GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 13 THỨ NĂM, LỄ MẸ FATIMA

 

"Nếu người ta nghe lời của Ngài thì giờ đây họ không cần phải than van nhiều quá như vậy"

Tòa Thánh Kêu Gọi Thời Hạn Phục Hồi Quyền Tự Chủ cho Iraq

Tờ nhật báo Ý La Reppublica hôm Thứ Tư 12/5/2004 đã phổ biến những lời của ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư của văn phòng liên hệ các quốc gia của Tòa Thánh, đã nói ở Luân Đôn với ngoại trưởng Hiệp Vương Quốc Jack Straw rằng Tòa Thánh muốn thấy có được một hạn định dứt khoát cho việc phục hồi chủ quyền ở Iraq.

Điều yêu cầu này được bộc lộ khi Tòa Thánh đang sửa soạn cho việc Tổng Thống Bush triều kiến ĐGH GPII có thể vào ngày 4/6/2004 tại Vatican. Chủ trương của Tòa Thánh hiện nay đối với tình hình Iraq đó là: “Tái thiết lập nền an ninh nội bộ cho xứ sở này, hợp tác với tất cả mọi lực lượng đang ở Iraq để giúp đỡ nhân dân Iraq, làm sao cho dân nhân Iraq thấy rằng những lực lượng này ở đó là để giúp đơ õ họ chứ không phải để đàn áp họ, và phục hồi nền độc lập cũng như chủ quyền cho xứ sở này sớm bao nhiêu có thể”.

ĐTGM nói tiếp: “Liên Hiệp Quốc cần phải nhúng tay vào cuộc. Đây không phải là điều dễ thực hiện. Cần phải thực hiện một cuộc hy sinh, nhưng nó đòi phải có tinh thần quảng đại. Mặc dù Liên Hiệp Quốc bị hất ra ngoài ngay từ đầu cuộc chiến, Liên Hiệp Quốc cũng cần phải nhào vô để chấm dứt cuộc chiến tranh ấy”.

Theo vị TGM đại diện Tòa Thánh này thì vấn đề tối ưu tiên hiện nay là “đặt làm đầu chính phủ ở Iraq sớm bao nhiêu có thể một vị lãnh đạo Iraq không nói với nhân dân Iraq bằng Anh ngữ mà là bằng tiếng Ả Rập hợp với cảm thức của họ. Ngoài ra cần phải làm sao cho thấy rằng lịch trình bảo đảm vấn đề nhắm đến việc hoàn toàn phục hồi chủ quyền và độc lập cho xứ sở này cũng đang được thực hiện”. Mục tiêu là để làm sao cho quân đội ngoại quốc rời bỏ đất nước này “sớm bao nhiêu có thể”.

ĐTGM nhận định thêm “không thể nghĩ rằng Hiệp Chủng Quốc sẽ không truyền lệnh cho quân đội của mình, nhưng dầu sao họ cũng cần phải tuân hành đúng những gì thỏa thuận với Hội Đồng Bảo An. Chắc hẳn họ không ở Iraq để quyết định theo ý mình. Đúng thế, tôi nghĩ rằng họ không có ý định gửi sang một lực lượng có những hành động lộng hành. Tôi nghĩ là Hiệp Chủng Quốc muốn bảo đảm tình trạng an ninh cho xứ sở này và đàng hoàng rút quân khỏi Iraq ngay khi họ có thể”.

ĐTGM tiếp tục cho biết “Vẫn không tìm ra các thứ vũ khí đại công phá, nên ý hướng thiết lập một chế độ dân chủ là điều chắc chắn phải thực hiện, nhưng người ta cũng cần phải lưu ý là nền dân chủ đòi phải có một môi trường văn hóa. Chúng ta chắc hẳn là hài lòng với những hình thức dân chủ cần thiết có thể bảo đảm yếu tính của nó, nhưng trước hết, điều khẩn trương đó là một chế độ được dân chúng ưng thuận”.

Về những hành động đối xử dã man vô nhân đạo với tù nhân Iraq, ĐTGM cho biết “đối với Hiệp Chủng Quốc là một cú đấm xiểng niểng hơn cả cú đấm 911, chỉ khác nhau ở chỗ cú đấm này không phải tung ra bởi những tay khủng bố mà là bởi chính những người Hoa Kỳ”. ĐTGM cảnh giác là ở các quốc gia Ả Rập “rất nhiều đám đông dân chúng, bị ảnh hưởng của truyền thông Ả Rập, đang cảm thấy thù hằn và hận ghét đối với Tây Phương. Thật vậy, Tây Phương thường đồng nghĩa với Kitô giáo và nó là một đồng nghĩa không phải là hoàn toàn không có lý do, vì thực sự Tây Phương đã được phát triển nhờ những giá trị Kitô giáo và nhiều nước đã được ảnh hưởng bởi những giá trị ấy. Chúng ta hãy nghĩ tới trường hợp Hiệp Chủng Quốc, với câu tâm niệm: ‘Chung tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa’”.

Đó là lý do việc ĐTC GPII chống lại cuộc chiến này là điều hợp tình hợp lý, vì để tránh đi vấn đề bị coi như Kitô giáo tấn công Hồi giáo vậy: “ĐTC đã nói rất rõ ràng rồi. Nếu người ta nghe lời của Ngài thì giờ đây họ không cần phải than van nhiều quá như vậy. Bạo lực phát sinh bạo lực; chiến tranh gây ra máu lửa. Tôi thường nhớ những gì Lincoln đã nói: ‘Chẳng có gì là tốt đẹp nơi chiến tranh hết trừ khi chấm dứt chiến tranh’”.

Vì việc trao đổi không thành, việc trao đổi nhân viên truyền thông Nick Berg ở Pennsylvania bị bắt cóc làm con tin với những tù nhân ở nhà tù bị đối xử vô nhân đạo, nhân viên nạn nhân này đã bị lấy đầu. Cuốn băng hình cho thấy một tên bịt mặt đã đọc bản án lấy đầu nhân viên truyền thông 26 tuổi này là để trả thù cho “hành động quỉ sứ Satan tàn tệ” của binh lính Hoa Kỳ đối với các tù nhân Iraq. Việc hành quyết này được thi hành bởi Abu Musab al-Zarqawi, một liên minh chúa đảng của nhà lãnh đạo tổ chức khủng bố quốc tế al Qaeda Osama bin Laden.

Suốt trong hai ngày Thứ Ba và Thứ Tư 11-12/5/2004, những hình ảnh của người nhân viên truyền thông này với các tay bắt cóc nạn nhân đã tràn ngập các đài truyền hình và báo chí Ả Rập, gây xúc động thế giới, với những lời lên án của các vị lãnh đạo quốc gia, nhưng cũng được những người đồng chí hướng hoan hô ủng hộ. Giới truyền thông Ả Rập thận trọng tỏ ra phản ứng về biến cố này, trong khi đó một số coi nhẹ vấn đề.

The United Arab Emirates (UAE) hôm Thứ Tư đã lên án việc lấy đầu này, cho việc saát hại này là “một tội ác ghê tởm chống lại thế giới văn minh”. Bộ Trưởng Thông Tin của UAE là Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahayan đã phổ biến một văn kiện với nhận định rằng: “Chúng tôi lấy làm hổ thẹn vì những tên khủng bố thực hiện một hành động cuồng loạn và phi nhân bản này nhân danh tôn giáo và văn hóa của chúng tôi. Hành động dã man ghê tởm này không thể nào có thể biện minh và không hề có dính dáng gì với Hồi giáo hay với các giá trị Ả Rập của chúng tôi”.

Tuy nhiên, một số ở A Phú Hãn lại tỏ ra bênh chữa cho kẻ sát nnhân, đổ lỗi cho Hiệp Chủng Quốc đã bắt đầu cuộc bạo loạn sau khi lực lượng liên minh chiếm cứ Iraq. Một người tên Jabar Khan ở Kabul cho biết “Việc lấy đầu này là một hành động tốt vì những người Iraq đã bị đàn áp và hễ ai bị đàn áp đều phải tự vệ. Là một người Hồi Giáo tôi ủng hộ hành động này”.

Một tín đồ Hồi giáo ở Nam Dương, tại Jakarta, tên là Budi, đã cho biết: “Ngay cả những con tin thì theo giáo huấn của Hồi Giáo cũng phải được đối xử một cách nhân đạo. Nếu người khác làm khác đi thì không có nghĩa là chúng ta phải làm theo đúng như thế. Thế nhưng trong những trường hợp hiện nay… như những tình trạng hỗn loạn ở Iraq… chúng ta không thể qui trách cho những người Hồi giáo sống một cuộc đời hoàn toàn bị hủy hoại”.


ĐTC GPII lập lại lời kêu gọi cầu cho hòa bình ở Trung Đông

Dự Án Hòa Bình ở Iraq

Vào lúc kết thúc buổi triều kiến chung Thứ Tư 12/5/2004 ở Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã nhận một dự án hòa bình cho Iraq được phác họa bởi ông Franco Vaccari, sáng lập viên tổ chức Rondine, Thành Đô Hòa Bình, một cơ cấu bắt nguồn ở Ý, nhắm mục đích nuôi dưỡng việc đối thoại nơi giới trẻ trên thế giới.

Khi đệ trình lên ĐGH dự án này, vị sáng lập viên vốn là một tâm lý gia, có vợ và 4 con, được 4 vị giám mục đi kèm, những vị thuộc miền Tuscany trung Ý, cũng như được cả hai vị khác cùng đi là bề trên tổng quyền Tu Hội Camaldolese của Dòng Thánh Biển Đức và bề trên của Đền Thánh Phanxicô ở La Verna.

“Tôi lập lại lời mời gọi nguyện cầu hòa bình cho thế giới, nhất là ở Iraq và Trung Đông. Chớ gì những thành phần dân chúng dấu yêu ấy có thể, nhờ sự nâng đỡ của cộng đồng quốc tế, dứt khoát bước đi trên con đường hoàa giải, đối thoại và hợp tác”.

Bước đầu tiên của dự án Hòa Bình cho Iraq là một Ngày Cầu Nguyện sẽ được tổ chức vào ngày 21/5 ở đền thánh Verna, tọa lạc trên ngọn núi Thánh Phanxicô được in năm dấu thánh. Ngày cầu nguyện này kêu gọi tất cả các Kitô hữu thuộc mọi Giáo Hội, cộng đồng và giáo phái tham dự, cùng với các vị thẩm quyền thuộc Do Thái giáo và Hồi giáo ở Ý quốc.

Bước thứ hai là trong tháng này các chính trị gia và các vị lãnh đạo về văn hóa ký kết “một quyết tâm chung về chính trị” để kêu gọi “thiết lập một lực lượng quân đội Âu Châu-Địa Trung Hải bao gồm những quốc gia hiện nay ở ngoài vòng chiến”.

Vị sáng lập viên tâm lý gia này cho tờ nhật báo Avvenire biết rằng: “Ngày nay vấn đề rõ ràng là người ta không thể tẩu thoát khỏi Iraq hay bất cứ giá nào cũng ở lại đó, hoặc không thể yêu cầu việc Liên Hiệp Quốc tham gia, bởi vai trò của nó đã bị suy yếu, vì giờ đây nó không thể nào làm bất điều gì được yêu cầu thực hiện. cần phải thay thế những lực lượng ở miền này. Những ai chiến thắng chế độ ở đó…. được oi là một thứ lực lượng đi xâm chiếm. Âu Châu giờ đây phải đóng một vai trò chủ động cùng với các quốc gia Ả Rập. Thật là ảo tưởng khi đợi chờ cho đến ngày 30/6”.

Theo người phác họa ra dự án này thì nó “không phải là mặt trái của bất cứ hình thức nào chống lại chủ nghĩa Hoa Kỳ. Chúng tôi tìm cách để trở lại ngồi xuống với nhau hoạch định tương lai nhắm đến mục đích chiếm được hòa bình sớm bao nhiêu có thể”. Đó là cơ hội để nhận ra “ai thực sự tìm kiếm hòa bình và ai là người theo đuổi những lợi lộc khác”.
 

Con Phải Sống

 

 Nữ Thánh Bác Sĩ Nhi Đồng Gianna Beretta

 

Mẫu Gương Làm Mẹ trong Thời Đại Văn Hóa Sự Chết

 


Gianna Beretta Molla (1922-1962)
 

Gianna Beretta vào đời ở Magenta (thành Milan Ý quốc) ngày 4/10/1922. Từ hồi còn trẻ, em đã hân hoan chấp nhận tặng ân đức tin cùng với việc giáo dục kỹ lưỡng về Kitô giáo từ hai người cha mẹ tuyệt vời của em. Bởi đó, em đã cảm thấy sự sống là một tặng ân cao cả do Thiên Chúa ban, đã có một đức tin mạnh mẽ trông cậy vào Sự Quan Phòng, và đã ý thức được tính cách cần thiết và tác hiệu của việc nguyện cầu.


Em chăm chỉ theo đuổi việc học hành lên tới bậc đại học, đồng thời sống đức tin của mình bằng việc phục vụ tông đồ với giới trẻ Tông Đồ Giáo Dân Ý Quốc cũng như bằng việc bác ái xã hội với Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô giúp người già yếu và nghèo khổ. Sau khi lấy được những bằng cấp về Y Khoa và Mổ Xẻ ở Đại Học Pavia năm 1949, cô đã mở một y viện ở Mesero (gần Magenta) năm 1950. Cô chuyên lo về Ngành Nhi Khoa ở Đại Học Milan năm 1952 và tại đây cô chuyên chăm sóc cho các bà mẹ, thơ nhi, người già và người nghèo.


Trong khi hoạt động cho ngành y khoa, một ngành cô coi như là “sứ mạng” của cô và đã thực hành đúng như vậy, cô vẫn hăng hái dấn thân tham gia hoạt động với tổ chức Tông Đồ Giáo Dân, nhất là nơi thành phần “rất trẻ”, đồng thời cô cũng tỏ ra vui sống và yêu thiên nhiên qua việc trượt tuyết và leo núi. Nhờ lời nguyện cầu của mình cũng như của những người khác, cô đã suy nghĩ về ơn gọi của cô là những gì cô coi như tặng ân Chúa ban. Khi chọn ơn gọi hôn nhân cô đã tha thiết sống ơn gọi này bằng tất cả nhiệt tình và dấn thân “để xây dựng một gia đình Kitô giáo thực sự”.


Cô đã đính hôn với cậu Pietro Molla và đã hân hoan vui sướng trong thời gian đính hôn này. Hai người đã lập gia đình với nhau ngày 24/9/1955, tại Đền Thờ Thánh Martin ở Magenta, và chị đã trở thành một người vợ hạnh phúc. Chị hết sức vui mừng được làm mẹ của các người con được lần lượt ra đời, như Pierluigi vào tháng 11/1956, Mariolina vào tháng 12/1957, và Laura vào tháng 7/1959. Chị đã cố gắng chu toàn một cách hòa hợp những đòi hỏi của một người làm mẹ, làm vợ, làm bác sĩ cùng với những gì chị ham chuộng trong cuộc sống.


Vào tháng 9/1961 là thời gian ở vào cuối tháng thứ hai của cái thai thứ bốn, chị cảm thấy đớn đau và bắt đầu đi vào mầu nhiệm khổ nạn. Chị có một cái bưới ở tử cung. Trước cuộc giải phẫu cần thiết, ý thức được cái nguy hiểm gây ra cho bào thai, chị đã xin bác sĩ giải phẫu cố cứu lấy sự sống của thai nhi trong bụng của chị, rồi hết lòng tin tưởng nguyện cầu và trông cậy vào Sự Quan Phòng Thần Linh. Tạ ơn Chúa sự sống của thai nhi không bị mệnh hệ gì. Chị đã sống 7 tháng trời cho đến khi thai nhi được sinh ra bằng một tinh thần mạnh mẽ và không ngừng dấn thân phục vụ như một người mẹ và bác sĩ. Chị đã cầu xin Chúa cho đứa bé sinh ra khỏi bị đớn đau khi chị cảm thấy tình trạng có thể xẩy ra như thế.


Khi thai nhi chào đời được mấy ngày, dù tin tưởng vào Sự Quan Phòng Thần Linh, chị cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để cứu lấy con chị: “Nếu cần phải chọn lựa giữa tôi và đứa bé, xin đừng ngần ngại chọn đứa bé – tôi tha thiết xin điều này. Hãy cứu lấy bé”. Vào sáng ngày 21/4/1962, bé Gianna Emanuela chào đời. Mặc dù đã thực hiện mọi nỗ lực và chữa trị cần thiết để cứu được cả hai mẹ con, nhưng tiếc thay, vào sáng ngày 28/4, giữa những đớn đau khôn tả và sau khi lập đi lập lại lời than thở “Giêsu ơi, con yêu Chúa. Giêsu ơi, con yêu Chúa”, người mẹ vĩnh viễn xuôi tay nhắm mắt lìa đời, hưởng dương 39 tuổi, và được chôn táng ở nghĩa trang Mesero, cách nơi sinh trưởng và sinh sống Magenta 4 cây số.


Vào Chúa Nhật 23/9/1973, người mẹ anh hùng hy sinh mạng sống vì đứa con vô tội cao quí của mình, giữa một thế giới càng ngày càng quay cuồng với cá nhân chủ nghĩa và hưởng thụ sặc mùi văn hóa sự chết, đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI trong huấn từ truyền tin nhận định là “một người mẹ trẻ thuộc giáo phận Milan, người hiến mạng sống cho đứa con gái của mình, đã hy sinh bản thân mình bằng một sát tế đầy ý thức”. Bà mẹ thánh đức này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 24/4/1994 trong Năm Quốc Tế Về Gia Đình.


Sáng ngày Thứ Bảy 20/12/2003, tại Sảnh Đường Clementine, trước sự hiện diện của ĐTC, 18 sắc chỉ phong thánh đã được Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh công bố, trong đó có 4 vị chân phước (blessed), 7 vị đáng kính (venerable) và 7 vị tôi tớ Chúa (servant of God). Trong 4 vị chân phước sẽ được Giáo Hội phong thánh vì đã hội đủ phép lạ cần thiết, có một người mẹ qua đời năm 40 tuổi (1922-1962) là Gianna Beretta Molla, người đã tuyên bố là: “như vị linh mục được sờ chạm đến Chúa Giêsu, bác sĩ chúng tôi cũng thế, được sờ chạm đến Chúa Giêsu nơi thân thể của các bệnh nhân”.


Phép lạ xẩy ra do lời chuyển cầu của bà mẹ bác sĩ chân phước này nơi trường hợp của một người mẹ tên là Elisabete Arcolino Comparini. Truyện xẩy ra là vào đầu năm 2000, đứa con thứ ba bà đang cưu mang bắt đầu có những vấn đề trầm trọng. Vào tháng thứ ba, bà Comparini đã hết sạch nước ối trong bào thai, một điều kiện bất khả thiếu để bào thai sống còn. Thế mà, nữ thai nhi này đã chào đời vào tháng 5/2000. Cuộc sinh nở này không thể nào cắt nghĩa nổi theo khoa học. Cha mẹ của bé đã cầu nguyện với chân phước Molla nên đã đặt tên cho bé là Gianna Maria.


Nhận định:

 

Đọc truyện của vị nữ tân thánh bác sĩ làm mẹ này, chúng ta có cảm tưởng như việc nên thánh sao quá dễ dàng như vậy. Bởi vì, vị tân thánh nữ này khi còn sống cũng thích trượt tuyết, chơi đàn dương cầm, và tham dự những buổi hòa tấu ở Milan Conservatory với chồng mình là kỹ sư Pietro Molla. Cuộc sống chẳng có gì thánh đức như những vị thánh khác, điển hình là bà Thánh Monica, mẹ của Thánh Âu Quốc Tinh đã sống cả một đời chịu khổ vì chống và đau khổ vì con, hay chân phước Têrêsa Calcutta cả cuộc đời hy sinh vật vả phục vụ thành phần bần khổ chẳng hạn.

Thế nhưng, vấn đề ở đây trước hết cần phải ý thức nên thánh là việc mỗi người sống trọn ơn gọi theo bậc của mình. Ở chỗ chỉ cần hoàn lại cho chủ mình gấp trăm số vốn được chủ trao cho, như hai nén thì sinh lợi hai nén khác, là đủ, là nên thánh rồi vậy.

 

Thế thì phải chăng vị nữ tân thánh biết sinh lợi gấp trăm cho chủ mình ngay ở nơi những ham thích tự nhiên của cuộc đời, ở ngay cuộc sống của ngài có vẻ bình thường như bao nhiêu người nữ làm vợ và làm mẹ khác?

 

Nếu thật sự những ham thích tự nhiên hay cuộc đời tầm thường của vị nữ tân thánh này được xây trên cát thì khi bão tố nổi lên, như trường hợp sinh nở nguy tử, thử hỏi người mẹ bác sĩ tân thánh này có dám hy sinh mạng sống cho con mình hay chăng, một tác động anh hùng hoàn toàn nghịch lại với bản năng tự nhiên ham sống sợ chết cũng như với khuynh hướng hưởng thụ duy nhân bản thuần túy của quyền làm người, một thứ quyền mạnh được yếu thua, một thứ quyền theo luật văn minh đầy rừng rú được thể hiện rõ ràng nhất qua hiện tượng phá thai ngày nay?

 

Nếu vị nữ tân thánh đã dám can đảm sống ngược lại với ý thức hệ sặc mùi cá nhân chủ nghĩa hiện nay thì phải công nhận là ngài quả thực đã hoàn toàn thể hiện những gì Chúa Giêsu phán về việc trung thành trong những điều nhỏ mọn cũng trung thành trong cả những điều lớn lao, đáng làm lớn trên Nước Trời (x Lk 16:10-11; Mt 5:19).

 

Trên trần gian, Giáo Hội Công Giáo đã long trọng tôn phong Hiển Thánh cho vị chân phước Gianna Beretta này vào Chúa Nhật VI Phục Sinh 16/5/2004.

 

Chớ gì gương của vị tân thánh nữ này trở thành ánh sáng xua tan bóng tối của đêm dài văn hóa chết chóc đang bao trùm thâm cung của các người mẹ đã, đang và sẽ thực hiện những cuộc phá thai.
 

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh VIS, trừ phần nhận định cuối