GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 24 THỨ BẢY


 

Thiếu Nhi Fatima Lucia: “chấp nhận mọi đau khổ”

Đúng thế, Thiếu Nhi Fatima Lucia đã “chấp nhận mọi đau khổ” hơn hết trong ba em. Vì biến cố Mẹ hiện ra mà em đã phải chịu khổ bởi gia đình, bởi cha xứ và bởi cả ma quỉ nữa. Thiếu Nhi Fatima Lucia về sau đã thuật lại những chịu đựng của mình bấy giờ trong tập Hồi Niệm Thứ Hai như sau:

“Vào lúc bấy giờ cha sở nghe đồn thổi về những chuyện đã xẩy ra. Ngài bảo má con dẫn con đến ngài. Má con cảm thấy nhẹ nhõm cả người, tưởng là cha sở sẽ lãnh trách nhiệm về các biến cố xẩy ra. Má con bảo con rằng:

- Ngày mai, má và con sẽ đi lễ sớm, sau đó vào nhà cha sở. Chớ gì cha sở buộc mày phải nói ra tất cả sự thật với bất cứ giá nào. Ngài sẽ sửa trị mày và sẽ xử với mày như ngài tùy theo ý muốn của ngài. Nếu ngài mà ép được mày thú thật ra là mày đã nói dối, thì tao hài lòng hết sức.

Các chị cũng vào hùa phe với má của con, tạo ra đủ thứ lời lẽ đe dọa, như muốn làm con run sợ về cuộc gặp cho sở. Con báo tin cho Phanxicô và Giaxinta hay chuyện. Cả hai em đã trả lời con rằng:

- Chúng em cũng đến cha sở với chị. Cha sở cũng bảo má chúng em dẫn chúng em đến với ngài, nhưng má chúng em không nói gì với chúng em cả. Chúng ta hãy cứ nhẫn nại, nếu người ta đánh chúng ta, chúng ta sẽ có dịp để được chịu đau khổ vì Chúa và vì các tội nhân.

Hôm sau, con theo má của con đến nhà thờ, trên đường đi má con không hề nói một câu. Phải thú thật là bấy giờ con cảm thấy run sợ không biết chuyện gì sẽ xẩy ra đây. Trong Thánh Lễ, con đã dâng lên Chúa nỗi thống khổ của con. Sau lễ, con qua sân nhà thờ để đến nhà cha sở cùng với má của con. Vừa leo lên mấy bậc thang, má con đã quay lại bảo con rằng:

- Con đừng làm khổ má nữa nghe con! Bây giờ con hãy nói thẳng với cha sở là con đã nói dối đi, để Chúa Nhật tới đây cha có thể tuyên bố ở nhà thờ rằng mọi chuyện xẩy ra chỉ là dối trá mà thôi chứ thật ra không hế có chuyện này. Như vậy là sẽ chấm dứt hết mọi chuyện. Như vậy không tốt hay sao. Cần gì mà mọi người phải ùa tới cầu nguyện trước cây sồi.

Không nói gì thêm, má con gõ cửa nhà cha sở. Bà chị của cha sở ra mở cửa. Bà nói chúng con ngồi đợi một chút. Sau cùng cha sở đến bảo chúng con vào văn phòng của ngài. Ngài mời má con ngồi ghế và bảo con đến gần chỗ bàn ngài làm việc. Khi thấy cha sở hỏi con một cách chẳng những hoàn toàn bình tĩnh mà còn tỏ ra âu yếm nữa, con lấy làm ngỡ ngàng. Tuy nhiên con vẫn tiếp tục chờ đợi xem những gì sẽ xẩy ra. Cha sở hỏi con tỉ mỉ về mọi chuyện. Sau cùng ngài kết luận:

- Theo cha, những chuyện đó không phải là mạc khải bởi trời cao. Khi một việc như vậy xẩy tới, thường Chúa đòi hỏi các linh hồn Chúa chọn phải trình lại việc đã xẩy ra cho cha giải tội hay cho cha sở biết. Đằng này con bé này cứ giữ kín bao nhiêu có thể. Có thể đó là sự lừa bịp của ma quỉ. Rồi chúng ta sẽ thấy. Tương lai sẽ cho chúng ta thấy những gì chúng ta đang nghĩ về tất cả câu chuyện này.

Nghĩ đến điều này làm con cảm thấy thấm thía khổ đau. Chỉ có một mình Chúa biết, vì chỉ có Ngài mới thấu suốt được tận đáy lòng của chúng ta mà thôi. Bấy giờ con bắt đầu có những ngờ vực là không biết có phải những cuộc hiện ra này phát xuất từ ma quỉ hay chăng, thành phần luôn sử dụng cách này để làm hư đi linh hồn của con. Khi con nghe thấy người ta nói rằng ma quỉ bao giờ cũng gây ra xung khắc và lệch lạc, con bắt đầu nghĩ rằng thế thì đúng rồi, vì con chưa hề thấy những điều ấy xẩy ra bao giờ nơi gia đình của con, nơi không còn như trước nữa, niềm vui và an bình đã biến mất. Con cảm thấy buồn thật là buồn! Con cho các đứa em của của con biết về những ngờ vực của con:

Giaxinta nói:

- Không, không phải là ma quỉ đâu! Không thể nào lại như vậy được! Họ nói rằng ma quỉ thì rất ghê rợn và nó ở dưới lòng đất trong hỏa ngục cơ mà. Đằng này Đức Bà của chúng ta thật là đẹp đẽ, và chúng ta đã thấy rằng Bà đi lên trời đấy thê!

Chúa đã dùng những lời ấy để đánh tan phần nào những ngờ vực của con. Thế nhưng, trong tháng ấy, con đã mất đi tất cả phấn khởi để làm việc hy sinh cũng như thực hiện những hành động hãm mình, để rồi đi tới chỗ do dự không biết có nên thú rằng con đã nói dối để chấm dứt tất cả mọi chuyện cho xong hay chăng.

Giaxinta và Phanxicô đã kêu lên:

- Xin chị chớ làm như thế! Chị không thấy rằng giờ đây chị đang tính nói dối hay sao mà nói dối là có tội đó chị?

Trong khi con đang lâm vào tâm trạng này thì con có một giấc mơ cgỉ làm tăng thêm tăm tối cho tâm thần con mà thôi. Con thấy thằng quỉ cười con bị nó đánh lừa, khi nó cố gắng lôi con xuống hỏa ngục. Thấy mình bị nó giữ chặt, con bắt đầu la lên xin Đức Mẹ cứu con to đến nỗi con đã làm cho má con tỉnh giấc. Bà lo lắng lay con dạy và hỏi con làm sao thế. Con không nhớ con con đã nói với bà những gì, thế nhưng con thực sự nhớ rằng con đã sợ hãi quá sức đến không thể nào ngủ được nữa trong đêm hôm ấy. Giấc mơ này làm cho linh hồn con thực sự tràn ngập những hãi sợ và sầu thảm. Con chỉ có thể tìm thấy khuây khỏa bằng cách lẩn mình ở một nơi vắng vẻ để nức nở khóc cho hả hê cõi lòng. Thậm chí những người em họ của con cũng trở thành gánh nặng cho con, nên con cũng bắt đầu lẩn trốn chúng. Thật là tội nghiệp cho chúng! Có những lúc chúng đi tìm con, gọi tên con nhưng không được hồi đáp, nhưng con bao giờ cũng nghe thấy, ẩn mình ngay bên cạnh chúng, ở một góc xó nào đó, nơi chúng không hề nghĩ tới.

Ngày 13 tháng 7 đã gần mà con vẫn còn lưỡng lự không biết mình có nên tới hay chăng. Con nghĩ bụng: ‘Nếu là ma quỉ thì tại sao tôi lại đến để nhìn thấy nó nhỉ? Nếu chúng hỏi con tại sao con không đi, con sẽ nói rắng con sợ có thể đó là ma quỉ đang hiện ra cho chúng mình, nên con không đi. Cứ để cho Giaxinta và Phanxicô làm gì tùy chúng; con không trở lại đồi Cova da Iria nữa’. Con đã quyết định như thế, và con cương quyết làm theo quyết định này.

Vào tối ngày 12/7, dân chúng đã tụ họp lại, mong ngóng thấy được những biến cố xẩy ra của ngày hôm sau. Bởi thế con đã gọi Giaxinta và Phanxicô mà nói với chúng về quyết tâm của con. Chúng đáp:

- Chúng em sẽ đi. Đức Bà nói chúng ta phải đến đó.

Giaxinta tình nguyện làm người thân thưa chuyện với Đức Bà, thế nhưng em cảm thấy buồn về việc con không đi, đến nỗi em đã bật lên tiếng khóc. Con hỏi em tại sao em khóc. Em nói:

- Tại vì chị không chịu đi!

- Đúng, chị không đi đâu. Nghe đây! Nếu Đức Bà hỏi chị đâu, xin các em nói với Người rằng chị không đến vì chị sợ việc này là do ma quỉ làm.

Thế rồi con bỏ các em ở đó mà đi ẩn mình để tránh nói chuyện với tất cả những người đến tìm con hỏi han này nọ. Mẹ của con nghĩ rằng con đang chơi đùa với các trẻ em trong làng, vì bao giờ con cũng ẩn nấp ở đằng sau những bụi gai nơi phần đất của người hàng xóm… Bà đã mắng tôi khi tôi vừa về đến nhà đêm hôm đó:

- Thật là một bà thánh nhỏ khéo che đậy! Suốt thời gian bà không chăn nuôi đàn chiên nữa, bà chỉ có biết chơi thôi, và bà còn phải chơi làm sao để không ai có thể thấy được bà nữa kìa!

Ngày hôm sau, lúc gần đến giờ phải ra đi, đột nhiên con cảm thấy cần phải đi, như bị thúc đẩy bởi một mãnh lực nào đó không thể nào cưỡng lại được. Thế rồi con lên đường và gọi vào nhà chú con xem Giaxinta có còn ở đó hay chăng. Con thấy em vẫn đang còn ở trong phòng của em với cả Phanxicô nữa, đang quì bên giường khóc. Con lên tiếng hỏi:

- Ủa các em không đi à?

- Chúng em không dám đi nếu không có chị! Chị hãy đi nhé!

Con trả lời:

- Được, chị đi.

Mặt chúng sáng lên niềm vui và chúng cùng con lên đường…”

Ngoài vụ cả 3 em, sau lần hiện ra thứ ba, lần Mẹ Maria tiết lộ cho 3 em Bí Mật Fatima, các em đã bị rắc rối với chính quyền địa phương, đến nỗi các em đã không đến nơi hẹn hò với Mẹ vào đúng ngày. Riêng với gia đình của Thiếu Nhi Fatima Lucia lớn nhất mang thân phận “chấp nhận mọi đau khổ” còn bị đay nghiến bởi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima này nữa, như những gì được chính Lucia thuật lại trong cùng Hồi Niệm Thứ Hai của chị sau đây:

“Trong nội bộ của gia đình con còn có một rắc rối mới nữa, với những lời trách móc đổ hết lên đầu của con. Đồi Cova da Iria là một mảnh đất thuộc sở hữu của cha mẹ con. Ở dưới lũng phì nhiêu hơn, chúng con trồng ngô, cỏ, đậu và các thứ rau khác. Trên sườn đồi có những cây dầu và những cây sồi. Giờ đây, từ ngày người ta bắt đầu kéo tới đó, chúng con đã không còn trồng cấy gì được nữa. Mọi sự đã bị chà đạp giầy xéo. Nhiều người cỡi lừa tới để cho thú vật của họ ăn hết những gì còn lại. Mẹ con đã thảm thiết về những gì bà mất mát nên đã nói với con rằng:

- Giờ đây nếu mày muốn ăn gì thì cứ đi xin Đức Bà mà ăn nhé!

Chị của con châm biếm thêm:

- Đúng đấy, mày có thể tìm thấy những gì trồng ở đồi Cova da Iria mà!

Những lời trách móc này làm con nhức nhối cả tâm can, đến nỗi con không dám cầm lấy miếng bánh mà ăn nữa. Để bắt con phải nói ra sự thật theo ý của bà, mẹ của con thường đánh con bằng những cán chổi hay bằng một cái roi ở đống gỗ gần lò sưởi. Thế rồi, đúng là một người mẹ, bà đã gắng phục hồi lại sức khỏe sa sút của con. Bà rất quan tâm tới con khi thấy con quá gầy còm xanh xao, sợ rằng con có thể ngã bệnh. Tội nghiệp cho bà! Thật vậy, bây giờ con đã hiểu được tình trạng thực sự của bà, tôi cảm thấy cảm thương bà biết bao! Bà thực đã nghĩ đúng khi cho rằng con bất xứng với một hồng ân như vậy, nên mới nghĩ là con nói dối.

Nhờ ơn đặc biệt Chúa ban, con không bao giờ có một chút xíu tư tưởng hay cảm giác bất mãn nào về cách bà cử xử với con. Như Thiên Thần đã báo cho con biết rằng Thiên Chúa sẽ gửi đau khổ đến cho con, con luôn thấy bàn tay Thiên Chúa nơi tất cả những điều này. Tình yêu, lòng cảm mến và kính trọng của con đới với bà tiếp tục tăng phát, như thể tôi được bà ưu ái nhất vậy. Giờ đây, tôi càng phải biết ơn bà vì việc bà đã đối xử với tôi như thế, hơn là bà tiếp tục dồn cho tôi những thứ chiều chuộng và âu yếm”.
 

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

 

(tiếp Fatima: Chân Trời Cứu Ðộ từ các Thứ Bảy tuần trước, kể từ Thứ Bảy 14/2/2004)


Mẻ Cá Lạ

Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C
 


Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xẩy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa, đang ở với nhau. Simon-Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông khác nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Nầy các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon-Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay. Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon-Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

Hướng Dẫn

Bài Phúc Âm Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C tuần này thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với 7 môn đệ ở biển hồ Tibêria khi các ông đánh cá cả đêm mà chẳng bắt được gì, song nghe lời Người các ông đã bắt được một mẻ cá lạ.

Bài Phúc Âm này, về nội dung, giống bài Phúc Âm được Thánh Ký Luca cho Chúa Nhật Thứ Năm Thường Niên Năm C thuật lại khi Người bắt đầu tuyển mấy môn đệ đầu tiên, bài Phúc Âm cũng cho thấy các ông đã vất vả thâu đêm mà không bắt được gì cho tới khi nghe lời Người các ông đã bắt được một mẻ cá lạ, một sự kiện cho thấy Người muốn các ông trở thành những tay đánh cá người, những kẻ đi chinh phục thế giới sau này.

Đó là lý do hôm nay chúng ta sẽ sinh hoạt lại trò chơi Phúc Âm Mẻ Cá Lạ.

Sinh Hoạt

1. Trò chơi có thể chơi theo từng ngành.

2. Nếu chơi chung thì mỗi nhóm cử ra một số người bằng nhau về tuổi và giống nhau về cỡ thân thể. Tất cả quây thành vòng tròn. Hai phần ba ngồi xổm, đóng vai cá, còn một phần ba quì gối đóng vai cá người.

3. Bên đối phương cử ra 4 người đóng vai 4 tông đồ đánh cá chuyên nghiệp. Mỗi người cầm một sợi giây dài có vòng tròn ở đầu như lưới tung ra bắt cá. Hay cũng có thể mỗi người cầm ba chiếc khăn quàng hay áo mặc.

4. Khi nghe hiệu lệnh của người quản trò, cả 4 tông đồ nhắm làm sao để tung lưới bắt được cá. Nếu tung giây thì giây quàng được vào cổ ai thì bắt được người đó. Hoặc nếu tung áo hay khăn thì áo hay khăn phải rơi trúng đầu người nào thì họ mới bị bắt.

5. Trong khi đó các con cá thật và con cá người di chuyển chung quanh vòng tròn theo chiều nào cũng được, cố gắng để khỏi bị chụp lưới. Con cá thật hay con cá người nào bị quăng lưới tròng vào cổ hay bị quăng khăn quàng hoặc áo mặc trên đầu thì kể như bị bắt.

6. Trò chơi thay nhau làm tông đồ bắt cá và làm cá giữa các nhóm với nhau. Cuối cùng nhóm nào bắt được nhiều cá nhất, đặc biệt là cá người là đoạt giải “mẻ cá lạ”.
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, biên soạn gợi ý cho giới trẻ sinh hoạt cuối tuần