GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 5 THỨ TƯ

 

Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi 2004

Theo thông lệ hằng năm, vào Ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh, theo ý nghĩa của bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho ngày này, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, một thời điểm cho các tân linh mục do chính ĐTC phong chức ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 41 ngày 2/5/2004 này, ĐTC đã đi sâu vào ý nghĩa của việc cầu nguyện.

Quí Huynh khả kính thuộc Hàng Giáo Phẩm,

Anh Chị Em thân mến,

1.     “Vậy các con hãy xin cùng chủ mùa sai thợ đến làm mùa cho Ngài” (Lk 10:2).
Những lời Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ ấy cho thấy Vị Mục Tử Nhân Lành luôn chú ý tới chiên của Người. Người làm mọi sự để chúng “được sự sống và được một sự sống viên mãn” (Jn 10:10). Sau khi sống lại, Chúa đã trao phó cho các môn đệ của Người trách nhiệm tiếp tục sứ vụ ấy, để Phúc Âm được loan báo cho con người nam nữ thuộc tất cả mọi thời đại. Nhiều người trong họ đã quảng đại đáp ứng và tiếp tục đáp ứng lời mời gọi liên lỉ này của Chúa Giêsu: “Hãy theo Thày!” (Jn 21:22); họ là những con người nam nữ chấp nhận hiến cuộc đời sống của họ để hoàn toàn phục vụ cho Vương Quốc của Người.

Nhân dịp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 41 theo truyền thống được cử hành vào Chúa Nhật Thứ Bốn Phục Sinh, tất cả mọi tín hữu cùng nhau thiết tha nguyện cầu cho ơn gọi linh mục, cho đời sống tận hiến và cho công việc truyền giáo. Thật vậy, nhiệm vụ căn bản của chúng ta là cầu nguyện cùng “Chủ mùa” cho những ai đã theo Chúa Kitô khít khao trong thiên chức linh mục và đời sống tu trì, cũng như cho những ai Người tiếp tục xót thương kêu gọi sống đời phục vụ giáo hội quan trọng này.

2.     Chúng ta hãy cầu nguyện choi các ơn gọi!

Trong Tông Thư “Novo Millennio Ineunte”, Tôi đã nhận định “trong thế giới ngày nay, mặc dù bị tục hóa sâu rộng, vẫn thấy đang phát triển một nhu cầu tìm kiếm cái gì linh thiêng, một đòi hỏi được thể hiện phần lớn như là nhu cầu cần phải nguyện cầu” (số 33). Lời kêu cầu nhất trí của chúng ta dâng lên Chúa được bao gồm nơi “nhu cầu cầu nguyện” này để Người “sai thợ đến làm mùa của Người”.

Tôi hân hoan nhận thấy rằng nơi nhiều Giáo Hội riêng, các hội cầu nguyện cho ơn gọi đang được thành hình. Ở các đại chủng viện cũng như ở các nhà đào luyện của các hội dòng tu và truyền giáo, có những cuộc hội họp nhắm đến mục đích này. Nhiều gia đình trở thành những “hội” cầu nguyện bé nhỏ, giúp cho giới trẻ biết can đảm và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Vị Tôn Sư Thần Linh.

Phải! Ơn gọi phục vụ một mình Chúa Kitô trong Giáo Hội là một tặng ân khôn sánh của sự thiện hảo thần linh, một tặng ân cần phải được liên lỉ và khiêm nhượng tin tưởng kêu xin. Kitô hữu lúc nào cũng phải cởi mở để đón nhận tặng ân này, cẩn thận đừng làm phí phạm “thời ân sủng” và “thời điểm được viếng thăm” (x Lk 19:44).

Việc cầu nguyện được liên kết với hy sinh và đau khổ có một giá trị đặc biệt. Đau khổ, được chịu đựng nơi thân xác của con người như để hoàn tất những gì còn thiếu “nơi những khổ đau của Chúa Kitô vì thân mình của Ngài là Giáo Hội” (Col 1:24), trở thành một hình thức chuyển cầu rất hiệu nghiệm. Nhiều bệnh nhân khắp thế giới liên kết những nỗi đớn đau của họ với Thập Giá của Chúa Kitô, để nài xin Chúa ban cho có các ơn gọi thánh hảo. Họ cũng hỗ trợ tôi về phần thiêng liêng nữa, trong thừa tác vụ Thánh Phêrô Thiên Chúa đã ký thác cho Tôi, và góp phần quí hoá rất nhiều cho Phúc Âm, mặc dù thường hoàn toàn trong âm thầm kín đáo.

3.     Chúng ta hãy cầu nguyện cho thiên chức linh mục cũng như cho đời sống tu trì!
Tôi thành thực ước muốn thấy được nhu cầu cần phải gia tăng cầu nguyện cho ơn gọi; việc cầu nguyện bao gồm tác động tôn thờ mầu nhiệm Thiên Chúa và tạ ơn về những “điều trọng đại” Ngài đã hoàn thành và không ngừng thực hiện bất chấp bản chất yếu hèn của con người. Việc cầu nguyện chiêm niệm là tác động được thấm nhập bởi niềm cảm mến và tri ân về tặng ân ơn gọi.

Thánh Thể là tâm điểm của tất cả mọi tác động nguyện cầu. Bí tích Bàn Thờ này có một giá trị quan trọng trong việc phát sinh ơn gọi cũng như trong việc bền đỗ ơn gọi, vì từ hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô những ai được kêu gọi mới lấy được sức mạnh để hoàn toàn tự hiến cho việc rao giảng Phúc Âm. Như thế, việc tôn thờ Thánh Thể cần phải đi liền với việc Cử Hành Thánh Thể, ở một nghĩa nào đó, kéo dài mầu nhiệm Thánh Lễ.

Việc chiêm ngắm Chúa Kitô, Đấng thực sự và chính thực hiện diện dưới các hình bánh rượu, có thể khơi dậy nơi tâm can của con người được kêu gọi lãnh chức linh mục hay thực hiện sứ vụ truyền giáo đặc biệt trong Giáo Hội cùng một lòng nhiệt thành đã khiến Thánh Phêrô trên núi Biến Hình thốt lên: “Lạy Thày, chúng con được ở đây thì tốt quá đi” (Mt 17:4; x Mk 9:5; Lk 9:33). Đây là cách đặc biệt để chiêm ngưỡng dung nhan Chúa kitô cùng với Mẹ Maria và tại học đường của Mẹ Maria, Đấng có một tâm hồn đáng được gọi là “nữ nhân của Thánh Thể” (Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia”, 53).

Chớ gì tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu trở thành “những học đường thực sự của việc nguyện cầu”, nơi người ta nguyện xin để các thợ làm mùa không bị thiếu hụt trong cánh đồng hoạt động tông đồ mênh mông. Bởi vậy Giáo Hội cần phải liên lỉ hỗ trợ về thiêng liêng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi và là những người “theo Con Chiên đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới” (Rev 14:4): Tôi muốn nói đến các linh mục, Tu Sĩ, ẩn sĩ, những trinh nữ tận hiến, những phần tử thuộc các tu hội đời, tóm lại, tất cả những ai đã lãnh nhận tặng ân ơn gọi và đang chứa đựng “kho tàng này trong những bình sành” (2Cor 4:7).

Trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô có nhiều thừa tác vụ và đặc sủng khác nhau (x 1Cor 12:12), tất cả những điều này đều nhắm đến việc thánh hóa dân Kitô giáo. Trong việc chú trọng hỗ tương đối với sự thánh thiện, một sự thánh thiện cần phải tác động hết mọi phần tử của Giáo Hội, cần phải nguyện cầu để cho những ai “được kêu gọi” trung thành với ơn gọi của họ và tiến đến trình độ cao nhất có thể của sự trọn hảo phúc âm.

4.     Cầu nguyện cho những ai đã được kêu gọi.

Trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Giám Mục “Pastores Dabo Vobis”, Tôi đã nhấn mạnh rằng “một đòi hỏi cần thiết của đức ái mục vụ đối với Giáo Hội riêng của con người và thừa tác vụ tương lai của giáo hội ấy là mối quan tâm mà vị linh mục thực sự cần phải tìm kiếm một người nào đó thay thế mình trong chức vụ linh mục” (đoạn 74). Vẫn biết rằng Thiên Chúa kêu gọi những ai Ngài muốn (x Mk 3:13), nhưng hết mọi thừa tác viên của Chúa Kitô cũng cần phải kiên tâm nguyện cầu cho ơn gọi nữa. Không ai hơn ngài trong việc hiểu được tính cách khẩn trương của một cuộc trao đổi liên thế hệ hầu bảo đảm có những con người quảng đại và thánh thiện dấn thân loan báo Phúc Âm cũng như để ban phát các Phép Bí Tích.

Chính vì hiểu được như thế mà hơn bao giờ hết cần phải “chặt chẽ gắn bó với Chúa cũng như với ơn gọi và sứ vụ của bản thân” (Vita Consecrata, 63). Sức mạnh của chứng từ phát xuất từ thành phần được kêu gọi cũng như của khả năng lôi kéo người khác cùng thôi thúc mỗi người ký thác đời sống của mình cho Chúa Kitô tùy thuộc vào thánh đức của thành phần được kêu gọi này. Đó là đường lối để đương đầu với việc suy giảm ơn gọi sống đời tận hiến đang đe dọa đến việc liên tục của nhiều hoạt động tông đồ, nhất là ở những xứ truyền giáo.

Hơn nữa, việc cầu nguyện cho những ai được kêu gọi, linh mục cũng như những người sống đời tận hiến, có một giá trị đặc biệt, vì nó là một phần nơi lời nguyện tư tế của Chúa Kitô. Qua họ, Người cầu cùng Cha để Cha thánh hóa và gìn giữ họ trong tình yêu của Ngài những ai dù ở trong thế gian song không thuộc về thế gian (x Jn 17:14-16).

Chớ gì Thánh Thần làm cho toàn thể Giáo Hội trở thành một dân nguyện cầu, thành phần vang lên giọng nói của mình lên Cha trên trời để van xin Ngài ban những ơn gọi thánh hảo cho thiên chức linh mục và đời tận hiến. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để những ai được Chúa tuyển chọn và kêu gọi trở thành những chứng nhân trung thành và hoan hỉ cho một Phúc Âm mà họ đã hiến trót cả cuộc sống của mình.

5.     Lạy Chúa, chúng con tin tưởng hướng về Chúa!

Lạy Con Thiên Chúa,
đã được Cha sai đến
với những con người nam nữ ở mọi thời đại
và ở các phần đất trên thế giới!

Chúng con nhờ Mẹ Maria kêu lên Chúa,
Người là Mẹ của Chúa cũng là Mẹ của chúng con:
Chớ gì Giáo Hội
không hụt thiếu ơn gọi,
nhất là những ơn gọi dấn thân
một cách đặc biệt cho Vương Quốc của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế duy nhất của loài người!

Chúng con cầu cùng Chúa cho
anh chị em của chúng con
những người đã thưa “vâng”
theo ơn Chúa gọi
sống thiên chức linh mục,
sống đời tận hiến
và truyền giáo.

Chớ gì đời sống của họ hằng ngày
được canh tân đổi mới thành một Phúc Âm sống động

Lạy Chúa nhân hậu và thánh hảo,
xin hãy tiếp tục sai các thợ mới đến
làm mùa cho Vương Quốc của Chúa!

Xin hãy hỗ trợ những ai Chúa đã kêu gọi
để theo Chúa trong thời đại của chúng con đây;
bằng việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa,
chớ gì họ hân hoan đáp ứng
sứ vụ truyền giáo lạ lùng
Chúa đã ủy thác cho họ
vì thiện ích của Dân Chúa
cũng như của tất cả mọi con người nam nữ.

Chúa là Thiên Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị
cùng với Chúa Cha và Thánh Thần
đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Tại Vatican ngày 23/11/2003

Gioan Phaolô II

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được VIS phổ biến ngày 29/4/2004


Lòng trông cậy nơi Thiên Chúa trong những cơn hoạn nạn

(Bài giáo lý 104 của ÐTC GPII, Thứ Tư 28/4/2004, về Thánh Vịnh 26[27]:7-14 – cho Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Nhất)

1.     Phụng Vụ Giờ Kinh Tối đã chia bài Thánh Vịnh 26 {27) thành hai phần, theo cùng một cấu trúc như là một bức tranh xếp. Chúng ta vừa công bố phần thứ hai của bài ca tin tưởng này, một bài ca được dâng lên Chúa vào ngày tăm tối bị sự dữ tấn công. Đó là những câu 7-14 của bài Thánh Vịnh: những câu Thánh Vịnh mở đầu bằng tiếng kêu lên Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy nghe tiếng tôi khi tôi kêu cầu; xin thương xót tôi và đáp lời tôi” (câu 7), sau đó bày tỏ niềm thiết tha muốn tìm kiếm Chúa, với đầy những sợ hãu buồn thương sợ bị Ngài bỏ rơi (câu 8-9). Sau hết, những câu của bài Thánh Vịnh này mở ra trước mắt chúng ta một chân trời thê thảm cho thấy chính những cảm mến về gia đình không còn nữa (câu 10), thay vào đó là “những kẻ thù” (câu 11), “đối phương” và “những chứng nhân gian tà” (câu 12).

Thế nhưng, ở đây cũng thế, như ở phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh, yếu tố quyết liệt là lòng tin tưởng của con người nguyện cầu vào Chúa, Đấng cứu độ trong những cuộc thử thách và là Đấng gìn giữ trong những cơn giông tố bão bùng. Bởi thế thật là tuyệt vời ở lời kêu gọi được tác giả bài Thánh Vịnh nói với chính bản thân mình vào phần cuối của bài Thánh Vịnh: “Xin hãy can đảm đợi chờ Chúa; hãy kiên trì đợi chờ Chúa!” (câu 14; xem Ps 41[42]:6,12 và 42[43]:5).

Cả nơi những bài Thánh Vịnh khác nữa cũng cho thấy niềm xác tín sâu xa là con người lấy được sức mạnh và niềm hy vọng từ nơi Chúa: “Chúa bảo vệ kẻ trung tín nhưng làm cho kẻ ngạo mạn biết mặt. Hãy vững mạnh và can trường, tất cả những ai hy vọng vào Chúa!” (Ps 30[31]:24-25). Bởi thế tiên tri Hosea mới khuyên nhủ dân Do Thái rằng: “Nhờ ơn Chúa giúp anh em sẽ trở về nếu anh em trung thành làm những gì ngay chính và luôn hy vọng vào Chúa” (12:7).

2.     Giờ đây chúng ta chỉ cần chú ý tới 3 yếu tố tiêu biểu của việc sống đạo mạnh mẽ này. Yếu tố thứ nhất, một yếu tố tiêu cực, đó là cơn ác mộng về các kẻ thù (câu 12). Những kẻ thù ấy xuất hiện như những con dã thú “gầm rống” trước con mồi của chúng, bởi thế, nói một cách tõ hơn, đó là “những chứng nhân gian tà”, thành phần từ mũi thở ra bạo lực như các con hoang thú trước mồi ngon của chúng.

Đó là lý do, trên thế gian đầy những sự dữ hung tàn do Satan thực hiện và tác động, Thánh Phêrô đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Ma qủi thù địch của anh em đang chờn vờn như sư tử gầm rống tìm mồi để nuốt” (1Pt 5:8).

3.     Hình ảnh thứ hai cho thấy rõ lòng tin tưởng yên hàn của con người tín nghĩa, bất chấp họ có bị cha mẹ mình bỏ rơi: “Cho dù cha mẹ tôi có bỏ rơi tôi, Chúa cũng vẫn chấp nhận tôi” (câu 10).

Ngay cả trong cảnh lẻ loi và mất mát đi những cảm tình thân thương nhất ấy, con người cầu nguyện cũng không hoàn toàn cô độc vì có Vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu cuí mình xuống trên họ. Chúng ta nghĩ đến những đoạn nổi tiếng của tiên tri Isaia, vị đã qui về Thiên Chúa những tình cảm thương và êm ái dịu dàng còn hơn là một người mẹ: “Một người nữ có thể quên được ấu nhi của mình mà không chăm sóc cho đứa trẻ bởi lòng mình mà ra hay chăng? Cho dù họ có quên con của họ chăng nữa thì Ta cũng chẳng bao giờ quên ngươi” (Is 49:15).

Qua những lời này của vị tác giả Thánh Vịnh và của tiên tri Isaia, chúng ta hãy nhớ đến tất cả những người già nua bệnh tật, bị tất cả mọi người lãng quên, không ai tỏ ra yêu mến họ, hầu họ cảm thấy bàn tay cha mẹ của Chúa âm thầm yêu thương chạm đến khuôn mặt đau thương của họ có lẽ đang tuôn tràn châu lệ.

4.     Như thế là chúng ta sang biểu hiệu thứ ba và là biểu hiệu cuối cùng, một biểu hiệu được lập lại nhiều lần trong bài Thánh Vịnh: “’Hãy tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa’; Lạy Chúa, con tìm dung nhan Chúa! Xin đừng ẩn mặt khuất mắt tôi” (câu 8-9). Bởi vậy mà dung nhan Thiên Chúa là đối tượng của việc tìm cầu thiêng liêng của con người cầu nguyện. Ở đoạn kết, một niềm tin tưởng bất khuất xuất hiện, đó là niềm tin tưởng được “hoan hưởng sự thiện hảo của Chúa” (câu 13).

Theo ngôn ngữ của bài Thánh Vịnh này thì “việc tìm kiếm dung nhan Chúa” thường đồng nghĩa với việc tiến vào đền thờ để cử hành và cảm nghiệm mối hiệp thông với Vị Thiên Chúa của Sion. Thế nhưng, biểu hiệu này cũng bao gồm cả một nhu cầu huyền nhiệm liên quan đến mối thân tình thần linh qua việc cầu nguyện. Bởi thế, nơi phụng vụ cũng như nơi việc cầu nguyện tư riêng, chúng ta mới được ơn trực giác thấy dung nhan ấy chúng ta sẽ không bao giờ có thể trực tiếp thấy được trong cuộc sống trần gian này (x Ex 33:20).

Thế nhưng, Chúa Kitô đã tỏ cho chúng ta thấy, một cách khả thấu, dung nhan thần linh và đã hứa hẹn rằng trong cuộc hội ngộ đời đời, như Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta, “chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài là” (1Jn 3:2). Thánh Phaolô còn thêm: “Bấy giờ chúng ta sẽ được thấy nhãn tiền” (1Cor 13:12).

5.     Dẫn giải về bài Thánh Vịnh này, Origen, một đại văn hào Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, đã ghi nhận là: “Nếu con người tìm kiếm dung nhan Chúa, họ sẽ được thấy vinh hiển của Chúa một cách rõ ràng, và khi trở nên giống như các thần trời, họ sẽ mãi mãi được thấy dung nhan Cha trên trời” (PG 12, 1281).

Thánh Âu Quốc Tinh, trong bài dẫn giải về bài Thánh Vịnh ấy, đã tiếp tục lời cầu nguyện của vị tác giả Thánh Vịnh như thế này: “Tôi đã không tìm kiếm nơi Chúa một phần thưởng nào đó ở ngoài Chúa mà là chính dung nhan Chúa. ‘Lạy Chúa, tôi sẽ tìm kiếm dung nhan Chúa’. Tôi sẽ kiên trì theo đuổi việc tìm kiếm này; thật vậy, tôi sẽ không tìm kiếm một điều gì đó chẳng đáng giá là bao nhiêu mà là dung nhan Chúa, Ôi Chúa, để tha hồ mà yêu mến Chúa, miễn là tôi không tìm kiếm một điều gì khác cao quí hơn…. ‘Xin đừng giận dữ bỏ tôi tớ Chúa mà đi’, kẻo khi tìm kiếm Chúa tôi lại d1nh bén với những cái gì khác. Còn gì sầu thảm hơn điều ấy đối với con người yêu mến và tìm kiếm sự thật dung nhan Ngài?” ("Commentaries on the Psalms," 26,1,8-9, Rome, 1967, pp. 355, 357).

Anh chị em thân mến,

Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 26 nói về lòng trông cậy nơi Thiên Chúa trong những cơn hoạn nạn. Bất chấp sự hiện diện của sự dữ trên thế gian này, vị tác giả Thánh Vịnh cũng vẫn kiên trì hy vọng. Lòng tin tưởng nơi Chúa phải là những gì phấn khích và ủi an tất cả những ai cảm thấy bị bỏ rơi và cô quạnh, vì Thiên Chúa đã trở nên hữu hình cho chúng ta nơi Chúa Kitô. Chúng ta hặp gỡ Chúa của mình đặc biệt nơi phụng vụ cũng như nơi việc cầu nguyện riêng tư, khi chúng ta hành trình tiến về ngày chúng ta sẽ được thấy Ngài “nhãn tiền”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 28/4/2004.