GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ của Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 8 Thứ Hai

 

 

ĐTC GPII với Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay về Chúa Biến Hình


1.     “Bấy giờ khoảng chừng 8 ngày sau khi nói những lời ấy Người đem Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện” (Lk 9:28). Phúc Âm về việc biến hình của Chúa Giêsu được bắt đầu như thế, một bài Phúc Âm mang đặc tính của Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay này. Thánh Ký Luca nhấn mạnh là Chúa Giêsu biến hình “đang khi Người cầu nguyện” trên núi cao, chìm sâu vào một cuộc đối thoại thâm tình và sâu xa với Thiên Chúa Cha. Một thứ ánh sáng rạng ngời chiếu phát từ con người của Người là những gì báo trước vinh hiển của Cuộc Phục Sinh.


2.     Hằng năm, để sửa soạn cho Lễ Phục Sinh, Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy theo Chúa Kitô vào mầu nhiệm của việc Người cầu nguyện, nguồn ánh sáng và sức mạnh trong giờ khắc thử thách. Thật vậy, cầu nguyện tức là tinh thần được lặn ngập trong Thiên Chúa bằng một thái độ khiêm nhượng gắn bó với ý muốn của Người. Từ việc tin tưởng phó mình nơi Thiên Chúa như thế mới phát tỏa ra ánh sáng nội tâm làm biến đổi con người, làm cho họ thành một nhân chứng cho Mầu Nhiệm Phục Sinh. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xẩy ra bởi việc lắng nghe Chúa Kitô cũng như bằng việc theo Người một cách chân thành trên con đường khổ nạn và thập giá. Thế nên, chúng ta phải nhìn lên Người, “vì chỉ ở nơi Người, Con Thiên Chúa, mới có ơn cứu độ mà thôi”.


3.     Tôi muốn ngỏ lời huấn dụ này cho toàn thế giới 25 năm trước đây, chính vào lúc mở màn cho Mùa Chay này, trong thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” (xem số 7). Nếu con người muốn hiểu về mình cách tường tận, bấy giờ Tôi viết, họ cần phải đến gần Chúa Kitô, họ phải đi sâu vào Người, họ phải “thích hợp” với Người và phải đồng hóa với toàn thể thực tại của công cuộc Cứu Chuộc (xem số 10). Hôm nay đây sự thật này hợp thời biết bao!


Chớ gì Vị Trinh Mẫu của Đấng Cứu Thế giúp chúng ta bắt đầu lại từ Chúa Kitô trong việc xây dựng một thế giới thực sự theo tầm vóc con người.


(Cuối huấn từ, ĐTC thêm)


Trong Tuần Phòng ở Vatican, Tôi đã không quên những tình trạng đau thương ở một số quốc gia Phi Châu, Trung Đông và nhất là ở Thánh Địa và Iraq.


Họ là anh em của chúng ta đang đau khổ bỏi những hành động bạo lực và khủng bố bất khả chấp, những hành động chỉ gây thêm trầm trọng hơn cho những điều kiện sống của các dân tộc thân yếu ấy.


Trong khi cầu nguyện cho họ và kêu gọi anh chị em cầu nguyện cho họ, Tôi cũng xin tất cả một lần nữa hãy thực hiện đường lối thứ tha và hòa giải.


 

“Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Jn 12:21)

Sứ Điệp của ĐTC Gioan Phaolô II
gửi Giới Trẻ Thế Giới nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX 2004

Hỡi giới trẻ thân mến!


1-     Năm 2004 này là giai đoạn cuối cùng trước đại biến cố ở Cologne, nơi cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 20 vào năm 2005. Bởi thế Tôi kêu gọi các bạn tăng gia con đường sửa soạn thiêng liêng bằng việc suy tư về đề tài Tôi đã chọn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19 năm nay, đó là đề tài “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Jn 12:21).


Đó là một lời yêu cầu được một số “Người Hy Lạp” hôm ấy đặt ra với các vị Tông Đồ. Họ muốn biết Chúa Giêsu là ai. Họ đến không phải chỉ để thấy những gì hấp dẫn con người Giêsu thực hiện. Được thúc đẩy bởi tính hết sức tò mò, cũng như bởi linh cảm là họ đã tìm được câu giải đáp cho những vấn đề sâu xa nhất của mình, mà họ muốn biết Người thực sự là ai và Người đã từ đâu tới.


2.     Hỡi giới trẻ thân mến, Tôi muốn các bạn cũng bắt chước những “Người Hy lạp” nói với tông đồ Philiphê, những người được thúc động bởi ước mong muốn “thấy Đức Giêsu”. Chớ gì việc các bạn tìm kiếm được tác động không phải chỉ bởi tính tò mò về tri thức, cho dù đó cũng là một điều tích cực, song phải được phấn khích trước hết bởi một sự thôi thúc nội tại trong việc tìm câu giải đáp cho vấn đề về ý nghĩa cuộc sống của các bạn. Như người trẻ tuổi giầu có trong Phúc Âm, các bạn cũng phải đi tìm Chúa Giêsu để hỏi Người rằng: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (Mk 10:17). Thánh Ký Marcô đã nói rõ ràng là Chúa Giêsu trìu mến nhìn anh ta. Các bạn có thể nhớ lại một đoạn khác khi Chúa Giêsu nói với Nathaen rằng: “Trước khi Philiphê kêu gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả thì Tôi đã thấy anh rồi”, khiến cho tâm hồn của con người Do Thái vốn không có gì là gian trá ấy (x Jn 1:47) thốt lên lời tuyên xưng đức tin tốt lành: “Lạy Thày, Thày là Con Thiên Chúa!” (Jn 1:49). Những ai tiến đến với Chúa Giêsu bằng một tâm hồn không có thiên kiến rất dễ đi đến chỗ tin tưởng, vì chính Chúa Giêsu đã thấy họ và yêu thương họ trước rồi vậy. Khía cạnh cao quí nhất của phẩm giá con người chính là ơn gọi của con người trong việc giao tiếp với Thiên Chúa bằng một thứ trao đổi ánh mắt thiết tha làm biến đổi sự sống. Để thấy được Chúa Giêsu, chúng ta cần làm sao cho Người nhìn thấy chúng ta trước đã!


Lòng ao ước được thấy Chúa Giêsu ở tận đáy lòng của mỗi một con người nam nữ. Hỡi giới trẻ thân mến, các bạn hãy để cho Chúa Giêsu nhìn vào đôi mắt của các bạn nhờ đó lòng ước ao được nhìn thấy Ánh Sáng cũng như nghiệm cảm được ánh quang rạng ngời của Chân Lý có thể phát triển nơi các bạn. Dù chúng ta có ý thức được ước muốn nay hay chăng, Thiên Chúa cũng đã dựng nên chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta để nhờ đó về phần mình chúng ta có thể yêu mến Ngài. Đó là lý do, con người mới bảo trì nơi cõi lòng mình nỗi hoài vọng Thiên Chúa bất khả trấn át này: “Lạy Chúa, tôi tìm kiếm dung nhan Chúa. Xin đừng ẩn mặt xa tôi” (Ps 27:8-9). Chúng ta biết rằng Dung Nhan này đã được tỏ cho chúng ta thấy nơi Chúa Giêsu Kitô.


3.     Hỡi giới trẻ thân mến, các bạn chẳng lẽ không muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Dung Nhan ấy hay sao? Đó là vấn đề Tôi muốn nói với các bạn trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2004 này. Các bạn đừng quá vội vàng giải đáp. Trước hết, các bạn hãy tạo nên một sự thinh lặng trong bản thân mình. Hãy để cho nỗi ước mong thiết tha được thấy Thiên Chúa ấy nổi lên từ đáy lòng các bạn, một ước muốn đôi khi bị dập tắt bởi những thứ chi phối của thế gian cũng như bởi những thứ hấp dẫn của lạc thú. Các bạn hãy để cho ước vọng này nổi lên và các bạn sẽ tuyệt vời cảm nghiệm được cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu. Kitô giáo không phải chỉ là một thứ tín lý: nó là cuộc hội ngộ Thiên Chúa trong tin tưởng, Đấng tỏ mình ra trong lịch sử của chúng ta qua việc nhập thể của Chúa Giêsu.


Bằng mọi cách các bạn hãy thực hiện cuộc hội ngộ này, và tìm kiếm Chúa Giêsu là Đấng đang thiết tha tìm kiếm các bạn. Hãy tìm kiếm Người bằng đôi mắt xác thịt qua những biến cố của cuộc đời cũng như nơi gương mặt của những người khác; thế nhưng các bạn cũng hãy tìm kiếm Người bằng cả đôi mắt linh hồn nữa, qua việc nguyện cầu và suy niệm Lời Chúa, vì “việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô không thể nào lại không được tác động bởi tất cả những gì chúng ta đọc thấy về Người trong Sách Thánh” (Tông Thư Novo millennio ineunte, 17).


4.     Việc thấy Chúa Giêsu, việc chiêm ngưỡng Dung Nhan của Người, là một ước vọng bất khả trấn át, thế nhưng, nó là một ước vọng mà bất hạnh thay con người cũng có thể làm biến dạng đi. Đó là những gì xẩy ra nơi tội lỗi, vì chính yếu tính của tội lỗi đã kéo đôi mắt của con người quay đi khỏi Thiên Chúa để hướng chúng về những gì Ngài đã tạo dựng nên.


Những “Người Hy Lạp” tìm kiếm sự thật sẽ không thể nào có thể tiến đến với Đức Kitô, nếu lòng ước muốn của họ, được tác động bởi một hành động tự do và tình nguyện, không được bộc lộ ra bằng một quyết định dứt khoát: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”. Tình trạng thực sự tự do tức là có được một thứ sức mạnh trong việc chọn lựa Đấng vì Người chúng ta đã được dựng nên và chấp nhận chủ quyền của Người trong cuộc đời của chúng ta. Các bạn nhận thấy nó nơi thẳm cung tâm hồn mình, ở chỗ, tất cả mọi sự tốt lành trên trái đất này, tất cả mọi thành đạt về nghề nghiệp, thậm chí cả đến tình yêu thương của con người được các bạn mơ tưởng, đều không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn đươcỉc những ước vọng sâu xa nhất và tha thiết nhất của các bạn. Chỉ khi nào được hội ngộ với Chúa Giêsu cuộc sống của các bạn mới được trọn vẹn ý nghĩa mà thôi: “vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa (Saint Augustine, The Confessions, book 1, chapter 1). Các bạn đừng để mình bị lệch ra khỏi cuộc tìm kiếm này. Hãy kiên trì với nó vì nó là tầm vóc viên trọn của các bạn và là niềm vui đang gặp nguy biến của các bạn.


5.     Các bạn thân mến, nếu các bạn biết khám phá ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể, các bạn cũng sẽ biết cách khám phá ra Người nơi anh chị em của các bạn, nhất là nơi thành phần rất nghèo khổ. Thánh Thể được mến yêu lãnh nhận và sốt sắng tôn thờ trở thành một học đường của tự do và bác ái để làm trọn giới luật yêu thương. Chúa Giêsu nói với chúng ta bằng một thứ ngôn ngữ tuyệt vời của tặng ân trao ban bản thân mình và là một thứ ngôn ngữ của tình yêu thương rất cao cả đến ban sự sống mình vì yêu. Phải chăng đó là một điều dễ làm? Các bạn đã quá rõ không phải là như thế! Không dễ gì quên đi bản thân của chúng ta, nhưng nếu chúng ta làm được như vậy thì nó kéo chúng ta ra khỏi tình yêu chiếm hữu và tìm mình, để hướng chúng ta về niềm vui của một tình yêu hy hiến bản thân mình. Học đường Thánh Thể về tự do và bác ái này dạy cho chúng ta biết chế ngự những thứ cảm xúc nông nỗi để đâm rễ sâu xa vào những gì chân thực và tốt lành; học đường này giải thoát chúng ta khỏi tình trạng quyến luyến bản thân mình để hướng chúng ta về những người khác. Nó dạy cho chúng ta biết thực hiện một cuộc chuyển đổi từ một tình yêu cảm xúc tới tình yêu hiệu nghiệm. Vì tình yêu không phải chỉ là một thứ cảm giác; nó là một tác động của ý muốn, bao gồm việc ưa chuộng một cách liên lỉ sự thiện của người khác hơn là của mình: “Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (Jn 15:13).


Chính bởi niềm tự do nội tại như thế cũng như bởi một đức bác ái nung nấu như vậy mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải tìm kiếm Người nơi những người khác, trước hết nơi những gương mặt thất sắc của người nghèo. Chân Phước Teresa Calcutta đã thích phân phát “tấm danh thiếp” của mình có đề những chữ như thế này “hoa trái của việc thinh lặng là nguyện cầu; hoa trái của nguyện cầu là đức tin, hoa trái của đức tin là yêu thương, hoa trái của yêu thương là phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an”. Đó là đường lối để gặp gỡ Chúa Kitô. Các bạn hãy tiến lên để gặp gỡ tất cả mọi khổ đau day dứt của con người bằng tấm lòng quảng đại của các bạn cũng như bằng tình yêu được Thiên Chúa tràn vào tâm hồn của các bạn qua Thánh Linh: “Thật vậy, Ta nói cho các người hay, khi các người làm cho một trong những người hèn mọn nhất trong anh em của Ta đây là các người làm cho Ta” (Mt 25:40). Thế giới này đang hết sức cần đến dấu hiệu ngôn sứ cao cả của tình bác ái huynh đệ! “Nói” về Chúa Giêsu không đủ. Chúng ta còn cần phải làm cho Người được “thấy” một cách nào đó qua chứng từ sống động của đời sống của chúng ta nữa (cf. Tông Thư Novo millennio ineunte, 16).


Các bạn đừng quên tìm kiếm Chúa Kitô và nhận ra sự hiện diện của Người nơi Giáo Hội là sự liên tục của việc Người cứu độ trong thời gian và không gian. Chính nơi Giáo Hội và nhờ Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục tỏ hiện mình ra hôm nay đây để nhân loại có thể tới với Người. Hãy đón nhận nhau vào giáo xứ của mình, vào phong trào và vào cộng đồng của mình để xây dựng mối hiệp thông nơi chính các bạn. Đó là dấu hiệu hữu hình của việc Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội, mặc dù rất thường bị làm lu mờ đi bởi tội lỗi của con người.


6.     Vậy các bạn đừng lấy làm lạ khi các bạn đụng độ phải Thánh Giá trên con đường đi của các bạn. Chúa Giêsu đã chẳng nói với các môn đệ của Người là hạt lúa miến cần phải rơi xuống đất và chết đi mới sinh nhiều hoa trái hay sao (x Jn 12:23-26)? Nói như thế là Người có ý nói về sự sống Người hy hiến cho đến chết sẽ sinh hoa kết trái. Các bạn biết rằng: sau cuộc phục sinh của Chúa Kitô, sự chết không còn là phán quyết cuối cùng nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Nếu Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết trên cây thập tự giá, nhờ đó làm cho nó trở thành nguộn mạch sự sống và là dấu hiệu yêu thương, thì Người đã không làm như thế bởi nỗi yếu hèn hay vì Người muốn chịu đựng khổ đau. Người làm như vậy là để chiếm lấy ơn cứu độ cho chúng ta và nhờ đó cho chúng ta được thông phần vào sự sống thần linh của Người.


Tôi muốn đem sự thật này đến cho tâm trí của giới trẻ thế giới khi Tôi ủy thác cho họ Cây Thập Giá bằng gỗ lớn vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984. Từ đó đến nay, Cây Thập Giá ấy đã đi khắp các quốc gia khác nhau để sửa soạn cho những Ngày Thế Giới của các bạn. Hàng trăm ngàn giới trẻ đã cầu nguyện quanh Cây Thập Giá này. Bằng việc đặt dưới chân Cây Thập Giá này những gánh nặng đè nặng trên mình, họ đã khám phá ra rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Nhiều người trong họ đã tìm thấy sức mạnh để thay đổi cuộc đời của mình.


Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm biến cố ấy, Cây Thập Giá sẽ được long trọng đón nhận ở Bá Linh. Từ đó, Cây Thập Giá sẽ bắt đầu cuộc hành trình của mình khắp Đức Quốc, kết thúc tại Cologne vào năm tới. Hôm nay Tôi muốn lập lại những lời Tôi đã nói với các bạn từ hồi bấy giờ là “Hỡi các bạn trẻ thân mến… Tôi trao phó cho các bạn Cây Thập Giá của Đức Kitô! Các bạn hãy vác Cây Thập Giá này đi khắp thế giới như là một biểu hiệu của tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại, và loan truyến cho mọi người rằng chúng ta chỉ tìm thấy ơn cứu độ và sự cứu chuộc chỉ ở nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô mà thôi”.


7.     Những người đồng thời với các bạn đang mong thấy các bạn là những chứng nhân của Đấng các bạn đã gặp gỡ và là Đấng ban sự sống cho các bạn. Trong cuộc sống hằng ngày của mình, các bạn hãy là những nhân chứng can trường cho một tình yêu mạnh hơn sự chết. Tùy các bạn có muốn chấp nhận thách đố này hay chăng! Các bạn hãy đem những tài năng và lòng nhiệt thành trẻ trung của mình ra phục vụ việc loan truyền Tin Mừng. Các bạn hãy là những người bạn nhiệt huyết của Chúa Giêsu, thành phần làm cho Người được tỏ hiện trước những ai muốn thấy Người, nhất là những ai cách xa Người nhất. Tông đồ Philiphê và Anrê đã mang những “Người Hy Lạp” đến cùng Chúa Giêsu: Thiên Chúa sử dụng tình bạn của nhân loại để dẫn các tâm hồn đến cùng mạch nguồn của đức ái thần linh. Các bạn hãy cảm thấy mình có trách nhiệm phải truyền bá phúc âm hóa cho bạn bè của các bạn cũng như cho tất cả mọi người đường thời của các bạn.


Suốt cuộc đời của mình, Đức Trinh Nữ Maria đã trung thành chiêm ngưỡng sung nhan của Chúa Kitô. Chớ gì Mẹ giúp cho các bạn mãi mãi gắn mắt vào Con của Mẹ (cf. Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, 10) và nâng đỡ các bạn trong lúc các bạn sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne. Tôi xin các bạn từ nay hãy bắt đầu hướng về ngày đó bằng một lòng nhiệt thành hữu trách và chủ động. Vị Trinh Nữ Nazarét, một Người Mẹ cảm thương và nhẫn nại, sẽ nắn đúc nơi các bạn, một con tim chiêm niệm, và dạy cho các bạn biết gắn mắt nhìn lên Chúa Giêsu để, trong một thế giới đang qua đi đây, các bạn sẽ là những ngôn sứ của một thế giới không tàn phai.


Với lòng cảm mến, Tôi ban cho các bạn một phép lành đặc biệt sẽ hỗ trợ các bạn trên con đường các bạn tiến bước.


Tại Điện Vatican ngày 22/2/2004.
Gioan Phaolô II


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh do VIS phổ biến ngày 1/3/2004)