GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 21 THỨ

 

ĐTC với Ủy Ban Thánh Kinh của Tòa Thánh về Mối Tương Quan giữa Thánh Kinh và Luân Lý


Sáng ngày Thứ Ba 20/4/2004, ĐTC GPII đã gặp các tham dự viên đại hội thường niên của Ủy Ban Thánh Kinh của Tòa Thánh, một cơ cấu thuộc Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Cuộc họp thường niên này kéo dài tới hết Thứ Sáu 23/4/2004, về chủ đề “Mối Tương Quan giữa Thánh Kinh và Luân Lý”. Sau đây là những ý tưởng tiêu biểu chính yếu ĐTC muốn nhắn nhủ ủy ban này.


“Đây là đề tài chẳng những liên quan đến thành phần có tín ngưỡng mà còn đến hết mọi người thiện tâm nữa. Thật vậy, qua Thánh Kinh, Thiên Chúa nói và tỏ mình Ngài ra, cho thấy cái nền tảng vững chắc và hướng chiều cần phải có đối với hành vi cử chỉ của con người”.


ĐTC đã nêu lên “một số tác hành cốt yếu của nền luân lý thánh kinh”, đó là “nhận biết Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta; nhìn nhận sự thiện hảo vô cùng của Ngài; với tất cả tâm hồn chân thành và cảm tạ nhận biết rằng ‘tất cả mọi điều thiện hảo ban tặng cũng như hết mọi tặng ân trọn hảo đều bởi trời, ban xuống từ Vị Cha của ánh sáng’; nhận thức nơi các tặng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta những nhiệm vụ Ngài ủy thác cho chúng ta; tác hành với tất cả ý thức trách nhiệm của chúng ta theo ý hướng của Ngài”.


Ngài còn thêm: “Thánh Kinh cho chúng ta thấy những kho tàng khôn lường của việc mạc khải này về Thiên Chúa cũng như về tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Nhiệm vụ của việc anh em cùng nhau dấn thân ở đây đó là làm sao cho dân Kitô giáo dễ dàng tiến đến với kho tàng này”.


Cuộc họp thường niên của ủy ban này năm nay diễn ra tại Nhà Thánh Matta ở Vatican. Cuộc họp được mở màn với 20 phần tử của ủy ban đóng góp phần của mình vào việc khai triển đề tài. Trong lời khai mạc chào mừng ĐTC, ĐHY chủ tịch Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin kiêm Ủy Ban Thánh Kinh của Tòa Thánh này đã nói rằng: “Mối liên hệ giữa Thánh Kinh và luân lý” là một vấn đề quan trọng. Sau đây là những ý tưởng chính của vị chủ tịch này bày tỏ với ĐTC và các tham dự viên:


“Trong xã hội hiện đại đang phát triển một thứ thao thức hướng về một nền đạo lý phi tín ngưỡng, một thứ luân lý được gọi là bình thường được sản xuất bởi nguyên lý trí con người, hoàn toàn không dính dáng t1i nào tới mạc khải cả.


“Lý trí của con người thực sự có thể biết được và lập thành công thức những qui chuẩn về luân lý vững chắc. Tuy nhiên, nó mong manh cùng hạn hẹp và không thể cho chính mình thấy được nguồn gốc của nó cũng như ý nghĩa tối hậu của nó, vì nó là lý trí của con người tội lỗi.


“Bởi thế mà cần phải có đức tin để hiểu được một cách trọn vẹn những gì được chất chứa về luân lý nơi thân phận của con người”.


Trích khoản Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1950, ĐHY chủ tịch nhận định là lề luật về luân lý có thể được định nghĩa như “khoa sư phạm của Thiên Chúa”.


“Lề luật luân lý là công việc của Đức Khôn Ngoan thần linh. Ý nghĩa theo thánh kinh của nó có thể được định nghĩa như là lời huấn dụ của người cha, là cách giáo dục của Thiên Chúa. Nó bày vẽ cho con người những đường lối, những qui luật tác hành để đạt tới niềm phúc đức hứa hẹn; nó bác bỏ những đường lối xấu xa đẩy họ xa khỏi Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Nó vừa vững mạnh nơi các qui định của nó, song nơi các hứa hẹn của mình lại xứng hợp với yêu thương.


“Kitô hữu không tự mình sống và hiểu đức tin của mình hay đời sống luân lý của mình. Cách thức tiến đến chỗ tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng ban phát ơn cứu độ, diễn tiến qua vai trò trung gian của Thánh Truyền sinh động là Giáo Hội: qua Thánh Truyền này, Kitô hữu nhận lãnh ‘tiếng nói sống động của Phúc Âm’ như là những gì biểu hiện trung thực đức khôn ngoan và ý muốn thần linh.


“(Đó là lý do) trách nhiệm của Giáo Hội ở mọi nơi và trong mọi lúc là phải rao giảng những nguyên tắc luân lý, bao gồm những nguyên tắc liên quan đến lãnh vực xã hội, cũng như Giáo Hội phải phán quyết về tất cả mọi việc làm của nhân thế liên quan đến các thứ quyền lợi nồng cốt của con người hay đến phần rỗi của các linh hồn”.


Ủy Ban Thánh Kinh của Tòa Thánh đã phổ biến hai văn kiện trước đây, thứ nhất là “Việc Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội” (1993) và thứ hai là “Dân Do Thái và Sách Thánh của Họ theo Thánh Kinh Kitô Giáo” (2001).



ĐTC với Ủy Ban Giáo Hoàng Đặc Trách Các Khoa Sử Học nhân dịp mừng thành lập 50 năm


Nhân dịp kỷ niệm mừng ủy ban này được thành lập 50 năm, hôm 16/4/2004, ĐTC đã gửi một sứ điệp cho Đức Ông chủ tịch Walter Brandmuller, bức thư được văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến hôm Thứ Bảy 17/4/2004.


“Việc Thiên Chúa mạc khải xẩy ra trong không gian và thời gian. Đó là lý do tại sao chúng ta tính năm tháng lịch sử của chúng ta bắt đầu từ việc hạ sinh của Chúa Kitô.


“Việc thành lập Giáo Hội là cơ cấu mà Người, sau khi Phục Sinh và Thăng Thiên, đã muốn qua đó truyền đạt hoa trái Cứu Chuộc cho nhân loại, cũng là một biến cố lịch sử. (…) Bởi thế, lịch sử của Giáo Hội là nơi thuận lợi để rút lấy hầu hiểu biết hơn chính sự thật đức tin.


“Tòa Thánh bao giờ cũng khuyến khích các khoa sử học, qua những cơ cấu khoa học của mình, như được chứng thực trong số những điều khác, bằng việc thành lập 50 năm trước đây, theo sáng kiến của Đức Piô XII, Ủy Ban Giáo Hoàng Đặc Trách Các Khoa Sử Học.


“Thật vậy, Giáo Hội hết sức chú trọng đến việc luôn hiểu biết hơn nữa về chính lịch sử của mình. Bởi thế, việc cần thận dạy về các môn giáo sử cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là đối với các ứng sinh học làm linh mục.


“Một kiến thức vững chắc về tiếng Latinh và Hy Lạp chắc chắn là những gì bất khả châm chước bằng không khó có thể tiến đến với các nguồn truyền thống của giáo hội.


“Thậm chí ngay cả hôm nay đây, chỉ nhờ có sự hỗ trợ của các thứ tiếng này mới có thể tái khám phá cái phong phú của cảm nghiệm sự sống và đức tin mà Giáo Hội, theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, đã tích lũy trong thời gian 2000 năm.

 

“Nếu lịch sử là thày dạy sự sống thì Giáo Hội là thày dạy sồng đời Kitô hữu vậy”.



Tòa Thánh quan tâm đến tình hình Iraq trong thời gian chuyển tiếp


ĐHY Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh, qua cuộc phỏng vấn hôm Thứ Ba 20/4/2004 với tờ nhật báo Ý Il Corriere della Sera, đã bày tỏ nhận định của mình về tình hình Iraq như sau:


“Thật là bất khôn khi lìa bỏ hiện trường Iraq như có ý để mặc cho Iraq xẩy ra nội chiến vậy.


“Thật là bất khôn” khi làm áp lực lên Liên Hiệp Quốc, vì “nó không thể nào lãnh trách nhiệm đối tình hình Iraq hiện nay trước ngày 30/6.


“Tôi tin tưởng. Và cuối cùng tôi đã thấy là tất cả đều nói rằng vấn đề giải quyết cần phải được tìm thấy theo chiều hướng đa phương cũng như theo vai trò của Liên Hiệp Quốc. Đó chính là những gì Đức Giáo Hoàng đã nói ngay từ ban đầu nhưng không ai chịu nghe Ngài hết.


“Giờ đây tất cả đều hiểu được cái khôn ngoan của chủ trương này, một phần là vì cái nguy cơ tỏ tường cho thấy rằng Iraq sẽ rơi vào trong một cuộc chiến tranh loạn xạ, một cuộc chiến sẽ kết thúc với một chế độ cực thủ.


Để tránh tình trạng này, ĐHY chủ tịch đề nghị là thực hiện một “nỗ lực chung của quốc tế… Liên Hiệp Quốc cần phải có thời gian. Để viết một bản văn cho việc giải quyết, cần phải nhẫn nại và tiếp tục thương lượng.


“Nếu Liên Hiệp Quốc thực sự sẽ thi hành nhiệm vụ của mình thì chắc chắn nó cần phải cải tiến phương thùc và cơ cấu, nhưng cũng cần phải có trên thế giới một thái độ tin tưởng vào những khả năng của nó và tôn trọng nó”.