GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 6 CHÚA NHẬT, ÐẠI LỄ CHÚA BA NGÔI

 

 

 

BA NGÔI LÀ NGUỒN YÊU THƯƠNG VÀ ÁNH SÁNG

(ÐTC GPII Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000 thứ 3, Thứ Tư ngày 19-1-2000)

1-         “Ôi Ba Ngôi cao cả, vô cùng thần linh và thiện hảo, Đấng canh giữ đức khôn ngoan thần linh cho người Kitô hữu, xin dẫn đưa chúng con vượt ra ngoài tất cả mọi thứ ánh sáng và vượt lên trên hết mọi sự vô thức trước tuyệt đỉnh của các Sách Thánh nhiệm mầu, những cuốn sách tỏ ra cho thấy những mầu nhiệm thần học đơn sơ, tuyệt đối và bất diệt trong một bóng tối sáng tỏ của lặng thinh”. Với lời cầu nguyện này của Điônysiô thành Areopagite, một nhà thần học Đông phương (Theologia mystica, I, 1), chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình cam go song hào hứng trong việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sau khi đã suy tư mấy năm qua về mỗi một ngôi vị thần linh trong Ba Ngôi Thiên Chúa – Ngôi Con, Ngôi Thần Linh và Ngôi Cha – trong năm Mừng Kỷ Niệm này, chúng ta muốn có một cái nhìn toàn diện về vinh quang chung của cả Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất, “không phải duy nhất trong một ngôi vị mà là trong Ba Ngôi cùng một bản thể” (Kinh Tiền Tụng Lễ Trọng Kính Chúa Ba Ngôi). Dự định này cũng tương hợp với những gì đã được đề ra trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, một văn kiện phác họa mục đích nhắm đến trong giai đoạn cử hành Cuộc Đại Mừng Kỷ Niệm là “để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là khởi điểm của hết mọi sự trên thế gian cũng như trong lịch sử và là cùng đích mà mọi sự phải qui về” (đoạn 55).

 2-         Cảm hứng theo hình ảnh được gợi lên trong Sách Khải Huyền (x 22:1), chúng ta có thể so sánh cuộc hành trình này như là một cuộc lữ hành dọc theo hai bên bờ sông của Thiên Chúa, tức là hành trình theo sự hiện diện và mạc khải của Người trong lịch sử.

 Như một chấm phá vắn tắt cho cuộc hành trình này, hôm nay chúng ta sẽ ở tại hai viễn cực của con sông ấy, tức là ở đầu sông và ở cuối sông, kết hợp chúng lại thành một đường chân trời duy nhất. Thật thế, Ba Ngôi thần linh là chính căn nguyên của việc hiện hữu cũng như của lịch sử, và Ngài còn hiện diện cả ở tận điểm của chúng nữa. Giữa hai viễn cực này, tức là giữa vườn Địa Đường (x Gn 2) và cây sự sống ở Gialiêm trên trời (x Rev 22), trào ra một giòng lịch sử được đánh dấu bằng tối tăm và ánh sáng, bằng tội lỗi và ân sủng. Tội lỗi đã phân lìa chúng ta ra khỏi diệu quang của địa đường Thiên Chúa; ơn cứu chuộc đã mang lại cho chúng ta vinh hiển của một trời mới đất mới, nơi “không còn sự chết, cũng chẳng còn than khóc hay kêu la hoặc đớn đau gì nữa” (ibid 21:4).

3-         Cái nhìn khởi sự về đường chân trời này đã được trang Sách Thánh đầu tiên trình bày cho thấy giây phút mà quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa làm nên thế gian từ hư vô: “Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trời và trái đất” (Gn 1:1). Cái nhìn này được Tân Ước đào sâu hơn nữa, bằng cách đi trở lại chính tâm điểm của sự sống thần linh, khi thánh ký Gioan mở đầu Phúc Âm của ngài: “Từ ban đầu đã có Lời, Lời ở với Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Jn 1:1). Trước khi việc tạo thành xẩy ra và là nền tảng của việc tạo thành này, mạc khải đã cho chúng ta chiêm ngưỡng thấy mầu nhiệm của một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, đó là Ngôi Cha và Lời của Ngài hiệp nhất với nhau trong Thần Linh.

 Vị tác giả Thánh Kinh đã viết đoạn văn về việc tạo dựng không thể nào thấu triệt được chiều sâu của mầu nhiệm này. Tư tưởng thuần triết học lại càng khó có thể đạt thấu, vì Ba Ngôi ở ngoài khả năng kiến thức của chúng ta và chúng ta chỉ có thể biết được nhờ mạc khải mà thôi.

Tuy nhiên, mầu nhiệm vô cùng siêu vượt trên chúng ta này cũng là một thực tại gần gũi với chúng ta, bởi thực tại này là chính căn nguyên của hữu thể chúng ta. Vì trong Thiên Chúa chúng ta “sống động và hiện hữu” (Acts 17:28), và điều Thánh Âu Quốc Tinh nói về Thiên Chúa cũng phải được áp dụng cho tất cả Ba Ngôi Vị thần linh, tức Ngài  “intimior intimo meo” (Conf., 3, 6, 11) (xin tạm dịch ba chữ Latinh: Ngài gần gũi tôi hơn là tôi gần với mình). Trong thẳm cung của hữu thể chúng ta, nơi mà ngay cả chúng ta cũng không thể thấu triệt, thì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, lại hiện diện bằng ân sủng. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chẳng những không phải là một sự thật khô khan thuần lý trí mà còn là sự sống ở trong chúng ta và bảo tồn chúng ta.

 4-         Trong Năm Mừng Kỷ Niệm đây, việc chúng ta suy niệm sẽ nhắm vào những đề tài về sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi này, một sự sống có trước việc tạo dựng và là cội nguồn của việc tạo dựng. Là mầu nhiệm của các nguồn gốc làm phát sinh ra tất cả mọi sự, đối với chúng ta Thiên Chúa như là một Đấng toàn hữu và là Đấng thông ban sự hữu, như “ánh sáng chiếu soi hết mọi người” (x Jn 1:9), như Đấng Hằng Sống và là Đấng ban sự sống. Đối với chúng ta, trước hết, Ngài là Tình Yêu, như định nghĩa tuyệt vời trong Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan (x 1Jn 4:8). Ngài là tình yêu ở sự sống nội tại của Ngài, sự sống mà sinh hoạt Ba Ngôi chính là việc diễn đạt tình yêu hằng hữu khiến Ngôi Cha sinh ra Ngôi Con và khiến cả hai hiến mình cho nhau trong Thánh Thần. Ngài là tình yêu ở mối liên hệ của Ngài với thế gian, vì việc Ngài tự mình quyết định dựng nên nó từ hư vô là hoa trái của tình yêu vô cùng này, một tình yêu tỏa sáng ra nơi lãnh vực tạo dựng. Nếu đôi mắt của chúng ta, được mạc khải sáng soi, trở nên tinh tuyền và thấu suốt đủ, chúng có thể nhờ đức tin gặp thấy mầu nhiệm này, một mầu nhiệm là nguồn gốc và là nền tảng cho hết mọi sự hiện hữu.

 5-         Thế nhưng, như chúng ta đã đề cập đến ngay từ đầu, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng hiện ra trước mắt chúng ta như là một mục tiêu lịch sử phải hướng đến, như quê hương chúng ta trông mong. Việc chúng ta suy niệm về Chúa Ba Ngôi, qua những lãnh vực khác nhau của việc tạo dựng và lịch sử, sẽ nhắm đến mục tiêu này, một mục tiêu được Sách Khải Huyền hết sức mạnh mẽ vạch ra cho thấy như là một dấu ấn của lịch sử.

 Đó là phần thứ hai cũng là phần cuối cùng nơi giòng sông của Thiên Chúa, giòng sông chúng ta vừa đề cập đến ít phút trước đây. Trong Gialiêm thiên quốc, khởi nguyên và cùng đích lại gặp được nhau. Vì Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng ngự trên ngai, xuất hiện và phán: “Này đây Ta tái tạo tất cả mọi sự” (Rev 21:5). Bên cạnh Ngài là Chiên Con, tức là Chúa Kitô, vị ngự trên ngai tòa của mình, với cuốn sổ sự sống trong đó có danh tánh của thành phần được cứu chuộc (x ibid., 21:23, 27, 22:1, 3). Thế rồi, ở đoạn cuối, trong một cuộc trao đổi nhẹ nhàng và tha thiết, Thần Linh là Đấng cầu nguyện trong chúng ta và cầu nguyện với Giáo Hội, Hiền Thê của Con Chiên, lên tiếng nói: “Hỡi Chúa Giêsu, xin hãy đến” (x  ibid., 22:17, 20).

 Kết thúc nét chấm phá tiên khởi của cuộc hành trình đường dài của chúng ta trong việc đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta hãy trở lại với lời nguyện của Điônysiô thành Areopagite, vị nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cần phải chiêm ngưỡng, đó là “Chính trong cái lặng thinh thực sự mà chúng ta biết được những bí mật của bóng tối tăm này… một bóng tối chiếu tỏa ánh quang chói lọi… Trong lúc vẫn hoàn toàn vô hình vô tượng, bóng tối tăm ấy làm ngập đầy những tâm trí biết nhắm mắt lại trước những rạng ngời mỹ lệ nhất” (Theologia Mystica, I, 1).

 (Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 26/1/2000)

 

CHÚA BA NGÔI - MỘT CỘNG ĐOÀN TÌNH YÊU
 

Câu truyện mà có lẽ nhiều người đã nghe được kể lại dưới hình thức này hay hình thức khác liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, đó là:

Một hôm, thánh Augustine tản bộ dọc theo bờ biển. Ông cố tìm xem để làm thế nào có thể giải thích và cắt nghĩa được Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng kìa, một em nhỏ - thiên thần - xuất hiện, đùa chơi với sóng biển bằng cách lấy một vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ cáy gần đấy. Thấy hành động ngộ nghĩnh của em, ông hỏi:

- Em nhỏ đang làm gì thế?
- Dạ, cháu đang tát biển đây.
- Vào chiếc lỗ này, và bằng cái vỏ sò này?
- Dạ!

Nghe vậy, ông thở dài và nói:
- Làm sao em có thể tát được cái biển này. Và làm sao cái lỗ cáy này có thể chứa nổi nước biển này. Em nghĩ và làm như vậy là điên rồ quá.
- Dạ! Cháu hiểu. Nhưng ý nghĩ và hành động của ông còn rồ rại hơn cháu đấy.

Và thiên thần biến mất, để lại một mình Augustine xấu hổ với ý tưởng rằng mình có thể tát đổ đại dương bao la, mênh mông vô tận của Ba Ngôi Thiên Chúa vào cái lỗ cáy trí tuệ mình.

Thiên Chúa và con người. Hữu hạn và vô hạn. Hữu hình và vô hình. Xác phàm và thần linh. Đó là những yếu tố mà con người sẽ không bao giờ có thể san bằng để từ đó hiểu và thấu triệt được Thiên Chúa.

Khoa học ngày nay cho biết, khi con người được đưa vào vũ trụ, dù chỉ là một cuộc du hành không gian ngắn như lên thăm mặt trăng, con người đã ý thức được cái hữu hạn và bất toàn của trí tuệ con người rồi. Đó là chưa nói tới nếu bằng một cách nào đó, con người có thể lên được những vì tinh tú xa trái đất hằng tỷ năm ánh sáng chẳng hạn, thì từ đó, họ càng nhìn thấy cái nhỏ bé đến tan biến của trái đất vào không gian mênh mông vô tận. Trái đất và những hành tinh quay quanh mặt trời cũng chỉ là một thái dương hệ nhỏ trong triệu triệu thái dương hệ thuộc giải ngân hà mà những đêm trăng sáng, trời thanh trong, ngước mắt lên vòm trời ta có thể nhìn thấy xa xa. Thế mà trong vũ trụ lại có hàng tỷ tỷ ngân hà, thì thử hỏi con người là chi mà dám đo lường và phân tích Đấng Tạo Hóa.

Nhưng lại cũng dựa vào những khám phá của khoa học và sự hiểu biết của mình, con người ngày nay đang có khuynh hướng muốn phân tích, tìm hiểu về Thiên Chúa và đời sống của Ngài. Trong cái cao ngạo ấy, con người lại muốn lập lại hành động mà Augustine đã làm xưa, là muốn biết Thiên Chúa là ai. Tại sao một Chúa mà lại có Ba Ngôi? Thật vậy, thông thái như Augustine mà đứng trước mầu nhiệm ấy cũng chỉ là một đứa trẻ và còn hơn một đứa trẻ, là rồ rại muốn kín đổ càn khôn vào cái lỗ cáy của trí tuệ. Do đó, con người tốt hơn nên đón nhận những cảm nhận về mầu nhiện này bằng con mắt và trái tim. Bằng sự đơn sơ của tâm hồn trong trắng, ngây thơ đối với mầu nhiệm cao cả mà mình không bao giờ thấu hiểu. Đức Giám Mục Mai Thanh Lương trong buổi phát thanh của chương trình Tin Mừng Sự Sống, ngày 6 tháng 6 năm 2004, đã diễn giải về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cụm từ “Cộng Đoàn Tình Yêu”.

Thiên Chúa Ba Ngôi là một Cộng Đoàn Tình Yêu. Chúa Cha yêu Chúa Con bằng tình yêu Chúa Thánh Thần. Tình yêu nối kết ấy có tự muôn thuở, thánh thiện và vĩnh hằng làm nên đời sống nội tại của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao khi trình bày về Thiên Chúa, Thánh Ký Gioan đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (I Gioan 4:8).

Nhờ vào định nghĩa của Thánh Gioan, con người đã có thể cảm nhận được Thiên Chúa qua tác động của tình yêu mà họ trao cho một người và nhận từ một người. Vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu, sức thu hút và sức mạnh của tình yêu là một nhiệm mầu của Thượng Đế chia sẻ với con người. Tình yêu của cặp tình nhân. Tình yêu vợ chồng. Tình yêu cha mẹ và con cái. Tình yêu anh, chị, em. Tình yêu tha nhân...Tất cả là những phản ảnh của Tình Yêu Thiên Chúa, và đến từ mối tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Theo Form, một nhà tâm lý tình yêu, thì tình yêu từ Thiên Chúa đến với con người và từ con người trở về với Thiên Chúa là tình yêu cao cả nhất. Tình yêu này xét theo cái nhìn tâm lý học, vượt xa tình yêu trai gái, tình yêu của những đôi tình nhân. Nhận xét này cũng được Elbert Ellis củng cố bằng thuyết Hữu Lý Tình Cảm, trong đó xác định vị trí của niềm tin như một động lực tuyệt đối có thể tạo nên những vị tuẫn giáo, hoặc những kẻ cuồng tín. Theo đó, hành động tử đạo dưới bất cứ cái nhìn của tôn giáo nào đều đến từ cảm nhận của tình yêu, sự kính phục dành cho Đấng Tối Cao mà nếu được nhìn qua lăng kính đức tin Công Giáo, đó là đức ái hay tình yêu hoặc tình mến.

Nhưng nếu hình ảnh Một Chúa Ba Ngôi diễn tả bằng đời sống nội tại của Thiên Chúa là Tình Yêu làm con người khó cảm nhận, thì qua mầu nhiệm sáng tạo, cứu chuộc, và thánh hóa, con người có thể phần nào nhận ra được sức sống và tình yêu của “Cộng Đoàn Ba Ngôi” ấy.

Đức Tin dậy rằng, Ngôi Cha sáng tạo vũ trụ và con người, mặc dù công trình sáng tạo vẫn là việc làm của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Ba Ngôi chỉ là một. Rồi khi con người sa ngã, việc cứu chuộc con người lại là công việc của Chúa Con. Nhưng mặc dù Chúa Con cứu chuộc thì cũng là Ba Ngôi cùng cứu chuộc. Và sau khi con người được cứu chuộc, việc thánh hóa, ứng dụng và làm triển nở ơn cứu chuộc là việc làm của Chúa Thánh Thần, tuy Ba Ngôi luôn luôn hiện diện và thánh hóa mọi tâm hồn, vì tâm hồn trong sạch là “đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Con đường từ sáng tạo đến cứu chuộc và thánh hóa thấm đượm một tình yêu bao la của Đấng từ đời đời là chính Tình Yêu. Do đặc tính thông ban và chia sẻ của tình yêu, Thiên Chúa đã thông ban, chia sẻ Tình Yêu hay chính sự sống nội tại của Ngài cho muôn loài thụ tạo, trong đó có con người. Dù sáng tạo, cứu chuộc hay thánh hóa, tất cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều có mặt và hòa nhập với nhau trong hành động của từng Ngôi, bởi vì động lực phát xuất từ Thiên Chúa cho những việc làm này không gì hơn là tình yêu. Mà đã là Tình Yêu từ Thiên Chúa thì cũng chính là Thiên Chúa có mặt và hiện diện trong những hành động ấy. Mặt khác vì Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, nên mỗi việc Ngôi nào làm thì cũng mang trọn vẹn ý nghĩa và hành động của cả Ba Ngôi.

Tóm lại, tuy không khám phá ra sự có mặt của Ba Ngôi Thiên Chúa trong vũ trụ, hoặc trong cuộc sống thường ngày bằng những phân tích khoa học về khoảng cách giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, sự khác biệt Ngôi Vị hay nhận diện những khác biệt ấy nơi từng Ngôi Vị, nhưng con người cũng có thể biết được Ngài bằng việc nhìn vào chính cuộc sống mình cũng như vũ trụ quanh mình. Do những nhiệm mầu của vũ trụ, do những nhiệm mầu của đời sống mỗi người và từng người, nhất là do mối tương giao thánh thiện giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với con người bằng tình yêu, tất cả là một lời tuyên xưng và cảm nhận sự có mặt của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

                                                                                                                                                         Trần Mỹ Duyệt

 

Con Người là Dụ Ngôn Về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

 

Theo Phụng Niên của Giáo Hội, Lễ Trọng Kính Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay được Giáo hội sắp xếp vào tuần thứ hai của Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, ngay sau tuần Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Lễ Trọng Kính Thiên Chúa Ba Ngôi được Giáo Hội cử hành ngay sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như thế thật là hợp tình hợp lý, vì biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là biến cố cho thấy Ngôi Ba Thiên Chúa là Ngôi Vị cuối cùng trong Ba Ngôi tỏ mình ra, sau khi Ngôi Hai đã hóa thành nhục thể và ở giữa loài người vào thời của Người, “thời sau hết” (Heb 1:2), “thời viên trọn” (Gal 4:4) cũng như sau khi Ngôi Cha đã tỏ Danh Ngài ra qua Moisen cho dân Do Thái trong thời Cựu Ước (x Ex 3:14).

Tuy Giáo Hội không cử hành Lễ Trọng Kính Thiên Chúa Ba Ngôi trọng thể như Đại Lễ Giáng Sinh hay Đại Lễ Phục Sinh về phương diện phụng vụ, thế nhưng, về phương diện tín lý và tu đức, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao trọng nhất và siêu việt nhất. Nếu trong Cựu Ước Thiên Chúa đã tỏ mình ra là một Vị Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất, một thực tại chi phối toàn diện Lịch Sử Cứu Rỗi thời Cựu Ước, thì trong thời Tân Ước, Vị Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất này lại tỏ mình ra là một Vị Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi tuy được mạc khải sau Mầu Nhiệm Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất nhưng lại là tuyệt đỉnh của tất cả Mạc Khải Thần Linh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Bởi vì, Vị Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất trong thời Cựu Ước ấy cũng chính là Vị Thiên Chúa Ba Ngôi của thời Tân Ước, Vị Thiên Chúa tỏ hết mình ra nơi Con của Mình là Lời Nhập Thể bằng Quyền Phép Thánh Linh. Đó là tất cả ý nghĩa của bài Phúc Âm theo Thánh Gioan Năm C hôm nay: “Tất cả những gì Cha có đều ở nơi Thày, bởi thế Thày mới nói những gì Ngài truyền đạt cho các con Ngài đều lấy từ nơi Thày”. Vậy chúng ta hãy cùng nhau suy niệm câu Phúc Âm mạc khải về hoạt động ngoại tại này của Chúa Ba Ngôi.

Trước hết, “những gì Ngài thông đạt cho các con Ngài đều lấy từ nơi Thày” đây là gì, nếu không phải là “những gì Cha có”? Mà “những gì Cha có” đây là gì, nếu không phải, như Chúa Kitô khẳng định, “đều ở nơi Thày” hay “đều thuộc về Thày” hoặc “đều là của Thày”, tùy theo bản dịch. Theo tôi, cả câu Phúc Âm “Tất cả những gì Cha có đều ở nơi Thày, bởi thế Thày mới nói những gì Ngài thông đạt cho các con Ngài đều lấy từ nơi Thày”, và riêng câu “tất cả những gì Cha có đều ở nơi Thày” đây là cốt lõi của tất cả mạc khải về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi vì, qua câu “tất cả những gì Cha có đều ở nơi Thày” này, Chúa Kitô muốn mạc khải cho chúng ta thấy rằng: Người chính là bản thân của Cha, đúng như Thánh Phaolô xác tín và tuyên xưng trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đoạn 1 câu 3: “Người Con này là phản ánh vinh hiển Cha, là hiện thân đích thực của hữu thể Cha”. Chính Chúa Kitô đã minh định trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 10 câu 30: “Cha và Ta là một”, đến nỗi, Người còn đoan quyết cũng trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 14 câu 9: “ai thấy Thày là thấy Cha”.

Thế nhưng, dù con người có được Vị Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất mạc khải cho biết chính bản thân Ngài là ai và như thế nào qua Con Ngài Nhập Thể và Tử Giá, tự mình, con người vẫn không thể nào thấu hiểu được Mạc Khải Thần Linh tự bản chất vô cùng cao cả và có tính cách vô cùng lạ lùng không thể tin được này đối với tâm trí thấp hèn và hạn hẹp của con người. Do đó, Vị Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất đã tỏ hết mình ra nơi Con Mình như thế mới cần phải sai đến cùng con người “một Đấng Phù Trợ khác” (Jn 14:16), “Ngài là Thần Chân Lý” (Jn 16:13), “Vị Thần Linh thấu suốt mọi sự, kể cả những sự sâu nhiệm nơi Thiên Chúa”, như Thánh Phaolô xác tín trong Thư Một gửi Giáo Đoàn Côrintô đoạn 2 câu 10. Như thế, sứ vụ của Thánh Linh được sai đến là để giúp con người nhận biết Thiên Chúa như chính Ngài biết Ngài, đúng như Chúa Kitô minh xác về sứ vụ của Vị Thiên Chúa Ngôi Ba này, là để “thông đạt cho các con những gì Ngài lấy từ Thày” hay “những gì Cha có ở nơi Thày”, tức là làm cho chúng ta thực sự và hoàn toàn theo khả năng hữu hạn tạo vật của mình “nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô” (Jn 17:3).

Như thế phải chăng một khi chúng ta “nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô” như thế là chúng ta thấu triệt được tất cả Mạc Khải Thần Linh, hay nói cách khác, thấu triệt được Thực Tại Thiên Chúa?

Đúng thế, nếu theo lời Chúa Giêsu mạc khải trong Lời Nguyện Tiệc Ly đoạn 17 câu 3, “sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô”, thì một khi chúng ta nhờ Thánh Thần để có thể nhận biết Chân Lý Tối Thượng này, tức là chúng ta đã có một Kiến Thức Thần Linh như Thiên Chúa, hay nói cách khác, tức là chúng ta biết Thiên Chúa như chính Ngài biết Ngài. Mà “nhận biết” đây hay Kiến Thức Thần Linh đây là chính “sự sống”, vì “Sự sống đời đời là nhận biết”, do đó, Thánh Linh đây, Đấng là Tâm Linh nơi Thiên Chúa, là Ý Thức nơi Thiên Chúa, quả thật mới là Đấng làm cho chúng ta “nhận biết”, hay ban cho chúng ta Kiến Thức Thần Linh, tức là làm cho chúng ta được sự sống, Sự Sống Thần Linh của Thiên Chúa. “Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống” chính là ở chỗ này.

Thật vậy, Sự Sống Thần Linh đây chính là Sự Sống nơi Thiên Chúa. Mà Sự Sống nơi Thiên Chúa đây là gì, nếu không phải là Thực Tại Thiên Chúa Nhận Biết Mình Ngài hay Thiên Chúa Ý Thức Bản Thân. Nếu Thiên Chúa không biết mình ngay từ đời đời cho đến đời đời thì Ngài không phải là Thiên Chúa, không phải là Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu, Toàn Hữu, Hiện Hữu. Không phải hay sao, chỉ có tạo vật vô tri, mới không biết mình. Kể cả tạo vật có sự sống thể lý đi nữa, như cây cỏ thuộc loài thực vật và muông chim cầm thú thuộc loài động vật, cũng không biết mình. Trong “muôn vật hữu hình” được Thiên Chúa dựng nên trên “đất” thế gian chỉ có loài người mới có khả năng biết mình mà thôi. Khả năng biết mình đó chính là tâm linh của họ. Thế nhưng, thực tế cho thấy, dù con người có tâm linh để biết mình, song họ cũng không biết mình ngay khi vừa được thụ thai trong lòng mẹ, tức vừa hiện hữu trên đời. Trái lại, dù có thể biết được bản thân mình đi nữa, thế nhưng, cho tới chết, họ vẫn không thể nào thấu triệt được bản thân mình, tức vẫn không hoàn toàn biết hết về mình. Đó là lý do cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời, con người vẫn có thể lầm lỗi, vấp phạm, hay vẫn không biết mình đã lầm lỗi, vấp phạm mà ăn năn thống hối, nghĩa là, nếu không có ơn trên trợ giúp, hay nói đúng hơn, nếu không có “Đấng Phù Trợ khác” là Thánh Thần Thiên Chúa ở với, con người vĩnh viễn sẽ không nhận ra Chân Lý mà trở về với Đấng Tối Cao, tức vẫn không biết mình, hay nói cách khác, vẫn ở trong sự chết. Một tử thi vô hồn không biết gì nữa chính là hình ảnh của con người chết về tâm linh, hoàn toàn và vĩnh viễn không biết mình.

Trái lại, Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan đoạn 1 câu 5 đã công bố: “Thiên Chúa là ánh sáng, trong Ngài không có tối tăm”. Nghĩa là Thiên Chúa là hiện hữu, trong Ngài không có sự chết, không có vô tri, đúng như Ngài đã mạc khải Danh Ngài cho Moisen trong sách Xuất Hành ở đoạn 3 câu 14 “Ta là Đấng Hiện Hữu”. Đúng thế, “Hiện Hữu” chính là Bản Tính Thần Linh của Thiên Chúa, đồng thời cũng là Sự Sống Thần Linh nơi Thiên Chúa. Mà Sự Sống Thần Linh nơi Thiên Chúa, như trên đã xác tín, chính là Thực Tại Thiên Chúa Nhận Biết Mình Ngài hay Thiên Chúa Ý Thức Bản Thân. Sáu chữ “Thiên Chúa Ý Thức Bản Thân” đây là câu nói có thể tạm tóm gọn Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. “Thiên Chúa” đây hiểu là Ngôi Cha, như Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 245 giải thích: “Giáo Hội nhìn nhận Ngôi Cha như là ‘nguồn gốc của tất cả thần tính”; “Bản Thân” đây hiểu là Ngôi Con, vì như trên đã trích lời Con tuyên bố: “Ai thấy Thày là thấy Cha”; và “Ý Thức” đây hiểu là Ngôi Ba, vì “Ngài là Thần Linh Chân Lý” như Chúa Kitô đã mạc khải trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 14 câu 17 và đoạn 16 câu 13, một “Thần Linh Chân Lý” cho thấy cả Ngôi Cha lẫn Ngôi Con, nên Ngài cũng chính là Tình Hiệp Thông giữa Ngôi Cha và Ngôi Con.

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, hay nói rõ hơn, Mầu Nhiệm Sự Sống Thần Linh nơi Thiên Chúa, cũng là Thực Tại Thiên Chúa Ý Thức Bản Thân, hay Thực Tại Thiên Chúa Hiệp Thông Nên Một này thật ra đã được mạc khải ngay từ ban đầu, ngay từ khi Thiên Chúa thực hiện dự định “Chúng ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh chúng ta và tương tự như chúng ta”, một dự định được Sách Khởi Nguyên ghi nhận ở đoạn 1 câu 26. Con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài đây là gì, nếu không phải là “Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ”, một mạc khải cũng được ghi nhận trong cùng Sách Khởi Nguyên ở đoạn 1 câu 27. Và Thiên Chúa đã dựng nên con người tương tự như Ngài đây như thế nào, nếu không phải có tâm linh, tức có khả năng nhận biết. Đó là lý do, ngay sau khi tỉnh dậy từ một giấc ngủ say, Adong đã nhận ngay ra bản thân mình là Evà qua câu nói đầu tiên mở màn cho lịch sử xã hội loài người: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, như được Sách Khởi Nguyên ghi nhận ở đoạn 2 câu 23.

Vâng, theo tôi, con người chúng ta chính là dụ ngôn Thiên Chúa muốn dùng để diễn tả Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi của Ngài. Thật vậy, nếu đức tin dạy chúng ta rằng Thiên Chúa có Ba Ngôi, và Ngôi nào cũng là Thiên Chúa, song chỉ có một Thiên Chúa Duy Nhất chứ không phải là Ba Thiên Chúa, thì mầu nhiệm đức tin này đã được Thiên Chúa tỏ cho thấy một phần nào nơi Mầu Nhiệm Con Người, một thụ tạo duy nhất được dựng nên theo hình ảnh và tương tự Thiên Chúa.

Đúng thế, nếu Ngôi Con được nhiệm sinh từ Ngôi Cha và cũng là Thiên Chúa thật thế nào, thì Evà cũng từ Adong mà có, và cũng là một con người thật như vậy. Rồi nếu Thánh Thần “bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra”, Ngài cũng là Thiên Chúa thế nào, thì từ Adong cũng xuất phát một ý thức nhận biết Evà rồi cả hai nên một xác thịt, một con người như thế. Tóm lại, nếu chỉ có một Thiên Chúa duy nhất thế nào thì đầu tiên cũng chỉ có một con người duy nhất như vậy; thứ đến, nếu Thiên Chúa Duy Nhất ấy là chính Ngôi Cha thì con người duy nhất đầu tiên ấy là chính Adong; rồi từ Ngôi Cha sinh ra Ngôi Con cũng là Thiên Chúa có cùng một bản tính như Ngôi Cha thế nào, thì từ Adong cũng phát sinh ra Evà cũng là con người có cùng bản tính như Adong như vậy; sau hết, bởi Chúa Cha và Chúa Con đã xuất phát Thánh Thần cũng là Thiên Chúa có cùng một bản tính như Ngôi Cha và Ngôi Con thế nào, thì Adong và Evà cũng nên một xác thịt như một con người như vậy.

Ôi, được phản ánh Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế, thân phận con người nhân loại chúng ta nói chung cao cả biết bao, và ơn gọi hôn nhân của chúng ta nói riêng trọng đại biết mấy! Thế nhưng, chúng ta đã sống thân phận làm người và ơn gọi hôn nhân của chúng ta như thế nào để phản ảnh Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL