GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 8 THỨ BẢY

 

Thiếu Nhi Giaxinta: “Cầu cho tội nhân ăn năn trở lại”
 

Fatima Chân Trời Cứu Ðộ (tiếp)


Trong Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, nếu hình ảnh Mẹ Sầu Bi vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917, đã ảnh hưởng đến tâm thần của Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, khiến em chuyên chú vào việc đền tạ theo ơn gọi chuyên biệt của em, thì thị kiến hỏa ngục vào lần Mẹ hiện ra thứ ba 13/7/1917, đã làm cho Thiếu Nhi Fatima Giaxinta nhỏ nhất kinh hoàng khiếp đảm hết sức, đến nỗi em đã hăng say khao khát sống ơn gọi chuyên biệt của em là hy sinh “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” cùng Chúa. Ngoài những gì đã được đề cập đến riêng Giaxinta trong phần Hy Sinh là ơn gọi chung của 3 Thiếu Nhi Fatima ở phần đầu của chương này, Giaxinta còn thực hiện nhiều việc hy sinh với mục đích rõ ràng là để cứu các tội nhân, như chị Lucia thuật lại trong Hồi Ký Thứ Nhất và Thứ Ba của chị.

“Hôm ấy chúng con đang chơi ở chỗ giếng nước con đã đề cập tới. Gần đó, có một cây nho của mẹ Giaxinta. Bà đã cắt một ít chùm để mang lại cho chúng con ăn. Nhưng Giaxinta không bao giờ quên các tội nhân cả. Em nói:

- Chúng ta sẽ không ăn những chùm nho này. Chúng ta hãy dâng hy sinh này để cầu nguyện cho các tội nhân.

Rồi em cầm những trái nho chạy đi cho những trẻ em khác đang chơi trên đường đi. Em trở về mặt mày hớn hở, vì em đã thấy các trẻ em nghèo của chúng con để trao cho họ những trái nho.

Lần khác, bà dì của con gọi chúng con lại để ăn những trái vả bà mang về nhà, và thật sự là những trái ấy ai ăn cũng cảm thấy ngon miệng. Giaxinta hớn hở ngồi xuống bên giỏ trái cây cùng với chúng con rồi cầm trái vả đầu tiên lên. Em gần ăn trái vả này thì sực nhớ lại đã nói:

- Đúng rồi! Hôm nay chúng ta chưa làm được một hy sinh nào cho các tội nhân hết! Chúng ta phải dâng hy sinh này.

Em bỏ trái vả lại giỏ trái cây để thực hiện việc hy sinh; cả chúng tôi cũng bỏ những trái vả vào giỏ để cầu nguyện cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Giaxinta đã thực hiện nhiều hy sinh như thế rất là thường, nhưng con xin thôi không kể đến nữa kẻo con sẽ không bao giờ ngừng được.

Đó là cách Giaxinta đã sống hằng ngày của mình cho đến khi Chúa gửi đến cho em chứng bệnh cúm làm em phải nằm yên ở trên giường, cả anh Phanxicô của em cũng bị nữa. Tối hôm trước khi ngã bệnh, em đã nói rằng:

- Em cảm thấy nhức đầu quá đi và rất là khát nước! Thế nhưng em sẽ không uống nước, vì em muốn chịu khổ cho các tội nhân.

… Tuy nhiên, Giaxintađã khá hơn một chút. em thậm chí đã có thể chỗi dậy và nhờ đó có thể bỏ cả ngày ra ngồi bên giường của Phanxicô. Một lần kia em nhắn con tới gặp em lập tức. Con chạy ngay lại. Em đã nói với con rằng:

- Đức Bà đã đến gặp em. Người bảo cho chúng ta biết rằng chẳng còn bao lâu nữa Người sẽ đến đem anh Phanxicô về trời, và Người hỏi em rằng em có còn muốn hoán cải các tội nhân hay chăng. Em đã nói rằng có. Người bảo em là em sẽ phải đi đến nhà thương, ở đó em sẽ chịu nhiều đau khổ; và em phải chịu khổ để hoàn cải các tội nhân, hầu đền tạ tội lỗi đã phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria và vì yêu Chúa Giêsu. Em hỏi Người là chị có đi với em không. Người nói là không, và đó là những gì em cảm thấy khó nhất. Người nói rằng mẹ em sẽ đưa em đi, rồi em sẽ phải ở lại đó một mình!

Nói xong em ngẫm nghĩ một chút rồi thêm:

- Giá chị có thể ở với em nhỉ! Chỗ khó nhất đó là đi không có chị…. Thế nhưng không sao! Em sẽ chịu vì yêu Chúa, để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để cầu cho các tội nhân cũng như cho Đức Thánh Cha.

Vào lúc người anh của em về trời, em đã tỏ cho anh những lời nhắn gửi này:

- Anh hãy dâng lên Chúa và Mẹ tất cả tình yêu của em nhé, và thưa với các Ngài rằng em sẽ chịu khổ bao lâu các Ngài muốn, để cầu cho các tội nhân ăn năn hối cải cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria

Giaxinta đã hết sức đau khổ trước cái chết của Phanxicô. Em cảm thấy vô cùng thấm thía trong lòng một thời gian dài, đến nỗi nếu có ai hỏi em đang nghĩ gì thì em đáp: ‘Nghĩ về Phanxicô. Tôi hy sinh tất cả để mong gặp lại anh!’ Rồi em rướm nước mắt.

Ngày kia con nói với em rằng:

- Giờ đây chẳng còn bao lâu nữa em sẽ về trời. Thế còn chị thì sao đây!

- Tội nghiệp cho chị! Chị đừng có khóc! Em sẽ cầu thật nhiều cho chị khi em lên đó. Phần chị, đó là cách Đức Mẹ muốn chị phải sống. Nếu Người muốn điều ấy cho em, em sẽ hân hoan ở lại để chịu đau khổ hơn nữa cho các tội nhân.

Ngày Giaxinta phải đi nhà thương đã đến. Ở đó em thật sự đã phải chịu đựng rất nhiều. Khi mẹ em đến thăm em, bà hỏi em có cần gì chăng. Em nói rằng em muốn gặp con. Đây không phải là một điều dễ dàng đối với dì của con, song dì cũng đem con đi ngay khi có dịp. Vừa thấy con, em đã hớn hở ôm chầm lấy con, và nói với mẹ của em hãy đi mua đồ và để con lại với em. Con hỏi thăm em có khổ đau nhiều lắm chăng. Em đáp:

- Có chứ. Thế nhưng em dâng tất cả mọi sự để cầu cho các tội nhân cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Thế rồi, đầy nhiệt tình, em đã nói về Chúa và Đức Mẹ như sau:

- Ôi em yêu thích được chịu khổ vì yêu các Ngài biết bao, chỉ để làm cho các Ngài hài lòng mà thôi! Các Ngài rất yêu thương những ai chịu khổ cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống.

Em được trở về nhà với cha mẹ em trong một thời gian. Em có một vết thương lớn ở ngực cần phải được chữa trị hằng ngày, nhưng em đã chịu đựng không hề phàn nàn hay tỏ ra một dấu hiệu khó chịu nào. Điều làm em khó chịu nhất là những cuộc viếng thăm thường xuyên và những câu hỏi của nhiều người đến thăm em, những người em không thể nào tránh né được nữa.

- Em cũng dâng cả những hy sinh này nữa để cầu nguyện cho các tôi nhân ơn ăn năn hối cải.

Có lần dì của con xin con một điều “Cháu hỏi xem Giaxinta nghĩ gì khi nó lấy tay ôm mặt bất động một lúc lâu. Dì đã hỏi nó nhưng nó chỉ mỉm cười không nói năng gì”. Con đã hỏi Giaxinta. Em trả lời con như sau:

- Em nghĩ đến Chúa, đến Đức Mẹ, đến các tội nhân, và đến… (em đề cập tới một số điều của Bí Mật). Em thích suy nghĩ.

Một lần nữa, Đức Trinh Nữ lại chiếu cố đến thăm Giaxinta, để nói với em về những thánh giá mới cùng những hy sinh mới đang chờ đợi em. Em đã cho con biết những điều ấy mà rằng:

- Đức Mẹ bảo em rằng em sẽ đi Lisbon tới một bệnh viện khác; rằng em sẽ không thấy chị nữa, cũng chẳng được thấy cha mẹ em nữa, và sau khi đã chịu nhiều đau khổ, em sẽ chết cô đơn một mình. Thế nhưng Người nói rằng em không cần gì phải sợ hãi, vì chính Người đến đem em về trời.

Em đã ôm ghì lấy con mà khóc:

- Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa! Chị sẽ không đến đó thăm em. Ôi xin chị cầu nguyện nhiều cho em, vì em sẽ bị chết cô đơn một mình!

Giaxinta đã chịu đựng kinh khủng cho tới ngày em lên đường đi Lisbon. Em cứ gắn liền lấy con mà khóc nấc lên:

- Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa! Không bao giờ được thấy mẹ em nữa, các anh của em nữa, cha của em nữa! Em sẽ không bao giờ được thấy mọi người nữa! Thế rồi em sẽ chết lủi thủi một thân một mình.

Một hôm con khuyên em:

- Em đừng nghĩ đến nó nữa.

Em trả lời:

- Hãy để em nghĩ đến nó, vì càng nghĩ em càng khổ, song em muốn chịu khổ vì yêu Chúa và cho các tội nhân. Dù vậy, em cũng không sao! Đức Mẹ sẽ đến đó để đưa em về trời.

Có những lúc em hôn và ôm cây thánh giá mà than lên rằng: “Ôi Chúa Giêsu ơi! Con yêu Chúa, và con muốn chịu khổ thật nhiều vì yêu Chúa”. Em rất thường hay nói rằng: “Ôi Chúa Giêsu! Giờ đây Chúa có thể hoán cải nhiều tội nhân, vì đây thật sự là một hy sinh to lớn!”

Cuối cùng ngày em phải bỏ nhà đi Lisbon đã đến (21/2/1920). Thật là một cuộc giã biệt đoạn trường. Em đã ôm chặt lấy con rất lâu mà khóc nấc lên: “Chúng ta sẽ không bao giờ được thấy nhau nữa! Xin chị cầu nguyện nhiều cho em cho đến khi em về trời. Bấy giờ em sẽ cầu nguyện cho chị. Chị đừng bao giờ nói Bí Mật ấy cho bất cứ một ai nghe, dù họ có giết chị đi nữa. Chị hãy yêu mến Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria thật nhiều, và hãy kiếm nhiều hy sinh cho các tội nhân”.


‘Chính là Đức Mẹ’

Ôi, cuộc sống của ba Thiếu Nhi Fatima dễ thương và đáng khâm phục là chừng nào, một gương sống đạo có lẽ đã làm cho nhiều Kitô hữu thành niên hay lão thành cảm thấy hết sức xấu hổ. Thậm chí không thể tin được.

Theo Đức Tổng Giám Mục Jose Saraiva Martins, Bộ Trưởng Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh, thì vụ án phong thánh cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta đã được bắt đầu từ năm 1952 tại giáo phận Leiria-Fatima. Thế nhưng, tiến trình phong thánh này đã bị trì hoãn là vì vấn đề phong thánh cho các em là trẻ em liên quan đến tín lý và giáo luật, ở chỗ, các em chưa ở vào tuổi thiếu niên (pre-adolescent) hay tuổi dậy thì, tức tuổi “tiên”, tuổi theo tiếng Anh là “teen”, tuổi từ 13 thirteen tới hết 19 nineteen, (không như trường hợp Maria Goretti vừa tử đạo vừa là con gái ở vào tuổi dậy thì 12). Trong khi đó, Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh lại nhận được 180 khẩn nguyện thư thuộc 44 quốc gia trên thế giới, từ các vị hồng y, giám mục, đặc sứ tòa thánh và linh mục coi xứ trình bày cho thấy những lợi điểm của việc phong thánh cho hai em đối với giới trẻ trong thế giới hiện đại. Cuối cùng, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã rút ngắn tiến trình phong thánh cho hai em, bằng việc công nhận nhân đức anh hùng của hai Đấng Đáng Kính (venerable) này ngày 13/5/1989, một biến cố không ngờ đã xẩy ra như điềm báo trước biến động Đông Âu sau đó ở Balan ngày 19/8/1989 (cũng là ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần thứ 4 tại Valinhos, chứ không phải ở cây sồi như các lần khác trên đồi Cova da Iria vào ngày 13 như Mẹ muốn ngay từ đầu, vì việc nhúng tay can thiệp của chính quyền địa phương). Mười năm sau, ngày 28/6/1999, hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta lại được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban bố một sắc lệnh công nhận phép lạ của hai Đấng Đáng Kính này làm, để hai vị có thể được Giáo Hội tuyên phong Á Thánh.

Trong bài giảng phong chân phước cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta tại chính Linh Địa Thánh Mẫu Fatima ngày 13/5 Đại Năm Thánh 2000, ĐTC GPII, ở đoạn 6), đã nhắn nhủ thành phần thiếu nhi như sau:

“Cha muốn nói những lời cuối cùng với các em nhỏ: các em trai em gái thân mến, Cha thấy nhiều người trong các em trang phục giống như Phanxicô và Giaxinta vậy. Các em mặc đẹp lắm! Thế nhưng, chút nữa đây hay ngày mai các em sẽ cởi những thứ y phục này ra và... những nhỏ mục đồng ấy không còn nữa. Các nhỏ mục đồng ấy không được mất đi phải không các em? Đức Mẹ cần tất cả các em trong việc an ủi Chúa Giêsu, Đấng buồn phiền vì nhiều điều xấu xa gây ra cho Người; Người cần đến những lời cầu nguyện cũng như những hy sinh cho tội nhân của các em. Các em hãy xin cha mẹ và thầy cô của mình ghi danh của các em vào ‘trường’ của Đức Mẹ, để Đức Mẹ có thể dạy các em nên giống như các bé mục đồng này, những bé mục đồng đã cố gắng làm theo những gì Mẹ xin họ. Cha muốn nói cho các em biết là ‘nhờ phục tùng và lệ thuộc vào Mẹ Maria, trong một thời gian ngắn người ta sẽ tiến bộ hơn là cả bao nhiêu năm theo những sáng kiến cá nhân khi cậy dựa vào mình’ (Thánh Long Mộng Phố – Louis de Montfort, Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn số 155). Đó là lý do tại sao các bé mục đồng ấy đã nên thánh rất nhanh như vậy. Có một người đàn bà tiếp đãi Giaxinta ở Lisbon, khi nghe nhỏ gái này có những lời khuyên răn rất hay ho và khôn ngoan thì hỏi ai đã dạy em điều ấy, em trả lời rằng: ‘Chính là Đức Mẹ’. Bằng tất cả lòng quảng đại của mình trong việc chuyên tâm sống theo đường hướng của một Vị Thầy tốt lành như vậy, Giaxinta và Phanxicô đã sớm đạt tới đỉnh trọn lành”.

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, viết mừng kỷ niệm thành lập 20 năm Phong Trào Thiếu Nhi Fatima TGP/LA



“Yêu nhau như Thày yêu”
 

Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật V Phục Sinh
 


Phúc Âm

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển. Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều nầy mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

Hướng Dẫn

Bài Phúc Âm Chúa Nhật VII Thường Niên Năm C tuần này thuật lại lời Chúa Giêsu nói về hai vấn đề: vấn đề thứ nhất về vinh hiển của Chúa và vấn đề thứ hai về giới răn yêu thương.

Một trong những điều làm cho Người được vinh hiển là nhận biết Người, và dấu chứng thực cho thấy chúng ta nhận biết Người nhất đó là yêu mến nhau như Người đã yêu mến chúng ta. Vì nhờ đó Người sẽ được cả thế gian nhận biết nữa, tức được vinh hiển trên trần gian.

Khi yêu nhau đến độ như Thày yêu là con người đã đạt đến độ hoàn toàn phản ảnh Người, tức Người có thể tỏ hết mình ra qua họ. Đó là lý do hôm nay chúng ta sẽ sinh hoạt trò chơi Phúc Âm “yêu nhau như Thày yêu”.

Sinh Hoạt

1. Người quản trò đóng vai Chúa Giêsu dạy môn đệ phải yêu thương nhau bằng những câu nói tiêu biểu. Chẳng hạn mấy câu bác ái tiêu biểu sau đây: “phục vụ không hưởng thụ” hay “làm ơn cho kẻ ghét mình”.

2. Cử điệu “phục vụ không hưởng thụ” là cử điệu hai bàn tay xòe ra nâng một bàn chân, tiêu biểu cho hành động Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người.

3. Cử điệu “làm ơn cho kẻ ghét mình” là cử điệu hai bàn tay úp xuống giơ ra phía trước chờ cho đến khi gần bị hai bàn tay khác đập xuống thì ngửa lên một lúc đỡ đòn, chơi như kiểu “give me 5”.

4. Mỗi nhóm cử ra 1 người và cứ hai nhóm đấu với nhau. Hai người đấu với nhau phải làm những cử điệu hợp với nhau. Chẳng hạn khi nghe người quản trò nói “phục vụ không hưởng thụ” thì người thứ nhất làm cử điệu này thì người thứ hai phải làm cử điệu khác tương hợp. Nếu người thứ nhất co chân lên thì người thứ hai phải xòe hai bàn tay ra ở bên dưới bàn chân này. Trái lại, nếu người thứ nhất xòe hai bàn tay ra sẵn sàng thì ngươiụ thứ hai phải co một trong hai bàn chân lên trên hai bàn tay ấy.

5. Áp dụng vào cử điệu “làm ơn cho kẻ ghét mình” cũng thế. Cuối cùng nhóm nào làm sai ít nhất thì đoạt giải “yêu nhau như Thày yêu”.
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, biên soạn gợi ý cho giới trẻ Thiếu Nhi Fatima sinh hoạt cuối tuần