GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 23 CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU THĂNG THIÊN

 

VINH QUANG BA NGÔI NƠI VIỆC CHÚA KITÔ THĂNG THIÊN

 Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000 thứ 11 Thứ Tư 24/5/2000

 

1-         Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô liên quan đến lịch sử nhân loại song đồng thời cũng siêu vượt trên lịch sử này. Chính tư tưởng cũng như ngôn ngữ nhân loại có thể hiểu biết và truyền đạt mầu nhiệm này một cách nào đó, song không thể nào hiểu biết và truyền đạt hết được. Đó là lý do tại sao, mặc dù nói về “việc phục sinh” như được thấy nơi Kinh Tin Kính cổ xưa mà chính Thánh Phaolô đã lãnh nhận và truyền lại trong Bức Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô (xem 15:3-5), Tân Ước cũng dùng kiểu diễn tả khác để giải thích ý nghĩa của Phục Sinh. Đặc biệt là theo Thánh Gioan và Phaolô thì Phục Sinh như là một cuộc thượng tôn hay một cuộc vinh hiển của Đấng Tử Giá. Do đó, đối với Thánh Ký thứ bốn, Thập Giá của Chúa Kitô đã là vương tòa được dựng trên trái đất nhưng thấu tới trời. Chúa Kitô ngự trên ngai tòa Thập Giá này như là một Đấng Cứu Thế và như là Chúa Tể của lịch sử.

Thật vậy, trong Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã kêu lên rằng: “Khi nào Tôi được treo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (12:32; xem 3:14, 8:28). Qua bài thánh ca trong Bức Thư gửi Giáo Đoàn Philiphê, sau khi diễn tả việc Con Thiên Chúa hạ mình thẳm sâu cho đến chết trên thập giá, Thánh Phaolô đã ca tụng việc Phục Sinh như thế này: “Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu trên hết mọi danh hiệu, ở chỗ khi nghe tên Giêsu thì trên trời, dưới đất và trong lòng đất mọi đầu gối quì xuống và mọi miệng lưỡi tuyên xưng Giêsu Kitô là Chúa, cho vinh danh Thiên Chúa là Cha” (Phil 2:9-11).

 2-         Việc Chúa Kitô Thăng Thiên về trời, được Thánh Luca thuật lại như là một việc niêm ấn cho Phúc Âm của thánh nhân và là việc mở màn cho công cuộc thứ hai của ngài là Cuốn Tông Vụ, cũng phải hiểu theo cùng chiều hướng trên đây. Đó là lần Chúa Giêsu hiện ra cuối cùng, lần hiện ra được “kết thúc ở chỗ nhân tính của Người dứt khoát vào hưởng vinh hiển thần linh được biểu hiệu bằng đám mây và tầng trời” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 659). Tầng trời là dấu hiệu đúng nhất nói lên siêu việt tính thần linh. Nó là một lãnh giới của vũ trụ ở bên trên lãnh vực trái đất là nơi con người sinh sống.

 Sau khi hành trình trên những nẻo đường lịch sử và thậm chí đã tiến đến tận vùng tối tăm của tử thần là những giới hạn nơi thân phận có cùng của con người và là lương bổng của tội lỗi (xem Rm 6:23), Chúa Kitô trở về với vinh hiển mà Người từ đời đời đã thông phần với Chúa Cha và Thánh Thần. Và Người đã mang theo nhân tính được cứu chuộc với Người về trời. Thật vậy, Bức Thư gửi cho Giáo Đoàn Êphêsô nói rằng “Thiên Chúa , Đấng giầu lòng thương xót, bởi tình yêu cao cả đối với chúng ta, ... đã làm cho chúng ta được sống với Chúa Kitô ... cũng như đã làm cho chúng ta được ngự với Người trên thiên quốc” (Eph 2:4-6). Điều này trước hết áp dụng cho trường hợp Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, mà việc Mẹ Mông Triệu là hoa trái đầu mùa của việc chúng ta lên trời trong vinh quang.

