GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 10 THỨ NĂM

 

      

      Nhận Định Về Chuyến Tông Du 103 của ĐTC GPII ở Thụy Sĩ

ĐTC GPII đã đến Thụy Sĩ vào lúc 11 giờ 30 sáng ngày Thứ Bảy 5/6/2004 ở phi trường quân đội Payern, khoảng 50 dặm cách thủ đô Bern. Tại phi trường, Ngài đã được Tổng Thống Thụy Sĩ Joseph Deiss đón tiếp. Nhiều vị chức sắc đạo đời, bao gồm cả ĐTGM Giacomo De Nicolo, khâm sứ tòa thánh, và Đức Giám Mục Grab giáo phận Chur, chủ tịch hội đồng Giám Mục Thụy Sĩ, đã có mặt trong buổi nghênh đón đầu tiên này.

Trong bài diễn văn chào mừng của mình, tổng thống Thụy Sĩ đã loan báo rằng Thụy Sĩ, một quốc gia đã chấm dứt liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ năm 1873, sẽ bình thường hóa liên hệ lại với tòa thánh và sẽ gửi tân lãnh sự tới làm việc với Tòa Thánh. Vị tân lãnh sự này sẽ là ông Hansrudolf Hoffman, người đang thi hành “sứ vụ đặc biệt” từ tháng 12/2001 với Tòa Thánh nhưng lại ở Prague. Bởi thế mà Tòa Thánh cũng không có tòa khâm sứ ở Thụy Sĩ. Vị đại diện đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo được gửi đến Lucerne vào năm 1597.

Trong bài khai từ của mình tại phi trường, ĐTC đã gọi Thụy Sĩ là “một giao điểm về ngôn ngữ và văn hóa”, với nhận định rằng người Thụy Sĩ “bảo trì những truyền thống cũ song lại hướng về những ý nghĩ tân tiến”. Ngài cho biết “mục đích của chuyến đi của Tôi là để gặp gỡ những Người Công Giáo Thụy Sĩ trẻ vào dịp đại hội toàn quốc của họ. Tôi sẽ đến với họ tối hôm nay ở Trung Tâm Phô Triển Bern và sẽ là một buổi tối hân hoan mừng rỡ đối với họ và đối với cả Tôi nữa.

“Chính nhiệm vụ loan báo Phúc Âm của Chúa Kitô đã thúc đẩy Tôi đi khắp thế giới để nhắc nhở Phúc Âm này cho con người nam nữ của đệ tam thiên niên này, nhất là cho các thế hệ trẻ. Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc nhân loại! Ai tin vào Người và đi theo Người thì trở thành một con người xây dựng văn minh yêu thương và hòa bình”. Ngài xin nhân dân Thụy Sĩ hãy để cho tâm tưởng của Người đi vào lòng của họ cũng như vào gia đình của họ, “sửa soạn một lần nữa cho việc hân hoan loan báo Chúa Kitô Cứu Thế, Đấng nói với mỗi người trong anh chị em lòng Người mong muốn ban hòa bình!”

Sau lễ nghi nghênh đón, ĐTC đã lên một chiếc xe Van đặc biệt để tới Trú Viện Viktoriaheim ở Bern dùng bữa trưa. Trú viện này là nhà ở cho Chị Em Bác Ái Thánh Giá và chứa chừng 75 tu sĩ và 80 người già.

Vào lúc 6 giờ chiều, trước khi đi đến với giới trẻ, ông thị trưởng thu đô Bern cùng với 6 phần tử trong hội đồng thành phố đã đến chào mừng Ngài. Buổi gặp gỡ ĐTC vào buổi tối tại Trung Tâm Phô Diễn Bern được sử dụng cho các cuộc thể thao, nơi chứa được 16 ngàn người, là tột đỉnh của Đại Hội Giới Trẻ Thụy Sĩ được bắt đầu từ 11 giờ sáng. Tổng số giới trẻ tham dự vào buổi tối có sự hiện diện của ĐTC cũng gần đầy vận động trường này. ĐGM Amedee Grab đã đọc diễn văn chào mừng ĐTC, sau đó là vũ điệu theo Thánh Vịnh 8, và mục chia sẻ chứng từ của 3 người trẻ nói bằng tiếng Đức, Pháp và Ý. Sau khi nghe ĐTC huấn dụ, giới trẻ hát bài Chúng Ta Hãy Chỗi Dậy “Levons-nous”, bài thánh ca cho cuộc hội ngộ toàn quốc của Giới Trẻ Thụy Sĩ, cuối cùng đọc Kinh lạy Cha và lĩnh phép lành của ĐTC.

Trước khi ĐTC GPII tới thì truyền thông Thụy Sĩ có những giọng điệu phê bình và bi quan, chẳng khác nào như đã xẩy ra ở Hoa Kỳ vào tháng 8/1993 ở Hoa Kỳ dịp Ngài sang chủ toạ Ngày Giới Trẻ Thế Giới VIII ở Denver Colorado. Thế mà, đang khi Ngài ở đó và sau khi Ngài trở về Rôma, dư luận đã thay đổi hẳn giọng điệu.

Hôm Thứ Bảy, ngày ĐTC đến Thụy Sĩ, tờ Thời Điểm Le Temps đã phổ biến bài viết có nhan đề “Gioan Phaolô II ở Thụy Sĩ, Một Bầu Khí Dửng Dưng Lạnh Lùng”. Hai ngày sau, cũng tờ báo này, phổ biến bài viết nóng bỏng với nhan đề: “Xảo Thuật Lại Xẩy Ra. Một Tình Yêu Bền Chặt Thực Sự Được Xuất Phát Từ Thứ Đức Tin Thần Hiệu Giữa Vị Giáo Hoàng Và Giới Trẻ”.

Báo chí Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh đến những lời nhận định về biến cố này của Marc Aellen, một phát ngôn viên của hội đồng giám mục Công Giáo, người đã thấy biến cố ấy như là “một thành đạt lớn lao, về cả phẩm chất lẫn số lượng”.

“Từ ban đầu, đối với cuộc hội họp ở Vận Động Trường BernArena, chúng tôi không mong ước trên 3 hay 4 ngàn giới trẻ; song con số đã lên tới 14 ngàn. Vào ngày Chúa Nhật, chúng tôi không dám hy vọng tới con số 40 ngàn người, mà lại tới 70 ngàn người tham dự Thánh Lễ. 41 nhân vật Công Giáo mới lên tiếng trong một bức thư công khai kêu gọi ĐTC GPII từ nhiệm hãy tự hỏi mình về sự thành đạt của biến cố này”.

Thật vậy, Xavier Pfister, nhân vật cổ động thực hiện việc phổ biến bức thư công khai này cũng là nhân vật phục vụ Văn Phòng Tín Liệu Giáo Hội Công Giáo ở Basel, nhìn nhận nỗi ngạc nhiên của mình với tờ nhật báo NZZ am Sonntag và đã có những nhận định tích cực về các bài diễn từ của ĐTC.

Cũng thế, tờ Thời Điểm hôm Thứ Hai 7/6/2004 đã đặt vấn đề là: “Liệu cuộc viếng thăm này có hóa giải được những người Công Giáo Thụy Sĩ thường mất tin tưởng và dè dặt về chiều hướng tập trung của Rôma với vị Giáo Hoàng của họ hay chăng?

“Chứng kiến thấy một bầu không khí nồng hậu, đầy cảm xúc, chi phối cánh đồng Allmend, người ta có thể nghĩ rằng được. Việc tham dự thật là ngoại thường. Vào ngày 17/6/1984, tức vào cuộc tông du thứ nhất của vị Giáo Hoàng này đến Thụy Sĩ, ‘chỉ có ‘ 45 ngàn ngườio tham dự Thánh Lễ bế mạc ở Sion”.

Ông Marc Aellen đã nói với Đài Phát Thanh Vatican về một vị giám mục Thụy Sĩ nói tiếng Pháp đến bảo ông ta rằng: “Kìa, anh có nhận ra bao nhiêu giới trẻ hay chăng, tất cả đều cảm thấy một tinh thần an bình!”.

 

     

 

      ĐTC GPII chia sẻ Cảm Nhận về Chuyến Tông Du 103 ở Thụy Sĩ


Bao giờ cũng thế, sau mỗi một chuyến tông du, ĐTC thường dùng buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần để tường trình, đúng hơn để chia sẻ cảm nhận của mình về biến cố mới xẩy ra liên quan đến vai trò mục vụ toàn cầu của Ngài. Đó là lý do Ngài đã tạm ngưng loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, đến bài thứ 109 (2/6/2004) về Thánh Vịnh 40 (41). Sau đây là nguyên văn những gì Ngài chia sẻ.


1.     Tôi đang lưu giữ trong tâm hồn mình những hình ảnh của những giây phút khác nhau trong cuộc viếng thăm ngắn ngủi nhưng đầy đặn Đấng Quan Phòng Thần Linh đã cho Tôi lại được cảm nghiệm thấy ở Thụy Sĩ vào ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật vừa qua.


Tôi muốn lập lại lòng biết ơn của Tôi đối với quí huynh giám mục cũng như với các vị hữu trách dân sự, nhất là tổng thống Đồng Liên Hiệp Helvetia, về việc tiếp đón Tôi và về tất cả những việc sửa soạn cho biến cố này. Tôi cũng cám ơn Hội Đồng Liên Bang đã quyết định nâng Thụy Sĩ lên hàng đại diện ngoại giao với Tòa Thánh.


