GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 14 THỨ HAI

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 13/6/2004 về Thánh Thể là Tâm Điểm Đời Sống Giáo Hội và lý do tại sao mở Năm Thánh Thể


1.     Corpus Christi, Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, được cử hành hôm nay tại Ý Quốc cũng như tại các quốc gia khác. Đó là Lễ Thánh Thể, một bí tích Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một tưởng niệm sống động về Cuộc Vượt Qua của Người, biến cố chính yếu của lịch sử nhân loại.
Thật là tốt đẹp vì ngày hôm nay đây tín hữu qui tụ lại chung quanh Bí Tích Cực Linh này để thờ lạy Thánh Thể, họ theo kiệu Thánh Thể qua các đường phố, họ bày tỏ lòng tin tưởng của mình vào Chúa Kitô sống động cũng như niềm vui của mình trước sự hiện diện của Người bằng rất nhiều dấu hiệu sùng mộ.


2.     Thứ Năm vừa rồi, chính lúc cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa với Giáo Phận Rôma, Tôi đã loan báo rằng vào Tháng Mười tới đây, trùng hợp với Hội Nghị Thánh Thể Quốc Tế ở Guadalajara, Mễ Tây Cơ, mở màn cho một Năm Thánh Thể đặc biệt, một năm được chấm dứt vào Tháng Mười năm 2005 với Thượng Hội Giám Mục Thế Giới với đề tài “Thánh Thể: Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội”.


Năm Thánh Thể được diễn tiến theo chiều hướng của dự án mục vụ được Tôi trình bày trong tông thư “Novo Millennio Ineunte”, một văn kiện Tôi viết để kêu gọi tín hữu hãy “bắt đầu lại từ Chúa Kitô” (các số 29 và sau đó). Khi chiêm ngưỡng một cách chuyên chú hơn dung nhan của Lời Nhập Thể thật sự hiện diện trong Bí Tích này, họ mới có thể thực hiện nghệ thuật nguyện cầu (x số 32) và dấn thân “ở mức độ cao” sống đời Kitô hữu (x số 31) là những gì bất khả thiếu để phát triển một cách hiệu nghiệm việc tân truyền bá phúc âm hóa.


Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Nơi Thánh Thể, Chúa Kitô hiến mình cho Cha vì chúng ta, làm cho chúng ta được tham dự vào chính hy tế của Người, và ban mình cho chúng ta như bánh sự sống trong cuộc hành trình của chúng ta qua những nẻo đường thế gian này.


3.     Từ bây giờ, Tôi ký thác sáng kiến mới này cho Trinh Nữ Maria, “Người Nữ Thánh Thể” (x Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia”, 53-58). Chớ gì Mẹ, Vị mà trong Năm Mân Côi đã giúp chúng ta qua cái nhìn của Mẹ và với con tim của Mẹ chiêm ngưỡng Chúa Kitô (x Rosarium Virginis Mariae, 10-17), thì trong Năm Thánh Thể cũng làm cho hết mọi cộng đồng lớn lên trong đức tin và lòng yêu mến đối với mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 13/6/2004

 

Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’

 Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ

Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”

 

(tiếp theo)

Chương V

Một Số Vấn Đề Khác Liên Quan Đến Thánh Thể


 

1. Địa Điểm Cử Hành Thánh Lễ (108-109)

108.     “Việc cử hành Thánh Thể cần phải được thực hiện ở một nơi thánh, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết. Trong trường hợp cần thiết ấy, việc cử hành phải được thực hiện ở một nơi đứng đắn xứng hợp” (197). Vị Giám Mục giáo phận sẽ là vị phán quyết về tính cách cần thiết này, tùy theo từng trường hợp một.

109.     Vị Linh Mục không được phép cử hành Thánh Thể ở một đền thờ hay một nơi thánh thuộc bất cứ tôn giáo nào không phải Kitô giáo.

2. Những Hoàn Cảnh Khác Liên Quan Đến Thánh Lễ (110-116)

110.     “Các vị Linh Mục phải thường xuyên cử hành Thánh Thể, luôn nhớ rằng công cuộc cứu chuộc nơi mầu nhiệm Hiến Tế Thánh Thể được liên lỉ thể hiện. Thật vậy, việc cử hành Thánh Thể hằng ngày là những gì hết sức đáng làm, vì, cho dù không có sự hiện diện của thành phần tín hữu, thì việc cử hành này cũng là một tác động của Chúa Kitô và của Giáo Hội, và khi thực hiện việc cử hành này là vị Linh Mục làm trọn vai trò chính yếu của các vị” (198).

111.     Vị Linh Mục được phép cử hành hay đồng tế Thánh Thể “cho dù giáo quyền địa phương không biết, miễn là ngài có chứng thư” (celebret) của Tòa Thánh hay Đấng Bản Quyền hoặc Bề Trên của ngài không quá một năm, “hoặc theo phán đoán khôn ngoan cho thấy ngài không bị ngăn trở gì trong việc cử hành này” (199). Các vị Giám Mục hãy thực hiện những biện pháp để ngăn chặn bất cứ việc thi hành phản trái nào.

112.     Được cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh hay ngôn ngữ khác, miễn là các bản văn phụng vụ sử dụng đã được chuẩn nhận theo qui tắc pháp lý. Các vị Linh Mục ở mọi lúc và mọi nơi đều được phép cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh, trừ trường hợp việc cử hành Thánh Lễ được các vị thẩm quyền giáo hội sắp xếp thực hiện bằng ngôn ngữ của dân chúng địa phương (200).

113.     Khi có một số Linh Mục đồng tế Thánh Lễ thì phải đọc Kinh Nguyện Thánh Thể theo ngôn ngữ phổ thông cho cả các vị Linh Mục đồng tế lẫn cộng đồng tham dự. Nếu trường hợp có một số vị Linh Mục hiện diện trong Thánh Lễ không biết gì về ngôn ngữ được sử dụng cử hành nên không thể đọc các phần của Kinh Nguyện Thánh Thể hợp với các vị thì các vị, theo qui tắc, không nên đồng tế mà chỉ tham dự vào việc cử hành này trong bộ y phục cộng đồng (201).

114.     “Vì giáo xứ là ‘cộng đồng Thánh Thể’, trong các Thánh Lễ Chúa Nhật ở giáo xứ, thường phải có các nhóm, các phong trào, các hội đoàn, thậm chí có cả các cộng đồng tu trì nhỏ trong giáo xứ” (202). Cho dù Thánh Lễ được phép cử hành cho những nhóm hội đặc biệt theo qui tắc pháp lý (203), những nhóm hội này vẫn không được miễn trừ việc trung thành tuân giữ các qui tắc phụng vụ.

115.     Không thể chấp nhận vấn đề lạm dụng khiến việc cử hành Thánh Lễ cho dân chúng bị đình chỉ một cách độc đoán trái với các qui tắc của Sách Lễ Rôma cũng như với truyền thống lành mạnh của Lễ Nghi Rôma, vì lý do phát động “một thứ kiêng không rước Thánh Thể”.

116.     Không được nhân Thánh Lễ lên ngược với qui tắc pháp lý, và về vấn đề bổng Lễ cần phải tuân giữ tất cả những điều đã từng được luật phép qui định (204).

3. Các Chén Thánh (117-120)

117.     Các chén thánh chứa đựng Mình và Máu Chúa phải được làm theo đúng các qui tắc truyền thống và của các sách phụng vụ (205). Các Hội Đồng Giám Mục có năng quyền quyết định như thế nào là xứng hợp, miễn là các quyết định của chư hội đồng này được Tòa Thánh phê chuẩn, đối với những chén thánh được làm bằng những chất cứng khác nữa. Tuy nhiên, các chất liệu đó hoàn toàn phải hết sức quí giá theo thẩm định của từng miền (206), để tỏ lòng tôn kính Chúa trong việc sử dụng này, cũng như để tránh tất cả mọi thứ nguy hại làm suy yếu tín điều về Việc Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô nơi các hình Thánh Thể trước mắt tín hữu. Bởi thế, không thể chấp nhận cho sử dụng trong việc cử hành Thánh Lễ các thứ chén thông dụng, các thứ chén thiếu phẩm chất, hay không có tính cách nghệ thuật tí nào hoặc chỉ là những thứ để đựng, như những thứ chén được làm bằng thủy tinh, bằng sành, bằng đất sét hay bằng các thứ chất liệu dễ vỡ khác. Cần phải áp dụng qui tắc này với cả những thứ kim loại hay các thứ chất liệu sẽ bị xét dỉ hay hư hỏng (207).

118.     Trước khi được sử dụng, các chén thánh này phải được Linh Mục làm phép bởi một Linh Mục theo lễ nghi được qui định trong các sách phụng vụ (208). Hay nhất nên thực hiện việc làm phép này bởi Vị Giám Mục giáo phận, vị xét xem những chén lễ đó có đáng sử dụng đúng mục đích của mình hay chăng.

119. Linh Mục, một khi đã trở lại bàn thờ sau phần cho Rước Lễ, thì đứng tại bàn thờ hay tại một bàn cân xứng, để lau đĩa thánh và tráng chén thánh theo các qui định của Sách Lễ rồi lau chén bằng khăn sạch. Nếu có Phó Tế bấy giờ thì vị này trở lại bàn thờ với Linh Mục để tráng chén. Tuy nhiên, đặc biệt trong trường hợp có một số chén thánh cần phải được tráng lau, thì được phép cứ để đó, đậy lại đàng hoàng, ở trên bàn thờ hay bàn phụ lễ, để vị Linh Mục hay Phó Tế tráng lau ngay sau khi tan Lễ. Ngoài ra, người được chính thức ủy nhiệm vai trò phụ tế cũng có thể giúp vị Linh Mục hay Phó Tế tráng lau và sắp xếp các chén thánh ở bàn thờ hay bàn phụ lễ. Nếu không có vị Phó Tế thì người được chính thức ủy nhiệm vai trò phụ tế này mang các chén thánh sang bàn phụ lễ rồi tráng chén, lau khô và sắp xếp các chén thánh ấy theo kiểu cách bình thường (209).

120.     Các vị Mục Tử phải chú trọng đến những khăn được sử dụng cho bàn thánh, nhất là những khăn đụng chạm tới các hình Thánh Thể, cần phải luôn sạch sẽ cũng như cần phải được giặt sạch theo đường lối truyền thống. Để làm điều này, rất nên đổ nước sau lần giặt bằng tay đầu tiên vào cống máng đổ đồ thánh của nhà thờ hay đổ xuống đất ở một nơi xứng đáng. Sau đó, lần giặt thứ hai có thể được làm theo kiểu cách thông thường.
 

 

Liên Hiệp Quốc đồng loạt chấp thuận quyết nghị về Iraq

 

Hôm Thứ Ba 8/6/2004, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đồng loạt chấp thuận quyết nghị về Iraq liên quan đến việc chuyển quyền vào ngày 30/6. Tuy nhiên, quyết nghị do Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc soạn thảo và điều chỉnh này đã được bàn cãi sôi nổi cả tuần, cho đến khi hai quốc gia phản chiến ngay từ đầu là Pháp và Đức tỏ dấu đồng ý từ chiều hôm trước.

Quyết nghị được dung hòa để có thể đi đến chỗ đồng thanh chấp thuận đó là lực lượng đa quốc sẽ phục vụ “theo yêu cầu của chính phủ Iraq lâm thời tới đây” và lực lượng này có thể được yêu cầu ra đi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi còn ở Iraq, lực lượng này có thể sự dụng “tất cả mọi biện pháp cần thiết để góp phần vào việc bảo trì an ninh và ổn định”, sau 12 tháng sẽ kiểm điểm lại việc làm của lực lượng ấy.

Theo bản quyết nghị thì chính phủ Iraq lâm thời sau ngày 30/6/2004 sẽ phục vụ đất nước cho tới khi thực hiện những cuộc tuyển cử toàn quốc, vào ngày 31/12/2004 nếu có thể, bằng không vào ngày 31/1/2005.

Bản quyết nghị 1546 này chỉ được bầu bằng cách giơ tay mà thôi, chứ không phải bằng phiếu kín. Chủ Tịch đương kim của hội đồng này là Lauro Baja Phi Luật Tân đã tuyên bố: “Kết quả bỏ phiếu như sau: 15 phiếu thuận”.

Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Annan sau đó nói với các phóng viên báo chí là: “Tôi rất hoan hô thành quả này... Tôi tin rằng đây là một việc diễn tả thực sự cho thấy ý muốn của cộng đồng quốc tế, do Hội Đồng Bảo An lãnh đạo, muốn xích lại gần nhau sau những chia rẽ vào năm ngoái cũng như muốn giúp cho nhân dân Iraq lãnh trách nhiệm số phận chính trị của họ, trong hòa bình và tự do, với một chính quyền tự chủ”.

Từ Sea Land, nơi Thượng Nghị G8, hội nghị thượng đỉnh hằng năm của đệ nhất bát quốc tân tiến là Ý, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Gia Nã Đại, Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc, Tổng Thống Bush cho biết: “Cuộc bỏ phiếu… là một chiến thắng lớn đối với nhân dân Iraq. Cộng đồng quốc tế cho thấy họ kề vai sát cánh với nhân dân Iraq…. Người Hoa Kỳ mạnh mẽ ủng hộ ý hướng về một xã hội tự do giữa tình trạng hận thù và bất dung nhượng”.

Tổng Thống Putin cho rằng bản quyết nghị này là “một bước tiến quan trọng”. Cả Pháp và Đức rất gắn bó với nhau trong việc làm sáng tỏ những điểm mập mờ ở quyết nghị này.

Lãnh sự Đức ở Liên Hiệp Quốc là Gunter Pleuger cho biết: “Đức ủng hộ quyết nghị này như là một bước quan trọng tiến đến việc phục hồi tất cả chủ quyền của chính phủ Iraq lâm thời ở tất cả mọi lãnh vực thích đáng cũng như tiến đến việc chủ quyền của nhân dân Iraq”.

Lãnh sự Pháp là Jean-Marc de La Sabliere nhận định rằng những thương luận vừa qua là những gì “gay go” nhưng cơ chế của thế giới này đã lưu ý tới những quan tâm của Pháp Quốc: “Mối quan tâm chính của chúng tôi đã được cứu xét, và đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng nó là một quyết nghị tốt đẹp”.

Lãnh sự Hoa Kỳ John Negroponte hoan hô quyết nghị như là một chốt điểm quan trọng và là “một thứ bày tỏ sống động việc ủng hộ của quốc tế” đối với chính quyền Iraq: “Quyết nghị 1546 xác định những công việc chính yếu về chính trị do Liên Hiệp Quốc đóng vai trò lãnh đạo và quan trọng trong việc hỗ trợ những nỗ lực của nhân dân Iraq. Bản quyết nghị này đã nói rõ ràng về chủ quyền của Iraq là những gì không bị phai mờ”.

Vị lãnh sự Trung Hoa Wang Guangya đã cho biết quyết nghị này như là “một then chốt đánh dấu việc chấm dứt quá khứ và mở màn cho tương lai”.

Vị lãnh sự Pakistan Munir Akram nhận định thế này: “Chúng tôi thấy quyết nghị này là một bước tiến rất quan trọng từ khi xẩy ra cuộc Chiến Vùng Vịnh đầu tiên hướng đến một thứ hoàn toàn bình thường hóa tình hình ở Iraq”.

Đặc sứ Hoa Kỳ Lakhdar Brahimi ở Iraq đã nói với hội đồng Iraq lâm thời hôm Thứ Hai trước đó là: “Những ngày tháng tới đây sẽ là một thách đố gay go cho tân chính phủ này, và việc giải quyết cho những thách đố hiện nay ở Iraq cần phải có cả nhiều năm chứ không phải nhiều tháng, để thắng vượt”. Vị này cũng cho Hội Đồng Liên Hệ Hải Ngoại ở Nữu Ước vào chính hôm Thứ Ba biết nhận định của ông về bản quyết nghị thế này là “tính cách quan trọng của bản quyết nghị này là thực sự bỏ đi ý niệm chiếm cứ là những gì tôi có thể nói đó là lý do cho nhiều sự khó khăn chúng ta đã phải trải qua từ cuộc giải phóng ngày 9/3/2003”.

Về vấn đề lực lượng đa quốc ở Iraq, ông Zebari cho biết: “Chúng tôi cần đến những lực lượng này. Đó là nhu cầu của nhân dân Iraq hơn là như cầu của người Hoa Kỳ hay của liên minh. Hậu quả sẽ là tình trạng thảm họa. Việc rút lui sẽ gây ra một thứ bỏ trống, và chúng tôi, những người Iraq chưa thể lấp đầy khoảng trống này. Sẽ là cơ hội xuất hiện một Saddam mới xuất hiện”.


Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc với Nhóm 77 về một Thế Giới đã trở nên “càng chênh lệch hơn”

Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Annan, trong lời ngỏ cùng cuộc họp ở Sao Paulo, Ba Tây, nhân dịp 40 năm thành lập của một cơ cấu các quốc gia đang phát triển lên đến con số 132 quốc gia, mặc dù vẫn giữ tên gọi là Nhóm 77 (như từ ban đầu với con số quốc gia của nhóm này). Nhóm 77 hoàn toàn ngược lại với G8 là Thượng Hội hằng năm của 8 đệ nhất cường quốc trên thế giới hiện nay (Ý, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Gia Nã Đại, Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc), những quốc gia chủ trương toàn cầu hóa thế giới, nhất là về phương diện kinh tế. Nhóm này họp cùng trùng vào thời điểm của G8.

Hôm Thứ Bảy 12/6/2004, vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã nhận định về tình hình kinh tế thế giới nói chung và ở các nước đang phát triển nói riêng thế này:

“Sự thật đáng buồn là thế giới ngày nay lại càng là nơi càng chênh lệch hơn 40 năm trước đây. Những cuộc khủng hoảng về nợ nần đã cho thấy tình trạng yếu kém trầm trọng nơi cơ cấu tài chính quốc tế. Quá nhiều các quốc gia đang phát triển vẫn còn phải lệ thuộc vào việc xuất cảng những sản phẩm chính để kiếm được tất cả hay hầu hết lợi tức về tiền tệ ngoại quốc, khiến cho họ bị tổn hại về vấn đề giảm suy giá cả và đột biến giá cả.

“Các quốc gia đang phát triển nhìn nhận rằng họ nắm trách nhiệm chính yếu đối với việc phát triển của mình. Các quốc gia và các cơ quan viện trợ… dần dần nhường lại cho họ chủ quyền về các chương trình và các dự án. Tôi xin quí quốc hãy tiếp tục con đường canh tân này”.

Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc nói rằng hội nghị Sao Paulo là một cơ hội để phát động việc chú trọng hơn nữa đến tình trạng khốn khó về kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo ở các nước này hãy xây dựng việc phát triển họ đã đạt được “bằng việc cải tiến vấn đề quản trị và điều hành ngành kinh tế”.

“Việc xây dựng những cơ cấu dân chủ là điều thiết yếu, như việc tham dự của dân chúng vào vấn đề quyết định cũng như việc bảo vệ quyền lợi của nữ giới. Những phần tử dễ bị tổn hại nhất của xã hội cũng phải được quí quốc chú trọng đặc biệt, và tôi hy vọng rằng khi quí quốc cố gắng thực hiện tính cách khôn khéo về tài chính thì quí quốc cũng làm sao để có thể bảo đảm được rằng những đầu tư cần thiết về xã hội và những hệ thống an ninh xẩy ra”.