GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 7 THỨ HAI

 

Thứ Hai 7/6

Giuse Trần Văn Tuấn

     

     ĐTC GPII Tông Du Thụy Sĩ: “Đã tới thời điểm sửa soạn cho các thể hệ tông đồ trẻ, thành phần không sợ loan báo Phúc Âm”.



ĐTC GPII sẽ tới thăm Thụy Sĩ lần thứ ba, nhưng ngắn ngủi với thời gian chỉ vỏn vẹn có 32 tiếng đồng hồ, vào Thứ Bảy Đầu Tháng 5/6/2004, một trong những trung tâm của Tin Lành như Đức Quốc. Sau chuyến tông du 102 đến Tiệp Khắc 11-14/9/2003, thế giới đã tưởng rằng Ngài không thể mừng kỷ niệm Ngân Khánh Giáo Hoàng của Ngài vào tháng 10 sau đó. Thế nhưng, vì nhu cầu mục vụ, nhất là đối với giới trẻ, như ở Thụy Sĩ lần này, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những cuộc tông du.

Như được thông báo trước, không một đài truyền hình công cộng nào quay chiếu cảnh Ngài được khênh từ máy bay xuống xe lăn, mà chỉ được quay chiếu từ lúc Tổng Thống Thụy Sĩ Joseph Deiss ngỏ lời chào mừng Ngài mà thôi. Ngài sẽ ở qua đêm Thứ Bảy ở một dưỡng viện chứ không ở dinh khâm sứ tòa thánh. Theo lịch trình, Ngài gặp gỡ 12 ngàn giới trẻ Thụy Sĩ ở vận động trường chơi hockey vào tối Thứ Bảy 5/6. Ngài cũng gặp các vị giám mục Thụy Sĩ và 200 cựu Vệ Binh Thụy Sĩ đã từng bảo vệ cho Đức Giáo Hoàng ở Tòa Thánh Vatican. Sau cùng, vào Sáng Chúa Nhật, Ngài cử hành Thánh Lễ ở một cánh đồng ngoài thành phố và trở về tới Vatican vào buổi tối cùng ngày.

Thụy Sĩ là một quốc gia có 7.3 triệu dân nói 4 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có 42.8% là Tin Lành và 41.2% Công Giáo hay 3.5 triệu. Người Hồi Giáo chiếm 5%, và chừng 11% tuyên bố chẳng tin tưởng gì cả.

Ở Thụy Sĩ bầu khí hơi ngột ngạt giữa anh em Tin Lành và Công Giáo. Liên Hiệp Các Giáo Hội Tin Lành Thụy Sĩ đã không chấp nhận lời mời đến tham dự lễ Đức Thánh Cha cử hành vì cho rằng chỉ có người Công Giáo mới được phép rước lễ.

Năm 1848 các nhà lập pháp đã giới hạn theo hiến pháp về việc thành lập các tu viện mới của Công Giáo và cấm các linh mục Dòng Tên ở Thụy Sĩ. Năm 1874 những nhà lập pháp lại nói tòa thánh Vatican chỉ có thể bổ nhiệm giám mục với phép của chính quyền. Những khoản luật năm 1848 đã bị loại bỏ vào thập niên 1970, còn luật định năm 1874 đã được loại bỏ bởi cuộc trưng cầu dân ý mới 3 năm trước đây. Thụy Sĩ đã cắt đứt những liên hệ ngoại giao lỏng lẻo của mình với Tòa Thánh Vatican sau cuộc chiến năm 1847 và chỉ tái thiết lập sau đó 73 năm. Ngay cả cho đến ngày nay Thụy Sĩ cũng không hoàn toàn có lãnh sự ở Tòa Thánh Vatican, mà chỉ có một thứ liên hệ ngoại giao ở cấp độ “biệt vụ” từ năm 1991. Chính phủ Thụy Sĩ đã dự tính tặng cho vị Giáo Hoàng này một món quà tặng, đó là tiến đến chỗ thiết lập ngoại giao hoàn toàn với Tòa Thánh nhân dịp chuyến viếng thăm này của Ngài.

Những người Công Giáo trung dung tỏ ra giận dữ về vụ bổ nhiệm một giám mục phụ tá bảo thủ ở Thụy Sĩ năm 1988, một việc bổ nhiệm không đúng với truyền thống chọn giám mục của họ. Chính phủ Thụy Sĩ đã nói với Tòa Thánh Vatican là hãy tôn trọng đường lối dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ, nhưng đã mất cả thập niên để giải quyết vấn đề này. Người Công Giáo cũng phân ly nhau. Họ có thể cấp tiến như thần học gia Hans Kung, người đã mất quyền dạy cho một đại học Công Giáo ở Đức vì quan điểm cấp tiến bất đồng của ông ta, cho đến những người cực bảo thủ theo ĐTGM Pháp Quốc Marcel Lefebvre, vị đã chống đối việc canh tân của Công Đồng Chung Vaticanô II và bị tuyệt thông năm 1988 khi bất chấp lời kêu gọi của ĐTC cứ tấn phong 4 vị giám mục.

Tháng vừa rồi, một nhóm những thần học gia Công Giáo đã nói, như các vị giám mục, các vị giáo hoàng cũng phải rút lui khi tới tuổi 75. Theo kết quả cuộc thăm dò, tờ nguyệt san mới L’Hebdo, cho biết ớ những người được phỏng vấn nói rằng Ngài cần phải thoái vị về hưu vì vấn đề tuổi tác. Nghiệp đoàn lao động Thụy Sĩ đã có dự tính diễn hành vào đúng ngày thăm viếng của ĐTC, song đã đồng ý bãi bỏ vì biến cố tông du này. Tuy nhiên, có một nhóm xưng mình là “Liên Minh Chống Giáo Hoàng” đã cho biết họ phản đối giáo hoàng về những quan điểm “cực đoan” của Ngài về Hội Chứng Liệt Kháng AIDS và đồng tính luyến ái.

Trong Thánh Lễ Chúa Nhật với sự tham dự của 70 ngàn người, ĐTC đã kêu gọi Giáo Hội ở Thụy Sĩ hãy thắng vượt những khó khăn trong những thập niên qua và hãy tái phục hồi tinh thần truyền giáo: “Đã tới thời điểm sửa soạn cho các thể hệ tông đồ trẻ, thành phần không sợ loan báo Phúc Âm. Tất cả những ai đã lãnh nhận phép rửa cần phải tiến từ một đức tin theo thói quen đến một đức tin được thể hiện qua những chọn lựa minh bạch, xác tín và can đảm.

“Sự thật là gì?”, đúng hơn, “ai là sự thật?”

“Câu hỏi này được đặt ra bởi con người thuộc đệ tam thiên niên kỷ. Chúng ta không thể câm nín không trả lời được vì chúng ta biết chân lý này! Chân lý ấy là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến trong thế gian để mạc khải cho chúng ta và hiến cho chúng ta tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho sự thật này, bằng lời nói và nhất là bằng cuộc sống của chúng ta!”

ĐTC kêu gọi “một Giáo Hội truyền giáo, không có những lo âu sợ hãi bất chính,… tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha”.

Tuy nhiên, theo Ngài, động lực mới này của Giáo Hội đòi phải có “mối hiệp nhất sống động nơi nội tâm của Giáo Hội” để “liên lỉ thanh tẩy chính mình khỏi những độc dược của vị ngã là những gì gây ra ghen tương, bất tín, chủ quan cố chấp và những xung đột tai hại”.

 

Hội Ðồng Nội Các Do Thái chấp thuận dự án của Thủ Tướng Sharon

Cuộc bỏ phiếu của Hội Đồng Nội Các Do Thái đã được thực hiện sau 9 tiếng đồng hồ bàn cãi, với số phiếu vừa đủ để thông qua là 14-7.

Sau cuộc bỏ phiếu này một chút, Thủ Tướng Sharon đã tuyên bố: “Việc thoái bộ đã được mở đường. Hôm nay chính phủ đã quyết định rằng, vào cuối năm 2005, Do Thái sẽ bỏ Giải Gaza và 4 khu dân cư lẻ loi ở Samaria”.

Thủ Tướng Sharon nói rằng việc thoái bộ này là việc cần thiết vì Thẩm Quyền Palestine đã thất bại trong việc kiểm soát những cuộc tấn công dân Do Thái và vì tiến trình ngoại giao đang ở trong “tình trạng bí tắc”.

Bên Palestine lại phê bình ý định thoái bộ của Do Thái, cho rằng đó là một nỗ lực để mưu đồ những cuộc thương thảo cần thiết trong Lộ Trình hòa bình Trung Đông do khối tứ tượng là Hiệp Chủng Quốc, Nga, Liên Hiệp Quốc và Khối Hiệp Nhất Âu Châu phác họa.

Do Thái đã chiếm vùng Tây Ngạn từ Jordan và Gaza từ Ai Cập vào năm 1967 trong Cuộc Chiến 6 Ngày và bắt đầu đến định cư ở những vùng này sau đó ít lâu. Hiện nay có 230 ngàn người Do Thái đang ở những khu vực dân cư ở vùng Tây Ngạn, và 7.500 người ở Giải Gaza.

 

Tổng Thống Bush Triều Kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Tổng Thống Bush cùng với phu nhân và phái đoàn tháp tùng của ông đã tới Rôma tối Thứ Năm, 3/6/2004, và đã triều kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sáng Thứ Sáu, 4/6/2004, thời điểm ngay trước chuyến tông du 103 tới Thụy Sĩ của Đức Giáo Hoàng.
 

Tuy nhiên cuộc triều kiến này đã gặp chống đối của dân Ý. Chính phủ Ý đã phải vận động một lực lượng cảnh sát 10 ngàn nhân viên để giữ an ninh và đề phòng bất trắc xẩy ra đối với những cuộc xuống đường biểu tình chống đối Tổng Thống Bush đã hiếu chiến tấn công Iraq. Thành phần xuống đường phản đối Tổng Thống Bush này chiếm giữ địa điểm Piazza Venezia có Mộ Chiến Sĩ Vô Danh làm cho Tổng Thống Bush không thể đến đặt vòng hoa tưởng niệm theo dự tính, nên ông đã đặt vòng hoa ở Fosse Ardeatine là nơi trong thời Thế Chiến Thứ II Đảng Nazis Đức Quốc Xã sau khi chiếm Ý Đại Lợi đã giết 335 nam nhân và nam nhi, trong đó có nhiều người Do Thái. Cuộc viếng thăm của Tổng Thống Bush đánh dấu việc kỷ niệm 60 năm lực lượng Hoa Kỳ đã giải phóng Thành Phố Rôma khỏi Đảng Nazis này.

Với vị lãnh tụ của đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ này, vị đã đến triều kiến ngài hai lần trước, một ở Castelgandolfo ngày 23/7/2001 sau cuộc họp thượng đỉnh G8 ở Genoa Ý Quốc, và một vào ngày 28/5/2002 ở Rôma, ĐTC GPII, bằng một giọng nói rung rung, với tờ giấy trong đôi tay hơi lẩy bẩy, đã bày tỏ mối quan tâm của Ngài về tình hình Trung Đông và đã kêu gọi Hoa Kỳ hãy mau chóng trao trả chủ quyền cho Iraq. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của Ngài ngỏ cùng Tổng Thống Bush:
 

“Thưa Tổng Thống, tôi hân hoan đón chào ông và phu nhân Bush cũng như các tôn vị đại biểu tùy tùng của ông. Tôi cũng xin gửi lời chào chân thành và thân ái của tôi đến toàn thể nhân dân Hiệp Chủng Quốc được ông làm đại diện. Tôi cám ơn ông đã muốn gặp tôi một lần nữa, bất chấp những khó khăn gây ra bởi những việc làm của ông trong cuộc ông viếng thăm Âu Châu và Ý Quốc này, cũng như bởi việc tôi sáng ngày mai phải lên đường để gặp gỡ giới trẻ ở Thụy Sĩ.

“Ông đến viếng thăm Ý Quốc để tưởng niệm 60 năm giải phóng Rôma cũng như để tôn vinh nhiều quân nhân Hoa Kỳ đã bỏ mình vì xứ sở của mình cũng như vì tự do của các dân tộc Âu Châu. Tôi xin hợp với ông để nhắc lại việc hy sinh của những người quá cố can trường và xin Chúa đừng bao giờ để tái diễn những lỗi lầm gây ra những thảm trạng ghê sợ của quá khứ. Hôm nay, với lòng đầy cảm xúc, tôi cũng nghĩ lại nhiều quân nhân Balan đã chết đi cho tự do ở Âu Châu.

“Chúng ta còn nghĩ đến thời gian 20 năm chính thức thiết lập ngoại giao giữa Tòa Thánh và Hiệp Chủng Quốc bởi Tổng Thống Reagan vào năm 1984. Những mối liên hệ này đã giúp vào việc hiểu biết nhau về nhiều vấn đề công ích cũng như về việc cụ thể hợp tác ở những lãnh vực khác nhau. Tôi xin gửi lời thăm Tổng Thống Reagan cũng như Phu Nhân Reagan là người đang hết sức chăm lo cho bệnh tình của ông ấy. Tôi cũng xin bày tỏ niềm cảm mến của tôi đối với tất cả mọi vị đại diện của Hiệp Chủng Quốc ở Tòa Thánh này, cùng với sự cảm nhận của tôi về khả năng, cảm thức và việc dấn thân cao cả các vị ấy đã góp phần vào việc phát triển những mối giây liên hệ của chúng ta.

“Thưa Tổng Thống, việc ông viếng thăm Rôma rơi vào thời điểm liên quan đặc biệt tới tình hình trầm trọng liên tục xẩy ra ở Trung Đông, cả ở Iraq lẫn Thánh Địa. Ông đã quá biết về chủ trương dứt khoát của Tòa Thánh về vấn đề này, một chủ trương được bày tỏ nơi nhiều văn kiện, qua những liên hệ trực tiếp và gián tiếp, cũng như nơi nhiều nỗ lực về ngoại giao được thực hiện từ khi ông đến thăm tôi, lần đầu tiên ở Castelgandolfo vào ngày 23/7/2001 và một lần nữa ở Điện Tòa Thánh này vào ngày 28/5/2002.

“Mọi người rõ ràng đều muốn là tình hình này giờ đây cần phải được bình thường hóa sớm bao nhiêu có thể với sự chủ động tham dự của cộng đồng quốc tế, nhất là của tổ chức Liên Hiệp Quốc, để làm sao bảo đảm được việc nhanh chóng trao trả chủ quyền cho Iraq, miễn là toàn dân của nước này được sống trong tình trạng an ninh. Việc vị lãnh đạo quốc gia này vừa được bổ nhiệm và việc hình thành một chính phủ Iraq lâm thời là một bước tiến đáng kể trong việc đạt đến mục đích này. Chớ gì niềm hy vọng giống như thế đối với hòa bình cũng được tái bừng lên ở Thánh Địa và đưa tới những cuộc thương thảo mới, những cuộc thương thảo được tác động bởi một thứ quyết tâm đối thoại một cách chân thành và quyết liệt, giữa chính phủ Do Thái và Thẩm Quyền Palestine.

“Mối đe dọa khủng bố quốc tế vẫn còn là những gì cần phải liên lỉ quan tâm. Nó trầm trọng ảnh hưởng tới những mối liên hệ bình thường và thuận hòa giữa các quốc gia và các dân tộc từ ngày thảm nạn 11/9/2001, ngày tôi không ngần ngại gọi là ‘một ngày đen tối của lịch sử nhân loại’. Trong ít tuần vừa qua, những sự kiện đáng buồn khác đã được tiết lộ, làm nhức nhối lương tâm dân sự và tôn giáo của tất cả mọi người, cũng như càng gây khó khăn cho cuộc dấn thân kiên tâm và dứt khoát tìm kiếm những giá trị chung của nhân loại: ở chỗ, nếu thiếu vắng một cuộc dấn thân như thế thì sẽ không bao giờ thắng vượt được cả chiến tranh lẫn khủng bố. Xin Thiên Chúa ban sức mạnh và thành đạt cho tất cả những ai không ngừng hy vọng và hoạt động để các dân tộc hiểu biết nhau, ở chỗ tôn trọng nền an ninh và quyền lợi của tất cả mọi quốc gia cũng như của hết mọi con người nam nữ.

“Thưa Tổng Thống, tôi cũng nhân dịp này để ngỏ lời cám ơn việc dấn thân cao cả của chính quyền ông cũng như của nhiều cơ quan nhân đạo ở đất nước ông, nhất là những cơ quan theo tinh thần Công Giáo, trong việc thắng vượt những tình trạng bất khả chấp đang lan tràn tại những xứ sở khác nhau ở Phi Châu, nơi những người khổ đau đang trải qua những cuộc xung đột sát hại lẫn nhau, những thứ bệnh nạn dịch tễ và một đời sống bần cùng thấp hèn không thể coi thường được nữa.

“Tôi cũng theo dõi bằng tấm lòng hết sức biết ơn việc ông dấn thân cổ võ những giá trị về luân lý ở xã hội Hoa Kỳ, nhất là về việc tôn trọng sự sống và gia đình.

“Việc hiểu biết nhau trọn vẹn hơn và sâu xa hơn nữa giữa Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Âu Châu chắc chắn sẽ đóng một vai trò quyết liệt trong việc giải quyết những vấn đề lớn lao đã được tôi đề cập tới, cũng như rất nhiều vấn đề khác nhân loại ngày nay đang phải đương đầu. Chớ gì việc viếng thăm của Tổng Thống trở thành một động lực mới mẻ và mạnh mẽ cho một cuộc hợp tác như thế.

“Thưa Tổng Thống, trong khi ông thi hành sứ vụ cao quí của ông trong việc phục vụ quốc gia của ông cũng như hòa bình thế giới, tôi hứa cầu nguyện cho ông và chân thành xin Thiên Chúa ban cho ông những ân phúc khôn ngoan, sức mạnh và an bình.

“Xin Thiên Chúa ban hòa bình và tự do cho tất cả loài người!”

Trong cuộc triều kiến ĐTC Gioan Phaolô II, Tổng Thống Bush đã trao tặng Ngài Huy Chương Tự Do, một danh dự cao nhất Tổng Thống Hoa Kỳ tặng cho thành phần thường dân. Sau khi báo chí chụp hình, Tổng Thống Bush đã gặp riêng Đức Giáo Hoàng. Sau đây là nguyên văn những lời ông đã ngỏ cùng Ngài:
 

“Thưa Đức Giáo Hoàng, cám ơn ngài rất nhiều về việc tiếp Laura và tôi cùng với phái đoàn đại biểu của chúng tôi. Tôi xin gửi đến ngài lời chào từ nơi quê hương xứ sở của chúng tôi, nơi ngài được tôn kính, ca ngợi và rất được mộ mến.

“Tôi cũng gửi đến ngài những gì chính phủ của tôi muốn nói cùng ngài, thưa ngài, đó là chúng tôi sẽ hoạt động cho tự do của con người cũng như cho phẩm giá của con người, để phổ biến hòa bình và lòng cảm thương; đó là chúng tôi cảm nhận được một biểu hiệu tự do mãnh liệt nơi ngài, và chúng tôi nhận thấy được quyền lực tự do này trong việc biến đổi các xã hội và biến đổi thế giới.

“Bởi thế, thưa ngài, chúng tôi lấy làm vinh dự được ở nơi đây. Có lẽ cách hay nhất tôi có thể bày tỏ tấm lòng tri ân cảm tạ của xứ sở tôi đối với ngài, cũng như lòng trọng kính của chúng tôi giành cho ngài, đó là trao tặng ngài chiếc Huy Chương Tự Do của nước Hoa Kỳ.
 

“Xin ngài cho phép tôi được đọc lời đính kèm theo vinh dự này:

‘Là một người tôi tớ dấn thân của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tranh đấu cho thánh phần nghèo khổ, yếu kém, đói khát và bị ruồng bỏ. Ngài đã bênh vực phẩm giá đặc thù của mỗi sự sống cũng như sự thiện hảo của tất cả mọi sự sống.

‘Với đức tin và xác tín về luân lý của mình, ngài đã phấn khích những người khác can đảm thắng vượt tình trạng bất công và đàn áp. Chủ trương của ngài về hòa bình và tự do đã đánh động hằng triệu con người ta cũng như đã góp phần vào việc làm sụp đổ cộng sản và bạo quyền.

‘Hiệp Chủng Quốc tôn vinh người con của Balan đã trở thành vị Giám Mục Rôma và là một vị anh hùng của thời đại chúng ta’

“Bởi thế, đại diện cho nhân dân Hoa Kỳ, Thưa Đức Thánh Cha, tôi hân hạnh được ngài chấp nhận chiếc Huy Chương Tự Do này”.

Sau khi nhận quà tặng là chiếc huy chương ấy, ĐTC đã nói với Tổng Thống Bush như sau:

“Tôi rất cám ơn ngài Tổng Thống về cử chỉ tế nhị này. Chớ gì ước muốn được tự do, hòa bình, một thế giới nhân bản hơn được biểu hiệu nơi chiếc huy chương này tác đảng con người nam nữ thiện tâm ở mọi thời và mọi nơi. Xin Chúa chúc phúc cho Hoa Kỳ”.

Trong chuyến công du 36 tiếng đồng hồ này, Tổng Thống Bush còn gặp cả Thủ Tướng Silvio Berlusconi, một ủng hộ viên về vấn đề chiến tranh Iraq bất chấp có bị nhân dân Ý quốc chống đối, kết quả đã có 24 mạng dân Ý (20 lính và 4 dân) đã phải hy sinh trong cuộc chiến này. Vào ngày Thứ Bảy, Tổng Thống Bush gặp Tổng Thống Pháp Jacques Chirac, một nhân vật cực lực phản chiến tranh Iraq, cũng tại Pháp vị tổng thống Mỹ còn gặp cả Thủ Tướng Đức Chancellor Gerhard Schroeder, một nhân vật phản chiến tranh Iraq. Các viên chức của Tòa Bạch Ốc cho biết sở dĩ Tổng Thống Bush chú trọng đến Âu Châu là để tạo được nhiều nâng đỡ của quốc tế bao nhiêu có thể đối với tình trạng chuyển tiếp về chính trị mong manh ở Iraq.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Bạch Ốc (bài của TT Bush) và của VIS (bài của ĐTC) được CNN phổ biến chính ngày 4/6/2004. Phần tin tức đa số lấy từ CNN và một ít từ Zenit. Hình ảnh hoàn toàn từ CNN.
 

Hội Nghị Liên Tôn giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo ở Qatar kết thúc với đầy hy vọng

Hội nghị liên tôn giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo ở Qatar đã kết thúc vào Thứ Bảy 29/5/2004, một hội nghị được diễn tiến với ba buổi họp kín cả ngày, giữa các phần tử của Ủy Ban Tòa Thánh Về Liên Hệ Tôn Giáo với Hồi Giáo với những phần tử (tương đương về con số tham dự) bên Hồi Giáo được mời tham dự, một cuộc họp báo vào buổi chiều và một cuộc họp mặt vào buổi tối giữa ĐTGM Michael Fitzgerald, chủ tịch của ủy ban này và các ký giả Công Giáo được mời đến tham dự hội nghị này.

ĐTGM chủ tịch chủ sự cuộc họp báo, có cả giáo sư Youssef El-Hage dạy ở Đại Học Đức Bà ở Lebanon và là một phần tử của ủy ban này, và tiến sĩ Aysha Al-Mannai, phân khoa trưởng về Sharia, Lề Luật và Việc Nghiên Cứu Hồi Giáo ở Đại Học Qatar.

ĐTGM chủ tịch ủy ban cho biết đây là hội nghị liên tôn Qatar lần thứ hai giữa hai tôn giáo này, sáng kiến của ông Emir Abdullah bin Khalifa Al-Thani ở Qatar. Qatar là một quốc gia đã thiết lập liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào Tháng 11/2002.

Bà tiến sĩ Al Mannai nói rằng cuộc họp rất phấn khởi và cả hai tôn giáo đều hy vọng tiếp tục đi sâu vào việc đối thoại trao đổi với nhau hơn. Còn vấn đề tại sao hội nghị này phải kín đáo là vì vấn đề nói chuyện thẳng thắn không e dè cũng như để đạt được những mục tiêu ấn định. Còn vấn đề hiện diện của một số người Do Thái trong hội nghị năm tới đã được bà tiến sĩ này cho biết có thể xẩy ra “nếu Chúa muốn”.

Ý tưởng về sự hiện diện của một số người Do Thái trong những cuộc hội nghị liên tôn này là của Emir Kalifa Al-Thani, vị khởi xướng nên hội nghị này. Trong lời khai mạc hội nghị, ông đã nói rằng “có lẽ sẽ có ích lợi trong việc biến cuộc đối thoại này vào cuộc hội luận năm tới thành một cuộc đối thoại HồiGiáo-KitôGiáo-DoTháiGiáo, với sự tham dự của các đại diện Do Thái Giáo, một tôn giáo cũng tin tưởng vào một Thiên Chúa duy nhất như Hồi Giáo và Kitô Giáo. Đó là đường lối để xây dựng đời sống con người một cách đứng đắn, một đời sống thịnh hành những nguyên tắc yêu thương, dung nhượng và bình đẳng đối với thiện ích của nhân loại”.

Tiến sĩ El-Hage nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đầu tiên chưa từng có này giữa đôi bên, vì mọi phiên họp đều rất minh bạch và thân tình. Vị tiến sĩ này cho biết 4 năm trước đây ủy ban mà ông là phần tử đã đặt vấn đề về quyền tự do tôn giáo và cảm thấy cần phải có một cuộc họp với những người Hồi Giáo. Vấn đề của ủy ban này luôn quan tâm và muốn đặt ra như thế này: phải chăng tự do tôn giáo là một trong những quyền lợi của những tín đồ ở nơi họ sống, nhất là khi họ thuộc về thành phần của một cộng đồng thiểu số?

Trong cuộc họp mặt buổi tối với các ký giả Công Giáo, ĐTGM chủ tịch ủy ban Công Giáo, để trả lời cho câu hỏi được đặt ra, đã bày tỏ cảm nhận của mình về cuộc hội nghị này rằng ngài cảm thấy có một cái gì đó quằn quại nơi cộng đồng Hồi Giáo thế giới về vấn đề tự do tôn giáo, nhất là khi vấn đề này được cắt nghĩa theo quan điểm cá nhân, chứ không phải là một tiếng nói duy nhất hay là một thẩm quyền duy nhất lên tiếng về vấn đề ấy. Ngài cho biết ngài cảm thấy rằng những người Hồi Giáo được mời tham dự những cuộc họp kín đáo này rất lấy làm hài lòng về tính cách thân tình và cởi mở của những cuộc họp cũng như với những gì đạt được. Vì không ai muốn đạt được những mục đích trần gian mong manh dòn mỏng nên không ai cảm thấy thất vọng theo chiều hướng ấy. Ngài nói những cuộc bàn luận quan trọng được diễn tiến dễ dàng hơn với những lần họp bàn kín đáo.

ĐTGM cho biết phần lý thuyết của cuộc họp này bao gồm cả việc xét lại Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Trong việc trả lời cho một số vấn đề được đặt ra, ĐTGM cho biết là định nghĩa về nhân quyền của Bản Tuyên Ngôn này, cũng như một số nơi khác trong bản tuyên ngôn ấy, liên quan đến các thứ tự do và quyền lợi của con người, thực sự không được đồng ý với nhau một cách chung chung. Có một số người Hồi Giáo cảm thấy rằng Bản Tuyên Ngôn này do Tây Phương phác họa và đối với họ như là một thứ áp đặt.

Phần thứ hai của cuộc họp này là phần xét tới Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề tự do tôn giáo, và phần thứ ba là phần bàn tới những tác giả và tư tưởng gia hiện đại về tôn giáo liên quan đến đề tài tự do tôn giáo này theo luật Hồi Giáo. Phần bốn là phần xét tới tiến trình thanh tra vấn đề tự do tôn giáo trên thế giới qua những cơ quan như Helsinki Watch và Tổ Chức Hợp Tác Và An Ninh Ở Âu Châu OSCE (Organization for Cooperation and Security in Europe).

Khi phân tích về những khác biệt giữa giáo huấn Công Giáo và luật Hồi Giáo về vấn đề tự do tôn giáo, ĐTGM cũng nhận định rằng “chúng tôi đã đồng ý với nhau rằng vấn đề tự do tôn giáo là yếu tố thuộc phẩm vị phát xuất từ Thiên Chúa của con người”. Ngài cũng nhận định về cái khác nhau nơi vấn đề tự do của tôn giáo (như tự do tin tưởng và thực hành đức tin) với vấn đề tự do trong tôn giáo. Trong khi vấn đề tự do của tôn giáo là vấn đề của một thứ quyền lợi trọn vẹn thì vấn đề tự do trong tôn giáo lại không được như thế, vì là một tín đồ đạo giáo bao hàm cả việc sống theo một loạt những luật phép, tác hành chuyên biệt, không được tự do thay đổi chúng.

Để kết thúc, ĐTGM cho thấy rằng cái vấn đề khó khăn ở đây là bên Hồi Giáo không có một thẩm quyền trung ương hay cơ cấu phẩm trật như Giáo Hội Công Giáo, mà chỉ có những người đại diện cho chính họ, chứ không phải cho một Giáo Hội hay một phái nhóm nào cả thuộc thế giới Hồi Giáo.