GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 4 Thứ Năm


ĐTC GPII với vị tân lãnh sự Bosnia-Herzegovina về vấn đề tôn trọng Thành Phần Thiểu Số

Ngày Thứ Sáu 27/2/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự nước Bosnia-Herzegovina là ông Miroslav Palameta, cho đến nay vẫn là giáo sư Đại Học Mostar. Trong diễn từ của mình ngỏ cùng ông, như những vị tân lãnh sự khác, căn cứ vào tình hình của đất nước họ đại diện, một đất nước như của vị tân lãnh sự này đã bị tan nát vì cuộc nội chiến trong thập niên 1990 sau biến cố Đông Âu, Ngài đã nói với ông về việc xây dựng một xã hội đa chủng tộc và đa tôn giáo, một xã hội tôn trọng quyền lợi của mỗi người công dân của mình. Sau đây là những ý tưởng chính yếu tiêu biểu của Ngài:

“Chắc chắn không thể nào không biết tới những cái khác biệt hiện hữu. Tuy nhiên, cần phải tôn trọng và chú trọng tới chúng, nhờ đó, chúng sẽ không bị biến thành những tấm bình phong tranh cãi, hay tệ hơn nữa, cho những cuộc xung đột, mà là được coi như những gì thăng hóa lẫn nhau”.

ĐTC yêu cầu các nhà cầm quyền hãy dấn thân giải quyết “những vấn đề ảnh hưởng tới những thành phần dân chúng địa phương bằng những giải quyết xứng hợp cho tất cả mọi người, chú trọng tới con người, tới nhân phẩm và những nhu cầu hợp lý của họ. Đó là một thử thách đối với một xã hội đa chủng tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa như một xã hội thực sự là như thế ở Bosnia-Herzegovina. Cần phải đề cập và giải quyết những tình trạng bất công và loại trừ nhau, bảo đảm các quyền lợi và nhiệm vụ tương xứng cho tất cả mọi dân tộc ở Bosnia-Herzegovina, củng cố mức quân bình về các cơ hội trong tất cả mọi lãnh vực của sinh hoạt xã hội, bằng những cơ cấu có khả năng vạch ra cái khuynh hướng mập mờ giả tạo. Về khía cạnh này, cần phải tạo điều kiện cho việc thành thực thứ tha cũng như cho việc hòa giải thực sự, xóa bỏ đi thứ quá khứ đắng cay và hận thù xuất phát từ những tnh trạng phải chịu đựng những thứ bất công gây ra bởi những thành kiến do con người tạo nên”.

Trong bài diễn từ của mình, ĐTC cũng không quên kêu gọi giải quyết vấn đề thành phần tị nạn trong xứ sở này, những người vẫn chưa hồi hương sau cuộc xung đột với chế độ Slobadan Milosevic. Ngài cũng tỏ ra ủng hộ việc nước này gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu sau này. Cuộc nội chiến gần 4 năm (1992-1995) ở Bosnia-Herzegovina đã gây thiệt mạng cho 200 ngàn người và khiến 800 ngàn người phải di tản. Chế độ hiện hành được phác định bởi Hòa Ước Dayton, ấn định vị tổng thống chia quyền với hai vị đồng tổng thống được các cộng đồng dân chúng (Croatia, Bosnia và Serbia) bầu lên, bằng cách mỗi vị làm tổng thống 8 tháng.

ĐTC GPII với vị tân lãnh sự Á Căn Đình về việc xây dựng một xã hội an bình, hiệp nhất và hòa giải

Sáng Thứ Bảy 28/2/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Á Căn Đình là ông Carlos Luis Custer. Trong bài diễn từ của mình ngỏ với ông, ĐTC đã nhắc lại rằng năm nay kỷ niệm một trăn năm “khánh thành tượng đài Chúa Kitô Cứu Thế ở Andes, ở gần biên giới Chí Lợi”, và Ngài đã nhấn mạnh đến việc xây dựng một xã hội an bình, hiệp nhất và hòa giải.

“Nếu bấy giờ tượng đài này là một biểu hiệu cho lòng tin tưởng vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa để giải quyết những vấn đề trầm trọng cho đời sống của xứ sở” thì việc long trọng tưởng niệm này “lại cống hiến một lý do quan trọng để hy vọng, vì tượng đài ấy làm sống lại lòng hân hoan tin tưởng ấy và mong đợi việc dấn thân sau này trong việc tiếp tục cổ võ những thứ giá trị được soi động bởi Phúc Âm và là những thứ giá trị quyết liệt góp phần vào việc xây dựng một xã hội an bình, hiệp nhất và hòa giải hơn, một xã hội nỗ lực cải tiến những tình trạng sinh sống của tất cả mọi người công dân không trừ ai”.

ĐTC nhan mạnh rằng Á Căn Đình “là một chứng từ đặc biệt cho thấy những hoa trái gặt hái được nơi những mối liên hệ chân thành cũng như nơi tinh thần hợp tác giữa Giáo Hội và các quốc gia ở những môi trường khác nhau”. Theo Ngài nhận định thì ở một số trường hợp, những mối liên hệ này giúp cho dễ dàng tìm thấy những giải quyết “cho những vấn đề trầm trọng đang tác hại tới giá trị hòa bình vô giá trên con đường đối thoại và cảm thông”. Ở những trường hợp khác, những mối liên hệ tốt đẹp ấy còn giúp “giảm bớt những yếu tố ngoại tại chi phối những xu hướng trầm trọng về kinh tế, đồng thời chúng không ngừng phấn khích những ai phải chịu đựng những hậu quả về kinh tế này, nhờ đó họ có thể phát triển nhiều khả năng của họ trong việc hoạt động và khôn ngoan thắng vượt chúng”.

ĐTC cũng đề cao nỗ lực của Giáo Hội “trong việc kêu mời tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm hãy xây dựng một xã hội được đặt trên căn bản những gía trị nền tảng là những giá trị không bao giờ có thể dung nhượng, hầu đạt được một trật tự quác gia và quốc tế xứng với con người. Một trong những giá trị đó phải là giá trị sự sống con người là những gì cần phải được cẩn thận trông coi, bằng cách lập tức ngưng ngay những nỗ lực tinh xảo làm hạ giá sự thiện nguyên thủy của sự sống, biến nó thành một dụng cụ thuần túy cho những mục đích khác. Một cột trụ khác của xã hội là hôn nhân, một cuộc hiệp nhất giữa nam nữ với nhau, hướng về sự sống, một cuộc hiệp nhất dọn chỗ cho cơ cấu tự nhiên của gia đình”.

Bởi thế, Ngài nhấn mạnh là các thứ luật pháp “phải cẩn thận bảo đảm những thứ quyền lợi này của gia đình và giúp cho họ thực thi các nhiệm vụ của họ khi họ không thể tự mình hoàn thành chúng. Nhà lập luật, nhất là các lập luật gia Công Giáo, không thể góp phần vào việc phá họa hay chuẩn nhận những thứ luật lệ trái nghịch với ‘những qui chuẩn nồng cốt và thiết yếu chi phối đời sống luân lý’. Cần phải nhớ điều ấy trong lúc đang xẩy ra đầy những nỗ lực muốn biến hôn nhân thành một thứ hợp đồng thuần túy, trong lúc các thứ giá trị rất khác với những giá trị liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình, và là những thứ giá trị đi đến chỗ hạ giá hôn nhân như thể nó là một thứ hiệp hội phóng khoáng trong cơ cấu xã hội. Bởi thế, có lẽ hơn bao giờ hết, các viên chức chính quyền cần phải bảo vệ và cổ võ một thứ gia đình là nhân trung chính yếu của xã hội về hết mọi khía cạnh của nó, biết rằng nhờ thế họ đang phát động một đức công chính xã hội hứa hẹn bền vững”.

 

Bản thảo hiến pháp Iraq bị đình trệ vì phân rẽ

Hội Đồng Quản Trị Iraq đã làm việc thêm giờ để cố gắng hoàn tất đúng hạn định bản hiếp pháp lâm thời cho xứ sở của mình, nhưng vẫn vượt quá hạn định (Thứ Bảy 28/2/2004) sang cả ngày hôm sau vào lúc nửa đêm về sáng, chỉ vì có những phân rẽ về chủ trương nơi nội bộ của hội đồng n ày. Những cuộc bàn luận vẫn chưa được ổn định cho tới rạng sáng Chúa Nhật 29/2/2004, đến nỗi mọi người phải đồng ý trì hoãn vấn đề hoàn tất bản hiến pháp tạm thời này.

Bản hiến pháp lâm thời này cần phải được phác họa ra để quản trị cho đến khi có được một hội đồng được bầu lên để thực hiện một bản hiến pháp vĩnh viễn chính thức, đặc biệt để dựa vào đó mà tổ chức nhưnõng cuộc tuyển cử dân sự công bằng.

Lý do chính yếu gây ra sự kiện đình trệ này là vì có những phân rẽ trầm trọng nơi các phần tử thuộc Hội Đồng Quản Trị Iraq do Hoa Kỳ chỉ định, một hội đồng có nhiệm vụ phác họa bản hiến pháp lâm thời, về những vấn đề hay go như vấn đề luật lệ Hồi Giáo, vấn đề vị thế của các miền đất của những người Kurdish ở Iraq cũng như vấn đề các quyền lợi của nữ giới. Ngoài ra, còn có cả vấn đề liên quan đến vai trò của Hồi Giáo và những vấn đề liên quan đến những người Kurds. Bản văn này, sau khi được hội đồng này biểu quyết, sẽ được viên chức Mỹ quản nhiệm dân sự ở Iraq là ông Paul Bermer ký chuẩn.

Một phần tử của hội đồng này là Mowaffak al-Rubaie đã chia sẻ nhận định của mình trong một cuộc họp báo muộn màng khuya khuắt, với sự hiện diện của 2 phần tử khác, rằng việc soạn thảo kỹ lưỡng một bản văn quan trọng hơn là vấn đề cố gắng phải hoàn thành đúng hạn định như đã đồng ý với nhau từ tháng 11/2003: “Chúng ta đang xây dựng một tân Iraq nên cần phải làm cho thích hợp, không thể nào lại để xẩy ra sơ hở. Tất cả mọi người dân Iraq đang chờ đợi chúng ta phổ biến văn kiện này”.

Thủ Tướng Bahram Saleh của Liên Hiệp Ái Quốc của vùng Người Kurd (PUK: Patriotic Union of Kurdistan's region), cũng trong cuộc họp báo cho biết nhận định của mình về biến cố này như là “một đêm quan trọng” và những điều đình cho thấy “một giây phút hào hứng trong lịch sử”: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại ở Trung Đông xẩy ra một cuộc trao đổi ý kiến rộng rãi về tương lai của xứ sở mình… Niên lịch cũng là một vấn đề buồn cười nữa. Đây là một năm nhuận. Ngày mai là ngày 29/2. Người ta có thể lập luận về phương diện kỹ thuật rằng chúng tôi không sợ bị nhỡ hạn định. Đây là vấn đề về một bản văn chứ không phải là vấn đề hạn định”.

Thật vậy, bản hiến pháp này của Iraq được coi là một văn kiện hết sức quan trọng trong một thế giới Hồi Giáo Ả Rập phi dân chủ, nó sẽ giống như bản hiến pháp của các quốc gia bắt đầu theo chế độ dân chủ ở Tây Phương trước đây sau thời đại quân chủ chuyên chế vậy.

Trước đây, một phần tử người Kurd của hội đồng này là ông Mahmud Othman, một vị lãnh đạo lâu đời của tổ chức Kurdish National Struggle đã cho CNN biết về một số tiến bộ đã đạt được trong nội bộ hội đồng này như sau:

“Tất cả chúng tôi đã đồng ý thiết lập một nước Iraq dân chủ. Chúng tôi đã đồng ý vấn đề bỏ phiếu để quyết định hết mọi sự. Chúng tôi đã đồng ý là nhân dân phải quyết chọn hết mọi sự. Họ chưa bao giờ nói rằng họ một một thứ luật lệ Hồi giáo, một quốc gia Hồi giáo”.

Vấn đề liên bang là vấn đề chính của người Kurd, thành phần dân chúng tự trị ở Iraq nhiều năm và không muốn mất đi thế đứng của mình. Tuy nhiên, theo ông Saled thì “bản văn kiện này minh nhiên nói rằng Iraq sẽ được cai trị bằng một cơ cấu chính phủ liên bang và nói rằng chính quyền thuộc vùng người Kurd có thẩm quyền quản trị nội bộ ở miền của mình”.

Ông Othman còn cho biết thêm về tình trạng những người sống lẫn lộn với người Kurd và trong vùng người Kurd có quyền quyết định họ có muốn thuộc về vùng tự trị của người Kurd hay chăng. Còn vấn đề ngôn ngữ chung cho quốc gia Iraq cũng đã được giải quyết là nước này sẽ sử dụng hai ngôn ngữ chính, Ả Rập và Kurdish. Dân chúng được chọn học một trong hai hay cả hai thứ ngôn ngữ chính này. Tuy nhiên, họ vẫn có quyền sử dụng thổ âm của họ tại địa phương họ sống.

Tuy nhiên, vấn đề vẫn chứa được rõ là ngôn ngữ Kurdish chỉ chính thức ở miền bắc của vùng họ tự trị thôi hay ở cả nước Iraq.

Về phía những người Thổ Nhĩ Kỳ, thành phần sống ở miền bắc Iraq với những người Ả Rập và Kurds, thì những dự thảo trong bản hiến pháp không đáp ứng những đòi hỏi của họ. Trong tuần họ đã cùng nhau xuống đường ở thủ đô Baghdad để phản đối. Nhiều người trong họ đã lấy xích hay băng keo cột chân tay lại. Một bản văn được phổ biến chính hôm Thứ Bảy 28/2/2004, cho biết họ sẽ nhịn đói xuống đường phản đối về những bất bình đẳng trong tiến trình soạn thảo bản hiến pháp, vì họ muốn được chính thức công nhận là một thiểu số quốc gia, bằng không họ cảm thấy mình bị loại ra rìa:

“Bản thảo hiến pháp cho thấy thiên về một số lực lượng trong việc chiếm đạt những thứ lợi lộc không kể gì tới nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ cùng những người khác thuộc nhân dân Iraq”.

 

Tù nhân chính trị Saddam Hussein

Chiều hôm Thứ Bảy 21/2/2004, sau hai tháng dàn xếp theo Hiệp Ước Geneva về việc viếng thăm các tù nhân chính trị, một phái đoàn 3 vị đại diện (trong đó có một y sĩ) Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đã được phép đến thăm tù nhân chính trị Saddam Hussein. Việc viếng thăm này là để khám sức khỏe và tình trạng sống của nhà cựu lãnh đạo Iraq này, nhưng không ai lên tiếng gì về tình hình sức khỏe của ông ta cả. Bà Nada Doumani cho biết “chúng tôi đã hỏi ông ta về tình trạng bị giam giữ của ông” xem ông có vấn đề gì về thục phẩm, nước uống, đối xử hay sức khỏe chăng. Ông đã đưa cho Hội Hồng Thập Tự một sứ điệp viết tay để gửi cho gia đình của ông. Bà nói “chúng tôi sẽ tài diễn việc viếng thăm như thế này”. Người ta nghĩ rằng ông này bị giam giữ tại Baghdad cùng một chỗ với những tay cao cấp khác ở gần phi trường quốc tế.

Trong khi đó, theo nữ phát ngôn viên của Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ là Joanne Moore cho biết hôm Thứ Sáu 27/2/2004, người chỉ điểm cho quân đội Hoa Kỳ đia điểm của những người con trai nhà lãnh tụ Saddam là Uday và Qusay đã nhận được số tiền thưởng 30 triệu Mỹ kim. Bộ Nội Vụ này cho biết cả đương sự và gia đình của đương sự đã rời Iraq với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Hai người con trai của tù binh chính trị Saddam đã chết vào ngày 22/7/2003 sau trận đụng độ với quân đội Hoa Kỳ ở tỉnh Mosul thuộc miền bắc Iraq.