Ngoài ra, Tôi hết sức cám ơn Chị Em Bác Ái Thánh Giá đã tiếp đón Tôi tại Trú Viện Viktoriaheim của mình. Sau hết, Tôi cám ơn tất cả những ai đã lo đến các khía cạnh khác nhau cho chuyến tông du của Tôi.


2.     Lý do chính cho chuyến hành trình tông đồ đến quốc gia thân yêu ấy là việc gặp gỡ giới trẻ Công Giáo ở Thụy Sĩ, thành phần Thứ Bảy vừa rồi mới thực hiện cuộc gặp gỡ lần đầu tiên. Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi được cơ hội để sống với họ giây phút hết sức nhiệt tình về tâm linh, cũng như để đề ra cho các thế hệ mới Thụy Sĩ một sứ điệp Tôi muốn gửi đến tất cả thành phần trẻ ở Âu Châu và trên thế giới.


Sứ điệp rất thân thương của tôi ấy được tóm gọn trong ba động từ: “Hãy chỗi dậy!”, “Hãy Lắng Nghe!”, “Hãy Theo Người!” Chính Chúa Kitô, Đấng đã phục sinh và hiện sinh, lập lại lời này cho hết mọi con người nam nữ trẻ tuổi của thời đại chúng ta đây. Chính Người mời gọi giới trẻ của ngàn năm thứ ba “hãy chỗi dậy”, tức là hãy làm cho đời sống của họ được trọn vẹn ý nghĩa. Tôi muốn làm âm vang lời kêu gọi này một cách xác tín rằng chỉ có Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của con người, mới có thể giúp cho giới trẻ “chỗi dậy” khỏi những cảm nghiệm và ý hệ tiêu cực mà lớn lên cho tới tầm vóc nhân bản trọn vẹn, một tầm vóc thiêng liêng và luân lý.


3.     Sáng Chúa Nhật, Lễ Trọng Kính Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Tôi đã cử hành Thánh Thể với các vị linh mục cùng nhiều linh mục đổ về từ mọi phần đất ở Thụy Sĩ. Nghi thức của ngày lễ được diễn ra ở Công Viên Allmend, một nơi dạo mát rộng ở trước Dinh Phô Diễn Thành Phố Bern BEA. Đồng thanh, chúng tôi đã dâng lên Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất lời chúc tụng và tạ ơn về vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật đầy giẫy ở Thụy Sĩ, nhất là về mối hiệp thông trong Tình Yêu bắt nguồn từ Ngài.


Với ý nghĩa của mầu nhiệm cốt yếu thuộc đức tin Kitô giáo này, Tôi đã lập lại lời Tôi kêu gọi thực hiện mối hiệp nhất Kitô giáo, trước hết là mời gọi những người Công Giáo hãy sống mối hiệp nhất này nơi họ, biến Giáo Hội thành “gia cư và học đường của mối hiệp thông” (Novo Millennio Ineunte, 43). Thánh Thần, Đấng kiến tạo nên mối hiệp nhất, thúc đẩy chúng ta truyền giáo, để sự thật về Thiên Chúa và loài người hiện tỏ nơi Chúa Kitô được chứng thực và loan báo cho tất cả mọi người. Thật thế, hết mọi người mang nơi bản thân mình hình ảnh của vị Thiên Chúa duy nhất ba ngôi và chỉ có thể tìm thấy bình an nơi Ngài mà thôi.


4.     Trước khi rời thủ đô Bern, Tôi muốn gặp gỡ hiệp hội cựu Vệ Binh Thụy Sĩ. Đó là một cơ hội thuận tiện để cám ơn họ về việc phục vụ cao quí mà gần 5 thế kỷ nay Đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ đã thực hiện đối với Tòa Thánh. Hàng bao nhiêu ngàn người trẻ thuộc các gia đình vcà giáo xứ của Thụy Sĩ đã cống hiến việc góp phần chuyên nhất của họ cho Vị Thừa Kế Thánh Phêrô qua giòng thời gian của những thế kỷ này! Những người trẻ như tất cả những người trẻ khác, đầy sinh lực và mộng ước, đã bày tỏ qua việc phục vụ ấy tình yêu chân thành của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội. Chớ gì giới trẻ Thụy Sĩ và toàn thế giới biết khám phá ra mối hiệp nhất tuyệt vời giữa đức tin và đời sống, để sửa soạn cho họ nhiệt thành thi hành sứ vụ Thiên Chúa kêu gọi họ!


Xin Mẹ Maria Rất Thánh, vị Tôi thành thực cám ơn về việc hiện thực chuyến tông du 103 này, xin cho tất cả mọi người được tặng ân cao cả và quí giá này, đó là bí mật của niềm vui chân thực.

 

     Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 9/6/2004