GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 31 LỄ MẸ THĂM VIẾNG

Lễ Mẹ Thăm Viếng

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống: “Dự án của Thiên Chúa được nên trọn… Giáo Hội được hạ sinh”.

1.    Hôm nay Giáo Hội cử hành lễ trọng Hiện Xuống, một lễ nhắc nhở chúng ta về việc tuôn đổ Thánh Thần trên Mẹ Maria và các vị tông đồ trong Nhà Tiệc Ly.

Những gì Chúa Kitô hứa với các môn đệ đã được nên trọn 50 ngày sau Phục Sinh, tức là các vị được lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần (Acts 1:5) và các vị được mặc lấy quyền lực từ trên cao (x Lk 24:49) để mạnh mẽ loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi dân nước. Được sinh động bởi lửa Thần Linh, các tông đồ ra khỏi Nhà Tiệc Ly để bắt đầu nói về Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh, cho tín hữu là thành phần từ khắp nới tụ về Giêrusalem, và mỗi người trong họ đều nghe thấy các vị nói thổ âm của mình.

2.     Dự án của Thiên Chúa, được Ngài tỏ cho Abraham, trong việc ban sự sống cho một dân tộc mới, đã được nên trọn trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Giáo Hội được hạ sinh, Nhiệm Thể Chúa Kitô tràn lan khắp thế giới. Nhiệm Thể này được hợp thành bởi con người nam nữ thuộc tất cả mọi chủng tộc và văn hóa, liên kết trong đức tin và tình yêu mến Ba Ngôi Chí Thánh, trở thành dấu hiệu và là phương tiện hiệp nhất toàn thể nhân loại (x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 1).

Được Thần Linh làm cho nên giống Chúa Kitô, một con người mới, người tín hữu trở thành những chứng nhân của Người, thành phần gieo rắc niềm hy vọng, các tác nhân xót thương và hòa bình.

3.    Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria Rất Thánh, vị mà chúng ta chiêm ngưỡng ở Nhà Tiệc Ly đã cùng với các tông đồ và các môn đệ lãnh nhận tặng ân Thánh Linh. Chúng ta hãy tin tưởng kêu xin việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, để các kỳ công của Ngày Lễ Hiện Xuống được tái diễn nơi Giáo Hội và tất cả mọi người có thể lãnh nhận việc hân hoan loan báo ơn cứu độ.



Bài Giảng của ĐTC trong Buổi Kinh Tối Áp Lễ Hiện Xuống ở Quảng Trường Thánh Phêrô: “Một Đáp Ứng Quan Phòng”.

1.     “Veni, Creator Spiritus!”

Vào ngày lễ trọng Hiện Xuống, toàn thể Giáo Hội đồng thanh cất lên bài ca này: Xin Hãy Đến, Hỡi Vị Thần Linh Sáng Tạo “Veni, Creator Spiritus!”, Nhiệm Thể Chúa Kitô, một Nhiệm Thể tràn lan khắp thế giới, kêu cầu Vị Thần Linh là Đấng làm cho Nhiệm Thể được sự sống, được hơi thở sinh tồn là những gì làm cho Nhiệm Thể hiện hữu và hoạt động.

Những câu đối ca của các bài Thánh Vịnh mới được xướng lên mấy phút trước đây đã nhắc nhở chúng ta về cảm nghiệm của các vị môn đệ ở Nhà Tiệc Ly: “Năm mươi ngày sau Phục Sinh, tất cả các vị qui tụ lại với nhau khi Thánh Thần hiện xuống” (đối). “Những lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi một vị tông đồ: Thần Linh Thiên Chúa đã xuất hiện trên thế giới” (đáp).

Chúng ta cũng sống cảm nghiệm linh thiêng này tại Quảng Trường đây, nơi đã từng trở thành một nhà tiệc ly lớn. Như chúng ta ở đây, vô vàn cộng đồng giáo phận và giáo xứ, hiệp hội, phong trào và nhóm người ở tất cả mọi nơi trên thế giới dâng lên trời cao lời kêu cầu chung này là: Xin Thánh Linh Hãy Đến!

2.    (Lời chào ngỏ cùng các thành phần tham dự)

3.    Tôi đặc biệt chào các phần tử thuộc nhóm Canh Tân Trong Thần Linh, một trong những biểu hiện của đại gia đình thuộc Phong Trào Đặc Sủng Công Giáo. Nhờ Phong Trào Đặc Sủng này mà nhiều Kitô hữu cả nam lẫn nữ, cả trẻ lẫn già, đã tái nhận thức được biến cố Hiện Xuống như là một thực tại sống động và hiện tại trong cuộc sống thường nhật của họ. Tôi ước mong rằng linh đạo Hiện Xuống được lan rộng trong Giáo Hội như là một cái gì then chốt mới mẻ của việc nguyện cầu, của sự thánh thiện, của mối hiệp thông và của việc rao giảng.

Bởi thế Tôi khuyến khích sáng kiến được gọi là “Bụi Gai Bừng Cháy” do nhóm Canh Tân Trong Thánh Linh phát động. Nó là việc liên lỉ tôn thờ ngày đêm trước Bí Tích Cực Linh; một lời mời gọi tín hữu “hãy trở về với Nhà Tiệc Ly” để, liên kết với nhau chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thánh Thể, họ cầu xin cho mối hiệp nhất trọn vẹn Kitô giáo cũng như cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải. Tôi thành thực mong ước thấy sáng kiến này dẫn nhiều người đến chỗ tái nhận thức được những tặng ân của Thần Linh, Đấng là mạch nguồn của họ trong Ngày Lễ Hiện Xuống.

4.    Anh chị em thân mến! Việc cử hành buổi chiều hôm nay làm Tôi nhớ đến cuộc hội ngộ không thể quên được với các phong trào trong giáo hội cũng như với các cộng đồng mới vào tối áp Lễ Hiện Xuống sáu năm trước đây. Đó là một biểu lộ phi thường của mối hiệp nhất trong Giáo Hội, một hiệp nhất phong phú với những đặc sủng khác nhau được Thánh Thần trào đổ xuống một cách dồi dào. Tôi thiết tha muốn lập lại những gì Tôi đã nói vào dịp ấy, đó là các phong trào trong giáo hội cũng như các cộng đồng mới là một “đáp ứng quan phòng”, “được Thánh Linh tác động”, cho nhu cầu tân truyền bá phúc âm hóa, một đáp ứng cần đến “những con người Kitô hữu trưởng thành” cũng như “những cộng đồng Kitô giáo mạnh mẽ” (x. "Insegnamenti," XXI, 1 [1998], p. 1123).

Đó là lý do Tôi cũng muốn nói cùng anh chị em rằng: “Hãy đơn thành cởi mở trước những tặng ân của Thánh Thần! Hãy lãnh nhận bằng một lòng tri ân và tuân theo các đặc sủng được Thần Linh không ngừng ban phát! Đừng quên rằng tất cả mọi đặc sủng được ban phát cho công ích, tức là cho thiện ích của toàn thể Giáo Hội” (ibid., p. 1122).

5.     “Xin Thánh Linh hãy đến!”

Giữa chúng con đang giơ tay lên nguyện cầu Vị Trinh Nữ Mẹ Chúa Kitô cũng là Mẹ của Giáo Hội. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy van nài và lãnh nhận tặng ân Thánh Linh, ánh sáng chân lý, sức mạnh của bình an đích thực. Chúng ta làm như thế theo những lời của bài đối ca trước ca vịnh Ngợi Khen được chúng ta xướng lên sau đó: “Xin Thánh Linh hãy đến tràn đầy lòng tín hữu của Chúa, và xin hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương nơi họ: Ngài là Đấng qui tụ các dân tộc thuộc các ngôn ngữ khác nhau của loài người vào một đức tin duy nhất, alleluia”.

“Xin Thánh Linh hãy đến!”


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày Chúa Nhật Hiện Xuống 30/5/2004
 

Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’

 Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ

Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”

 

Chương III

Việc Cử Hành Thánh Lễ Cách Xứng Hợp

 

(tiếp theo Thứ Sáu 28/5/2004)

 

3. Những Phần Khác Của Thánh Lễ (57-74)

57.     Cộng động tín hữu Chúa Kitô có quyền nhất là trong việc cử hành Ngày Chúa Nhật, theo thông lệ, với những bản nhạc thánh ca đích thực và xứng hợp, cũng như với bàn thờ, đồ lễ và các khăn thánh xứng đáng, thích hợp và sạch sẽ theo các qui tắc ấn định.


58.     Tất cả mọi tín hữu của Chúa Kitô cũng có quyền tham dự vào một cuộc cử hành Thánh Thể được cẩn thận sửa soạn cho tất cả mọi phần của nó, trong đó, phần lời Chúa được công bố một cách rõ ràng, xứng hợp và tác động; năng quyền chọn lựa các bài đọc và lễ nghi phụng vụ được thận trọng thực hiện theo các qui tắc ấn định; và đức tin của họ cần được bảo trì và nuôi dưỡng bởi những lời được xướng hát trong khi cử hành Phụng Vụ.

59.     Cần phải chấm dứt những việc thực hiện bị bác bỏ mà vị Linh Mục, Phó Tế hay tín hữu đó đây tự ý thay đổi các bài đọc Phụng Vụ Thánh họ có trách nhiệm phải loan báo. Vì làm như thế là họ khiến cho việc cử hành Phụng Vụ Thánh bị sai lệch, và thường làm hư hoại ý nghĩa chân thực của Phụng Vụ.

60.     Trong việc cử hành Thánh Lễ, Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể được liên kết mật thiết với nhau, và làm thành một tác động thờ phượng duy nhất. Đó là lý do không được phép tách biệt những phần này ra khỏi nhau và cử hành những phần ấy vào những lúc hay những nơi khác nhau (135). Cũng không được phép thực hiện các phần riêng biệt của Thánh Lễ ở những lúc khác nhau trong cùng một ngày.

61.     Trong việc chọn những bài đọc thánh kinh cho việc loan báo khi cử hành Thánh Lễ, cần phải theo các qui tắc nơi các sách phụng vụ (136), nhờ đó mới có được “một bàn tiệc lời Chúa dồi dào cùng với kho tàng thánh kinh cống hiến cho tín hữu” (137).

62.     Cũng không được phép bỏ qua hay thay thế những bài đọc thánh kinh được qui định theo sáng kiến riêng của ai, nhất là “thay thế các bài đọc và bài Đáp Ca là những gì chứa đựng lời Chúa bằng những bài đọc khác không phải là thánh kinh” (138).

63.     “Trong khi cử hành Phụng Vụ Thánh, việc đọc Phúc Âm là “cao điểm của phần Phụng Vụ Lời Chúa” (139) được Giáo Hội giành cho thừa tác viên có chức thánh (140). Thế nên giáo dân, ngay cả tu sĩ, cũng không được phép công bố bài Phúc Âm khi cử hành Thánh Lễ, hay ở cả những trường hợp khác không được rõ ràng qui định (141).

64.     Bài giảng được chia sẻ trong khi cử hành Thánh Lễ và là một phần của chính Phụng Vụ (142) “bình thường thuộc về trách nhiệm của chính vị Linh Mục chủ tế. Ngaài có thể ủy thác việc ấy cho vị Linh Mục đồng tế, và tùy hoàn cảnh cho một vị Phó Tế, nhưng không bào giờ cho một giáo dân (143). Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, bài giảng có thể được trao cho một vị Giám Mục hay Linh Mục hiện diện trong việc cử hành song không đồng tế” (144).

65.     Cần phải nhớ rằng bất cứ qui tắc nào trước đây cho phép thành phần tín hữu không có chức thánh giảng trong khi cử hành thánh thể đều bị qui tắc khoản giáo luật 767.1 coi như bãi bỏ (145). Việc thực hành này bị bác bỏ để không còn hiệu lực theo tục lệ nữa.

66.     Việc cấm không cho thành phần giáo dân giảng trong Thánh Lễ cũng áp dụng vào trường hợp chủng sinh, các sinh viên theo phân khoa thần học, và những ai đóng vai trò như là “những phụ tá viên mục vụ”; cũng không có luật trừ cho bất cứ hạng giáo dân, phái nhóm hay cộng đồng hoặc hiệp hội nào (146).

67.     Phải đặc biệt chú ý để làm sao bài giảng được đặt nặng vào các mầu nhiệm cứu độ, diễn giải các mầu nhiệm Đức Tin và các qui tắc sống đời Kitô hữu theo các bài đọc thánh kinh cũng như các bản văn phụng vụ trong suốt cả phụng niên, và dẫn giải về các bài đọc của Mùa Thường Niên hay Mùa Thích Hợp của Thánh Lễ, hoặc dẫn giải về một số lễ nghi khác của Giáo Hội (147). Cần phải ý thức rằng tất cả mọi điều giải thích về Sách Thánh đều phải được qui về chính Chúa Kitô như Đấng là mấu chốt của toàn thể công cuộc cứu độ, mặc dù điều này cần phải thực hiện theo ý nghĩa của trường hợp đặc biệt cho việc cử hành phụng vụ. Cần phải chú trọng trong việc giảng giải để ánh sáng của Chúa Kitô chiếu giãi chiếu tỏ vào những biến cố của cuộc sống. Để được như thế, cần phải làm sao để không làm lu mờ lời chân thực và nguyên tuyền của Chúa: chẳng hạn chỉ nói đến vấn đề chính trị hay những vấn đề tục hóa, hoặc trích dẫn những quan niệm phát xuất từ các trào lưu ngụy giáo hiện thời (148).

68.     Vị Giám Mục giáo phận phải thận trọng để ý tới việc thuyết giảng (149), cũng như phổ biến các qui tắc và cung cấp những bản hướng dẫn cũng như các dụng cụ hỗ trợ cho các vị thừa tác viên thánh chức, và phát động các cuộc họp hội cùng nhưng dự án khác nhắm đến mục đích này, nhờ đó họ có cơ hội hiểu chính xác hơn về bản chất của bài giảng và dễ dàng dọn bài giảng.

69.     Trong Thánh Lễ cũng như trong các cuộc cử hành Phụng Vụ Thánh khác, không được sử dụng một Kinh Tin Kính hay Bản Tuyên Xưng Đức Tin nào khác ngoài những sách phụng vụ đã được chuẩn nhận xứng hợp.

70.     Các lễ vật tín hữu Chúa Kitô thường dâng cho Phụng Vụ Thánh Thể trong Thánh Lễ không nhất thiết phải là bánh và rượu cần cho việc cử hành thánh thể, mà còn có thể bao gồm cả những tặng vật của tín hữu dưới hình thức tiền bạc hay các thứ khác theo lòng bác ái đối với người nghèo. Chưa hết, những tặng vật bề ngoài bao giờ cũng phải trở thành một biểu hiện tỏ tường cho thấy tặng ân thực sự Thiên Chúa mong mỏi nơi chúng ta, đó là tấm lòng thống hối, là tình yêu Chúa và tha nhân, điều làm cho chúng ta được liên kết với hy tế của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình cho chúng ta. Vì từ nơi Thánh Thể chiếu tỏa ra một ánh sáng chói lọi nhất cho thấy mầu nhiệm bác ái được Chúa Giêsu thực hiện ở Bữa Tiệc Ly bằng việc rửa chân cho các môn đệ của Người. Để bảo trì phẩm vị của Phụng Vụ Thánh, trong bất cứ trường hợp nào, những hiến vật bề ngoài cần phải được tiến dâng một cách xứng hợp. Đó là lý do tiền bạc, cũng như các thứ đóng góp khác cho người nghèo, cần phải được đặt ở một nơi thích hợp ở ngoài bàn thánh thể (150). Ngoại trừ tiền bạc và một phần tiêu biểu nhỏ thỉnh thoảng được sử dụng thay cho các tặng vật khác, thì hay nhất những hiến vật như vậy nên được thực hiện ở ngoài việc cử hành Thánh Lễ.

71.     Cần phải bào trì việc thực hành Lễ Nghi Rôma bao gồm cả tác động chúc bình an trước phần Hiệp Lễ một chút. Vì theo truyền thống Lễ Nghi Rôma thì việc thực hành này không bao gồm việc hòa giải hay việc xá tội, mà chỉ tiêu biểu cho sự bình an, mối hiệp thông và tình bác ái trước khi lãnh nhận Thánh Thể Cực Linh (151). Chính Việc Thống Hối ở đầu Lễ (nhất là nơi hình thức đầu tiên của nó) mới có tính chất hòa giải giữa anh chị em với nhau.

72.     Thích hợp nhất đó là “mỗi người chúc bình an một cách nghiêm chỉnh chỉ cho những ai gần mình nhất mà thôi”. “Vị Linh Mục có thể chúc bình an cho các thừa taác viên nhưng luôn ở trên cung thánh, nhờ đó mới không gây trở ngại cho việc cử hành thánh lễ. Nếu có lý do chính đáng ngài cũng được tùy nghi chúc bình an cho một số ít tín hữu”. “Đối với vấn đề dấu hiệu trao chúc bình an, cách thức của nó cần phải được Hội Đồng Giám Mục ấn định theo những cung cách và thói tục của dân chúng”, và những tác động được các vị ấn định phải được Tòa Thánh châu phê (152).

73.     Trong việc cử hành Thánh Lễ, việc bẻ Bánh Thánh Thể, một việc chỉ được thực hiện bởi vị Linh Mục chủ tế, nếu cần cũng được làm thay bởi vị Phó Tế hay một vị đồng tế, được bắt đầu sau khi trao chúc bình an, trong khi đọc Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Vì cử chỉ bẻ bánh “được Chúa Kitô thực hiện trong Bữa Tiệc Ly, tức trong thời các thánh tông đồ, đã cống hiến cho toàn thể tác động thánh thể một danh xưng nói lên cho thấy rằng mặc dù họ tuy nhiều song cũng được làm nên một Thân Thể duy nhất trong mối hiệp thông với Tấm Bánh Sự Sống duy nhất là Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi của thế giới [x. 1Cor 10:17]” (153). Đó là lý do nghi thức này cần phải được thực thi một cách cung kính (154). Dầu sao nó cũng ngắn gọn. Cần phải sửa lại ngay lập tức vấn đề lạm dụng xẩy ra ở một số nơi trong việc thi hành nghi thức này một cách dài dòng không cần thiết và nhấn mạnh một cách quá đáng, có cả việc nhúng tay của thành phần giáo dân trái với qui định (155).

74.     Nếu vì nhu cầu của thành phần tín hữu qui tụ cần phải hướng dẫn hay chia sẻ chứng từ bởi một giáo dân trong Nhà Thờ liên quan đến cuộc sống Kitô hữu, thì thích hợp nhất là thực hiện ở ngoài Thánh Lễ. Tuy nhiên, vì những lý do hệ trọng, kiểu hướng dẫn hay chia sẻ chứng từ này được phép làm sau khi vị Linh Mục đọc Lời Nguyện sau Hiệp Lễ. Tuy nhiên, điều này không được trở thành một thực hành thường xuyên. Ngoài ra, những lời hướng dẫn và chứng từ ấy không được mang bản chất có thể bị lẫn lộn với bài giảng (156), hay được phép chia sẻ cùng với bài giảng.

 

(còn tiếp)

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến