GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 22 Thứ Hai

 

Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần

“Redemptor Hominis”
 

(Nhân tháng kỷ niệm 25 năm ban hành bức Thông Ðiệp đầu tiên rất quan trọng của ÐTC GPII, thoidiemmaria sẽ phổ biến tổng quan về bức thông điệp này, từ hôm nay tới Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/2004)

 

Phân Tích

1-       Tại sao Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô viết bức thông điệp "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại"?  

            Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết bức thông điệp lấy nhan đề "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" để mở màn cho giáo triều của ngài là vì 2 lý do sau đây:

            - Vì thời điểm giáo triều của ngài cũng như của Giáo Hội đang ở vào một mùa vọng mới.

            - Vì vai trò của chính "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" trong mùa vọng mới của Giáo Hội. 

Lý do thứ nhất: Vì thời điểm giáo triều của ngài cũng như của Giáo Hội đang ở vào một mùa vọng mới.

            "Thật vậy, thời điểm này, một thời điểm mà theo ý định kín nhiệm của Thiên Chúa, Ngài đã trao cho Tôi, sau vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô I yếu mến của Tôi, việc phục vụ hoàn vũ liên quan đến Toà của Thánh Phêrô ở Rôma, thì đã rất gần đến năm 2000 rồi. Vào lúc này đây khó có thể nói được vào năm ấy bộï mặt lịch sử con người sẽ mang dấu vết gì, hay nó sẽ đem lại những gì cho mỗi dân tộc, mỗi đất nước, mỗi xứ sở và mỗi lục địa, cho dù đã có những nỗ lực được thực hiện trong việc tiên đoán trước một số những biến cố. Đối với Giáo Hội là Dân của Thiên Chúa, một dân đã lan rộng, dù không đồng đều, đến những tận điểm xa nhất trên trái đất này, thì năm ấy sẽ là một năm Đại Hỷ (the year of a great Jubilee, cũng có thể dịch là một Đại Năm Thánh). Chúng ta đang tiến đến ngày đó rồi đây, một ngày mà, không đụng chạm gì đến tất cả những sửa chữa theo ngày tháng chính xác của nó, sẽ gợi lại cho chúng ta và làm sống lại nơi chúng ta một cách đặc biệt nhận thức của chúng ta về một chân lý chính yếu của đức tin được Thánh Gioan diễn tả ở đầu Phúc Âm của ngài: 'Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta' (1:14), và ở một chỗ khác: 'Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con duy nhất của mình, để ai tin vào Con sẽ không phải chết nhưng được sự sống đòi đời' (3:16)" (đoạn 1)

            "Chúng ta, một cách nào đó, cũng đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông: 'Xưa kia, bằng nhiều thể nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các vị tiên tri; nhưng trong những ngày sau hết này Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con...' (Heb 1:1-2), Người Con đó là Lời của Ngài, Đấng làm người, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria..." (đoạn 1). 

Lý do thứ hai: Vì vai trò của chính "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" trong mùa vọng mới của Giáo Hội

            "Hành động cứu chuộc này đã đánh dấu một điểm son nơi lịch sử loài người trong dự án yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, và như là một con người, Ngài đã trở nên một người đi làm lịch sử này (an actor in that history), một người trong muôn ngàn triệu triệu con người, song đồng thời cũng Chuyên Biệt (Unique)! Qua việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã ban cho sự sống con người một chiều kích mà Ngài đã định ban cho con người ngay từ ban đầu... (đoạn 1)

            "Điều chúng ta phải làm là gì đây, để mùa vọng mới này của Giáo Hội có dính dáng đến việc tiến đến hồi kết thúc của đệ nhị thiên niên này, có thể làm cho chúng ta gần hơn với Đấng mà Thánh Kinh gọi là "Cha Hằng Sống" Pater futuri saeculi (Is 9:6)? Đây là một câu hỏi chính yếu mà vị Tân Giáo Hoàng này phải tự đặt ra, theo tinh thần đức tin trong việc tuân hành chấp nhận tiếng gọi để đáp lại lệnh truyền mà Chúa Kitô đã mấy lần ngỏ với thánh Phêrô: 'Hãy chăn các chiên của Thày' (Jn 21:15), tức: Hãy làm chủ chăn đàn chiên của Thày, cũng như: "Hãy làm cho các anh em của con vững mạnh khi con phục hồi' (Lk 22:32)

            "Đối với câu hỏi này, qúi huynh và các con nam nữ thân mến, cần phải có một giải đáp thực sự và xác đáng. Câu giải đáp của chúng ta phải là thế này: Tinh thần của chúng ta phải hướng về một chiều, một chiều duy nhất cho lý trí, ý muốn và tâm can của chúng ta, đó là hướng về Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, hướng về Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc của nhân loại. Chúng ta muốn hướng về Người, vì không có ơn cứu rỗi nơi một ai khác ngoài Người, Con Thiên Chúa, bằng cách lập lại lời của thánh Phêrô: 'Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai? Chúa có những lời sự sống đời đời' (Jn 6:68; x.Acts 4:8-12)" (đoạn 7).

2-       Theo bức thông điệp thì "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" là ai?         

            Giáo Hội phải hướng về "Đấng Cứu Tinh Nhân Loại" trong thời điểm một mùa vọng mới của Giáo Hội, là vì, trong dự án cứu rỗi của Thiên Chúa và theo công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa, "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử" (đoạn 1, đây là câu mở đầu cho cả bức thông điệp) 


"Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của vũ trụ:

            "Đấng Cứu Chuộc của thế gian! Nơi Người tỏ hiện, bằng một đường lối mới mẻ và tuyệt vời hơn, chân lý nền tảng liên quan đến việc tạo dựng mà Sách Khởi Nguyên chứng tỏ qua những lần lập đi lập lại: 'Thiên Chúa thấy nó tốt lành' (đoạn 1). Sự tốt lành bắt nguồn nơi Đức Khôn Ngoan và Tình Yêu Thương. Nơi Chúa Giêsu Kitô, thế giới hữu hình mà Thiên Chúa dựng nên cho con người (x.Gen 1:26-30), một thế giới mà khi tội lỗi đột nhập 'đã lụy thuộc vào sự hư hoại' (Rm 8:20, x.Rm 8:19-22), phục hồi được mối liên hệ với nguồn mạch thần linh nguyên thủy của Đức Khôn Ngoan và của Tình Yêu Thương...

            "Khi phân tách một cách sâu xa 'cái thế giới tân tiến này', Công Đồng Chung Vaticanô II đã tiến đến một điểm quan trọng nhất của thế giới hữu hình, đó là con người, bằng cách, như Chúa Kitô, tiến sâu vào ý thức con người và bằng cách chạm đến mầu nhiệm nội tại của con người, cái mà ngôn ngữ thánh kinh cũng như không phải thánh kinh đã diễn tả bằng chữ 'trái tim'. Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc thế gian, là Đấng đã thấu nhập vào mầu nhiệm của con người một cách đặc thù và dứt khoát, cũng như Người đã đi vào 'tâm can' của họ. Bởi thế, Công Đồng Vaticanô II đã có lý khi dạy rằng: 'Sự thật đó là chỉ có ở nơi mầu nhiệm của Lời Nhập Thể mà mầu nhiệm của con người mới được sáng tỏ. Vì Adong, con người đầu tiên, kiểu mẫu của Đấng phải đến (Rm 5:14) là Chúa Kitô. Chúa Kitô, một tân Adong, trong việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha, đã hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người họ và làm sáng tỏ ơn gọi cao cả nhất của con người'. Công Đồng tiếp: 'Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Col 1:15), tự Mình là một con người hoàn hảo, Đấng đã phục hồi nơi giòng dõi Adong cái tương tự giống như Thiên Chúa đã từng bị nguyên tội làm biến dạng đi. Bản tính loài người, nhờ được mặc lấy chứ không bị mất đi trong Người, đã được nâng lên nơi chúng ta tới một phẩm vị khôn sánh. Vì, nhờ Việc Nhập Thể của Người, Người, là Con Thiên Chúa, một cách nào đó, đã hiệp nhất mình với mỗi một người. Người đã làm việc với đôi tay nhân loại, Người đã suy nghĩ với trí khôn nhân loại. Người đã tác động với ý muốn nhân loại, và Người đã yêu thương với trái tim nhân loại. Được sinh hạ bởi Trinh Nữ Maria, Người thực sự là một ngưòi trong chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi' (Gaudium et Spes, đoạn 22). Người là Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại". (đoạn 8). 

Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của lịch sử

          "Chúng ta, một cách nào đó, cũng đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông: 'Xưa kia, bằng nhiều thể nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các vị tiên tri; nhưng trong những ngày sau hết này Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con...' (Heb 1:1-2), Người Con đó là Lời của Ngài, Đấng làm người, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria. Hành động cứu chuộc này đã đánh dấu một điểm son nơi lịch sử loài người trong dự án yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, và như là một con người, Ngài đã trở nên một người đi làm lịch sử này (an actor in that history), một người trong muôn ngàn triệu triệu con người, song đồng thời cũng Chuyên Biệt (Unique)! Qua việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã ban cho sự sống con người một chiều kích mà Ngài đã định ban cho con người ngay từ ban đầu: Ngài đã ban cho họ chiều kích này một cách dứt khoát - bằng một đường lối dành riêng cho một mình Ngài mà thôi, hợp với tình yêu và lòng thương vĩnh hằng của Ngài, hợp với niềm tự do của Thiên Chúa - và Ngài đã cũng ban nó bằng một lòng bao dung để chúng ta, khi xét đến nguyên tội và suốt giòng lịch sử tội lỗi của nhân loại, cũng như xét đến những lầm lẫn của trí khôn con người, ý muốn và con tim của mình, có thể bồi hồi lập lại những lời của phụng vụ thánh: 'Ôi lỗi lầm diễm phúc (happy fault)... đã làm cho chúng ta được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (Tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh)..." (đoạn 1).

            "Thập giá trên đồi Canvê mà Chúa Giêsu Kitô - một Con Người, Con của Trinh Nữ Maria, được nghĩ là con của Giuse Nazarét - 'để lại' cho thế giới này, cũng là một biểu hiện mới mẻ về tình phụ tử đời đời của Thiên Chúa, Đấng mà trong Người, một lần nữa, đến gần nhân loại, gần với mỗi một con người, khi ban cho Người 'Thần chân lý' (Jn16:13) ba lần thánh.

            "Việc mạc khải này của Cha và việc tuôn đổ Thánh Linh để đóng một niêm ấn không phai nhòa trên mầu nhiệm cứu chuộc đã nói lên ý nghĩa của cây thập giá và cái chết của Đức Kitô. Vị Thiên Chúa của việc tạo dựng được mạc khải như là một Vị Thiên Chúa của việc cứu chuộc, như Vị Thiên Chúa 'trung tín với chính mình' (1Thes 5:24), cũng như trung tín với tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại và thế gian, một tình yêu Ngài đã mạc khải vào ngày tạo dựng. Tình yêu của Ngài là một tình yêu không rút lui trước bất cứ một cái gì đòi Ngài phải dùng đến phép công thẳng. Bởi thế, 'vì chúng ta, (Thiên Chúa) đã làm cho Người (Con) là Đấng không biết đến tội lỗi thành tội lỗi' (2Cor 5:21; x.Gal 3:13). Nếu Người 'thành tội lỗi', Người là Đấng không bao giờ có một tội lỗi nào, thì tỏ ra rằng tình yêu luôn luôn cao trọng hơn tất cả tạo vật, một tình yêu là chính Mình Người, vì 'Thiên Chúa là tình yêu' (Jn 4:8,16). Trên tất cả mọi sự, tình yêu vĩ đại hơn cả tội lỗi, hơn cả yếu đuối, hơn cả 'tình trạng hư hoại của tạo vật' (Rm 8:20); nó mạnh hơn cả sự chết; nó là một tình yêu luôn luôn sẵn sàng để nâng cao và tha thứ, luôn luôn sẵn sàng để đi gặp người con hoang đàng (x.Lk 15:11-32), luôn luôn mong đợi 'cuộc thể hiện của con cái Thiên Chúa' (Rm 8:18) là thành phần được kêu gọi 'đến vinh quang sẽ được tỏ hiện' (Thánh Tomas tiến sĩ). Việc mạc khải của tình yêu này cũng được diễn tả như mạc khải của lòng thương xót; và trong lịch sử của con người, mạc khải của tình yêu và lòng thương xót này đã mặc một hình thức và mang một danh hiệu: đó là Giêsu Kitô" (đoạn 9)

            "Con người không thể nào sống mà không yêu thương. Họ mãi là một hữu thể không hiểu được mình, đời sống của họ vô nghĩa, nếu tình yêu không tỏ hiện cho họ thấy, nếu họ không gặp gỡ tình yêu, nếu họ không cảm nghiệm được nó và làm cho nó thành của mình, nếu họ không mật thiết liên kết với nó. Đó là, như đã nói đến, lý do tại sao Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc 'hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người họ'. Nếu chúng ta cần diễn tả, thì đây là chiều kích nhân loại của mầu nhiệm của việc cứu chuộc. Trong chiều kích này, con người, một lần nữa, tìm được sự cao cả, phẩm vị và giá trị thuộc về nhân tính của họ. Nơi mầu nhiệm của việc cứu chuộc, con người được 'thể hiện' một cách mới mẻ, và, một cách nào đó, được tạo dựng một cách mới mẻ. Con người được tạo dựng một cách mới mẻ! 'Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ; vì anh em tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô' (Gal 3:28). Con người muốn hiểu mình hoàn toàn - không chỉ hợp với những tiêu chuẩn và mức độ trực tiếp, bán phần, thường nông cạn, hay ảo tưởng về hữu thể mình - họ phải đến gần Chúa Kitô, với nỗi khắc khoải và lo âu của họ, cả với nỗi yếu đuối và tội lỗi của họ, với sự sống và cái chết của họ. Như thế, họ phải vào trong Người với tất cả cái tôi riêng của họ, họ phải 'thích hợp' và đồng hóa với toàn thể thực tại của mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc để tìm thấy chính mình. Nếu tiến trình sâu xa này xẩy ra nơi họ, thì họ mới sinh hoa trái, chẳng những nơi việc tôn thờ Thiên Chúa, mà còn nơi cả sự bỡ ngỡ lạ lùng về mình nữa. Con người qúi hóa là chừng nào trước mắt của Hóa Công, khi họ 'được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh), và khi Thiên Chúa 'đã ban Con duy nhất của mình' để con người 'không phải chết nhưng được sự sống đời đời' (Jn 3:16).

            "Trong thực tế, danh hiệu làm chúng ta bỡ ngỡ lạ lùng ở nơi giá trị và phẩm vị của con người đó là Phúc Âm, nghĩa là: Tin Mừng. Nó cũng được gọi là Kitô giáo. Sự bỡ ngỡ lạ lùng này, còn là một niềm xác tín và chân thực - nơi những gốc rễ sâu xa nhất của nó, nó cũng là sự chân thực của đức tin, song trong một đường lối kín đáo và huyền nhiệm, nó làm sống động mọi phương diện nhân bản đích thực - gắn liền với Chúa Kitô. Nó cũng sửa lại vị thế của Chúa Kitô - tức quyền lợi công dân riêng biệt của Người - trong lịch sử của con người (man) và của nhân loại (mankind)..." (đoạn 10

 

“Những Trị Liệu Bảo Trì Sự Sống và Trạng Thái Thực Vật: Các Vấn Đề Nan Giải Về Đạo Lý Nơi Những Tiến Bộ Khoa Học”

Thứ Bảy 20/3/2004, tại Sảnh Đường Clementine, ĐTC đã tiếp 400 tham dự viên của Hội Nghị Thế Giới về chủ đề “Trạng Thái Thực Vật”, do Liên Hiệp Thế Giới Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo (FIAMC: World Federation of Catholic Medical Associations) và Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống tổ chức tại Augustinianum Patristic Institute ở Rôma từ Thứ Tư 17 đến hết Thứ Bảy 20/3/2004. Cuộc hội nghị quốc tế này diễn tiến với sự tham dự của 40 ký giả khoa học và 370 vị khác đến từ 49 quốc gia, kể cả từ Saudi Arabia, Israel và Kazakhstan. Có 40 bài nói chuyện của các chuyên viên khoa học và 30 bản tường trình.

Chủ đề cho cuộc hội nghị quốc tế này đã được phổ biến tại phòng báo chí của tòa thánh hôm Thứ Ba 16/3. Tại cuộc họp báo này, ĐGM Elio Sgreccia, phó chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Sự Sống kiêm giám đốc Trung Tâm Đạo Lý Sinh Học của Đại Học Thánh Tâm Rôma, và ông Gianluigi Gigli, chủ tịch FIAMC kiêm giám đốc Phân Bộ Khoa Thần Kinh Hệ của Bệnh Viện Thánh Maria Thương Xót ở Udine Ý, đã cùng nhau lên tiếng về nội dung của hội nghị quốc tế này.

ĐGM phó chủ tịch đã bác bỏ chủ trương cho rằng “khi con người mất khả năng sử dụng lý trí, thì họ không còn là người nữa, nên có thể chấm dứt việc dinh dưỡng và chất nước để làm dịu cái chết của họ”. Bởi vì, ĐGM giám đốc này khẳng định “Bao lâu sự sống còn nơi con người ấy thì họ vẫn tiếp tục hiện hữu với tất cả phẩm giá của họ, với tất cả linh hồn của họ”.

Vị chủ tịch FIAMC cũng khẳng định là con người ở trong tình trạng thực vật (cỏ cây) cũng không được đối xử như là “những bệnh nhân tận số”. Có những trường hợp theo khoa học phân tích cho thấy có những bệnh nhân đã được cứu khỏi sau thời gian hôn mê. Vị giám đốc phân bộ khoa thần kinh hệ này còn cho biết có những bệnh nhân bị bỏ đói khát mà chết theo chủ trương đạo lý học cho rằng những loại bệnh nhân này sống ở một tầm mức thấp hơn các bệnh nhân khác.

Kết thúc buổi họp báo này, ông Gigli phổ biến một CD-ROM do Liên Hiệp Các Bác Sĩ Công Giáo thực hiện bằng tiếng Anh và tiếng Ý với nội dung bao gồm tất cả những bài nói của ĐTC GPII về vấn đề sức khỏe và y học.

Trong cuộc gặp gỡ thành phần tham dự viên hội nghị quốc tế này, ĐTC GPII, sau khi nhắc lại chủ đề được hội nghị bàn luận, đã nói lên chủ trương của Giáo Hội về vấn đề này như sau.


“Giá trị tự tại và phẩm giá cá thể của hết mọi con người không thay đổi, bất kể hoàn cảnh đặc biệt nào xẩy ra trong đời sống của họ. Con người, cho dù có bệnh bệnh nạn trầm trọng đến đâu và có bị hư hoại khả năng thi hành những phần hành cao nhất của họ, vẫn là và luôn là những con người chứ không bao giờ lại là ‘loài thực vật’ hay ‘thú vật’. Anh chị em của chúng ta ở trong ‘tình trạng cây cỏ’ vẫn còn nguyên phẩm giá của họ.

“Các vị y sĩ và cán sự về sức khỏe, xã hội cũng như Giáo Hội đều có nhiệm vụ về luân lý đối với những con người này, những con người mà họ không thể trốn lánh nếu không muốn rỏ ra coi thường những đòi hỏi về chuyên khoa đạo lý học cũng như về tình liên đới Kitô giáo và nhân bản. Thành phần bệnh nhân trong trạng thái cỏ cây, chờ được phục hồi hay được tự nhiên qua đi, có quyền được chăm sóc căn bản về sức khỏe (dinh dưỡng, chất nước, vệ sinh, độ ấm v.v.)

ĐTC nhấn mạnh rằng nước uống và thực phẩm, cho dù điều hành việc cho ăn uống này một cách nhân tạo, cũng là “một phương tiện tự nhiên để bảo trì sự sống, chứ không phải là một phương thức y khoa. Bởi thế, cần phải coi việc sử dụng phương tiện này là những gì bình thường và thích hợp buộc phải làm theo luân lý”.

“Khi trạng thái cỏ cây kéo dài hơn một năm trời, về đạo lý, cũng không thể trở thành cớ để biện minh cho việc loại bỏ hay chấm dứt việc chăm sóc căn bản cho bệnh nhân, bao gồm việc cho ăn uống”. Đức Thánh Cha khẳng định là bệnh nhận bị bỏ cho đói khát mà chết “thực sự là một thứ trợ an tử có ý thức hay cố tình bỏ không làm.

“Theo nguyên tắc luân lý thì ngay cả khi còn hơi nghi rằng một con người còn đang sống buộc phải hoàn toàn tôn trọng họ và không được thi hành bất cứ điều gì có thể làm cho họ bị chết… Giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất của những người khác; cần phải cổ võ những hoạt động tích cực để đối đầu với áp lực muốn ngưng việc cho ăn uống như cách để chấm dứt sự sống của những bệnh nhân này.

“Trước hết chúng ta phải nâng đỡ những gia đình” có bệnh nhân ở trong trạng thái cỏ cây. “Chúng ta không thể để mặc họ phải chịu đựng gánh nặng về nhân bản, kinh tế và tâm lý”. Xã hội phải phát động “những chương trình đặc biệt giúp đỡ và phục hồi; việc nâng đỡ và giúp đỡ về kinh tế tại nhà cho gia đình;… và những cơ cấu nâng đỡ trong trường hợp không có ai trong gia đình nêu lên vấn đề ấy”. Ngoài ra, Ngài còn đề nghị rằng những tình nguyện viên hãy “giúp gia đình thoát khỏi tình trạng cảm thấy bị cô lập cũng như giúp họ cảm thấy họ là một phần đáng giá của xã hội và không bị các tổ chức xã hội bỏ rơi”.

ĐTC đã kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng “trong những tình trạng này, việc giúp đỡ về thiêng liêng và mục vụ đặc biệt cần thiết để hiểu được ý nghĩa sâu xa của một tình trạng dường như tuyệt vọng”.

 



ĐTC tiếp tục việc mục vụ hằng tuần với các giáo xứ Rôma: “Hãy Kín múc từ Chúa Kitô tử giá và phục sinh lòng can đảm để truyền bá phúc âm hóa thế giới”

Tối Thứ Bảy 20/3/2004, tại Sảnh Đường Phaolô VI, ĐTC lại tiếp tục việc mục vụ hằng tuần với các giáo xứ Rôma, như các giáo xứ trước. Lần này tới phiên 4 giáo xứ thuộc phía đông của thành phố Rôma, đó là giáo xứ Thánh Maximilian Kolbe, Thánh Patrick, Thánh Margaret Mary Alacoque và Thánh Maria Hộ Giúp Kitô Hữu. Tất cả số giáo xứ được Ngài đến viếng thăm cách đây hai năm trở về trước là 300 và những giáo xứ đến với Ngài tại Sảnh Đường Phaolô VI hằng tuần là 14. Trong bài giảng lần này, Ngài nhấn mạnh đến vấn đề hãy nhìn lên Chúa Kitô Phục Sinh Tử Giá để lấy sức mạnh mà truyền bá phúc âm hóa. Sau đây là những lời giảng dạy huấn dụ tiêu biểu của Ngài:

“Chúng ta đã tiến đến Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay, theo truyền thống được gọi là Chúa Nhật Hân Hoan, và chúng ta được tiên hưởng một cách nào đó niềm vui thiêng liêng của Lễ Phục Sinh”.

ĐTC đề cao việc họ “liên lỉ nỗ lực truyền bá phúc âm hóa. Tôi chúc mừng tất cả những ai, bất chấp bản chất tạm thời của các cơ cấu, nhiệt thành theo đuổi cuộc hành trình đào luyện Kitô giáo và giáo lý, hiến thân cho việc phụng vụ cũng như cho việc bác ái đối với anh em thiếu thốn của họ, sửa soạn cho giới trẻ tiến đến bí tích hôn phối và đời sống gia đình”.

Ngài nói đến Tor Vergata, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới “không thể quên được” vào Tháng Tám Năm Thánh 2000, là một phần của cùng một miến với giáo xứ Thánh Margaret Mary Alacoque: “Ở tâm điểm của biến cố đáng nhớ này là Cậy Thánh Giá của Năm Thánh Cứu Chuộc. Giới trẻ thân mến, các bạn hãy lấy Thánh Giá làm điểm qui chiếu căn bản của các bạn. Các bạn lấy kín múc từ Chúa Kitô tử giá và phục sinh lòng can đảm để truyền bá phúc âm hóa thế giới của chúng ta, một thế giới đang bị chìm ngập bởi chia rẽ, hận thù, chiến tranh và khủng bố, nhưng lại phong phú rất nhiều về phương diện nhân bản và thiêng liêng. Tôi mong được gặp nhiều bạn ở Quảng Trường Thánh Phêrô vào ngày Thứ Năm Ử” và “vào Chúa Nhật Lễ Lá cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới”.


 

Khủng Bố Tấn Công hay Bất Cẩn An Ninh?

 

Mới tháng trước, vào ngày 6/2, xẩy ra cuộc khủng bố tấn công một chiếc xe lửa vào giờ nhộn nhịp sinh hoạt ở thủ đô Moscow, gây thiệt mạng cho 39 người và thương tích cho 129 người. Hôm Thứ Ba 16/3/2004 lại xẩy ra một cuộc khủng bố tấn công khác. Cuộc khủng bố lần này bằng hơi nổ vào một dinh thự chung cư 9 tầng ở thành phố Arkhangelsk trong lúc 3 giờ 25 sáng, khi mọi người còn đang ngủ đêm, gây thiệt mạng cho 21 người, 24 người bị vùi dưới gạch vữa và thất tung những người còn lại sau 12 tiếng xẩy ra nội vụ. Dinh thự chung cư này có 62 người được liệt kê trong danh sách của chung cư này tọa lạc ở phía bắc thủ đô Moscow 960 cây số (hay 600 dặm).
 

Theo nguồn tin ITAR-Tass của cảnh sát cho biết có hai người đàn ông hình như là thành phần vô gia cư cầm những ống kim loại và những dụng cụ dùng để mở các khóa hơi khí. Nhóm đầu tiên cấp cứu đến để sửa chữa hệ thống hơi khí tại hiện trường cho biết ở hai dinh thự bên cạnh có “những nút của các ống hơi khí đã bị mở ra”. Tuy nhiên, người ta vẫn không tìm ra những tàn tích của bộ phận gây phát nổ nào. Thẩm quyền khước từ việc đổ cho việc khủng bố tấn công giữa lúc đang xẩy ra những vụ khủng bố tấn công mới đó. Vào mùa thu năm 1999, cũng đã xẩy ra một vụ khủng bố tấn công của thành phần phản loạn đột nhập vào các khu chung cư ở thủ đô Moscow cũng như ở hai thành phố khác, sát hại khoảng 300 người.

Ông Igor 40 tuổi ở chung cư sát cận hiện trường đã nói với tờ nhật báo Pravda Severa ở Arkhangelsk rằng “Chúng tôi bừng tỉnh bởi một tiếng động kinh hoàng. Bức tường phòng ngủ của chúng tôi xậy xuống giường của chúng tôi… Chúng tôi đã rùng mình khiếp sợ”. Có tất cả 36 khu chung cư lân cận bị ảnh hưởng bởi vụ nổ này, khu vực cư trú của nhiều cựu chiến binh và nhân viên của Sở Nội Vụ địa phương.


Trong khi hồ nghi là bị khủng bố tấn công, thì theo ghi tích cũng đã có những vụ nổ hơi khí như thế do những bất cẩn về an ninh ở các khu chung cư và các công sở. Bởi thế, công tố viên thành phố đã mở một cuộc điều tra để đi đến chỗ truy tố những ai bất cẩn gây ra nội vụ chết chóc như bị khủng bố tấn công này.