GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 10 THỨ HAI

 

Huấn Từ Nguyện Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng về Tháng Hoa Đức Mẹ với Ngày Fatima 13/5

1.     Trong Tháng Năm, Dân Chúa cảm thấy nhu cầu cần phải tăng gia lòng tôn sùng Mẹ Maria là Đấng hiện diện như là một sự nâng đỡ cho Kitô hữu cũng như cho toàn thế giới.

Từ khi còn là một cô thiếu nữ ở Nazarét thưa lời xin vâng, “theo tác động đặc biệt của Thánh Linh, con tim này, một con tim vừa là trinh nữ vừa là mẫu thân, đã luôn trung thành với công việc của Con Mẹ và đã vươn tới tất cả những ai được Chúa Kitô liên kết và tiếp tục liên kết bằng tình yêu khôn lường” (Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, 22). Mà nếu tình thương của Thiên Chúa là những gì bất khả dập tắt thì trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Người cũng là những gì “bất khả dập tắt theo tình mẫu tử” (cùng nguồn vừa dẫn).

2.     Trên cây thập giá, Chúa Giêsu muốn cống hiến tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ Maria một cách nkhả đạt cho tất cả mọi người khi trao Mẹ cho người con là môn đệ yêu dấu của Người (x Jn 19:26). Từ đó, từ thế hệ này đến thế hệ kia của tín hữu đã kêu cầu Mẹ và đã yêu thương trông cậy chạy đến cùng Mẹ. Vị Trinh Nữ này đã bày tỏ tình mẫu tử của mình “một cách hết sức thân cận với con người cũng như với tất cả những gì xẩy ra cho con người” (cùng nguồn thông điệp, 22).

Giá con người ý thức được tặng ân phi thường này! Họ sẽ cảm thấy mình là anh em của nhau dễ dàng hơn nhiều, loại trừ hận thù và bạo lực để mở lòng thứ tha cho những vi phạm phải chịu đựng và hết sức tôn trọng phẩm vị của hết mọi người.

3.     Một ít ngày nữa đây, tức vào ngày 13/5, chúng ta nhớ lại việc hiện ra của Vị Trinh Nữ này ở Fatima và lời Mẹ kêu gọi ăn ăn hối cải. Chúng ta hãy cầu nguyện, anh chị em thân mến, để loài người trong thời đại của chúng ta đây cũng chấp nhận lời mời gọi khẩn trương của Mẹ, Đấng yêu thương trông coi Giáo Hội và Thế Giới.
 

ĐTC với Tân Lãnh Sự Ukraine về Vai Trò Ukraine Làm Chiếc Cầu Nối Giữa Các Dân Tộc Và Các Nền Văn Hóa

Sáng Thứ Sáu 7/5/2004, ĐTC GPII đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Ukraine đến làm việc với Quốc Đô Vatican là ông Grygorii Fokovych Khoruzhyi. ĐTC đã đến thăm quốc gia Chính Thống Giáo này vào chuyến tông du 94 (23-27/6/2001). Vào ngày 5/5/2004, chính quyền Ukraine đã trả lại cho Giáo Hội Công Giáo ở đây dinh thự trước đây là tư dinh của vị giám mục Công Giáo lễ nghi Latinh ở Lviv đã bị tịch biên dưới thời cộng sản. Sau đây là những điểm chính yếu trong diễn từ của ĐTC với vị tân lãnh sự này:

“(Nhân dân Ukraine) cảm thấy mình là một phần tử của Âu Châu vì những truyền thống và văn hóa làm nên đặc tính của họ và họ muốn thiết lập một mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia khác ở châu lục này, trong khi vẫn bảo trì được những tính chất riêng về chính trị và văn hóa.

“Ukraine sẽ phát triển hơn nữa sứ vụ của mình như là một chiếc cầu nối giữa các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau mà vẫn giữ được nguyên vẹn căn tính chuyên biệt của mình. Tích cực hoạt động về những vấn đề thiêng liêng, xã hội, chính trị và kinh tế, nó có thể trở thành một phòng thí nghiệm của việc đối thoại, phát triển và hợp tác nơi tất cả mọi người.

“(Vì Phúc Âm) đã hình thành đời sống, văn hóa và các cơ cấu tổ chức mà Ukraine có một trách nhiệm lớn lao trong việc ý thức, bênh vực và cổ võ di sản Kitô giáo của mình, một tính chất nổi bật của quốc gia này, một tính chất không bị tác hại cho dù dưới thời cộng sản độc tài chuyên chế bất hạnh đi nữa”.

Sau khi đề cao việc chính quyền nước này chú trọng tới vấn đề quyền tự do tôn giáo, ĐTC bày tỏ ước muốn thấy “việc quyết định sớm sủa về vị thế về pháp lý của các giáo hội dựa vào quyền bình đẳng thực sự giữa tất cả mọi người, đồng thời tiến đến những thỏa thuận về việc dạy tôn giáo và được Chính Quyền công nhận thần học như là một phân khoa của đại học. Ngoài ra, Tôi hy vọng rằng những thỏa thuận đã được đồng ý với nhau cũng đang giải quyết ổn thỏa về vấn đề tế nhị liên quan tới việc hoán trả các sản vật của Giáo Hội bị tịch thu trong thời cộng sản độc tài chuyên chế”.

Về vấn đề bầu khí tôn giáo, ĐTC nhận định rằng “các môn đệ của Chúa Kitô tiếc thay vẫn còn chia rẽ nhau và cộng đồng Ukraine cảm thấy tiếc xót trước tình trạng này. Tuy nhiên, việc đối thoại đại kết vẫn tiếp tục diễn tiến và dẫn tới những thỏa thuận triệt để hơn nơi vấn đề tương kính cũng như nơi việc liên lỉ tìm cầu hiệp nhất theo ý muốn của Chúa Kitô. Chớ gì việc đối thoại chân thành và khôn ngoan này tăng thêm nhờ sự hợp tác của hết mọi người!”

Để kết luận, ĐTC đã nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo ở Ukraine, “từ khi nước này độc lập tới nay, đã được cho là một mùa xuân hứa hẹn của niềm hy vọng, nên nơi mỗi một thành phần của mình đều được thôi thúc bởi ước muốn đạt tới mối hiệp nhất trọn vẹn tất cả mọi người Kitô hữu”.

 

Việc Tạo Sinh Sao Bản Có Thể Dẫn Đến Tình Trạng Tân Nô Lệ

 

Bản Văn Kiện Cảnh Giác Của Nhóm Bác Sĩ Công Giáo Mễ Tây Cơ
 

Sau khi Thượng Viện Mexicô chấp thuận cho việc nghiên cứu thân bào được sao bản từ phôi bào con người, một nhóm bác sĩ đã cảnh giác tình trạng tân nô lệ có thể xẩy ra.


Thật vậy, Hiệp Hội Các Bác Sĩ Công Giáo thuộc TGP Mexicô trong một văn kiện được phổ biến đã nhận định rằng: “Một mặt thì có một số nhà lập pháp biện minh cho cái chết của những phôi bào với chủ trương là cái chết ấy giúp vào việc chữa trị các bệnh tật, tức là họ nghiêm nhiên chối bỏ không công nhận các phôi bào được thụ thai đó là con người. Mặt khác thì các khoa học gia cũng như các chuyên gia đã cắt nghĩa cho các nhà lập luật rằng không cần phải sát hại mới lấy được những tế bào này”.


Các vị bác sĩ phân biệt giữa các thân bào phôi thai với những gì xẩy ra khi các thân bào được xuất phát từ một phôi bào mà cuối cùng sát hại nó khi ngăn chặn việc phát triển đang diễn tiến của nó.


“Trước cuộc tranh luận mới mẻ này, Giáo Hội lên tiếng chống lại một hình thức mới của nạn sát chủng, một hình thức sát chủng mà sự sống của một số người Mễ Tây Cơ chỉ là một thứ thuốc men cho những người khác.


“Căn cứ vào qui định về sinh thể học, luật học và nhân chủng học liên quan đến phôi bào con người cũng như vào những nguyên tắc đạo đức sinh học và khoa học căn bản thì việc sát hại một hữu thể vô tội cho dù có mang lại thiện ích cho xã hội Mễ Tây Cơ cũng là việc bất hợp pháp”.


Gần đây Thượng Viện đã loại bỏ một câu ở Khoản 7 luật của các Tổ Chức Về Sức Khoẻ cấm sử dụng thân bào con người được lấy từ những phôi bào sống. Việc thay đổi bản văn này hiện nay đã mở đường cho những cơ hội thí nghiệm phôi bào với chủ trương là những áp dụng về trị liệu của thân bào có thể giúp trị liệu một số bệnh khác nhau. Tuy nhiên, “tất cả những điều này vẫn còn trong vòng hứa hẹn” mà thôi, theo như bản văn này của các vị bác sĩ nhận định.


“Không thể phủ nhận là ý hướng của việc tạo sinh cải giống ngấm ngầm mở đường cho việc khai thác phôi bào con người”.


Bản văn kiện này còn vạch ra rằng “việc đầu tư những khoản ngân quĩ lớn vào một cuộc nghiên cứu như vậy là việc lấy những khoản ngân quĩ này khỏi các việc giải quyết cho các thảm trạng của quốc gia như tình trạng khan hiếm các thứ thuốc men căn bản, tình trạng không thể thăng hóa chương trình phục vụ về sức khỏe, và tình trạng dinh dưỡng tệ hại cả hàng ngàn ngàn người Mễ Tây Cơ”.

 

Các vị y sĩ ký tên vào bản văn kiện này kết luận rằng thật là vô lý “trong việc tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của quần chúng cho những dự án này bằng cách hứa hẹn sẽ có thể chữa trị mau chóng nhiều thứ bệnh kinh niên, mặc dù không có một cơ sở vững chắc nào về việc áp dụng thực sự về bệnh lý trong nhiều năm tới đây”.

 

Kitô hữu giáo phái Methodist chống đối việc cấm truyền chức cho những nam nhân đồng tính

Pittsburgh, Pennsylvania hôm Thứ Ba 4/5/2004, có gần 200 tín đồ cùng với giáo sĩ mặc đồng phục xếp hàng một dọc theo lối vào tòa nhà được dùng làm nơi Tổng Nghị United Methodist đang diễn tiến. Họ biết rằng họ rất có hy vọng làm lung lay lệnh cấm của giáo phái họ về vấn đề này. Các đại biểu đã liên tục bỏ phiếu nhiều năm cho rằng Thánh Kinh lên án đồng tính luyến ái.

Thế nhưng những người chống đối nói rằng họ muốn nhắc nhở cho những vị đại biểu nhớ rằng có nhiều nam nhân đồng tính luyến ái thuộc về giáo hội có 8.3 triệu tín đồ này. Theo bà Val Zellmer ở Wisconsin thì “Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa yêu thương hết mọi người. Chúa Giêsu luôn bao gồm thành phần bị loại trừ”.

Những người chống đối này từ sáng sớm đã tập trung ở dưới hầm của một nhà thờ thuộc giáo phái United Church of Christ, cầu nguyện và hát hò trước khi bắt đầu diễn hành. Một số đại biểu ra dấu tay cái hất lên tỏ vẻ hoan nghênh ủng hộ, một số tiến vào như chẳng thèm ngó ngàng gì đến họ.

Cuộc họp này cứ 4 năm mới có một lần, và đã từng xẩy ra những bất đồng gay go về vấn đề đồng tính luyến ái từ năm 1972 đến nay. Trường hợp mới đây của giáo sĩ Karen Dammann, một nữ mục sư công khai đồng tính, đã làm cho vấn đề càng căng thẳng hơn.

Một bồi thẩm đoàn gồm có 13 vị mục sư, trong phiên tòa ở Bothell, Washington, vào Tháng 3/2004, đã tuyên bố mục sư Dammann vô tội trong việc thực hành những gì trái với Kitô giáo. Tuy nhiên, thành phần bảo thủ đã gọi việc tuyên án này là một “hành động lạc đạo”, nên họ đệ đơn lên tòa án cao nhất của giáo phái để xin giáo hội cấm đoán việc truyền chức cho nam nhân đồng tính.

Hôm Thứ Bảy 1/5/2004, Hội Đồng Luật Pháp đã tuyên bố là luật giáo hội minh nhiên khẳng định là vấn đề đồng nam tính dục “không hợp với giáo huấn của Kitô giáo”. Với quyết định của 6-3 phiếu thì các vi phạm có thể dẫn đến tình trạng loại trừ khỏi chức phận trong giáo hội.

Có cả gần 1 ngàn đại biểu đã bỏ phiếu tuần trước để khẳng định rằng vấn đề hôn nhân là việc hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ.