GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 26 Thứ Sáu

 

 

ĐTC GPII Nhận Phần Thưởng Hiệp Nhất Âu Châu và Chia Sẻ Nhãn Quan của Ngài về Một Âu Châu Hiệp Nhất

Chiều ngày 24/3/2004, ĐTC GPII đã nhận Phần Thưởng Hiệp Nhất Âu Châu ở Vatican. Hằng năm, thành phố Aachen ở Đức trao tặng phần thưởng được gọi là Phần Thưởng Charlemagne Quốc Tế này cho những ai góp phần vào việc xây dựng tình trạng hiệp nhất cho Âu Châu. Năm nay phần thưởng này được trao tặng cho ĐTC GPII bởi thị trưởng Jurgen Linden và chủ tịch hội đồng điều hành Phần Thưởng Charlemagne là Walter Evershein. Ca đoàn của nhà thờ chính tòa Aachen đã trình diễn cả vào lúc khai mạc và kết thúc lễ nghi trao tặng phần thưởng.

Phần thưởng này được mang tên của vị Hoàng Đế Rôma Thánh đầu tiên là Charlemagne, người được coi như là biểu tượng cho mối hiệp nhất Âu Châu, ở chỗ đế quốc rộng lớn của ông bao gồm cả một số quốc gia Âu Châu tân thời nữa. Phần thưởng này được bắt đầu ban tặng từ năm 1950. Ủy ban phần thưởng này đã loan báo vào ngày 22/1/2004 về vị được lãnh thưởng năm nay là ĐTC GPII, vì “việc đóng góp ngoại hạng của Ngài vào tiến trình hiệp nhất Âu Châu, và cả việc nỗ lực của Ngài trong vấn đề mang ảnh hưởng của Âu Châu vào cuộc hình thành trật tự thế giới”. Vai trò của Ngài trong việc làm sụp đổ Bức Màn Sắt đã từng chia đôi đại lục Âu Châu cũng được ủy ban này ghi nhận.

Hôm 23/1/2004, vị giám đốc văn phòng báo chí của tòa thành là Joaquin Navarro-Valls đã loan báo rằng phần thưởng này được trao tặng cho ĐTC “để công nhận việc dấn thân của bản thân Ngài cũng như của Tòa Thánh về nỗ lực cho mối hiệp nhất nơi các dân tộc ở Âu Châu theo các thứ giá trị được bắt nguồn từ bản tính chung của loài người cũng như được Kitô giáo phát động một cách hiệu nghiệm”.

Nhận phần thưởng này, ĐTC đã nói bằng Đức ngữ ngỏ lời cám ơn hội đồng này về việc tôn vinh Ngài. Lợi dụng dịp này, Ngài đã nói đến vấn đề hiệp nhất Âu Châu. Ngài nhận định rằng “vì nhận thấy rằng mối hiệp nhất của Âu Châu mang một ý nghĩa rất nhiều đối với Giáo Hội Công Giáo mà quí vị đã đến để tôn vinh Vị Thừa Kế Thánh Phêrô” bằng phần thưởng này, “một phần thưởng mà, vì một lý do tốt lành, mang tên của Hoàng Đế Charlemagne. Thật vậy, vị vua của những người Franks này, với vương quốc lấy thành phố Aachen làm thủ đô, đã thực sự đóng góp vào việc xây dựng về chính trị và văn hóa cho Âu Châu, và vì thế đã được mang danh nơi các người đương thời của ông là ‘Pater Europea - Người Cha của Âu Châu’. Mối hiệp nhất tốt lành về văn hóa cổ thời và đức tin Kitô Giáo với những truyền thống của các dân tộc khác nhau đã được hình thành nơi đế quốc Charlemagne và đã phát triển thành những hình thức khác nhau như một di sản về đạo đức và văn hóa qua các thế kỷ”.

