GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho việc sửa soạn đầy đủ để giúp những ứng viên chịu chức thánh cũng như cho việc huấn luyện thường xuyên để giúp các vị thừa tác viên chức thánh được thực hiện một cách cận thận kỹ lưỡng”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho tinh thần truyền giáo 'cho muôn dân' trở thành vấn đề ưu tư và là vấn đề liên lỉ dấn thân nơi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của cộng đồng Kitô giáo”.  

___________________________________________

 NGÀY 6 THỨ BA

 

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Phaolô Lê Bảo Tịnh

 

 

"Giới trẻ thân mến, hãy gắn bó với Thập Tự Giá".

 

ĐTC với Thành Phần Giới Trẻ Sửa Soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX

Chiều ngày Thứ Năm 1/4/2004, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, có 20 ngàn giới trẻ ở Rôma và miền Lazio qui tụ lại để sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX được tổ chức vào Chúa Nhật Lễ Lá 4/4/2004 tại Giáo Đô Rôma. Chính ngày 1/4/2004 này cũng là ngày tưởng niệm 20 năm trước đây ĐTC đã trao Cây Thánh Giá của Năm Thánh Cứu Chuộc cho giới trẻ, Cây Thánh Giá từ đó đã được vác đi khắp thế giới.

Cuộc gặp gỡ hôm nay được diễn tiến với những ca sĩ nhạc pop, với những vũ khúc của Rạp Opera ở Rôma, cũng như với những diễn viên lột tả các lời nói của Chân Phước Têrêsa Calcutta. Giới trẻ thuộc các nước đã đặc trách Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại quốc gia của mình cũng đến tham dự, như Tây Ban Nha, Á Căn Đình, Pháp, Balan, Hoa Kỳ, Canada, Phi Luật Tân và Ý.

Trong bài huấn từ của ình, ĐTC GPII đã phấn khích giới trẻ gắn bó với Thánh Giá của Chúa Kitô như sau:

“Giới trẻ thân mến, hãy gắn bó với Thập Tự Giá. Tâm hồn của các bạn mang rất nhiều thương tích, thường gây ra bởi thế giới người lớn!... Tôi kêu gọi các bạn hãy tin rằng chúng tôi hết sức tin tưởng nơi các bạn, Chúa Kitô tin tưởng ở các bạn, và chỉ có nơi một mình Người mới có ơn cứu độ là những gì chúng ta đang tìm kiếm!

Sau khi nhấn mạnh là ngày nay hơn bao giờ hết cần phải “tìm cách tiến đến với giới trẻ để loan báo Phúc Âm cho chúng…”, ĐTC kêu gọi thành phần có mặt đừng sợ “tìm những đường lối mới mẻ trong việc hoàn toàn phó mình cho Chúa cũng như cho việc truyền giáo… Các bạn hãy nghĩ về cách các bạn làm sao có thể vác Cây Thập Tự Giá trên thế giới này!”

ĐTC thôi thúc giới trẻ đừng sợ phải đi vào con đường thập tự giá ấy, và sau khi nhìn nhận rằng giới trẻ yêu chuộng thế gian “và có quyền làm thế vì thế gian được dựng nên cho con người”, nhưng, ở một lúc nào đó trong cuộc đời, “chúng ta cần phải có một quyết định dứt khoát”, ở chỗ, trong khi không “loại bỏ” những tài năng và tặng ân được Thiên Chúa ban cho, “chúng ta cần phải biết làm sao đứng về phía Chúa Kitô để làm chứng cho tình yêu của Người trước mặt tất cả mọi người”.

“Theo Chúa Kitô không có nghĩa là dập tắt đi các tặng ân Người đã ban tặng cho chúng ta; mà là chọn đi vào con đường hoàn toàn hiến thân cho Người!... Đừng sợ tin tưởng nơi Người.

“Môi trường văn hóa và xã hội chúng ta đang sống đây đã thay đổi rất nhiều! Thế nhưng Chúa Kitô vẫn không đổi thay. Người là Đấng Cứu Chuộc nhân trần cả hôm qua, hôm nay và mãi mãi!”

Trong tiếng vỗ tay vang trời, ĐTC nói tiếp: “Vị Giáo Hoàng này ở với các bạn! Các bạn hãy tin tưởng Chúa Giêsu, hãy chiêm ngưỡng dung nhan của Vị Chúa tử giá và phục sinh này! Dung nhan rất nhiều người muốn thấy nhưng rất thường hay bị che khuất bởi lòng ham muốn Phúc Âm không đủ hăng cũng như bởi tội lỗi!

“Từ đó đến thay giới trẻ đã thay đổi, như Tôi cũng đổi thay nữa, thế nhưng tấm lòng của các bạn, cũng như của Tôi, đang khao khát sự thật, niềm vui và vĩnh hằng, bởi đó nó bao giờ cũng trẻ trung. Chiều hôm nay đây, một lần nữa Tôi đặt niềm tin tưởng của Tôi nơi các bạn là niềm hy vọng của Giáo Hội và xã hội! Xin các bạn đừng lo âu sợ hãi!”

 

 

"Chớ gì những ngày ở Đại Học đối với tất cả các bạn trở thành một giai đoạn trưởng thành thật nhiều về tâm linh cũng như về tri thức"

 

ĐTC với Cuộc Giới Trẻ Diễn Đàn Thế Giới Lần 8


Nhân dịp đại diện Giới Trẻ thế giới về Rôma cho Cuộc Diễn Đàn Thế Giới lần 8 của họ, từ Thứ Tư 31/3 đến Chúa Nhật Lễ Lá 4/4, Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19, về đề tài “Giới Trẻ và Đại Học Đường: Việc Làm Chứng Cho Chúa Kitô nơi Thế Giới Đại Học”, ĐTC GPII đã gửi một sứ điệp cho họ đề ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/2004, nguyên văn bằng tiếng Anh, sau đây.


1.     Trước hết, Tôi muốn gửi lời chào thân ái đến tất cả mọi sinh viên cùng nhau đến Rocca di Papa lần này đây để tham dự “Cuộc Diễn Đàn Giới Trẻ Thế Giới” lần thứ 8, về đề tài “Giới Trẻ và Đại Học Đường: Việc Làm Chứng Cho Chúa Kitô nơi Thế Giới Đại Học”. Việc hiện diện của quí bạn là nguồn vui lớn lao cho Tôi, vì nó là tấm gương chiếu sáng bộ mặt hoàn vũ trẻ trung hơn bao giờ hết của Giáo Hội. Bởi các bạn đã đến từ 5 châu, đại diện cho 80 quốc gia và 30 Phong Trào, Hiệp Hội và Cộng Đồng quốc tế.


Tôi cũng xin chào các vị Viện Trưởng, giáo sư và giảng sư tham dự Cuộc Diễn Đàn này, cũng như các vị giám mục, linh mục và giáo dân tham gia vào việc chăm sóc mục vụ ở các đại học đường, những người hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong khi họ suy tư vào những ngày tới đây.


Tôi xin hết lòng cám ơn vị Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Giáo Dân, Đức Ông Stanislaw Rylko cũng như tất cả cộng sự viên của ngài, về việc ở chức biến cố tốt đẹp này. Tôi vẫn còn nhớ nguyên các Cuộc Diễn Đàn ở những năm trước đây được tổ chức trùng vào những dịp cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Năm nay, được mặc lấy một hình thức mới, Cuộc Diễn Đàn này có một mục tiêu rõ ràng hơn trong việc chú trọng đến chiều kích giáo dục, ở việc chọn đề tài bàn về một khía cạnh thực tiễn của đời sống giới trẻ. Đề tài cho cuộc diễn đàn năm nay chắc chắn là một đề tài sôi nổi và đáp ứng nhu cầu thực sự. Tôi lấy làm hài lòng khi thấy rất nhiều bản trẻ, từ những nền văn hóa phong phú và đa diện, qui tụ lại ở Rocca di Papa để cùng nhau suy tư, chia sẻ cảm nghiệm, cũng như để phấn khích lẫn nhau trong việc làm chứng cho Chúa Kitô nơi thế giới đại học.


2.     Vấn đề quan trọng nơi thời đại của chúng ta đây đó là việc tái khám phá ra mối liên hệ thắt kết Giáo Hội với thế giới cao học. Vì Giáo Hội chẳng những đã đóng vai trò quyết liệt trong việc thành lập những đại học đường đầu tiên trên thế giới này, mà còn, qua các thế kỷ, là một cơ sở văn hóa, và ngày nay vốn tiếp tục theo chiều hướng này nơi các Đại Học Đường Công Giáo cũng như nơi các hình thức hiện diện khác nhau ở thế giới bao rộng của cao học. Giáo Hội thấy Đại Học Đường như là một trong những “hãng xưởng mà ở đó ơn gọi tìm cầu kiến thức của con người và mối liên kết cấu tạo giữa nhân loại với chân lý là mục đích của kiến thức, trở thành một thực tại thường nhật” đối với nhiều giáo sư, nhiều chuyên viên nghiên cứu trẻ và các thế hệ sinh viên trẻ (Diễn Từ ngỏ cùng UNESCO, 1980).

Các bạn sinh viên thân mến, nơi Đại Học Đường, các bạn chẳng những là người được phục vụ mà còn là những vai chính của những sinh hoạt diễn ra ở đó nữa. Không phải là ngẫu nhiên các bạn trải qua giai đoạn theo đuổi ngành cao học là một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của các bạn, một giai đoạn các bạn sửa soạn bản thân để lãnh nhận trách nhiệm trong việc thực hiện những lựa chọn quyết liệt chi phối cả cuộc sống tương lai của các bạn. Chính vì lý do đó mà cần phải theo đuổi ngành cao học bằng một tinh thần tìm kiếm, tìm kiếm những câu giải đáp cho những vấn nạn chính yếu về ý nghĩa cuộc đời, về hạnh phúc và tầm vóc hoàn toàn viên trọn bản thân mình, và về vẻ đẹp như ánh quang rạng ngời của chân lý.


May mắn thay, ảnh hưởng của những ý hệ cũng như của các thứ Mơ Tưởng đã dậy men chủ nghĩa cứu tinh vô thần là những gì trong quá khứ đã tác dụng nơi nhiều môi trường Đại Học Đường ngày nay đã xẹp xuống rất nhiều. Thế nhưng, vẫn còn những trường phái tư tưởng mới biến lý trí thành chân trời của vấn đề thuần khoa học thực nghiệm, do đó, thành một thứ kiến thức về kỹ thuật và cơ dụng, đôi khi bao gồm cả một thứ nhãn quan nghi hoặc và buông thả. Những nỗ lực muốn tránh né những vấn đề liên quan tới ý nghĩa sâu xa nhất của việc hiện hữu ấy chẳng những bất lợi mà còn trở thành nguy hiểm nữa.


3.     Nhờ tặng ân đức tin, chúng ta đã gặp Đấng tỏ mình bằng những lời lạ lùng này: “Thày là sự thật” (Jn 14:6). Chúa Giêsu là sự thật của vũ trụ cũng như của lịch sử, là ý nghĩa và là định mệnh của đời sống con người, là nền tảng của tất cả mọi thực tại! Trách nhiệm của các bạn là thành phần đón nhận Sự Thật này như là đón nhận một ơn gọi và là niềm tin tưởng của đời sống các bạn, là bày tỏ cho thấy cái lý lẽ của nó nơi môi trường Đại Học cũng như nơi hoạt động của các bạn ở đó.

 

Bởi thế mà vấn đề ở đây là sự thật về Chúa Kitô đã chi phối sâu xa đến đâu đối với việc học hỏi, nghiên cứu, kiến thức về thực tại và vấn đề giáo dục toàn diện con người của quí bạn? Trường hợp có thể xẩy ra là ngay trong số những bạn tuyên xưng mình là Kitô hữu có một số tác hành ở Đại Học Đường như thể Thiên Chúa chẳng hiện hữu gì. Kitô giáo không phải là một sở thích tôn giáo thuần chủ quan hoàn toàn vô thức và biến thành một lãnh vực riêng tư. Là Kitô hữu, chúng ta phải có trách nhiệm làm chứng cho những gì được Công Đồng Chung Vaticanô II khẳng định trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng: “Vì đức tin chiếu sáng trên mọi sự, tỏ cho thấy ý định của Thiên Chúa về tất cả ơn gọi của con người, và vì thế hướng dẫn trí khôn trong việc giải quyết tất cả những gì hoàn toàn phù hợp với nhân bản” (đoạn 11). Chúng ta cần phải làm sao tỏ cho thấy rằng đức tin và lý trí không phải là những gì bất khả dung hợp, trái lại, “Đức tin và lý trí như đôi cánh nâng tâm linh con người lên chiêm ngắm chân lý” (x Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, dẫn nhập).


4.     Các bạn trẻ thân mến! Các bạn là thành phần môn đệ và chứng nhân của Chúa Kitô ở Đại Học Đường. Chớ gì những ngày ở Đại Học đối với tất cả các bạn trở thành một giai đoạn trưởng thành thật nhiều về tâm linh cũng như về tri thức, những gì dẫn các bạn sống sâu xa hơn với Chúa Kitô. Thế nhưng, nếu đức tin của các bạn chỉ liên kết với những cái vụn vặt của tập tục, với những cảm thức tốt lành hay với một thứ ý hệ về tôn giáo không chuyên chính, thì các bạn chắc chắn không thể nào chống lại được với ảnh hưởng của môi trường các bạn đang sống. Bởi thế các bạn cần phải tìm cách giữ vững căn tính Kitô giáo của mình, và đi sâu vào mối hiệp thông của Giáo Hội. Để được như thế, các bạn phải được nuôi dưỡng bằng việc kiên trì cầu nguyện. Khi nào có thể, các bạn hãy tìm gặp những vị giáo sư hay giảng sư lành mạnh. Đừng sống cô lập trong những hoàn cảnh thường khó khăn, trái lại, hãy chủ động nơi sinh hoạt của các đoàn thể, phong trào và cộng đồng của Giáo Hội hoạt động ở môi trường đại học. Hãy sống gần gũi với các giáo xứ của Đại Học Đường, và hãy xin các vị tuyên úy giúp đỡ các bạn. Các bạn cần phải xây dựng Giáo Hội trong Đại Học Đường của các bạn, như là một cộng đồng hữu hình biết tin tưởng, nguyện cầu, cho thấy lý do về niềm hy vọng của mình, và yêu thích đón nhận hết mọi dấu vết thiện hảo, chân thật và mỹ lệ nơi đời sống Đại Học. Tất cả những điều này được thực hiện ở bất cứ nơi nào sinh viên sống động và hội họp, không phải chỉ ở trong khu đại học mà thôi. Tôi tin rằng các Vị Mục Tử sẽ không thôi để ý đến việc chăm sóc đặc biệt cho thừa tác vụ thuộc môi trường Đại Học Đường, và sẽ chỉ định những vị linh mục thánh thiện và có khả năng thi hành sứ vụ này.


5.     Các tham dự viên Cuộc Diễn Đàn Giới Trẻ Quốc Tế lần thứ tám thân mến, Tôi lấy làm sung sướng khi biết được rằng các bạn sẽ có mặt vào ngày Thứ Năm tới đây tại Quảng Trường Thánh Phêrô, để gặp gỡ giới trẻ ở giáo phận Rôma, và sau đó sẽ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, thời điểm chúng ta cùng nhau cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 19 về đề tài “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Jn 12:21). Ngày này đánh dấu giai đoạn cuối cùng trong cuộc sửa soạn thiêng liêng hướng về cuộc đại hội ở Cologne năm 2005. Nói về Chúa Giêsu cho thành phần chưa ra trường không đủ, chúng ta còn phải “tỏ” Chúa Giêsu ra cho họ nữa, bằng chứng từ sống động của đời sống chúng ta (x Tông Thư Mở Màn Tân Thiên Niên Kỷ, 16). Tôi chúc các bạn là cuộc hội ngộ ở Rôma đây sẽ củng cố lòng yêu mến của các bạn đối với Giáo Hội hoàn vũ cũng như việc các bạn dấn thân phục vụ thế giới Đại Học Đường. Tôi tin tưởng vào mỗi và mọi người trong các bạn trong việc các bạn chuyển trao cho Giáo Hội địa phương của các bạn, cũng như cho các nhóm của giáo hội, cái phong phú của những tặng ân các bạn đang lãnh nhận trong những ngày sinh động ở nơi đây.


Bằng việc nguyện xin Trinh Nữ Maria là Tòa Đức Khôn Ngoan bảo vệ các bạn trong cuộc hành trình của các bạn, Tôi ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt thân ái của Tôi cho các bạn cũng như cho tất cả những ai, sinh viên đồng bạn, viện trưởng, giáo sư, giảng sư, tuyên úy và nhân viên điều hành, những vị cùng với các bạn làm thành một đại “cộng đồng Đại Học”.


Tại Vatican ngày 25/3/2004.
Gioan Phaolô II