 3-         Chúng ta hãy dừng lại trước Chúa Kitô vinh hiển Thăng Thiên để chiêm ngưỡng sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng nghệ thuật Kitô Giáo, ở những gì được gọi là Trinitas in cruce, thường phác tả Chúa Kitô tử giá có Chúa Cha cúi xuống như ôm ấp lấy Người, trong lúc chim câu Thánh Thần đậu trên cả hai (như Masaccio trong Thánh Đường Santa Maria Novella ở Florence). Như thế, Thánh Giá là biểu hiệu hiệp nhất liên kết nhân tính và thần tính, sự chết và sự sống, đau khổ và vinh quang.

 Cũng thế, chúng ta có thể thoáng nhìn thấy sự hiện diện của Ba Ngôi thần linh nơi cảnh Chúa Giêsu Thăng Thiên. Nơi trang cuối cùng Phúc Âm của mình, trước khi trình bày cho thấy Đấng Phục Sinh, với tư cách là tư tế của Tân Ước, đã chúc lành cho các môn đệ và được nâng lên khỏi mặt đất mà vào vinh quang trên trời (xem Lk 24:50-52), Thánh Luca đã thuật lại lời Người từ biệt các Vị Tông Đồ. Trong lời từ biệt này, trước hết chúng ta thấy dự án cứu độ của Chúa Cha, Đấng đã báo trước trong Thánh Kinh về Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Con, nguồn mạch thứ tha và giải thoát (xem Lk 24:45-47).

4-         Thế nhưng, cũng qua những lời từ biệt này của Đấng Phục Sinh, chúng ta cũng thoáng thấy Chúa Thánh Thần, mà việc hiện diện của Ngài sẽ là nguồn sức mạnh và chứng nhân tông đồ: “Thày sẽ sai lời hứa của Cha Thày đến với các con; song các con hãy ở lại trong thành cho tới khi các con được mặc lấy quyền lực từ trên cao” (Lk 24:49). Nếu trong Phúc Âm Thánh Gioan Đấng An Ủi được Chúa Kitô hứa ban thì đối với Thánh Luca tặng ân Thần Linh thuộc về lời chính Chúa Cha hứa ban vậy.

Thế nên, cả Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện nơi giây phút khởi đầu của Giáo Hội. Đây là điều Thánh Luca nhấn mạnh trong Sách Tông Vụ về trình thuật Chúa Kitô Thăng Thiên. Thật vậy, Chúa Giêsu đã khuyến dụ các môn đệ của mình là “hãy chờ đợi lời Chúa Cha hứa ban”, tức là, hãy “chịu phép rửa Thánh Linh”, vào ngày Lễ Ngũ Tuần bấy giờ đã gần đến (xem Acts 1:4-5).

5-         Như thế, việc Thăng Thiên là một cuộc hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa cho thấy mục đích mà lịch sử mỗi người và vũ trụ đang mau tới. Cho dù thân xác chết chóc của chúng ta bị biến thành cát bụi trong trái đất này, thì cả con người được cứu chuộc của chúng ta hướng lên cao tới Thiên Chúa, theo Chúa Kitô là vị hướng đạo của chúng ta.

Được bồi dưỡng bởi niềm tin hoan hỉ này, chúng ta hãy hướng về mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, mầu nhiệm được mạc khải trong Thập Giá vinh quang của Chúa Kitô phục sinh, bằng lời cầu nguyện tôn thờ của Chân Phước Êlizabét Chúa Ba Ngôi như sau: “Ôi lạy Thiên Chúa là Ba Ngôi con tôn thờ, xin giúp con hoàn toàn quên chính mình đi để con có thể ở trong Chúa, tự tại và bình an như thể linh hồn con đã thuộc về vĩnh cửu... Xin Chúa ban cho linh hồn con bình an; xin hãy làm cho nó trở thành thiên đàng của Chúa, nơi trú ngự yêu dấu của Chúa và là nơi nghỉ ngơi của Chúa... Ôi lạy Ba Ngôi là Tất Cả của con, là Vinh Phúc của con, Đấng Độc Nhất, Vô Biên khôn cùng là nơi bản thân con mất hút, con trao phó mình con cho Chúa..., cho đến khi con rời bỏ trần gian để chiêm ngưỡng vực thẳm cao cả Chúa trong ánh sáng của Chúa” (Lời Nguyện Cầu cùng Chúa Ba Ngôi, 21/11/1904).

