GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 9 Thứ Ba

 

 

ĐTC GPII với Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần Redemptor Hominis sau 25 năm


Trong bài giảng cho 3 giáo xứ thuộc giáo phận Rôma là Giáo Xứ Thánh Bridget, Hilary và Maximus, vào Thánh Lễ chiều Thứ Bảy 6/3/2004, ĐTC GPII đã nhắc lại bức Thông Điệp đầu tiên của Ngài vào ngày 4/3/1979, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay như sau:


“Hãy lắng nghe và theo chân Chúa Kitô! 25 năm trước đây, vào lúc mở màn cho Mùa Chay, Tôi cảm thấy cần phải thúc giục toàn thể dân Kitô giáo hướng về cảm nghiệm cốt yếu này. ‘Chúa Giêsu là con đường chính yếu của Giáo Hội’, Tôi đã viết trong bức thông điệp đầu tiên của Tôi ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’, hỡi anh chị em thuộc các giáo xứ, một bức thông điệp Tôi muốn tượng trưng gửi đến anh chị em một lần nữa chiều hôm nay”.


Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay 7/3/2004:


“Tôi muốn ngỏ lời huấn dụ này cho toàn thế giới 25 năm trước đây, chính vào lúc mở màn cho Mùa Chay này, trong thông điệp ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’ (xem số 7). Nếu con người muốn hiểu về mình cách tường tận, bấy giờ Tôi viết, họ cần phải đến gần Chúa Kitô, họ phải đi sâu vào Người, họ phải ‘thích hợp’ với Người và phải đồng hóa với toàn thể thực tại của công cuộc Cứu Chuộc (xem số 10). Hôm nay đây sự thật này hợp thời biết bao!” (đoạn 3)


Nhân dịp kỷ niệm 25 năm bức Thông Điệp tiên khởi của giáo triều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một giáo triều, vào ngày 14/3/2004, sẽ đứng hàng thứ ba sau Thánh Phêrô (35 năm, từ năm 33 tới 68) và Đức Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX (31 năm: 16/6/1846-7/2/1878), qua mặt Ðức Lêô XIII (25 năm 5 tháng), tờ Nhật Báo Avvenire đã phỏng vấn vị linh mục HY Georges Cottier, nhà thần học giáo hoàng gia, vị linh mục người Thụy Sĩ dòng Đaminh sinh năm 1922, được ĐTC bổ nhiệm làm thần học gia cố vấn cho Ngài vào 12/1989 và vừa được Ngài phong tước hồng y ngày 21/10/2003.

Vấn     Khi mới đọc thông điệp “Redemptor Hominis”, điều gì đã làm cho ĐHY chú ý nhất?

Đáp     Bấy giờ tôi vẫn còn đang dạy học ở Thụy Sĩ. Tôi nhận thấy ngay cách thức vị Giáo Hoàng này đã phác họa cả một nhãn quan rộng lớn về các việc làm của Giáo Hội. Hôm nay đây, đọc lại văn kiện này sau một thời gian, người ta thực sự có thể nói rằng nơi bức thông điệp ấy họ đã thấy được một con đường nho nhỏ mà Ngài sẽ khai triển sau đó.

Vấn     Thưa ĐHY chẳng hạn như những gì?

Đáp     Tôi đang nghĩ đến tầm mức quan trọng của Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” được Ngài xác nhận, một hiến chế chủ trương rằng Chúa Kitô gần gũi với hết mọi người khi tỏ mình cho họ nơi mầu nhiệm của Người. Đó là một tư tưởng được thấy liên tục nơi giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II.

Tuy nhiên, trong thông điệp “Redemptor Hominis” còn có cả một đề tài về đại kết và đối thoại liên tôn nữa. Biến cố Assisi xẩy ra mãi sau này, nhưng khi đọc lại mới thấy một số chỗ của bức thông điệp này đã đề cập đến những điều ấy rồi.

Thế rồi cả đến việc nhấn mạnh tới các thứ quyền lợi của con người; đến sứ vụ trong viễn tượng của Giáo Hội; đến tâm điểm của Thánh Thể liên quan tới bí tích thống hối.

Trong văn kiện này ĐTC cũng đã đề cập tới cuộc mừng Đại Năm Thánh 2000.

Quả thực đây là điều đã làm tôi ngạc nhiên rất nhiều, đó là ngay vào năm 1979 mà năm 2000 đã là một chiều hướng đặc biệt đối với Ngài. Đó không phải là một điều gì gần đến: Còn cả 20 năm nữa mới tới; có thể nói rằng không ai trong Giáo Hội đã nghĩ đến Năm Thánh này.

Thế mà, ngay từ những lời đầu tiên nơi bức thông điệp này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho thấy cả một chân trời này khi Ngài phác tả con đường con đường dẫn đến năm 2000 như là một Mùa Vọng mới. Ở đây chúng ta lại thấy được cái nhãn quan bao rộng của Ngài.

Vấn     Việc nhấn mạnh về con người như là một mối quan tâm chính yếu của Giáo Hội vào năm 1979 đã có một tính cách quan trọng ra sao?

Đáp     Nó có một mãnh lực đặc biệt. Chúng ta không được quên rằng chủ nghĩa cộng sản của Mác đã có ý định đặt nền tảng cho một thứ nhân bản mới; nó được trình bày cho thấy như là một thứ kiến tạo nên một con người mới vậy.

Vị Giáo Hoàng xuất thân từ Balan này bắt đầu thừa tác vụ của mình bằng việc nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Kitô mới là đường lối và đời sống là một cuộc hành trình hết mọi người phải tiến bước với Người cũng như trong sự bảo vệ của Người.

Đối diện với quan niệm tổng hợp hóa của Cộng Sản, Ngài đã khẳng định vấn đề ngôi vị tính. Nó như là một quả bom gài sẵn: Ở chỗ, những chữ Mác và Cộng Sản không hề được nhắc đến trong bức thông điệp “Redemptor Hominis”. Thế nhưng, một cách sâu xa, căn cứ vào tư tưởng con người cần phải có về con người, thì vị Giáo Hoàng này đã cho thấy cái đối chọi này.

Vấn     Như thế bức thông điệp này đã đặt nặng về đề tài nhân quyền.

Đáp     Ngài nói về các thứ quyền lợi của con người, và theo chiều hướng này, về quyền tự do tôn giáo là một trong những quyền lợi chính yếu của họ. Sau đó Ngài nhắc tới quyền sống.

Thế nhưng, ở đây người ta đã thấy được một quan niệm chính yếu khác nữa, đó là việc cảm nhận và tôn trọng con người là nền tảng của đạo đức học Kitô giáo.

Không phải là ngẫu nhiên mà trong các buổi giáo lý Thứ Tư hằng tuần, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói ngay tới đời sống hôn nhân cũng như gia đình và nói đến những điều đẹp đẽ. Con người không thể nào đạt được an lành nếu thiếu vắng quan niệm về đạo đức. Đó là đường hướng lên đến tuyệt đỉnh của mình nơi thông điệp Rạng Ngời Chân Lý “Veritatis Splendor”.

Vấn     ĐHY thấy được di sản nào của Công Đồng Chung Vaticanô II nơi bức thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” này?

Đáp     Trước hết là một số những chủ đề lớn: Đó là những gì được vị Giáo Hoàng này gọi là việc tự ý thức của Giáo Hội, ý thức về mầu nhiệm của mình cũng như về nỗi yếu đuối của con người là phần thể của mình.

Không phải là tình cờ mà những suy tư của Ngài đã phát xuất từ văn kiện chính yếu của công đồng là Ánh Sáng Muôn Dân “Lumen Gentium”, một hiến chế tín lý về Giáo Hội. Thế rồi thực sự còn phản ảnh cả tính cách chính yếu về chiều kích ngôi vị và con người của hiến chế “Gaudium et Spes” nữa.

Đối với Giáo Hội, Ngài đã nói rất rõ về đoàn tính cũng như về vai trò của các hội đồng giám mục. Thế nhưng Ngài cũng tiếp nối Công Đồng về chủ đề truyền giáo khi nói đến vấn đề quan trọng là việc rao giảng bao giờ cũng phải được bắt đầu bằng việc tôn trọng con người không phải Kitô giáo. Đó là một nhận định thật là đẹp.

Vấn     ĐHY có thấy những việc làm nào của giáo triều này đã không được viễn ảnh thấy nơi văn kiện hoạch định này?

Đáp     Dĩ nhiên vị Giáo Hoàng này đã không thể nào thấy trước được những việc làm bất ngờ của Thần Linh; những vấn đề từ từ xuất hiện. Tuy nhiên, Ngài là một con người liên lỉ lắng nghe Thánh Linh.

Việc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh đã không được thấy trước…. Ngay cả cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chẳng hạn là một ý tưởng sau này mới có qua suy tư của thượng hội giám mục.

Trong văn kiện 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói xa xa tới cuộc khủng hoảng hậu công đồng. Ngài ca ngợi đường lối đã được Đức Phaolô VI đề cập tới. Thế nhưng vẫn không thể nào biết rằng cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu và Ngài cũng phải nhúng tay can thiệp ở một số lãnh vực để nhắc nhở sự thật. Và Ngài quả thực đã làm như thế.

Chắc chắn Ngài đã có một cái nhìn tin tưởng. Nơi lời nguyện kết thúc văn kiện ấy, Ngài đã gọi Mẹ Maria là Mẹ của Niềm Hy Vọng. Đó là một tước hiệu rất thân thương đối với con người của Ngài. Lời đầu tiên của Ngài với tư cách là Giáo Hoàng đó là: “Đừng sợ”. Và thông điệp “Redemptor Hominis” đưa chúng ta tới một bầu khí lạc quan. Nó chất chứa đầy những phấn khởi.

Vấn     Nếu ĐHY cần phải đề nghị một điều gì đó về việc tái nhận thức thông điệp “Redemptor Hominis” thì ĐHY sẽ nói đến điều nào?

Đáp     Đó là việc khẳng định rằng chỉ ở nơi Chúa Kitô con người mới hoàn toàn nhận thức được bản thân mình.

Đó là một sự thật rất quan trọng ngày nay, khi chúng ta đang phải đối diện với những vấn đề mới về vấn đề đạo đức sinh học, những vấn đề liên quan tới việc bắt đầu và chấm dứt sự sống. Dĩ nhiên, một mình trí khôn cũng có thể nói cho chúng ta biết chúng ta cần phải có một thái độ tôn trọng.

Thế nhưng, như vị Giáo Hoàng này vẫn thường nhắc nhở chúng ta, việc nhận thức được rằng nơi mầu nhiệm nhập thể, Chúa Kitô đã liên kết bản thân Người với hết mọi người, cho dù là kẻ hèn mọn nhất, vẫn là một mãnh lực đặc biệt đối với chiều hướng nhìn đời này.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 7/3/2004
 

Iraq Nội Chiến: Khủng Bố Tấn Công Nhau Kinh Hoàng

Sau khi những lời Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay 2004 và nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC GPII đã nói thêm là “Trong Tuần Phòng ở Vatican (một tuần phòng cho ĐTC và tất cả giáo triều Rôma hằng năm vào Mùa Chay, từ chiều Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng tới Thứ Bảy cuối tuần), Tôi đã không quên những tình trạng đau thương ở một số quốc gia Phi Châu, Trung Đông và nhất là ở Thánh Địa và Iraq”.

Riêng tại Iraq, tình hình nội chiến càng ngày càng căng thẳng hơn bao giờ hết trong thời gian nước này đang soạn thảo một bản hiến pháp để làm cơ cấu văn tự cho việc bầu cử dân chủ sau này. Vì tranh giành hay tranh chấp quyền lợi giữa các nhóm khác nhau trong nước hay do tàn quân của nhà lãnh tụ chế độ cũ Saddam, tình hình nội chiến đã diễn ra liên tục, càng ngày càng khốc liệt. Chẳng hạn như vụ xẩy ra hôm Thứ Ba 2/3/2004, vào ngay chính ngày lễ của nhóm Hồi Giáo Shittes đông nhất nước và đang nổi nhất trong các phái nhóm, làm thiệt mạng cho 271 người và thương tích cho 393 người.

Thật vậy, vào mùa lễ trọng nhất của phái Hồi Giáo Shittes là lễ Ashura, ngày thứ 10 của Tháng Muharram, lễ tưởng nhớ cái chết vào năm 680 của Giáo Trưởng Hussein, một vị đại thánh của phái Hồi Giáo này và là chắt của tiên tri giáo tổ Mohammed. Cuộc khủng bố tấn công phái Hồi Giáo Shittes này trùng hợp với cái chết của vị đại thánh này cách đây 1300, vị đã bị giết chết trong một cuộc nổi dậy chống lại nhà cầm quyền tàn ác thuộc phái Hồi Giáo Sunni, phái Hồi Giáo của nhà cựu lãnh đạo Saddam. Phái Hồi Giáo Shittes đã bị cấm cách dưới chế độ của nhà lãnh tụ Saddam Hussein không được cử hành những ngày lễ như thế này, bởi đó, năm nay, đây là lần đầu tiên trong vòng 30 năm, phái Hồi Giáo này mới cử hành một ngày Đại Lễ đông đảo đến hơn cả triệu người như thế, những người đồng giáo phái đến cả từ hải ngoại như Iran, Pakistan và các nơi khác trên thế giới tụ về Đền Karbala ở Iraq.

Để đề phòng bất trắc xẩy ra, giáo phái Hồi Giáo này đã phải thực hiện việc kiểm soát an ninh rất chặt chẽ, với các trạm kiểm soát vào thành phố tổ chức và các chiến đấu quân của giáo phái này canh gác ở các đường phố và đền đài. Thế mà cuộc khủng bố tấn công ở Baghdad và Karbala vẫn có thể xẩy ra vào lúc 10 giờ sáng địa phương, một cuộc khủng bố tấn công chưa từng thấy từ ngày chấm dứt cuộc chiến tấn công Iraq của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu. Cảnh sát cho rằng có 5 tên ôm bom tự sát khủng bố đã lọt vào được qua hệ thông kiểm soát an ninh chặt chẽ này vào cuối cuộc lễ và đã gây ra chín cuộc nổ khác nhau trong một vùng rộng khoảng 2 dặm tính từ trung tâm thành phố bị nạn. Năm ngoái, vào Tháng 8, một chiếc xe hơi khủng bố cũng tấn công tín đồ của giáo phái này ở đền Najaf. Hình ảnh của vụ khủng bố tấn công khiếp đảm hôm Thứ Ba 2/3/2004 lần này cho thấy có những thây người bị phân mảnh hay cháy đen thui không còn nhận ra hình tượng nữa.

Tuy nhiên, sau khi xẩy ra cuộc khủng bố bất ngờ tấn công này, nhiều tín đồ thuộc giáo phái Shittes này vẫn không chịu giải tán, nhất quyết hoàn tất những cuộc cử hành của ngày đại lễ, bất chấp lực lượng an ninh muốn giải tán vùng mất an ninh này. Họ trở lại đền Giáo Trưởng Hussein ca hát, đấm ngực thống hối, lấy gươm hay dao găm cắt xẻ mình và đánh mình theo những cử động đồng loạt hóa.

Hôm sau, Thứ Tư 3/3/2004, những người thuộc phái Hồi Giáo Shittes và Sunni đã tham dự một cuộc biểu tình ở thủ đô Baghdad để chứng tỏ mối hiệp nhất đồng đạo cũng như để lên án hành động khủng bố tấn công tàn ác hôm trước. Ngoài ra, cuộc xuống đường này cũng lên án cả việc giữ an ninh của lực lượng Hoa Kỳ.

Chính Vị Đại Tôn đệ nhất của giáo phái Shittes là Ayatollah Ali al-Sistani đã phổ biến một văn thư sau cuộc khủng bố tấn công mấy tiếng đồng hồ, cho rằng Hoa Kỳ đã không kiểm soát nỗi các vùng biên giới để cho các tay khủng bố lọt vào làm loạn Iraq. Trong khi đó, Hoa Kỳ và thẩm quyền Iraq đổ cho Abu Musab al-Zarqawi, một tay chiến đấu quân người Jordan, nhân vật đã tung ra một bức thư kêu gọi thực hiện những cuộc tấn công giáo phái Shittes để phát động cuộc chiến đấu tấn cống lực lượng liên minh. Lực Lượng liên minh đã treo tiền thưởng 10 triệu Mỹ kim để bắt nhân vật nguy hiểm này.

Sau khi xẩy ra những cuộc khủng bố tấn công này, Hội Đồng Quản Trị Iraq do Hoa Kỳ lập nên để soạn thảo bản hiến pháp cho việc bầu cử hầu thành lập một Iraq dân chủ, đã công bố tổ chức 3 ngày than khóc kể từ Thứ Tư, 3/3. Hội đồng này cũng đã hoãn lại việc chính thức ký nhận bản hiến pháp lâm thời (đã được công nhận hôm Thứ Hai 1/3), trong giai đoạn thương khóc 3 ngày này.

Đức Thượng Phụ Emmanuel III Delly ở Babylon thuộc Lễ Nghi Chaldean đã nói với Cơ Quan Tín Liệu Việc Truyền Giáo về vụ khủng bố tấn công “phi nhân đạo” này như sau: “Chúng tôi đau lòng và phiền muộn về những gì đã xẩy ra hôm qua cho anh em Hồi Giáo của chúng tôi. Đó là một hành động phi nhân đạo, vì việc tán sát rất nhiều người đang thực thi những nhiệm vụ tôn giáo của mình không thể được coi là một cử chỉ nhân đạo. Với tư cách là những vị đại diện của Giáo Hội Chaldean, cùng với tất cả mọi Kitô hữu, chúng tôi xin cảm thương vì tất cả chúng ta đều làm nên một gia đình Iraq. Những gì xẩy ra cho một người anh em Hồi Giáo cũng là những gì xẩy ra cho bản thân tôi”.