GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 15 THỨ BA

 

Tòa Thánh đang soạn dọn một Bản Hướng Dẫn cho các vị Giám Mục về Phong Trào Thời Mới


Tại Vatican, một cuộc họp 3 ngày, từ Thứ Hai 14/6 đến Thứ Tư 16/6, của Hội Đồng Tham Vấn Quốc Tế về Thời Mới đã được tổ chức bởi một ủy ban gồm 4 phân bộ khác nhau của Tòa Thánh về “Các Giáo Phái và Trào Lưu Tân Giáo”. Bốn phân bộ có các phần tử của mình trong ủy ban này là Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Nước, Các Hội Đồng Tòa Thánh Về Vấn Đề Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, Về Vấn Đề Văn Hóa và Về Vấn Đề Đối Thoại Liên Tôn. Cuộc họp ba ngày này còn có thêm 20 chuyên gia được các hội đồng giám mục gửi đến tham dự nữa.


Việc biên soạn cho Bản Hướng Dẫn mới này được căn cứ vào những câu trả lời của các hội đồng giám mục cho bản câu hỏi được gửi đến các hội đồng này khi bản dự thảo mang tựa đề “Chúa Giêsu Kitô là Đấng Chất Chứa Nước Sự Sống: Một Suy Tư của Kitô Giáo về ‘Thời Mới’” được phổ biến vào Tháng 2/2003.


Cuộc họp đề cập tới 2 vấn đề đặc biết gây lo ngại cho các chuyên gia: đó là vấn đề “nhận thức được những kỹ thuật tâm lý do Thời Mới phát động, và một sự so sánh sâu xa giữa những giải đáp của Thời Mới với những giải đáp của linh đạo Kitô Giáo”.


Cuộc đại hội thường niên của Hội Đồng Tòa Thánh Về Văn Hóa được tổ chức ở Rôma từ ngày 11-13/3/2004, cũng đã gián tiếp nói đến vấn đề này nơi hiện trạng “thách đố về sự thiếu lòng tin tưởng và khô đạo”.


 

Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’

 Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ

Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”

 

(tiếp theo)

Chương V

Một Số Vấn Đề Khác Liên Quan Đến Thánh Thể


 

4. Áo Lễ (121-128)

121.     “Mục đích của mầu sắc khác nhau của các áo lễ là để thực sự diễn tả, mặc dù chỉ là bề ngoài, cho thấy tính chất đặc biệt của các mầu nhiệm đức tin được cử hành cũng như cho thấy ý nghĩa của cuộc đời Kitô hữu trong cả một năm phụng vụ” (210). Ngoài ra, tính cách khác nhau “của các vai trò trong việc cử hành Thánh Thể cũng được tỏ ra bề ngoài bằng tính cách đa dạng của các áo lễ”. Thật vậy, những “áo lễ này cũng cần phải góp phần vào vẻ đẹp của chính tác động thánh” (211).

122.     “Chiếc áo thụng dài trắng mặc ở bên trong áo lễ cần phải được cột lại bằng một giây thắt lưng, trừ khi chiếc áo này được làm theo kiểu thắt bụng không cần giây cột. Cần phải đeo chiếc khăn quàng vai trắng trước khi mặc chiếc áo dài trắng này, nếu chiếc áo thụng dài trắng không hoàn toàn che hết bộ y phục thường dân ở cổ (212).


123.     “Áo lễ xứng hợp với vị Linh Mục cho việc cử hành Thánh Lễ hay cho các tác động linh thánh khác trực tiếp liên quan đến Thánh Lễ, trừ khi có những qui định khác, là một chiếc áo lễ mặc ở bên ngoài chiếc áo thụng dài trắng và giây choàng ở bên trong” (213). Cũng thế, vị Linh Mục, khi mặc áo lễ theo qui định chữ đỏ thì không được bỏ đeo giây choàng ở bên trong. Tất cả mọi vị Bản Quyền Địa Phương phải để ý coi chừng hầu loại trừ tận gốc rễ tất cả mọi thứ áp dụng nghịch thường.

124.     Sách Lễ Rôma cũng cho các vị Linh Mục đồng tế, chứ không phải vị chủ tế (vị bao giờ cũng phải mặc áo lễ theo mầu sắc qui định), vì lý do chính đáng như trường hợp thiếu áo lễ cho một số đông các vị đồng tế, năng quyền được mặc “áo lễ, bằng việc đeo chiếc giây choàng trước chiếc áo thụng dài trắng” (214). Tuy nhiên, khi thấy trước được nhu cầu này, cần phải sửa soạn đầy đủ bao nhiêu có thể. Vì cần thiết, các vị đồng tế, chứ không phải chủ tế, thậm chí còn được mặc cả những chiếc áo lễ trắng. Ngoài ra, cần phải tuân giữ những qui tắc của các sách phụng vụ.

125.     Áo lễ xứng hợp cho vị Phó Tế là một chiếc áo dài tới đầu gối và hở hai bên, được mặc bên ngoài áo dài trắng và giây choàng. Để bảo trì truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, cần phải hết sức tránh thực hiện việc chọn lựa bỏ không mặc áo lễ phó tế (215).

126.     Không thể chấp nhận việc lạm dụng là các thừa tác viên thánh chức cử hành Thánh Lễ hay các lễ nghi khác mà không mặc áo lễ hay chỉ đeo có chiếc giây choàng ở ngoài chiếc áo dòng có mũ hay chiếc áo dòng thông thường của tu sĩ hoặc những áo bình thường, ngược với những qui định của các sách phụng vụ, ngay cả khi chỉ có một vị thừa tác viên duy nhất cử hành (216). Để các thứ lạm dụng ấy được sửa chữa sớm bao nhiêu có thể, những vị Bản Quyền Địa Phương cần phải làm sao để ở tất cả mọi nhà thờ và nguyện đường thuộc thẩm quyền của các vị có đủ số áo lễ theo phụng vụ đúng với các qui tắc.

127.     Các sách phụng vụ có đề cập tới một năng quyền đặc biệt cho việc sử dụng các áo lễ mừng hay quí giá hơn vào các dịp trọng thể, cho dù những chiếc áo lễ này không có mầu sắc của ngày hôm đó (217). Tuy nhiên, năng quyền này, một năng quyền đặc biệt giành cho các thứ áo lễ được làm nhiều năm trước đây, có mục đích để bảo trì gia sản của Giáo Hội, không được đem áp dụng cho những thứ mới mẻ theo khuynh hướng cá nhân về hình thức và mầu sắc, chẳng để ý gì đến việc thực hành theo truyền thống, đến nỗi ý nghĩa thực sự của qui tắc này bị mất đi làm thiệt hại đến truyền thống. Vào dịp lễ nào đó, các áo lễ có mầu vàng hay bạc có thể được thay thế một cách thích hợp bằng những mầu khác, nhưng không được thay thế bằng mầu tím hay đen.

128.     Thánh Lễ và các việc cử hành phụng vụ khác, những cử hành phụng vụ là tác động của Chúa Kitô và của dân Chúa được cấu tạo theo phẩm trật, là những cử hành được thiết định ở chỗ các vị thừa tác viên thánh chức và thành phần tín hữu giáo dân tham dự một cách hiển nhiên vào những việc cử hành này theo thân phận của mình. Bởi thế, hay nhất “các vị Linh Mục hiện diện trong việc Cử Hành Thánh Thể, trừ khi có lý do chính đáng, theo nguyên tắc, phải thực thi phần vụ xứng hợp với Thánh Chức của mình, bởi đó các vị nên tham dự vào việc cử hành này như những vị đồng tế, mặc áo lễ. Bằng không, các vị mặc chiếc áo thụng trắng ngắn xứng hợp của mình ngoài chiếc áo chùng thâm” (218). Trừ những trường hợp họa hiếm ngoại lệ và có nguyên do hợp lý, về bề ngoài, các vị không nên tham dự Thánh Lễ theo cung cách của thành phần giáo dân.