GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 13 THỨ NĂM, LỄ MẸ FATIMA

 

"Nếu người ta nghe lời của Ngài thì giờ đây họ không cần phải than van nhiều quá như vậy"

Tòa Thánh Kêu Gọi Thời Hạn Phục Hồi Quyền Tự Chủ cho Iraq

Tờ nhật báo Ý La Reppublica hôm Thứ Tư 12/5/2004 đã phổ biến những lời của ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư của văn phòng liên hệ các quốc gia của Tòa Thánh, đã nói ở Luân Đôn với ngoại trưởng Hiệp Vương Quốc Jack Straw rằng Tòa Thánh muốn thấy có được một hạn định dứt khoát cho việc phục hồi chủ quyền ở Iraq.

Điều yêu cầu này được bộc lộ khi Tòa Thánh đang sửa soạn cho việc Tổng Thống Bush triều kiến ĐGH GPII có thể vào ngày 4/6/2004 tại Vatican. Chủ trương của Tòa Thánh hiện nay đối với tình hình Iraq đó là: “Tái thiết lập nền an ninh nội bộ cho xứ sở này, hợp tác với tất cả mọi lực lượng đang ở Iraq để giúp đỡ nhân dân Iraq, làm sao cho dân nhân Iraq thấy rằng những lực lượng này ở đó là để giúp đơ õ họ chứ không phải để đàn áp họ, và phục hồi nền độc lập cũng như chủ quyền cho xứ sở này sớm bao nhiêu có thể”.

ĐTGM nói tiếp: “Liên Hiệp Quốc cần phải nhúng tay vào cuộc. Đây không phải là điều dễ thực hiện. Cần phải thực hiện một cuộc hy sinh, nhưng nó đòi phải có tinh thần quảng đại. Mặc dù Liên Hiệp Quốc bị hất ra ngoài ngay từ đầu cuộc chiến, Liên Hiệp Quốc cũng cần phải nhào vô để chấm dứt cuộc chiến tranh ấy”.

Theo vị TGM đại diện Tòa Thánh này thì vấn đề tối ưu tiên hiện nay là “đặt làm đầu chính phủ ở Iraq sớm bao nhiêu có thể một vị lãnh đạo Iraq không nói với nhân dân Iraq bằng Anh ngữ mà là bằng tiếng Ả Rập hợp với cảm thức của họ. Ngoài ra cần phải làm sao cho thấy rằng lịch trình bảo đảm vấn đề nhắm đến việc hoàn toàn phục hồi chủ quyền và độc lập cho xứ sở này cũng đang được thực hiện”. Mục tiêu là để làm sao cho quân đội ngoại quốc rời bỏ đất nước này “sớm bao nhiêu có thể”.

ĐTGM nhận định thêm “không thể nghĩ rằng Hiệp Chủng Quốc sẽ không truyền lệnh cho quân đội của mình, nhưng dầu sao họ cũng cần phải tuân hành đúng những gì thỏa thuận với Hội Đồng Bảo An. Chắc hẳn họ không ở Iraq để quyết định theo ý mình. Đúng thế, tôi nghĩ rằng họ không có ý định gửi sang một lực lượng có những hành động lộng hành. Tôi nghĩ là Hiệp Chủng Quốc muốn bảo đảm tình trạng an ninh cho xứ sở này và đàng hoàng rút quân khỏi Iraq ngay khi họ có thể”.

ĐTGM tiếp tục cho biết “Vẫn không tìm ra các thứ vũ khí đại công phá, nên ý hướng thiết lập một chế độ dân chủ là điều chắc chắn phải thực hiện, nhưng người ta cũng cần phải lưu ý là nền dân chủ đòi phải có một môi trường văn hóa. Chúng ta chắc hẳn là hài lòng với những hình thức dân chủ cần thiết có thể bảo đảm yếu tính của nó, nhưng trước hết, điều khẩn trương đó là một chế độ được dân chúng ưng thuận”.

Về những hành động đối xử dã man vô nhân đạo với tù nhân Iraq, ĐTGM cho biết “đối với Hiệp Chủng Quốc là một cú đấm xiểng niểng hơn cả cú đấm 911, chỉ khác nhau ở chỗ cú đấm này không phải tung ra bởi những tay khủng bố mà là bởi chính những người Hoa Kỳ”. ĐTGM cảnh giác là ở các quốc gia Ả Rập “rất nhiều đám đông dân chúng, bị ảnh hưởng của truyền thông Ả Rập, đang cảm thấy thù hằn và hận ghét đối với Tây Phương. Thật vậy, Tây Phương thường đồng nghĩa với Kitô giáo và nó là một đồng nghĩa không phải là hoàn toàn không có lý do, vì thực sự Tây Phương đã được phát triển nhờ những giá trị Kitô giáo và nhiều nước đã được ảnh hưởng bởi những giá trị ấy. Chúng ta hãy nghĩ tới trường hợp Hiệp Chủng Quốc, với câu tâm niệm: ‘Chung tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa’”.

Đó là lý do việc ĐTC GPII chống lại cuộc chiến này là điều hợp tình hợp lý, vì để tránh đi vấn đề bị coi như Kitô giáo tấn công Hồi giáo vậy: “ĐTC đã nói rất rõ ràng rồi. Nếu người ta nghe lời của Ngài thì giờ đây họ không cần phải than van nhiều quá như vậy. Bạo lực phát sinh bạo lực; chiến tranh gây ra máu lửa. Tôi thường nhớ những gì Lincoln đã nói: ‘Chẳng có gì là tốt đẹp nơi chiến tranh hết trừ khi chấm dứt chiến tranh’”.

Vì việc trao đổi không thành, việc trao đổi nhân viên truyền thông Nick Berg ở Pennsylvania bị bắt cóc làm con tin với những tù nhân ở nhà tù bị đối xử vô nhân đạo, nhân viên nạn nhân này đã bị lấy đầu. Cuốn băng hình cho thấy một tên bịt mặt đã đọc bản án lấy đầu nhân viên truyền thông 26 tuổi này là để trả thù cho “hành động quỉ sứ Satan tàn tệ” của binh lính Hoa Kỳ đối với các tù nhân Iraq. Việc hành quyết này được thi hành bởi Abu Musab al-Zarqawi, một liên minh chúa đảng của nhà lãnh đạo tổ chức khủng bố quốc tế al Qaeda Osama bin Laden.

Suốt trong hai ngày Thứ Ba và Thứ Tư 11-12/5/2004, những hình ảnh của người nhân viên truyền thông này với các tay bắt cóc nạn nhân đã tràn ngập các đài truyền hình và báo chí Ả Rập, gây xúc động thế giới, với những lời lên án của các vị lãnh đạo quốc gia, nhưng cũng được những người đồng chí hướng hoan hô ủng hộ. Giới truyền thông Ả Rập thận trọng tỏ ra phản ứng về biến cố này, trong khi đó một số coi nhẹ vấn đề.

The United Arab Emirates (UAE) hôm Thứ Tư đã lên án việc lấy đầu này, cho việc saát hại này là “một tội ác ghê tởm chống lại thế giới văn minh”. Bộ Trưởng Thông Tin của UAE là Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahayan đã phổ biến một văn kiện với nhận định rằng: “Chúng tôi lấy làm hổ thẹn vì những tên khủng bố thực hiện một hành động cuồng loạn và phi nhân bản này nhân danh tôn giáo và văn hóa của chúng tôi. Hành động dã man ghê tởm này không thể nào có thể biện minh và không hề có dính dáng gì với Hồi giáo hay với các giá trị Ả Rập của chúng tôi”.

Tuy nhiên, một số ở A Phú Hãn lại tỏ ra bênh chữa cho kẻ sát nnhân, đổ lỗi cho Hiệp Chủng Quốc đã bắt đầu cuộc bạo loạn sau khi lực lượng liên minh chiếm cứ Iraq. Một người tên Jabar Khan ở Kabul cho biết “Việc lấy đầu này là một hành động tốt vì những người Iraq đã bị đàn áp và hễ ai bị đàn áp đều phải tự vệ. Là một người Hồi Giáo tôi ủng hộ hành động này”.

Một tín đồ Hồi giáo ở Nam Dương, tại Jakarta, tên là Budi, đã cho biết: “Ngay cả những con tin thì theo giáo huấn của Hồi Giáo cũng phải được đối xử một cách nhân đạo. Nếu người khác làm khác đi thì không có nghĩa là chúng ta phải làm theo đúng như thế. Thế nhưng trong những trường hợp hiện nay… như những tình trạng hỗn loạn ở Iraq… chúng ta không thể qui trách cho những người Hồi giáo sống một cuộc đời hoàn toàn bị hủy hoại”.


ĐTC GPII lập lại lời kêu gọi cầu cho hòa bình ở Trung Đông

Dự Án Hòa Bình ở Iraq

Vào lúc kết thúc buổi triều kiến chung Thứ Tư 12/5/2004 ở Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã nhận một dự án hòa bình cho Iraq được phác họa bởi ông Franco Vaccari, sáng lập viên tổ chức Rondine, Thành Đô Hòa Bình, một cơ cấu bắt nguồn ở Ý, nhắm mục đích nuôi dưỡng việc đối thoại nơi giới trẻ trên thế giới.

Khi đệ trình lên ĐGH dự án này, vị sáng lập viên vốn là một tâm lý gia, có vợ và 4 con, được 4 vị giám mục đi kèm, những vị thuộc miền Tuscany trung Ý, cũng như được cả hai vị khác cùng đi là bề trên tổng quyền Tu Hội Camaldolese của Dòng Thánh Biển Đức và bề trên của Đền Thánh Phanxicô ở La Verna.

“Tôi lập lại lời mời gọi nguyện cầu hòa bình cho thế giới, nhất là ở Iraq và Trung Đông. Chớ gì những thành phần dân chúng dấu yêu ấy có thể, nhờ sự nâng đỡ của cộng đồng quốc tế, dứt khoát bước đi trên con đường hoàa giải, đối thoại và hợp tác”.

Bước đầu tiên của dự án Hòa Bình cho Iraq là một Ngày Cầu Nguyện sẽ được tổ chức vào ngày 21/5 ở đền thánh Verna, tọa lạc trên ngọn núi Thánh Phanxicô được in năm dấu thánh. Ngày cầu nguyện này kêu gọi tất cả các Kitô hữu thuộc mọi Giáo Hội, cộng đồng và giáo phái tham dự, cùng với các vị thẩm quyền thuộc Do Thái giáo và Hồi giáo ở Ý quốc.

Bước thứ hai là trong tháng này các chính trị gia và các vị lãnh đạo về văn hóa ký kết “một quyết tâm chung về chính trị” để kêu gọi “thiết lập một lực lượng quân đội Âu Châu-Địa Trung Hải bao gồm những quốc gia hiện nay ở ngoài vòng chiến”.

Vị sáng lập viên tâm lý gia này cho tờ nhật báo Avvenire biết rằng: “Ngày nay vấn đề rõ ràng là người ta không thể tẩu thoát khỏi Iraq hay bất cứ giá nào cũng ở lại đó, hoặc không thể yêu cầu việc Liên Hiệp Quốc tham gia, bởi vai trò của nó đã bị suy yếu, vì giờ đây nó không thể nào làm bất điều gì được yêu cầu thực hiện. cần phải thay thế những lực lượng ở miền này. Những ai chiến thắng chế độ ở đó…. được oi là một thứ lực lượng đi xâm chiếm. Âu Châu giờ đây phải đóng một vai trò chủ động cùng với các quốc gia Ả Rập. Thật là ảo tưởng khi đợi chờ cho đến ngày 30/6”.

Theo người phác họa ra dự án này thì nó “không phải là mặt trái của bất cứ hình thức nào chống lại chủ nghĩa Hoa Kỳ. Chúng tôi tìm cách để trở lại ngồi xuống với nhau hoạch định tương lai nhắm đến mục đích chiếm được hòa bình sớm bao nhiêu có thể”. Đó là cơ hội để nhận ra “ai thực sự tìm kiếm hòa bình và ai là người theo đuổi những lợi lộc khác”.
 

Tại Sao Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát?

Hôm nay là ngày 13/5/2004, ngày kỷ niệm đúng 23 năm trước đây, 13/5/1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị một người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Agca ám sát tại Quảng Trường Thánh Phêrô nhưng không chết, chỉ bị thương ở dạ dầy mà thôi. Về biến cố hay sự kiện Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát, vấn đề cần được giải quyết ở đây là tại sao Ngài bị ám sát? Về lý do tại sao Ngài bị ám sát, cho tới nay, vẫn còn ở trong vòng bí mật, vì công lý, sau 22 năm, vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, dấu vết của lực lượng chủ mưu trong vụ này vẫn còn kín mít. Trong Đại Năm Thánh 2000, ĐTC đã xin tổng thống Ý tha cho người sát hại Ngài, và Ali Agca sau 20 năm trong tù đã được Ý trao trả cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2001, và tiếp tục ở tù ở quốc gia của mình vì tội sát hại một vị giám đốc nhật báo vào năm 1979. Ngày 24/5/2002, khi viếng thăm nước Bulgaria, ĐTC đã xác nhận là Ngài không bao giờ nghĩ đến chuyện “Bulgarian connection”, một vấn đề được tin tức tung ra từ tháng 9/1981 qua lời cung khai của Ali Agca. Sau cả trăm cuộc điều trần, Ali Agca thú nhận là vấn đề “móc nối với người Bulgaria” là chuyện anh ta bịa đặt, thế nhưng vào năm 1997 anh ta lại lập lại tư tưởng này.

Vấn đề tại sao Đức Thánh Gioan Phaolô II bị ám sát dù chưa tìm ra sự thật về khía cạnh kẻ chủ mưu, nhưng vẫn có thể được giải quyết về khía cạnh ngày giờ Ngài bị ám sát. Theo tôi, làm sáng tỏ vấn đề ngày giờ Ngài bị ám sát là có thể tìm ra căn nguyên tại sao Ngài bị ám sát. Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Ngài lại bị ám sát vào ngày 13/5 mà không bị ám sát vào ngày nào khác? Phải chăng vì đó là ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần đầu tiên 13/5/1917? Nếu vậy thì việc Đức Thánh Cha bị ám sát có liên quan đến trời cao, nói cách khác, là vì trời cao muốn Ngài làm một việc gì đó…

Đúng thế, theo các văn bản được ghi lại từ thập niên 1940, (chứ không phải kiểu “tiên tri tri hậu”), ngoài ba Mệnh lệnh Fatima là cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Mẫu Tâm, thì điều được nhiều người biết đến nhất nơi Biến Cố Thánh Mẫu, điều mà người Công Giáo Việt Nam được nghe thấy từ trước năm 1975, đó là “cuối cùng Trái Tim Mẹ sẽ thắng…. Nước Nga sẽ trở lại”. Thật ra, lời này là lời ở phần Bí Mật Fatima thứ hai, nguyên văn của lời nói có vẻ hay có tính cách tiên tri này như sau: “Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giữa sự kiện “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” và hiện tượng “Nước Nga trở lại” là cả một đường dài vô cùng khó khăn, ở chỗ điều kiện “Đức Thánh Cha hiến dâng Nước Nga” cần phải thực hiện trước, bằng không, không bao giờ sẽ có chuyện lạ đời “Nước Nga trở lại”, một quốc gia đi tiên phong trong việc thiết lập chế độ cộng sản trong lịch sử loài người (từ 11/1917) và đã gieo rắc chủ nghĩa này khắp thế giới, đến nỗi, sau Thế Chiến Thứ Hai, thế giới đã trải qua một thời kỳ Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản, một cuộc chiến bất phân thắng bại giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Sô, một cuộc chiến tí nữa đã làm bùng lên một cuộc chiến tranh nóng, tức Thế Chiến Thứ Ba, vào đầu Tháng 10/1963, tức ngay trước khi Công Đồng Chung Vaticanô II khai mạc (11/10/1963), khi Liên Sô chĩa đầu đạn nguyên tử vào Hoa Kỳ ở Vịnh Cuba.

Để biết được cuộc hành trình khó khăn thế nào trong việc “Đức Thánh Cha hiến dâng Nước Nga”, chúng ta hãy nghe chị Lucia, vào năm 1940, trong Thư gửi cho Cha Linh Hướng đề ngày 18/8, xác nhận như sau:

• "Con nghĩ rằng Chúa lấy làm hài lòng khi có ai cố gắng để làm cho Vị Đại Diện của Người trên thế gian làm hiện thực ý muốn của Người. Thế nhưng Đức Thánh Cha chưa làm điều này. Ngài hồ nghi về sự thật của nó và Ngài có lý của Người... Con rất thông cảm với với Đức Thánh Cha và con cầu nguyện rất nhiều cho Ngài” ("Documents on Fatima & the Memoirs of Sister Lucia", English Edition by Fatima Family Apostolate 1992, page 336).

Chị Lucia đã viết thư đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24/10/1940 về ý muốn của Thiên Chúa này… Thế rồi, kết quả là, 40 năm sau ý muốn của Thiên Chúa mới được thực sự và trọn vẹn hoàn tất. Các Đức Thánh Cha quả thực có thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, nhưng không hoàn toàn và trọn vẹn, như Đức Piô XII vào ngày 31/10/1942, dịp kỷ niệm Ngân Khánh 25 năm Biến Cố Fatima, và 7/7/1952, lễ hai thánh Cyrilô và Mêthôđiô, những vị tông đồ của sắc dân Slav là sắc dân bao gồm cả dân tộc Nga; Đức Phaolô VI vào ngày 21/11/1965 trước các nghị phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II; Đức Gioan Phaolô II vào ngày 13/5/1982 tại Fatima để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu mạng Ngài một năm trước, và ngày 25/3/1984 tại chính Giáo Đô Rôma.

Thế nhưng, vấn đề ở đây là để các vị lãnh đạo Đức Tin Giáo Hội Chúa Kitô này thực hiện một điều theo mạc khải tư liên quan đến tình hình chính trị vô cùng tế nhị của thế giới này, trời cao đã phải chạm đến chính đời sống cá nhân của các vị, để các vị có thể nhận ra dấu chỉ thời đại. Chẳng hạn, sở dĩ Đức Thánh Cha Piô XII bắt đầu thực hiện cuộc hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một cuộc hiến dâng thế giới chứ không phải riêng Nước Nga, vào ngày 31/10/1942, một việc hiến dâng loài người đầu tiên cho Trái Tim Mẹ, Trời Cao đã cho Ngài thấy được đời sống cá nhân của Ngài có một liên hệ mật thiết với Biến Cố Thánh Mẫu Fatima. Đó là biến cố Ngài được thụ phong lên hàng giáo phẩm đã xẩy ra vào chính ngày giờ Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần đầu tiên 13/5/1917. Kể cả Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng thế, dù là một vị giáo hoàng rất tôn sùng Mẹ Maria, đến nỗi đã lấy khẩu hiệu “Tất cả của con là của Mẹ” và đã khắc chữ M hoa vào huy hiệu giáo hoàng của mình (một việc chưa từng có), song Ngài cũng đã phải được Trời Cao thúc động bằng chính viên đạn của Ali Agca vào chính ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima 13/5. Nhận ra dấu chỉ thời đại, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chẳng những đã thực hiện hoàn toàn và trọn vẹn những gì Chúa muốn, còn tiết lộ tất cả Bí Mật Fatima, tức phần thứ ba còn lại của bí mật này, phần mà trong khi chưa được tiết lộ nhiều người đã cho rằng liên quan đến Thế Chiến Thứ Ba hay đến tận thế, nhưng lại là phần Ngài cho rằng liên quan đến chính bản thân Ngài, Vị Giám Mục Rôma mặc áo trắng bị ám sát.

Như thế, chúng ta thấy, trong việc “Nước Nga trở lại” đúng như lời Mẹ Maria tiên báo ở Fatima ngày 13/7/1917, Thiên Chúa còn hiển nhiên thực hiện ý định của Ngài, ý định đã được Ngài tỏ cho thế giới biết qua Mẹ Maria cũng vào lần hiện ra này, đó là “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”. Ngài đã thiết lập bằng biến cố “Nước Nga trở lại” như thế nào, nếu không phải qua trung gian Giáo Hội, tức qua việc Đức Thánh Cha phải hợp cùng các giám mục trên thế giới “hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”. Thật vậy, trong Thư đề ngày 18/5/1936, chị Lucia đã viết cho cùng Cha Linh Hướng của chị về việc chị cảm thấy khó khăn trong vấn đề làm sao để Đức Thánh Cha tin tưởng mà làm theo ý muốn của Thiên Chúa, đến nổi chị đã đặt vấn đề thẳng với Chúa và được Người trả lời như sau:

• “Con đã thân tình nói với Chúa về vấn đề này, và cách đây không lâu con đã hỏi Người rằng tại sao Người không làm cho Nước Nga trở lại mà không cần đến việc Đức Thánh Cha phải hiến dâng? ‘Vì Cha muốn cho toàn thể Giáo Hội nhìn nhận rằng việc hiến dâng này là việc toàn thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để sau này Giáo Hội phổ biến lòng tôn sùng này và đặt lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria song song với lòng tôn sùng Thánh Tâm Cha” (cùng nguồn trích dẫn trên, trang 286).

Vậy vấn đề tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát đã được hoàn toàn sáng tỏ, dù chưa biết được lực lượng chủ mưu, hay không cần biết đến tay chủ mưu hay ý đồ chủ mưu, đó là vì Trời Cao muốn Ngài thực hiện ý định của mình khi thời điểm tới. Quả thực, sau biến cố hiến dâng vô cùng khó khăn này, Chúa đã thực hiện lời Người hứa là làm cho “Nước Nga trở lại”. Ở chỗ, ngay sau khi hàng giáo phẩm hiến dâng Nước Nga đúng một năm, vào tháng ba năm 1985, Gorbachev đã xuất hiện, một vị lãnh đạo trẻ nhất của Liên Bang Sô Viết, song cũng là một con người đã biến đổi cả Khối Cộng Sản Đông Âu lẫn Liên Bang Sô Viết. Khối Cộng Sản Đông Âu đã tự động theo nhau sụp đổ một cách bất ngờ và nhanh chóng vào cuối năm 1989, bắt đầu từ chính quên hương Balan của vị giáo hoàng Gioan Phaolô II, sau đó đến chính Nước Nga vào ngày vị lãnh đạo cuối cùng của khối này là Gorbachev chính thức từ chức vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/1991.

Thế nhưng, sau khi “Nước Nga trở lại”, phải chăng “thế giới đã được ban cho một thời gian hòa bình”, đúng như những gì Mẹ Maria đã tiết lộ trong Bí Mật Fatima, nhưng thời gian hòa bình này phải chăng chỉ kéo dài 10 năm, từ sau khi Nước Nga trở lại 25/12/1991 tới 11/9/2001, ngày Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công, và đã chẳng những tấn công khủng bố A Phú Hãn ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi 7/10/1991, mà còn tấn công giải giới Iraq vào ngày Lễ Thánh Giuse 19/3/2002?.....
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL