GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 25 THỨ SÁU, cuối Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu

 

Lời Thỏ Thẻ của Thánh Tâm Chúa Giêsu

Với Thánh Nữ M. Faustina Kowalska

 

(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo cuốn "Tình Thương Thần Linh nơi Hồn Tôi")

 

 

 

                        Vào buổi tối (22-2-1931), lúc con ở trong phòng của con, con đã thấy Chúa Giêsu hiện ra trong chiếc áo trắng. Một bàn tay giơ lên như thể ban phép lành, còn bàn tay kia chạm vào áo ở trước ngực. Từ bên dưới chiếc áo, hơi xích sang một bên ngực, có hai luồng sáng lớn phát ra, một luồng mầu đỏ và một luồng mầu nhạt. Con lặng lẽ dán mắt nhìn Chúa' linh hồn con run sợ, nhưng cũng rất vui. Một lúc sau, Chúa Giêsu nói với con:

                        Hãy vẽ một bức ảnh theo mẫu thức mà con nhìn thấy, kèm theo giòng chữ: Giêsu ơi, con tin tưởng nơi Chúa. Cha mong ước bức ảnh này được tôn kính, trước hết, tại nguyện đường của con, sau đó, ở khắp nơi trên thế giới. (số 47)

 

                        Cha hứa là, linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị trầm hư. Cha cũng hứa cho linh hồn thắng được các kẻ thù ngay khi còn sống trên thế gian, nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ linh hồn như là vinh hiển của riêng Cha. (số 48)

 

                        Khi con nói điều này với vị giải tội của con, con nhận được câu trả lời thế này: "Điều ấy có ý chỉ về linh hồn của con". Người bảo con là: "Đúng đấy, hãy vẽ hình ảnh Thiên Chúa trong linh hồn của con". Ra khỏi toà giải tội, con lại nghe thấy những lời như sau:

                        Hình ảnh của Cha đã sẵn có nơi linh hồn con rồi. Cha mong có một Lễ Kính Tình Thương. Cha muốn bức ảnh mà con vẽ bằng cọ này phải được long trọng làm phép vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất sau Lễ Phục Sinh' Ngày Chúa Nhật này phải là ngày Lẽ Kính Tình Thương. Cha ước mong các vị linh mục loan truyền tình thương vĩ đại này của Cha cho các linh hồn những tội nhân. Để tội nhân đừng sợ tiến đến với Cha. Những ngọn lửa tình thương đang nung nấu Cha - bừng bừng muốn toé ra' Cha muốn tuôn đổ những ngọn lửa tình thương này xuống trên các linh hồn ấy. (số 49)

 

                        Cha muốn bức ảnh này (như Chúa muốn đã được đề cập đến ở số 47) phải được trưng bày nơi công cộng vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh. Chúa Nhật này là Lễ Kính Tình Thương. Nhờ Ngôi Lời Nhập Thể, Cha tỏ vực sâu vô đáy của tình thương Cha ra. (số 88)

 

                        Hỡi con gái của Cha, hãy nhìn vào vực thẳm của tình thương Cha để chúc tụng và tôn vinh tình thương này của Cha. Con hãy làm như thế này: Hãy tụ họp tất cả các tội nhân từ khắp nơi trên thế giới lại, dìm họ vào vực thẳm của tình thương Cha. Con gái của Cha ơi, Cha muốn ban mình Cha cho các linh hồn' Cha khao khát các linh hồn. Vào ngày lễ của Cha, Lễ Kính Tình Thương, con sẽ đi khắp thế gian mà mang các linh hồn mệt nhược về suối nguồn của tình thương Cha. Cha sẽ chữa lành và tăng sức cho họ. (số 206)

 

                        Có một lần, vị giải tội của con bảo con hỏi Chúa Giêsu về ý nghĩa của hai tia sáng trong bức ảnh, con trả lời với ngài là: "Dạ vâng, con sẽ hỏi Chúa". Đang khi cầu nguyện, con đã nghe thấy trong con những lời này:

                        Hai tia sáng biểu hiệu cho Máu và Nước. Tia sáng nhạt là biểu hiệu của Nước, để làm cho các linh hồn nên công chính. Tia sáng đỏ là biểu hiệu của Máu, để ban sự sống cho các linh hồn...

