GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 26 THỨ HAI


Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”


Ngày Thứ Sáu 23/4/2004, tại phòng báo chí của Tòa Thánh, ĐHY Francis Arinze, chủ tịch Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích, cùng với ĐTGM Domenico Sorrentino, Thư Ký của Thánh Bộ này, và ĐTGM Angelo Amoto, SDB, thư ký Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã hợp tác soạn dọn văn kiện, đã ra mắt văn kiện quan trọng và hợp thời ấy.

Trong lời mở đầu, ĐHY chủ tịch đã nói về cả hai phương diện tích cực và tiêu cực diễn tiến về phụng vụ xẩy ra từ Công Đồng Chung Vaticanô II, nhưng theo thời gian đã xẩy ra những lạm dụng “làm phiền muộn cho hết mọi người”. Ngài cho biết rằng “đã có khuynh hướng cho rằng việc chú trọng đến những vấn đề lạm dụng là những gì mất giờ, chúng dầu sao cũng đã xẩy ra và sẽ mãi mãi là như thế… Điều này dẫn chúng ta đến chỗ sai lầm. Những thứ lạm dụng liên quan đến Thánh Thể không phải tất cả đều ở một mức độ như nhau. Một số lạm dụng có nguy cơ làm cho bí tích trở thành vô hiệu. Các lạm dụng khác cho thấy tình trạng thiếu lòng tin tưởng vào Thánh Thể. Có những lạm dụng góp phần vào việc làm cho dân Chúa lẫn lộn không biết đâu mà mò và làm cho việc cử hành Thánh Thể mất đi tính cách linh thánh. Không được coi thường những vấn đề lạm dụng”.

ĐTGM thư ký thánh bộ phượng tự và bí tích nhấn mạnh là “Bản Hướng Dẫn này làm gì hơn là tái xác định những qui tắc hiện hành”. ĐTGM làm sáng tỏ vấn đề là “việc yêu cầu tuân giữ (những qui tắc này) không có nghĩa là cấm đoán việc nghiên cứu sâu xa thêm và cấm đề nghị, như đã từng xẩy ra trong lịch sử của ‘phong trào phụng vụ’ và ngày nay vẫn thường xẩy ra nơi lãnh vực nghiên cứu học hỏi về thần học, phụng vụ và mục vụ. Điều hoàn toàn bị loại trừ đó là việc biến phụng vụ thành một lãnh giới tự do thí nghiệm và tùy nghi thi hành, không do một ý hướng tốt lành nào”.

ĐTGM thánh bộ tín lý đức tin nói đến ý nghĩa tín lý của bản hướng dẫn này: “Các qui tắc phụng vụ là những gì thể hiện rõ ràng tính cách giáo hội học của Thánh Thể. Tính cách duy nhất và bất khả phân ly của Mình Thánh Chúa bao gồm tính cách duy nhất của Thân Mình Mầu Nhiệm của Người là Giáo Hội duy nhất bất khả phân ly. Bản Hướng Dẫn này phải làm dậy lên trong Giáo Hội một thứ hiểu biết lành mạnh cũng như việc nồng hậu đón nhận, việc say mê chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả của đức tin chúng ta đây và việc khuyến khích tác hành cùng với những thái độ sống hợp với Thánh Thể”.

Trong buổi họp báo ra mắt này có một ký giả đặt vấn đề liên quan đến việc cho các chính trị gia phò phá thai hiệp lễ, ĐHY chủ tịch trả lời:

“Nếu người nào không được rước lễ thì không được cho họ chịu lễ. Khách quan mà nói thì câu trả lời là như thế”.
ĐHY giải thích rằng vị linh mục không được cho Rước Lễ trừ trường hợp bất ngờ và “vị ấy không đủ thời gian suy nghĩ”.

Một ký giả khác đã áp dụng việc cho rước lễ này vào trường hợp thực tế của nhân vật ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ hiện nay thuộc đảng dân chủ là ông John Kerry, người tuyên bố mình là Công Giáo nhưng lại phò phá thai, ĐHY cho biết:

“Qui tắc của Giáo Hội đã rõ. Giáo Hội Công Giáo hiện diện ở Hoa Kỳ và có các vị giám mục ở đó. Hãy để các vị ấy áp dụng vấn đề này”.

Văn kiện được ra mắt hôm nay dài 70 trang được biên soạn theo ý của ĐTC GPII. Trong Thông Điệp “Eucharistiia de Ecclesia” được ban hành vào Thứ Năm Tuần Thánh năm ngoái 2003, ĐTC GPII đã loan báo văn kiện này ở đoạn 52.

Vì tầm quan trọng của nội dung của mình, bản văn kiện này đã phải biên soạn cả hơn một chục bản thảo. ĐHY chủ tịch cho biết trong cuộc họp báo ra mắt là công việc sửa soạn cho văn kiện này đã bắt đầu ngay cả trước khi ĐTC chính thức loan báo trong tông thư kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Về Phụng Thánh của Công Đồng Chung Vaticanô II.

Trước khi ban hành bức thông điệp của ĐTC năm ngoái, “chúng tôi đã xin các vị giám mục, hồng y và những vị khác thuộc thánh bộ của chúng tôi là hãy gửi về cho chúng tôi những điều than phiền và mập mờ cần phải được bày tỏ để biết được” những vấn đề cần phải giải quyết. “Thế rồi hai thánh bộ chúng tôi đã thiết lập một ủy ban hỗn hợp vào đầu năm ngoái. Hai vị chủ tịch và thư ký là những người có trách nhiệm kiểm lại công việc làm này”.

Bản thảo đầu tiên được trình bày vào Tháng 5/2003 cho tất cả mọi phần tử của hai thánh bộ, khoảng 70 vị hồng y, TGM và giám mục. Thế rồi bản thảo được bàn luận vào Tháng 6/2003. ĐHY tiết lộ cho biết thêm rằng:

“Sau đó rất nhiều việc phải làm, vì bản thảo đầu tiên bao giờ cũng cần có nhiều thay đổi. Thế rồi chúng tôi bắt đầu thực hiện những cuộc tham vấn và đóng góp. Chúng tôi đã viết khoảng 12 bản thảo từ giữa tháng 5/2003 tới cách đây 2 tháng”.

Vị HY chủ tịch mỉm cười: “Điều này là bình thường” đối với các văn kiện của Tòa Thánh Vatican.

Nội dung của bản văn kiện này gồm có phần mở đầu, phần thân với 8 chương, và phần kết luận, tất cả được chia ra thành 186 đoạn, cùng với bản liệt kê rất dài về 295 nguồn trích dẫn cho toàn bản văn.

 

Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích

BẢN HƯỚNG DẪN

Redemptionis Sacramentum

Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh
Liên Quan Đến Thánh Thể Chí Thánh
 


Nội Dung
Lời mở đầu (1-3)
Chương I: Qui lệ về Phụng Vụ Thánh (14-18)
1. Giám Mục Địa Phận, Vị Thượng Tế của Đàn Chiên (19-25)
2. Hội Đồng Giám Mục (26-28)
3. Các Vị Linh Mục (29-33)
4. Các Vị Phó Tế (34-35)

Chương II: Việc Kitô Hữu Giáo Dân Tham Dự Vào Việc Cử Hành Thánh Thể
1. Việc Tham Dự Chủ Động Và Ý Thức (36-42)
2. Các Thừa Tác Vụ Của Kitô Hữu Giáo Dân Trong Việc Cử Hành Thánh Lễ (43-47)

Chương III: Việc Cử Hành Thánh Lễ Cách Xứng Hợp
1. Vấn Đề Về Thánh Thể Cực Linh (48-50)
2. Kinh Nguyện Thánh Thể (51-56)
3. Những Phần Khác Của Thánh Lễ (57-74)
4. Việc Liên Kết Những Lễ Nghi Khác Nhau Trong Việc Cử Hành Thánh Lễ (75-79)

Chương IV: Việc Hiệp Lễ
1. Những Điều Kiện Để Hiệp Lễ (80-86)
2. Việc Cho Rước Lễ (87-96)
3. Việc Hiệp Lễ Của Các Linh Mục (97-99)
4. Việc Hiệp Lễ Dưới Hai Hình (100-107)

Chương V: Một Số Vấn Đề Khác Liên Quan Đến Thánh Thể
1. Địa Điểm Cử Hành Thánh Lễ (108-109)
2. Những Hoàn Cảnh Khác Liên Quan Đến Thánh Lễ (110-116)
3. Các Đồ Thánh (117-120)
4. Áo Lễ (121-128)

Chương VI: Việc Lưu Giữ Thánh Thể và Việc Tôn Thờ Thánh Thể Ngoài Thánh Lễ
1. Việc Lưu Giữ Thánh Thể (129-133)
2. Một Số Hình Thứ Tôn Thờ Thánh Thể Ngoài Thánh Lễ (134-141)
3. Những Cuộc Rước Kiệu và Những Cuộc Hội Nghị Thánh Thể (142-145)

Chương VII: Những Phận Vụ Đặc Biệt Của Thành Phần Tín Hữu Giáo Dân (146-153)
1. Thừa Tác Viên Đặc Biệt Cho Rước Lễ (154-160)
2. Giảng Trong Thánh Lễ (161)
3. Những Việc Cử Hành Đặc Biệt Được Thực Hiện Khi Thiếu Linh Mục (162-167)
4. Những Người Đã Bỏ Hàng Ngũ Giáo Sĩ (168)

Chương VIII: Những Phương Trị (169-171)
1. Graviora Delicta (172)
2. Những Vấn Đề Trầm Trọng (173)
3. Những Vấn Đề Lạm Dụng Khác (174-175)
4. Vị Giám Mục Giáo Phận (176-180)
5. Tòa Thánh (181-182)
6. Những Phàn Nàn Về Các Sự Lạm Dụng Trong Những Vấn Đề Phụng Vụ (183-184)
 

Kết Luận (185-186)

 

Lời Mở Đầu


1.     Trong Bí Tích Thánh Thể Cực Linh, Mẹ Giáo Hội vững tin nhìn nhận Bí Tích cứu chuộc này (1), hân hoan ôm ấp lấy bí tích ấy, cử hành bí tích ấy và tôn thờ lưu giữ bí tích ấy, khi loan truyền việc Chúa Giêsu Kitô chịu chết và tuyên xưng việc Người Sống Lại cho đến khi Người đến trong vinh quang (2) để, với tư cách là Chúa Tể và Chủ Trị, là Vị Tư Tế vĩnh cửu và là Vua Vũ Trụ, trao vương quốc sự thật và sự sống cho Cha Toàn Năng uy nghi cao cả (3).


2.     Tín lý của Giáo Hội về Thánh Thể Cực Linh, một Thánh Thể chất chứa tất cả kho tàng linh thiêng của Giáo Hội là Chúa Kitô, Con Chiên Vượt Qua của chúng ta (4) – Thánh Thể, nguồn mạch và là tột đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo (5), là nguyên động lực cho chính nguồn gốc của Giáo Hội (6), đã được dẫn giải một cách thận trọng và đầy thẩm quyền qua các thế kỷ nơi các bản văn của các Công Đồng cũng như của các Vị Giáo Hoàng. Thật vậy, gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, đã một lần nữa nêu lên một số yếu tố rất quan trọng về vấn đề này liên quan tới những tình trạng của giáo hội ở thời đại chúng ta đây (7).


Để đặc biệt bảo toàn một cách xứng hợp việc Giáo Hội cử hành Phụng Vụ Thánh là một mầu nhiệm rất cao cả trong thời đại của chúng ta nữa, Vị Giáo Hoàng này đã truyền lệnh cho Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích (8), liên hợp với Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, phải soạn dọn Bản Hướng Dẫn này để giải quyết một số vấn đề liên quan đến qui lệ của Bí Tích Thánh Thể. Những điều trong Bản Hướng Dẫn này, bởi thế, cần phải được đọc theo chiều hướng của bức Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia được đề cập đến trên đây.


Chủ ý chính yếu ở đây không phải là soạn dọn một bản tóm lược về các thứ qui tắc liên quan đến Thánh Thể Cực Linh, mà là để tiếp tục nhắc lại trong Bản Hướng Dẫn này một số yếu tố về các qui tắc phụng vụ đã được dẫn giải hay qui định trước đây song cho đến nay vẫn còn hiệu lực để bảo đảm được việc thấu hiểu hơn nữa các qui tắc về phụng vụ này (9); để thiết lập một số qui tắc giúp thực hiện những qui tắc trước đây đã được giải thích và bổ khuyết; cũng như để phác họa cho các Vị Giám Mục, cũng như Linh Mục, Phó Tế và Kitô hữu giáo dân biết phần vụ của mình trong việc thi hành những qui tắc ấy, theo trách nhiệm của mình và trong tầm tay của mình.


3.     Những qui tắc trong Bản Hướng Dẫn này cần phải được hiểu là những gì liên quan đến các vấn đề về phụng vụ theo Lễ Nghi Rôma, và các vấn đề mutatis mutandis theo các Lễ Nghi khác của Giáo Hội Latinh đã đáng được giáo luật nhìn nhận.


4.     “Việc canh tân phụng vụ được Công Đồng Chung Vaticanô II ban hành thực sự đã góp phần rất nhiều vào việc ý thức, chủ động và hiệu nghiệm tham dự vào Hy Tế Thánh trên Bàn Thờ về phía tín hữu” (10). Thậm chí là như thế “vẫn không thiếu những bóng tối” (11). Về vấn đề này không thể không nói lên những sự lạm dụng, thậm chí những lạm dụng rất trầm trọng, phản lại với bản chất của Phụng Vụ, của các Bí Tích cũng như của truyền thống và thẩm quyền Giáo Hội, những lạm dụng trong thời đại của chúng ta đây vẫn thường gây phiền toái cho những việc cử hành phụng vụ ở các trường hợp khác nhau trong giáo hội. Ở một số nơi diễn biến của những lạm dụng về phụng vụ này đã hầu như trở thành thói lệ, một sự kiện thực sự không thể nào để xẩy ra và cần phải ngưng lại.


5.     Việc tuân giữ những qui tắc được thẩm quyền Giáo Hội ban hành đòi phải có thái độ tuân hợp cả về tư tưởng lẫn ngôn từ, cả về hành động về ngoài lẫn việc chấp thuận của con tim. Việc chỉ thuần túy tuân giữ các qui tắc về bề ngoài hoàn toàn ngược lại với bản chất của Phụng Vụ Thánh là phụng vụ chính Chúa Kitô muốn qui tụ Giáo Hội của Người lại với nhau để cùng với Người Giáo Hội trở thành “một thân thể và một tinh thần” (12). Đó là lý do hành động bề ngoài cần phải được soi động bởi đức tin và đức ái là những gì liên kết chúng ta với Chúa Kitô cũng như với nhau và làm nẩy sinh ra tình yêu thương thành phần nghèo khổ và bị bỏ rơi. Ngoài ra, những ngôn từ và tác động phụng vụ là một biểu hiện trung thực, đã được hình thành qua các thế kỷ, cho thấy việc hiểu biết về Chúa Kitô, và chúng dạy cho chúng ta nghĩ tưởng như chính Người đã nghĩ tưởng (13); bằng việc tâm trí chúng ta tuân hợp với những ngôn từ phụng vụ ấy, chúng ta nâng lòng chúng ta lên với Chúa. Tất cả những gì được đề cập đến trong Bản Hướng Dẫn này đều được nhắm đến liên kết kiến thức riêng của chúng ta với kiến thức của Chúa Kitô, như được thể hiện nơi những ngôn từ và lễ nghi Phụng Vụ.


6.     Có những thứ lạm dụng “làm lu mờ đức tin và tín điều Công Giáo liên quan đến bí tích tuyệt diệu này” (14). Bởi thế, những thứ lạm dụng ấy cũng làm ngăn trở tín hữu “tái cảm nghiệm thấy một cách nào đó của hai môn đệ đi về làng Emmau: ở chỗ ‘mắt của họ mở ra và họ nhận ra Người’” (15). Bởi vì, trước sự hiện diện quyền năng và thần tính của Thiên Chúa (16) cũng như trước ánh rạng ngời đầy lòng thiện hảo của Ngài, những gì được biểu lộ đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể, thì tất cả mọi tín hữu cần phải có và thực hiện khả năng nhận biết sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa, một khả năng họ đã nhận được nhờ Cuộc Khổ Nạn cứu độ của Người Con Duy Nhất (17).


7.     Những lạm dụng thường được bắt nguồn từ một thứ hiểu biết sai lạc về tự do. Thế nhưng, Thiên Chúa đã không ban cho chúng ta nơi Chúa Kitô một thứ tự do hão huyền để chúng ta muốn làm gì thì làm, mà là một thứ tự do chúng ta nhờ đó làm những gì xứng hợp và đúng đắn (18). Điều này đúng chẳng những đối với các chỉ thị do Thiên Chúa trực tiếp ban bố, mà còn với cả các luật lệ do Giáo Hội ban hành nữa, những luật lệ hợp với bản chất của mỗi qui tắc. Vì lý do này mà tất cả mọi người cần phải tuân hợp với những qui định được thẩm quyền hợp pháp của giáo hội phác họa.


8.     Bởi thế, cần phải nhận định với tất cả tiếc xót là “có những khởi xướng chung mang ý hướng tốt lành song đã có những lúc buông lỏng nơi những việc thực hành về Thánh Thể ngược lại với luật phép nói lên đức tin của Giáo Hội”. Tuy nhiên, Thánh Thể “là một tặng ân quá cao cả không thể chấp nhận tính cách mập mờ hay lệch lạc”. Do đó một số điều cần phải được sửa chữa hay được trình bày lại cho rõ ràng hơn để cả về khía cạnh này nữa “Thánh Thể tiếp tục chiếu tỏa tất cả mầu nhiệm của mình” (19).


9.     Sau hết, những thứ lạm dụng thường phát xuất từ sự vô thức, những thứ lạm dụng có khuynh hướng phủ nhận những yếu tố mang một ý nghĩa sâu xa không được thấu hiểu và là những yếu tố có tính cách cổ kính không được công nhận. Vì “những kinh nguyện phụng vụ, những bài đọc cũng như những bài hát tràn đầy hứng khởi và sinh động” từ chính các Sách Thánh, “và chính từ những Sách Thánh này đã phát xuất ra ý nghĩa của các tác động và dấu hiệu bề ngoài” (20). Những dấu hiệu hữu hình là “những gì Phụng Vụ Thánh sử dụng để nói lên những thực tại thần linh vô hình, là những gì được Chúa Kitô hay Giáo Hội chọn dùng” (21). Sau hết, những cấu trúc và hình thức của các việc cử hành thánh theo cả Lễ Nghi Đông lẫn Tây đều hợp với việc thực hành của Giáo Hội hoàn vũ cũng như với những thực hành được phổ cập lãnh nhận theo truyền thống tông truyền liên tục (22), một truyền thống Giáo Hội có nhiệm vụ phải trung thực và trân trọng truyền đạt cho các thế hệ hậu lai. Tất cả những cấu trúc và hình thức của các việc cử hành thánh ấy đều được các qui tắc về phụng vụ khôn ngoan bảo toàn và bảo vệ.


10.     Chính Giáo Hội cũng không có quyền trên những điều được chính Chúa Kitô thiết lập và là những gì cấu tạo nên phần bất khả đổi thay của Phụng Vụ (23). Thật vậy, nếu mối liên hệ này bị đứt đoạn, mối liên hệ các Bí Tích cần phải có với chính Chúa Kitô là Đấng thiết lập những bí tích ấy cũng như với những biến cố thành lập Giáo Hội (24), thì chẳng mang lại lợi ích gì cho tín hữu mà chỉ trầm trọng tác hại họ thôi. Vì Phụng Vụ Thánh liên kết hết sức mật thiết với những nguyên tắc tín lý (25) mà việc sử dụng những bản văn và những nghi thức không được chuẩn nhận cần có sẽ dẫn đến chỗ, một là làm suy giảm hoặc là làm mất đi mối liên hệ cần thiết giữa qui tắc ngôn từ và tin tưởng lex orandi và lex credendi (26).


11.     Mầu Nhiệm Thánh Thể là những gì “quá cao cả khiến ai cũng nghĩ mình được tùy nghi hành sử tùy theo ý thích riêng tư của mình, làm cho tính cách linh thánh của mầu nhiệm này cũng như giá trị phổ quát của mầu nhiệm ấy bị lu mờ đi” (27). Trái lại, ai hành động như vậy, theo những khuynh hướng tự do của mình, cho dù là Linh Mục, cũng làm tổn hại đến sự hiệp nhất chính yếu của Lễ Nghi Rôma là những gì cần phải cương quyết bảo trì (28), và phải chịu trách nhiệm về những hành động không hợp với nỗi đói khát Thiên Chúa hằng sống, những nỗi đói khát con người ngày nay đang cảm thấy. Chẳng có hành động nào như vậy giúp vào việc chăm sóc về mục vụ chân thực hay vào việc canh tân phụng vụ xứng hợp cả; ngược lại, những hành động ấy còn làm cho thành phần tín hữu của Chúa Kitô bị hụt hẫng mất cái gia sản và di sản của họ. Vì những hành động chủ quan độc đoán chẳng mang lại ích lợi gì cho việc canh tân đích thực (29), mà chỉ gây thiệt hại đến quyền lợi của thành phần tín hữu Chúa Kitô đối với việc cử hành phụng vụ là việc biểu hiện đời sống của Giáo Hội hợp với truyền thống và qui luật của Giáo Hội. Sau hết, những hành động ấy gieo những yếu tố lệch lạc và bất hòa vào chính việc cử hành Thánh Thể, một việc cử hành theo cung cách cao quí riêng của mình, và tự bản chất biểu hiệu cho cũng như tuyệt vời mang lại mối hiệp thông sự sống thần linh và mối hiệp nhất Dân Chúa (30). Hậu quả gây ra đó là tình trạng bất định về các vấn đề tín lý, tình trạng bối rối và gương mù về phía Dân Chúa, và tình trạng chống đối mãnh liệt hầu như là một hậu quả thiết yếu, tất cả những hậu quả này đều gây ra đầy những lầm lẫn và xót xa nơi nhiều người tín hữu trong thời đại của chúng ta đây, thời đại mà đời sống Kitô hữu đặc biệt thường gặp khó khăn trước những thứ xâm nhập của “vấn đề tục hóa” nữa (31).


12.     Trái lại, chính vì quyền lợi của tất cả mọi người tín hữu của Chúa Kitô mà Phụng Vụ, nhất là việc cử hành Thánh Lễ, cần phải được thực sự theo như Giáo Hội muốn, theo những qui định được phác họa trong các sách về phụng vụ cũng như trong các luật lệ và qui tắc khác. Cũng thế, dân Công Giáo có quyền đòi hỏi Hy Tế Thánh Lễ phải được cử hành một cách toàn vẹn, theo tín lý nguyên trọn của Huấn Quyền Giáo Hội. Sau hết chính vì quyền lợi của cộng đồng Công Giáo mà việc cử hành Thánh Thể Cực Linh cần phải được thi hành một cách thực sự cho thấy Thánh Thể Cực Linh này là một bí tích của mối hiệp nhất, loại trừ tất cả những nhược điểm và những hành động có thể làm phát sinh chia rẽ và phân mảnh trong Giáo Hội (32).


13.     Tất cả mọi qui tắc và khuyến dụ được phác họa tronmg Bản Hướng Dẫn này đều liên kết, mặc dù bằng những đường lối khác nhau, với sứ vụ của Giáo Hội, một Giáo Hội có nhiệm vụ khôn ngoan chú ý tới việc cử hành xác đáng và xứng đáng một mầu nhiệm cao cả như thế. Chương cuối cùng của Bản Hướng Dẫn này sẽ bàn đến những cấp độ khác nhau liên quan đến mối liên hệ giữa các qui tắc riêng với qui tắc tối hậu của tất cả luật lệ giáo hội, tức là liên quan đến phần rỗi của các linh hồn (33).

 

(còn tiếp)

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh đợc VIS phổ biến

 

 

Một phần tử của Ủy Ban Điều Tra Vụ 911 bị đe dọa nhưng không thoái lui

 

Hôm Thứ Bảy 17/4/2004, một phần tử của ủy ban này là bà Jamie Gorelick cho cho chương trình truyền hình ABC News biết rằng bà đã nhận được một số lời đe dọa trong tuần ấy, sau khi một số người bảo thủ tố cáo bà là công việc trước đây của bà ở Bộ Công Lý có thể đã góp phần vào việc thất bại chống lại vụ khủng bố tấn công 911.

Thật vậy, vào giữa thập niên 1990, bà phục vụ như là vị phó tổng biện lý Liên Bang Hoa Kỳ. Trong thời gian này, bà đã viết một văn kiện phân biệt giữa loại tình báo có thể được sử dụng vào mục đích áp dụng luật pháp và loại tình báo có thể sử dụng vào mục đích phục vụ nền an ninh quốc gia. Việc phân biệt này thoạt tiên là để chống lại vấn đề các cơ quan điều tra của chính quyền có thể đi đến chỗ lạm dụng quyền lợi của người công dân. Thế nhưng, Đạo Luật Patriot đã loại bỏ điều kiện này sau khi xẩy ra vụ tấn công 911. Vấn đề phân biệt này nơi văn kiện của bà đã bị cho là nguyên nhân chính gây ngăn trở trong việc chia sẻ các tín liệu của tình báo liên quan đến vụ 911. Đó là lý do, bà cho biết rằng:

“Tôi có thể khẳng định rằng tôi đã nhận được nhiều lời đe dọa ở văn phòng của tôi cũng như tại nhà của tôi. Tôi đã bị đe dọa nổ bom tại nhà tôi. Tôi đã nhận được nhiều điện thư rất ư là đê tiện. Vấn đề đe dọa cho nổ bom được thông báo qua điện thoại”.

Bà cho biết là những lời đe dọa ấy “ghê gớm”, nhưng bà vẫn “không cảm thấy bị lo ngại đến nỗi phải từ nhiệm vai trò là một phần tử của ủy ban điều tra này”. FBI cho CNN biết rằng họ đang điều tra những lời đe dọa ấy.

Vấn đề liên quan tới văn kiện của bà đã được vị Tổng Biện Lý John Ashcroft tiết lộ khi làm chứng công khai trước ủy ban hôm Thứ Tư 14/4/2004. Bởi thế, vào đầu tuần sau đó vị Chủ Tịch Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện là Jim Sensenbrenner đã yêu cầu bà từ nhiệm. Lý do là vì, theo ông này, qua một lời phát biểu thành văn thì “bà Gorelick đã có sẵn một thứ tương khắc về đường hướng với tư cách là tác giả của văn kiện ấy và là một viên chức của chính quyền ở ngay tâm điểm của biến cố đang được điều tra”.

Tuy nhiên, bà cho biết ý định của bà là: “Đó không phải là căn cớ để từ nhiệm”, vì người phó tổng biện lý của ông Ashcroft đã tu chính bản văn kiện của bà vào tháng 8/2001. Các phần tử thuộc ủy ban điều tra lưỡng đảng với bà đều ủng hộ chủ trương của bà.
 

Khủng bố tấn công ở Saudi

Bộ Nội Vụ Saudi cho biết vào khoảng 2 giờ chiều địa phương ngày Thứ Tư 21/4/2004, có ít là 10 người bị chết và 148 bị thương trong một cuộc khủng bố nổ bom tự sát ở bên ngoài Dinh Tổng An Ninh Saudi tại thủ đô Riyadh. Câu truyện xẩy ra là tên nổ bom đã cố gắng lái chiếc xe đầy chất nổ của hắn đâm vào dinh Bộ Lưu Thông. Hắn bị chặn lại bởi các nhân viên chức trách cách dinh thự này khoảng 30 mét, và hắn đã cho nổ tại đó. Vào lúc bị khủng bố tấn công như vậy, dinh thự 5 lầu này đầy những nhân viên đang làm việc. Tuy nhiên, chính phủ không cho biết con số tử vong và thương tích.

Đây là cuộc tấn công thứ ba ở vương quốc này trong vòng chưa đầy 1 năm. Đúng thế, từ Tháng 5/2003, chính phủ của vương quốc này đã phải chiến đấu với những tay hiếu chiến Hồi giáo khi ba vụ nổ bom xẩy ra tại các khu tư gia của người Tây Phương ở Riyadh, sát hại 23 mạng người.

Rồi sau đó, vào Tháng 11/2003, một chiếc xe vận tải nổ bom xẩy ra trong vùng hầu hết người Ả Rập gần tổng hành dinh ngoại giao ở Riyadh, sát hại 17 mạng người. Vào tháng 3/2004, 7 cảnh sát và 3 tên hiếu chiến đối phương đã tử nạn trong một cuộc đụng độ bắn nhau. Hôm Thứ Ba trước khi xẩy ra vụ mới nhất, lực lượng an ninh cho biết rằng họ đã phá được 5 chiếc xe vận tải chứa bom nổ ở trong và quanh thủ đô Riyadh trong tuần đó.

Sau khi xẩy ra vụ khủng bố tấn công hôm Thứ Tư, vị lãnh sự Saudi ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cho biết giờ đây quốc gia của ông “hoàn toàn chiến đấu” chống lại những tay khủng bố.

Quốc vương Bandar bin Sultan đã cho biết sau khi gặp bà cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Rice ở Tòa Bạch Ốc rằng: “Điều ấy cho thấy rằng nhóm này là một nhóm xấu xa và họ coi mọi người là kẻ thù của họ. Chúng tôi sẽ chiến đấu với họ… Đây là thời điểm của một cuộc tổng chiến đấu với họ. Sẽ không có vấn đề nhượng bộ và chúng tôi sẽ không chịu thua họ đâu”.