GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 21 THỨ SÁU

 

ĐTC GPII với các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 4 về việc Hoán Cải và Thống Hối

ĐTC GPII đã tiếp các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt ba thuộc các tiểu bang California, Nevada và Hawaii sáng ngày Thứ Sáu 14/5/2004 về đề tài Thánh Thiện, Hoán Cải và Thống Hối.

Quí Huynh Giám Mục thân mến,

1. … Để tiếp tục suy tư đề tài về sứ vụ thánh hóa munus sanctificandi của hàng Giám Mục, Tôi muốn chia sẻ về lời mời gọi thực hiện một cuộc sâu xa hoán cải tâm trí là những gì thiết yếu làm tái sinh động đời sống Kitô giáo như Tôi đã mời gọi toàn thể Giáo Hội. Tôi tin tưởng rằng có quyết tâm thực hiện một cuộc thanh tẩy liên tục cũng như một cuộc canh tân sâu xa mới cảm nhận được hơn nữa sứ vụ thánh hóa của Giáo Hội và mới làm vững mạnh chứng từ ngôn sứ của Giáo Hội trước xã hội Hoa Kỳ và thế giới.

2. Hết mọi phần tử của Giáo Hội đều là một kẻ lữ hành tiến bước trên con đường thánh hóa bản thân. Nhờ Phép Rửa, người tín hữu được dự phần vào sự thánh thiện của chính Thiên Chúa, khi được tháp nhập với Chúa Kitô và trở thành nơi cư ngụ của Thần Linh Người. Thế nhưng, thánh thiện không phải chỉ là một tặng ân. Nó còn là một việc làm, sâu xa và thiết yếu cho vai trò môn đệ tính, một vai trò làm nên tất cả đời sống Kitô hữu (x. Novo Millennio Ineunte, 30). Được thúc đẩy bởi giáo huấn rõ ràng của Chúa, “đây là ý muốn của Thiên Chúa, đó là việc anh em nên thánh” (1Thes 4:3), cộng đồng tín hữu cần tăng hơn ý thức là thánh thiện được biểu lộ rõ ràng nhất nơi mầu nhiệm Giáo Hội (x Novo Millennio Ineunte, 7) và là những gì tác động lòng ước muốn thực hiện các “chứng từ hùng hồn” (Lumen Gentium, 39).

Là những vị Giám Mục, quí huynh cần phải đi tiên phong trong cuộc hành trình thánh hóa thiêng liêng này. Thừa tác vụ giáo phẩm phục vụ giáo hội của quí huynh, một thừa tác vụ được đánh dấu bằng việc tìm cầu thánh hóa bản thân của quí huynh cũng như bằng ơn gọi của quí huynh trong việc thánh hóa người khác, là việc dự phần vào thừa tác vụ riêng của Chúa Giêsu và hướng về việc xây dựng Giáo Hội của Người. Nó đòi phải có một lối sống hoàn toàn dứt bỏ bất cứ khuynh hướng nào liên quan đến vấn đề phô trương, nghề nghiệp, hay theo đuổi những mẫu lãnh đạo trần tục, thay vào đó, nó đòi quí huynh phải làm chứng cho việc hủy mình kenosis của Chúa Kitô bằng một đức bác ái mục vụ, với một đức khiêm tốn và một đời sống đơn sơ giản dị (cf. The Code of Canon Law, c. 387; Ecclesia in America, 28). Bước đi trước nhan Chúa, quí huynh sẽ tăng triển một thứ thánh đức được sống với và sống cho các linh mục và dân của quí huynh, phấn khích nơi họ lòng ước mong theo đuổi những tiêu chuẩn cao cả của đời sống Kitô hữu và hướng dẫn họ theo chân Chúa Kitô.

3. Uy tín của việc Giáo Hội loan báo Tin Mừng được sâu xa gắn liền với việc các chi thể của Giáo Hội quyết tâm thực hiện vấn đề thánh hóa bản thân. Giáo Hội bao giờ cũng cần phải được thanh tẩy nên Giáo Hội cần phải liên lỉ tiến bước trên con đường thống hối và canh tân (x. Lumen Gentium, 8). Ý của Chúa Cha muốn tất cả mọi tín hữu nên thánh đã được nhấn mạnh bởi lời kêu gọi nống cốt của Chúa Con: “Hãy ăn năn thống hối và tin vào phúc âm” (x Acts 2:38). Như Thánh Phêrô đã hiên ngang làm vang dội lệnh truyền này vào Ngày Lễ Ngũ Tuần (x Acts 2:38), quí huynh cũng được trao cho trách nhiệm thực hiện việc loan báo lời rao giảng kerygmatic kêu gọi ăn năn thống hối, việc công bố tình thương hải hà của Thiên Chúa, và mời gọi mọi người cảm nghiệm thấy lời mọi gọi hòa giải cùng niềm hy vọng là những gì làm nên cốt lõi của Phúc Âm (x Pastores Gregis, 39).

Ngày nay cần phải hết sức khẩn trương trong việc tỏ ra lòng can đảm đương đầu với cuộc khủng hoảng mất ý thức tội lỗi, một cuộc khủng hoảng Tôi đã cảnh giác toàn thể Giáo Hội ngay từ đầu Giáo Triều của mình (cf. Reconciliatio et Paenitentia, 18). Trong khi những tác dụng của tội lỗi đang lan tràn, như tham lam, bất tín và đồi bại, những mối liên hệ bị gẫy đổ cùng với việc khai thác con người, nạn khiêu dâm và bạo động, thì việc nhìn nhận tội lỗi bản thân đã trở nên mờ nhạt. Thay vào đó là một thứ văn hóa lũng đoạn về vấn đề qui lỗi và tranh chấp xuất phát, chủ trương nhiều về trả thù hơn là công lý, và không nhìn nhận rằng nơi hết mọi người nam nữ đều có một vết thương được chúng ta gọi là nguyên tội theo chiều hướng đức tin (cùng nguồn vừa dẫn, 2).

Thánh Gioan nói với chúng ta rằng: “Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội là chúng ta tự lừa dối mình” (1Jn 1:8). Tội lỗi là một phần làm nên sự thật về con người. Việc nhìn nhạn mình là một tội nhân là bước đầu tiên và chính yếu để trở về với tình yêu chữa lành của Thiên Chúa. Trước thực trạng ấy, nhiệm vụ của vị Giám Mục trong việc xác định việc hiện diện tội lỗi thảm thương và nguy hại, cả nơi cá nhân cũng như cộng đồng, thực sự là một dịch vụ của niềm hy vọng. Chẳng những không phải là một cái gì tiêu cực, nó còn làm cho tín hữu kiên cường từ bỏ sự dữ, trái lại, ôm ấp đức ái trọn hảo và tầm vóc viên trọn của đời sống Kitô giáo. Chúng ta hãy hiên ngang loan báo rằng thật sự chúng ta không phải là toàn tổng của những gì yếu hèn và thua bại của chúng ta! Chúng ta là tất cả tình Chúa Cha yêu thương đối với chúng ta và chúng ta có thể trở nên hình ảnh Con của Ngài!

4. Tình trạng bình an và hòa hợp bền vững được cá nhân, gia đình và xã hội hết sức mong ước chỉ có thể chiếm được bằng việc hoán cải là hoa trái của lòng xót thương và là yếu tố cho việc hòa giải thực sự. Là những vị Giám Mục, quí huynh có một trách nhiệm khó khăn nhưng vui thỏa trong việc cổ võ về ý thức vấn đề hòa giải thực sự của Kitô giáo. Có lẽ không có một câu truyện nào tốt hơn cho thấy thảm kịch thực sự của vấn đề hoán cải metanoia hơn là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng mà Tôi đã có lần dẫn giải dài dòng (x Dives in Misericordia, 5-6). Người con hoang đàng ở một nghĩa nào đó là tất cả mọi con người nam nữ. Tất cả chúng ta có thể bị thu hút bởi chước cám dỗ tách mình khỏi Cha và vì thế bị mất đi phẩm giá, bị đọa đầy và nhục nhã, thế nhưng đồng thời tất cả chúng ta vẫn có thể lấy can đảm trở về cùng Cha là Đấng ôm lấy chúng ta bằng một tình yêu thắng vượt công lý, một tình yêu được bộc lộ như là tình thương.

Chúa Kitô, Đấng mạc khải tình thương bao la của Thiên Chúa, cũng đòi hỏi chúng ta như thế, ngay cả khi Người phải đối diện với tội lỗi đáng buồn. Thật vậy, tình thương “cấu tạo nên những gì cốt yếu nơi sứ điệp thiên sai của Chúa Kitô và là một quyền lực nội tại nơi sứ vụ của Người” (ibid., 6). Chính vì người cha trung thành với tình yêu nhân hậu hợp với mình là một người cha mà ông đã phục hồi mối liên hệ phụ tử cho đứa con của mình “đã mất song được tìm thấy” (Lk 15:32). Là mục tử của đàn chiên mình, chính bằng tình yêu nhân hậu này, một tình yêu không phải chỉ có nghĩa ban tặng, mà quí huynh cũng phải “đi đến với mọi đứa con hoang đàng của quí huynh, đến với hết mọi cảnh cùng khổ của nhân loại, nhất là đến với hết mọi hình thức khốn khổ về luân lý, đến với tội lội” (Dives in Misericordia, 6). Nhờ đó quí huynh mới rút tỉa được sự thiện từ sự dữ, mới phục hồi sự sống từ sự chết, khi tái bộc lộ dung nhan chân thực của tình thương Cha là những gì rất cần thiết trong thời đại của chúng ta đây.

5. Quí Huynh thân mến, Tôi đặc biệt khuyến khích quí huynh trong việc quí huynh phát động Bí Tích Thống Hối. Là một phương tiện do Chúa thiết lập được Giáo Hội sử dụng để cống hiến việc mục vụ hòa giải, nó là “cách duy nhất thông thường để tín hữu hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội” (Catechism of the Catholic Church, 1484). Mặc dù không thể phủ nhận được rằng ngày nay quyền lực mạnh mẽ của Bí Tích này thường bị coi thường, nhưng đặc biệt giới trẻ lại cho thấy những ân sủng cũng như những lợi ích biến đổi phát xuất từ quyền lực ấy. Phấn khởi trước dấu hiệu đáng mừng này, một lần nữa Tôi trực tiếp kêu gọi quí huynh cùng những vị linh mục của quí huynh là hãy tự trang bị bằng lòng tin tưởng hơn nữa, bằng việc sáng tạo và kiên trì trong việc trình bày quyền lực này và làm cho con người cảm nhận được quyền lực ấy (cf. Novo Millennio Ineunte, 37). Thời gian ở trong tòa giải tội là thời gian phục vụ gia sản thiêng liêng của Giáo Hội và phần rỗi các linh hồn (cf. Reconciliatio et Paenitentia, 29).

Là những vị Giám Mục, quí huynh cần phải năng sử dụng Bí Tích Hòa Giải để lãnh nhận tặng ân của tình thương mà chính quí huynh là thừa tác viên (cf. Pastores Gregis, 13 ). Vì quí huynh được kêu gọi để tỏ dung nhan của Vị Mục Tử Nhân Lành, bởi đó mang trong mình trái tim của chính Chúa Kitô, hơn ai hết quí huynh cần phải than lên tiếng kêu tha thiết của vị tác giả Thánh Vịnh: “Ôi Chúa, xin tạo cho tôi quả tim trọng sạch, xin ban cho tôi một tinh thần vững mạnh” (Ps 51:12). Được thánh hóa bởi ân sủng nơi việc quí huynh thường xuyên lãnh nhận bí tích này, Tôi tin tưởng rằng quí huynh sẽ khuyến khích linh mục anh em của quí huynh và thật sự tất cả mọi tín hữu hãy tái nhận thức vẻ toàn mỹ của bí tích này.

6. Với lòng cảm mến huynh đệ Tôi xin chia sẻ những suy tư này với quí huynh và hứa cầu nguyện cho quí huynh để quí huynh làm sao làm cho sứ vụ thánh hóa và hòa giải của Giáo Hội được cảm nhận và ý thức hơn bao giờ hết nơi cộng đồng giáo hội và dân sự của quí huynh. Sứ điệp hy vọng được quí huynh loan báo cho một thế giới thường đầy những tội lỗi và chia rẽ sẽ không ngừng khêu lên lòng sốt sắng mới mẻ và một lòng nhiệt thành mới mẻ cho đơiụi sống Kitô hữu!...

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến.
 

ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý quan tâm đến tình hình văn hóa Âu Châu

Trong bài diễn từ được bày tỏ vào một cuộc cử hành ở Rôma do vị chủ tịch của Thượng Viện Ý quốc là ông Marcello Pera thực hiện trong Tháng 5/2004, sau biến cố gia nhập của 10 quốc gia mới vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu, ĐHY Joseph Ratzinger đã cảnh giác là cuộc khủng hoảng của gia đình đang tác hại đến căn tính của địa lục Âu Châu.

“Chính vào giờ phút thành công nhất này của mình, Âu Châu lại dường như trở nên rỗng ruột, bị liệt bại ở một nghĩa nào đó bởi một cuộc khủng hoảng nơi guồng máy tuần hoàn của nó”, một cuộc khủng hoảng gây nguy hại đến cho “căn tính của nó”.

“Cùng với tình trạng bị suy yếu nội tại nơi những năng lực thiêng liêng còn xẩy ra vấn đề là về phương diện luân thường đạo lý Âu Châu dường như cũng đang trải qua một cuộc phân ly.

“Có một cái thiếu hứng khởi lạ lùng về tương lai. Trẻ em, thành phần là tương lai của xã hội, lại bị coi là mối đe dọa cho hiện tại; chúng bị coi là lấy đi một cái gì đó nơi đời sống của chúng ta”.

Tình trạng này, theo ngài, đánh dấu “tình trạng xuống dốc của Đế Quốc Rôma”. Ngài nhắc lại là trước đây, cả hai miền Đông lẫn Tây, đã đồng ý với nhau, căn cứ vào tinh thần đức tin kinh thánh, về ý hướng của vấn đề hôn nhân là việc của con người nam nữ. Bởi thế, “Âu Châu không còn là Âu Châu nữa nếu tế bào căn bản xây dựng lâu đài xã hội này bị biến mất hay bị đổi thay những gì là nồng cốt.

“Bản Hiến Chương về Các Quyền Lợi Căn Bản (của Khối Hiệp Nhất Âu Châu) nói đến quyền hôn nhân, nhưng không đến một thứ bảo vệ đặc biệt nào về pháp lý cũng như về luân lý, thậm chí không xác định nó một cách xác đáng hơn nữa.

Tất cả chúng ta đều biết hôn nhân và gia đình đang bị đe dọa, một đàng vì đã làm mất đi hoàn toán tính cách bất khả phân ly của nó bằng những hình thức ly dị dễ dàng hơn bao giờ hết; đàng khác vì một thứ hành vi mới đang lan tràn mạnh mẽ đó là việc con người nam nữ sống với nhau không cần phải có một hình thức pháp lý hôn nhân nào cả”.

Về vấn đề hôn nhân đồng tính, vị hồng ý này cho biết: “Theo chiều hướng này thì chúng ta đang đi ra ngoài toàn bộ lịch sử về luân lý của con người.

“Đây không phải là vấn đề kỳ thị mà là vấn đề một con người nam nữ phải như thế nào. Chúng ta đang đương đầu với một thứ giải thể hình ảnh về con người là những gì sẽ gây ra những hậu quả vô cùng trầm trọng”.

Về vấn đề tôn giáo, ngài nhấn mạnh rằng “trong xã hội của chúng ta hiện nay, tạ ơn Chúa, nhưnõng ai bất kính đức tin của dân Do Thái, đến hình ảnh Thiên Chúa của dân này, đến các đại nhân vật của họ đều bị trừng phạt. Ai phạm đến Kinh Koran và những niềm tin sâu xa của Hồi Giáo cũng đều bị trừng phạt”.

Tuy nhiên, vị hồng y này nhận định thêm liên quan đến trường hợp của Kitô giáo: “Khi nó là một vấn đề về Chúa Kitô và về những gì linh thánh đối với Kitô hữu thì quyền tự do phát biểu ý kiến lại xuất hiện như là một cái gì thiện hảo tối hậu, mà nếu giới hạn quyền này lại thì nó giống như là một thứ đe dọa hay thậm chí một thứ hủy diệt việc dung chấp và tự do nói chung vậy.

“Thế nhưng, quyền tự do phát biểu ý kiến không thể được sử dụng để hủy diệt danh dự và phẩm vị của người khác; nó không có nghĩa là được quyền tự do dối trá hay hủy diệt quyền lợi làm người.
“Âu Châu cần phải nhìn nhận lại bản thân mình một cách thực sự tự giác và khiêm tốn, nếu nó thực sự muốn tồn tại”.

 

 Con Phải Sống

  Nữ Thánh Bác Sĩ Nhi Đồng Gianna Beretta

 

Mẫu Gương Làm Mẹ trong Thời Đại Văn Hóa Sự Chết

 


Gianna Beretta Molla (1922-1962)
 

Gianna Beretta vào đời ở Magenta (thành Milan Ý quốc) ngày 4/10/1922. Từ hồi còn trẻ, em đã hân hoan chấp nhận tặng ân đức tin cùng với việc giáo dục kỹ lưỡng về Kitô giáo từ hai người cha mẹ tuyệt vời của em. Bởi đó, em đã cảm thấy sự sống là một tặng ân cao cả do Thiên Chúa ban, đã có một đức tin mạnh mẽ trông cậy vào Sự Quan Phòng, và đã ý thức được tính cách cần thiết và tác hiệu của việc nguyện cầu.


Em chăm chỉ theo đuổi việc học hành lên tới bậc đại học, đồng thời sống đức tin của mình bằng việc phục vụ tông đồ với giới trẻ Tông Đồ Giáo Dân Ý Quốc cũng như bằng việc bác ái xã hội với Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô giúp người già yếu và nghèo khổ. Sau khi lấy được những bằng cấp về Y Khoa và Mổ Xẻ ở Đại Học Pavia năm 1949, cô đã mở một y viện ở Mesero (gần Magenta) năm 1950. Cô chuyên lo về Ngành Nhi Khoa ở Đại Học Milan năm 1952 và tại đây cô chuyên chăm sóc cho các bà mẹ, thơ nhi, người già và người nghèo.


Trong khi hoạt động cho ngành y khoa, một ngành cô coi như là “sứ mạng” của cô và đã thực hành đúng như vậy, cô vẫn hăng hái dấn thân tham gia hoạt động với tổ chức Tông Đồ Giáo Dân, nhất là nơi thành phần “rất trẻ”, đồng thời cô cũng tỏ ra vui sống và yêu thiên nhiên qua việc trượt tuyết và leo núi. Nhờ lời nguyện cầu của mình cũng như của những người khác, cô đã suy nghĩ về ơn gọi của cô là những gì cô coi như tặng ân Chúa ban. Khi chọn ơn gọi hôn nhân cô đã tha thiết sống ơn gọi này bằng tất cả nhiệt tình và dấn thân “để xây dựng một gia đình Kitô giáo thực sự”.


Cô đã đính hôn với cậu Pietro Molla và đã hân hoan vui sướng trong thời gian đính hôn này. Hai người đã lập gia đình với nhau ngày 24/9/1955, tại Đền Thờ Thánh Martin ở Magenta, và chị đã trở thành một người vợ hạnh phúc. Chị hết sức vui mừng được làm mẹ của các người con được lần lượt ra đời, như Pierluigi vào tháng 11/1956, Mariolina vào tháng 12/1957, và Laura vào tháng 7/1959. Chị đã cố gắng chu toàn một cách hòa hợp những đòi hỏi của một người làm mẹ, làm vợ, làm bác sĩ cùng với những gì chị ham chuộng trong cuộc sống.


Vào tháng 9/1961 là thời gian ở vào cuối tháng thứ hai của cái thai thứ bốn, chị cảm thấy đớn đau và bắt đầu đi vào mầu nhiệm khổ nạn. Chị có một cái bưới ở tử cung. Trước cuộc giải phẫu cần thiết, ý thức được cái nguy hiểm gây ra cho bào thai, chị đã xin bác sĩ giải phẫu cố cứu lấy sự sống của thai nhi trong bụng của chị, rồi hết lòng tin tưởng nguyện cầu và trông cậy vào Sự Quan Phòng Thần Linh. Tạ ơn Chúa sự sống của thai nhi không bị mệnh hệ gì. Chị đã sống 7 tháng trời cho đến khi thai nhi được sinh ra bằng một tinh thần mạnh mẽ và không ngừng dấn thân phục vụ như một người mẹ và bác sĩ. Chị đã cầu xin Chúa cho đứa bé sinh ra khỏi bị đớn đau khi chị cảm thấy tình trạng có thể xẩy ra như thế.


Khi thai nhi chào đời được mấy ngày, dù tin tưởng vào Sự Quan Phòng Thần Linh, chị cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để cứu lấy con chị: “Nếu cần phải chọn lựa giữa tôi và đứa bé, xin đừng ngần ngại chọn đứa bé – tôi tha thiết xin điều này. Hãy cứu lấy bé”. Vào sáng ngày 21/4/1962, bé Gianna Emanuela chào đời. Mặc dù đã thực hiện mọi nỗ lực và chữa trị cần thiết để cứu được cả hai mẹ con, nhưng tiếc thay, vào sáng ngày 28/4, giữa những đớn đau khôn tả và sau khi lập đi lập lại lời than thở “Giêsu ơi, con yêu Chúa. Giêsu ơi, con yêu Chúa”, người mẹ vĩnh viễn xuôi tay nhắm mắt lìa đời, hưởng dương 39 tuổi, và được chôn táng ở nghĩa trang Mesero, cách nơi sinh trưởng và sinh sống Magenta 4 cây số.


Vào Chúa Nhật 23/9/1973, người mẹ anh hùng hy sinh mạng sống vì đứa con vô tội cao quí của mình, giữa một thế giới càng ngày càng quay cuồng với cá nhân chủ nghĩa và hưởng thụ sặc mùi văn hóa sự chết, đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI trong huấn từ truyền tin nhận định là “một người mẹ trẻ thuộc giáo phận Milan, người hiến mạng sống cho đứa con gái của mình, đã hy sinh bản thân mình bằng một sát tế đầy ý thức”. Bà mẹ thánh đức này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 24/4/1994 trong Năm Quốc Tế Về Gia Đình.


Sáng ngày Thứ Bảy 20/12/2003, tại Sảnh Đường Clementine, trước sự hiện diện của ĐTC, 18 sắc chỉ phong thánh đã được Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh công bố, trong đó có 4 vị chân phước (blessed), 7 vị đáng kính (venerable) và 7 vị tôi tớ Chúa (servant of God). Trong 4 vị chân phước sẽ được Giáo Hội phong thánh vì đã hội đủ phép lạ cần thiết, có một người mẹ qua đời năm 40 tuổi (1922-1962) là Gianna Beretta Molla, người đã tuyên bố là: “như vị linh mục được sờ chạm đến Chúa Giêsu, bác sĩ chúng tôi cũng thế, được sờ chạm đến Chúa Giêsu nơi thân thể của các bệnh nhân”.


Phép lạ xẩy ra do lời chuyển cầu của bà mẹ bác sĩ chân phước này nơi trường hợp của một người mẹ tên là Elisabete Arcolino Comparini. Truyện xẩy ra là vào đầu năm 2000, đứa con thứ ba bà đang cưu mang bắt đầu có những vấn đề trầm trọng. Vào tháng thứ ba, bà Comparini đã hết sạch nước ối trong bào thai, một điều kiện bất khả thiếu để bào thai sống còn. Thế mà, nữ thai nhi này đã chào đời vào tháng 5/2000. Cuộc sinh nở này không thể nào cắt nghĩa nổi theo khoa học. Cha mẹ của bé đã cầu nguyện với chân phước Molla nên đã đặt tên cho bé là Gianna Maria.


Nhận định:

 

Đọc truyện của vị nữ tân thánh bác sĩ làm mẹ này, chúng ta có cảm tưởng như việc nên thánh sao quá dễ dàng như vậy. Bởi vì, vị tân thánh nữ này khi còn sống cũng thích trượt tuyết, chơi đàn dương cầm, và tham dự những buổi hòa tấu ở Milan Conservatory với chồng mình là kỹ sư Pietro Molla. Cuộc sống chẳng có gì thánh đức như những vị thánh khác, điển hình là bà Thánh Monica, mẹ của Thánh Âu Quốc Tinh đã sống cả một đời chịu khổ vì chống và đau khổ vì con, hay chân phước Têrêsa Calcutta cả cuộc đời hy sinh vật vả phục vụ thành phần bần khổ chẳng hạn.

Thế nhưng, vấn đề ở đây trước hết cần phải ý thức nên thánh là việc mỗi người sống trọn ơn gọi theo bậc của mình. Ở chỗ chỉ cần hoàn lại cho chủ mình gấp trăm số vốn được chủ trao cho, như hai nén thì sinh lợi hai nén khác, là đủ, là nên thánh rồi vậy.

 

Thế thì phải chăng vị nữ tân thánh biết sinh lợi gấp trăm cho chủ mình ngay ở nơi những ham thích tự nhiên của cuộc đời, ở ngay cuộc sống của ngài có vẻ bình thường như bao nhiêu người nữ làm vợ và làm mẹ khác?

 

Nếu thật sự những ham thích tự nhiên hay cuộc đời tầm thường của vị nữ tân thánh này được xây trên cát thì khi bão tố nổi lên, như trường hợp sinh nở nguy tử, thử hỏi người mẹ bác sĩ tân thánh này có dám hy sinh mạng sống cho con mình hay chăng, một tác động anh hùng hoàn toàn nghịch lại với bản năng tự nhiên ham sống sợ chết cũng như với khuynh hướng hưởng thụ duy nhân bản thuần túy của quyền làm người, một thứ quyền mạnh được yếu thua, một thứ quyền theo luật văn minh đầy rừng rú được thể hiện rõ ràng nhất qua hiện tượng phá thai ngày nay?

 

Nếu vị nữ tân thánh đã dám can đảm sống ngược lại với ý thức hệ sặc mùi cá nhân chủ nghĩa hiện nay thì phải công nhận là ngài quả thực đã hoàn toàn thể hiện những gì Chúa Giêsu phán về việc trung thành trong những điều nhỏ mọn cũng trung thành trong cả những điều lớn lao, đáng làm lớn trên Nước Trời (x Lk 16:10-11; Mt 5:19).

 

Trên trần gian, Giáo Hội Công Giáo đã long trọng tôn phong Hiển Thánh cho vị chân phước Gianna Beretta này vào Chúa Nhật VI Phục Sinh 16/5/2004.

 

Chớ gì gương của vị tân thánh nữ này trở thành ánh sáng xua tan bóng tối của đêm dài văn hóa chết chóc đang bao trùm thâm cung của các người mẹ đã, đang và sẽ thực hiện những cuộc phá thai.
 

Trong bài giảng Lễ Tôn Phong cho vị tân thánh nữ giáo dân làm mẹ này, ÐTC GPII đã nhận định và khuyến dụ như sau:

"Gianna Beretta Molla là một sứ giả đơn sơ nhưng đặc biệt quan trọng của tình yêu thương thần linh. Trước khi thành hôn ít ngày, trong bức thư gửi cho người chồng tương lai, ngài viết: 'Tình yêu là một cảm tình tuyệt vời nhất Chúa đã đặt để nơi tinh thần của con người ta'.

"Theo gương Chúa Kitô, Đấng 'đã yêu thương những kẻ thuộc về mình… thì yêu thương họ cho đến cùng' (Jn 13:1), người mẹ thánh đức của gia đình này đã anh hùng trung thành với cuộc dấn thân chị đã chấp nhận trong ngày thành hôn. Cuộc hy sinh tối hậu làm nên cuộc đời của chị đã chứng thực rằng chỉ có ai can đảm hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa cũng như cho anh chị em mình mới viên trọn bản thân mình mà thôi.

"Chớ gì thế hệ của chúng ta đây, nhờ gương sáng của Thánh Gianna Beretta Molla, biết nhận thức được cái tinh tuyền, sự thanh sạch và vẻ đẹp sinh hoa kết trái của một tình yêu phối ngẫu được sống như là một đáp ứng tiếng gọi thần linh!"

Trong buổi triều kiến chung Thứ Hai 17/5/2004 giành cho phái đoàn đến Rôma tham dự phong thánh hôm trước, ÐTC còn nói tiếp về lòng sùng kính Mẹ Maria của vị tân thánh nữ này như sau:

“Việc đề cập đến Vị Trinh Nữ được lập đi lập lại nơi bức thư ngài gửi cho vị hôn phu Pietro của ngài, và trong những năm sau đó của cuộc đời, nhất là khi ngài nằm trong nhà thương để lấy đi cục bướu không gây phương hại gì tới đứa con ngài đang cưu mang trong bụng. Chính Mẹ Maria đã nâng đỡ ngài trong cuộc hy sinh tối hậu, như xác nhận những gì ngài thích nói rằng ‘không có Vị Trinh Nữ này giúp đỡ thì không ai có thể lên thiên đàng’”.

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh VIS, trừ phần suy luận cuối (những hàng chữ mầu nâu)