GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

 

___________________________________________

 NGÀY 31 THỨ TƯ

 

 

ĐTC GPII với các vị Giám Mục Úc Đại Lợi ngày 26/3/2004 về hiện trạng “Úc Đại Lợi đang phát triển một ý hệ tục hóa tai hại”


2.     Lời Chúa kêu gọi “hãy theo Thày” (Mt 4:19) hôm nay đây vẫn còn giá trị như lời ấy vang lên ở bờ Hồ Galilêa hơn hai ngàn năm trước. Niềm vui và hy vọng của vai trò làm môn đệ của Kitô Giáo là đặc tính đời sống của vô vàn linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ Úc Đại Lợi, thành phần cùng nhau nỗ lực đáp ứng lời kêu gọi của Chúa Kitô và làm chứng cho chân lý nơi sinh hoạt giáo hội và dân sự ở xứ sở quí huynh. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được rằng tại Úc Đại Lợi đang phát triển một ý hệ tục hóa tai hại. Căn gốc của việc phát triển đáng ngại này là việc nỗ lực phổ biến một nhãn quan về con người phi thần linh. Nó làm tăng phát cá nhân chủ nghĩa, làm phân tán mối liên hệ giữa tự do và chân lý, cùng làm hao mòn những mối liên hệ tin tưởng là đặc tính của cuộc sống xã hội chân thực. Những bản tường trình của quí huynh rõ ràng nói lên một số những hậu quả tàn hại của hiện tượng nhật thực về cảm quan thần linh này: như tình trạng suy yếu đời sống gia đình; như việc bỏ Giáo Hội; như một thứ nhãn quan hẹp hòi về cuộc đời không thể khơi lên nơi con người ơn gọi cao quí “trong việc hướng dẫn bước đường của họ tiến đến một sự thật làm họ trở nên siêu việt” (Thông Điệp Đức Tin Và Lý Trí, 5).


Đối diện với những thách đố như thế, khi mà những phong ba nổi lên tấn công chúng ta (x Mk 6:48), thì chính Chúa lên tiếng: “Can đảm lên! Chính Thày đây! Đừng có sợ” (Mk 6:50). Giữ vững lòng tin tưởng, quí huynh cũng có thể đánh tan những lo âu sợ hãi. Đặc biệt trong một thứ văn hóa chỉ biết có “hiện thế và hiện tại”, các vị Giám Mục cần phải hiên ngang như những vị ngôn sứ can trường, những chứng nhân và những tôi tớ của niềm hy vọng vào Chúa Kitô (x Tông Huấn Pastores Gregis, 3). Trong việc loan báo niềm hy vọng này, niềm hy vọng phát xuất từ Thánh Giá, Tôi tin tưởng là quí huynh sẽ dẫn con người nam nữ từ bóng tối mù mờ về luân lý cũng như ý nghĩ mập mờ vào ánh quang chân lý và tình yêu của Chúa Kitô. Thật vậy, chỉ khi nào hiểu được định mạng tối hậu của con người là sự sống vĩnh cửu ở trên trời thì mới dẫn giải được muôn vàn niềm vui và sầu khổ hằng ngày, khiến con người có thể tin tưởng chấp nhận mầu nhiệm đời sống của họ (x. Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, 81).


3.     Chứng từ cho niềm hy vọng được Giáo Hội nắm giữ này (x. 1Pt 3:15) đặc biệt mãnh liệt khi Giáo Hội qui tụ lại để làm việc tôn thờ. Thánh Lễ Chúa Nhật, vì tính cách long trọng của mình, việc buộc các tín hữu tham dự, cũng như việc cử hành vào ngày Chúa Kitô chiến thắng tử thần, là những gì nhấn mạnh đến chiều kích nội tại về giáo hội của Thánh Thể: mầu nhiệm Giáo Hội được hiện thực một cách tỏ tường (x. Tông Thư “Dies Domini”, 34). Tóm lại, Chúa Nhật là “một ngày đệ nhất của đức tin”, “một ngày bất khả châm chước”, “ngày hy vọng của Kitô giáo!”.


Tình trạng suy yếu nơi vấn đề tuân giữ việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật là tình trạng làm suy yếu vai trò làm môn đệ của Kitô hữu và làm lu mờ ánh sáng chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa Kitô trên thế giới. Khi Chúa Nhật mất đi ý nghĩa nồng cốt của nó và trở thành phụ thuộc cho cái quan niệm thế tục về “một thứ cuối tuần” bị chi phối bởi những cái như giải trí và thể thao, thì người ta bị giam hãm vào một chân trời rất hạn hẹp khiến họ không còn thấy được trời cao nữa (x. Tông Thư “Dies Domini”, 4). Trái lại, một khi thực sự cảm thấy thoải mái hay hào hứng là họ bị thu hút vào một cuộc theo đuổi vô nghĩa nơi những gì mới mẻ mà hụt hẫng tính chất tươi mát bền bỉ nơi “nước hằng sống” (Jn 4:11) của Chúa Kitô. Mặc dù tiến trình tục hóa ngày của Chúa đáng khiến cho quí huynh hết sức lo âu, tuy nhiên quí huynh vẫn có thể cảm thấy an ủi nơi lòng trung thành của chính Chúa là Đấng tiếp tục tỏ cho dân Ngài thấy được dấu hiệu của một tình yêu thách đố và kêu gọi (x. Tông Huấn Giáo Hội Tại Đại Dương Châu, 3)…


Với quí huynh là những vị Giám Mục, Tôi đề nghị là quí huynh, với tư cách là những người điều hành về phụng vụ, hãy đề cao việc mục vụ cho các chương trình giáo lý giúp cho tín hữu hiểu được ý nghĩa đích thực của Chúa Nhật và khích lệ họ hãy trọn vẹn giữ Ngày Chúa Nhật. Để đạt được mục đích này, Tôi xin quí huynh hãy sử dụng Tông Thư “Dies Domini”. Bức Tông Thư này phác họa cho thấy tính cách hành trình và cánh chung của Dân Chúa là những gì ngày nay dễ bị lấn át bởi những ý tưởng xã hội nông cạn về cộng đồng. Là một việc tưởng niệm một biến cố đã qua và cử hành sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh giữa dân Người, Chúa Nhật cũng hướng tới một thứ vinh quang mai hậu của việc Người tái giáng cũng như đến tầm vóc viên trọn của niềm hy vọng cùng niềm vui Kitô Giáo.


4.     Sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội mật thiết gắn liền với phụng vụ. Vì việc canh tân phụng vụ được Công Đồng Chung Vaticanô II thiết tha mong đợi đã đưa đến việc tham dự ý thức và chủ động của tín hữu vào những công việc hợp với họ, việc tham gia này không phải là tất cả. “Mục đích để được ở với Chúa Giêsu đó là việc tiến lên từ Chúa Kitô, bằng quyền lực của Người và với ân sủng của Người” (Tông Huấn Giáo Hội Tại Đại Dương Châu, 3).


Động lực này chính là những gì chất chứa nơi Lời Nguyện sau Hiệp Lễ và Nghi Thức Kết Lễ (x Tông Thư Dies Domini, 45). Được chính Chúa sai đi làm vườn nho, một vườn nho gia đình, công sở, học đường, tổ chức dân sự, thành phần môn đệ Chúa Kitô không “đứng rảnh rỗi ngoài phố chợ” (Mt 20:3) hay không hết sức dấn thân tham gia vào tổ chức nội tại của giáo xứ là những gì họ xao lãng trong việc thi hành mệnh lệnh tích cực truyền bá phúc âm hóa kẻ khác (x Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân, 2). Được canh tân bởi sức mạnh của Chúa Phục Sinh và Thần Linh của Người, thành phần môn đệ Chúa Kitô cần phải trở lại với “vườn nho” của mình với một tấm lòng nhiệt thành muốn “nói” về Chúa Kitô và muốn “tỏ’ Người ra cho thế giới (x Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, 16).


(đoạn 1 mở, đoạn 5 về mối hiệp thông giữa giám mục và linh mục, đoạn 6 về việc đóng góp của thành phần tu sĩ, đoạn 7 về đời sống hôn nhân gia đình của giáo dân, đoạn 8 kết).


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 26/3/2004

 

          Cải Thiện: Ở Chỗ Nào?

       

           (Cải Thiện Ðời Sống tiếp:

           Chúa Nhật - Cải Thiện Những Gì? và

           Thứ Hai - Cải Thiện: Tại Sao?)

 

  

Nếu đã ý thức một cách sâu xa và chắc chắn lý do tại sao phải cải thiện, thì chúng ta cũng dễ dàng biết được đâu là bản chất và dấu hiệu đích thực của việc cải thiện, nhờ đó, chúng ta sẽ vững tâm cải thiện và thực sự cải thiện.

 

Nếu lý do cần phải cải thiện là vì chúng ta là những kẻ tội lỗi nhưng muốn được đời đời cứu rỗi, thì cải thiện không phải ở chỗ giữ mình sạch tội cho bằng sợ tội.

 

Nếu lý do cần phải cải thiện là vì Hạt Giống Ơn Thánh trong chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái, thì cải thiện không phải ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa.

 

Nếu lý do cần phải cải thiện là vì Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi, thì cải thiện không phải ở chỗ sống công chính cho bằng nhận biết Thiên Chúa.

 

 

1) Cải Thiện không phải ở chỗ sạch tội cho bằng sợ tội

 

Vẫn biết sạch tội cũng là một trong những dấu hiệu tốt lành của một con người công chính hay đã cố gắng cải thiện. Tuy nhiên, sạch tội không phải là dấu hiệu duy nhất và đích thực chứng tỏ sự tốt lành nơi một người.

 

Chẳng hạn, một đứa nhỏ chưa có trí khôn thì còn sạch tội, song một khi đã có trí khôn chưa chắc nó còn giữ được tình trạng sạch tội ban đầu nữa. Hai nguyên tổ loài người, ngay từ ban đầu đã ở trong tình trạng công chính nguyên thủy và vô tội, thế nhưng, khi vừa bị rắn qủi cám dỗ, đã sa ngã phạm tội làm mất lòng Chúa.

 

Kinh nghiệm sống đạo cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó, có những tội nếu không gặp dịp, chúng ta sẽ không vấp phạm, ngược lại, nếu gặp dịp chúng ta lại vấp phạm.

 

Thí dụ, có những loại người hiền cục, bình thường thì rất lành tính, nhưng lơ mơ đụng đến họ thì hãy coi chừng, vỡ mặt lúc nào không biết. Hoặc, có những người quyền thế, lúc đầu không biết hối lộ là gì, sau khi được đút lót nhiều lần, toàn là những món bở, bắt đầu đâm ra mắc tật hối lộ. Hay, ở Việt Nam không có luật cho phép ly dị, phá thai thì hầu như không có chuyện gì xẩy ra, ở Mỹ, thấy được phép ly dị, phá thai, đồng thời cũng thấy người ta ly dị, phá thai là thường, một số người Công Giáo cũng đã ly dị và phá thai v.v.

 

Do đó, tình trạng sạch tội hay vô tội chưa chắc đã là dấu hiệu chứng tỏ con người sạch tội hay vô tội đó là một con người tốt lành hay đã hoàn toàn và thực sự cải thiện. Tại sao vậy? Tại vì tội là những gì phát xuất từ bên trong con người mà ra, chứ không phải chỉ thuần túy là những hành động xấu xa bên ngoài của con người mà thôi. Nếu con người chỉ tránh làm điều xấu mà không diệt tận gốc căn nguyên gây ra những điều xấu đó là tội lỗi ở bên trong con người của họ, thì, đúng như lời Chúa Giêsu khiển trách thành phần Pharisiêu và luật sĩ Do Thái ngày xưa, trong Phúc Âm thánh Mathêu đoạn 23, câu 25 và 27: Các ngươi chỉ rửa sạch bên ngoài ly và đĩa, song lại để bên trong đầy những tham lam và nhục dục... Các ngươi giống như mồ mả được quét sơn bề ngoài trông đẹp mắt nhưng bề trong đầy hôi thối và xương cốt thây ma.

 

Thật vậy, con người cải thiện là cải thiện những gì, nếu không phải cải thiện con người tội lỗi của mình. Thế nhưng, tội lỗi bởi đâu mà ra, hay cái gì làm nên tội lỗi, nếu không phải, lòng trí của con người là cái bởi bên trong con người mà ra.

 

Trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 15, câu 11, 17-19, Chúa Giêsu đã chẳng xác nhận tội lỗi là do tâm trí con người là cái bởi bên trong con người ma ra là gì, khi Người nói với thành phần Pharisiêu và luật sĩ trách các môn đệ của Chúa không chịu rửa tay trước khi dùng bữa: Không phải cái vào miệng con người làm họ ra dơ bẩn; mà là cái từ miệng con người mà ra... Các ngươi không thấy rằng, mọi cái vào miệng con người sẽ được tiêu hóa rồi bị tống khứ ra ngoài hay sao, song cái từ miệng mà ra thì phát xuất từ tâm trí. Đó mới chính là cái làm cho con người ta ra dơ bẩn. Từ tâm trí phát xuất những ý đồ xấu xa, giết người, ngoại tình, dâm ô, trộm cắp, chứng gian, lộng ngôn.

 

Chính vì thế, vì tội lỗi là cái cần phải cải thiện bởi tâm trí con người là những cái từ bên trong con người mà ra như vậy, cũng trong Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 23, câu 26, Chúa Giêsu đã dạy một nguyên tắc căn bản để cải thiện là: Trước hết, hãy rửa sạch bên trong cái ly thì bên ngoài cũng sẽ được sạch.

 

Như thế, cải thiện chính là canh tân nội tâm của con người. Và, dấu hiệu chứng tỏ con người bắt đầu canh tân nội tâm của mình, tức bắt đầu cải thiện, đó là khi họ biết thật tình ăn năn thống hối tội lỗi của mình là những gì đã làm mất lòng Chúa. Một khi con người đã thật tình ăn năn thống hối tội lỗi của mình, là con người đã tẩy rửa nội tâm của mình, từ đó, họ sẽ không dám phạm tội mất lòng Chúa nữa. Thái độ con người không dám làm mất lòng Chúa là dấu hiệu chứng tỏ họ sợ tội là những gì làm mất lòng Ngài. Chính vì con người sợ tội là những gì làm mất lòng Chúa mà họ sẽ không còn tự tình phạm tội hay dù có gặp dịp cũng sẽ giữ mình khỏi sa ngã phạm tội.

 

Cải thiện không phải ở chỗ sạch tội cho bằng sợ tội là như thế.

 

 

2) Cải Thiện không phải ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa.

 

Nếu căn cứ vào nguyên tắc xem qủa biết cây (Mathêu 7:20), cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu sẽ sinh trái xấu (Mathêu 7:17), thì làm lành là hành động của một người lành.

 

Tuy nhiên, xét về phương diện siêu nhiên, cải thiện không phải chỉ ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa. Nếu chỉ làm lành mà không làm theo ý Chúa, con người vẫn chưa cải thiện hoàn toàn và trọn vẹn, dù họ có thực tâm cải thiện đi nữa. Tại sao vậy?

 

Tại vì, cải thiện là gì, nếu không phải là cải lại tội lỗi của mình là những gì làm mất lòng Chúa, tức là những gì không đúng ý Chúa. Và, tội lỗi là gì, nếu không phải là những gì làm theo ý riêng của mình ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Do đó, tất cả những gì lành thánh mấy đi nữa, nếu không đúng ý Chúa, dù biết mà con người cứ làm, thì không phải là họ đã làm mất lòng Chúa hay sao, đã coi mình khôn ngoan hơn Thiên Chúa, và vì thế, họ vẫn phải cải thiện đời sống hay sao?

 

Trường hợp của bà Evà, ý muốn được nên giống như Thiên Chúa của bà là một ý tốt, rất hợp với ý của Thiên Chúa: Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành (Mathêu 5:48). Thế nhưng, dù ý muốn của bà có tốt đến đâu đi nữa, một khi nó đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, nó vẫn là một ý muốn xấu như thường, không được làm, không được theo. Chính vì bà Evà đã theo ý riêng của mình hơn ý muốn của Thiên Chúa cấm bà không được ăn cây biết lành biết dữ, mà tội lỗi đã xuất đầu lộ diện nơi con người, từ bên trong con người mà ra.

 

Trường hợp của vua Saolê, đã tha chết cho một số chiên bò béo tốt của quân Amilek, với ý muốn mang về để làm của lễ dâng cho Thiên Chúa, một ý muốn tốt lành, mà vua đã không triệt để tuân theo mệnh lệnh của Chúa trong việc tận diệt tất cả mọi sự nơi quân Amalek là quân đã đối xử tàn tệ với dân Do Thái ngày xưa. Ý định và việc làm của vua Saolê dù có tốt lành đến đâu đi nữa, một khi làm ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, cũng làm mất lòng Ngài và đáng phạt hơn là đáng thưởng. Qua miệng tiên tri Samuen, Thiên Chúa đã nói với vua Saolê biết rằng: ... Vâng lời trọng hơn lễ vật... Vì vua đã phế bỏ mệnh lệnh Chúa, Người cũng phế bỏ vua (1Samuen 15:22-23).

 

Trường hợp của dân Do Thái đã coi tục lệ tốt lành của mình trọng hơn lề luật Thiên Chúa, cũng đã bị Chúa quở trách: Phần các ngươi, tại sao các ngươi làm trái lại mệnh lệnh của Thiên Chúa vì tục lệ của mình. Chẳng hạn, Thiên Chúa bảo: 'Hãy tôn kính cha mẹ mình' và 'ai nguyền rủa cha mẹ mình sẽ bị chết'. Nhưng các ngươi lại tuyên bố rằng: 'Của dâng cho cha mẹ là dâng cho Chúa nên không cần phải tôn kính cha mẹ'. Như thế có nghĩa là vì lệ truyền của mình mà các người đã hủy bỏ lời của Thiên Chúa (Mathêu 15:3-6).

 

Kinh nghiệm sống đạo thực tế cũng cho chúng ta thấy rõ điều này, cải thiện không phải ở chỗ làm lành cho bằng làm theo ý Chúa.

 

Chẳng hạn, đi sinh hoạt trong các hội đoàn công giáo tiến hành là một việc làm vốn tốt hơn là đi nhảy. Thế mà, vì bận trở việc ba má trao cho không thể đi sinh hoạt thường xuyên được, chúng ta lấy làm khó chịu và kêu ca đủ thứ. Thử hỏi, hoạt động tông đồ của chúng ta mà lại tỏ ra khó chịu và kêu ca như thế có phải chúng ta làm hoàn toàn vì Chúa và cho Chúa không, hay là chỉ vì mình và cho mình, có cần phải cải thiện lại hay không?

 

Chẳng hạn, đang làm việc rất đắc lực cho một hội đoàn, bỗng nhiên, vì hiểu lầm, bị cha tuyên úy cách chức, chúng ta cảm thấy hết sức bất mãn và quay ra nói xấu cha. Thử hỏi, hoạt động tông đồ tốt lành của chúng ta với thái độ bất mãn và hành động nói xấu này đối với cha tuyên úy đó có cần phải cải thiện hay không?

 

Chẳng hạn, sau khi đi tham dự khóa Linh Thao, Canh Tân hay Cursillo, được ơn Chúa, chúng ta cảm thấy hết sức sốt sắng, chịu khó hy sinh hãm mình, thích đọc kinh cầu nguyện như thánh sống, đến lúc khô khan, chúng ta bỏ bê hết mọi sự, hay làm thì cũng làm cho có kẻo bị người ta chê thánh sống có đuôi, thử hỏi việc lành chúng ta làm đó có cần phải cải thiện không?

 

Chẳng hạn, chúng ta ăn chay và bố thí mà lại muốn được người khác biết rằng mình là người đạo đức và có lòng thương người. Thử hỏi, những việc lành của chúng ta làm đó có đúng với ý Chúa hay không, có làm vì Chúa hay không, và vì thế, có cần phải cải thiện hay không?

 

Qua miệng tiên tri Isaia, đoạn 58, từ câu 3 đến câu 7, Thiên Chúa đã cho con người biết rằng cho dù có làm việc lành đến đâu đi nữa, chưa chắc đã là việc cải thiện cho bằng làm theo ý của Ngài: 'Tại sao chúng tôi ăn chay mà Chúa không ghé mắt nhìn, hãm mình phạt xác mà Chúa không để ý tới?' Này, trong ngày các ngươi ăn chay, các ngươi theo đuổi những cái riêng tư và làm khốn các người lao công của mình. Phải, việc ăn chay của các ngươi kết thúc bằng việc cãi vã, tranh giành và đánh nhau cách độc hiểm. Các ngươi tưởng giữ chay như thế tiếng kêu khấn của các ngươi sẽ được trời cao khấng nhận ư! Có phải trong ngày kiêng cữ, cách chay tịnh mà Ta muốn giữ là người ta phải gục đầu xuống như cây sậy và mặc áo nhặm nằm trên tro? Các ngươi gọi như thế là chay tịnh, là ngày đáng Chúa chấp nhận hay sao? Đây mới chính là chay tịnh mà Ta muốn, đó là thả lỏng những trói buộc bất công, tháo gỡ những gông cùm; giải thoát cho kẻ bị áp bức, bẻ gẫy mọi gông cùm; chia cơm sẻ bánh với kẻ đói khát, cho lưu trú những kẻ không nhà, thấy ai trần trụi thì cho họ mặc, và không quay lưng từ khước đồng loại của mình.

 

Như thế, cải thiện chẳng những là việc canh tân nội tâm, mà còn là việc canh tân nội tâm làm sao cho hợp với ý Chúa muốn, để Ơn Thánh là Hạt Giống Sự Sống Thần Linh trong mình có thể nẩy mầm và phát triển. Bằng không, coi chừng lời Chúa Giêsu cảnh cáo: Khi thần ô uế ra khỏi người nào, nó loanh quanh ở những nơi khô cằn tìm chỗ nghỉ ngơi mà không được, liền nói: Hay ta trở về nơi ta đã bỏ đi. Đoạn nó trở về, thấy nhà đã được quét dọn sạch sẽ và gọn ghẽ. Sau đó hắn đi rủ thêm bảy qủi còn dữ tợn hơn hắn nữa về ở đó. Kết quả là tình cảnh sau cùng của người này còn tệ hơn trước nữa (Luca 11:24-26).

 

 

3) Cải Thiện không phải ở chỗ sống công chính cho bằng nhận biết tình yêu Thiên Chúa.

 

Sống công chính là gì, nếu không phải, về mặt tiêu cực, không lỗi đức công bình, và, về mặt tích cực, chu toàn mọi phận sự theo bậc của mình. Thế mà, đối với Chúa, sống công chính đôi khi vẫn cần phải cải thiện. Chẳng hạn như những trường hợp sau đây.

 

Trường hợp của người Pharisiêu lên đền thờ ngửa mặt lên cầu nguyện, về mặt tiêu cực, thì giữ mình trong sạch không lừa đảo, bất lương, ngoại tình (Mathêu 18:11), về mặt tích cực, thì giữ trọn lề luật ăn chay một tuần hai lần, nộp thuế thập phân cho tất cả những vật sở hữu (Mathêu 18:12). Thế mà, theo lời Chúa Giêsu kết luận thì sau khi cầu nguyện người này vẫn mắc tội như thường, vì tỏ ra kiêu ngạo và khinh người: Tôi tạ ơn Chúa vì tôi không phải như những người khác... như tên thu thuế kia (Mathêu 18:11).

 

Trường hợp của người con cả đối với việc cha trọng đãi người em hoang đàng trở về. Người con cả này thật sự là mẫu mực của một người công chính, qua lời của anh ta thưa với cha mình: Con chưa bao giờ làm trái lệnh truyền của Cha (Luca 15:29). Thế nhưng, thái độ bất mãn và ghen tị của anh ta đối với người em hoang đàng của mình trở về được cha tiếp nhận lại một cách linh đình cũng đủ chứng tỏ tư cách sống công chính mà không trọn lành của anh ta, cũng cần phải cải thiện lại.

 

Trái lại, đối với người con hoang đàng, chính vì thấy rằng mình đã lỗi phạm đến trời và đến cha (Luca 15:18), tức là chỉ vì thương cha bị buồn khổ vì mình, chứ cũng không phải vì muốn được phục hồi quyền làm con trong nhà cho được sống sung sướng xin hãy đối xử với con như một người đầy tớ của cha (Luca 15:19), mà người con hoang đàng đã lên đường trở về với cha, làm cho cha vô cùng sung sướng.

 

Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi.

 

Phải, nếu vì Thiên Chúa đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi mà chúng ta cải thiện đời sống, tức là chúng ta cải thiện đời sống chỉ vì yêu Chúa, vì không muốn làm cho Chúa buồn thêm và buồn hơn nữa. Như thế, theo tinh thần sứ điệp Fatima, cải thiện là một cuộc trở về với tình yêu Thiên Chúa, và cải thiện ở tại việc nhận biết Thiên Chúa.

        Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Những Chứng Từ trong Cuộc Điều Trần

 

(Những Tiết Lộ và Chứng Từ về Vụ Khủng Bố 911 - Tiếp hôm qua)

 

Cuộc điều trần diễn tiến trong 2 ngày 23-24/3/2004. Ngày đầu với 4 nhân vật thuộc Bộ Nội Vụ là ông Colin Powell và bà Madeleine Albright và Bộ Quốc Phòng ông Donald Rumsfeld và William Cohen, trong cả hai đời chính phủ Clinton và Bush.


Ai cũng đồng ý rằng cho tới ngày 11/9/2001 không có đủ sự ủng hộ ở cả trong nước lẫn quốc tế về việc gửi quân sang A Phú Hãn để bắt hay giết Osama bin Laden cùng nhóm của hắn.


 

Ông Rumsfeld, người đã chỉ huy Ngũ Giác Đài non 9 tháng trước khi xẩy ra biến cố 911, khai trình với ủy ban điều tra này là: “Tôi không có một tình báo nào trong hơn 6 tháng trước biến cố 911 cho thấy những tên khủng bố sẽ thực hiện cuộc không tặc các máy bay hàng không, bằng việc sử dụng những chiếc máy bay này như những phi đạn tầm xa bay vào Ngũ Giác Đài hay vào Trung Tâm Thương Vụ Quốc Tế”.


Thế nhưng, các viên chức của ủy ban này, qua ngày điều trần đầu tiên này, cảm thấy có gì không ổn trong những lời khai được thề phải nói thật ấy. Bởi vì, vấn đề ở đây là cả hai chính phủ này đã không thực hiện những hành động mạnh mẽ hơn đối với nhóm khủng bố thế giới khét tiếng al Qaeda, một nhóm khủng bố với những tay Hồi Giáo cực đoan đã thi hành một loạt khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ trong thời đoàn 8 năm trước khi xẩy ra biến cố 911. Chẳng hạn những cuộc khủng bố tấn công Trung Tâm Thương Vụ Quốc Tế vào năm 1993, tấn công khu quân sự của Hoa Kỳ ở Saudi Arabia vào năm 1996, tấn công các tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Kenya và Tanzania vào năm 1998, và tấn công USS Cole ở Yemen vào năm 2000.


Một trong những phần tử của ủy ban này là ông Bob Kerrey, nguyên thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ ở Nebraska, người đã yêu cầu chính phủ tuyên chiến tấn công nhóm al Qaeda trước biến cố 911 thắc mắc: “Tôi không hiểu được nếu chúng ta cứ bị tấn công đi tấn công như thế mà tại sao chúng ta lại tiếp tục gửi FBI đến chẳng hạn như Khobar Towers là một hiện trường xẩy ra tội ác hay đến những cuộc tấn công tòa lãnh sự East African cũng là một hiện trường tội ác. Tôi cứ nghe thấy viện cớ là chúng ta thiếu tình báo có thể ra tay. Vậy thì phải nói sao đây về nhóm al Qaeda?”.


 

Bà Albright đáp: “Theo khách quan thì ông đúng. Thế nhưng chúng tôi đã sử dụng hết mọi cách để có thể nhắm đến những mục tiêu chính xác và cách thức để làm sao đương đầu với những gì chúng tôi biết được”.

 

Bà Albright cũng nhận định rằng: “Trước biến cố 911 rất khó lòng chinh phục được người nào tin rằng cần phải xâm chiếm A Phú Hãn. Tiếc thay, cần phải có một cú đấm nẩu đom đóm 911 mới làm cho dân chúng hiểu được cái hiểm họa hệ trọng này”.

 

Ông Cohen, nguyên thượng nghị sĩ thuộc đảng cộng hòa làm đầu Ngũ Giác Đài dưới thời chính phủ Clinton, cho biết quân đội Hoa Kỳ đã sửa soạn để giết hay bắt bin Laden cùng những nhân vật đầu não của nhóm al Qaeda bất cứ khi nào nắm trong tay “tình báo có thể ra tay”. Tuy nhiên, tiến trình này giống như việc săn lùng “thủy ngân trên một tấm gương soi”. Ông tiết lộ cho biết rằng đã có 3 lần vào năm 1998 và 1999 đã phải hủy bỏ những cuộc oanh tạc ở A Phú Hãn để giết bin Laden vì những mập mờ về tình báo và quan tâm đến chết chóc xẩy ra cho thường dân: “Mỗi lần quân nhu và nhân sự sẵn sàng thì lại bị hủy bỏ vì nghe thấy rằng ‘Chúng tôi không chắc’”.


Về 3 lần giết hụt bin Laden này, theo tài liệu nghiên cứu, vị giám đốc hành sự của ủy ban này là Philip Zelikow cho biết. Cuộc tấn công ở A Phú Hãn vào tháng 2/1999 bị loại bỏ vì ông Richard Clarke ở Tòa Bạch Ốc bấy giờ cảnh giác rằng có thể gây nguy hiểm cho các viên chức thuộc Khối Liên Hiệp Ả Rập, một liên minh chống khủng bố của Hoa Kỳ, đang viếng thăm nước ấy bấy giờ. Một cuộc tấn công khác vào tháng 5/1999 cũng bị bãi bỏ vì Giám Đốc Tình Báo Trung Ương là George Tenet nói rằng tình báo được căn cứ vào một nguồn duy nhất không được đối chiếu và cuộc tấn công sẽ gây ra thiệt mạng cho thường dân.


Ông Powell và Rumsfield đều nhấn mạnh đến vấn đề bị tác phẩm của ông Clarke cáo giác là không thèm để ý gì tới tình báo về nhóm al Qaeda, đó là chính phủ Bush ngay từ những ngày đầu tiên đã thận trọng lưu ý tới hiểm họa al Qaeda và đã phác họa một chính sách loại trừ nhóm này rồi. Tuy nhiên, ông Powell tiết lộ là việc xem xét chính sách này được hoàn tất một tuần lễ trước khi xẩy ra biến cố 911 nên không còn kịp ngăn chặn nó nữa.


Tuy nhiên, chủ tịch ủy ban điều tra Zelikow cho biết là chính phủ Bush dù có phác họa những qui chế mới để đương đầu với nhóm al Qaeda vào năm 2001, nhưng vẫn “không có chứng cớ nào cho thấy liên quan đến lực lượng quân sự hay những dự định chống lại kẻ thù này trước biến cố 911 hết”. Đó là lý do ủy ban này đã chất vấn là tại sao sau khi chính phủ Clinton đã cảnh giác cho chính phủ Bush về hiểm họa al Qaeda cùng với những thành đạt nhóm này thực hiện tấn công Hoa Kỳ ở các nơi vậy mà nhóm an ninh quốc gia của chính phủ Bush đã phải mất nhiều giờ mới hoàn thành dự án chống khủng bố.


Ông Slade Gorton, nguyên thượng nghị sĩ thuộc đảng cộng hòa và là phần tử của ủy ban này đã chất vấn như sau: “Điều gì đã làm cho quí vị nghĩ rằng, cho dù ông đã thay thế vai trò và được cho biết tình hình thoạt tiên như thế về lịch sử của al Qaeda cùng với những cuộc tấn công hiệu quả của họ vào người Hoa Kỳ là chúng ta còn có nhiều giờ, thậm chí còn những 7 tháng trời trước khi chúng ta có thể thực hiện một điều ứng phó nào đó?”

 

Ông Powell, một tướng hồi hưu và là nguyên chủ tịch Hội Đồng Hỗn Hợp Lãnh Đạo Nhân Viên, nói rằng theo kinh nghiệm của ông thì không có đủ thời gian để làm một việc phức tạp như thế.


Ông Gorton sau đó nói với CNN rằng: “Tôi nghĩ rằng vấn đề căn bản ở đây là hai chính phủ này cảm thấy rằng nó còn nhiều giờ, hóa ra cái nhiều giờ ấy lại không thuận lợi cho chúng ta. Tôi không nghĩ rằng người ta có thể nói cả hai chính phủ này đều thiếp ngủ”, nhưng họ đã không lấy làm “hoàn toàn trầm trọng” trước việc nhóm al Qaeda tuyên bố tấn công Hoa Kỳ.


Ông Rumfeld bày tỏ nhận định của mình như thế này: “Cho dù bin Laden có bị bắt hay bị giết ở những tuần lễ trước ngày 11/9 đi nữa thì theo tôi không ai tin rằng cần phải ngăn chặn ngày 11/9… Biến cố 911 vẫn có thể xẩy ra. Tiếc thay, phần đông trên thế giới thích cho rằng cuộc tấn công ngày 11/9 là một thứ trả đũa của nhóm al Qaeda đối với việc Hoa Kỳ muốn bắt hay giết bin Laden”.


Một vấn đề bất đồng khác ở ngày điều trần đầu tiên này xẩy ra giữa ủy ban và chính phủ Bush là chính phủ Bush không chịu cho bà cố vấn an ninh quốc gia là Condeleezza Rice ra công khai làm chứng. Tòa Bạch Ốc cho rằng bà này không thuộc về nội các của chính phủ. Bà đã mất 4 tiếng đồng hồ để đối chất riêng với ủy ban này rồi. Thế nhưng ủy ban này đồng nhất bỏ phiếu yêu cầu bà này phải công khai làm chứng, dù biết bà tỏ ra chối từ.


Ông Tim Roemer, một phần tử của ủy ban và là nguyên thượng nghị sĩ thuộc đảng dân chủ, nói rằng: “Tôi hy vọng Tiến Sĩ Rice sẽ nghĩ lại mà ra trước ủy ban vì quyền lợi của nhân dân Hoa Kỳ”. Theo các phần tử của ủy ban này thì nếu bà này không chịu xuất hiện thì kể như có điều gì không ổn với chính phủ Bush rồi vậy.

 

Trong ngày thứ hai của cuộc điều trần, Thứ Tư 24/3/2004, có các nhân vật lên quan đến CIA, như ông Tenet, đến cố vấn an ninh quốc gia cho cả hai thời chính phủ Clinton và Bush; như ông Samuel Berger thời chính phủ Clinton; và có trưởng ban chống khủng bố, như ông Richard Clarke, thuộc cả hai thời chính phủ Clinton và Bush; riêng bà Rice, cố vấn an ninh quốc gia thời chính phủ Bush, không ra trình diện, một hành động làm một số phần tử trong ủy ban bất mãn lên tiếng; đó là lý do khi ông Thứ Trưởng Nội Vụ Richard Armitage ra mặt đối chứng thì được cho là thay thế bà Rice, điều bị ông này hoàn toàn phủ nhận.

 

Hôm nay, ủy ban đã tiết lộ cho biết, theo chỗ họ điều tra thì lý do tại sao xẩy ra việc thiếu điều hợp và truyền thông giữa các cơ quan có trách nhiệm, từ những thời chính phủ trước, trong việc đối chọi với vấn đề khủng bố. Đó là vì CIA không tin rằng họ có thẩm quyền để hạ sát nhân vật đầu não khủng bố là Osama bin Laden, mặc dù Hội Đồng An Nin h Quốc Gia và các cố vấn pháp lý thời chính phủ Clinton không nghĩ như vậy.

 

Chứng từ của ông Berger. Ông này nói rằng ông không biết gì về vấn đề CIA bị bối rối liên quan đến những gì họ cần phải làm. Ông cho biết: “Tôi đã làm hết sức để nhấn mạnh đến tính cách khẩn trương tôi cảm thấy ấy”. Ông tiết lộ việc “bắt” bin Laben và ngăn chặn tổ chức khủng bố al Qaeda là “vấn đề tối ưu tiên” của chính phủ Clinton. Đến nỗi, đích thân Tổng Tháng Clinton đã bay sang Pakistan vào năm 2000, một việc ngược với lời khuyên can của mật vụ, đế thúc Tổng Thống Pervez Musharraf hợp tác chống tổ chức al Qaeda.

Ông này còn nhận định và đề nghị về FBI, vì theo ông, FBI tin rằng “al Qaeda ở Hoa Kỳ không có gì là quan trọng lắm” trước biến cố 911 và cơ quan này tin rằng “chúng tôi đã nắm được vấn đề”: “Tôi hy vọng quí vị sẽ xét tới vấn đề này, tôi biết quí vị sẽ làm vì theo tôi có một cái gì đó rắc rối ở chỗ này”. Về điểm này ông Clarke sau đó cũng bày tỏ cùng nhận định là trước biến cố 911 FBI “biết có bất cứ điều gì đang diễn tiến ở Hoa Kỳ về al Qaeda”.

Ông Berger cũng nhấn mạnh đến việc ông khuyên nhân vật thay vị thế của ông thời chính phủ Bush là bà Rice rằng “bà phải bỏ nhiều giờ vào vấn đề khủng bố và tổ chức al Qaeda hơn bất cứ một vấn đề nào khác”.
 

Chứng từ của ông Tenet: “Không hề thiếu vấn đề để ý hay chú trọng đối với một trong những hiểm họa lớn nhất xứ sở chúng ta từng phải đương đầu”. Ông này còn cho biết CIA đã làm việc với các cơ quan khác trên thế giới và đã phá được những âm mưu khủng bố trong việc cảnh báo trước những cuộc cử hành ngày 1/1/2000. Tuy nhiên, ông đã thú nhận rằng Hoa Kỳ “đã không bảo vệ một cách có phương pháp” nạn khủng bố trước biến cố 911.

Theo nhận định của ông thì những nỗ lực chống khủng bố thì phức tạp vì các cơ quan tình báo khác nhau không phối hợp những dữ kiện với nhau, bằng không, “chúng ta đã có cơ hội” để chặn đứng cuộc khủng bố tấn công 911. Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng Hoa Kỳ dù có bắt được hay sát hại bin Laden cũng không ngăn nổi được cuộc khủng bố này vì âm mưu thực hiện đã đâu vào đó rồi.

Ông còn nhận định thêm là vấn đề không phải chỉ ở chỗ thiếu việc chia sẻ tín liệu với nhau, mà ở chỗ “chúng tôi đã không lấy trộm được cái bí mật cho biết âm mưu này ra sao, chúng tôi đã không chiêu mộ được đúng người hay theo kỹ thuật không thu thập được các dữ kiện, cho dù đã hết sức làm điều ấy”.

Ông tiết lộ thêm rằng CIA đã bắt đầu chú ý tới bin Laden từ đầu thập niên 1990, ngay trước khi nhân vật này trở thành tay lãnh đạo phong trào khủng bố Hồi Giáo. Vào năm 1996, CIA đã thiết lập một đơn vị đặc biệt để truy lùng nhân vật này. Mối đe dọa khủng bố hoàn toàn thay đổi từ sau khi bin Laden chuyển địa bàn hoạt động của mình đến A Phú Hãn vào năm 1996 với sự che chở của các nhà lãnh đạo Taliban đang cai trị xứ sở ấy bấy giờ.

Vào năm 1999, sau khi bin Laden tung ra chiến dịch năm 1998 những người Hồi Giáo hãy sát hại người Hoa Kỳ, thì CIA bắt đầu thực hiện một dự án mới về cả nhân lực và kỹ thuật để chống lại bin Laden.
 

Chứng từ của ông Clarke: “Tôi tin rằng chính phủ Bush trong tám tháng đầu đã coi vấn đề khủng bố là một vấn đề quan trọng nhưng không phải là vấn đề khẩn trương”.

Ông cho biết rằng ông và ông Tenet “đã hết sức cố gắng để tạo nên một cảm thức khẩn trương”, những những cảnh báo của họ không được chú trọng tới: “Mặc dù tôi tiếp tục nói đó là một vấn đề khẩn trương, tôi vẫn không nghĩ rằng vấn đề này đã được coi là khẩn trương cả”. Khi không thấy có đáp ứng như lòng mong ước, ông lại gửi một văn thư nhắc nhở đến cho bà Rice là cố vấn an ninh quốc gia một tuần trước biến cố 911, trách cứ Bộ Quốc Phòng không tỏ ra hết sức đối phó với tổ chức al Qaeda và phê bình cả việc làm của CIA nữa.

Ủy ban điều tra đã cho biết rằng, trong văn thư nhắc nhở của ông Clarke, ông đã nói với các nhân vật hành sự là “hãy nghĩ đến một ngày xẩy ra cho cả hằng trăm hằng ngàn người Hoa Kỳ nằm chết ở nội địa cũng như ở hải ngoại sau cuộc khủng bố tấn công”, và hỏi họ rằng “Họ còn có thể làm được gì nữa đây?”

Ông Clarke đã bắt đầu cuộc điều chứng của mình bằng việc xin lỗi những người thân yêu của gần 3 ngàn nạn nhân bị giết trong cuộc khủng bố 911: “Chính phủ của quí vị đã làm cho quí vị bị thất vọng và tôi đã làm cho quí vị bị thất vọng. Chúng tôi đã cố gắng nhiều vẫn không bù đắp được vì chúng tôi đã làm cho quí vị bị thất vọng. Vì bị thất vọng này, tôi xin quí vị, một khi tất cả mọi sự được sáng tỏ, thông cảm và thứ tha cho”.

Chứng từ của ông Armitage: “Tôi đến đây không phải là để thay thế cho Tiến Sĩ Rice. Tôi đến đây như một người đã từng dính dáng đến việc chống khủng bố qua mấy thời chính phủ với một thời gian dài”.

Ông này nhận định về Tổng Thống Bush như sau: “Ông đã cho chúng tôi thấy một chiều hướng sách lược hơn một chút. Chúng tôi thấy rõ là… chúng tôi cấn phải đi đến chỗ loại trừ tổ chức al Qaeda”. Kết quả là dự án chống khủng bố có sách lược được hoàn tất vào đúng một tuần trước khi xẩy ra biến cố 911, sau hơn 7 tháng ra tay làm việc. Tuy nhiên, theo ông nhận định thì dự án này khai triển quá lâu: “Chắc hẳn sau khi xẩy ra biến cố ấy chúng ta mới thấy rằng chúng ta đã không ra tay đủ nhanh”.

Ông kết luận với ủy ban điều tra thế này: “Quí vị có thể phán quyết xem chúng tôi đã tiến hành nhanh hơn hay chậm hơn các chính phủ khác. Nhiều người làm việc cho những chính phủ nối tiếp, làm việc cật lực bao nhiêu có thể về vấn đề này, cũng không làm hài lòng ai hết. Tôi nghĩ rằng không có ai trong chúng ta, hay không ai bắt tay vào vấn đề này, có thể cảm thấy mãn nguyện trước 3 ngàn đồng bào của mình bị sát hại kinh hoàng”.

Ông tiết lộ ít là có một lần vị giám đốc CIA là Tenet đã nói đến việc có thể xẩy ra vụ không tặc, nhưng vị này nói rằng: “Tôi không nghĩ chúng ta thể nghĩ đến một thảm cảnh kủng khiếp như vậy”.