GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 10 CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C

 

SỐNG ĐẠO THỰC HÀNH

 

Giêsu-Maria-Giuse! Lậy Chúa tôi, thầy ấy, cha ấy thánh thiện quá.”
“Chúa ơi! Ông ấy, bà ấy đạo đức, sốt sắng quá. Đi lễ, đi lậy suốt ngày.”
“Chúa Mẹ ơi! Ông ấy, bà ấy có phúc quá. Chúa ban cho mọi điều may mắn như ý muốn.”

Có thật vậy không? Có thật hễ là thầy, là cha thì thánh thiện. Hễ siêng năng đi lễ, đi lậy là người đạo đức, sốt sắng. Và hễ được Chúa Mẹ thương thì phải được muôn điều may mắn như ý? Nếu vậy, những người không phải là thầy, là cha thì không thánh thiện. Những ai không đi lễ, đi lậy mỗi ngày thì không là người sốt sắng. Và những ai không được mọi ơn lành là những người bị Chúa Mẹ hất hủi và ruồng bỏ.

Ít hôm trước tôi được hai linh mục ghé thăm. Chúng tôi đã lâu không gặp nhau nên có nhiều truyện để nói. Nhưng thỉnh thoảng câu truyện bị cắt quãng vì người vợ của một anh bạn, người đã chở các vị linh mục tới thăm hôm ấy. Chị ta lúc lúc lại thêm vào: “Làm cha thì sướng quá. Làm cha tốt lành quá. Làm cha thì thánh thiện quá.”

Khi nói những câu ấy, rõ ràng là chị ta muốn ám chỉ một hình ảnh tương phản về người chồng đang ngồi bên chị. Xem như chị ngầm nói với chúng tôi và chồng chị rằng: “Anh coi! Người ta làm cha trông hiền lành, tử tế, đạo hạnh. Làm cha sung sướng thế kia. Còn anh.....Lấy anh, tôi....khổ quá!”.

Nếu chị này ở vào thời điểm Chúa Giêsu đang rao giảng Tin Mừng cách đây hơn 2000 năm, chị ta chắc chắn cũng thuộc thành phần những người hỏi Ngài câu hỏi mà Thánh Ký Luca đã ghi lại hôm nay: “Ai là anh em tôi?” (Lc 10:29). Hay bằng lối diễn nghĩa và cái nhìn của một người vợ, thì “ai là người chồng đạo đức. Ai là người chồng tử tế, và có thể làm cho vợ hạnh phúc?”. Và câu trả lời của Chúa cũng sẽ không khác hơn với câu trả lời mà Ngài đã nói với người luật sỹ đã hỏi Ngài hôm ấy. Câu trả lời ấy là: “Hãy về mà theo gương ấy” (L 10: 37). Hoặc: “Nếu chị muốn có một người chồng tử tế, đàng hoàng, tốt bụng và lo lắng đến hạnh phúc của chị, thì chị hãy làm những cái đó cho chồng chị. Hãy bắt chước những người vợ đạo hạnh, nhẫn nại và tế nhị với chồng con mà thực hành giống họ.”

Dù theo ơn gọi nào cũng vậy, tu hành hay hôn nhân gia đình, đời sống con người vẫn là những thách đố, những khó khăn, những vất vả. Đời chỉ có ý nghĩa thực sự khi ta chấp nhận và trực diện với những thử thách ấy, và làm thăng hoa cuộc sống mình bằng những cố gắng dựa vào lòng tin và ý thức sống đạo của mình. Đối tượng của niềm tin và hành động sống đạo ấy chính là anh chị em quanh mình: Đó là chồng, là vợ, là con, là người bạn cùng sở, là những người mà mình hằng ngày giao tiếp. Họ là những đối tượng của đức ái thực hành của ta.

Trong câu truyện nạn nhân bị cướp hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra 3 mẫu người qua đường, nhưng phản ảnh đức tin hành động thì qui về hai trạng thái: Thực hành và không thực hành. Ba người đi qua cùng một quãng đường nhưng hai đã ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ đi không thương tiếc; chỉ có một người sau cùng dừng bước giúp đỡ.

“Hãy về mà theo gương ông”. Kết luận câu truyện như vậy, Chúa Giêsu như muốn nói với những người thường hay thắc mắc về thành quả sống đạo; nhất là muốn chứng tỏ cho mọi người rằng mình là người hiểu biết, đạo đức, tốt lành như người luật sỹ nọ. Cũng qua câu trả lời ấy, Chúa Giêsu rõ ràng muốn ta đi vào với tâm đạo bằng hành động sống đạo của mình.

