GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 11 THỨ BA

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Mathêu Lê Văn Gẫm

 

ĐTC GPII với Đại Hội Đại Kết Kitô Giáo: “Tất cả cùng nhau cho Âu Châu”

Ngày Thứ Bảy 8/5/2004, một cuộc đại hội về đại kết diễn ra ở Stuttgart, Đức quốc, với sự hiện diện của các đại biểu thuộc tất cả 175 giáo hội, phong trào hay cộng đồng Kitô giáo, như Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo và các Giáo Phái Tin Lành. Cuộc họp này được truyền hình cùng một lúc đến 158 thành phố khác nhau ở Âu Châu. ĐTC GPII đã gửi cho đại hội này một sứ điệp liên quan đến đề tài của đại hội là “Tất cả cùng nhau cho Âu Châu”.

Trước hết, ĐTC nhắc lại mục đích của cuộc đại hội này “qui tụ để suy nghĩ về các cội gốc Kitô giáo của mình cũng như về tương lai của một địa lục Âu Châu theo chiều hướng Phúc Âm”.

Sau khi nhấn mạnh rằng đức tin Kitô giáo là những gì “tiêu biểu cho hiện tại và tương lai của Âu Châu”, ĐTC nhắc nhở là “nhiều nhân chứng cho niềm tin này, thành phần đã là những nạn nhân của những cuộc bách hại đẫm máu và đau thương trong lịch sử Âu Châu suốt thế kỷ 20, tiêu biểu cho một di sản chung đối với tất cả niềm tin của Kitô giáo. Chớ gì di sản này củng cố lòng ước muốn sống hiệp nhất giữa các Kitô Hữu Âu Châu và việc họ dấn thân hoạt động truyền bá phúc âm hóa”.

Việc các Kitô hữu qui tụ lại ở Stuttgart “chứng thực rằng Phúc Âm đã giúp cho họ thắng vượt được chủ nghĩa quốc gia qui ngã và giúp họ thấy Âu Châu như là một gia đình các dân tộc phong phú về văn hóa đa dạng cùng với các kinh nghiệm lịch sử, nhưng đồng thời hiệp nhất thành một cộng đồng chung của các số phận. Đó là ý thức mà một Âu Châu ngày mai cần đến để dự phần vào những đại biến cố được lịch sử kêu gọi…. Việc đối thoại đại kết chắc chắc là những gì góp phần vào việc phát triển một căn tính Âu Châu dựa trên đức tin Kitô giáo.

“Tuy nhiên, một Âu Châu hiệp nhất không thể nghĩ về mình và khép mình hạn hẹp vào những biên cương bờ cõi của mình cũng như vào phúc hạnh riêng của mình. Âu Châu được kêu gọi để phục vụ thế giới, nhất là những phần đất nghèo khổ nhất và bị lãnh quên nhất như Phi Châu nói riêng là nơi xẩy ra quá nhiều vấn đề trầm trọng. Không thể nào xây dựng một ngôi nhà chung Âu Châu mà lại không quan tâm gì đến tình trạng phúc hạnh chung của nhân loại”.

ĐTC đã kết luận bằng việc nhấn mạnh rằng: “Âu Châu cần đến việc dấn thân và lòng nhiệt thành của các Kitô hữu, nhất là của giới trẻ, để lãnh nhận Tin Mừng của Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô…. Việc tân truyền bá phúc âm hóa là những gì cống hiến cho Âu Châu một hồn sống mới và giúp cho đại lục này không còn sống cho chính mình và sống trong biên giới của mình nữa, mà làm cho nhân loại được nhân bản hơn, tôn trọng sự sống hơn, và trở thành một hiện hữu quảng đại trên các khấu trường thế giới”.


Tòa Thánh Vatican với cảnh ngục tù ở Iraq Hậu Chiến: “Kinh tởm và ô nhục”

Tờ nhật báo Người Quan Sát Viên ấn bản Ý ngữ bán chính thức của Tòa Thánh Vatican, hôm Chúa Nhật 9/5/2004, ngay ở trang đầu đã xuất hiện một bài viết nhan đề “kinh tởm và ô nhục”, với nội dung nói về tình trạng tù nhân Iraq bị lực lượng liên minh đối xử một cách hết sức phi nhân bản và phản nhân đạo. Bài báo nhận định như sau:

“Cuộc xung đột ở Iraq, một cuộc xung đột vốn đã được đánh dấu bằng thương khóc và hủy hoại, giờ đây lại xẩy ra những thảm cảnh hơn nữa trước những khám phá về các cuộc hành xích phi nhân bản đối với các tù nhân Iraq.

“Nơi những việc lạm dụng và đối xử tàn tệ đối với các tù nhân ấy là cả một phủ nhận hoàn toàn phẩm vị con người cùng với những giá trị nồng cốt của họ.

“Việc vi phạm dã man đối với anh em đồng loại của mình đây là những gì tương phản thảm thương phạm đến những nguyên tắc căn bản của nền văn minh và dân chủ. Một thế giới câm nín tự ngẫm nghĩ trước những cảnh tượng gây nhức nhối đầy những kinh rợn và ô nhục này.

“Nhất là nhân dân Hiệp Chủng Quốc hết sức cảm thấy mình phản bội bản tính của mình và lịch sử của mình khi biết rằng cảnh tượng hành xích ấy, một xỉ nhục phạm đến con người, đã xẩy ra dưới lá quốc cờ của mình, làm ô nhục cho quốc gia họ”.

Hôm Thứ Sáu 7/5/2004, ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư của văn phòng liên hệ các quốc gia của Tòa Thánh Vatican đã nói với Truyền Thanh và Truyền Hình Công Luận Ý Quốc rằng: “việc vi phạm đến con người ấy là những gì phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài.

“Những ai gây ra những vi phạm này phải được đem ra trước công lý và bị trừng phạt, kể cả thành phần lãnh đạo trực hệ của họ đã không chu toàn trách nhiệm của mình trong việc ngăn cản họ. (Việc hành xích này) phản lại với những quyền làm người căn bản nhất và hoàn toàn phản lại với luân lý Kitô giáo. Sự dữ này lại còn trầm trọng hơn nữa nếu những hành động ấy gây ra bởi Kitô hữu”.

Thật thế, trong hai tuần lễ liền, ở Hoa Kỳ, ký giả Seymour Hersh đã viết các bài báo trên tờ nguyệt san The New Yorker, về những hành vi phi phạm đến các tù nhân Iraq tại nhà tù Abu Ghraib ở thủ đô Baghdad. Các bài báo của người ký giả này được kèm theo hình ảnh, những hình ảnh cũng được CNN phổ biến trên màn điện toán toàn cầu thật là rùng rợn và nhục nhã cho thân phận con người nạn nhân và thật là dã man rừng rú với những con người gây ra những cảnh tượng này, những hình ảnh không đáng coi hay phổ biến, nhất là trước mắt giới trẻ và trong một thời đại văn minh hầu như tột đỉnh về vật chất và nhân bản này. Chẳng hạn những hình ảnh cho thấy những con chó ở trên thân thể của con người trần truồng hay một đống người trần truồng nằm chồng chất úp lên nhau, trước những con người canh gác tỏ ra những thái độ và cử chỉ thích thú khoái chí.

 

ĐTC với các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 3 về Linh Đạo Hiệp Thông và Truyền Giáo


Sáng Thứ Năm 6/4/2004, ĐTC GPIII đã tiếp 20 vị giám mục Hoa Kỳ đợt 3 viếng thăm Tòa Thánh Ngũ Niên thuộc giáo tỉnh Detroit MI và Cincinnati OH, ĐTC đã tiếp tục chia sẻ với các vị giám mục Hoa Kỳ nói chung về chủ đề Giáo Hội, riêng các vị đợt 3 lần này về vấn đề linh đạo hiệp thông và truyền giáo. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của Ngài.


Quí Huynh Giám Mục thân mến,


1. …


Trong những cuộc họp của Tôi với các vị Giám Mục Hoa Kỳ năm nay Tôi muốn chia sẻ một số suy tư về thừa tác vụ giám mục đối với việc thánh hóa, giảng dạy và quản trị Dân Chúa. Trong bài chia sẻ hôm nay đây Tôi muốn tiếp tục vấn đề “munus sanctificandi” liên quan đến trách nhiệm của vị Giám Mục đối với việc xây dựng mối hiệp thông nơi tất cả mọi người lãnh nhận phép rửa, theo chiều hướng thánh đức, trung thành với Phúc Âm và nhiệt thành truyền bá Vương Quốc của Thiên Chúa.


2.     Như sự thánh thiện của mình, mối hiệp nhất của Giáo Hội cũng là một tặng ân trọn vẹn của Thiên Chúa và là một lời mời gọi liên lỉ sống hiệp thông trọn hảo hơn bao giờ hết trong đức tin, đức cậy và đức mến. “Chính Thiên Chúa là mối hiệp thông Cha, Con và Thánh Thần, và Ngài kêu gọi tất cả mọi dân tộc đến thông phần vào mối hiệp thông Ba Ngôi ấy” (Ecclesia in America, 33). Qua việc tuôn đổ Thánh Linh là tặng ân của Chúa Kitô Phục Sinh, Giáo Hội đã được thiết lập như là “một dân được tham dự vào mối hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh” (Lumen Gentium, 4).


Là dấu hiệu và là bí tích của mối hiệp nhất, một mối hiệp nhất vừa là ơn gọi vừa là mục đích của toàn thể gia đình nhân loại, Giáo Hội sống động và thhực hiện sứ vụ cứu độ của mình như là “một thân thể duy nhất” (x 1Cor 12:12ff), một thân thể được Thánh Linh hướng dẫn bằng một đường lối của tất cả sự thật, qui tụ mọi người lại với nhau trong mối hiệp thông cũng như trong những công việc của thừa tác vụ, điều khiển bằng những tặng ân khác nhau về phẩm trật cũng như đặc sủng, và trang điểm bằng những hoa trái của Ngài (x Lumen Gentium, 4). Thừa tác vụ hiệp nhất trong đa dạng này đặc biệt được hiện lộ nơi việc cử hành Thánh Thể của vị Giám Mục, khi ngài được bao quanh bởi hàng giáo sĩ, bởi các thừa tác viên, bởi tu sĩ và toàn thể Dân Chúa (x. Sacrosancrum Concilium, 41); “mối hiệp thông thánh hảo” nơi Thánh Thể là chính linh hồn của Giáo Hội ấy vừa được thể hiện vừa được phát hiện (x Lumen Gentium, 3).


Mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thánh thiện của Giáo Hội với mối hiệp nhất của Giáo Hội là nền tảng cho thứ linh đạo hiệp thông và truyền giáo mà Tôi tin rằng chúng ta cần phải nuôi dưỡng ở vào lúc bình minh của tân thiên niên kỷ này, “nếu chúng ta muốn trung thành với dự án của Thiên Chúa cũng như muốn đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của thế giới” (Novo Millennio Ineunte, 43). Vị Giám Mục, hình ảnh của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, hiện diện giữa dân thánh của Người, có nhiệm vụ chính yếu trong việc cổ võ và khuyến khích thứ linh đạo này (x Pastores Gregis, 22). Công Đồng Chung Vaticanô II, khi nhấn mạnh rằng việc xay dựng thân mình của Chúa Kitô xẩy ra nơi các chi thể, phận vụ và tặng ân hết sức khác nhau, cũng nhận thấy rằng “trong số những tặng ân ấy, chính yếu là tặng ân các tông đồ” (Lumen Gentium, 7), những vị có các thừa kế viên được kêu gọi để nhận thức và điều hợp các đặc sủng cũng như các thừa tác vụ được ban cho hầu xây dựng Giáo Hội trong công cuộc thánh hóa nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa là những gì làm nên mục đích của toàn thể đời sống và hoạt động của Giáo Hội (x Sacrosanctum Concilium, 10).


3.     Linh đạo hiệp thông này, một linh đạo mà vị Giám Mục được kêu gọi lấy bản thân làm gương sáng, tự nhiên sẽ dẫn đến “một mẫu thức mục vụ hướng đến việc hợp tác với tất cả mọi người hơn bao giờ hết” (Pastores Gregis, 44). Linh đạo này, trước hết, đòi quí huynh sống liên hệ hơn bao giờ hết với các linh mục của mình, thành phần nhờ bí tích truyền chức thánh trở thành được tham dự với quí huynh vào thiên chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô cũng như vào sứ vụ tông đồ duy nhất của Giáo Hội Người (x Christus Dominus, 11). Nhờ Bí T1ch Truyền Chứa Thánh, các vị Giám Mục và linh mục đều được ủy thác cho thiên chức tư tế thừa tác là thiên chức khác với thiên chức tư tế chung của tất cả những ai lãnh nhận phép rửa “theo yếu tính chứ không phải chỉ ở cấp độ” (Lumen Gentium, 10). Đồng thời, trong mối hiệp thông của Thân Mình Chúa Kitô, quí huynh và linh mục của quí huynh được kêu gọi cộng tác để toàn thể Dân Chúa có thể thi hành thiên chức tư tế vương giả phát xuất từ Phép Rửa.


Chính vì các phần tử nơi hàng giáo sĩ của ngài là những cộng sự viên thân cận nhất của ngài trong thừa tác vụ thánh chức mà mỗi một vị Giám Mục cần phải liên lỉ nỗ lực gắn bó với họ “như là một người cha và là người anh em yêu thương họ, lắng nghe họ, tiếp nhận họ, sửa bảo họ, nâng đỡ họ, cần họ hợp tác và hết sức quan tâm đến tình trạng phúc hạnh về nhân bản, thiêng liêng, tác vụ và tài chính của họ” (Pastores Gregis, 47). Như Tông Đồ Phaolô khuyến dụ cộng đồng Kitô hữu ở Thessalonica về Timôthêu thế nào, các vị Giám Mục cũng phải tỏ cho mỗi cộng đồng giáo xứ thấy được từng vị linh mục của các ngài như vậy: “Người là anh em của chúng ta và là nhân viên đồng chí của chúng tôi trong Chúa để rao giảng Phúc Âm của Chúa Kitô, nên chúng tôi đã gửi người đến để củng cố và phấn khích anh em sống đức tin của anh em” (1Thess 3:2).


Là cha anh thiêng liêng đối với các linh mục của mình, vị Giám Mục cần phải làm tất cả những gì trong tầm tay để khuyến khích họ trung thành với ơn gọi của họ cũng như với những đòi hỏi dẫn đến một đời sống xứng đáng với ơn gọi họ đã lãnh nhận (x Eph 4:1).
Đến đây Tôi có lời khen tặng và ca ngợi việc dấn thân và trung thành hoạt động của rất nhiều vị linh mục ở Hoa Kỳ, nhất là những vị đang phải đương đầu với những thách đố và đòi hỏi hằng ngày liên quan đến thừa tác vụ giáo xứ của mình. Tôi mời gọi quí huynh là các vị Giám Mục của họ hãy cùng Tôi cám ơn họ và tri ân việc dấn thân không ngừng của họ với vai trò “làm mục tử, làm giảng viên Phúc Âm và là tác nhân của mối hiệp thông giáo hội” (Ecclesia in America, 39).


4.     Việc củng cố linh đạo hiệp thông và truyền giáo đòi phải có một nỗ lực liên tục trong việc canh tân những liên hệ về mối hiệp nhất huynh đệ trong hàng ngũ giáo sĩ. Điều này đòi phải biết tái ý thức về và dấn thân hằng ngày cho những điều chúng ta cùng nhau chia sẻ như nền tảng của căn tính làm linh mục của chúng ta: đó là việc theo đuổi sự thánh thiện, việc thực hành lời nguyện chuyển cầu thành tâm, linh đạo thừa tác vụ được nuôi dưỡng bằng lời Chúa cũng như bằng việc cử hành các bí tích, việc thực thi hằng ngày đức bác ái mục vụ, và đời sống trong sạch độc thân như là những gì thể hiện việc hoàn toàn dấn thân theo Chúa Kitô. Là những giá trị thiêng liêng liên hết các vị linh mục, những giá trị ấy phải là nguồn canh tân cho thừa tác vụ linh mục cũng như cho việc cổ võ mối hiệp nhất nơi việc tông đồ, nhờ đó, dưới sự hướng dẫn của các vị linh mục của mình, công đồng môn đệ được thực sự trở nên “đồng tâm nhất trí” (Acts 4:32).


Linh đạo hiệp thông sẽ tự nhiên sinh hoa kết trái trong việc phát triển một thứ linh đạo giáo phận được bắt nguồn từ những tặng ân và đặc sủng do Thánh Thần ban cho dể xây dựng mỗi Giáo Hội địa phương. Hết mọi vị linh mục phải tìm thấy “thực sự nơi việc các vị thuộc về cũng như việc dấn thân cho Giáo Hội riêng dồi dào ý nghĩa, dồi dào các qui tắc để nhận thức và tác hành là những gì hình thành cả vai trò mục vụ và đời sống thiêng liêng của các vị” (Pastores Dabo Vobis, 31). Đồng thời “tinh thần giáo phận” chân thực cũng sẽ tác động và thúc đẩy toàn thể cộng đồng Kitô hữu ý thức hơn nữa về trách nhiệm đối với việc thi hành tốt đẹp nơi việc truyền giáo của Giáo Hội qua hệ thống phong phú cộng đồng, tổ chức và tông đồ của mình (x Apostolicam Actuositatem, 10).


5.     Chính ở nơi các đại và tiểu chủng viện mà những hạt giống của linh đạo hiệp thông và truyền giáo cũng như của thiên chức linh mục lành mạnh được gieo trồng. Tôi xin quí huynh hãy thường xuyên viếng thăm các chủng viện để biết từng người có thể một ngày kia làm linh mục ở Giáo Hội địa phương của quí huynh. Những liên lạc trực diện ấy cũng giúp vào việc “bảo đảm là các chủng viện đào luyện những con người trưởng thành và quân bình, những con người có khả năng thiết lập những mối liên hệ lành mạnh về nhân bản cũng như về mục vụ, có kiến thức về thần học, vững chắc về đời sống thiêng liêng, và có lòng mến yêu Giáo Hội” (Pastores Gregis, 48). Những thách đố trong đời sống xã hội càng đòi linh mục phải là một “con người hiệp thông” với tất cả ý nghĩa của nó (Pastores Dabo Vobis, 43), dấn thân cộng tác một cách hiệu nghiệm với những người khác để phục vụ cộng đồng giáo hội.


Việc đào luyện xứng hợp về đức trong sạch và đời sống độc thân vẫn là một yếu tố thiết yếu của việc huấn luyện trong chủng viện, cùng với việc trình bày kiến thức thần học vững chắc và đúng đắn về Giáo Hội cũng như về thiên chức linh mục, bao gồm cả việc nhận thức rõ ràng và chính xác về những chủ trương không hợp với những gì Giáo Hội tự nhận thức thực sự về mình nơi Công Đồng và các văn kiện canh tân hậu công đồng. Đây là trách nhiệm riêng thuộc về quí huynh là những vị Mục Tử quan tâm đến tương lai của các Giáo Hội địa phương, và là một trách nhiệm không thể thừa ủy nhiệm cho ai khác. Vì việc huấn luyện linh mục không chấm dứt ở chỗ chịu chức linh mục mà thừa tác vụ thánh hóa của quí huynh cũng phải bao gồm cả việc chăm sóc cho đời sống thiêng liêng liên tục nơi các vị linh mục của quí huynh cũng như nơi vấn đề hiệu năng nơi thừa tác vụ của họ nữa. Vấn đề này đòi phải thực hiện một cuộc đào luyện liên tục nhắm đến chỗ đào sâu và hòa hợp những khía cạnh về nhân bản, về thiêng liêng, về tri thức và về mục vụ thuộc đời sống linh mục của họ (x Bản Hướng Dẫn Về Đời Sống và Thừa Tác Vụ Linh Mục, 70). Nhờ đó, họ mới phát triển hoàn toàn hơn nữa thành “những con người của Giáo Hội”, thấm nhuần tinh thần công giáo và lòng nhiệt thành truyền giáo chân thực.


Tự bản thân mình Tôi cảm thấy sâu xaa rằng việc cầu nguyện là năng lực chính yếu tác động và làm nên ơn gọi linh mục. Vì Tôi đã viết trong Bức Tông Huấn Hậu Thượng Hội Giám Mục Pastores Gregis là: “Ơn gọi cần phải có cả một khối đông người thiết tha nguyện cầu cùng ‘Chủ mùa’. Càng phải đối đầu với vấn đề ơn gọi đối với việc cầu nguyện thì càng cầu nguyện sẽ càng giúp cho những ai được Chúa kêu gọi nghe thấy tiếng của Ngài” (đoạn 48).


6.     Quí Huynh thân mến, những chia sẻ của chúng ta hôm nay đã nhấn mạnh đến vấn đề liên hệ giữa “munus sanctificandi” với linh đạo hiệp thông và truyền giáo. Trong việc quí huynh hành sử hằng ngày thừa tác vụ giaám mục của mình, chớ gì quí huynh trở nên những người xây dựng mối hiệp thông bằng việc đối thoại và gặp gỡ riêng tư với các linh mục, phó tế tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc Giáo Hội địa phương của quí huynh. Đó là đường lối bảo đảm giúp họ có thể phát triển đời sống thánh thiện “là nguồn mạch âm thầm và là phương sách chắc chắn của việc Giáo Hội hoạt động tông đồ và nhiệt tình truyền giáo của Giáo Hội” (Christifideles Laici, 17).
…..


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 6/5/2004