GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 27 THỨ NĂM

 Thiên Chúa vừa là Quan Án vừa là Đấng Cứu Độ

(Bài Giáo Lý 108 về Thánh Vịnh của ÐTC GPII Thứ Tư 26/5/2004
Ca
Vịnh Khải Huyền 11-12 cho Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Nhất)
 

1.     Bài ca vịnh chúng ta vừa dâng lên “Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng”, bài ca vịnh được giành cho Phụng Vụ Giờ Kinh Tối, là tổng hợp của một số câu thuộc các đoạn 11 và 12 trong Sách Khải Huyền. Người ta nghe thấy 7 tiếng kèn cuối cùng vang lên trong cuốn sách đấu tranh và hy vọng này. Sau đó có 24 vị trưởng lão ở dinh cơ thiên quốc, thành phần tiêu biểu cho tất cả những kẻ công chính của Cựu Ước và Tân Ước (x Rev 4:4, 11:16), xướng lên một bài thánh ca có lẽ đã được sử dụng trong các cuộc cử hành phụng vụ thời Giáo Hội sơ khai. Họ tôn thờ chủ quyền của Thiên Chúa trên thế giới và trong lịch sử, một chủ quyền sửa soạn thiết lập Vương Quốc công chính, yêu thương và chân thực.

Nơi lời cầu nguyện này, trái tim của kẻ công chính cảm thấy rung động, thành phần hy vọng đợi chờ Chúa đến để làm cho các biến cố của con người thêm sáng tỏ, những biến cố thường thường bị chìm đắm trong tối tăm của tội lỗi, bất công, gian dối và bạo lực.

2.     Bài ca này được xướng lên bởi 24 vị trưởng lão có liên quan tới 2 bài Thánh Vịnh: Bài Thánh Vịnh thứ 2, bài ca thiên sai (x 2:1-5) và bài Thánh Vịnh 98, bài cử hành lòng trung tín thần linh (x 98:1). Nhờ đó mà phán quyết chính đáng và quyết liệt của Chúa được tôn tụng, một phán quyết Ngài sẽ loan báo cho toàn thể lịch sử loài người.

Việc can thiệp hữu ích này có hai khía cạnh vì cả hai đều là những đặc tính diễn tả dung nhan của Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài là vị quan án nhưng cũng là Đấng Cứu Độ; Ngài lên án sự dữ nhưng trả công cho việc hiếu trung; Ngài là công lý nhưng trước hết là tình yêu.

Căn tính của thành phần công chính, một căn tính đã được bảo trì trong Vương Quốc của Thiên Chúa, là vấn đề quan trọng. Chúng được chia ra làm 3 loại “tôi tớ” của Chúa, tức là những vị ngôn sứ, những thánh nhân và những người kính sợ danh Ngài (x Rev 11:18). Đó là một bức chân dung thiêng liêng về dân Chúa, nhờ các tặng ân nhận được nơi phép rửa và được thăng hoa trong đời sống đức tin và đức mến. Đó là một hình ảnh được thể hiện vừa nhỏ vừa lớn (x 19:5).

3.     Bài thánh ca của chúng ta, như đã được đề cập tới, còn được chi tiết hóa bằng việc sử dụng cả những câu ở đoạn 12 nữa, một đoạn đề cập tới một cảnh sắc vĩ đại và hiển vinh của Sách Khải Huyền. Trong cảnh sắc này là một cuộc đối chọi giữa người nữ sinh hạ Đấng Thiên Sai với con rồng gian ác và bạo động. Trong cuộc song đấu giữa thiện và ác, giữa Giáo Hội và Satan, thì đột nhiên vang vọng một tiếng phát ra từ trời loan báo việc thảm bại của “Tên Tố Cáo” (x 12:10). Danh xưng này được dịch từ danh xưng “Satan” theo tiếng Do Thái, một danh xưng được gán cho nhân vật, theo Sách Ông Gióp, là phần tử của triều thần thiên quốc, nơi nó dự phần với Tên Cáo Giác Công Khai (x Job 1:9-11; 2:4-5; Zec 3:1).

Hắn “tố cáo họ ngày đêm trước Thiên Chúa của chúng ta”, tức là hắn đặt vấn đề về tính cách thành thực của đức tin nơi người công chính. Giờ đây rồng Satan đã bị cứng họng và lý do hắn bị thảm bại đó là vì “máu của Con Chiên” (12:11), là cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô Cứu Độ.

Liên kết với cuộc chiến thắng của Người là chứng từ tử đạo của Kitô hữu. Có một sự tham dự sâu xa vào công cuộc cứu độ của Con Chiên nơi thành phần tín hữu, những người không “ham sống sợ chết “ (ibid.). Điều này đã nhắc chúng ta nhớ lại những lời của Chúa Kitô: “Ai yêu mến sự sống mình thì sẽ mất nó, còn ai ghét sự sống mình trên thế gian này sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Jn 12:25).

4.     Đơn ca viên thiên quốc xướng lên bài ca vịnh này đã kết thúc nó bằng việc mời gọi toàn thể ca đoàn thiên thần cùng chung tiếng hát lên bài thánh ca hân hoan vì được ơn cứu độ (x Rev 12:12). Chúng ta hãy chung tiếng để dâng lên lời cảm tạ đầy tràn hy vọng, bất chấp những thử thách đánh dấu cuộc hành trình tiến đến vinh quang của chúng ta.

Chúng ta làm điều này theo những lời được Thánh tử đạo Polycarpô dâng lên “Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng” khi ngài đã bị cột trói ở cọc tử hình: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, là Cha của Người Con Giêsu Kitô Yêu Dấu Diễm Phúc…, xin hãy ưu ái phân xử cho con được xứng đáng, ở ngày hôm nay đây cũng như vào giờ này đây, chiếm hưởng vị trí của con trong danh sách các vị tử đạo của Chúa, tham phần vào chén của Đức Kitô trước cuộc phục sinh, nơi linh hồn và thân xác cho đến muôn đời trong chốn trường sinh bất tử của Chúa Thánh Thần. Hôm nay đây xin Chúa hãy khứng nhận con trong số các vị tử đạo của Chúa, cũng như xin Chúa là Vị Thiên Chúa trung thành và chân thật hãy làm cho hiến tế Chúa đã sửa soạn cho con được sinh hoa kết trái và hài lòng Chúa. Con ca ngợi Chúa, con chúc tụng Chúa, con tôn vinh Chúa về tất cả những điều này, nhờ Vị Linh Mục Thượng Tế hằng hữu thiên đình là Chúa Giêsu Kitô Con Yêu Dấu của Chúa, nguyện Chúa và Chúa Thánh Thần được hiển vinh cùng với Người giờ đây và cho đến thiên niên vạn đại. Amen” ("Atti e Passioni dei Martiri" [Acts and Passion of the Martyrs], Milan, 1987, p. 23).

Anh Chị Em thân mến,

Bài ca vịnh chúng ta vừa nghe là một bài thánh ca chúc tụng Thiên Chúa, Vị Chúa của lịch sử và của thế giới, Vị sẵn sàng thiết lập vương quốc công lý, yêu thương và chân thực của Ngài. Thiên Chúa vừa là Vị Quan Án vừa là Đấng Cứu Độ. Ngài lên án sự dữ và tưởng tưởng lòng trung thành; Ngài là Đấng công minh nhưng không thiếu xót thương.

Satan, Tên Tố Cáo, bị loại trừ, hắn không có quyền năng gì trên thành phần công chính cả. Cơ binh thiên quốc được mời gọi để hân hoan hát mừng ơn cứu độ. Cả chúng ta nữa cũng hợp tiếng vào bài đại thánh ca tạ ơn này, để chúng ta được tràn đầy hy vọng khi tiếp tục cuộc hành trình của mình hướng về vinh quang.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 26/5/2004.

 

Những Lý Do Ban Hành Bản Hướng Dẫn Việc Cử Hành Phụng Vụ Cực Linh

ĐHY Francis Arinze, Bộ Trưởng Thánh Bộ Phượng Tự Và Bí Tích, qua cuộc phỏng vấn với Zenit, đã cho biết những lý do Tòa Thánh ban hành Bản Hướng Dẫn Việc Cử Hành Phụng Vụ Cực Linh

Vấn     Theo bản văn kiện thì rõ ràng là trong mấy thập niên gần đây việc tôn sùng Thánh Thể đã bị coi thường ở những hình thức về phụng vụ cũng như bị suy kém về ý nghĩa sâu xa của bí tích này. Vậy mục đích muốn nhắm đến của Bản Hướng Dẫn này là gì?

Đáp     Mục đích của Bản Hướng Dẫn “redemptionis Sacramentum” là để thúc đẩy việc tuân giữ các qui tắc liên quan đến việc cử hành Thánh Thể thiện hảo cũng như để thúc giục việc tôn thờ Thánh Thể thiện hảo ngoài Thánh Lễ, như trong việc viếng Thánh Thể và trong việc làm giờ Thánh, trong việc Chầu Thánh Thể, kiệu Thánh Thể và Đại Hội Thánh Thể.

Theo chỉ thị của ĐTC ở Đoạn 52 trong bức thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” của Ngài, thì bản hướng dẫn này cần phải minh nhiên đề cập tới một số lạm dụng và yêu cầu phải tránh những thứ lạm dụng ấy.

Vấn     ĐHY đã nói trên Đài Phát Thanh Vatican rằng việc cử hành Thánh Thể không phải là một tác động đại kết và càng không phải là một tác động liên tôn. Xin ĐHY có thể nói rõ hơn về những gì ngài muốn nói chăng?

Đáp     Việc cử hành Thánh Thể không phải là một tác động đại kết là bởi vì đây là việc cử hành nội bộ của Giáo Hội Công Giáo.

Đó là một việc cử hành cao cả nhất của Giáo Hội được thực hiện bởi những người Công Giáo hoàn toàn hiệp thông đức tin và luân lý với Đức Giáo Hoàng cũng như với các vị giám mục hiệp thông với Ngài.

Việc cử hành đại kết là điều tốt khi được chấp thuận hợp lệ bởi các vị lãnh đạo các cộng đồng Kitô giáo dự phần. Điển hình là một buổi cầu nguyện hay việc cử hành Thánh Kinh được thực hiện bởi những người Công Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Lutheran và Presbyterian. Việc cử hành đại kết khác hẳn với Thánh Lễ.

Vấn đề càng rõ hơn nữa là việc cử hành Thánh Thể không phải là việc cử hành cho những người Do Thái, Hồi Giáo, Ấn Giáo cũng như những tín đồ thuộc các đạo giáo khác. Những gì chúng ta tin tưởng hướng dẫn cách thức chúng ta nguyện cầu.

Vấn     Ở Hiệp Chủng Quốc, cả ở Âu Châu nữa, bùng nổ một cuộc đại tranh luận về tính cách nhất trí của các chính trị gia Công Giáo. Có những trường hợp chính trị gia xưng mình là Công Giáo nhưng lại bỏ phiếu cho những khoản luật và phát biểu hoàn toàn trái với giáo huấn của Giáo Hội, điển hình như trong trường hợp ủng hộ các khoản luật cho phá thai, triệt sinh an tử, hôn nhân đồng tính cũng như ủng hộ việc phổ biến những chương trình ngừa thai chống sự sống. Việc những nhân vật chính trị này lên rước lễ gây ra gương mù nơi tín hữu. Bản hướng dẫn có đề cập đến vấn đề này hay chăng? Phân bộ do ĐHY làm bộ trưởng đây đã xác định về vấn đề này ra sao?

Đáp     Khoa thần học luân lý và giáo luật đã giải thích những loại người Công Giáo nào được và những loại người Công Giáo nào không được rước lễ.

Bản hướng dẫn “Redemptionis Sacramentum” đề cập đến một số những chi tiết ấy ở các đoạn 81 và 82, nhưng không đặt thẳng vấn đề được quí vị đề cập tới. Vấn đề này giành cho các vị giám mục ở mỗi giáo phận và quốc gia để các vị cắt nghĩa cho cộng đồng của mình về qui luật và tín lý nồng cốt của vấn đề.

Vấn     Ngoài những gì liên quan đến những thứ sai lầm, bản hướng dẫn “Redemptionis Sacramentum” còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng chính yếu của Thánh Thể. Thánh Thể quan trọng thế nào trong đời sống Giáo Hội cũng như nơi cộng đồng Kitô hữu?

Đáp     Hy tế Thánh Thể là “nguồn mạch và là tột đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo”. Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Thánh Thể là kho tàng cao quí nhất Giáo Hội có được trên trần gian này, vì đó là chính Chúa Kitô.

Có lạ lắm hay chăng việc Giáo Hội cẩn trọng bảo vệ và bảo toàn việc cử hành mầu nhiệm uy nghi này và cổ động việc tôn thờ mầu nhiệm ấy?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 26/5/2004.