GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 9 THỨ TƯ

 

      ĐTC GPII Giảng Lễ Chúa Nhật Ba Ngôi ở Bern về Linh Đạo Hiệp Thông
 

     “Chúc tụng Thiên Chúa Cha/ và Con duy nhất của Thiên Chúa/ và Thánh Linh:/ vì tình yêu cao cả của Ngài đối với chúng ta” (Ca Nhập Lễ).


1.     Trong Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Anh chị em thân mến, chúng ta đang làm điều này ở một khung cảnh tuyệt vời với những đỉnh núi phủ tuyết, những thung lũng xanh sặc sỡ hoa trái, đầy những hồ nước và thác nước làm cho mảnh đất của anh chị em mỹ lệ. Chúng ta được Bài Đọc Thứ Nhất gợi ý suy tư, một bài đọc dẫn chúng ta tới chỗ chiêm ngưỡng Đức Khôn Ngoan Thần Linh, khi “Ngài thiết lập các tầng trời… củng cố bầu trời bên trên… thiết lập những suối nước sâu… ấn định giới hạn biển khơi… đặt nền móng cho trái đất” (Cách Ngôn 8:27-29).


Tuy nhiên, ánh mắt của chúng ta không chỉ chú ý tới thiên nhiên tạo vật mà thôi, “công cuộc bởi tay Chúa làm ra” (Bài Đáp Ca); nó chú trọng đặc biệt tới những sự hiện diện của loài người ở chung quanh chúng ta. Tôi thân ái chào anh chị em thân mến của miền đất tuyệt vời tạo lạc ngay tâm điểm của Âu Châu. Tôi xin bắt tay từng người để chào mỗi người và nói cùng quí vị rằng: “Chúa ở cùng quí vị và yêu thương quí vị!”


(Lời chào các chức sắc đạo đời).


Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt đầy cảm mến đến giới trẻ Công Giáo Thụy Sĩ là những người tối hôm qua Tôi đã gặp gỡ ở Vận Động Trường Bern, nơi chúng tôi đã cùng nhau nghe lại lời mời gọi “Hãy chỗi dậy!” mãnh liệt và thôi thúc của Chúa Giêsu. Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy biết rằng vị Giáo Hoàng này yêu thương các bạn, Ngài hỗ trợ các bạn bằng lời cầu nguyện hằng ngày của mình, Ngài tin tưởng vào sự hợp tác của các bạn cho việc phục vụ Phúc Âm và khuyến khích các bạn tin tưởng tiến bước trong cuộc hành trình sống đời Kitô hữu.


2.     Trong Kinh Tiền Tụng chúng ta sẽ thân thưa: “Chúng tôi tin tưởng tất cả những gì Chúa đã mạc khải về vinh quang của Chúa”. Cuộc tập trung để cử hành Thánh Thể của chúng ta đây là một chứng từ và là việc công bố vinh quang của Đấng Tối Cao cũng như của việc Ngài chủ động hiện diện trong lịch sử. Được nâng đỡ bởi Thần Linh là Đấng Chúa Cha đã sai đến với chúng ta qua Con Ngài, “Chúng tôi hân hoan trong những khổ đau của mình, với ý thức rằng khổ đau sinh nhẫn nại, nhẫn nại sinh tính chất, và tính chất sinh hy vọng” (Rm 5:3-4).


Anh chị em thân mến, Tôi cầu xin Chúa để Tôi ở giữa anh chị em như là một chứng nhân hy vọng, của một niềm hy vọng “không làm thất vọng”, bởi niềm hy vọng này được bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, một thứ tình yêu “nhờ Thánh Linh đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta” (Rm 5:5). Chính vì niềm hy vọng không thất vọng được bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa như thế mà thế giới ngày nay đặc biệt cần đến một thứ bổ khuyết cho niềm hy vọng!


3.     “Chúa là Thiên Chúa duy nhất, Vị Chúa duy nhất” (Kinh Tiền Tụng). Ba Ngôi bằng nhau và biệt phân chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Tính chất biệt phân thực sự này của Ba Ngôi không chia rẽ mối hiệp nhất của bản tính thần linh.


Chúa Kitô đã cho chúng ta là các môn đệ của Người thấy được mối hiệp thông sâu xa như là một khuôn thức như thế này: “Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong Chúng Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Jn 17:21). Việc cử hành mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh hằng năm đối với Kitô hữu là một lơiụi kêu gọi mạnh mẽ trong việc dấn thân nhận thức trách nhiệm của mình nơi Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô. Trước những lời lẽ ấy của Chúa Kitô, làm sao chúng ta lại không bị thôi thúc hoạt động cho vấn đề đại kết? Nhân dịp này đây, Tôi muốn lập lại ý muốn tiến bước trên con đường khó khăn nhưng lại tràn đầy niềm vui tới mối hiệp thông trọn vẹn của tất cả mọi tín hữu ấy.


Tuy nhiên, thật sự là việc góp phần mãnh liệt cho vấn đề đại kết này bắt nguồn từ việc người Công Giáo dấn thân sống hiệp nhất nơi nội tâm của mình. Trong bức tông thư “Novo Milennio Ineunte”, Tôi đã nhấn mạnh đến nhu cầu “biến Giáo Hội thành một gia đình và là một học đường hiệp thông” (đoạn 43), khi biết “hướng lòng chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi ở nơi chúng ta, Đấng có một thứ ánh sáng chúng ta có thể thấy được chiếu tỏa trên dung nhan của anh chị em chung quanh chúng ta” (ibid). “Linh đạo hiệp thông” được nuôi dưỡng như thế, một thứ linh đạo hiệp thông, được bắt đầu từ những nơi con người và Kitô hữu qui tụ lại với nhau, vươn tới các giáo xứ, hiệp hội và phong trào. Giáo Hội địa phương, nơi linh đạo hiệp thông phát triển, sẽ biết liên lỉ thanh tẩy bản thân mình khỏi “những độc chất” của cái tôi là những gì làm phát sinh ghen tương, nhút nhát, những thứ tham vọng chủ quan, những chống đối tai hại.


4.     Những thứ nguy hại được gọi lên cho thấy ấy khiến chúng ta tự động thốt lên lời nguyện cầu cùng Chúa Thánh Thần là Đấng Chúa Giêsu hứa sai đến với chúng ta: “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật” (Jn 16:13).


Sự thật là gì? Đó là những gì Chúa Giêsu đã có lần nói: “Thày là đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6). Bởi thế, công thức xác đáng của vấn nạn này không phải “Sự thật là gì?” mà “Sự thật là ai?”


Đây là vấn nạn con người của đệ tam thiên niên kỷ cũng tự hỏi chính mình. Anh chị em thân mến, chúng ta không thể câm nín về câu giải đáp này, vì chúng ta biết câu giải đáp ấy! Sự thật đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến thế gian để tỏ mình ra cũng như để ban cho chúng ta tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho sự thật này bằng Lơiụi Chúa nhất là bằng đời sống của chúng ta!


5.     Anh chị em thân mến, Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội ngày nay cũng cần đến “những vị ngôn sứ” có thể làm tái thức tỉnh nơi các cộng đồng niềm tin tưởng vào Lời mạc khải của vị Thiên Chúa giầu lòng xót thương (x Eph 2:4). Đã dến lúc cần phải sửa soạn cho các thế hệ tông đồ trẻ là thành phần không sợ loan báo Phúc Âm. Vì hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa cần phải đi từ một thứ đức tin thói quen đến trưởng thành, một đức tin được thể hiện nơi những chọn lựa rõ ràng, ý thức và can đảm.


Chỉ có một niềm tin như thế, một niềm tin được cử hành và chia sẻ nơi phụng vụ cũng như nơi tình bác ái huynh đệ, mới có thể nuôi dưỡng và củng cố cộng đồng các môn đệ của Chúa, cũng như mới làm cho một Giáo Hội truyền giáo tin tưởng không có những thứ sợ hãi bâng quơ, nhờ tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha.


6.     “Tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần” (Rm 5:5). Điều này không phải là bởi công lao của chúng ta; mà là một tặng ân nhưng không. Bất chấp gánh nặng tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta và đã cứu chuộc chúng ta bằng máu của Chúa Kitô. Ân sủng của Ngài đã chữa lành thâm tâm của chúng ta.


Nhờ đó, chúng ta có thể cùng với tác giả Thánh Vịnh than lên rằng: “Lạy Chúa, cao cả biết bao tình Chúa yêu thương trên khắp địa cầu!”. Tình yêu này cao cả biết bao nơi tôi, nơi những người khác, nơi tất cả mọi con người!


Đó thực sự là nguồn mạch cao cả của con người, đó là căn cội của phẩm giá bất khả tiêu diệt của họ. Hình ảnh Thiên Chúa được phản ảnh nơi hết mọi con người. Đó là “sự thật” sâu xa nhất về con người là một sự thật không bao giờ được che đậy hay vi phạm.


Hết mọi thứ xúc phạm con người thực hiện đều là những gì xúc phạm tới Đấng Tạo Thành của họ, Đấng đã yêu thương họ bằng tình yêu của một Người Cha.


Thụy Sĩ có một truyền thống cao cả đối với vấn đề tôn trọng con người. Đó là một truyền thống mang dấu hiệu của cây thập tự giá: Cây Thập Tự Giá Đỏ!


Hỡi Kitô hữu của xứ sở cao quí này, hãy luôn luôn sống hết mình với quá khứ rạng ngời của mình! Hãy biết nhìn nhận và tôn kính hinh ảnh Thiên Chúa nơi hết mọi con người! Nơi con người được Thiên Chúa dựng nên phản ảnh vinh hiển của Ba Ngôi Chí Thánh.


Bởi thế, chúng ta hãy thân thưa: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần: Sáng danh Thiên Chúa là Đấng đang có, đã có và sẽ đến” (Bài Hát Phúc Âm”. Amen.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 7/6/2004.
 

     

      ĐTC với các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 7 về việc “Truyền Bá Phúc Âm Văn Hóa”

Năm 2004, các vị Hoa Kỳ sang thăm Tòa Thánh ngũ niên. Đợt này là đợt thứ 7, bao gồm những vị giám mục thuộc các giáo tỉnh Colorado, Wyoming, Utah, Arizona, New Mexico và miền tây Texas. 5 đợt đầu, ĐTC chia sẻ với các vị về sứ vụ thánh hóa của hàng giáo phẩm. Từ đợt 6 ngài bắt đầu nói về sứ vụ ngôn sứ của các vị giám mục. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của Ngài với các vị giám mục Hoa Kỳ đợt 7 năm 2004.

Chư Huynh Giám Mục thân mến,

1. …     Để khai triển việc suy tư của Tôi về sứ vụ ngôn sứ “munus propheticum” của giám mục, hôm nay Tôi muốn chia sẻ về công việc gay go chư huynh đang phải đối diện liên quan đến việc truyền bá phúc âm văn hóa.

2.     Giáo Hội, tin tưởng vào khả năng của mình là nơi chất chứa Mạc Khải Giêsu Kitô (cf. "Fides et Ratio," 6), từ Ngày Lễ Ngũ Tuần, đã biến cuộc hành trình của mình thành đường lối để loan truyền rằng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, “là đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6). Niềm tin tưởng ấy của Giáo Hội dựa vào ý thức là sứ điệp này được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Theo sự thiện hảo và đức khôn ngoan của mình, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của con người, để qua Con Ngài là tất cả Mạc Khải, chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Ngài (cf. Dei Verbum, 2). Bởi thế, hoạt động chính yếu nơi sứ vụ ngôn sứ của Giáo Hội đó là làm môi giới hóa giải nội dung của đức tin với các nền văn hóa khác nhau, để làm sao cho dân chúng được biến đổi bởi một quyền lực Phúc Âm chi phối cách suy nghĩ của họ, tiêu chuẩn phán đoán của họ, và những qui tắc tác hành của họ (cf. "Sapientia Christiana," Foreword I).

Nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiền nhiệm của Tôi là “cái phân ly giữa Phúc Âm và văn hóa thực sự là một thảm kịch của thời đại chúng ta” (Evangelii Nuntiandi, 20) ngày nay được bộc lộ như “cuộc khủng hoảng về ý nghĩa” (cf Fides et Ratio, 81). Những chủ trương mập mờ về luân lý, việc bóp méo lý luận của những nhóm theo khuynh hướng riêng biệt, và việc tuyệt đối hóa chủ quan tính, chỉ là một số thí dụ về một thứ quan điểm về đời sống không tìm kiếm được chính sự thật và buông xuôi việc tìm kiếm mục đích tối hậu và ý nghĩa của đời sống con người (cf ibid, 47). Ánh sáng của sự thật được chư huynh cởi mở rao giảng (cf 2Cor. 4:2) sẽ soi chiếu vào thứ ánh sáng mù mịt này, như là một thứ tác vụ “diakonia” của niềm hy vọng, hướng dẫn con người nam nữ hiểu được mầu nhiệm về đời sống của mình một cách nhất quán (cf. ibid., 15).

3.     Là những thừa tác viên của sự thật, bằng lòng can trường theo ơn Chúa Thánh Thần (cf. "Pastores Gregis," 26), vấn đề chư huynh rao giảng và sống động để làm chứng cho việc Thiên Chúa ngoại lệ “chấp nhận” nhân loại (cf 2Cor 1:20) hiện lên như là dấu hiệu của sức mạnh và lòng tin tưởng vào Chúa và làm phát sinh sự sống mới trong Thần Linh. Ngày nay một số người coi Kitô Giáo như bị giảm giá về cơ cấu và không thể đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng của con người. Tuy nhiên, chẳng những không phải là một cái gì đó thuần túy về cơ cấu, cốt lõi sống động của việc chư huynh rao giảng Phúc Âm đó là việc gặp gỡ chính Chúa. Thật vậy, chỉ nhờ hiểu biết, yêu mến và bắt chước Chúa Kitô mà cùng với Người chúng ta mới có thể biến đổi lịch sử bằng việc làm chứng cho những giá trị Phúc Âm nơi xã hội và văn hóa.

Bởi thế, rõ ràng là tất cả mọi hoạt động của chư huynh đều phải hướng về việc loan truyền Chúa Kitô. Thật vậy, phận sự sống liêm chính của chư huynh là những gì phản nghịch lại với tình trạng phân chia giữa sứ vụ và đời sống. Được sai đi nhân danh Chúa Kitô như là những vị mục tử chăm sóc cho các đàn chiên riêng của Dân Chúa, chư huynh cần phải cùng với họ trở nên một tâm trí và một thân mình trong Chúa Thánh Thần (cf. Pastores Gregis, 43). Thế nên, Tôi tha thiết xin chư huynh hãy sống gần gũi với các linh mục và dân Chúa: Hãy bắt chước Vị Mục Tử Nhân Lành là Đấng biết chiên của mình và gọi tên từng con một. Theo gương của những vị đại mục tử đã ra đi trước chúng ta, như Thánh Charles Borromeo, việc chư huynh thăm viếng và ân cần lắng nghe anh em linh mục của chư huynh và thành phần tín hữu, cũng như việc chư huynh đích thân liên hệ với thành phần sống ngoài lề xã hội, sẽ là “quasi anima episcopalis regiminis”. Có thế, chư huynh nối dài việc giảng dạy của chư huynh bằng tấm gương cụ thể sống đức tin khiêm hạ và phục vụ, phấn khích những người khác ước muốn sống một đời sống của một con người môn đệ đích thực.

4.     Tâm điểm của tác lực mới này nơi đời sống Kitô giáo, những gì Tôi đã kêu gọi Giáo Hội hướng tới (cf. "Novo Millennio Ineunte," 29), là chứng từ ngôn sứ hiện tỏ nơi những con người nam nữ tận hiến sống trọn chân lý của Chúa Kitô. Phát xuất từ bản chất thực sự của việc theo Chúa Kitô, chứng từ ngôn sứ này về đạo giáo được đánh dấu bởi niềm xác tín sâu xa của họ về những gì chính yếu được Thiên Chúa và các chân lý Phúc Âm sử dụng để hình thành đời sống Kitô hữu, cũng như được đánh dấu bởi việc họ dấn thân giúp đỡ cộng đồng Kitô hữu trong việc thăng hoa tất cả mọi lãnh vực xã hội dân sự bằng những chân lý này.

Trước sự tặng phát của trào lưu tục hóa và tình trạng phân mảnh về kiến thức (cf. Fides et Ratio, 81), “những hình thức mới về nghèo khổ” xuất hiện, nhất là nơi những nền văn hóa đang hoan hưởng phúc hạnh về vật chất, một thứ phúc hạnh cho thấy “một cái gì thất vọng ở chỗ bị hụt hẫng mất ý nghĩa trong cuộc sống” (instruction "Starting Afresh From Christ: A Renewed Commitment to Consecrated Life in the Third Millennium," 35). Việc mất tin tưởng vào khả năng hiểu biết cao cả của con người, việc chấp nhận “những chân lý bán phần và tạm bợ” (Fides et Ratio, 5), cũng như việc theo đuổi một cách vô nghĩa nhưnõng gì mới mẻ, tất cả đều cho thấy công việc khó khăn hơn bao giờ hết trong vấn đề trao chuyển cho con người, nhất là cho giới trẻ, một thứ kiến thức làm nền tảng của và mục đích cho đời sống con người.

Đối diện với những cái bất thường thê thảm này nơi việc phát triển xã hội, cần phải mang tính cách lạ lùng của đặc sủng hợp với mỗi một viện tu ra phục vụ cho việc hiểu biết trọn vẹn và hiện thực Phúc Âm Chúa Kitô là những gì duy nhất “hoàn toàn tỏ cho con người biết bản thân họ cũng như ơn gọi cao cả của họ” (Gaudium et Spes, 22). Đặc biệt quan trọng nơi những nền văn hóa bị bị suy yếu bởi trào lưu tục hóa đó là việc tu sĩ dấn thân cho việc tông đồ của “đức ái tri thức”. Bác ái “phục vụ tri thức”, qua việc cổ võ tuyệt vời nơi các học đường, việc dấn thân cho vấn đề thức giả, và việc liên kết mối liên hệ giữa đức tin và văn hóa, sẽ là những gì “bảo đảm làm sao để những nguyên tắc căn bản giúp vào việc xây dựng một xã hội dân sự xứng với con người, được hết mọi nơi tôn trọng” (Instruction, op. cit, 38), bao gồm những lãnh vực chính trị, luật pháp và giáo dục.

5.     Việc xuất hiện sứ vụ ngôn sứ của giáo dân là một trong những kho tàng cao cả được khi mở nơi Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba. Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý để cứu xét tỉ mỉ nhiệm vụ của thành phần giáo dân trong việc “tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa bằng cách tham gia vào những vấn đề làm trần thế và hướng những vấn đề này về ý muốn của Thiên Chúa” (Lumen Gentium, 31). Tuy nhiên, điều này vẫn đúng trong 40 năm qua, vì trong khi việc chú trọng của chính trị về chủ thể tính của nhân loại tập trung vào quyền lợi cá nhân, thì nơi lãnh vực xã hội, lại phát triển một tình trạng do dự trong việc nhìn nhận rằng tất cả mọi con người nam nữ đều lãnh nhận từ Thiên Chúa cái phẩm vị thiết yếu và phổ thông, cùng với khả năng đạt tới sự thật và sự thiện” (cf. "Centesimus Annus," 38). Vì tách rời khỏi nhãn quan về mối hiệp nhất nồng cốt này cũng như tách rời khỏi mục đích của toàn thể gia đình nhân loại mà quyền lợi của con người có những lúc bị biến thành những đòi hỏi duy ngã, ở chỗ lan tràn việc mãi dâm và khiêu dâm nhân danh quyền chọn lựa của người lớn, việc chấp nhận phá thai nhân danh quyền lợi của nữ giới, việc chấp thuận cho những cuộc hôn nhân đồng phái tính nhân danh quyền lợi của thành phần đồng tính luyến ái.

Trước ý nghĩ lầm lạc lại lan tràn như thế, chư huynh cần phải làm moị sự có thể để phấn khích giáo dân thực hiện “trách vụ đặc biệt” của họ đối với “việc truyền bá phúc âm văn hóa… và cổ võ những giá trị Kitô giáo trong xã hội và đời sống xã hội” (Pastores Gregis, 51). Những hình thức trần tục sai lầm về “chủ nghĩa nhân bản” đề cao cá nhân đến nỗi chúng trở thành một thứ ngẫu tượng khả thực” (cf. "Christifideles Laici," 5) chỉ có thể đối đầu bằng việc tái nhận thức phẩm vị thực sự bất khả vi phạm của hết mọi người. Phẩm giá cao quí này được hoàn toàn biểu lộ một khi nguồn gốc và định mệnh của con người được chú trọng - được Thiên Chúa tạo dựng và Chúa Kitô cứu chuộc, tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành “con cái nơi Người Con” (cf. ibid, 37). Bởi vậy, một lần nữa, Tôi xin nói cùng nhân dân Hiệp Chủng Quốc là chính Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô là điểm qui chiếu vững chắc duy nhất cho tất cả nhân loại trong cuộc hành trình nó tìm kiếm mối hiệp nhất thực sự và hòa bình chân chính! (cf. "Ecclesia in America," 70).

6. …

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 4/6/2004