GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 20 CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN

 

CÒN CON, CON NGHĨ THẦY LÀ AI?
 

Sau thời gian theo Chúa làm môn đệ, chứng kiến các việc Ngài làm, nghe các lời Ngài giảng dậy, đã đến lúc các môn đệ phải thi lên lớp. Bài thi hôm nay được Thánh Ký Luca ghi lại bằng hai câu hỏi mà Chúa Giêsu đã hỏi các ông: Người ta gọi Thầy là ai? Các con gọi Thầy là ai?

Thánh Kinh ghi nhận, các môn đệ chỉ trả lời được câu hỏi thứ nhất, tức là lập lại những gì người khác đã nghĩ và nói về Chúa Giêsu: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại” (Luca 9:19). Đến câu hỏi thứ hai, các môn đệ nghĩ gì và gọi Thầy mình là ai: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Luca 9:20), thì ngoài Phêrô ra, tất cả đều rớt đài.

NGƯỜI TA BẢO

Bài học Thánh Kinh ấy, nếu hôm nay Chúa Giêsu cũng hỏi lại mỗi người chúng ta hai câu hỏi như thế, liệu mấy ai sẽ trả lời đúng và đầy đủ.

Sau 20, 30, 40, 50, 60, 70, 80 năm hoặc lâu hơn nữa theo Chúa trong ơn gọi Kitô hữu. Sau 5, 10, 25, 50 năm hoặc lâu hơn nữa trong ơn gọi tu sĩ, linh mục, nếu Chúa Giêsu có hỏi tôi hôm nay, người ta bảo Thầy là ai, chắc tôi cũng chỉ trả lời qua những gì tôi đã học, đã đọc, đã nghe về Ngài như sau:

- Con Thiên Chúa.
- Con Đức Trinh Nữ Maria.
- Dưỡng tử của bác phó mộc Giuse.
- Người dân làng Nagiarét.
- 30 tuổi bắt đầu công khai sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
- Làm được nhiều phép lạ.
- Thu hút được nhiều người nhờ quyền năng và phép lạ đi kèm với những lời giảng.
- Bị người Do Thái đương thời bắt nộp cho Philatô.
- Bị kết án tử hình và bị hành hình trên đồi Golgotha năm 33 tuổi.
- Chết rồi, ngày thứ ba sống lại.
- Sau khi phục sinh từ cõi chết, lưu lại 40 ngày với các môn đệ.
- Lên trời ngự bên hữu Chúa Cha chờ ngày giáng lâm phán xét nhân loại.

Đi xa hơn một chút, nếu những tử tưởng về Ngài nhuốm chút triết lý, thần học, hoặc được nhìn với cái nhìn Thánh Kinh, thì Chúa Giêsu chính là:

- Ngôi Lời nhập thể.
- Ngôi vị Thiên Chúa với bản tính Thiên Chúa và bản tính con người.
- Trung tâm và là căn nguyên ơn Cứu Độ.
- Trung tâm lịch sử Cứu Độ.
- Trung gian hòa giải giữa Thiên Chúa và con người.
- Chủ Tế và là của lễ trên bàn thờ thập gía và bàn thờ hiện nay.
- Của ăn và uống nuôi linh hồn người tín hữu trên hành trình về nước Trời.
- Con Thiên Chúa và con Mẹ Maria.
- Thiên Chúa thật và cũng là người thật.
- Được sinh ra mà không phải tạo thành.
- Đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Nhưng nếu ta trả lời như thế, thì cũng như các tông đồ khi xưa đã trả lời Chúa Giêsu: người thì bảo là, kẻ khác gọi là, còn người khác thì cho là....Mà những điều ấy cũng chỉ là những gì của người khác đã viết, đã nói, mà tôi lập lại. Những điều mà nhà thần học này, nhà tu đức kia, nhà Giáo Hội nọ, hoặc các chuyên viên Thánh Kinh khác nghiên cứu và ghi chép lại. Những hiểu biết ấy không phải là của tôi, vẫn không phải là những gì mà Chúa Giêsu muốn tôi nói về Ngài. Tóm lại, tất cả những hiểu biết của tôi về Chúa Giêsu nếu tôi trả lời như những gì tôi đã học, đã đọc, hoặc đã nghe thì chỉ là câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất: Người ta bảo.

CÒN CON, CON BẢO

Đây mới là điều mà Chúa Giêsu muốn tôi trả lời. Ngài muốn biết tự tôi, tôi nghĩ và biết về Ngài như thế nào. Chính ở câu hỏi này mà Phêrô đã được điểm cao nhất, đã đỗ thủ khoa, và được chọn làm người sẽ hướng dẫn anh chị em mình. Vì sao? Vì ông đã tự mình nhận ra được Thầy mình: “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (Luca 9:20).

Đó là điều mà mỗi Kitô hữu chúng ta cần phải suy nghĩ, và làm sao để câu trả lời của Thánh Phêrô lọt được vào tim, vào óc, và trong cuộc sống của đời mình, biến thành của chính mình. Không cần phải là câu trả lời giống hệt như Thánh Phêrô, mà có thể là một câu khác mà chính ta cảm nhận được. Thí dụ, Thầy khiêm nhường và hiền lành. Thầy yêu thương con và con cảm nhận được tình thương ấy trong cuộc đời con. Thầy là nguồn hy vọng không thể thiếu vắng trong cuộc đời con. Thầy là niềm bình an sâu thẳm trong tâm hồn con. Thầy là sức mạnh cho con chịu đựng những thử thách cuộc đời. Thầy là sức sống thần linh nuôi dưỡng con qua Thánh Thể...Những câu trả lời ấy là những câu trả lời của chính lòng mình. Nó là những cảm nhận sự có mặt của Chúa trong cuộc đời mình. Nó chứng tỏ rằng ta tin và yêu Chúa thật sự. Không tự mình cảm nhận và nói được như vậy, thì ta vẫn “theo đạo” mà không “sống đạo”, tức là theo người khác, vào đạo, trở lại đạo nhưng không sống đạo, không “có đạo” trong tâm hồn và trong đời sống.

Chính vì thái độ và lối sống “theo đạo” ấy mà ta dễ “bỏ đạo”. Cũng chính vì chỉ là đạo theo, mà mới có những hiện tượng cuồng tín, mê tín, hoặc vụ hình thức, câu nệ. Phải dựa vào linh mục, vào giám mục, vào thánh này, thánh kia để giữ đạo và sống đạo. Tại sao hễ linh mục bảo đọc kinh thì đọc, mà vợ con bảo đọc kinh lại không đọc. Tại sao hễ tu sĩ này, tu sĩ kia khuyên chịu khó bớt mồm, bớt miệng với chồng con thì làm, mà chồng con nhắc nhở thì lại không nghe. Tại sao linh mục nói bỏ học, trốn nhà theo bồ bịch hút sách, dâm đãng là có tội mà cha mẹ khuyên ngăn lại không nghe. Điều này có phải là vì người khác nói cho ta nghe về Chúa Giêsu chứ không phải ta biết và nói về Chúa Giêsu. Nó chứng tỏ rằng ta chưa nhìn ra Chúa Giêsu nơi vị linh mục và bố mẹ, vợ chồng, con cái mình. Tất cả ta chỉ nhìn thấy họ qua chức vụ, qua áo quần, và địa vị khác nhau của xã hội. Chúa Giêsu chưa có trong lòng tôi, chưa có trong cuộc đời tôi. Tôi chưa hiểu và biết Ngài. Tôi chỉ dựa, chỉ theo vào những gì người khác nói với tôi về Ngài.

NGƯỜI TA BẢO, CÒN CON, CON BẢO

Đây là câu hỏi của thực hành, của nội tâm, của suy niệm, và của sống đạo. Câu hỏi của đời sống tâm linh trưởng thành. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ Ngài chỉ theo Ngài, chỉ dựa hơi Ngài, và chỉ biết Ngài bằng những gì người khác nói về Ngài.

Dĩ nhiên, Ngài muốn các môn đệ phải biết những gì người khác nói về Ngài để so sánh, để khách quan hơn khi lựa chọn theo Ngài, nhưng nhất là Ngài muốn biết các môn đệ thật sự hiểu và biết về Ngài. Cái biết này rất quan trọng, vì chỉ qua sự biết ấy các ông mới có thể làm môn đệ Ngài được. Điều kiện theo Ngài đã được Thánh Luca ghi lại liền sau câu trả lời của Thánh Phêrô: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được nó.” (Luca 9:23-24).

Tóm lại, người khác biết và nói về Chúa Giêsu cho ta nghe, viết về Chúa Giêsu cho ta đọc, là những gì thuộc về người khác. Điều quan trọng là chính ta, ta phải biết về Chúa Giêsu qua cầu nguyện, suy ngắm, qua sự kết hợp với Ngài, và sống theo Tin Mừng của Ngài. Chỉ có sự thâm tín và hiểu biết ấy, ta mới có thể dám thí mạng mình vì Chúa, và mới có thể cứu được nó trong sự sống đời đời là tất cả những gì con người phải kiếm tìm và cũng là ý nghĩa sau cùng của cuộc đời con người. Nó nằm trong câu hỏi: Còn con, con nghĩ Thầy là ai?

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Tin Tưởng Chúa Kitô tức là Làm Chứng cho Người
 

Theo phụng niên chu kỳ Năm C của Giáo Hội, như đã từng xẩy ra cho những năm 1995 (ngày 25/6), 1998 (ngày 21/6) và 2001 (ngày 24/6), Chúa Nhật (ngày 13/6/2004) tuần này chúng ta ở vào tuần XII của Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, sau một loạt những Lễ Trọng liên quan đến Sự Sống là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi và Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta cũng biết Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là thời điểm bắt đầu Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, thời điểm tiếp tục Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh đã bị cắt quãng bởi Mùa Chay, Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh. Tuy nhiên ba Chúa Nhật đầu của Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh được Giáo Hội sắp xếp để cử hành các Mầu Nhiệm Sự Sống, đó là Mầu Nhiệm Thánh Thần Hiện Xuống, Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi và Mầu Nhiệm Mình Máu Thánh Chúa. Tuy bị ba Lễ Trọng trên đây cắt quãng giữa Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh với Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh như thế, mà ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XII Thường Niên tuần này vẫn ăn khớp với bài Phúc Âm Lễ Mình Máu Thánh Chúa tuần trước, không hề bị cắt quãng tí nào cả, từ việc Chúa Kitô làm phép lạ hóa bánh ra nhiều trong bài Phúc Âm tuần trước, theo Thánh Luca, ở đoạn 9 từ câu 11 đến 17, tới việc Người hỏi các tông đồ về căn tính của Người, cũng trong Phúc Âm Thánh Luca ở cùng đoạn 9, từ câu 18 đến 24, cho Chúa Nhật XII Thường Niên tuần này.

Sở dĩ chúng ta cần phải để ý đến diễn tiến về phụng niên như thế, là vì chúng ta muốn hiểu xác đáng ý nghĩa của chung Phụng Vụ Lời Chúa và của riêng bài Phúc Âm trong việc cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô theo phụng vụ. Bởi thế, cũng cùng một bài Phúc Âm, song ý nghĩa của bài này có thể được hiểu khác nhau tùy theo phụng vụ. Chẳng hạn, cùng bài Phúc Âm về việc Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Thánh Isave, nhưng ý nghĩa của bài Phúc Âm của chính Ngày Lễ Thăm Viếng 31/5 hằng năm sẽ không hoàn toàn giống với ý nghĩa của ngày 21/12 hằng năm trong tuần bát nhật trước Lễ Giáng Sinh. Cũng vậy, bài Phúc Âm Chúa Nhật XII Mùa Thường Niên Năm C tuần này, và bài Phúc Âm Lễ Thánh Phêrô Phaolô ngày 29/6 cuối tháng 6 hằng năm, nội dung hoàn toàn giống nhau, cũng về cùng một vấn đề căn tính của Chúa Kitô “Thày là ai?”, mhưng ý nghĩa của cùng bài Phúc Âm cho hai Lễ khác nhau này cần phải được hiểu theo ý nghĩa phụng vụ của mỗi lễ… Vậy thì ý nghĩa về căn tính của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XII Mùa Thường Niên tuần này với bài Phúc Âm Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 29/6 tới đây khác nhau thế nào?

Để hiểu được ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XII Thường Niên Năm C tuần này về phuong diện phụng vụ, chúng ta nên để ý đến ý nghĩa khác nhau giữa Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh và Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh. Đúng thế, nếu Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh được bắt đầu từ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, thì Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh là thời đoạn Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô đích thân tỏ mình ra cho chung dân Do Thái, nhất là cho riêng các môn đệ, cho tới khi Nguòi tử giá trên đồi Canvê, một biến cố được tưởng niệm trong Tuần Thánh, cũng như cho tới khi Người sống lại từ trong cõi chết, một biến cố được cử hành trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Và nếu Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh được bắt đầu từ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, thì Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh là thời đoạn Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô tỏ mình ra cho toàn thể nhân loại, qua Giáo Hội Nhiệm Thể của Người, và bởi Thánh Thần Người đã thông cho các tông đồ khi Người sống lại từ trong cõi chết, cũng là Vị Thánh Thần Người đã từ Cha sai đến với Giáo Hội trong Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem, Vị Thánh Thần dùng Giáo Hội để làm chứng về Chúa Kitô cho tới khi Người lại đến trong vinh quang, một biến cố được Giáo Hội ngưỡng vọng khi cử hành Lễ Chúa Kitô Vua để kết thúc phụng niên hằng năm, trước khi bước vào Mùa Vọng là mùa mở màn cho một phụng niên mới. Vậy, áp dụng ý nghĩa của Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, như vừa được phân tích trên đây, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của bài Phúc Âm về căn tính của Chúa Kitô theo phụng vụ của Chúa Nhật XII Mùa Thường Niên Năm C thế này. Nếu trong Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô 29/6 hằng năm, căn tính Thiên Sai của Chúa Kitô liên quan đến đức tin của tông đồ Phêrô trong vai trò thánh nhân đuọc Người trao quyền tối thuọng để lãnh đạo Giáo Hội do Người lập, thì trong Chúa Nhật XII Mùa Thường Niên Năm C tuần này, căn tính Thiên Sai của Chúa Kitô ấy liên quan đến chứng từ của chung các tông đồ cũng như của riêng vị lãnh đạo Phêrô, con người đại diện anh em tuyên xưng: “Thày là Đức Kitô của Thiên Chúa”.

Thế nhưng, ý nghĩa của căn tính Chúa Kitô trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XII Mùa Thuòng Niên Hậu Phục Sinh Năm C tuần này liên quan đến chứng từ của các tông đồ, thì tại sao bài Phúc Âm lại ghi nhận là “Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai”, vậy thì việc làm chứng của các vị theo ý nghĩa phụng vụ của bài Phúc Âm Chúa Nhật XII Năm C Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh có nghịch với lời Chúa Giêsu ngăn cấm các vị không được nói về Người và tỏ Người ra chăng?

Chúa Giêsu quả có cấm các tông đồ không được tỏ căn tính Thiên Sai của Người ra cho bất cứ một ai, nhưng Người chỉ cấm điều này vào thời điểm chưa thích hợp mà thôi, thời điểm mà chung dân chúng và riêng thành phần lãnh đạo Do Thái chưa thể chấp nhận được chân lý Người là Đấng Thiên Sai, là Đấng được Thiên Chúa sai đến như lời hứa. Chính vì thế, như lời Nguòi khẳng định với dân Do Thái trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 8 câu 21 là: “Quí vị tìm Tôi song quí vị sẽ chết trong tội lỗi của quí vị. Nơi Tôi đi, quí vị không thể nào tới được”. Vậy thời điểm nào mới thích hợp để các môn đệ có thể làm chứng về Người, có thể minh chứng Người thực sự là Đấng Thiên Sai đây? Phúc Âm Thánh Luca Năm C không đề cập đến chi tiết về thời điểm chứng từ này của các vị tông đồ cho mãi đến lúc Chúa Kitô phục sinh tuyên phán cùng các vị rằng: “Vậy đúng như lời đã viết Đấng Thiên Sai phải chịu khổ nạn và sống lại từ trong cõi chết vào ngày thứ ba. Phải nhân danh Người rao giảng cho tất cả mọi dân nước về lòng thống hối để đuọc ơn tha tội, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là những chứng nhân về điều này”. Đến đây chúng ta mới thấy được bản chất và cốt lõi của việc làm chứng cho Chúa Kitô. Bản chất của việc làm chứng cho Chúa Kitô là gì, nếu không phải là làm chứng rằng Nguòi đã chết song đã phục sinh, hay nói cách khác, làm chứng rằng Chúa Kitô thực sự đã phục sinh từ trong cõi chết. Và cốt lõi của việc làm chứng cho Chúa Kitô đây là gì, nếu không phải là Chúa Kitô Phục Sinh thực sự là “Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa”, như lời tuyên xưng của vị tông đồ Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay.

Thế nhưng, để làm chứng cho Chúa Kitô, không phải thành phần chứng nhân tiên khởi là các tông đồ chỉ cần thấy Người và nghe Người là đủ, mà còn phải nhờ thấy và nghe mà tin tưởng trong lòng nữa. Bằng không, chính họ cũng là thành phần phản bội Người, như trường hợp tông đồ Giuđa (xem Mt 26:48-50), hay trường hợp “tất cả bỏ Người mà tẩu thoát”, như Phúc Âm Thánh Marcô thuật lại khi Người bị bắt (Mk 14:50), dù có dám mon men theo Người rồi cũng trắng trợn chối bỏ Người như tông đồ Phêrô (xem Lc 22:57-58, 60), đúng như lời Người đã báo truóc cho chung các vị biết trong Bữa Tiệc Ly ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 13 câu 33: “Các con ơi, Thày không còn ở với các con bao lâu nữa. Các con sẽ tìm Thày, nhưng giờ đây Thày cũng nói với các con những gì Thày đã nói với người Do Thái, đó là ‘nơi Thày đi các con không thể nào tới được’”. Vậy, để làm cho các tông đồ tin tưởng, nhờ đó các vị có thể làm chứng cho mình, Chúa Kitô thường nói truóc những gì xẩy ra, như việc Người tiên báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Người trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này.

Đó là lý do Người đã khẳng định mục đích những lần tiên báo này của Người liên quan mật thiết đến đức tin của các tông đồ trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn câu 14 câu 29 như sau: “Giờ đây Thày nói cho các con biết trước những gì sẽ xẩy ra để các con tin khi chúng xẩy ra”. Và để chứng thực mình đã sống lại từ trong cõi chết, Người cũng dùng đòn báo trước này để quật ngã lòng cứng tin của các tông đồ, như Phúc Âm Thánh Luca ghi nhận ở đoạn 24 câu 44 như sau: “Các con hãy nhớ lại những lời Thày đã nói với các con khi Thày còn ở cùng các con”.

Vậy vấn đề thực hành sống đạo ở đây là, trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XII Mùa Thuòng Niên Hậu Phục Sinh Năm C tuần này, Chúa Giêsu chẳng những cho các tông đồ biết trước việc Người sẽ tử nạn và phục sinh, một lời tiên báo liên quan đến sứ vụ chứng nhân của các tông đồ, mà còn, ngay sau đó Người kêu gọi các vị là hãy bỏ mình đi và vác thập giá, nếu các vị muốn theo Người. Như thế có nghĩa là, không bỏ mình và vác thập giá không thể làm môn đệ của Chúa Kitô, như lời Người khẳng định với quần chúng Do Thái trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 14 câu 27, chúng ta có thực sự thâm tín và cảm nghiệm được điều này chăng? Tức là, chúng ta có chân nhận rằng, nếu không thực sự làm môn đệ của Chúa Kitô chúng ta không thể nào làm chứng cho Người! Như thế, muốn làm chứng cho Chúa Kitô, thành phần chứng nhân của Người phải là thành phần bỏ mình đi, vác thập giá mà theo Người, thành phần được Sách Khải Huyền diễn tả ở đoạn 14 câu 4 là “theo Con Chiên đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới”, như gương mẫu tuyệt vời của Mẹ Maria, người môn đệ tiên khởi và lý tuỏng của Chúa Kitô, vị đã theo Người cho tới khi được Phúc Âm Thánh Gioan ghi nhận ở đoạn 19 câu 25: “đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu”.

Qua bài Phúc Âm hôm nay chúng ta thấy một điều rất đặc biệt này, đó là không phải hễ sống gần với Chúa Giêsu thì không cần phải có đức tin nữa, vì đã được trông thấy Người rồi. Trái lại, càng sống gần Người, càng phải có đức tin. Bằng không, sẽ càng vì Người mà vấp phạm. Không phải hay sao, ngoại trừ Mẹ Maria, còn ai sống gần Chúa Giêsu bằng các vị tông đồ, nhất là tông đồ Phêrô, một trong ba vị thân cận với Người, những vị trong một số trường hợp đã được Người chọn đi riêng với Người? Thế mà chính vị trưởng tông đồ này lại là vị tông đồ trắng trợn và phũ phàng chối bỏ Người! Vậy cốt lõi của đức tin đây là gì, nếu không phải là tin rằng nhân vật lịch sử mang tên Giêsu ở Nazarét ấy chính là Kitô, là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Chúa Kitô đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý cũng là ở chỗ này, ở chỗ làm cho chung dân Do Thái và riêng thành phần môn đệ của Người tin rằng Người đã được Cha sai, và Cha quả thực là Thiên Chúa chân thật duy nhất, đúng như Ngài đã tỏ mình ra suốt lịch sử cứu độ của dân Do Thái, vì Ngài đã sai Người đến cứu chuộc đúng như Lời Hứa từ ban đầu với hai nguyên tổ (x Gen 3:15). Mà “sự sống đời đời” là gì, nếu không phải như Chúa Kitô đã định nghĩa trong Lời Nguyện Hiến Tế ở cuối Bữa Tiệc Ly, “là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô” (Jn 17:3). Như thế, phần rỗi đời đời chính là ở đức tin ấy, tức ở việc nhận biết cả Cha lẫn Con này, đúng như lời Chúa Giêsu khẳng định ở đoạn kết Phúc Âm Thánh Marcô: “Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu rỗi” (Mk 16:16). Thế nhưng, nếu “đức tin không việc làm là đức tin chết” (James 2:26) thì quả thực Chúa Giêsu cũng đã chí lý khi khẳng định ở phần cuối bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này là “ai muốn theo Thày phải bỏ mình đi và vác thập giá mà theo Thày”.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

.