GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 THÁNG 3: Ngày 2 Thứ Ba


ĐTC với tín hữu thuộc 4 giáo xứ ở giáo phận Rôma về việc tổ chức sống đạo cho các gia đình trong giáo xứ

Đúng như đã hứa với hằng giáo sĩ của giáo phận Rôma hôm gặp các vị hằng năm theo truyền thống vào đầu Mùa Chay hôm Thứ Năm 26/2/2004 tuần trước và được thoidiemmaria.net phổ biến hôm qua, ĐTC đã tiếp tục lệ viếng thăm các giáo xứ thuộc giáo phận Rôma là giáo phận trực thuộc quyền cai quản của chính Giáo Hoàng, với tư cách là Giám Mục Rôma. Thật vậy, như đã xẩy ra một số lần trong đời giáo hoàng của Ngài, vì lý do sức khỏe ĐTC đã phải tạm ngừng lại một số hoạt động mục vụ của Ngài, điển hình nhất là việc Ngài không thể tiếp tục đi thăm các giáo xứ ở Rôma cách đây 2 năm cũng vào Mùa Chay năm 2002.


Đó là lý do vào ngày Thứ Ba 5/3/2002, cách đây đúng 2 năm, vị Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh là Joaquin Navarro Valls đã loan báo như sau: “Bác sĩ riêng của ĐTC, sau khi đã tham vấn với các vị đồng nghiệp của mình, cũng như sau khi đã để ý đến những triệu chứng đau đớn liên tục xẩy ra nơi đấu gối chân phải của ĐGH, một triệu chứng thật sự được bắt nguồn từ bệnh phong khớp, đã khuyên ĐTC cần phải nghỉ ngơi cho việc chữa lành bệnh này. Bởi thế, buổi triều kiến chung ngày mai, 6/3, sẽ có hai phần riêng biệt; Phần đầu tại Sảnh Đường Phaolô VI, bài giáo lý do ĐTC soạn sẽ được đọc bằng một số ngôn ngữ khác nhau. Sau đó, phái đoàn hành hương sẽ ra ngoài Quảng Trường Thánh Phêrô để ĐTC Gioan Phaolô II chào đón và ban phép lành cho từ cửa sổ Điện Vatican của Ngài. Ngoài ra, hai cuộc viếng thăm giáo xứ thuộc giáo phận Rôma vào hai Chúa Nhật tới cũng được hoãn lại vào một ngày khác sau này”. Đài Phát Thanh Vatican đã đặt câu hỏi với vị giám đốc này là chứng đau đầu gối của ĐTC liệu có ảnh hưởng gì đến các cuộc hẹn sắp đến hay chăng, và đã được trả lời như sau: “Không, chắc chắn là không. Những cuộc hẹn đã được sắp xếp vào tuần tới cũng như cho những ngày này sẽ không thay đổi tí nào. Bởi thế, tất cả những cuộc triều kiến riêng của ĐTC nơi thư viện Điện Vatican của Ngài, cũng như những cuộc họp vẫn tiếp tục như đã ấn định. Những việc cần phải giảm bớt chỉ là hoạt động của ĐTC ở ngoài Điện Vatican, là những gì có thể sẽ gây thêm rắc rối cho chứng bệnh phong khớp này”.


Bởi vậy, để bảo trì sức khỏe mới được phục hồi sau chuyến tông du 102 (11-14/9/2003) tới Slovakia, thời điểm sửa soạn mừng kỷ niệm ngân khánh giáo hoàng 25 năm (16/10/2003) của Ngài năm trước, thời điểm tưởng Ngài không thể tiếp tục sứ vụ kế thừa Thánh Phêrô được nữa, thay vì Ngài đích thân đến từng giáo xứ thuộc giáo phận Rôma như trước vào mỗi ngày Chúa Nhật hằng tuần, Ngài đã gặp gỡ họ tại chính Điện Vatican, không phải là một giáo xứ mà là nhiều giáo xứ một lúc (Ngài còn 40, trong tổng số 340, giáo xứ nữa chưa thăm). Điển hình là trưa Chúa Nhật vừa rồi, 28/2/2004, ĐTC GPII đã cử hành Thánh Lễ tại Sảnh Đường Đức Phaolô VI cho tín hữu thuộc các giáo xứ Thánh Anselm, Thánh Charles Borromeo, Thánh Gioan de la Salle và Thánh Maria Minh Tinh Truyền Bá Phúc Âm Hóa.

Trong bài giảng của mình, ĐTC đã giải nghĩa về bài Phúc Aâm Chúa Giêsu ăn chay và chịu cám dỗ trong hoang địa như sau: “Chúng ta nhìn lên Chúa Kitô là Đấng đã chay tịnh và chiến đấu với ma quỉ… Cả chúng ta nữa, như Chúa Kitô, đều được kêu gọi để cương quyết và gay go chiến đấu với ma quỉ. Chỉ có thế, bằng một tấm lòng canh tân gắn bó với ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể trung thành với ơn gọi Kitô hữu của chúng ta, đó là ơn gọi trở thành những người rao giảng và làm chứng cho Phúc Âm”.

Sau khi diễn tả niềm vui để có thể “tiếp tục truyền thống tốt đẹp của việc viếng thăm các giáo xứ, mặc dù theo kiểu cách khác. Những cuộc gặp gỡ này giúp cho Tôi có thể bày tỏ lòng cảm mến liên kết Tôi chặt chẽ hơn với anh chị em, những người tín hữu thân yêu ở giáo phận Rôma. Đừng bao giờ quên rằng: anh chị em bao giờ cũng kề cận bên lòng của Tôi! Anh chị em là một phần thuộc dân Kitô giáo được đặc biệt ký thác cho việc chăm sóc mục vụ của Tôi”.

Ngài cũng kêu gọi các tín hữu thuộc các giáo xứ tham dự “hãy tiếp nhận các gia đình một cách thân thương và cởi mở” và hãy bao gồm cả các bậc phụ huynh “trong việc sửa soạn cho con em cũng như cho giới trẻ lãnh nhận các phép bí tích và đời sống Kitô giáo. Theo chương trình và nhu cầu của đời sống gia đình, hãy tổ chức các buổi gặp gỡ về thiêng liêng và huấn luyện… Hãy nhớ rằng nơi đầu tiên của việc giáo dục Kitô giáo chính là ở trong gia đình. Anh chị em hãy gần gũi với các gia đình đang trải qua tình trạng khó khăn hay những trường hợp bất ổn, giúp cho họ hiểu được cách thức để thực hiện ý định thực sự của Thiên Chúa nơi cuộc sống hôn nhân và gia đình. Tôi biết rằng vào lúc này đây anh chị em đang có những cơ sở tạm thời cho sinh hoạt phụng vụ và công việc mục vụ. Hy vọng rằng anh chị em sớm được hưởng những cơ sở xứng hợp. Tuy nhiên, trong lúc này đây, anh chị em hãy cố gắng biến những giáo xứ của mình thành những cơ sở thiêng liêng được xây dựng trên tảng đá góc tường là Chúa Kitô!”



Sứ Điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2004: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” và tổng quan về nguồn gốc Truyền Thống Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Đúng như đã hứa hẹn với giới trẻ trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2003 (ở đoạn 7) sau đây:

“Giới trẻ thân mến, Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây, như các bạn biết, sẽ được tổ chức ở Đức vào năm 2005 tại thành phố và giáo phận Cologne. Con đường tuy còn dài, nhưng hai năm ngăn cách chúng ta từ đây đến điểm hẹn ấy có thể trở thành một thời gian sửa soạn kỹ lưỡng. Để giúp các bạn theo con đường này, Tôi đã chọn những đề tài sau đây cho các bạn:

• 2004 – Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19: ‘Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu’ (Jn 12:21);

• 2005 – Ngày Giới Trẻ Thế Giới 20: ‘Chúng tôi đến triều bái Người’ (Mt 2:2).

Năm 2004 này, qua bản văn được đề ngày 22/2, Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô, ĐTC GPII đã gửi cho giới trẻ một sứ điệp để học hỏi sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 19 được tổ chức ở giáo phận địa phương. Tiện đây chúng ta nên ôn lại một chút về nguồn gốc và lịch trình Ngày Giới Trẻ Thế Giới (nếu cần xem toàn bộ các sứ điệp của ĐTC GPII gửi giới trẻ từ năm 1985 tới 2000, xin đọc cuốn “Giới Trẻ của Ngàn Năm Thứ Ba” của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, do Trung Tâm Công Giáo Giáo Phận Orange xuất bản năm 1999, hay vào www.thoidiemmaria.net., phần Sự Sống Viên Mãn, mục Tông Đồ, trang Giới Trẻ Ngàn Năm III).


“Năm 1985 đã được Tổ Chức Liên Hiệp Quốc (The United Nations Organization) tuyên bố là Năm Giới Trẻ Quốc Tế (International Youth Year)". Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã công nhận sự kiện lịch sử này ở ngay đoạn mở đầu trong Bức Thư ngài gửi cho chung giới trẻ thế giới và cho riêng giới trẻ Công Giáo vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá 31-3-1985, "ngày mà Tôi đang gặp được nhiều người trong giới trẻ qúi bạn, những người hành hương qui tụ tại Quảng Trường Thánh Phêrô ở Rôma đây" (đoạn 16).


Ngày Giới Trẻ Thế Giới, kể từ đó, được thành hình theo chỉ thị của Đức Thánh Cha. Và Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên do Hội Đồng về Giáo Dân của Tòa Thánh đứng ra tổ chức cho giới trẻ Công Giáo tại chính Giáo Đô Rôma vào năm 1986. Sau đó, Ngày Giới Trẻ Thế Giới chung lần lược được tổ chức, vào các năm lẻ, tại các nơi khác theo thứ tự thời gian như sau: lần thứ hai vào năm 1987 tại Buenos Aires nước Á Căn Đình, lần thứ bốn vào năm 1989 tại Santiago de Compostella nước Tây Ban Nha, lần thứ sáu vào năm 1991 tại Czestochowa nước Ba Lan, lần thứ tám năm 1993 tại Denver nước Mỹ, lần thứ mười vào năm 1995 tại Manila nước Phi Luật Tân, lần thứ mười hai vào năm 1997 tại Paris nước Pháp, lần thứ mười lăm vào chính Năm Thánh 2000 tại Giáo Đô Rôma, và lần mười bảy vào năm 2002 ở Torronto Canada.


Theo lịch trình tổ chức đã được diễn tiến trên đây, cứ hai năm một lần, vào năm lẻ, mới có một Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức tại một quốc gia. Còn những năm chẵn, thường được tổ chức tại địa phương mỗi giáo phận. Tuy nhiên, vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá của mỗi năm, nhất là vào năm chẵn, tại giáo đô Rôma, vẫn cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới chung, có một cuộc trao chuyền Thánh Giá cho nhau, giữa giới trẻ của quốc gia đứng ra tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần trước cho giới trẻ của quốc gia sẽ tổ chức Ngày Giới Trẻ lần kế tiếp.


Còn chủ đề cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức tại một quốc gia trong năm lẻ, bao giờ cũng được Đức Thánh Cha ban bố bằng một sứ điệp từ một năm trước đó, để ban tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới kịp sửa soạn phần học hỏi vào chính thời điểm tổ chức.


Thế nhưng:


1- Tại sao Giáo Hội, qua Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, lại tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới? Theo chủ ý của Đức Thánh Cha thì Ngày Giới Trẻ Thế Giới mang một ý nghĩa sâu xa và một sứ mệnh thực sự ra sao?


2- Tại sao Ngày Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) không được tổ chức tại một địa điểm duy nhất cố định, như tại chính giáo đô Rôma như lần đầu tiên, mà lại tổ chức ở khắp nơi trên thế giới như vậy?


3- Tại sao Ngày Chúa Nhật Lễ Lá lại được chọn làm ngày cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, mà không phải là một ngày vui nào khác, như vào một ngày trong mùa hè, thời điểm nói lên bản chất hăng hái nhiệt tình của giới trẻ, hay vào mùa xuân, thời điểm phản ảnh đặc điểm tươi mới đầy sinh lực của tuổi trẻ??


4- Tại sao Thánh Giá lại được chọn để giới trẻ trao chuyền cho nhau trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới, được cử hành vào năm chẳn tại Rôma, để giới trẻ sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới được củ hành vào năm lẻ sau đó tại một quốc gia, mà không phải là một dấu hiệu dễ thương nào khác, như chân trời, biểu hiệu cho nỗi ước mơ của gới trẻ, hay cầu vồng, biểu hiệu cho niềm hy vọng của giới trẻ v.v.???


Về những vấn nạn trên đây cũng như toàn bản văn sứ điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19, thoidiemmaria.net sẽ phổ biến vào chính Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19, Chúa Nhật Lễ Lá 4/4/2004. Xin quí vị tiếp tục đón coi.