Theo khảo cứu của tâm lý học, khi tai nạn xảy ra cho một người nào thì có hai điều kiện để nạn nhân dễ nhận được sự giúp đỡ, đó là nơi chốn và hoàn cảnh xẩy ra tai nạn. Nơi chốn thường là nơi vắng vẻ. Hoàn cảnh thường chỉ là một hay hai người qua lại lúc bấy giờ. Nếu tai nạn xảy ra ở giữa thị thành, hay lúc có đông người qua lại thì tâm lý sợ dư luận, trốn trách nhiệm sẽ đẩy lui lòng thương xót, để rồi ai cũng dừa cho nhau, mà cuối cùng thì không ai muốn “ách giữa đàng quàng vào cổ”. Nhưng nếu tai nạn xẩy ra nơi một chỗ vắng, và chỉ một người qua lại thì cảm tình xúc động và thương xót sẽ thôi thúc người qua đường dừng lại mà giúp đỡ nạn nhân.

Qua tai nạn người bị cướp trấn lột hôm nay, Chúa Giêsu đã đặt nạn nhân vào hoàn cảnh và nơi chốn được giúp đỡ. Lần lượt nơi quãng đường thanh vắng ấy chỉ có một người đi qua, nhưng kết quả thật xung khắc, hai người trước đã không hề xúc động. Như vậy, phải hiểu là lòng người, và tâm trạng ích kỷ của những người này đã làm cho họ đóng chặt lòng mình. Bởi đó, khi kết luận câu truyện, Chúa Giêsu đã hỏi ngược lại người đã hỏi Ngài rằng: “Theo ý kiến anh, ai trong ba người ấy là anh em của nạn nhân?” (Lc 10:39). Hỏi như vậy, Ngài muốn cho mọi người hay rằng, chả lẽ những người suốt ngày đọc lề luật, nói lề luật, giảng giải lề luật như các tư tế và phó tế mà lại không hiểu rằng hành động bác ái, thương người chính là luật sống đạo cách đầy đủ và cao quí sao. Rõ ràng là Ngài muốn cho ta hiểu rằng không phải cái vẻ bên ngoài, cũng không phải là thuộc lầu nguyên tắc đạo đức hay lề luật làm nên giá trị của một đời sống tâm linh thực sự. Để được gọi là người công chính, phải hiểu đạo, sống đạo và hành đạo. Riêng phần sống đạo xem ra khó khăn hơn mà lại cao quí hơn, bởi vì hiểu đạo và hành đạo là những cái bề ngoài, còn sống đạo tức là thực hành điều mình hiểu và rao giảng.

Hành động sống đạo của người Samaria là lối sống đạo thực hành. Nó hoàn toàn trái ngược với lối sống đạo hình thức, mầu mè, và lý thuyết. Vì nếu không sống thật với niềm tin của mình bằng hành động thì bằng cách này hay cách khác, niềm tin và những lời chúng ta nói cũng chỉ là một mớ lý thuyết suông không đủ khả năng thuyết phục, không đem lại cho ta sự sống đời đời. Rất may, trong đời sống thường ngày, đó đây quanh ta vẫn luôn luôn thấy những đối tượng của đức ái thực hành. Và đó cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu muốn ta bắt chước hành động thực tế của người Samaria.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

“Ai là tha nhân của tôi?” - một con ma!...

 

Trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật XV Mùa Thường Niên Năm C tuần này, qua cuộc vấn đáp giữa một nhà thông luật và Chúa Giêsu, Mạc Khải Thần Linh cho chúng ta thấy rõ hai chân lý liên quan đến phần rỗi của chung loài người và của riêng Kitô hữu chúng ta: thứ nhất là chân lý về đường lối để được sự sống đời đời, và chân lý thứ hai về chân dung của thành phần được gọi là tha nhân.

Trước hết, chân lý về đường lối để được sự sống đời đời, khi công nhận câu đối đáp của nhà thông luật “Ông đã trả lời đúng. Hãy làm như vậy thì ông sẽ được sống”, Chúa Giêsu đã cho nhà thông luật thắc mắc: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” biết rằng, đó là “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng muốn, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, cũng như hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân ngươi”. Như thế, yên mến Thiên Chúa hết mình và yêu thương tha nhân như mình chính là đường lối để được sự sống đời đời vậy. Căn cứ vào chân lý này, nói một cách phủ định hơn, nghĩa là, ai không mến Chúa hết mình và yêu người như mình chắc chắn sẽ không được sự sống đời đời, tức bị hư đi đời đời. Tuy nhiên, tới đây, nhà thông luật của chúng ta tỏ ra không có vấn đề gì với Thiên Chúa cho bằng với tha nhân. Bởi thế, ông không hỏi Chúa Giêsu “Thế nhưng Chúa là Thiên Chúa của tôi là Đấng nào?”, mà lại đặt vấn đề “tha nhân của tôi là ai?” hay “ai là tha nhân của tôi?” Do đó mới có chân lý thứ hai, chân lý về chân dung của thành phần được gọi là tha nhân.

Theo quan niệm bình thường, trước hết, “tha nhân” tức là một người không phải là mình, hoàn toàn khác với mình. Sau nữa, đối với liên hệ trong gia đình huyết tộc, “tha nhân” cũng không phải là thành phần thuộc về thân nhân ruột thịt hay họ hàng nghĩa thiết với mình. Sau hết, thành phần “tha nhân” lắm khi còn bị tâm lý giao hữu loại trừ ra khỏi bờ cõi cận nhân nữa, ra khỏi phạm vi thân thiết bạn bè, nghĩa là, trở nên một thành phần hoàn toàn lạ mặt, xa cách với mình, thành phần mình không hề quen biết tí nào.

Tuy nhiên, thực tế và tâm lý bình thườụng cũng cho thấy một sự thật không ai có thể chối cãi được là, có những lúc chính thân nhân và thân hữu của mình lại là những kẻ không thể đội trời chung với mình, bị chúng ta đẩy đi lưu đầy xa khuất khỏi mắt của chúng ta, tức ở ngoài cả biên giới “tha nhân” xa lạ nữa. Trong trường hợp này, “tha nhân” đột nhiên và nghiễm nhiên trở thành gần gũi, thành cận nhân với chúng ta hơn cả thành phần vốn là thân nhân và thân hữu của chúng ta trước kia. Quả thật, vào những lúc đó, những lúc chúng ta đang bị thân nhân hất hủi hay hiểu lầm, đang hận thù oán ghét cha mẹ hay vợ chồng của mình, thì một “tha nhân” nào đó tỏ ra thông cảm với chúng ta và ngả về phía của chúng ta, vị “tha nhân” ấy, dù trước kia có những bất đồng với chúng ta, thậm chí đối nghịch với chúng ta, bấy giờ họ cũng sẽ trở thành thân thiết với chúng ta. Điển hình là trường hợp của quận vương Hêrôđê với tổng trấn Philatô, sau khi Hêrôđê được Philatô cho giải Chúa Giêsu đến để Hêrôđê phân xử, thì hai nhân vật này đã được Phúc Âm Thánh Luca thuật lại ở đoạn 23 câu 12 như sau: “Hêrôđê và Philatô trước kia vốn đối nghịch với nhau từ đó lại trở thành bạn bè”. Nếu cứ theo tâm lý chủ quan của con người chúng ta như thế, thì “tha nhân” phải nói là người bị tha hóa, tức thành phần không còn là họ nữa, mà là những gì chúng ta tạo ra hay tùy ý biến thành.

Như thế, nếu xẩy ra tình trạng này thì quả nhiên, như thực tế đã cho chúng ta thấy, nhiều khi chính những người vốn thân yêu nhất của chúng ta từ trước đột nhiên trở thành những con ma quái, những con ma ban ngày, những con ma làm cho chúng ta hãi sợ, lúc nào chúng ta cũng muốn tránh mặt, không dám gặp mặt, không dám đối diện và không còn thích gần gũi hay tìm đến như xưa nữa. Tình trạng “tha nhân” trở thành những con ma đối với chúng ta như thế còn chứng tỏ tâm trạng yếu bóng vía của chúng ta, nghĩa là tình trạng chúng ta chưa sống thực, tình trạng chúng ta còn trẻ con, chưa trưởng thành cả về tâm linh lẫn đức tin liên quan đến Thiên Chúa nữa.

