GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 2 CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Giuse Nguyễn Văn Lựu

 

CHỨNG NHÂN MỚI
 

Nghe-Thấy-Theo. Đó là 3 yếu tố quan trọng trong đời sống chứng nhân của người Kitô hữu, đặc biệt, là những chứng nhân của thời đại chúng ta đang sống. Người tông đồ hay chứng nhân cho Chúa Giêsu hôm nay nếu thiếu những yếu tố này sẽ trở thành kệch cỡm, giả hình và thiếu hấp dẫn. Đức Gioan Phaolô II đã nhận xét về con người chứng nhân của thời đại này, và theo Ngài, thì thế giới hôm nay không thiếu những nhà giảng thuyết, nhưng thiếu những chứng nhân.

Nhận xét trên đến từ phản ảnh trung thực cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Ngài đến trong trần gian, sống giữa đời, ẩn dật và suy niệm đúng 30 năm. Ba mươi năm cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa Cha. Đó cũng là 30 năm Ngài nhìn thấy Chúa Cha, và Chúa Cha nhìn thấy Ngài: “ChaTa và Ta là một” (Gioan 10:30). Và sau khi đã nghe tiếng Chúa Cha, hiểu được ý của Chúa Cha, Ngài đã lên đường hành đạo. Ba năm rao giảng Tin Mừng, để rồi kết thúc bằng thảm kịch trên Núi Sọ. Nhờ “nghe-thấy-theo”, Chúa Giêsu đã trở thành căn nguyên Ơn Cứu Độ của nhân loại.

Thật vậy, hình ảnh người chứng nhân của thế kỷ chúng ta đang sống hôm nay cũng chính là hình ảnh mà Chúa Giêsu đã gợi ý, và đã được Thánh ký Gioan ghi lại bằng một hình ảnh quen thuộc: Những con chiên trong một đàn chiên. Những con chiên hiền lành đã nghe, thấy, và đi theo người chăn chiên.

Nghe tiếng Chúa. Điều quan trọng nhất của người chứng nhân là phải nghe được tiếng Chúa. Nếu không nghe và nhận ra được tiếng Ngài, chắc chắn chúng ta không biết Ngài là ai, và điều gì Ngài muốn chúng ta làm. Trong tâm lý phát triển, đứa trẻ khi mở mắt chào đời việc đầu tiên là em nghe được tiếng mẹ. Thính giác hoạt động trước giúp đem em lại gần với mẹ. Do nghe được tiếng mẹ, em tìm được sự săn sóc, tìm được hơi ấm và bầu sữa thơm ngon của mẹ. Người Kitô hữu muốn tìm thấy Chúa Giêsu cũng phải biết nghe và nhận ra tiếng Ngài.

Nhưng làm thế nào để nghe và nhận ra tiếng Chúa, một tiếng nói êm ái, dịu dàng và thân thương như tiếng đập của con tim người mẹ hiền, như tiếng thì thầm của đôi tình nhân, và như tiếng gió thoảng của Thần Khí Thiên Chúa thổi qua trong cuộc đời của mỗi người. Đôi lúc tiếng ấy cũng vang vọng đâu đó trong những tiếng nổ long trời, lở đất của bom đạn, của chết chóc và máu lửa. Và cũng đôi lúc, tiếng ấy lại nghe thấy trong những lao đao, bệnh tật, nghèo túng, và những khắc nghiệt của kiếp người. Tóm lại, tiếng Chúa vang vọng khắp đó đây và trong rất nhiều cảnh ngộ của cuộc đời. Làm thế nào để nghe được những tiếng đó. Cầu nguyện, thinh lặng, và khiêm tốn. Chúa Giêsu cũng đã nghe được tiếng Cha của Ngài trong âm thầm và cầu nguyện dưới mái nhà Nagiarét.

Sau khi đã nhận ra tiếng mẹ, bước kế tiếp là em bé nhìn rõ mẹ, phân biệt được mẹ với người lạ. Từ đó, em chỉ hạnh phúc khi nhìn mẹ, ngược lai, em hoảng sợ và khiếp đảm khi nhìn những người khác không phải là mẹ. Người Kitô hữu, sau khi nghe và nhận được tiếng Chúa, họ còn phải nhận diện được Ngài, cũng như ở trong tầm nhìn của Ngài. Họ không được đi xa khỏi tầm nhìn Ngài đến độ Ngài không nhìn ra họ, vì làm như vậy họ sẽ bị lạc đường: “Ta biết chiên Ta và chúng theo Ta” (Gioan 10: 27).

Như hành động nghe tiếng Ngài, người Kitô hữu lúc này phải nhìn được Ngài qua từng nhân vật, từng cảnh vật, và từng biến cố cuộc đời. Họ phải có cái nhìn xuyên thấu bằng cặp mắt đức tin để khám phá ra dung nhan Ngài ẩn hiện chung quanh mình qua những người mình gặp gỡ, để thương yêu, tha thứ và giúp đỡ; cũng như qua những biến cố mà họ phải đối diện trong cuộc sống để không thất đảm, hốt hoảng và mất niềm tin.

Trong vai trò chứng nhân, người Kitô hữu không những chỉ nói về Chúa Giêsu, mà còn phải biết tường tận Ngài là ai, hình dáng, và ngôn ngữ Ngài như thế nào. Vì người chứng nhân của thời đại mới không chỉ nói về Chúa Giêsu, viết về Chúa Giêsu, mà còn sống đúng như những gì mình đã nghe và đã thấy nơi Ngài. Kết quả của đường lối chứng nhân này sẽ thu hút người nghe vì họ tin rằng họ đang nghe những gì mà người nói với họ đã xác tín và hành động như vậy.

“Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Gioan 10: 27). Đặc tính trổi vượt nhất của người chứng nhân là sống và làm chứng cho những gì mình nói. Các Tông Đồ xưa là những người đã thấy, đã nghe, và đã sống những gì các Ngài rao giảng. Họ là những người không những thấy những vết đinh nơi tay chân và vết đâm nơi cạnh sườn Chúa. Hơn thế nữa, như Tôma, họ đã xỏ ngón tay vào những vết đinh, và thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa, để rồi thâm tín và thốt lên: “Lậy Chúa tôi. Lậy Thiên Chúa của tôi” (Gioan 20:28).

Nghe được tiếng Chúa, nhìn thấy Chúa, sống chứng nhân những gì mình đã nghe và đã thấy. Có lẽ trong đời sống Kitô hữu, đây là điều khó khăn nhất nhưng cũng quan trọng nhất. Cũng như trong đời sống chứng nhân, đây là điều thực hành khó nhất nhưng mang lại hoa trái nhất. Vì khi nói về Chúa Giêsu, người nghe phần đông sẽ không hiểu gì và cũng chẳng mường tượng ra Ngài là ai. Nhưng nếu người chứng nhân minh chứng cho họ thấy bằng hành động của mình Chúa Giêsu là ai, lập tức những lời nói của người chứng nhân sẽ có ảnh hưởng rất rõ ràng.

Chúa Giêsu biết Ngài sắp về cùng Chúa Cha. Ngài đã chuẩn bị cho các Tông Đồ, để các ông vào đời và làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ. Ngài biết sứ vụ này không dễ dàng, vì các ông sẽ phải gặp nhiều thử thách đến từ việc cứng lòng tin của con người, nhất là từ những cám dỗ của ma quỉ. Chính vì thế, Ngài đã hiện ra với các ông, và như lần này, Ngài đã dậy các ông về một phương thức truyền giáo thiết thực với tâm lý con người, đó là “nghe-thấy-theo”. Ngài muốn các ông cũng như những ai sau này sẽ làm chứng nhân cho Ngài phải hiểu rằng chính họ là người trước hết phải nghe được tiếng Ngài, biết được Ngài, và nhất là sống với Ngài. Như vậy, từ hôm nay, mỗi khi tôi gặp những khó khăn, những người làm cho tôi khó chịu, và nhất là những bất trắc trong cuộc sống, tôi phải dừng lại ít giây phút để hỏi mình: “Chúa Giêsu đó có phải không? Ngài đang muốn nói với tôi điều gì? Và Ngài muốn tôi làm gì trong vai trò chứng nhân cho Ngài giữa dòng đời hôm nay?”
 

Trần Mỹ Duyệt

 

Chiên hóa sói - dê thành chiên

 

Như Mùa Vọng có 4 tuần lễ và Mùa Chay có 6 tuần lễ Mùa Phục Sinh gồm có 7 tuần lễ. Mùa Vọng có 4 tuần lễ là khoảng thời gian tiêu biểu cho 4 ngàn năm Cựu Ước trông đợi Chúa Cứu Thế. Mùa Chay có 6 tuần lễ, nói cho chính xác thì chỉ có hơn 5 tuần lễ, tức có đúng 40 ngày, từ Thứ Tư Lễ Tro tới Chúa Nhật Lễ Lá, một khoảng thời gian đặc biệt tưởng kính 40 ngày Chúa Kitô ăn chay và chịu cám dỗ trong hoang địa. Mùa Phục Sinh có 7 tuần lễ, hay 50 ngày, từ Đại Lễ Chúa Phục Sinh tới Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cũng gọi là Lễ Ngũ Tuần theo niên lịch phụng vụ Do Thái.

Trong 7 tuần lễ Mùa Phục Sinh, từ Chúa Nhật Thứ Tư trở đi, tuy còn trong Mùa Phục Sinh, chúng ta sẽ không còn đọc bài Phúc Âm nào về việc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các tông đồ nữa, ngoại trừ vào Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, Thứ Năm trong Tuần Thứ Sáu Mùa Phục Sinh, tức đúng 40 ngày sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết. Đó là lý do Giáo Hội chọn bài Phúc Âm theo Thánh Gioan nói đến Mục Tử và chiên. Vì ý nghĩa của bài Phúc Âm liên quan đến vai trò mục tử mà Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, như Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Kính Chúa Tình Thương. Về lý do tại sao còn trong Mùa Phục Sinh mà lại đọc các bài Phúc Âm không liên quan gì đến việc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra như ba tuần đầu, theo tôi, là vì chủ đề hay ý nghĩa của cả Mùa Phục Sinh này có thể được tóm gọn trong câu Chúa Kitô tuyên bố được Phúc Âm Thánh Gioan ghi lại ở đoạn 11 câu 25, đó là: “Thày là sự sống lại và là sự sống”.

Bởi thế, không lạ gì, nếu theo dõi các bài Phúc Âm liên tục cho lễ hằng ngày trong Mùa Phục Sinh, thì ngay sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh, tức tuần lễ liên quan đến phần đầu của chủ đề này, phần về sự việc “Thày là sự sống lại”, Giáo Hội đã chọn đọc loạt bài Phúc Âm theo Thánh Gioan về thực tại “Thày là sự sống” cho sáu tuần còn lại trong Mùa Phục Sinh. Ý nghĩa Lời Chúa trong 6 tuần còn lại trong Mùa Phục Sinh này thứ tự cho thấy như sau: tuần thứ hai, về việc cần tái sinh mới được vào Nước Thiên Chúa, nghĩa là mới được sống đời đời; tuần thứ ba, về sự sống đời đời được ban cho thế gian nơi bánh hằng sống bởi trời xuống là huyết nhục Chúa Kitô; tuần thứ bốn, về sự sống đời đời được thông ban cho chiên qua việc tự hiến của vị mục tử nhân lành; tuần thứ năm, về hoa trái sự sống được trổ sinh nhờ tình yêu thương huynh đệ và bởi mối hiệp nhất với Chúa Kitô như cành nho dính liên thân nho; tuần thứ sáu, tuần có Lễ Thăng Thiên, về sự sống của Giáo Hội trong Thần Chân Lý là Đấng được sai đến sau khi Chúa Kitô về cùng Cha; sau cùng, tuần thứ bảy, về sự sống đời đời được bắt nguồn từ Mạc Khải Thần Linh là Chúa Kitô và được chăn nuôi bởi vị mục tử tối cao ở nơi con người Phêrô đại diện Chúa Kitô.

Thật vậy, kể từ sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh, chúng ta đang cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Sự Sống, điển hình là Chúa Nhật Thứ Tư tuần này, với bài Phúc Âm chỉ có 4 câu hết sức ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa thâm sâu, trong đó có lời Chúa Giêsu minh định: “Tôi cho chúng sự sống đời đời”.

Thành phần được Chúa Kitô ban sự sống đời đời cho đây chính là chiên của Người, như Người xác định ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. Vấn đề được đặt ra ở đây là, nếu tâm lý chung hay đặc tính làm nên thành phần chiên của Chúa Kitô, như Người đã khẳng định, đó là việc chiên nghe tiếng của Người, thì như vậy chúng ta có thể đi đến hai hệ luận hay kết luận saau đây:

Hệ luận hay kết luận thứ nhất có thể hiểu rằng những ai không nghe tiếng của Người, vì không muốn nghe hay không có khả năng nghe, thì không phải là chiên của Người, kể cả kẻ đã thực sự thuộc về đàn chiên Giáo Hội của Người, qua việc họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đi nữa?

Hệ luận hay kết luận thứ hai là: nếu căn cứ vào cùng nguyên tắc “chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”, thì dù chưa thuộc về đàn chiên Giáo Hội của Chúa Kitô, song ai có khả năng hay thiện tâm muốn nghe tiếng của Người, cũng là và đã là chiên của Người rồi, tức cũng được sự sống đời đời, được cứu độ?

Ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay hoàn toàn ứng nghiệm một cách khít khao với hai bài Phúc Âm của hai tuần trước, tức là bài Phúc Âm về việc Chúa hiện ra với 7 tông đồ ở bờ biển Tibêria mới tuần Thứ Ba vừa rồi, và bài Phúc Âm về việc tông đồ Tôma tuyên xưng “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi” ở tuần Thứ Hai trước đó.

Thật vậy, bài Phúc Âm hôm nay trước hết được ứng nghiệm nơi bài Phúc Âm tuần vừa rồi như thế này. Nếu bài Phúc Âm hôm nay Chúa phán “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”, thì bài Phúc Âm tuần trước cho thấy, các môn đệ đã nghe lời Chúa bảo “hãy thả lưới bên phải”, dù vào ngay lúc đó các vị chưa thực sự nhận ra “Thày đó”, vì tự lời của Người có sức tác dụng mãnh liệt nơi các vị, như đã làm cho hai môn đệ trên đường đi Emmau nóng lên đang lúc trao đổi với Người mà không biết “Thày đó”. Chưa hết, nếu trong bài Phúc Âm hôm nay Chúa còn phán: “Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”, thì bài Phúc Âm tuần trước cũng cho thấy, Chúa Kitô biết các môn đệ của mình đói, chẳng những đã đích thân làm bữa điểm tâm cho các vị sẵn sàng trên bờ, mà còn đưa đồ ăn đến mời các vị dùng nữa, và các vị đã theo Người ở chỗ nhận lấy những gì Người dọn cho mình và trao cho mình, chứ không từ chối.

Riêng tông đồ Phêrô, Chúa biết ngài hơn ai hết, biết ngài “tinh thần thì linh hoạt song xác thịt lại yếu nhược” (Mt 26:41), biết ngài đã phũ phàng và trắng trợn chối bỏ Người ba lần, đến nỗi, chính miệng Phêrô đã phải tuyên xưng trước Đấng Phục Sinh: “Thày quá rõ mọi sự”, thế mà, Người vẫn tin tưởng ngài, vẫn kêu gọi ngài “Hãy theo Thày”, và ngài đã thực sự theo Thày đến cùng, trong vai trò của một “vị mục tử nhân lành hiến mạng sống vì chiên” (Jn 10:11), vào năm 67, tại Rôma, Trung Tâm của thế giới Kitô giáo nói chung và của Giáo Hội Công Giáo Rôma nói riêng hiện giờ.

Ngoài ra, bài Phúc Âm hôm nay còn ứng nghiệm lời tuyên xưng của tông đồ Tôma ở bài Phúc Âm của tuần Thứ Hai nữa. Nếu tông đồ Tôma đã tuyên xưng Chúa Kitô Phục Sinh là “Chúa”, thì bài Phúc Âm hôm nay cho thấy Người thực sự là Chúa, khi Người tuyên bố Người có toàn quyền và toàn năng “ban sự sống đời đời cho chúng và không ai cướp chúng khỏi tay Tôi được”. Cũng trong bài Phúc Âm tuần Thứ Hai này, nếu tông đồ Tôma còn tuyên xưng Chúa Kitô Phục Sinh là” Thiên Chúa”, thì bài Phúc Âm hôm nay cho thấy chính Chúa Kitô đã tự nhận bản tính thần linh của mình khi minh nhiên tuyên bố: “Tôi với Cha Tôi là một”.

Căn cứ vào nguyên tắc “chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”, như vừa được phân tích và nhận định theo ý nghĩa xuôi chiều của các bài phúc âm theo phụng vụ Mùa Phục Sinh trên đây, thì đã là chiên của Người, như trường hợp các môn đệ, sẽ nghe thấy tiếng Người là chủ chiên của các vị. Chưa hết, nếu theo ý nghĩa ngược chiều, dù chưa chính thức thuộc về đàn chiên Giáo Hội của Chúa Kitô, song ai có khả năng hay có thiện tâm muốn nghe tiếng của Người, cũng là và đã là chiên của Người rồi, tức cũng được hưởng sự sống đời đời, được cứu độ.

Không phải hay sao, trước khi chính thức thuộc về đàn chiên Giáo Hội của Người qua việc lãnh nhận Phép Rửa thì thành phần mà Người tuyên bố với tổng trấn Philatô ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 18 câu 37: “Ai tìm kiếm chân lý thì nghe thấy tiếng Tôi”, cũng là, thậm chí, đã là chiên của Người rồi. Bằng không thì Người đã chẳng tuyên bố trong cùng đoạn 10 của Phúc Âm hôm nay, song ở câu 16 là: “Tôi còn những con chiên khác chưa thuộc về đàn này. Tôi cũng chăn dẫn những con chiên này nữa, và chúng sẽ nghe tiếng Tôi”?

Như thế, dù chưa thuộc về đàn chiên của Người, chưa chính thức thuộc về Giáo Hội Người thiết lập như bí tích cứu rỗi muôn dân, thành phần dân ngoại nói chung, tức thành phần không phải là dân Do Thái, bao gồm những kẻ vô đạo, vô thần, tội nhân v.v., cũng đã được Chúa Kitô gọi là “chiên” rồi, và vì đã là “chiên” của Người nên cả họ nữa cũng được Người âm thầm “chăn đắt” cho tới khi họ nghe thấy tiếng Người một cách nào đó chỉ có Người biết. Đó là lý do Kitô hữu Công Giáo chúng ta đừng có mặc nhiên hay minh nhiên khinh thường bất cứ một ai, dù họ khác niềm tin với mình, hay dù họ có vô thần duy vật đến đâu đi nữa, hoặc họ có tội lỗi xấu xa đến mấy chăng nữa, kẻo thành phần chiên Kitô hữu chúng ta trở thành sói dữ chứ không còn là chiên, để rồi, thành phần lạc loài trước mắt sói dữ chúng ta lại trở thành con chiên thứ 100, thành phần chiên được Vị Mục Tử vô cùng nhân lành hân hoan vui mừng vác trên vai. Đó cũng là lý do Công Đồng Vaticanô II, qua Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân về Giáo Hội, đoạn 16, đã không phủ nhận phần rỗi nơi thành phần thiện tâm ngoài Kitô giáo.

Đúng thế, thân phận chiên Kitô hữu chúng ta hãy coi chừng kẻo chính chúng ta lại tự thay hình đổi dạng biến mình trở thành loài sói dữ hay loài dê vô phúc lúc nào không biết, như trường hợp của những người Do Thái vốn là dân của Chúa, là đàn chiên Chúa chăn nuôi, lại bị Chúa tuyên bố phủ nhận trong câu Phúc Âm Thánh Gioan ngay trước đoạn mở đầu bài Phúc Âm hôm nay, đó là câu 26 như sau: “Quí vị không chịu tin vì quí vị không phải là chiên của Tôi”.

Quả vậy, nếu Kitô hữu chúng ta không chịu tỏ ra lòng tin tưởng của mình bằng việc tuân giữ lề luật Chúa hay nghe lời Chúa thì kể như chúng ta không sống thân phận chiên đi theo vị mục tử của mình vậy. Trái lại, thành phần thành tâm tìm Chúa, chắc chắn sẽ gặp được Người, như Người đã khẳng định: “Ai tìm kiếm chân lý sẽ nghe thấy tiếng Tôi”. Điển hình như năm trường hợp sau đây.

Thứ nhất là trường hợp của Ba Vương Đạo Sĩ từ Phương Đông xa xôi, không hề biết gì về Mạc Khải Thần Linh trong Cựu Ước của người Do Thái, về lời hứa Đấng Cứu Tinh Nhân Trần, song các vị cũng đã đến triều bái “vua dân Do Thái mới sinh” (Mt 2:2), “ở Bêlem xứ Giuđa” (Mt 2:6).

Thứ hai là trường hợp của người đàn bà Samaritanô ngoại lai, sống với sáu đời chồng bất hợp pháp, song vẫn khao khát thứ nước Chúa ban, đến nỗi, chị đã nhận ra Đấng đang nói với chị và làm cho nhiều người khác đến với Người (xem Jn 4:15, 18, 19, 26, 39).

Thứ ba là trường hợp của người đàn bà tội lỗi trong thành, nhưng đã được tha nhiều, vì nàng đã yêu nhiều, bằng việc lấy nước mắt rửa chân cho Người, lấy tóc mà lau chân Người, rồi hôn chân Người và xức dầu thơm chân Người (xem Lk 7:37, 38, 47, 48).

Thứ bốn là trường hợp của người tử tội bị đóng đanh bên hữu Chúa Giêsu đã được Người hứa cho lên Thiên Đàng vì anh đã nhận ra Đức Vua của mình và xin Người cho mình được vào Vương Quốc của Người (x Lk 23:40-43).

Thứ năm là trường hợp của đám dân ngoại Rôma, trong đó có viên đại đội trưởng cùng với thuộc hạ của ông, cuối cùng, sau khi thấy cảnh tượng Người chết, đã nhận biết và tuyên xưng rằng: “Quả thực Người này là Con Thiên Chúa!” (Mt 27:34).

Tóm lại, Lời Chúa Giêsu phán “chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” trong Phúc Âm hôm nay nghĩa là, những ai là chiên của Người chắc chắn sẽ nhận ra tiếng của Người, ở chỗ, nhờ Thần Linh của Người tác động vào một lúc nào đó trong đời của họ, họ sẽ nhận ra rằng họ được Thiên Chúa là Cha trên trời biết đến và yêu thương, Đấng đã đến thế gian tìm kiếm họ qua Lời Nhập Thể, để mang họ về với Ngài bằng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu Kitô, và chính vì thế, họ đã hết sức cảm kích trở về với Ngài trong tinh thần và chân lý.

Bài Phúc Âm Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C cho chúng ta thâm tín hơn nữa hai câu Thánh Kinh Tân Ước rất quan trọng: Câu thứ nhất của Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 6 câu 37, đó là câu: “Tất cả những gì Cha ban cho Tôi sẽ đến với Tôi; và Tôi sẽ không ruồng rẫy những ai đến với Tôi”, và câu thứ hai của Thánh Phaolô trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma ở đoạn 8 câu 29, đó là câu: “Những ai Thiên Chúa đã biết trước thì Ngài cũng tiền định cho họ được nên giống hình ảnh Con của Ngài”.

Phải, thành phần “chiên tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” này chính là thành phần đã được Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: “Không ai có thể cướp mất chúng khỏi tay của Tôi được. Cha Tôi thì trọng hơn tất cả mọi sự, nên không ai có thể cướp chúng khỏi tay Cha Tôi được”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL