GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 22 THỨ NĂM

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Việc Buôn Chuyển Con Người


ĐTGM Silvano Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, ngày 8/4/2004, trong phiên họp thứ 60 của Ủy Ban Nhân Quyền, một phiên họp sẽ chấm dứt vào ngày 23/4/2004, đã nói lên chủ trương của Giáo Hội Công Giáo trong phiên họp này như sau:


Thưa Ngài Chủ Tọa,


1.     Hiện tượng đông đảo và tăng tiến về việc di chuyển của con người lên đến cả hằng triệu triệu con người ngày nay: Hết mọi xứ sở, dù là bản xứ, chuyển xứ hay định xứ, đều trực tiếp bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này. Những đám người đông đảo di chuyển này là những diễn viên của vấn đề toàn cầu hóa cũng như của vấn đề phát triển qua việc đóng góp về văn hóa của họ, qua công ăn việc làm của họ cũng như qua việc họ gửi tiền về quê hương còn nhiều hơn cả những gì được các nước giầu thịnh viện trợ cho việc phát triển xứ sở của họ nữa.


Mặc dù nói chung thấy được tính cách tích cực ở các xã hội tân tiến, thành phần di chuyển cũng trở thành nguyên nhân gây quan ngại về lãnh vực chính trị và xã hội, cũng như gây đau khổ khôn cùng cho chính bản thân họ, khi việc hiện diện của họ nơi một môi trường sống mới là hậu quả của những cuộc ép buộc phải trục xuất cũng như của những cuộc xung đột bạo lực, như xẩy ra trong trường hợp của những người tị nạn và những người di tản trong nước, hay là hậu quả của tình trạng bị lừa đảo và khai thác, như trong trường hợp của những người bị buôn bán và buôn lậu.


Cộng đồng quốc tế đã tạo nên những tổ chức và những hoạt động để nói lên nhu cầu và quyền lợi của những hạng người di chuyển khác nhau. Cộng đồng quốc tế tìm hiểu cách thức và phương tiện để giải quyết một cách hợp lý và hữu dụng hiện tượng liên quan nhiều tới lãnh vực quốc gia và quốc tế này. Ủy Ban Nhân Quyền đã chú trọng tới những nhóm yếu kém hơn, bắt đầu ngay với giới phụ nữ và trẻ em.


Thật vậy, có những hậu nhóm dân chúng trong số những nhóm di chuyển khắp thế giới đây cần phải được đặc biệt và liên tục quan tâm vì quyền lợi con người của họ dễ bị chà đạp hơn. Vai trò Đại Biểu Tòa Thánh của chúng tôi xin tri ân những bản tường trình quí giá của Văn Phòng Tổng Thư Ký cũng như của Văn Phòng Tường Trình Đặc Biệt nói lên cho thấy những tình trạng này và hướng đến chỗ tiếp tục đóng góp vào việc làm giảm bớt khổ trạng của tất cả mọi người di dân yếu kém.


2.     Trong số những vi phạm đến các quyền lợi của thành phần di dân thì việc buôn chuyển con người là việc vi phạm trầm trọng nhất. Việc vi phạm này liên quan tới con số cả hằng triệu người mỗi năm bị buôn chuyển từ nước này sang nước khác. Việc vi phạm ấy được thể hiện qua những cách thức khai thác khác nhau nơi thành phần trẻ em, phụ nữ và nam nhân, bắt họ sống như nô lệ trong việc làm lụng, trong việc bị lạm dụng tình dục cũng như trong việc phải ăn mày ăn xin, đi đến chỗ tước lột phẩm giá trời ban của con người và làm tràn lan tình trạng bại hoại cùng với mưu đồ tội ác. Việc buôn chuyển con người đã trở thành một thứ kỹ nghệ lên đến nhiều tỉ mỹ kim.


Việc ban bố thành hiệu mới đây của Bản Hiệp Định Ngăn Ngừa, Loại Trừ và Trừng Phạt Việc Buôn Chuyển Con Người, Nhất Là Phụ Nữ và Trẻ Em là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ này. Thế nhưng, cơ cấu địa phương và pháp luật quốc gia cũng có một tấm mức quan trọng như thế trong việc nhổ tận gốc cái thảm nạn ấy. Ngoài ra, thật là thích hợp nếu các nhà lập pháp quốc gia biết chú trọng tới Những Nguyên Tắc và Hướng Dẫn về Nhân Quyền và Việc Buôn Chuyển Con Người được Văn Phòng Cao Ủy Về Nhân Quyền Gợi Ý.


Trong đường lối đa phương cần phải có để chiến đấu với việc buôn chuyển con người này thì việc thu tích và chia sẻ những dữ kiện, bao gồm cả việc cho biết về những đường lối và ngõ ngách được thành phần buôn chuyển con người sử dụng, trở thành một dụng cụ quan trọng giúp vào việc vừa điều tra vừa tố giác. Trong nỗ lực lột trần các tổ chức tội ác thì việc cung cấp tín liệu về các nạn nhân bị buôn chuyển là những gì hết sức quí giá. Thế nhưng, cần phải chắc chắn đối với việc bảo vệ rõ ràng về pháp lý cho các nạn nhân. Tuy nhiên, việc nạn nhân sẵn sàng làm chứng trước tòa án không phải là điều kiện đối với việc bảo vệ khả dĩ.


Cách hay nhất đó là tối thiểu ban cho nạn nhân phép tạm trú chẳng những như là một nỗ lực tỏ ra hợp tác với ngành tư pháp mà còn như là một cửa ngõ hướng về việc hội nhập xã hội ở nước tiếp nhận nạn nhân. Điều này là một trách nhiệm về luân lý nếu việc hồi hương làm cho nạn nhân bị trả đũa. Dù trong trường hợp nào chăng nữa, việc ra tay hỗ trợ và bảo vệ ở cả quốc gia nạn nhân tới cũng như ở quốc gia nạn nhân bỏ đi, cũng như trong tiến trình hồi hương và tái hội nhập, là một trách nhiệm nói chung cần phải được công nhận.


3.     Nếu hầu hết những người bị buôn chuyển là thành phần di dân, thành phần bị đẩy vào tình trạng làm tôi mọi bởi các thủ thuật khác nhau, thì cũng có những người di dân yếu kém khác đã tự động bắt đầu cuộc hành trình của họ, và theo cơ duyên đã cảm thấy mình bị rơi vào một hoàn cảnh bất bình thường ở xã hội tiếp nhận họ.


Trong một thế giới mờ mịt về tình trạng bất bình thường của mình, thành phần di dân này lo sợ và không thể tranh đấu cho các thứ quyền lợi của mình khi gặp nguy cơ bị đối xử bất công và bị kết nạp vào hoạt động bất hợp pháp. Những qui chế về vấn đề di dân thực tế phản ảnh nhu cầu lao động và dân số nơi các xã hội tiếp cư cần phải thuận lợi cho riêng những xã hội ấy cũng như cho lợi ích của thành phần di dân, bằng việc mở rộng đủ những ngõ lối bình thường cho vấn đề di dân để ít là ngăn ngừa được những thảm trạng tệ hại nhất, là những gì làm mất mát đi đời sống của thành phần di dân trẻ trung muốn băng rừng vượt biển để tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn.


Việc áp dụng luật lao động cũng có thể gặp khó khăn trong việc bảo vệ thành phần di dân ở trong tình trạng bất thường và làm mất hứng cho loại di chuyển này. Hiện nay Bản Công Ước Quốc Tế về Việc Bảo Vệ Quyền Lợi của Thành Phần Lao Động Di Dân cùng Các Phần Tử Gia Đình của Họ đã có hiệu lực và Ủy Ban thanh tra của Bản Công Ước này cũng đã được thiết lập, thì tất cả mọi người di dân đều có một dụng cụ quan trọng trong tầm tay của họ.


4.     Tận nguồn gốc của động lực di dân chúng ta thường thấy được tình trạng cực bần cùng và lời thiết tha kêu gọi cho có những cơ hội làm việc cũng như có một đời sống tự do và nhân bản hơn ở trong những xứ sở họ tới như được giới truyền thông đại chúng toàn cầu mạnh mẽ dự phóng.


5.     Tóm lại, thưa Ngài Chủ Tọa, cần phải có một đường lối đa diện về lâu về dài để làm cho việc di chuyển của con người thành một động lực tiến bộ ngay cho cả những thành phần yếu kém nhất: ở chỗ thế giới hợp tác trong vấn đề ngăn ngừa và cáo giác tình trạng buôn chuyển con người và tái phục hồi thành phần nạn nhân; có những qui chế về di dân ít hạn chế mà lại thực tế hơn; cùng nhau cổ võ nền kinh tế khả thủ và việc phát triển về xã hội ở các nước nghèo; thực hiện liên tục việc hình thành một nền văn hóa của nhân quyền và tôn trọng phẩm vị con người.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 20/4/2004


 

Caritas Công Giáo Vẫn Ở Lại Cứu Trợ Iraq

 

Vào 7 giờ sáng ngày Thứ Tư 21/4/2004, có khoảng 100 người bị thương và 68 người (trong đó có 18 em học sinh) bị sát hại bởi 5 cuộc khủng bố nổ bom tự sát ở gần các cơ quan cảnh sát trong và quanh thành phố Basra thuộc miền nam Iraq.

Vị ngoại trưởng Hiệp Vương Quốc Jack Straw qui trách cho “đám loạn quân là thành phần đang cố gắng gây lũng đoạn ngày (30/6) trao nhượng chủ quyền cho nhân dân Iraq”.

Còn vị quản trị dân sự thuộc lực lượng liên minh là Paul Bremer cho rằng những cuộc tấn công cho thấy “những tay khủng bố đang muốn sát hại nhiều người bao nhiêu có thể, bất kể là ai, và dường như họ muốn sát hại cả một số các em học sinh hôm nay chung với các nhân viên cảnh sát”.
 

Bộ Nội Vụ Saudi cho biết vào khoảng 2 giờ chiều địa phương ngày Thứ Tư 21/4/2004, có ít là 10 người bị chết và 130 bị thương trong một cuộc khủng bố nổ bom tự sát ở bên ngoài Dinh Tổng An Ninh Saudi tại thủ đô Riyadh. Câu truyện xẩy ra là tên nổ bom đã cố gắng lái chiếc xe đầy chất nổ của hắn đâm vào dinh Bộ Lưu Thông. Hắn bị chặn lại bởi các nhân viên chức trách cách dinh thự này khoảng 30 mét, và hắn đã cho nổ tại đó. Vào lúc bị khủng bố tấn công như vậy, dinh thự 5 lầu này đầy những nhân viên đang làm việc. Tuy nhiên, chính phủ không cho biết con số tử vong và thương tích.


Vào lúc mà các tổ chức phi quốc gia đang rời bỏ Iraq vì họ sợ bị bắt cóc làm con tin như một số nhân viên các nước khác nhau trên thế giới đã bị trong Tháng Tư này, thì tổ chức Bác Ái Công Giáo Caritas lại đang tăng phát hoạt động phục vụ nhân dân Iraq.


Tổ chức Bác Ái Công Giáo này có một lực lượng hoạt động là 300 tình nguyện viên phân phát thực phẩm, nước uống và thuốc men, nhất là cho các bà mẹ và trẻ em. Tổ chức đây có 14 trung tâm trên khắp Iraq, 4 ở thủ đô Baghdad, 1 ở Barsa và 1 ở Nasiriyah. Trong sá những dự án chính yếu có Chương Trình Thơ Nhi Web chăm sóc nhu cầu cho 15 ngàn trẻ em và mẹ của các em. Các trung tâm Caritas còn hoạt động như những kho chứa thuốc, có lúc cung cấp thuốc men cho các nhà thương công và Hội Hồng Thập Tự cũng như các y viện ban ngày Red Crescent.


Tờ nhật báo Avvenire tường trình là các vị giám mục Công Giáo ở Iraq, với sự giúp đỡ của vị khâm sứ tòa thánh, đang xây cất một bệnh viện ở Basra cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quốc gia thuộc tổ chức Caritas quốc tế, nhất là Caritas Ý Quốc.



Hai ĐHY Đại Diện đến tham dự mừng bách chu niên Hội Đường Do Thái ở Rôma


Ngày 23/5/2004 là dịp mừng kỷ niệm 100 năm Hội Đường Do Thái ở Rôma. Vị Tôn Sư Trưởng ở đây là Riccardo Di Degni đã mời ĐTC viếng thăm hội đường này lần nữa vào dịp mừng kỷ niệm này. Vì lần nhất Ngài đã đến với hội đường này vào tháng tư năm 1986.


Tuy không đến được, ĐTC đã chỉ định hai vị hồng y thay Ngài đến tham dự là ĐHY
Camillo Ruini, đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý và là đại diện Giáo Hoàng cai quản Giáo Phận Rôma, và ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Ủy Ban Liên Hệ Tôn Giáo với Người Do Thái. Văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã loan báo tin này vào chiều ngày Thứ Ba 20/4/2004.


Vị Tôn Sư Trưởng Di Segni tỏ ra bất mãn vì ĐTC không thể thực hiện cuộc viếng thăm lần này, nhưng ông vẫn nói rằng: Các vị hồng y Ruini và Kasper cũng sẽ được tiếp đón với tất cả trân trọng”.