông Harvey trong vấn đề cần phải áp dụng luật lệ, vì vào lúc này đây ông ta đóng vai người giải thích luật lệ. Nó không phải là một thứ luật”.

Tất cả có 18 cặp đã nộp đơn xin làm hôn thú cho tới hết ngày Thứ Ba và đã có 10 đơn đã được chấp thuận.

Thống Đốc tiểu bang này là ông James E. McGreevey cho biết:
“Tiểu bang phải làm theo tòa án, mà tòa án cho rằng đó là điều bất hợp pháp. Tóm lại, chúng ta là một quốc gia có luật lệ, chúng ta cần phải tuân giữ các thứ luật lệ”.

Tổ chức Lambda Legal Defense Fund hai năm trước đây đã kiện để tranh đấu cho quyền hôn nhân đồng tính với tòa án tiểu bang song đã thua kiện. Họ đang khiếu nại nữa. Ông Michael Adams của tổ chức này cho biết:

“Vị luật sư tổng biện lý cần phải hiểu điều này hơn ai hết là các viên chức địa phương cần phải tuân giữ hiến pháp của tiểu bang là hiến pháp muốn mọi người phải được đối xử bình đẳng. Thật là xấu hổ khi các vị tổng biện lý đóng vai trò chi phối các viên chức địa phương trong việc thi hành hiến pháp”.

New Jersey là một trong 12 tiểu bang không có luật rõ ràng cấm các cuộc hôn nhân đồng tính.
 

Thứ Năm, 11/3/2004, tức hai ngày sau bức thư của vị luật sư tổng biện lý của tiểu bang New Jersey trên đây, hay vào sau ngày Hội Đồng Thánh Phố Asbury Park tuyên bố ngưng việc cử hành hôn phối cho các cặp hôn nhân đồng tính, Tòa Thượng Thẩm tiểu bang California đã ngăn chặn những thứ hôn nhân đồng tính ở San Francisco.

Bảy vị thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm này đã ra lệnh cho nhân viên của thành phố này tạm ngưng việc cấp phát hôn thú cho các cặp hôn nhân đồng tính, nhưng lệnh này chưa đả động gì tới vấn đề bất thành hiệu của hơn 3.400 tờ hôn thú đã được thành phố này cấp phát. Bởi vì Tòa đang chất vấn các viên chức này chứng minh tại sao họ tin rằng họ “không vượt quá quyền hạn của họ”.
 

Ngay sau khi nhận được lệnh tòa, ông Mabel Teng, nhân viên thành phố vẫn cấp giấy hôn thú cho các cặp đồng tính tuyên bố rằng thành phố sẽ ngưng việc cấp giấy hôn thú cho các cặp đồng tính, khiến cho các cặp này ra khỏi thị sảnh một cách giận dữ và bất mãn. Phần ông thị trưởng Newsom tỏ ra hoan hỉ vì được dịp hùng biện tại tòa: “Tôi lấy làm hài lòng khi thấy tiến trình đang xẩy ra cũng như đang hành động. Chúng tôi đã hy vọng sẽ ra trước Tòa Thượng Thẩm. Chúng tôi sẽ đến để biện minh cho trường hợp của mình trước Tòa Thượng Thẩm”.

Những nơi đã cấp phát hôn thú cho các cặp đồng tính theo gương thành phố San Franciscô là Portland Oregon, New Paltz New York, Asbury Park New Jersey và Sandoval County New Mexico.