ĐTC nhận định tiếp: “Vì Tòa Thánh ở Âu Châu nên Giáo Hội có những liên hệ đặc biệt với dân chúng của lục địa này” và “bao giờ cũng tham dự vào tiến trình hiệp nhất Âu Châu”. Để chứng minh, Ngài đã nhắc lại rằng Đức Piô XII “đã minh nhiên nâng đỡ tư tưởng hình thành một ‘khối hiệp nhất Âu Châu’”, một khối hiệp nhất “cần lấy Kitô Giáo như là một yếu tố tạo nên căn tính và hiệp nhất” của khối này. Ngài đã bày tỏ nhãn quan của Ngài về mối hiệp nhất Âu Châu như sau:

“Tôi đang nghĩ đến một thứ Âu Châu phi trào lưu quốc gia qui ngã, nơi mà các quốc gia được coi như là những trung tâm của các kho tàng văn hóa cần phải được bảo vệ và phát triển cho lợi ích của hết mọi người. Tôi đang nghĩ đến một thứ Âu Châu là nơi mà các tiến bộ về khoa học, kinh tế và an sinh xã hội không hướng đến chủ nghĩa hưởng thụ” mà là để phục vụ nhân loại. “Tôi đang nghĩ đến một thứ Âu Châu có một mối hiệp nhất được xây dựng trên quyền tự do đích thực”, vì “không có tự do cũng không còn cảm thức trách nhiệm gì với Thiên Chúa hay con người.

“Tôi đang nghĩ đến một thứ Âu Châu hiệp nhất nhờ cuộc dấn thân của giới trẻ…. Thế nhưng làm sao thế hệ trẻ được sinh vào đời hướng về chân, mỹ và cao cả cũng như về những gì đáng hy sinh cho, nếu nơi Âu Châu gia đình không còn là một cơ cấu hướng về sự sống và tình yêu vô vị kỷ.

“Âu Châu trong tâm tưởng của Tôi là một hiệp nhất về chính trị, là một hiệp nhất về thiêng liêng thực sự, một mối hiệp nhất được các chính trị gia Kitô giáo ở tất cả mọi quốc gia hoạt động, với ý thức về những kho tàng nhân bản hợp với đức tin, khi con người nam nữ dấn thân để làm cho những giá trị này sinh hoa kết trái, đem những giá trị này làm lợi cho hết mọi người hầu xây dựng một Âu Châu của những con người chiếu tỏa dung nhan Thiên Chúa”.

 

ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger về Vấn Đề Hiệp Thông và Đoàn Tính của Hàng Giáo Phẩm

Trong cuộc vấn đáp với tờ tuần san Ý Famiglia Cristiana, ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, vị vừa xuất bản (do nhà xuất bản St Paul ở Ý) cuốn sách mang tựa đề "La Communione nella Chiesa" (Mối Hiệp Thông Trong Giáo Hội), cho biết cần phải hiểu được ý nghĩa thần học về mối hiệp thông mới có thể hiểu được mối liên hệ giữa các Giáo Hội địa phương và Tòa Thánh, cũng như mới cảm nhận được đoàn tính của Giáo Hội đối với vai trò của các hội đồng giám mục. Trong phần thứ hai của cuộc phỏng vấn này, ĐHY còn trả lời những vấn đề liên quan tới quan niệm “Dân Chúa”, đến những việc cử hành phụng vụ “sáng tạo”, cũng như đến cơ hội Rước Lễ của thành phần ly dị rồi tái hôn.

Vấn     Mối hiệp thông trong Giáo Hội là gì?

Đáp     Trong Bức Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan, chúng ta thấy câu định nghĩa cho thấy một quan cái nhìn rất đầy đủ về mối hiệp thông.

Thánh Gioan nói rằng những gì đã được ban cho chúng ta là đức tin, là được làm người Kitô hữu, nhất là được hiệp thông với Thiên Chúa, với Thiên Chúa Ba Ngôi là chính thực tại hiệp thông. Đó là một điều tuyệt vời mạc khải đã cống hiến cho chúng ta, ở chỗ, Thiên Chúa là thực tại hiệp thông và bởi thế Ngài có thể ban tặng hiệp thông.

Được hiệp thông với Thiên Chúa, con người cũng được hiệp thông với tất cả những người khác sống trong cùng mối hiệp thông này. Ở đây hai chiều hướng tung hoành gặp nhau và trở nên một thực tại duy nhất.

Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là hiệp thông, làm cho mối hiệp thông của nhân loại bao rộng hơn và sâu xa hơn. Mối hiệp thông với Chúa Kitô đã làm nên sự liên kết giữa Thiên Chúa và loài người này. Mối hiệp thông này đã được, có thể nói, nhập thể nơi bí tích Thánh Thể nhờ đó chúng ta được hiệp nhất với thân mình của Chúa.

Giáo Hội đã được hạ sinh bằng cách đó: Giáo Hội là một mối hiệp thông trên hết các mối hiệp thông, tức là Giáo Hội hiện hữu như là một thực tại Thánh Thể.

Hết mọi cộng đồng Thánh Thể hoàn toàn ở trong sự hiện diện của Chúa Kitô. Điều này cần phải thực hiện là cộng đồng này không được đối nghịch với cộng đồng khác nhân danh Chúa Kitô “riêng” của mình, vì chỉ có một Chúa Kitô duy nhất.

Tôi nghĩ rằng, từ ban đầu, chính việc cấu tạo của Giáo Hội đã được làm nên bởi mối hiệp nhất và đa dạng này. Như chúng ta thấy, mối hiệp thông của Giáo Hội là một sự kiện thần học, chứ không phải là một sự kiện xã hội học. Bất cứ ai muốn biến quan niệm về hiệp thông này thành một quan niệm thuần túy xã hội là kẻ đã vấp phạm lỗi lầm.

Vấn     Thế nhưng phải chăng mối hiệp thông này có những thành quả về xã hội?

Đáp     Tôi xin làm sáng tỏ vấn đề là không phải chỉ liên quan đến việc vun xới những mối liên hệ đúng đắn giữa Tòa Thánh Rôma và các Giáo Hội địa phương, mà còn, trên hết, duy trì mối hiệp nhất và đa dạng làm nên Giáo Hội nữa.

Các Giáo Hội địa phương cần phải sống những chuyên biệt về văn hóa và lịch sử của mình bằng việc hội nhập chúng vào mối hiệp nhất của tòan thể, cởi mở chấp nhận những đóng góp tốt đẹp của các Giáo Hội khác, nhờ đó không ai dẽ đi vào con đường mà những người khác không biết.

Tòa Thánh Rôma, một tòa thành giúp ĐTC trong việc Ngài phục vụ cho mối hiệp nhất ấy, có phận sự phải cổ võ việc hiểu biết này giữa các Giáo Hội địa phương để nhờ đó những cái khác biệt trở thành một thực tại đa âm làm sống động mối hiệp nhất và đa dạng.

Vấn     Nguyên tắc phụ thuộc nơi mối liên hệ giữa “tâm điểm” và “chu vi”, giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương khác nhau quan trọng ra sao?

Đáp     Nó là một quan niệm về kỹ thuật cần phải bàn luận thêm chi tiết để thấy được ý nghĩa của nó.

Nó có thể được chấp nhận ở chỗ việc chú trọng đến mối hiệp nhất không được làm lịm tắt đi những đặc sủng ở các Giáo Hội địa phương; trái lại, còn phải khuyến khích chúng và lấy chúng vào việc phục vụ cho một Giáo Hội duy nhất.

Một mặt thì việc phục vụ trung ương của Tòa Thánh Rôma không được pha mình vào những gì có thể thực hiện tốt đẹp hơn ở một phần cụ thể nào đó của Giáo Hội; tuy nhiên, mặt khác thì các Giáo Hội địa phương không được sống một cách tự động mà không hướng đến chỗ làm phong phú mối hiệp nhất, vì chỉ có một Chúa Kitô duy nhất.

Vấn     Chúng ta hãy đưa ra một thí dụ liên quan đến vấn đề này. Chẳng hạn có những nghi ngờ gì về tính cách tông truyền của một thần học gia, thì phải chăng Giáo Hội địa phương là nơi cư trú của vị thần học gia này không được can thiệp gì trước khi có sự can thiệp của thánh bộ do ĐHY là tổng trưởng?

Đáp     Ở đây, nơi thánh bộ này, chúng tôi lấy làm hài lòng khi thấy một vị giám mục hay hội đồng giám mục nhúng tay vào việc giải quyết những vấn đề loại này. Tuy nhiên, các vị thường nói với chúng tôi rằng những vấn đề đó vượt ra ngoài giới hạn của Giáo Hội địa phương, vì những vấn đề đó liên quan tới việc tranh luận của Giáo Hội hoàn vũ, nên cần chúng tôi giúp đỡ.

Vấn     Phải chăng các vị ấy trốn lánh trách nhiệm của mình?

Đáp     Không phải vậy, tôi không dám nói điều gì như thế. Chúng tôi bao giờ cũng khuyến khích các vị giám mục hãy tự nhúng tay vào việc giải quyết những vấn đề như vấn đề quí vị vừa đề cập tới. Thế nhưng, trong một thế giới càng ngày càng toàn cầu hóa hơn này thì đây là một điều hết sức khó khăn.

Vấn     Từ Công Đồng Chung Vaticanô II có những tiến triển ra sao nơi đoàn tính của hàng giáo phẩm?

Đáp     Có một bước tiến bộ khả quan. Tôi đang nghĩ tới việc phát triển của những cuộc viếng thăm “ngũ niên”. Tôi nhớ là cuộc viếng thăm đầu tiên tôi thực hiện vào năm 1977. Tôi là Tổng Giám Mục Municj chỉ trong một thời gian ngắn. Tất cả cuộc viếng thăm này bao gồm việc gặp gỡ vị tổng trưởng Thánh Bộ Giám Mục, kính viếng các đền thờ và triều kiến với Đức Phaolô VI.

Giờ đây các vị giám mục gặp tất cả mọi thánh bộ và hội đồng. Một cuộc bàn luận sống động và hữu hiệu được diễn ra. Và các vị giám mục lấy làm biết ơn về việc này, vì một mặt thì Tòa Thánh hiểu được hơn nữa những gì đang xẩy ra ở các miền địa dư và văn hóa khác nhau; mặt khác thì các vị giám mục có thể cùng nhau tìm cách giải quyết những vấn đề các vị muốn cũng như hiểu hơn được những gì huấn quyền mong muốn.

Tôi cho quí vị một thí dụ khác, đó là những liên lạc thường xuyên chúng tôi thực hiện với những vị chủ tịch các hội đồng giám mục cũng như những cuộc viếng thăm nhau. Nhờ đó tăng thêm việc hiểu biết thông cảm nhau.

Ngoài ra cũng không được quên những thượng hội giám mục. Tóm lại, vẫn có một cuộc trao đổi liên tục giữa tâm điểm và chu vi làm kiên cố cho việc dấn thân chung phục vụ một Giáo Hội duy nhất.

Vấn     Phải chăng các hội đồng giám mục không có giá trị gì ngoài việc là một phương tiện của đoàn tính?

Đáp     Tôi sẽ phân biệt giữa các hội đong nhỏ, có khoảng 10 hay 15 phần tử, với những hội đồng lớn, có thể với hơn 200 vị giám mục.

Trong trường hợp thứ nhất, hội đồng giám mục này thực sự là một phương tiện của vấn đề điều hợp, của một cái nhìn chung, của sự giúp đỡ lẫn nhau cũng như của việc sữa chữa cho nhau khi cần.

Trong trường hợp của những hội đồng lớn, khi những hội đồng này phải đối diện với những đống giấy tờ cần phải đọc, những lịch trình trong ngày với cả chục vấn đề cần phải bàn luận, thì tôi nghĩ rằng không thể nào thực sự có được một cuộc đối thoại sâu xa cả. Cũng có thể nguy hiểm là những vấn đề bàn luận và giải quyết đã được thực hiện trước bởi những văn phòng, bởi chính sách quan liêu.

Trong trường hợp những hội đồng lớn thì việc tranh luận có lẽ cần phải được giới hạn vào một ít những vấn đề thích đáng thôi và phân phối những gì còn lại cho mỗi một Giáo Hội địa phương. Vấn đề quan trọng là các hội đồng này cần phải trở thành một khí cụ tùy cơ ứng biến.

Vấn     ĐHY đã đề cập đến vấn đề thượng nghị giám mục như là một thí dụ về sự tiến bộ nơi đoàn tính. Ngài có thích phương thức hiện nay của các hội đồng thượng hội giám mục này hay chăng?

Đáp     Mặc dù đây hoàn toàn là một ý kiến cá nhân, tôi cũng có thể nói rằng đó là một phương thức phần nào được nghi thức hóa. Nó bảo đảm một nhịp điệu nhanh lẹ ở những cuộc họp bàn làm việc, nhưng nó lại bất tiện ở chỗ không thể thực hiện được một cuộc bàn luận thực sự giữa các vị giám mục tham dự.

Chắc chắn là cần phải bảo đảm được tốc độ của công việc này. Thế nhưng cuộc bàn luận thực sự và hữu hiệu cũng cần phải có thời gian nữa.

Vấn     Cuốn sách của ĐHY khiến tôi nghĩ rằng ĐHY không có một ưu tiên đặc biệt nào trong việc áp dụng quan niệm về Dân Chúa vào Giáo Hội cả.

Đáp     Điều này không đúng. Quan niệm về Dân Chúa là một quan niệm trong Thánh Kinh. Đúng hơn, tôi không thích độc đoán sử dụng quan niệm này, một quan niệm ngược lại đã hoàn toàn có một câu định nghĩa rõ ràng trong Sách Thánh.

Trong Cựu Ước, Do Thái là Dân Chúa, trước hết là vì dân này đã chấp nhận tiếng gọi và việc tuyển chọn của Thiên Chúa, vì họ đã đáp lại ý muốn của Thiên Chúa. Nó không phải là một quan niệm bất dịch mà là năng động, ở chỗ, nó là Dân Chúa như dân Do Thái, nhưng việc nó là Dân Chúa cần phải luôn luôn được đổi mới theo khả năng liên hệ của nó với Ngài. Đó là những gì nền tảng trong Cựu Ước.

Vấn     Thế còn trong Tân Ước thì sao?

Đáp     Trong hầu hết tất cả mọi đoạn Tân Ước thì quan niệm này ám chỉ dân Do Thái, và chỉ có hai hay ba đoạn ám chỉ Giáo Hội mà thôi. Bởi thế Giáo Hội mới được cho rằng thừa hưởng việc tuyển chọn của dân Do Thái; Giáo Hội tham phần vào việc làm Dân Chúa này.

Thế nhưng, cả ở đây nữa, nó không phải là vấn đề về một sản vật được chiếm hữu: Giáo Hội đã trở nên Dân Chúa theo chiều hướng được tuyển chọn này. Tuy nhiên, thêm vào quan niệm của Cựu Ước là một đường lối mới trong việc hội nhập với ý muốn của Thiên Chúa, đó là việc hiệp thông với Chúa Kitô.

Có một nguyên tắc thần học, rồi đến việc cụ thể hóa Kitô học, nhưng trước hết có một năng lực quan trọng không cho phép được kiêu hãnh cho rằng “Chúng tôi là Dân Chúa”. Chúng ta bao giờ cũng phải hoán cải thành Dân Chúa và chỉ theo chiều hướng này thì quan niệm ấy mới có giá trị. Ngược lại, nếu chúng ta coi nó như là một mẫu thức phàm tục, phi kinh thánh, thì quan niệm về Giáo Hội sẽ bị pha phôi một cách trầm trọng.

Vấn     Trong cuốn sách của mình, ĐHY tỏ ra gắt gao với bất cứ ai sử dụng phụng vụ như là một cách truyền đạt mà thôi, như một phương tiện giáo dục tín hữu. Tại sao?

Đáp     Tôi muốn nói hẳn rằng phụng vụ là việc truyền đạt và là việc mục vụ.

Tôi chống lại những ai nghĩ rằng phụng vụ chỉ là việc truyền đạt khi phụng vụ bị biến thành một cảnh tượng, biến thành một “màn trình diễn”, bị suy giảm thành những gì rất nhỏ đối với cả một công việc nghệ thuật vĩ đại theo bản chất của phụng vụ khi phụng vụ được cử hành đàng hoàng bằng cả nội tâm con người.

Trong 20 năm qua, việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật ở Đức đã giảm xuống 70%. Tín hữu không còn cảm thấy tham dự vào những việc cử hành “mới mẻ” chẳng có nghĩa gì với họ cả. Phụng vụ rất thường bị đối xử như là một điều gì đó có thể loại bỏ tùy sở thích, như thể nó là một sản vật riêng của chúng ta. Thế nhưng, làm như thế là chúng ta đã gây hư hoại cho phụng vụ vậy.

Vấn     Phải chăng dự tưởng về một thứ kiêng chay Thánh Thể (không Rước Lễ), được ĐHY hình như gợi lên, ngược lại với những lời khuyến dụ của nhiều vị Giáo Hoàng, bắt đầu từ Đức Piô X?

Đáp     Không phải thế. Lần đầu tiên tôi đã nêu lên dự tưởng này cả 15 hay 20 năm trước đây, liên quan tới việc cử hành Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, một ngày chay tịnh.

Chúng ta thấy nguồn gốc của việc chay tịnh này trong Phúc Âm Thánh Marcô: “Sẽ có những ngày khi mà chàng rể không còn ở với họ nữa thì bấy giờ họ mới chay tịnh”. Ngay từ thế kỷ đầu đã thực hành việc chay tịnh trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, một việc thể hiện lòng chúng ta “cảm thương” Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết trên cây thập giá vì chúng ta.

Lần thứ hai tôi đã nói về dự tưởng này khi lên tiếng về thành phần ly dị tái hôn, như ngày nay cho thấy họ thực sự là thành phần duy nhất không được Rước Lễ.

Mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ xem mình có cần phải liên hệ bản thân mình hay chăng, ít là ở một số trường hợp, vào tình trạng bị ngoại trừ này. Nhờ đó, chúng ta tỏ cho họ thấy dấu hiệu của tình đoàn kết, và chúng ta sẽ có cơ hội để đi sâu hơn vào đời sống thiêng liêng của mình.

Tôi thấy rằng có nhiều lần, trong các lễ mồ, lễ cưới cũng như nhiều trường hợp khác, người ta lên Rước Lễ như thể đó là một phần của lễ nghi vậy, tức nó là một bữa tối mà người ta cần phải ăn. Thế nhưng, làm như thế là người ta không còn sống tính cách sâu xa thiêng liêng của biến cố này nữa, một biến cố bao giờ cũng là một thách đố lớn lao cho mỗi một người trong chúng ta.

Tôi thực sự đồng ý với các vị đại giáo hoàng khi các ngài nói rằng chúng ta cần Hiệp Lễ vì chỉ có Chúa mới là Đấng có thể ban cho chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình chiếm hữu. Chính vì chúng ta thiếu thốn mà chúng ta mới cần đến sự hiện diện của Người. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tránh đi một thứ nghi thức hời hợt làm hạ giá tác động này, và hãy cố gắng đi sâu vào tính cách cao cả của nó.

Vấn     Đối với thành phần ly dị tái hôn, ĐHY có nghĩ rằng tình trạng bị loại trừ không được Rước Lễ này sẽ tiếp tục có hiệu lực hay chăng?

Đáp     Nếu cuộc hôn nhân đầu tiên đã hiệu thành mà họ (đôi tân hôn) lại sống trong một cuộc hiệp nhất phản lại với mối ràng buộc của bí tích này thì việc không được Rước Lễ vẫn còn hiệu lực.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng cần phải bàn luận rộng hơn nữa về vấn đề này nhờ đó tránh triệt để áp dụng việc Rước Lễ vào tất cả mọi hoàn cảnh đau thương thuộc trường hợp này. Cần phải giúp cho những con người này sống trong cộng đồng giáo xứ, chia sẻ nỗi đớn đau của họ, tỏ cho họ thấy rằng họ được yêu mến và họ thuộc về Giáo Hội cũng như Giáo Hội cùng khổ đau với họ.

Tôi nghĩ cần phải nới rộng trách nhiệm chung này, hầu giúp đỡ lẫn nhau, để vác đỡ gánh nặng của nhau trong tình huynh đệ.

Vấn     Hiện nay ĐHY quan tâm nhất đến những vấn đề nào của Giáo Hội?

Đáp     Tôi xin nói ngay rằng cái khó khăn hiện nay là vấn đề tin tưởng. Xu hướng tương đối đã trở thành tự nhiên đối với con người của thời đại chúng ta đây.

Ngày nay nó được coi là một hành động hãnh diện, một hành động không hợp với thái độ khoan nhượng, khi nghĩ rằng chúng ta thực sự đã nhận được sự thật của Chúa. Tuy nhiên, hình như khoan nhượng nghĩa là tất cả mọi tôn giáo và văn hóa cần phải được coi ngang hàng với nhau. Theo chiều hướng này thì tin tưởng là một tác động càng trở nên khó khăn hơn nữa.

Bởi thế chúng ta mới chứng kiến thấy một tình trạng âm thầm mất đức tin, không cần phải có những đối chọi xẩy ra, nơi một phần lớn Kitô giáo. Đó là mối quan tâm lớn nhất.

Bởi vậy chúng ta cần phải tự hỏi xem trong trào lưu tương đối thuyết này chúng ta có mở lại cửa cho sự hiện diện của Chúa hay chăng, cho việc Giáo Hội tỏ cho biết về Người hay chăng. Bấy giờ chúng ta mới thực sự chấp nhận việc khoan nhượng, một thứ khoan nhượng không lạnh lùng dửng dưng, mà là yêu thương tôn trọng người khác, giúp đỡ nhau tiến bước trong cuộc sống.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 22-23/2/2004