 (Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 31/5/2000)

 

NIỀM VUI CHỨNG NHÂN
 

“Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xẩy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng; các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24:50-53).

Cảm nhận đầu tiên khi vừa đọc phần trích đoạn Tin Mừng trên, có lẽ là câu hỏi phát xuất từ trực giác: “Tại sao khi tiễn biệt Thầy mình, lúc Thầy bỏ mình đi mà các Tông Đồ lại có thể vui mừng được?”.

Thông thường, hành động chia ly, biệt ly, từ giã, và nhất là vĩnh biệt bao giờ cũng kèm theo những luyến lưu, bịn rịn, ray rứt, não nề và nước mắt. Tiễn người yêu đi xa bằng bịn rịn, nhớ thương. Tiễn người thân về bên kia thế giới bằng những giọt nước mắt đau xót. Ít khi thấy ai chia tay nhau mà lại “lòng đầy vui mừng”. Vậy nếu lời Thánh Kinh không thể hiểu theo ý nghĩa bình thường của giác quan và tâm lý con người. Nó phải được hiểu theo một ý nghĩa tâm linh và cảm quan của thần trí. Và chỉ với nhãn quan tâm linh ấy, ta mới có lý do để cùng với các Tông Đồ vui mừng và chúc tụng Thiên Chúa, vì thấy Thầy mình trở về cùng Cha.

Chúa Giêsu về cùng Cha không những để dọn chỗ, mà còn can thiệp để Thánh Linh được ban xuống cho các Tông Đồ và mọi người chúng ta. Ngoài ra, Chúa cũng đã tạo cơ hội để các ông cũng như mỗi Kitô hữu sau này sống đầy đủ và trưởng thành với ơn gọi của mình. Nhất là có dịp được làm chứng nhân cho điều mình đang tin tưởng. Với cái nhìn thực tế và bằng tinh thần chứng nhân ấy, Thánh ký Máccô đã ghi lại biến cố về trời của Chúa Giêsu như sau: “Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng bằng những phép lạ đi kèm” (Mc 16:19-20).

Niềm vui của các Tông Đồ và các Kitô hữu sau này không phải chỉ là được biết Chúa, theo Chúa, mà còn làm cho người khác cũng biết và theo Ngài: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dậy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dậy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:18-20).

Đó là một niềm vui trong đức tin, đức cậy, và đức mến. Vì không có Chúa ở với, không ai có thể hoàn thành ơn gọi, và nhất là sống chứng nhân một cách can trường được giữa những thử thách bên trong và bên ngoài cuộc sống của chính mỗi người. Với tinh thần này, ta sẽ khám phá thêm lý do tại sao Thánh Luca đã đặt các Tông Đồ vào trạng thái vui mừng sau khi Thầy mình về trời và trong niềm vui mừng ấy, “các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24:53). Có nghĩa là trong nội tâm của mình, người Kitô hữu luôn phải khăng khít với Chúa, dù trong những vất vả, những khó khăn, hay thử thách của cuộc đời. Nhất là dù cho ngay cả khi xem ra như không có sự hiện diện của Chúa ở bên mình.

Đời sống truyền giáo, rao giảng Tin Mừng hay thực tế hơn còn gọi là đời sống chứng nhân của người Kitô hữu sẽ không thể mang lại thành quả, nếu ta không mật thiết với Chúa trong tâm tình và lời cầu.

Tóm lại, với cái nhìn của niềm tin, biến cố Chúa Giêsu về trời không còn là một chia ly não nề. Không phải là một sự mất mát, nhưng chính là một niềm vui. Vui đối với Chúa vì Ngài về cùng Chúa Cha. Ngài không lìa xa các bạn hữu Ngài, nhưng chỉ là lánh mặt. Một sự lánh mặt cần thiết để tạo cơ hội cho các Tông Đồ sống trưởng thành với niềm tin của mình. Ngài biết đã đến lúc các ông phải sống và hành động như thế, nên đã để các ông tự bước đi bằng đôi chân của mình. Chỉ có như thế, các ông mới có dịp chứng minh lòng mến và sự trung kiên với Thầy bằng đời sống chứng nhân.

Trong đời sống Kitô hữu của mỗi người chúng ta hôm nay, biến cố về trời của Chúa Giêsu cũng chính là cơ hội để nhắc nhở mỗi người về ơn gọi Kitô hữu, về sứ mạng truyền giáo, và sống chứng nhân của mình. Chúng ta không thể chỉ đứng đó ngước mắt nhìn Chúa bay bổng về trời, để “xin cho chúng con được ái mộ những sự trên trời”. Hoặc bịn rịn, đau xót và bồi hồi cảm xúc về sự ra đi ấy. Nhưng chính là hành động thực hành, bằng niềm xác tín vào Thầy mình, để như các Tông Đồ xưa “lòng đầy vui mừng”, và ra đi vào đời chia sẻ niềm vui ấy với mọi người.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

“Việc Chúa Kitô Thăng Thiên biểu hiệu cho việc Người tham dự
bằng nhân tính của Người vào quyền năng và quyền bính của Thiên Chúa”


 

Tuần trước, vì thời điểm mừng lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên có thể khác nhau ở các Giáo Hội địa phương, nên chúng ta đã cùng nhau chia sẻ về cả hai bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Thứ Sáu cũng như Chúa Nhật Thứ Bảy Mùa Phục Sinh Năm C. Kinh nghiệm cho thấy, vì tính cách trọng thể của Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên cũng như để thuận tiện hơn cho đại đa số tín hữu có thể tham dự Thánh Lễ Trọng Buộc này, Giáo Hội địa phương thường mừng Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên vào Chúa Nhật hôm nay. Đó là lý do tại sao hôm nay chúng ta chia sẻ bài Phúc Âm Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên. Cả bài đọc thứ nhất về Sách Tông Vụ và bài Phúc Âm cho Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên hôm nay đều nói khá nhiều đến Chúa Thánh Thần, tuy nhiên, chúng ta sẽ chia sẻ với nhau về Chúa Thánh Thần vào tuần tới, Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Hôm nay chúng ta chỉ chuyên chú đến những chi tiết hay đến những vấn đề trực tiếp liên quan đến biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên mà thôi. Chẳng hạn tâm trạng của các tông đồ ra sao trước khi cũng như sau khi Chúa Giêsu Thăng Thiên về trời? Nhất là về vấn đề ý nghĩa của việc Chúa Giêsu Thăng Thiên về trời đây có liên quan gì hay chăng đến sự kiện Chúa Giêsu không Thăng Thiên về trời ngay sau khi Người sống lại từ trong cõi chết mà là sau 40 ngày, như bài đọc thứ nhất hôm nay cho biết?

Thật ra, ngay khi sống lại từ trong cõi chết, cả hồn lẫn xác của Chúa Kitô đã Thăng Thiên về trời rồi, chứ không phải đợi cho tới 40 ngày sau khi phục sinh Người mới chính thức và thực sự về trời như thời điểm hôm nay chúng ta đang cùng Giáo Hội cử hành biến cố này của Người đây. Bằng không, những lúc Chúa Giêsu không hiện ra với các môn đệ thì thân xác phục sinh cùng với linh hồn của Người ở đâu bấy giờ. Chẳng lẽ Người chơi trò ú tim, lúc ẩn lúc hiện với các môn đệ của mình hay sao?

Trước hết, chúng ta cần biết trong khoảng thời gian 40 ngày, sau khi sống lại từ trong cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần để làm gì? Sách Tông Vụ trong Bài Đọc Thứ Nhất hôm nay cho chúng ta biết thế này: “Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng; Người đã hiện ra với các ông trong khoảng 40 ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa”. Như thế, việc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trong vòng 40 ngày, trước hết, là để “tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống”, sau nữa, là để “đàm đạo về Nước Thiên Chúa”. Tuy nhiên, vì Thần Chân Lý chưa đến, 10 ngày nữa mới đến, tức các vị chưa được Thần Chân Lý dẫn “vào tất cả sự thật” (Jn 16:13), do đó, cũng không lạ gì, dù được đàm đạo với Chúa Kitô Phục Sinh về Nước Thiên Chúa như thế, các vị cũng không thấu triệt được vấn đề, vẫn không nắm trọn được những gì Chúa Kitô muốn nói, muốn mạc khải cho biết. Bởi thế, các vị hình như và hầu như chẳng hiểu gì về thực tại đích thực của “Nước Thiên Chúa” theo ý Chúa Kitô. Đó là lý do các vị vẫn còn nặc mùi trần tục, ở chỗ, vẫn còn pha chính trị trần gian vào Nước Thiên Chúa, điển hình nhất là câu các vị hỏi Chúa Kitô ngay trước khi Người về trời, được Sách Tông Vụ trong Bài Đọc Thứ Nhất hôm nay ghi nhận như sau: “Các kẻ có mặt hỏi Người rằng: ‘Lạy Thày, có phải đã đến lúc Thày khôi phục Nước Israel hay chăng?’”.

Đến đây chúng ta mới thấy tấm thía lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 16 câu 7 về việc “Thày ra đi thì có lợi hơn cho các con. Nếu Thày không đi Đấng Phù Trợ sẽ không bao giờ đến với các con, bằng nếu Thày đi thì Thày sẽ sai Ngài đến với các con”. Chúa Giêsu nói như thế không có nghĩa là tự mình Người không thể dẫn các môn đệ của Người vào tất cả sự thật, tức làm cho các vị thấu triệt tất cả những gì Người nói với các vị về Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa, về Mạc Khải Thần Linh. Ở đây, Người cho thấy Người sẽ làm điều này bằng chính Thần Linh của Người, một Thần Linh tràn đầy nhân tính của Người và đã trào đổ xuống cho các vị sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết và thở hơi trên các vị để các vị “nhận lấy Thánh Thần” (Jn 20:22). Thật vậy, Thần Linh tràn đầy nhân tính của Chúa Kitô Phục Sinh và trào ra trên các tông đồ đây chính là Thánh Thần, Ngôi Vị Thần Linh Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Một Ngôi Vị Thần Linh sẽ được Người từ Cha sai đến vào thời điểm của Ngài, để hoàn tất Dự Án Thần Linh của Thiên Chúa, để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, cũng như chính Chúa Kitô, với tư cách Ngôi Con, Người đã được Chúa Cha sai đến vào thời điểm của Người, “thời điểm viên trọn” (xem Gal 4:4), “thời đểm sau hết” (xem Heb 1:2), như Thánh Phaolô viết trong thư gửi Giáo Đoàn Galata đoạn 4 câu 4 và Giáo Đoàn Do Thái đoạn 1 câu 2.

Bởi thế, ý nghĩa thứ nhất và cốt yếu của biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên về trời đây chính là ở chỗ biến cố này nói lên việc hoàn toàn và dứt khoát chấm dứt thời điểm sứ vụ đóng vai trò cứu độ trần gian của Người, sứ vụ Người đóng vai trò “tỏ Cha ra” (Jn 1:18) cho chung nhân loại nhất là cho riêng Giáo Hội biết. Nghĩa là, kể từ khi được Sách Tông Vụ trong Bài Đọc Thứ Nhất hôm nay xác nhận: “Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông”, Chúa Kitô không còn mạc khải gì nữa, hay nói cách khác, Mạc Khải Thần Linh đã hoàn tất, đã thực sự chấm dứt. Chúa Thánh Thần có được sai đến sau Chúa Kitô cũng chỉ để tỏ cho Giáo Hội biết về Chúa Kitô mà thôi (x Jn 15:26, 16:14), như Chúa Kitô đã được sai đến để tỏ Cha ra vậy.

Như thế, biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên nghĩa là biến cố chấm dứt Thời Điểm của Chúa Kitô để sửa soạn cho Thời Điểm Thánh Linh cũng là Thời Điểm Giáo Hội. Tuy nhiên, không phải vì lý do thời điểm mà sứ mạng của Chúa Kitô và của Thánh Linh khác nhau, nghĩa là cả hai sứ vụ cũng chỉ là một, sứ vụ thông ban sự sống, sự sống được Chúa Kitô tỏ ra để ai nhận biết Người thì có sự sống, và là sự sống Thánh Linh ban cho con người, qua những chứng từ của Giáo Hội làm cho con người tin vào Chúa Kitô. Thế nhưng, vấn đề ở đây là nếu về hiện hữu (chứ không phải về sứ vụ liên quan đến thời điểm hay thời gian tính) Chúa Giêsu thực sự đã lên trời ngay từ khi Người phục sinh từ trong cõi chết, chứ không cần phải đợi đến sau 40 ngày, vậy thì tại sao Người lại nói với Mai Đệ Liên khi nàng nhận ra Người là: “Thày chưa về cùng Cha… Thày đang lên cùng Cha của Thày cũng là Cha của các con” (Jn 20:17)?

Ý nghĩa của lời Chúa Kitô Phục Sinh nói với Mai Đệ Liên “Thày chưa về cùng Cha” nghĩa là Thày chưa hoàn toàn làm trọn sứ vụ Cha trao cho Người. Thật thế, những lần Chúa Giêsu nói về Cha trong Phúc Âm Thánh Gioan, là Người nói đến Đấng sai Thày. Vậy nếu Chúa Giêsu được Cha sai đến trần gian với một sứ vụ đặc biệt thì việc Người về cùng Cha là việc Người đã hoàn thành sứ vụ của Người. Như thế, nếu Người nói Người “chưa về cùng Cha” tức là Người chưa hoàn thành sứ vụ Cha trao. Do đó, câu Chúa Giêsu nói “Thày chưa về cùng Cha” cũng cho thấy biến cố Thăng Thiên của Người là biến cố hoàn toàn chấm dứt sứ vụ trần gian của Người.

Đến đây chúng ta có thể lại đặt vấn đề, nếu Chúa Giêsu chưa hoàn thành sứ vụ của Người thì tại sao trước khi tắt thở trên thập giá Người lại nói: “Mọi sự đã hoàn tất”. Về việc “tỏ danh Cha cho những người Cha đã trao phó cho Con trên thế gian” (Jn 17:6, 26) thì quả thực Chúa Giêsu đã hoàn tất trên thập giá, hay nói cách khác, về việc thiết lập vương quốc của Thiên Chúa trên thế gian thì Người đã hoàn tất trên ngai tòa thập giá. Tuy nhiên, về đường lối để Nước Thiên Chúa được trị đến trên thế gian cho tới khi Người trở lại trong vinh quang thì Người chưa hoàn tất hay chưa nói đến; và Người chỉ thực hiện điều này sau khi sống lại từ trong cõi chết mà thôi. Đó là lý do trong thời gian 40 ngày từ khi sống lại tới khi Thăng Thiên về trời, Sách Tông Vụ qua bài đọc thứ nhất hôm nay cho biết Người nói với các môn đệ “về Nước Thiên Chúa”.

Thế nhưng, Chúa Kitô Phục Sinh còn cần phải nói thêm về Nước Thiên Chúa nữa hay sao, vì trong khi còn sống Người đã dùng hết dụ ngôn này đến dụ ngôn khác để tỏ cho các vị hiểu rồi mà. Tuy nhiên, những gì Chúa Kitô mạc khải về Nước Thiên Chúa khi còn sống chỉ là những gì liên quan đến Mầu Nhiệm Nước Trời mà thôi, còn những gì Người nói về Nước Thiên Chúa sau khi phục sinh đây là những gì liên quan đến Công Cuộc Nước Trời, nghĩa là liên quan đến việc Nước Cha Trị Đến trên thế gian qua vai trò và sứ vụ của Giáo Hội Người.

Đó là lý do chúng ta thấy trong cả 4 Phúc Âm, Chúa Kitô Phục Sinh đã truyền các tông đồ những gì phải làm để Nước Cha Trị Đến. Trước hết, trong Phúc Aâm Thánh Marcô Lễ Thăng Thiên Năm B, Người bảo các vị phải rao giảng truyền giáo: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật” (16:16). Tuy nhiên, yếu tính của việc rao giảng truyền giáo là gì, nếu không phải là việc làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, bởi đó, trong Phúc Âm Thánh Luca Lễ Thăng Thiên Năm C, Người bảo các vị phải làm chứng về Người: “Các con phải là những chứng nhân về những điều ấy” (24:48). Để rồi, chính nhờ việc rao giảng truyền giáo ở chỗ làm chứng đó mà con người ta chấp nhận tin mừng và chịu phép rửa, do đó, trong Phúc Âm Thánh Mathêu Lễ Thăng Thiên Năm A, Người bảo các vị cần phải thành lập và củng cố Giáo Hội khắp nơi: “Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ khắp mọi dân nước và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy cho họ biết những gì Thày đã truyền cho các con. Thày sẽ mãi mãi ở cùng các con cho đến tận thế” (28:19-20). Một khi những người tin và chấp nhận phép rửa trở thành một đàn chiên, thì phải có chủ chiên khắp nơi, nhất là vị chăn chiên tối cao đại diện Người chăn dắt cả chiên con lẫn chiên lớn, đó là lý do trong Phúc Âm Thánh Gioan Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục Sinh Năm C, Người bảo vị tông đồ trưởng đoàn Phêrô: “Con hãy chăn các chiên lớn chiên bé của Thày” (20:15-16).

Thế nhưng, nếu biến cố Chúa Kitô Thăng Thiên nghĩa là biến cố chấm dứt Thời Điểm của Chúa Kitô, thì tại sao Người còn lại đến thế gian một lần nữa vào Ngày Chung Thẩm, như Người tiên báo với các tông đồ khi nói về Ngày Tận Thế, hay như chính lời thiên thần nhắc lại cho các vị ở câu kết của bài đọc thứ nhất Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên: “Đức Giêsu đã lên trời trước mắt các người thế nào cũng sẽ trở lại như vậy”?

Đúng thế, chính vì Chúa Kitô Phục Sinh, như Người tuyên bố: “Thày sẽ mãi mãi ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”, mà thời điểm của Người là thời điểm kéo dài cho đến tận thế. Ngoài ra, Nước Thiên Chúa được Người thiết lập bằng Cuộc Vượt Qua của Người còn phát triển cho đến thời điểm “Trời Mới Đất Mới”, một thực tại được Sách Khải Huyền nhắc tới ở đoạn 21, câu 1, một thực tại cuối cùng sẽ làm cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Vẫn biết việc Chúa Kitô Phục Sinh vẫn còn ở cùng Giáo Hội lữ hành cho đến tận thế, và việc Nước Thiên Chúa do Người thiết lập cần phải được phát triển trên thế gian cho đến tầm vóc viên trọn của mình, thế nhưng, việc Người ở cùng Giáo Hội sau khi Người Thăng Thiên về trời, tuy là một thực tại có thật và sống động, song hoàn toàn có tính cách bí tích hơn là một thực tại hữu hình và cụ thể, như lúc Người hóa thành nhục thể sống động trên dương thế giữa thành phần chứng nhân tiên khởi là các tông đồ. Cả việc Nước Thiên Chúa do Người thiết lập cần phải được phát triển trên thế gian cho đến tầm vóc viên trọn của mình cũng thế, Người chỉ thực hiện bằng “quyền toàn năng trên trời dưới đất” (Mt 28:18) của Người mà thôi, qua Tác Nhân Thần Linh của Người, cũng như qua Nhiệm Thể Giáo Hội của Người mà thôi, chứ Người không trực tiếp và đích thân hoạt động như khi Người còn tại thế nữa. Giờ đây, việc Chúa Kitô Phục Sinh “ngự bên hữu Chúa Cha” sau khi Thăng Thiên về trời nghĩa là, theo Thánh Phaolô nhận định trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô đoạn 15 câu 25 và 26: “Chúa Kitô phải cai trị cho đến khi Thiên Chúa đặt tất cả mọi kẻ thù dưới chân Người, mà kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt chính là tử thần”.

Tóm lại, vấn đề nồng cốt ở đây là, nhân tính của Chúa Kitô Phục Sinh, bao gồm cả hồn lẫn xác của Người Thăng Thiên về trời chứ không phải Thần Tính của Người, vì Thần Tính của Người vốn hằng ở nơi Cha và là một với Cha (xem Jn 1:2, 18; 10:30). Mà một khi cả hồn lẫn xác của Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên về trời rồi, nghĩa là, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 668, “việc Chúa Kitô Thăng Thiên về trời biểu hiệu cho việc Người tham dự bằng nhân tính của Người vào quyền năng và quyền bính của Thiên Chúa”, thì Thời Điểm Người Nhập Thể và Cứu Thế đã thực sự hoàn tất nơi chính mình Người, vẫn biết chưa hoàn thành trên thế gian. Còn việc “Người trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”, như Kinh Tin Kính chúng ta vẫn tuyên xưng, chỉ là việc Người đến để gặt hái những gì Người đã gieo vãi trên thế gian mà thôi, đó là việc Người đến để cứu những kẻ thuộc về Người, đúng như lời Thánh Phaolô viết trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở đoạn 19 câu 28: “Chúa Kitô xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa bỏ tội lỗi nữa mà là để cứu những ai thiết tha trông đợi Người”.

Ôi thân phận loài người chúng ta thật là cao cả và vô cùng quí giá. Bởi vì, nhân tính vô cùng thấp hèn của loài người chúng ta, một nhân tính sau khi đã bị hư đi bởi nguyên tội, lại chẳng những đã được Thiên Chúa vô cùng thiện hảo mặc lấy nơi Con Người Giêsu Kitô trên thế gian, mà còn là một nhân tính được “ngự bên hữu Thiên Chúa” (Acts 2:33), một nhân tính hết sức cao cả trước mặt tất cả các thần trời và được các ngài tôn vinh chúc tụng, như đã được các ngài cung phụng khi còn tại thế vậy (Jn 1:51; Mt 4:11; Lk 22:43). Ôi, thân phận loài người, đúng như tác giả Thánh Vịnh kêu lên: “Chúa đã dựng nên con người kém thiên thần một chút, song Chúa đã đội triều thiên tôn vinh con người” (8:6).


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Sứ Ðiệp của ÐTC GPII cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 23/5/2004