GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 7 Chúa Nhật


Chúa Nhật II Mùa Chay

 

VINH QUANG BA NGÔI NƠI VIỆC CHÚA KITÔ BIẾN HÌNH

 

ÐTC GPII: Bài Giáo Lý Ðại Năm Thánh 2000 (Thứ Tư 26/4/2000)

 

 

1-         Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, một tuần được coi như là một ngày trọng đại duy nhất, phụng vụ không ngừng lập đi lập lại sứ điệp Phục Sinh: “Chúa Giêsu thực sự đã sống lại rồi!”. Lời loan báo này mở ra cho toàn thể nhân loại một chân trời mới. Tất cả những gì được ám chỉ một cách mầu nhiệm nơi Cuộc Biến Hình trên Núi Tabo đều trở thành hiện thực nơi Cuộc Phục Sinh. Lúc biến hình, Chúa Giêsu tỏ cho các vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy phép lạ hiển vinh cùng với ánh sáng được niêm ấn bằng tiếng của Chúa Cha: “Đây là Người Con yêu dấu của Ta” (Mk 9:7).

 

Vào ngày lễ Phục Sinh, những lời này hiện lên cho chúng ta thấy trọn vẹn thực tại của chúng. Người Con yêu dấu của Chúa Cha, tức Đức Kitô bị đóng đanh và tử nạn, đã sống lại vì chúng ta. Trong sự tỏ rạng của Người, tín hữu chúng ta thấy được ánh sáng, và, như phụng vụ của Giáo Hội Đông Phương xướng lên, “được Thần Linh phục sinh, chúng ta muôn đời chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa đồng bản thể” (Kinh Tối Trọng Thể Lễ Chúa Kitô Biến Hình). Với một tấm lòng tràn đầy niềm vui Phục Sinh, hôm nay tinh thần chúng ta hãy leo lên ngọn núi thánh nổi bật trên đồng bằng Galilêa để chiêm ngưỡng ở chóp đỉnh của nó một biến cố xẩy ra hướng vọng tới biến cố Phục Sinh.

 

2-         Chúa Kitô là tâm điểm của Cuộc Biến Hình. Hai chứng nhân của Cựu Ước hiện ra với Người là Moisen, vị trung gian của lề luật, và Elia, vị tiên tri của Thiên Chúa hằng sống. Thần tính của Chúa Kitô, được tiếng của Chúa Cha công bố, cũng tỏ hiện bởi những biểu hiệu bằng hình ảnh theo kiểu diễn tả của thánh ký Marcô. Thật vậy, có ánh sáng và mầu trắng tiêu biểu cho vĩnh cửu và siêu việt tính: “Y phục của Người trở nên sáng láng, trắng tinh đến nỗi không một thợ giặt tẩy nào trên trần gian này có thể làm nổi” (Mk 9:3). Thế rồi có cả mây trời, dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện trong cuộc Xuất Ai Cập của dân Yến Duyên cũng là dấu hiệu Ngài hiện diện nơi lều Giao Ước (x Ex 13:21-22, 14:19, 24, 40: 34, 38).

 

Vào Buổi Sáng ngày lễ Biến Hình, phụng vụ Đông Phương cũng xướng lên rằng: “Ôi Lời Thiên Chúa, sự rạng ngời tinh nguyên của ánh sáng Chúa Cha, trong ánh sáng tỏa chiếu của Chúa trên Núi Tabo, hôm nay chúng con đã được thấy ánh sáng là Chúa Cha và ánh sáng là Thần Linh, một ánh sáng soi chiếu tất cả mọi tạo vật”.

3-         Bản văn phụng vụ này đề cao chiều kích Ba Ngôi nơi Cuộc Biến Hình trên núi của Chúa Kitô. Thật vậy, Chúa Cha hiện diện rõ ràng nơi tiếng nói phát ra. Truyền thống Kitô Giáo có một thoáng nhìn ngấm ngầm về việc Thánh Linh hiện diện nơi biến cố biến hình song song với biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa ở sông Dược Đăng, lúc mà Thần Linh lấy hình bồ câu đậu xuống trên Người (Mk 1:10). Thật vậy, mệnh lệnh “Hãy lắng nghe Người” (Mk 9:7) của Chúa Cha cho thấy Chúa Giêsu đầy Thánh Linh để các lời của Người đều là “thần trí và là sự sống” (Jn 6:63, x. 3:34-35).

Bởi vậy, chúng ta có thể leo lên ngọn núi này để trầm tư, chiêm ngưỡng và dìm mình vào mầu nhiệm ánh sáng của Thiên Chúa. Tabo tiêu biểu cho tất cả mọi ngọn núi dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, như các nhà thần bí vẫn thích dùng hình ảnh so sánh này. Một bản văn khác của Giáo Hội Đông Phương kêu gọi chúng ta thực hiện cuộc tiến lên tới chóp đỉnh và tới ánh sáng như sau: “Hỡi các dân, hãy đến mà theo tôi! Chúng ta hãy leo lên ngọn núi thánh thiên đình; tâm linh của chúng ta hãy dừng lại ở thành đô Thiên Chúa hằng sống và lấy tinh thần mà chiêm ngưỡng thần tính của Chúa Cha và Thánh Thần được rạng ngời nơi Người Con Duy Nhất” (troparion at the conclusion of the Canon of St John Damascene).

4-         Nơi Cuộc Biến Hình, chúng ta chẳng những chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa, đi từ ánh sáng tới ánh sáng (x Ps 36:10), chúng ta còn được mời gọi để lắng nghe lời thần linh nói với chúng ta nữa. Vượt trên ngôn từ của Lề Luật hiện thân nơi Moisen cũng như ngôn từ của tiên tri hiện thân nơi Êlia, tiếng nói của Chúa Cha có thể nghe thấy có liên quan đến tiếng nói của Chúa Con, như Tôi vừa đề cập tới (x Mk 9:7). Khi dẫn giải về cảnh Biến Hình, Bức Thư Thứ Hai của Thánh Phêrô nhấn mạnh đến tiếng nói thần linh. Chúa Giêsu Kitô “đã nhận được vinh dự cùng vinh quang từ Thiên Chúa Cha và có một tiếng nói đã phát ra với Người từ vinh quang uy nghi cao cả: ‘Đây là Người Con yêu dấu của Ta, Người mà Ta hài lòng’; chúng tôi đã nghe thấy tiếng nói ấy phát ra từ trời, vì chúng tôi đã ở với Người trên núi thánh. Do đó chúng tôi càng vững vàng hơn nữa về lời ngôn sứ. Anh em tỏ ra vững chắc khi chú ý tới lời như là ngọn đèn sáng soi trong nơi tăm tối cho đến ngày rạng đông và sao mai mọc lên trong tâm trí anh em” (2Pt 1:17-19).

Chúng ta hãy chúc tụng Chúa Cha, Ngôi Lời và Thánh Linh.

5-         Bởi vậy, nhìn và nghe, chiêm ngưỡng và tuân phục là những đường lối dẫn chúng ta lên núi thánh, nơi Ba Ngôi tỏ mình ra trong vinh quang của Chúa Con. “Cuộc Biến Hình làm cho chúng ta nếm trước việc Chúa Kitô đến trong vinh quang, khi Người ‘biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên giống như thân xác vinh hiển của Người’ (Phil 3:21). Thế nhưng, Cuộc Biến Hình đồng thời cũng nhắc nhớ là ‘chính nhờ trải qua nhiều cuộc bách hại chúng ta mới được vào vương quốc của Thiên Chúa’ (Acts 14:22)” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 556). 

Như linh đạo của Giáo Hội Đông Phương nêu lên, phụng vụ về Cuộc Biến Hình cho thấy một “bộ ba” nhân loại nơi ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, những vị chiêm ngưỡng Ba Ngôi thần linh. Như ba người trẻ trong lò lửa của Sách Tiên Tri Đaniên (3:51-90), phụng vụ “chúc tụng Thiên Chúa là Cha và là Đấng Hóa Công, ngợi khen Ngôi Lời là Đấng đã xuống giúp họ và biến lửa thành sương sa, cùng tôn vinh Thánh Linh là Đấng ban sự sống cho tất cả mọi người đến muôn đời” (Kinh Ban Mai Lễ Biến Hình).

Giớ đây chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Kitô biến hình bằng những lời của Kinh Nguyện Thánh Gioan Đamascênô: “Ôi Chúa Kitô, Chúa đã thu hút con bằng lòng khao khát Chúa, và đã biến đổi con bằng tình yêu thần linh. Xin Chúa hãy thiêu đốt tội lỗi của con bằng lửa thiêng của Chúa và xin hãy đoái thương làm cho con tràn đầy nỗi dịu ngọt của Chúa, để vui mừng hớn hở, con sẽ chúc tụng tất cả mọi biểu hiện của Chúa”.

(Ðaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osseervatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 3/5/2000)
 

 


Bóng Dáng Phục Sinh


 

Trước khi xuất thân cứu nhân độ thế, Vị Thiên Chúa Làm Người của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô đã phải thực hiện hai việc đi đôi với nhau, một việc liên quan đến linh hồn của Người, đó là việc Người lãnh nhận phép rửa của Giaon Tiền Hô ở sông Dược Đăng, tác động mở màn cho Phụng Vụ Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh hằng năm của Giáo Hội, và một việc liên quan đến thân xác của Người, đó là, ngay sau khi chịu phép rửa, được Thánh Thần thúc đẩy, Người đã vào hoang địa 40 ngày để ăn chay và chịu cám dỗ, tác động mở màn cho Phụng Vụ Mùa Chay hằng năm của Giáo Hội.

Qua hai tác động liên quan đến cả hồn lẫn xác này của Người, toàn thể nhân tính của Chúa Giêsu, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, đã đi tới chỗ hiển linh, qua hiện tượng biến hình trên núi, một biến cố loan báo trước thực tại Phục Sinh của Người sau này, thời điểm thân xác phục sinh của Người trở thành phương tiện thông ban Thánh Linh cho loài người xác thịt chúng ta. (Xin mở ngoặc ở đây là Chúa Giêsu biến hình chứ không phải Chúa Giêsu chỉ “hiển dung” như một số người sử dụng từ ngữ Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung, vì tất cả thân xác của Chúa Giêsu, kể cả y phục của Người được biến hình sáng láng, chứ không phải chỉ có dung nhan của Người mà thôi). Biến cố Chúa Giêsu tự mình biến hình trên núi bao giờ cũng được Phúc Âm Nhất Lãm cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay tuần này thuật lại đã chứng tỏ cho thấy Người thực sự là một Vị Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người, Thần Tính của Người là chủ thể của nhân tính, làm chủ nhân tính và hiển linh qua nhân tính, đúng như Thánh Tông Đồ Dân Ngoại nhận định trong thư gửi Giáo Đoàn Côlôsê đoạn 2 câu 9: “Nơi Người toàn thể tầm vóc viên mãn của thần tính ngự trị một cách thể lý”.

Tuy nhiên, để có thể tỏ hết Thần Tính vô cùng thiện hảo và hiển vinh ra, nhân tính của Người phải Vượt Qua cuộc khổ nạn và tử giá. Đó là lý do bài Phúc Âm Thánh Luca theo chu kỳ phụng vụ C tuần này nói đến sự kiện: “Bỗng có hai vị uy nghi hiện đến đàm đạo với Người, đó là Moisen và Êlia, nói về sự chết của Người sẽ xẩy ra tại Giêrusalem”.

Tại sao Moisen và Êlia…?

Thế nhưng, nếu việc Chúa Giêsu biến hình tiên báo việc Người phục sinh vinh hiển thì tại sao hai nhân vật Cựu Ước lại đến đàm đạo với Chúa Giêsu không phải về vinh quang Phục Sinh mà là về cuộc tử nạn khổ đau của Người, và tại sao hai nhân vật nói chuyện với Chúa Giêsu về cuộc tử nạn này lại là Moisen và Êlia, chứ không phải là Abraham và Isaia, vì Abraham là vị tổ phụ đã phải chịu khổ đau cùng cực khi hiến tế đứa con nối dòng duy nhất của ông, và Isaia là tiên tri đặc biệt nói về Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa?

Để trả lời cho câu hỏi rất xác đáng và khúc mắc này, chúng ta cần biết thân phận của Moisen và Êlia là ai. Nếu Moisen liên quan đến lề luật thì Êlia đóng vai trò là tiên tri của Thiên Chúa. Mà Chúa Giêsu lại tuyên bố trong Bài Giảng Trên Núi ở Phúc Âm Thánh Mathêu, đoạn 5 câu 17: “Các con đừng tưởng rằng Thày đến để hủy bỏ lề luật và các lời tiên tri. Thày đến không phải để hủy bỏ mà là để làm trọn”. Đó là lý do tại sao Moisen và Êlia đã xuất hiện để đàm đạo với Chúa Giêsu, Đấng đến để làm trọn lề luật và các lời tiên tri, nhất là bằng Cuộc Vượt Qua của Người, như chính Người một lần nữa đã khẳng định với các tông đồ khi hiện ra với các vị sau khi từ trong kẻ chết sống lại ở Phúc Âm Thánh Luca đoạn 24 câu 44: “Mọi sự viết về Thày trong lề luật của Moisen cũng như theo các lời tiên tri và Thánh Vịnh cần phải được nên trọn”.

Còn lý do tại sao Moisen và Êlia đến đàm đạo với Chúa Giêsu không phải về cuộc phục sinh vinh hiển của Người trong lúc Người biến hình trên núi mà là về cuộc tử nạn của Người, thì chúng ta phải để ý đến sứ vụ của hai vị này, ở chỗ, cả hai đều được Thiên Chúa kêu gọi đến để minh chứng cho Dân Do Thái thấy một chân lý vô nhị, chân lý Chúa là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra không còn Chúa nào khác, vì Ngài là “Đấng Hiện Hữu” (Ex 3:14), tức là Đấng bất biến, Đấng luôn trung thành với những gì đã hứa với các tổ phụ của họ là Abraham, Isaac và Giacóp. Thiên Chúa đã thực sự tuyển chọn Moisen để giải phóng Dân Ngài khỏi làm tôi người Ai Cập mà đem họ vào Đất Hứa, miền đất Ngài đã đưa Abraham tới và hứa ban cho con cháu ông, như được ghi nhận trong Sách Sáng Thế Ký ở đoạn 17 câu 8. Êlia cũng được Thiên Chúa tuyển chọn để giải phóng Dân Chúa khỏi bị mê hoặc bởi 450 tiên tri của Thần Ba-An trong việc tôn thờ ngẫu tượng, như được Sách Các Vua quyển thứ nhất thuật lại ở đoạn 18 câu 16-46. Moisen khởi đầu ơn gọi giải phóng của mình bằng thị kiến bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, như được thuật lại trong Sách Xuất Hành ở đoạn 3 câu 2. Còn Êlia đã kết thúc sứ vụ giải thoát Dân Chúa của mình bằng việc kêu cầu “Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isac và Giacóp” để xin Ngài sai lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ của mình và việc đã thực sự đã xẩy ra, như Sách Các Vua quyển nhất ghi lại ở đoạn 18 câu 38.

Chúa Giêsu cũng đã đến để giải phóng Dân Chúa nói riêng và loài người nói chung bằng chính cuộc tử nạn của mình, một cuộc tử nạn để Người có thể “làm chứng cho chân lý”, như Người đã tuyên bố với tổng trấn Philatô ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 18 câu 37, chân lý Người là Đức Kitô, tức là Đấng được sai đến bởi Cha, Vị Thiên Chúa đã hứa cứu độ loài người ngay sau khi họ sa ngã phạm tội nơi hai nguyên tổ, như Sách Sáng Thế Ký ghi nhận ở đoạn 3 câu 15. Cuộc tử nạn khổ đau của Chúa Kitô chẳng khác gì như bụi gai cháy mà không bị thiêu rụi trước mắt Moisen, một cuộc tử nạn không bị thiêu rụi vì Người thực sự đã phục sinh từ trong cõi chết, một cuộc tử nạn tự hiến đã được Thiên Chúa vui lòng khứng nhận như Ngài đã sai lửa từ trời xuống thiêu hủy lễ vật của Êlia, đến nỗi, hoa trái của cuộc tử nạn này chẳng những là ơn cứu độ được ban xuống cho loài người nói chung mà còn cho thân xác của con người nói riêng, như Thánh Phaolô xác tín trong thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở đoạn 5 câu 8-9: “Mặc dù là Con, song Người cũng biết vâng lời trong những gì phải chịu, để khi thành toàn, Người đã trở nên căn nguyên cứu độ cho tất cả những ai tín phục Người”, và trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma ở đoạn 8 câu 11: “Nếu Thần Linh của Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em thì Đấng phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết cũng sẽ làm cho thân xác chết chóc của chúng ta được sống như vậy, nhờ Thần Linh của Ngài ở trong chúng ta”. Theo tôi, Thần Linh của Cha đã làm cho Chúa Kitô phục sinh đây chính là ngọn lửa từ trời xuống thiêu đốt thân xác tử giá hy hiến của Chúa Kitô, một thân xác bị thiêu đốt nhưng không bị thiêu rụi như hình ảnh bụi gai được Moisen thị kiến thấy, tức một thân xác sẽ phục sinh vinh hiển, như được ba vị tông đồ đại diện cho Dân Tân Ước thị kiến thấy trước, một biến cố được Phúc Âm Thánh Luca Chúa Nhật tuần này thuật lại.


Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 556 nói về cuộc biến hình của Chúa Giêsu liên quan đến việc thân xác loài người sẽ được cứu như sau:

 

“Mở màn cho cuộc sống công khai của Chúa Giêsu là việc Người chịu Phép Rửa; mở đầu cho Cuộc Vượt Qua là việc Người Biến Hình trên núi. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa loan báo ‘mầu nhiệm tái sinh lần thứ nhất’ là việc chúng ta chịu Phép Rửa. Việc Chúa Giêsu Biến Hình trên núi ‘là bí tích của cuộc tái sinh lần thứ hai’ tức là việc chúng ta sống lại (xem Thánh Tôma, STh, III, 45, 4 ad 2). Từ đó chúng ta được thông dự vào Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô, nhờ Thần Linh là Đấng hoạt động nơi các bí tích của Thân Thể Chúa Kitô. Việc Biến Hình trên núi của Chúa Kitô cho chúng ta nếm hưởng trước việc Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang, khi mà Người ‘sẽ biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên giống như thân thể hiển vinh của Người’ (Phil 3:21). Tuy nhiên, việc Biến Hình trên núi này cũng nhắc nhở cho chúng ta thấy là ‘chúng ta phải trải qua nhiều cuộc bách hại mới được vào vương quốc của Thiên Chúa’ (Acts 14:22)”.

Tại sao Phêrô…?

Đến đây, vẫn còn một vấn đề cần phải được giải quyết, đó là tại sao Thánh Phêrô rất tỉnh táo, đến nỗi biết được cả hai vị đến đàm đạo với Chúa Giêsu là Moisen và Elia, song sau khi xin phép Thày cho mình được dựng ba lều cho Ba Đấng thì Phúc Âm liền cho biết: “Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì”. Theo tâm lý cho thấy thì tâm trạng của Thánh Phêrô lúc bấy giờ ra sao?

Thắc mắc này làm tôi nhớ đến câu truyện là vào tháng 10 năm 1998, sau khi tôi chia sẻ với Đạo Binh Hồn Nhỏ ở Orange County dịp kỷ niệm 20 đoàn thể này sinh hoạt tại Hải Ngoại, có một chị quen biết đến với tôi khen tặng bài chia sẻ của tôi, và nhân đó cho tôi biết rằng có lần chị cũng được ơn nói tiếng lạ, không phải là nửa tiếng hay 1 tiếng mà là mấy tiếng liền. Nghe xong, tôi hỏi xem chị có hiểu những gì chị nói hay chăng, chị cho biết chị chẳng hiểu những gì chị nói nữa! Vậy thì những người khác làm sao có thể hiểu chị? Phải chăng tiếng lạ là tiếng không ai hiểu gì?

Có một vị lão thành rất sốt sắng tham gia Phong Trào Thánh Linh, vị đã ba lần trong vòng 1 năm khuyên giục tôi hãy mang kiến thức và khả năng chia sẻ về Thánh Kinh của tôi để phục vụ nhiều linh hồn đang hào hứng với phong trào này, đã dẫn giải cho tôi về vấn đề hay về hiện tượng “cầu nguyện bằng tiếng lạ”, như trường hợp xẩy ra cho bà chị quen biết trên đây. Theo vị lão thành này hiểu thì sự kiện cầu nguyện bằng tiếng lạ ấy có nền tảng trong Thánh Kinh, ở đoạn Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Rôma ở đoạn 8 câu 26: “Thần Linh cũng giúp tình trạng yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta không biết cầu nguyện làm sao cho phải, nên chính Thần Linh đã chuyển cầu cho chúng ta bằng những lời than khôn tả”. Nghe thế, tôi thưa lại với vị tiền bối của tôi rằng “những lời than khôn tả” phát xuất từ Thần Linh đây, theo tôi hiểu, là những điều chúng ta không thể diễn tả được bằng lời nói nhưng vẫn cảm nghiệm thấy trong tâm hồn bằng đức tin, như tình trạng chiêm niệm lên tới bậc siêu việt của một số tâm hồn thánh nhân. Nếu cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, là giao tiếp với thần linh, mà lại không hiểu mình nói gì, không ý thức được những gì mình muốn nói thì đâu phải là cầu nguyện. Thật thế, những cảm nghiệm thần linh siêu việt vượt trên cảm giác tự nhiên cũng như trên tri thức loài người này vẫn có thể được diễn tả ra bằng lời nói, song là những lời rất ngắn gọn, như Kinh Lạy Cha hoặc Kinh Kính Mừng chẳng hạn, chứ không dài dòng văn tự (x Mt 6:7-13), mà lại chất chứa đầy những ý nghĩa sâu xa chẳng khác gì như “những lời than khôn tả”.

Thánh Gioan Chrysostom, vị Giám Mục Giáo Phụ của Hội Thánh, đã nhận định về việc cầu nguyện “rên xiết” theo Thánh Linh như sau: “Cầu nguyện mang lại hoan lạc cho thần trí, an bình cho tâm hồn. Tôi nói về việc cầu nguyện chứ không phải về những thứ ngôn từ. Cầu nguyện là khát vọng Thiên Chúa, một thứ tình yêu quá sâu xa đối với những lời lẽ, một tặng ân không phải tự con người mà là bởi ơn Chúa ban cho. Thánh Tông Đồ Phaolô đã nói: ‘Chúng ta không biết cầu nguyện ra sao nhưng chính Thần Linh cầu xin cho chúng ta bằng những khát khao khôn tả’” (Supp., Hom. 6, De Precatione: PG 64, 462-466, The Office of Reading, St Paul Edition, 1983, pg 347).

“Những lời than khôn tả” theo cảm nghiệm thần linh này có thể kể đến là lời Chúa Giêsu than lên ba lần với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, nếu được xin cất chén này cho Con. Nhưng xin cho ý Cha được nên trọn chứ đừng theo ý Con” (Mt 26: 39,41-42), hay lời Người than lên trên thập giá trước khi tắt thở: “Chúa ơi, sao Chúa nỡ bỏ rơi tôi?” (Mt 27:46), hoặc lời của Thánh Phêrô 3 lần tuyên xưng “Lạy Thày, Thày quá rõ con yêu mến Thày” (Jn 21:15-17). Ngoài ra, còn có “những lời than khôn tả” điển hình nữa của Thánh Phêrô, đó là lời “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” (Mt 16:16). Thật vậy, vì là những gì nhận được do mạc khải thần linh (x Mt 16:17), tức do Thần Linh, chứ không phải do huyết nhục tự biết được, mà những lời tuyên xưng ấy quả thực là “những lời than khôn tả”, đến nỗi, chính đương sự cũng không hiểu được “tất cả sự thật” (Jn 16:13) của “những lời than khôn tả” ấy. Đó là lý do, vừa tuyên xưng xong, chính đương sự đã trở thành “đồ Satan” qua lời quở trách thậm tệ của Thày. Cũng thế, những lời Thánh Phêrô xin Thày trên đỉnh núi biến hình, nói mà không hiểu gì. Bởi vì, ngài chỉ biết được sự kiện Chúa biến hình mà không hiểu được mầu nhiệm Vượt Qua (x Mt 17:10). Đó là lý do ngài đã trắng trợn và phũ phàng chối Thày 3 lần, dù đã thề sống chết với Thày và được Thày tiên báo về việc chối bỏ của ngài (x Mt 26:33-35,69-75)

Lạy Chúa Giêsu Kitô là sự sống lại và là sự sống, Chúa đã tỏ vinh quang rạng ngời trên núi cao khi biến hình trước mắt các môn đệ. Nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin Chúa cho Kitô hữu chúng con luôn biết sống trong tinh thần và chân lý, để chúng con được hoan hưởng sự sống, một sự sống viên mãn, trong Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL