GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 20 THỨ NĂM

 

“Vấn Đề Liên Văn Hóa, Liên Tôn Giáo và Đối Thoại Đại Kết Trong Môi Trường Di Dân Hiện Nay”.

ĐTC GPII với Đại Hội của Hội Đồng Tòa Thánh Về Di Dân Và Du Hành

Thứ Ba 18/5/2004, ĐTC GPII đã ban huấn từ cho tham dự viên Đại Hội thường niên của Hội Đồng Tòa Thánh Về Di Dân Và Du Hành, một đại hội 3 ngày được tổ chức ở Rôma kéo dài tới hết ngày Thứ Tư 19/5/2004. Phân bộ Tòa Thánh này hôm 14/5/2004 vừa phổ biến một bản Hướng Dẫn với tựa đề: Erga migrantes caritas Christi - Tình Yêu Chúa Kitô Với Những Người Di Dân, một văn kiện được ký ngày 3/5/2004.

Điểm chủ chốt ĐTC muốn nhấn mạnh ở đây trong bài huấn từ của Ngài đó là việc người Công Giáo tiếp nhận một cách đối thoại và huynh đệ đối với thành phần di dân thuộc các tôn giáo khác trong thời đại toàn cầu hóa này là đường lối để truyền bá phúc âm hóa.

“Việc đối thoại huynh đệ và tương kính nhau không bao giờ lại giới hạn hay ngăn trở cho việc loan báo Phúc Âm. Trái lại, tình yêu thương và việc chấp nhận là đường lối tiên khởi và hiệu nghiệm nhất để truyền bá phúc âm hóa. Đề tài của Đại Hội thường niên năm nay của phân bộ này là “Vấn Đề Liên Văn Hóa, Liên Tôn Giáo và Đối Thoại Đại Kết Trong Môi Trường Di Dân Hiện Nay”.

ĐTC đã muốn làm sáng tỏ vấn đề hiểu lầm đang xẩy ra liên quan đến vấn đề đối thoại liên tôn làm mất đi căn tính và niềm tin của những ai tin tưởng vào Giáo Hội.

“Thực tại di dân ngày nay hết sức đòi các cộng đồng Kitô hữu phải tái loan báo phúc âm. Nó thách đố việc dấn thân mục vụ và việc làm chứng từ của tất cả mọi người: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

“Nếu ‘vấn đề toàn cầu hóa’ là một từ ngữ xứng hợp nhất để trình bày cho thấy việc tiến hóa của lịch sử hiện nay thì chữ ‘đối thoại’ cũng là đặc điểm của thái độ về tâm linh cũng như về mục vụ tất cả chúng ta cần phải có trước một thứ quân bình mới trên thế giới. Con số liên tục xẩy ra khoảng 200 triệu người di dân càng làm cho nó trở thành khẩn trương hơn.

”Mỗi nền văn hóa là một cách tiếp cận với mầu nhiệm con người, cũng như với chiều kích tôn giáo của họ, và đó là lý do tại sao, như Công Đồng Chung Vaticanô II khẳng định, cũng có một số yếu tố chân thực nào đó ở ngoài sứ điệp mạc khải, kể cả nơi thành phần vô tín ngưỡng, thành phần gieo vãi những giá trị nhân bản cao quí, cho dù họ không nhận thấy nguồn gốc của những giá trị ấy.

“Bởi thế, cần phải tiếp cận với tất cả mọi thứ văn hóa bằng một thái độ tôn trọng của con người nhận thức rằng không phải là họ có những gì để phát biểu và ban phát mà còn nhiều cái cần phải lắng nghe và nhận lãnh nữa.

“(Thái độ này) cần thiết để loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi người. Bởi thế mà nhu cầu đối thoại liên tôn đó là một tiến trình cởi mở, khi cho rằng tất cả mọi sự đều tốt lành và chân thực nơi các nền văn hóa khác nhau, một tiến trình tìm cách loại trừ những chướng ngại vật ngăn cản con đường đức tin.

“Cuộc đối thoại này còn bao gồm cả một sự đổi thay sâu xa về tâm thức cũng như về cấu trúc mục vụ, nhờ đó tất cả những gì được các vị chủ chăn đầu tư vào việc huấn luyện về mặt thiêng liêng cũng như về văn hóa, bao gồm cả những cuộc gặp gỡ về văn hóa, mới hướng về tương lai, và trở thành một yếu tố cho việc tân truyền bá phúc âm hóa.

“Cho nên các Giáo Hội địa phương cần phải cởi mở chấp nhận, bằng những hoạt động mục vụ liên quan đến việc hội họp và đối thoại, nhưng trước hết các Giáo Hội địa phương này cần phải giúp cho tín hữu thắng vượt được những thành kiến cũng như giáo dục họ trở thành những nhà truyền giáo ‘ad gentes’ cho muôn dân nơi những phần đất của chúng ta”.

ĐTC nhận định rằng những cuộc họp hội ấy có thể cống hiến “những cơ hội mới cho tình huynh đệ và đối thoại đại kết, chứ không phải cho việc hòa đồng tôn giáo và dụ giáo, cũng như cho việc hiểu biết nhau hơn nữa giữa các Giáo Hội và cộng đồng giáo hội”.

Riêng với thành phần di dân Hồi Giáo đang lan tràn và tăng phát ở Âu Châu hiện nay, Đức Thánh Cha cũng nhận thấy những cái khó khăn thách đố của nó:

“Việc hội nhập của các dân tộc thuộc các tôn giáo và văn hóa khác không bao giờ thoát khỏi những lầm lẫn và khó khăn. Điều này đúng là như thế, nhất là với việc di dân của các tín đồ Hồi Giáo, những người gây ra những vấn đề đặc biệt. Những khó khăn thử thách này đã được liệt kê và kể đến trong Bản Hướng Dẫn “Tình Yêu Chúa Kitô Với Những Người Di Dân” do phân bộ này phổ biến ngày 14/5/2004, ở các đoạn 65-68.

Về vấn đề tiếp nhận thành phần di dân Hồi Giáo, đoạn 65 đã nói rằng Công Đồng Chung Vaticanô II kêu gọi “hãy thực hiện một cuộc thanh tẩy hồi ức liên quan đến những hiểu lầm quá khứ, hãy vun trồng những giá trị chung và hãy làm sáng tỏ cùng tôn trọng tính cách đa dạng song không loại bỏ các nguyên tắc Kitô giáo.

“Các cộng đồng Công Giáo bởi đó đều được kêu gọi để tiến đến chỗ nhận thức. Đó là vấn đề phân biệt giữa những gì có thể và những gì bất khả chung đụng nơi các tín điều và thực hành về đạo giáo cũng như nơi các luật về luân lý của Hồi Giáo”.

Đoạn 66 của bản văn kiện khẳng định và phân biệt như sau: “Niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Xót Thương, việc nguyện cầu hằng ngày, việc chay tịnh, việc bố thí, việc hành hương, việc khổ chế để làm chủ đam mê nhục dục, và việc chiến đấu chống tình trạng bất công cũng như tình trạng bị đàn áp là những giá trị chung được thấy cả nơi Kitô giáo nữa, mặc dù những giá trị ấy được thể hiện hay bộc lộ một cách khác nhau.

“Tuy nhiên, ngoài những điểm tương đồng này, còn có những điểm tương phản, trong đó có một số điểm liên hệ tới các vấn đề sâu xa với đời sống và tâm tưởng tân tiến.

“Khi nghĩ đặc biệt đến vấn đề nhân quyền, chúng ta hy vọng rằng, về phía anh chị em Hồi Giáo của chúng ta, sẽ ý thức hơn nữa là các quyền tự do căn bản, những quyền lợi bất khả vi phạm của con người, phẩm vị bình đẳng giữa người nam và nữ, nguyên tắc dân chủ của chính quyền, cũng như đặc tính trần thế lành mạnh của Quốc Gia là những nguyên tắc không thể nào bị chế ngự”.

Về việc lập gia đình của một phụ nữ Công Giáo với một người chồng Hồi giáo, bản văn kiện nhận định là “kinh nghiệm cay đắng cho thấy rằng cần phải đặc biệt cẩn thận sửa soạn cho thật chắc chắn”.

“Trong cuộc sửa soạn này, hai người đính hôn với nhau sẽ được dạy cho biết để ý thức ‘chấp nhận’ những khác biệt sâu xa về văn hóa cũng như về văn hóa mà họ sẽ phải đương đầu, nơi giữa họ với nhau cũng như nơi những gì dính dáng với gia đình đôi bên và với môi trường nguyên gốc của người Hồi Giáo là nơi họ có thể trở về sau thời gian sống ở hải ngoại.

“Nếu cuộc hôn nhân này được làm hôn thú tại Tòa Lãnh Sự của quốc gia gốc Hồi Giáo thì bên phía người Công Giáo cần phải lưu ý tới việc đọc hay hát những bản văn chất chứa niềm tin tưởng của Hồi Giáo ‘shahada’.

“Nếu bất chấp mọi sự để tiến hành việc hôn nhân giữa một người Công Giáo và Hồi Giáo thì chẳng những đòi phải được phép chuẩn mà còn được sự ủng hộ nâng đỡ của cộng đồng Công Giáo cả trước và sau khi thành hôn nữa.

“Một trong những công việc quan trọng nhất của các hiệp hội Công Giáo, những thiện nguyện viên và những dịch vụ tham vấn đó là giúp cho các gia đình ấy biết giáo dục con cái của họ, và nếu cần, nâng đỡ phần tử ít được bảo vệ nhất của gia đình người Hồi Giáo, đó là phụ nữ, nhận thức và chứ trọng đến các quyền lợi của họ”.

Sau hết, về vấn đề rửa tội cho con cái, bản văn kiện hướng dẫn rằng: “các qui tắc của hai tôn giáo hoàn toàn tương phản nhau. Bởi thế, vấn đề cần phải được nêu lên một cách hết sức rõ ràng trong giai đoạn sửa soạn thành hôn, và bên người Công Giáo cần phải mạnh mẽ về những gì Giáo Hội đòi buộc.

“Cũng phải rất ý tứ về vấn đề những người lớn Hồi Giáo trở lại và xin lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, vì bản chất đặc biệt nơi tôn giáo của người Hồi Giáo cũng như vì các hậu quả xẩy ra sau đó”.

 

Những Người Công Giáo Đi Bỏ Phiếu Cho Các Chính Trị Gia Cấp Tiến Không Được Rước Lễ

Hai Giám Mục Hoa Kỳ ở Colorado và Oregon cảnh báo đoàn chiên địa phương của mình

Thật vậy, những người Công Giáo nào đi bỏ phiếu ủng hộ cho các chính trị gia chủ trương coi thường hay phản chống giáo huấn của Giáo Hội về những vấn đề luân lý như phá thai, đồng tính hôn nhân, triệt sinh an tử hay nghiên cứu thân bào tạo sinh sao bản v.v., không được rước lễ. Đó là lời cảnh báo của hai đấng bản quyền địa phương này, ĐTGM John Vlazny 67 tuổi ở Partland tiểu bang Oregon và ĐGM Sheridan, 59 tuổi, giáo phận Colorado Springs.

Trong bức thư mục vụ được phổ biến vào tuần vừa rồi, 9/5/2004, ĐGM giáo phận Colorado Springs tiểu bang Colorado đã viết như sau:

“Bất cứ ai miệng lưỡi tuyên xưng đức tin Công Giáo đồng thời lại công khai ủng hộ việc lập pháp hay các ứng cử viên coi thường lề luật Thiên Chúa thì họ là những người chế giễu đức tin ấy và phản lại căn tính là một người Công Giáo của mình”.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, vị giám mục này đã nói với tờ New York Times rằng: “Tôi không nói lên một lời phát biểu về chính trị. Tôi đang phát biểu về giáo huấn của Giáo Hội”.

Trong bức thư mục vụ của mình, vị chủ chăn này viết tiếp:

“Trong số những thứ méo mó và trình bày sai lệch đang thịnh hành nơi các cuộc tranh luận hiện nay về mối liên hệ giữa tôn giáo và lãnh vực xã hội (chính trị) có chủ trương cho rằng đức tin và chính trị là những gì tách biệt. Hiển nhiên đây là điều phát xuất từ chủ nghĩa của người Hoa Kỳ về việc tách biệt giáo hội ra khỏi quốc gia.

“Thật thế, bức tường tách biệt giáo hội ra khỏi quốc gia là những gì bảo đảm không có vấn đề thiết lập một thứ tôn giáo quốc gia cũng như không có vấn đề áp đặt việc tin đạo và sống đạo theo giáo phái, chẳng hạn như việc áp đặt những hình thức thờ phượng hay những điều khoản về thần học của một giáo phái đặc biệt. Chủ nghĩa của người Hoa Kỳ trong việc tách biệt giáo hội ra khỏi quốc gia dầu sao cũng không thể nào cho rằng những con người sống đạo không được tùy theo lương tâm chân chính của mình nơi những chọn lựa về chính trị”.

Sau khi giải thích về trách nhiệm của người tín hữu và của các chính trị gia Công Giáo trong việc cần phải công khai tỏ hiện đức tin của mình, vị chủ chăn này minh định: “Không được lẫn lộn ở những vấn đề này. Bất cứ chính trị gia Công Giáo nào biện hộ cho việc phá thai, cho việc nghiên cứu tạo sinh sao bản thân bào không được phép hay cho bất cứ hình thức triệt sinh an tử thì đương nhiên ‘ipso facto’ đặt mình ở ngoài mối hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội và bởi đó cũng nguy hiểm đến phần rỗi của mình.

“Bất cứ người Công Giáo nào bỏ phiếu cho những ứng cử viên tranh đấu cho vấn đề phá thai, vấn đề nghiên cứu tạo sinh sao bản thân bào hay vấn đề triệt sinh an tử đều phải chịu cùng những hậu quả trầm trọng.

“Đó là lý do những người Công Giáo ấy, dù là ứng cử viên hay những ai bầu cho họ, đều không được Rước Lễ cho đến khi họ cải lại chủ trương của họ và làm hòa với Thiên Chúa cùng Giáo Hội nơi Bí Tích Thống Hối”.

Cũng trong tuần vừa rồi, khi viết một bài cho tờ nhật báo Catholic Sentinel, ĐTGM Portland Oregon cũng có cùng chủ trương như vị giám mục ở Colorado Springs như sau:

“Nếu người Công Giáo quyết định bầu cho các chính trị gia phò quyền tự quyết thì phải chăng không được lên Rước Lễ?

“Nếu họ bầu cho những người ấy vỉ vì những người này là thành phần phò quyền tự quyết, thì tôi cho rằng cả họ nữa cũng không được Rước Lễ, vì họ không còn hiệp thông với Giáo Hội về một vấn đề hệ trọng.

“Thế nhưng, nếu họ bầu cho một chính trị gia đặc biệt, vì theo phán đoán của họ, những ứng cử viên khác vấp phải những vấn đề hệ trọng hơn nữa, chẳng hạn như về vấn đề chiến tranh và hòa bình, nhân quyền và công lý kinh tế thì không có dấu hiệu nào tỏ ra phản lại giáo huấn của Giáo Hội và việc Hiệp Lễ vừa thích hợp và ích lợi.

“Những người Công Giáo ủng hộ những chính trị gia phò quyền tự quyết phải chịu trách nhiệm hệ trọng liên quan đến chủ trương của họ về vấn đề ấy. Họ phải làm sáng tỏ vấn đề cho các chính trị gia này cũng như cho các nhà lãnh tụ chính quyền biết rằng việc ủng hộ của họ không dựa theo đường hướng phò quyền tự quyết của những vị lãnh đạo chính trị này”.

 

“Công việc của chúng ta là xây dựng một thứ văn minh yêu thương”

ĐTGM Boston cảm thấy buồn phiền về vấn đề đồng tính hôn nhân ở Massachusetts

ĐTGM Sean O’Malley, vị thay thế ĐHY Bernard Law, qua một văn thư được phổ biến hôm Thứ Hai 17/5/2004, ngày chính thức vấn đề hôn nhân đồng tính được ban phép ở tiểu bang này, ngày có hơn 1000 cặp đồng tính luyến ái nộp đơn xin làm hôn thú, đã lên tiếng than về việc tiểu bang ngài ở đã tiến đến chỗ cho phép hôn nhân đồng tính, tuy nhiên ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội vẫn quyết tâm nắm giữ sự thật của hôn nhân là chuyện của con người nam nữ.

“Chúng tôi hết sức buồn thảm nhận thấy vào Ngày Thứ Hai này là ngày thiết lập cho các cuộc hôn nhân đồng tính ở tiểu bang Massachusetts đây.

“Giáo Hội Công Giáo vẫn cương quyết giữ đúng sự thật chất chứa nơi hôn nhân là một liên hệ đặc thù giữa một người vợ và một người chồng, một liên hệ là nền tảng vững chắc của gia đình và xã hội chúng ta. Chủ trương của chúng tôi trong việc bênh vực hôn nhân là những gì được tác động bởi niềm xác tín sâu xa liên hệ tới công ích của tất cả mọi người.

“Hôn nhân là cơ cấu được pháp luật đặc biệt bảo vệ với nhiều thiện ích, vì nó là một cơ cấu thích hợp nhất trong việc sản sinh và nuôi dưỡng con cái. Việc thiết lập quyền hôn nhân đồng tính thật ra chẳng những không củng cố cơ cấu hôn nhân trong xã hội của chúng ta mà còn làm suy yếu nó đi, bởi hôn nhân trở thành chỉ như là một thứ chọn kiểu sống.

“Chúng tôi hy vọng rằng ở một lúc nào đó chẳng bao lâu sau này, các vị lập pháp của chúng ta sẽ ban hành những khoản luật bảo vệ lợi lộc đặc thù cho xã hội phát xuất từ mối liên hệ hôn nhân cũng như thiện ích do mối liên hệ này thực hiện nơi việc sinh sản con cái.

“Tôi cũng xin nhắc nhở tất cả mọi người Công Giáo rằng nỗi buồn phiền chúng ta cảm thấy trước những gì đang xẩy ra không được khiến chúng ta cảm thấy tức giận hay phỉ báng bất cứ nhóm người nào, nhất là anh chị em sống đồng tính của chúng ta. Là những người môn đệ của Chúa Kitô, công việc của chúng ta là xây dựng một thứ văn minh yêu thương”.

 

Thánh Hannibal Mary Di Francia (1851-1927)
 
Vị tiền hô của sứ vụ cầu nguyện cho ơn thiên triệu

Annibale Maria Di Francia (1851-1927)

Em Hannibal Mary Di Francia vào đời ở Messina, Ý quốc, ngày 5/7/1851. Ông Francis cha của em là một hiệp sĩ, the Marquises of St. Catherine of Jonio, Papal Vice-Consul and Honorary Captain of the Navy. Mẹ em là bà Anna Toscano cũng thuộc về một gia đình quí tộc. Em là người con thứ ba trong gia đình 4 người con. Cha em đã qua đời lúc em mới được 15 tháng. Biến cố mất đi một người cha ấy đã khiến em cảm nhận được tình trạng khốn khổ của các em nhỏ bị mất mát mẹ cha, và đã ảnh hưởng đến đời sống cũng như đến việc học vấn của em.

Khi còn thơ ấu em đã có lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể đến nỗi em được phép rước lễ hằng ngày, một điều hoàn toàn ngoại lệ vào thời bấy giờ. Vào tuổi 17 tuổi, khi cầu nguyện trước Nhà Tạm, cậu đã nhận được “một mạc khải về việc cầu xin - rogate”, tức là cậu thật sự cảm thấy rằng các ơn gọi trong Giáo Hội đều phát xuất từ việc nguyện cầu. Sau đó cậu đã thấy rằng việc cầu nguyện ấy đã được Chúa Giêsu truyền trong Phúc Âm khi Người nói: “Hãy xin Chủ mùa sai thợ đến làm mùa của Ngài” (Mt 9:38; Lk 10:2). Những lời này đã trở thành minh thức nền tảng cho cả cuộc đời hy hiến của cậu.

Cậu là một con người thông minh lanh lợi có biệt tài về văn chương. Ngay khi cảm thấy Chúa gọi cậu lập tức đáp lại bằng việc hy hiến bản thân và tận dụng tài năng của mình để phục vụ Ngài. Sau khi học xong thần học, ngài được thụ phong linh mục ngày 16/3/1878. Trước khi chịu chức mấy tháng, ngài đã gặp một người ăn xin hầu như bị mù lòa tên là Francesco Zancone, một cuộc gặp gỡ theo ý Đấng Quan Phòng khiến ngài nhận thấy thực tại buồn thảm về xã hội và về luân lý của một trong những khu vực lân cận nghèo khổ nhất ở những khu ngoại ô thành phố Messina (Case Abignone). Đó là khởi sự cho một hành trình dài, và tình yêu thương vô biên của ngài đối với người nghèo và thành phần cô nhi là một đặc tính chính yếu làm nên đời sống của ngài.

Được phép và lời phấn khích của vị giám mục của mình là Đức Ông Joseph Guarino, ngài đã biến ổ chuột Avignone thành nhà của ngài, và đã hoàn toàn dấn thân để cứu lấy những dân cư ở đấy. Theo Phúc Âm, ngài đã thấy họ như “chiên không chủ chăn”. Đó là một cảm nghiệm đã khiến ngài bị hiểu lầm, gặp khó khăn và trở ngại đủ thứ, đến nỗi ngài đã phải thắng vượt bằng một đức tin mạnh mẽ, nhìn thấy Chúa Giêsu nơi người nghèo cũng như nơi thành phần sống ngoài lề xã hội. Ngài đã thực hiện những gì ngài cho là “tinh thần của một đức bác ái lưỡng diện, đó là truyền bá phúc âm hóa người nghèo và chăm sóc cho người nghèo”. Vào năm 1882, ngài bắt đầu mở những cô nhi viện được ngài gọi là “Anthonian Orphanages”, vì những viện cô nhi này nđược đặt dưới sự bảo hộ của Thánh Antôn Pađua. Ngài quan tâm chẳng những cung cấp cho trẻ em lương thực và huấn nghệ, mà còn nhất là bảo đảm rằng chúng được lớn lên theo đường lối luân lý và tôn giáo, bằng cách cống hiến cho chúng một bầu khí gia đình giúp cho chúng nhận thức được ý định của Thiên Chúa giành cho chúng và theo đuổi ý định của Ngài.

Với tinh thần truyền giáo của mình, ngài muốn phục vụ thành phần cô nhi và thành phần nghèo khổ trên khắp thế giới. Thế nhưng, làm sao ngài có thể làm điều ấy được đây? Ngài nhận thấy rằng “rogate” (cầu xin) chính là giải đáp thực sự cho vấn đề. Ngài đã viết như sau: “Chúng tôi phục vụ những gì cho số ít cô nhi này, chúng tôi đã mang lại tin mừng cho con số ít ỏi cô nhi này, so với cả hằng triệu triệu những người bị lạc mất và bị bỏ rơi như chiên không có chủ chăn?... Tôi tìm kiếm câu giải đáp và đã tìm thấy được một câu trả lời đầy đủ nơi những lời của Chúa Giêsu: ‘Hãy xin Chủ mùa sai thợ đến làm mùa của Ngài’. Bởi thế tôi kết luận rằng tôi đã tìm thấy cái then chốt bí mật cho tất cả moiỉi việc lành cũng như cho phần rỗi của tất cả mọi linh hồn”.

Cha cảm thấy rằng Rogate (Việc Cầu Xin) chẳng những là lời khuyên của Chúa, mà còn là một lệnh truyền rõ ràng và là một “phương trị hiệu nghiệm” nữa. Ngài cũng là một vị tiền hô liên quan đến hoạt động tông đồ giáo dân như là ơn gọi của thành phần này, như thành phần làm cha mẹ, thày cô và ngay cả các nhân viên chính phủ.

Để thực hiện những lý tưởng tông đồ của mình trong Giáo Hội cũng như trên thế giới, ngài đã thành lập hai Hội Dòng, đó là Các Nữ Tử Của Lòng Nhiệt Thánh Thần Linh vào năm 1887, và Chư Cầu Xin Viên (Rogationists) 10 năm sau đó. Ngài đã muốn cả hai tổ chức này sống Việc Cầu Xin như là một lời khấn thứ bốn của họ. Những cơ cấu này đã được giáo quyền chuẩn nhận vào ngày 6/8/1926.

Trong một thỉnh nguyện đệ trình lên Thánh Giáo Hoàng Piô X năm 1909, ngài đã viết: “Từ thời còn nhỏ, con đã dấn thân cho Lời Thánh của Phúc Âm, đó là lời ‘Rogate ergo…’. Từ những Tổ Chức nhỏ bé của của con, lời cầu xin liên lỉ hằng ngày được những em cô nhi, những người nghèo khổ, các vị linh mục và những trinh nữ tận hiến, dâng lên Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, lên Thánh Giuse và Các Thánh Tông Đồ, để các ngài ban cho Giáo Hội dồi dào linh mục đặc biệt thánh đức cũng như những nhân viên truyền bá phúc âm cho mùa màng thiêng liêng các linh hồn”.

Để truyền bá việc cầu nguyện cho các ơn gọi, ngài phát động một số hoạt động: ngài đã liên lạc bằng thư tín với các vị Giáo Hoàng trong thời của ngài, ngài đã thiết lập một “Liên Minh Thánh”, một phong trào cầu nguyện cho ơn gọi nhắm đến hàng giáo sĩ, và “Hội Đạo Đức Cầu Xin Theo Phúc Âm” cho tất cả mọi tín hữu. Ngài đã phát hành định san “Thiên Chúa và Tha Nhân”, chia sẻ với hết mọi người về những lý tưởng ấy.

Ngài viết: “Toàn thể Giáo Hội cần phải chính thức cầu nguyện cho mục đích này, vì mục đích của việc cầu nguyện xin ban cho các ơn gọi liên quan đến tất cả mọi tín hữu, hết mọi Kitô hữu ôm ấp sự thiện của các linh hồn, nhất là các vị Giám Mục chăm sóc đàn chiên thiêng liêng của các vị có trách nhiệm với các linh hồn được ủy thác cho các vị. Các vị là những Tông Đồ sống động của Chúa Giêsu Kitô ngày hôm nay đây”. Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi được Đức Thánh Cha Phaolô VI thiết lập năm 1964 có thể được coi là việc đáp ứng những gì ngài đã trực giác thấy trước rồi vậy.

Ngài hết sức yêu mến thiên chức linh mục. Ngài mạnh mẽ tin tưởng rằng thế giới này có thể được cứu chuộc chỉ bằng hoạt động của nhiều linh mục thánh thiện. Đó là lý do tại sao ngài đã quan tâm rất nhiều đến việc đào luyện thiêng liêng cho các chủng sinh được Đức Giám Mục ở Messina ủy thác cho ngài coi sóc. Ngài thường nói rằng không cầu nguyện nhiều và không được đào luyện thiêng liêng vững chắc thì “tất cả mọi nỗ lực của các vị giám mục cũng như của các nhà giáo dạy trong chủng viện chỉ tạo nên được nhưnõg vị linh mục nhân tạo mà thôi”. Ngài nỗ lực trở thành mô phạm cho “thành phần thợ tốt lành” của Phúc Âm, và thành vị linh mục theo Trái Tim Chúa Giêsu. Đức bác ái của ngài bao la và nhắm đến tất cả mọi loại người đang cần giúp đỡ, bao gồm cả những vị linh mục đang gặp khốn khó và những đan nữ tu kín.

Ngay khi còn sống, ngài đã được tiếng là thánh nhân ở khắp mọi tầng lớp dân chúng. Khi ngài qua đời vào ngày 1/6/1927, dân chúng bắt đầu nói rằng “chúng ta hãy nhìn xem một vị thánh thiếp ngủ”. Ngài đã chết bằng an trước ánh mắt của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng ngài đã hết sức yêu mến tôn sùng khi còn sống.

Lễ an táng của ngài, theo ký sự và hình ảnh trong các tờ nhật trình thời bấy giờ, đã trở thành một cuộc khải hoàn. Các vị thẩm quyền dân sự liền ban phép chôn táng ngài ở Đền Thánh của “Evangelical Rogation” được chính ngài xây dựng ở Messina và muốn muốn cung hiến cho lệnh truyền Phúc Âm: “Vậy hãy xin Chủ Mùa sai thợ đến làm mùa của Ngài…”.

ĐTC GPII đã phong chân phước cho ngài ngày 7/10/1990 và nói ngài là “một vị tiền hô và là vị sư phụ nhiệt thành của việc mục vụ tân tiến chăm lo cho các ơn gọi”. Cũng vị giáo hoàng này đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh ngày Chúa Nhật VI Phục Sinh 16/5/2004 tại Quảng Trường Thánh Phêrô, với những lời giảng của ÐTC như sau:
 

“Nếu ai yêu mến Thày thì giữ lời Thày” (Jn 14:23). Nơi những lời Phúc Âm này chúng ta thấy được toàn bộ linh đạo của Thánh Annibale Maria Di Francia, vị được tình yêu Chúa thúc đẩy hiến trọn cuộc đời cho thiện ích thiêng liêng của tha nhân. Bởi thế ngài trước hết nhận thấy cần phải hiện thực lệnh truyền của phúc âm, đó là “Vậy hãy cầu xin chủ mùa sai thợ đến làm mùa cho ông” (Mt 9:38).

Vậy Tôi xin trao phó cho Các Cha Dòng Rogationist cũng như cho Nữ Tử Của Lòng Nhiệt Thành Thần Linh công việc làm ấy để tận lực hoạt động cho vấn đề cầu xin ơn thiên triệu được “liên tục và phổ quát”. Cha Annibale Maria Di Francia đã nói lên lời kêu gọi này với giới trẻ của thời đại chúng ta, tóm gọn trong lời ngài thường khuyến dụ là: “Hãy thiết tha yêu mến Chúa Giêsu Kitô”.

Từ cái trực giác thức thời này đã xuất hiện cả một đại phong trào nguyện cầu cho ơn thiên triệu trong Giáo Hội. Tôi thành thực hy vọng rằng gương sáng của Cha Annibale Maria Di Francia sẽ hướng dẫn và nâng đỡ hoạt động mục vụ này trong thời đại của chúng ta đây.

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS