GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 23 THỨ SÁU


Hiệp Thông Với Thiên Chúa là Nguồn An Vui


(ÐTC GPII chia sẻ Bài Giáo Lý Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh 103, Thứ Tư 21/4/2004, Thánh Vịnh 26[27]:1-6 cho Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Nhất)



1.     Việc chúng ta suy niệm về phụng vụ giờ kinh tối hôm nay được tiếp tục với bài Thánh Vịnh 26[27], một bài Thánh Vịnh được phụng vụ chia làm hai đoạn khác nhau. Giờ đây chúng ta sẽ suy niệm về phần thứ nhất của bức tranh xếp thi ca và thiêng liêng này (x các câu 1-6), một bức tranh có phông cảnh là đền thờ Zion, nơi tôn thờ của dân Do Thái. Thật vậy, vị tác giả Thánh Vịnh hiển nhiên nói về “nhà Chúa”, về “đền thờ” (câu 4), về “nơi cư trú, cư ngụ, ngôi nhà” (xem câu 5-6). Thật vậy, theo nguyên ngữ Do Thái thì những chữ này còn cho thấy ý nghĩa chính xác hơn về “nhà tạm” và “lều tạm”, tức là vế chính trung tâm của đền thờ, nơi Chúa tỏ mình ra bằng sự hiện diện của Ngài và bằng lời của Ngài. Hình ảnh “viên đá” Giêrusalem cũng được gợi lên (câu 5), nơi an toàn và nương náu, ám chỉ việc cử hành hiến tế tạ ơn (câu 6).


Nếu phụng vụ là bầu khí linh thiêng tràn ngập bài Thánh Vịnh này thì đề tài nguyện cầu đó là lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, cả vào ngày hân hoan vui mừng lẫn ngày sợ hãi lo âu.


2.     Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh chúng ta đang suy niệm giờ đây được đánh dấu bằng cảnh thật là yên hàn, nhờ lòng tin tưởng vào Thiên Chúa trong ngày tăm tối bị kẻ gian ác tấn công. Những hình ảnh được sử dụng để diễn tả những kẻ đối phương này, thành phần là dấu hiệu của sự dữ làm dơ bẩn lịch sử, có hai loại. Loại thứ nhất như là hình ảnh của một cuộc săn lùng gay go: Kẻ gian ác giống như những con hoang thú xông tới chộp bắt con mồi của chúng và xâu xé thịt xương của con mồi, nhưng chúng đã bị vấp ngã (x câu 2). Loại thứ hai là biểu hiệu quân đội cho một cuộc tấn công của cả một đạo binh: Nó là một trận chiến bùng nổ tưng bừng, gieo rắc khủng bố và chết chóc (x câu 3).


Đời sống của người tín hữu thường bị căng thẳng và gay go, có những lúc bị loại trừ và thậm chí bị bách hại. Hành động của người công chính là những gì gai góc, vì nó làm vang dội như một lời cảnh giác cho thành phần ngạo mạn và ngang ngược. Sách Khôn Ngoan đã cho thấy những gì được thành phần gian ác công nhận, đó là kẻ công chính “kiểm soát ý nghĩ của chúng ta; chỉ cần nhìn họ cũng là một nhức nhối cho chúng ta rồi, vì đời sống của họ không như những người khác, và đường lối của họ khác thường” (Wis 2:14-15).


3.     Kẻ tín trung biết rằng việc bền tâm vững chí là những gì khiến họ bị cô lập, thậm chí khơi lên lòng khinh thị và thù hằn trong một xã hội thường chạy theo tư lợi, thành đạt về bề ngoài, giầu sang, thỏa mãn buông thả. Tuy nhiên, họ không đơn thân và lòng họ vẫn cảm thấy một thứ bình an lạ lùng trong nội tâm, vì, như “bài đáp ca” mở đầu của bài Thánh Vịnh này nói “Chúa là ánh sáng và là ơn cứu độ của tôi, […] là nơi nương náu” của người công chính (Ps 26[27]:1). Họ lập lại một cách liên tục là: “Tôi còn sợ ai?... Vì ai tôi cảm thấy hãi sợ?... Lòng tôi không sợ hãi… thậm chí ngay cả bấy giờ tôi vẫn tin tưởng” (các câu 1,3).


Họ dường như nghe thấy tiếng của Thánh Phaolô, vị đã công bố rằng: “Nếu Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta thì ai có thể chống lại chúng ta?” (Rm 8:31). Thế nhưng, nỗi tĩnh lặng nội tâm, sức mạnh về tinh thần và sự an bình là một tặng ân chiếm được nhờ ở việc tìm nương náu trong đền thờ, tức là, nhờ ở việc thực hiện việc nguyền cầu chung riêng.


4.     Thật vậy, con người nguyện cầu ký thác bản thân mình cho cánh tay cuảa Thiên Chúa và niềm mơ ước của họ cũng được bày tỏ ở bài Thánh Vịnh khác (x 22[23]:6): “Tôi sẽ cư ngụ trong nhà Chúa trong những tháng ngày tới đây”. Ở đó họ mới có thể “thấy được vẻ đẹp của Chúa” (Ps 26[27]:4}, chiêm ngưỡng và ca ngợi mầu nhiệm thần linh, tham dự vào phụng vụ hiến tế và dâng lời chúc tụng vị Thiên Chúa giải phóng (x câu 6). Chúa tạo nên quanh con người trung tín một chân trời an bình loại trừ tiếng động của sự dữ. Việc hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn mạch của nỗi yên hàn, của niềm hân hoan, của sự tĩnh lặng; nó như đang tiến vào một vùng đầy ánh sáng và yêu thương.


5.     Giờ đây, để kết thúc bài suy niệm của chúng ta, chúng ta hãy lắng nghe những lời lẽ của đan sĩ Isaiah, gốc người Syria, vị đã sống ở trong sa mạc Ai Cập và qua đời ở Gaza vào khoảng năm 491. Trong cuốn “Asceticon” của mình, ngài đã áp dụng bài Thánh Vịnh này vào lời nguyện cầu trong cơn bị cám dỗ: “Nếu chúng tôi thấy kẻ thù vây bủa chúng tôi một cách xảo quyệt, nghĩa là một cách ươn hèn, làm cho linh hồn chúng tôi trở thành yếu nhược trước những gì thỏa mãn, làm cho nó không cầm hãm nổi cơn giận dữ trước tha nhân khi thấy họ tác hành nghịch phạm đến nhiệm vụ của họ, làm cho đôi mắt của chúng tôi đầy những đam mê nhục dục, dụ dỗ chúng tôi tìm thỏa mãn trong việc ăn uống no say, biến lời nói của tha nhân chúng tôi thành độc dược tác hại chúng tôi, khiến chúng tôi không còn tin tưởng vào lời lẽ của nhau, dẫn chúng tôi đến chỗ tạo nên những khác biệt giữa anh em chúng tôi mà rằng: ‘Người này là người tốt, người kia là kẻ xấu’ – nếu khi nào chúng tôi vị vây bủa bởi tất cả những thứ ấy thì xin đừng để chúng tôi bị thất đảm, trái lại, xin hãy khiến chúng tôi kêu lên như vua Đavít bằng cả tấm lòng tin tưởng rằng: ‘Lạy Chúa là Đấng bảo vệ sự sống của tôi!’” ("Recueil ascétique," Bellefontaine, 1976, p. 211).


Anh chị em thân mến,


Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh 26 nói về “nhà Chúa”, một nơi nương náu, tạ ơn và vui mừng. Bị tấn công tứ bề bởi những điều xấu xa, các tín hữu vẫn không cảm thấy sợ hải, vì niềm tin tưởng và hy vọng vững chắc của họ nơi Chúa là Đấng họ nhận được sức mạnh và bình an nội tâm.


Thật vậy, việc hiệp thông này với Thiên Chúa có thể được ví như một nguồn ánh sáng và yêu thương. Vị đan sĩ Isaia người Syria, qua đời ở Gaza khoảng năm 491, đã thấy bài Thánh Vịnh này như là một lời nguyện cầu chống lại cơn cám dỗ: Khi bị tội lỗi và sự dư õ đe dọa, dân tín nghĩa của Thiên Chúa không thất đảm nhưng kêu cầu lên Đấng Cứu Tinh của họ, bằng niềm tin tưởng mạnh mẽ là: ‘Lạy Chúa là Đấng bảo vệ mạng sống của con!’. Chúa thật sự là Đấng bảo vệ của chúng ta, chính Ngài là Đấng cứu độ chúng ta và mang chúng ta đến nhà của Ngài, để chúng ta được cư ngụ ở đó “hết mọi ngày trong đời sống chúng ta”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 21/4/2004.


ĐTC GPII với Tiểu Ban Giáo Hoàng Về Các Khoa Sử Học nhân dịp mừng 50 năm thành lập (tiếp)


Hôm Thứ Tư, 21/4, thoidiemmaria đã phổ biến nội dung bức thư ĐTC gửi cho ủy ban này theo VIS, sau đây là những gì được Zenit phổ biến hôm Thứ Năm 22/4/2004. Để cho nội dung bức thư rất hay này của ĐTC GPII được đầy đủ hơn, thoidiemmaria tiếp tục phổ biến những gì còn lại như sau:


“Giáo Hội Chúa Kitô có trách nhiệm trước con người, ở một nghĩa nào đó, bao gồm tất cả mọi khía cạnh về cuộc hiện hữu của con người.


Đó là lý do tại sao Giáo Hội “luôn dấn thân để phát triển văn hóa con người, hướng đến việc tìm cầu chân, thiện, mỹ, giúp cho con người nhờ đó có thể đáp ứng hơn nữa trước tư tưởng mới mẻ về Thiên Chúa.


“Không còn gì bất định hơn là những con người hay những phái nhóm không có lịch sử. Vô thức về quá khứ của mình dẫn đến những cuộc khủng hoảng nguy tử và đánh mất đi căn tính của cá nhân cũng như cộng đồng.


“Việc nghiên cứu lịch sử, nếu không theo thành kiến và chỉ gắn liền với tài liệu khoa học thôi (thì) đóng một vai trò bất khả thay thế trong việc phá đổ các chướng ngại vật fiữa các dân tộc.


“Thật vậy, những bức tường kiên cố thường được dựng lên qua các thế kỷ là vì tính cách thiên lệch nơi phương pháp biên soạn lịch sử cũng như vì nỗi phẫn uất lẫn nhau. Hậu quả gây ra đó là những hiểu lầm vẫn còn tồn tại đến nay, những gì gây trở ngại cho hòa bình và tình huynh đệ giữa con người và các quốc gia với nhau.


“Việc thắng vượt những biên giới của việc biên soạn lịch sử quốc gia bằng một cái nhìn bao rộng hơn về môi trường địa dư cũng như văn hóa là những gì giúp ích rất nhiều, vì nó bảo đảm một cái nhìn tương quan giữa các biến cố, đưa đến những phán đoán quân bình hơn”.