                        Hai tia sáng này phát xuất từ những thẳm sâu nhất của tình thương êm ái Cha, lúc mà Trái Tim đau thương của Cha bị lưỡi đòng chọc mở ra trên cây Thánh Giá.

                        Những tia sáng này bao che các linh hồn cho khỏi cơn thịnh nộ của Cha Cha. Phúc cho kẻ nào được ẩn náu trong những tia sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa sẽ không giáng xuống trên họ. Cha mong ước ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh là ngày Lễ Kính Tình Thương. (số 299)

 

                        Ngày 5-11-1934. Buổi sáng hôm ấy, theo phận sự, con mở cổng để người đưa các món ăa nướng ra, sau đó, con ghé vào nhà nguyện nhỏ viếng Chúa Giêsu một chút, để lập lại những ý nguyện trong ngày. "Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con xin dâng lên Chúa tất cả mọi chịu khó, hãm mình và cầu nguyện của con, theo ý chỉ của Đức Thánh Cha, để ngài có thể chuẩn nhận Lễ Kính Tình Thương. Thế nhưng, Chúa Giêsu ơi, con còn một điều nữa xin thưa cùng Chúa là: con rất lấy làm lạ, vì Chúa cứ ép con phải nói về Lễ Kính Tình Thương này, trong khi các ngài nói với con là đã có một lễ như thế rồi, nên con phải nói đến lễ này làm gì nữa?"

                        (Phụ chú của người soạn dịch: theo các chi tiết được viết ra trong sách thì,  ở tỉnh Cracow, có một nhà thờ Tình Thương Thần Linh,  nằm trên đường Smolensk, nhận lễ quan thày là ngày 14-9, lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa),

                        Chúa Giêsu mới nói với con:

                        Mà có ai biết đến lễ này như thế nào chưa? Không ai hết! Ngay cả những người phải truyền bá tình thương của Cha và dạy cho người ta về tình thương Cha, chính họ lại thường không biết gì cả. Đó là lý do tại sao Cha muốn bức ảnh phải được làm phép vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh, và Cha muốn bức ảnh phải được công khai tôn kính để mọi linh hồn có thể biết về bức ảnh này.

                        Hãy làm tuần chín ngày theo ý của Đức Thánh Cha. Tuần Chín phải được bao gồm 33 động tác' đó là việc lập lại nhiều lần lời nguyện tắt (như số 309 ngay dưới đây) với Tình Thương Thần Linh mà Cha đã dạy con (số 341)

                        "Ôi Máu và Nước từ Trái Tim Chúa Giêsu như Mạch Nguồn Tình Thương tuôn tràn ra cho chúng con, con tin tưởng nơi Chúa." (số 309)

 

                        Việc các linh hồn thiếu tin tưởng vào Cha đang sâu xé Cha tứ bề. Việc thiếu tin tưởng vào Cha nơi các linh hồn Cha tuyển chọn khiến Cha càng đớn đau hơn nữa' cho dù Cha có yêu thương họ vô hạn, họ cũng không tin tưởng vào Cha. Cha có chết cũng chưa đủ để họ tin tưởng vào Cha. Khốn cho linh hồn bạc đãi các việc yêu thương này của Cha. (số 50)

 

                        Hãy viết xuống điều này: Trước khi Cha đến như một Quan Án công minh, thì đầu tiên Cha đến như Đức Vua của Tình Thương. Trước ngày công thẳng đến, dân chúng sẽ được thấy một dấu hiệu trên các tầng trời như thế này:

                        Tất cả ánh sáng trên các tầng trời sẽ bị tắt hết, và bóng tối khủng khiếp sẽ bao trùm cả trái đất. Đoạn trên bầu trời sẽ xuất hiện hình bóng cây thánh giá, và từ những kẽ hở của các bàn tay chân bị đóng đanh của Chúa Cứu Thế, sẽ phát ra những ánh sáng cả thể, chiếu soi mặt đất, trong một khoảng thời gian. Điều này sẽ xẩy ra không lâu trước ngày cùng tận. (số 83)

                        Hãy xin với đầy tớ trung thành của Cha (linh mục Sopocko) là vào ngày này (Lễ kính Tình Thương, Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh), ngài nói với toàn thể thế giới về tình thương cao cả của Cha' ai tiến đến cùng Mạch Sự Sống trong ngày này sẽ được hoàn toàn khỏi các tội lỗi và hình phạt.

                        Nhân loại sẽ không có hoà bình cho đến khi họ tin tưởng quay về với tình thương của Cha.

                        Ôi, một linh hồn không tin tưởng vào Cha thì Cha đớn đau là chừng nào! Một linh hồn như vậy tuyên xưng Cha Thánh Hảo và Công Chính, song lại không tin rằng Cha là Tình Thương và không tin vào Lòng Lành của Cha. Qủi ma cũng tôn vinh Đức Công Minh của Cha, nhưng không tin vào Lòng Lành của Cha.

                        Trái Tim Cha hân hoan vui sướng nơi tước hiệu Tình Thương này.(số 300)

            Hãy tuyên xưng tình thương là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa. Tất cả mọi công việc của bàn tay Cha được tình thương làm cho vẻ vang. (số 301).

 

                        Có một lần, con đến thăm nhà họa sĩ (Eugene Kazimierowski) là người đang vẽ bức ảnh (như Chúa truyền để trưng bày trong ngày lễ Kính Tình Thương), và thấy rằng hình vẽ không được đẹp như Chúa Giêsu, con cảm thấy buồn thật là buồn, song con đã dấu kỹ nỗi buồn này trong lòng con. Sau khi rời khỏi nhà người hoạ sĩ, Mẹ Bề Trên (Irene) mắc lo ít việc ở lại phố, còn con trở về một mình. Con đã đi thẳng đến nhà nguyện mà khóc sướt mướt. Con thưa cùng Chúa: "Ai sẽ là người vẽ Chúa đẹp thực đúng như Chúa đây?" Bấy giờ con nghe thấy những lời này:

                        Vẻ cao trọng của bức ảnh này Không hệ tại vẻ đẹp của mầu sắc hay của cây cọ, mà là ở tại ân sủng của Cha. (số 313)

 

                        Có một lần, Chúa Giêsu nói với con:

                        Ánh mắt của Cha từ bức ảnh này nhìn ra giống như ánh mắt của Cha từ trên thập giá nhìn xuống. (326)

 

                        Một lần kia, vị giải tội của con (linh mục Sopocko) hỏi con về mấy chữ viết vào bứa ảnh phải để ở đâu, vì bức ảnh không đủ chỗ cho mọi thứ. Con thưa ngài: "Con sẽ cầu nguyện và trả lời cha vào tuần tới". Khi rời tòa giải tội và đang ở trước Thánh Thể, lòng con đã hiểu được hàng chữ in vào bức ảnh. Chúa Giêsu nhắc con về điều Người đã bảo con lần thứ nhất' đó là những chữ rất rõ ràng "Giêsu ơi, con tin tưởng nơi Chúa" (Jezu, Ufam Tobie). Con hiểu được là Chúa Giêsu muốn cả câu khẩu huyết phải ở đó, song Người không trực tiếp chỉ dẫn phải làm sao, như Người đã chỉ dẫn về ba chữ này.

                        Cha hiến cho người ta một vật chứa đựng để họ dùng khi tuốn đến với mạch nguồn tình thương mà kín lấy các ân sủng. Vật chứa đựng đó là bức ảnh này, cùng với hàng chữ: "Giêsu ơi, con tin tưởng nơi Chúa". (số 327)

 

                        Có một lần, Chúa Giêsu cho con hiểu rằng, khi con cầu nguyện theo các ý nguyện mà người ta quen cậy nhờ con, thì Người hằng sẵn sàng ban các ơn của Người, song các linh hồn không luôn luôn chấp nhận ơn của Người:

                        Trái Tim Cha tràn ngập tình thương vĩ đại cho các linh hồn, nhất là cho các tội nhân đáng thương. Nếu họ có thể hiểu được Cha là Người Cha tuyệt nhất đối với họ, cũng như hiểu được rằng, chính vì họ mà Máu cùng Nước đã chảy ra từ Trái Tim Cha, như từ một nguồn mạch ngập tràn tình thương. Vì họ mà Cha ngự trong nhà tạm như Đức Vua Tình Thương. Cha mong ước đổ các ơn của Cha xuống cho các linh hồn, song họ không muốn chấp nhận các ơn của Cha. -t là con hãy năng đến với Cha bao nhiêu có thể, để nhận lấy những ơn mà họ không muốn lãnh nhận. Làm như thế con sẽ an ủi Trái Tim Cha. Ôi, các linh hồn dửng dưng là chừng nào, đối với biết bao từ ái, biết bao chứng cớ của tình yêu! Trái Tim Cha chỉ uống chén vô tình bội bạc của các linh hồn sống trong thế gian. Họ có giờ cho đủ mọi thứ, song không có giờ đến với Cha để ãnh nhận các ơn.

                        Bởi thế Cha quay về với các con, các con là những linh hồn tuyển chọn của Cha, các con cũng sẽ không hiểu được tình yêu của Trái Tim Cha nữa sao? Kể cả ở nơi đây, Trái Tim Cha cũng chỉ tìm thấy thất vọng' Cha không thấy được một đức phó thác hoàn toàn cho tình yêu của Cha. Còn quá nhiều luyến tiếc, quá nhiều ngờ vực, quá nhiều cẩn trọng. Để an ủi các con, hãy để Cha nói cho các con hay, có những linh hồn sống ngoài thế gian thiết tha yêu mến Cha. Cha sung sướng ngự trong lòng họ. Song họ ít ỏi. Trong viện tu cũng thế, có những linh hồn làm Trái Tim Cha hoan lạc. Họ có những đặc tính của Cha' vì thế, Cha Trên Trời hết sức mãn nguyện nhìn đến họ. Họ sẽ là một kỳ quan đối với các Thiên Thần và loài người. Con số của họ rất nhỏ nhoi. Họ là một chống đỡ cho thế giới trước đức công thẳng của Cha Trên Trời, và là một phương thế chiếm lấy tình thương cho thế gian. Tình yêu và hy sinh của những linh hồn ấy giữ cho thế gian này tồn tại. Sự bất trung của một linh hồn được Cha tuyển chọn cách riêng đả thương Trái Tim Cha đớn đau nhất. Những bất trung đó là những lưỡi gươm đâm thấu Trái Tim Cha. (số 367)

 

                        Ngày 12-5-1935. Buổi tối, con vừa lên giường liền cảm thấy lập tức buồn ngủ. Dù buồn ngủ nhanh như thế, song con đã choàng dậy còn mau hơn nữa. Có một em nhỏ đến đánh thức con dậy. Em nhỏ độ một tuổi, và con bỡ ngỡ vì em nói rất sõi. không như những trẻ em cùng tuổi chưa biết nói hay nói rất bập bẹ. Con trẻ, đẹp khôn tả và giống như Chúa Giêsu Hài Nhi, nói với con:

            Chị hãy nhìn bầu trời.

                        Nhìn lên trời, con thấy những ngôi sao và mặt trăng chiếu sáng. Bấy giờ em nhỏ hỏi con:

                        Chị có thấy mặt trăng và những ngôi sao không?

                        Con nói có thì em bé nói với con những lời này:

                        Những ngôi sao kia là những linh hồn Kitô hữu giáo dân, và mặt trăng là những linh hồn tu sĩ. Chị có thấy sự khác biệt lớn lao giữa ánh sáng của mặt trăng và của các ngôi sao không? Cũng thế, trên thiên đàng linh hồn của một tu sĩ và của một Kitô hữu giáo dân khác nhau như vậy.

                        (Rồi em bé nói tiếp)

                        Sự cao cả thật ở tại yêu mến Thiên Chúa và tự hạ. (số 424)

 

                        Đoạn con thấy một linh hồn đã ra khỏi thân xác của mình đang chịu cực hình khủng khiếp. Ôi Chúa Giêsu, khi con sắp viết điều này ra, con rùng mình về cảnh tượng của những điều kinh hoàng làm chứng tố cáo linh hồn này... Con thấy những linh hồn trẻ nhỏ và những linh hồn lớn hơn, quãng độ chín tuổi, đang tiến ra từ một thứ vực thẳm bùn lầy. Các linh hồn này nồng nặc hôi thối, giống như những con quái vật rùng rợn nhất và những thi thể rữa nát nhất. Thế nhưng, những thi thể đang sống động đã lớn tiếng tố cáo linh hồn chết kia. Con thấy linh hồn đã chết là một linh hồn đầy những lời thế gian chúc tụng và tôn vinh mà kết cục là rỗng không và tội lỗi. Sau hết có một người đàn bà xuất hiện, cầm một vật gì đó, như những giọt nước mắt, trong áo ngực của bà, và dữ dội tố cáo linh hồn này. (số 425)

 

                        Ôi, giờ kinh hãi cho ai bị bắt buộc chứng kiến tất cả những việc làm của mình trong cảnh trần trụi và khốn nạn của những việc làm này' không thiếu một sự gì cả, mọi sự đều theo chúng ta đến trước toà Thiên Chúa phán xét. Con không thể diễn tả hay so sánh được gì với những điều khiếp đảm như thế. Cho dù con thấy hình như linh hồn này không bị hư đi, song những cực hình của linh hồn chịu cũng chẳng khác gì của hoả ngục' chỉ khác một điều duy nhất: đó là một ngày kia họ sẽ hết. (số 426)

 

                        Một chốc sau, con lại thấy em bé đã đánh thức con dậy. Em đẹp lạ lùng và lập lại cho con nghe những lời này:

                        Sự cao cả thật ở tại yêu mến Thiên Chúa và tự hạ.

                        Con hỏi em bé: "Sao em biết rằng sự cao cả thật của linh hồn ở tại yêu mến Thiên Chúa và tự hạ? Chỉ có những thần học gia mối biết về những điều như thế, trong khi em chưa hề học giáo lý nữa. Vậy làm sao em biết được?" Nghe thế, em bé đáp lại

                        Ta biết' Ta biết tất cả mọi sự.

                        Nói xong, Người biến mất. (số 427)

 

                        Tháng 5-1935. Khi biết được những dự tính lớn lao mà Thiên Chúa dành cho mình, con run sợ trước tính cách vĩ đại của chúng, và tự cảm thấy mình không có khả năng hoàn thành được những dự tính này, thế là con tránh né những cuộc tâm sự nội tâm với Người, lấp đầy thời gian bằng khẩu nguyện. Con làm như vậy theo lòng khiêm nhượng, song con sớm nhận thức đó không phải là khiêm nhượng thật sự, mà là một chước cám dỗ nặng bởi ma qủi. Có một lần, thay vì tâm nguyện, con lại đi cầm lấy một cuốn sách thiêng liêng, thì con nghe thấy những lời phán rất minh bạch và mãnh liệt trong linh hồn con:

                        Con sẽ sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha.

                        Những lời này tác động sâu đậm nơi con, cho dù con giả vờ như không nghe thấy gì, song con đã hiểu rất rõ và không nghi ngờ gì cả. Có một hôm, mệt mã trong trận chiến yêu thương này với Thiên Chúa, và liên tục viện lý bất lực trong việc thi hành công việc để từ chối, con muốn rời khỏi nhà nguyện, song có một sức mạnh nào đó giữ con lại mà con không thể chống cưỡng. Bấy giờ con nghe thấy những lời này:

                        Con có ý rời bỏ nguyện đường này, nhưng con sẽ không thoát khỏi Cha đâu, vì Cha ở khắp mọi nơi. Con không thể nào làm được gì cả, nhưng với Cha, con có thể làm được tất cả mọi sự. (số 429)

 

                        Ngày 30-6-1935. Lúc bắt đầu Thánh Lễ vào buổi sáng hôm sau, con thấy Chúa Giêsu trong tất cả vẻ đẹp vô tả của Người. Người nói cùng con là Người ước mong rằng:

                        Một Hội Dòng như vậy, (một hội dòng loan truyền tình thương của Thiên Chúa cho thế giới, và bằng những lời cầu nguyện để chiếm lấy tình thương cho thế giới - số 436), phải được thành lập sớm bao nhiêu có thể, và con sẽ sống ở đó với các đồng chí của con. Thần Linh của Cha sẽ là lề luật cho đời sống của con. Cuộc sống của con được khuôn đúc theo cuộc sống của Cha, từ nôi sinh cho đến cuộc tử nạn trên Thánh Giá. Hãy thấm nhuần các mầu nhiệm của Cha, và con sẽ biết được vực thẳm của tình thương Cha đới với các tạo vật cũng như lòng từ ái vô tận của Cha, để con tỏ ra cho thế giới biết. Bằng những lời cầu nguyện của con, con sẽ là trung gian giữa trời và đất. (số 438).             (Phụ chú của người soạn dịch: Theo chi tiết được thuật lại trong sách thì hội dòng như Chúa ước mong này, nhờ cố gắng của linh mục giải tội cho chị là cha Sopocko, đã được hình thành vào năm 1941, và ngày 2-8-1955, dòng đã được bản quyền địa phương công nhận là Dòng Chúa Giêsu Kitô Chí Thánh, Đấng Cứu Chuộc Xót Thương. Thế nhưng, nữ sứ giả của Tình Thương của Chúa đã qua đời từ ngày 5-10-1938)

           

                        Hãy viết điều Cha nói với con. Niềm vui của Cha là được hiệp nhất với con... Hỡi con gái của Cha, Trái Tim Cha lắng nghe những yêu cầu của con. Việc con được trao phó và phận sự của con ở trên thế gian này là van xin ơn tha thứ cho toàn thể thế giới. Không một linh hồn nào sẽ được nên công chính cho đến khi nó tin cậy quay về với tình thương của Cha, và đó là lý do tại sao ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh phải là Lẽ Kính Tình Thương. Vào ngày này, các linh mục phải nói cho mọi người biết về tình thương cao cả và vô hạn của Cha. Cha đang làm cho con nên quản trị viên của tình thương Cha. Hãy nói với vị giải tội của con rằng, Bức Ảnh phải được trưng bày ra cho thấy ở nhà thờ, chứ không phải chỉ trong nội vi của tu viện ấy. Nhờ Bức Ảnh này, Cha sẽ ban nhiều ơn cho các linh hồn' vậy hãy để cho mọi linh hồn có thể dẽ dàng đến với Bức Ảnh. (số 570)

 

                        Cha nói với con nhiều nhất là khi con tâm sự với Cha trong tận đáy thẳm của linh hồn con. Ở đây, không ai có thể quấy rầy những tác động của Cha. Ở đây, Cha nghỉ ngơi như ở trong một khu vườn kín đáo. (số 581)

 

                        Khi con suy nghĩ về điều Cha nói với con trong tận đáy tâm hồn con, sẽ có lợi cho con hơn là con đọc nhiều sách vở. Ôi, nếu các linh hồn chỉ muốn lắng nghe tiếng Cha nói trong thẳm cung của linh hồn họ, họ sẽ tiến đến đỉnh thánh thiện trong vòng một thời gian ngắn. (số 584)

 

                        Ngày 8-1-1936. Con đi gặp Đức Tổng Giám Mục (Lalbrzykowski) để cho ngài biết là Chúa Giêsu xin con cầu nguyện cho tình thương của Thiên Chúa trên thế giới, cũng như bảo con phải có một hội dòng đáp ứng tình thương của Thiên Chúa cho thế giới. Con xin ngài cho phép tất cả những gì Chúa Giêsu truyền con. Đức TGM đã trả lời con bằng những lời như sau: "Này Sơ, về việc cầu nguyện, tôi chẳng những ban phép mà còn khuyến khích Sơ nữa, trong việc cầu nguyện nhiều bao nhiêu có thể cho thế giới, để van xin tình thương của Thiên Chúa, vì tình thương là điều mà tất cả chúng ta đều cần' tôi cho là vị giải tội của Sơ chắc hẳn cũng không cấm đoán Sơ cầu nguyện theo ý hướng này đâu. Còn vấn đề liên quan đến hội dòng này thì, Sơ à, hãy đợi ít lâu để cho mọi sự có thể được sắp xếp thuận lợi. Việc này tự nó là tốt, song cũng không vội cho lắm. Nếu đó là ý muốn của Thiên Chúa, nó sẽ được thực hiện, không sớm thì muộn. Tại sao lại không như vậy? Có quá nhiều thứ hội dòng khác nhau' nếu Chúa muốn, thì cả hội dòng này nữa cũng sẽ được thành lập. Hãy cứ an tâm. Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự. Hãy gắng hiệp nhất chặt chẽ với Thiên Chúa và đừng nản lòng". Những lời này làm con vui thoả hết sức. (số 585)

 

                        Sau khi con rời nhà của Đức Tổng Giám Mục, con nghe thấy trong linh hồn con những lời sau đây:

                        Để làm cho tinh thần của con vững mạnh, Cha nói qua các vị đại diện của Cha hợp với điều Cha đòi hỏi nơi con, song con phải biết rằng sẽ không luôn luôn như vậy đâu. Các ngài sẽ chống lại con trong nhiều điều mà nhờ đó, ơn Cha sẽ được thể hiện nơi con, và sẽ sáng tỏ đó là việc Cha làm. Còn phần con, đừng sợ gì cả' Cha luôn ở với con. Hỡi con gái của Cha, hãy biết điều này nữa là: tất cả mọi tạo vật, dù chúng có biết đến hay không, dù chúng có muốn hay không, chúng cũng luôn làm trọn theo ý của Cha. (số 586) Đừng sợ gì cả' mọi khó khăn sẽ giúp cho việc hoàn thành ý của Cha (số 634)

 

                        (Ngày 18-3-1936. Tối hôm sau). Lúc con đang cầu nguyện thì Mẹ Thiên Chúa nói với con:

                        Đời sống của con phải giống như của Mẹ: âm thầm và ẩn khuất, không ngừng hiệp nhất với Thiên Chúa, cầu cho nhân loại và sửa soạn thế giới cho lần đến thứ hai của Thiên Chúa. (số 625)

 

                        Ngày 25-3-1936. Trong giờ suy gẫm ban sáng, con được sự hiện diện của Thiên Chúa đặc biệt vây bọc, vì con thấy sự cao cả vô hạn của Thiên Chúa cùng với uy thế của Người trên các tạo vật của Người. Đoạn con thấy Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nói với con:

                        Ôi, linh hồn trung thành tuân theo những tác động  ân sủng của Thiên Chúa thì làm cho Người hài lòng biết bao! Mẹ ban Chúa Giêsu cho thế gian' còn con, con phải nói cho thế giới biết về tình thương vĩ đại của Người và sửa soạn thế giới cho Lần Đến Thứ Hai của Đấng sẽ đến không như một Vị Cứu Thế nhân hậu mà là như một Quan Án chính trực. Ôi, ngày ấy khủng khiếp là chừng nào! Ngày công thẳng, ngày thịnh nộ thần linh được giải quyết. Các thiên thần rùng mình khiếp hãi. Hãy nói cho các linh hồn về tình thương vĩ đại này trong khi còn thời để xót thương. Nếu bây giờ con giữ thinh lặng, con sẽ phải trả lẽ về một số lớn các linh hồn vào ngày kinh hoàng này. Đừng sợ. Hãy trung thành cho đến cùng. Mẹ cảm thông con. (số 635)

 

                        Hỡi con gái của Cha, khổ đau sẽ là dấu hiệu Cha ở với con. (số 669).

 

                        Con đừng ngừng đọc chuỗi kinh mà Cha đã dậy con (số 476, như được soạn dịch ở phần thứ năm trong cuốn thứ hai). Ai lần chuỗi kinh này sẽ nhận được tình thương vĩ đại trong giờ lâm tử. Các vị linh mục hãy khuyên tội nhân đọc chục kinh này như niềm hy vọng cứu rỗi cuối cùng cho họ. Dù tội nhân có cứng lòng đến đâu đi nữa mà đọc chục kinh này, chỉ cần một lần duy nhất thôi, linh hồn ấy sẽ nhận được ơn bởi tình thương vô cùng của Cha. Cha ước mong cả thế giới biết đến tình thương vô cùng của Cha. Cha ước mong ban các ơn ngoài sức tưởng tượng cho những linh hồn tin cậy vào tình thương của Cha. (số 687)

 

                        Hỡi con gái của Cha, hãy nói cho toàn thể thế giới biết về tình thương khôn thấu của Cha. Cha mong ước Lễ Kính Tình Thương là một nơi cư trú và náu ẩn cho tất cả các linh hồn, đặc biệt cho các tội nhân khốn nạn. Vào ngày đó, tận đáy vực thăm thẳm của tình thương nhân ái Cha được mở ra. Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng trên các linh hồn đến với mạch nguồn tình thương Cha. Linh hồn đi Xưng Tội và Hiệp Lễ sẽ được hoàn toàn thứ tha các tội lỗi và hình phạt. Vào ngày đó, tất cả những bờ đê mà ân sủng tràn qua sẽ vỡ bờ. Đừng có một linh hồn nào lại sợ đến gần Cha, cho dù các tội lỗi của linh hồn có đỏ ngầu. Tình thương của Cha rất vĩ đại, đến nỗi, không có một trí khôn nào, dù của loài người hay của thiên thần, có thể dò thấu được cho đến đời đời kiếp kiếp. Mọi sự hiện hữu đều phát xuất từ những tầng sâu thẳm của tình thương dấu ái nhất của Cha. Mọi linh hồn gắn bó với Cha sẽ chiêm ngắm tình yêu và tình thương của Cha đến muôn đời. Lễ Kính Tình Thương phát hiện từ tận đáy lòng từ ái của Cha. Ước muốn của Cha là lễ này phải được cử hành long trọng vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh. Nhân loại sẽ không có hoà bình cho đến khi họ quay về với Mạch Nguồn của Tình Thương Cha. (số 699)

 

 

Một Viên Chức Bồ Đào Nha đã cứu cả chục ngàn người Do Thái thời Thế Chiến Thứ Hai


Hôm Thứ Năm 17/4/2004, ĐHY Renato Martino, chủ tịch hội đồng công lý hòa bình của Tòa Thánh đã chủ tế Thánh Lễ ở Rôma, tại Đền Thờ Thánh Maria ở Trastevere, theo lời yêu cầu của Raoul Wallengerg International Foundation, để tưởng niệm vị lãnh sự Bồ Đào Nha Aristides de Sousa Mendes, đã liều mạng cứu rất nhiều ngàn người, trong đó có cả chục ngàn người Do Thái.


Là một vị lãnh sự ở Bordeaux Pháp Quốc, ông Sousa Mendes đã cứu những người bị chế độ Nazi bách hại, bằng cách cấp cho họ giấy thông hành là việc làm vi phạm đến tính cách trung lập của nước ông.


Bắt đầu từ ngày 16/6/1940, ông công khai bất chấp chính phủ của mình để cấp giấy nhập cảnh cho tất cả những ai đến với tòa lãnh sự của ông cho tới khi Đức Quốc đội bom ba ngày sau đó. Những người vị vọng trong số thành phần xin giấy nhập cảnh này thuộc phần tử của hoàng gia Áo Quốc.


Biết được điều này, nhà độc tài Bồ Đào Nha bấy giờ là Antonio de Oliveira Salazar đã ra lệnh bắt giữ và xử vị lãnh sự này. Tuy nhiên, vì nhà độc tài này bỏ ngỏ các biên giới nên đã có cả triệu người tị nạn từ từ vượt thoát theo lộ trình được vị lãnh sự phác họa qua ngả Tây Ban Nha.


Bị tước hết quyền bính và bổng lộc, vị lãnh sự này cùng với gia đình phải sống trong cảnh bất hạnh và chết trong lầm than nghèo khổ.


Thánh Lễ tưởng niệm này có cả sự tham dự của Tôn Sư Do Thái Mario Ablin, phó chủ tịch Raoul Wallenberg Foundation cũng như của Angelo Roncalli International Committee, từ Giêrusalem tới. Theo vị tôn sư này thì để cử hành 50 năm cái chết của vị ngoại giao Bồ Đào Nha này, tổ chức do ông làm phó chủ tịch đã phát động việc cử hành theo nghi lễ tôn giáo tại 30 nhà thờ và 28 hội đường ở 28 quốc gia.


Raoul Wallenberg Foundation cũng như Angelo Roncalli International Committee là hai tổ chức được thành lập để phổ biến sứ điệp và tưởng nhớ những việc làm của những cá nhân dám liều mạng sống mình trong việc cứu dân chúng bị bách hại trong Cuộc Sát Tế Thời Thế Chiến Thứ Hai, trong đó có hai nhân vật quan trọng được hai tổ chức này mang tên, đó là Wallenberg và Đức Khâm Sứ Angelo Roncalli (Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII).


Kết Thánh Lễ được tham dự bởi nhiều vị lãnh sự làm việc với Tòa Thánh, tổ chức này đã loan báo quyết định tặng thưởng Giải Kỷ Niệm 50 Năm Sousa Mendes cho ĐHY chủ tế Martino. Việc tặng thưởng này được trao ban cho những ai có một niềm xác tín và hoạt động công khai phản ảnh những nguyên tắc đạo lý, những giá trị về tình đoàn kết nhân loại và nêu gương sáng.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 21/6/2004