Đúng thế, nếu “tha nhân” không thực sự là một con người, mà chỉ là một cái gì do chúng ta tạo ra hay biến thành như thế, tùy theo ý nghĩ và ý thích của mình, thì quả thực chúng ta không phải chỉ có vấn đề với “tha nhân” mà còn với cả “Chúa là Thiên Chúa” nữa. Bởi vì, chỉ khi nào chúng ta tôn thờ “ngẫu tượng”, tức tôn thờ vị Thiên Chúa do chúng ta chủ trương, do chúng ta tự tưởng tượng vẽ vời ra, như trường hợp dân Do Thái tôn thờ bò vàng trong sa mạc được Sách Xuất Hành thuật lại ở đoạn 32 câu 4, chứ không phải vị Thiên Chúa đích thực, như Ngài tỏ mình ra cho chúng ta biết như được Thánh Kinh ghi nhận, chúng ta mới có thái độ bóp méo hình ảnh của Ngài là “tha nhân” và nơi “tha nhân” như thế. Lý do là vì chúng ta chưa biết Ngài thực sự, nên chúng ta cũng không nhận ra những gì thuộc về Ngài. Đó là lý do tại sao Chúa Kitô, trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 15 câu 21 hay đoạn 16 câu 3, đã vạch rõ căn nguyên thế gian bách hại môn đệ của Người như sau: “Họ làm cho các con tất cả những điều ấy là vì họ chẳng nhận biết Cha cũng không nhận biết Thày”. Đó cũng là lý do chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết mình trước rồi mới có thể yêu thương tha nhân như bản thân mình được.

Nếu chúng ta chưa thực sự nhận biết Thiên Chúa, chúng ta cũng không thể yêu thương tha nhân như Ngài muốn và như Ngài đã tỏ ra nơi bản thân đích thực của Ngài là Lời Nhập Thể và Tử Giá. Ngược lại, chúng ta có thể hay có lúc sẽ đi đến chỗ gián tiếp hận ghét Ngài, khi chúng ta không thích bất cứ một con người “tha nhân” nào. Chẳng hạn, nếu chúng ta đang hận thù một ai, nhất định không chịu đội trời chung với họ, thì chắc chắn chúng ta không bao giờ lại muốn lên thiên đàng với họ. Tức là nếu họ xuống hỏa ngục chúng ta mới chịu vào thiên đàng, bằng nếu họ ở trên thiên đàng thì chúng ta xuống hỏa ngục vậy! Đó là lý do, một ngày kia, lên thiên đàng, vừa trông thấy có một hay mấy nhân vật khét tiếng lịch sử, thành phần “tha nhân” chúng ta tự nhiên vốn cảm thấy tuyệt đối hận thù hay nghi kị, như Hitler (lãnh tụ Đảng Nazi Đức Quốc Xã sát hại 6 triệu dân Do Thái), Stalin (lãnh tụ sắt máu của Khối Cộng Sản Liên Sô Nga), Osama Bin Laden (chúa trùm tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda), Mahommed (giáo tổ Hồi Giáo thuộc thế giới Ả Rập), Luthêrô (nhà cách mạng Kitô giáo), hay Hồ Chí Minh (trùm đảng cộng sản Việt Nam) v.v. liệu chúng ta có vui mừng tiến vào hay chăng?

Chính vì “tha nhân” không phải những gì chúng ta chủ quan nghĩ ra, những nhân vật do chúng ta bày tạo ra, mà là một con người thực sự, một con người như chủ thể yêu và phải được chủ thể yêu yêu thương như chính bản thân của chủ thể yêu mà, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời cho nhà thông luật “tha nhân của tôi là ai?”, song Người đã lật ngược vấn đề, qua câu hỏi gợi ý: “Ai trong ba người này (vị tư tế, thày Lêvi, và người Samariatanô) là tha nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Thế rồi, sau khi nhà thông luật trả lời: “Chính là người tỏ lòng thương cảm hắn”, Chúa Giêsu liền nói với ông ta: “Vậy thì anh hãy đi mà làm như thế”.

Thật vậy, theo tinh thần Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, một khi yêu thương nhau và trong việc yêu thương nhau, không nên, đúng hơn, không được, đặt vấn đề phân biệt và chọn lựa: “ai là tha nhân của tôi”. Bởi vì, một khi đã phân biệt và chọn lựa, thì theo tâm lý tự nhiên, mình chỉ yêu ai mình thích, thích ai hợp với mình, và mến ai làm vừa lòng mình v.v. Nếu yêu thương theo kiểu này là yêu thương mình hơn là tha nhân, và biến tha nhân thành sở hữu, thành thuộc hạ của mình hơn là coi họ như chính bản thân mình, để có thể yêu họ như chính bản thân mình. Bởi thế, vấn đề yêu thương chân chính hay Đức Ái trọn hảo theo Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay là vấn đề hòa đồng và đại kết, ở chỗ, “tôi cần phải là tha nhân của mọi người, cần phải trở nên như mọi người”: “Ai trong ba người này là tha nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp?” là ở chỗ đó. Chỉ có thế chúng ta mới chẳng những không có ai là kẻ thù, hay không bao giờ gặp kẻ thù, dù thực sự có bị bất cứ ai thù ghét và tác hại, trái lại, chúng ta còn có thể “trở nên mọi sự cho mọi người”, như tinh thần của vị Tông Đồ Dân Ngoại chia sẻ trong thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô đoạn 9 câu 22.

Chính tinh thần bác ái làm cho con người yêu thương trở thành quốc tế như thế, “trở nên mọi sự cho mọi người” như thế, họ mới thực sự là một nhà truyền giáo và mới có đủ khả năng truyền giáo. Bởi vì, nếu vai trò của nhà thừa sai, như bài Phúc Âm Chúa Nhật XIV Mùa Thuòng Niên Năm C tuần trước cho thấy họ được sai đi trước đến những nơi Chúa Giêsu sẽ đến, nghĩa là đi mở đường, để qua việc họ làm, hay qua đức ái làm nên bản chất và chân dung của người môn đệ Chúa Kitô nơi họ (xem Jn 13:35), thế gian có thể nhận biết Thày họ là Đấng Thiên Sai đến sau họ. Ý nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật XV Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh Năm C tuần này, một thời điểm Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô tỏ mình ra qua chứng tá Giáo Hội của Người trên thế gian cho đến tận thế, là ở chỗ này, ở chỗ, Chúa Kitô tỏ mình ra qua thành phần chứng nhân của Người, hay qua tình họ yêu thương trọn lành “trở nên mọi sự cho mọi người”, một tình yêu thương “đi khắp thế gian (và) cho mọi tạo vật” (Mk 16:15), chứ không phải cho riêng một dân nước nào, hay cho riêng một thành phần nào, một tình yêu hoàn toàn phản ảnh Đấng “muốn chứng tỏ lòng yêu thương đến cùng của mình” (Jn 13:1), qua việc Người “đã đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ, để hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20:28; xem 1Tim 2:6).

Tuy nhiên, nếu “tha nhân” trở nên mọi sự như ý nghĩ, ý muốn hay ý thích chủ quan của con người chúng ta, như trên đã nhận định, họ trở thành một con người bị tha hóa đối với chúng ta là chủ thể yêu thương, vậy thì, ngược lại, nếu chúng ta “trở nên mọi sự cho mọi người” thì bản thân chúng ta có bị họ tha hóa hay chăng, có bị trở thành một khối giống như loài vật không, có mất đi ngôi vị của mình không, vì chúng ta không còn là chúng ta nữa, mà là bị mọi người đồng hóa, hay bị đồng hóa với mọi người mất rồi?

Câu trả lời ở đây là một đàng thì bị bắt buộc và một đàng hoàn toàn tự nguyện. Việc ép con người phải bỏ mọi sự làm của chung, ngược với quyền sở hữu của họ, hoàn toàn khác với việc các Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem tự nguyện “bỏ mọi sự làm của chung”, như Sách Tông Vụ thuật lại ở đoạn 2 câu 44. Sở dĩ thành phần Kitô hữu tiên khởi của chúng ta có thể thực hiện được việc này là vì họ hoàn toàn hiệp nhất với nhau, như Sách Tông Vụ còn thuật lại ở đoạn 4 câu 32: “Cộng đồng tín hữu đồng tâm nhất trí. Không ai lấy gì làm của riêng mình, mọi sự được lấy làm của chung”, một tình trạng chứng tỏ cá nhân con người đã đạt đến tầm vóc hoàn toàn của mình nơi cộng đồng xã hội, và cộng đồng xã hội cũng đạt đến tầm vóc thiện hảo của mình đúng như ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn được bộc lộ qua Lời Nguyện Tiệc Ly của Chúa Kitô ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 17 câu 22: “Cho tất cả được nên một như chúng ta là một”, một mối hiệp thông có tác dụng truyền thông Thần Linh, như Người còn đề cập đến ở câu 23 ngay sau đó: “để thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con”. Như thế, yêu nhau chính là đạt đến tầm vóc nhân bản và thần linh đích thực của mình vậy.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL