GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 13 THỨ BA

 

 

Huấn Từ Truyền Tin về ý nghĩa của thinh lặng để suy tư và nguyện cầu


Chúa Nhật 11/7/2004, trước 5 ngàn người ở Les Combes thuộc vùng Núi Alps, nơi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đang nghỉ hè, Ngài đã chia sẻ mấy tư tưởng trước khi nguyện Kinh Truyền Tin về ý nghĩa của việc thinh lặng suy tư nguyện cầu như sau:


Anh Chị Em Thân Mến,


2.     Ở nơi nghỉ ngơi tĩnh lặng này, trước cảnh trí tuyệt vời của thiên nhiên, con người dễ cảm nghiệm thấy được sự thinh lặng bổ ích là dường nào, một thiện ích ngày nay càng trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết. Nhiều cơ hội trong vấn đề giao tiếp và thông tin do xã hội tân tiến cung cấp cho con người đôi khi làm cho họ mất hết thời giờ để suy tưởng, đến nỗi khiến con người không thể phản tỉnh và nguyện cầu. Thật thế, chỉ trong thinh lặng con người mới có thể nghe thấy trong tận thâm cung lương tâm của mình tiếng nói của Thiên Chúa là những gì thực sự làm cho chúng ta được tự do thanh thoát. Những cuộc nghỉ hè có thể góp phần vào việc tái nhận thức và vun trồng chiều kích nội tâm bất khả thiếu này của đời sống con người.



Kết Thúc Cuộc Họp của Tiểu Ban Giao Liên của Giáo Hội Công Giáo và Người Do Thái: Chấp Thuận 2 Mục Đích


Cuộc họp lần thứ 18 của Tiểu Ban Giao Liên Quốc Tế Công Giáo và Do Thái ở Buenos Aires Á Căn Đình về vấn đề công lý và bác ái 4 ngày được kết thúc hôm Thứ Năm 8/7/2004, với bản tuyên cáo chung bao gồm những lý tưởng chính sau đây:


“Trước chiều kích toàn cầu về tình trạng nghèo khổ, bất công và kỳ thị, chúng ta có một trách nhiệm rõ ràng trong việc bày tỏ sự quan tâm đối với thành phần nghèo khổ cũng như với thành phần bị tước đoạt những quyền lợi của họ về chính trị, xã hội và văn hóa”.


Sau khi nhắc lại “những thay đổi lớn lao” nơi mối liên hệ giữa Do Thái và Công Giáo từ bản tuyên ngôn “Nostra Aetate” của Công Đồng Chung Vaticanô II, bản tuyên cáo đã tỏ lòng tri ân đối với Đức Gioan XXIII về “khai mở con đường chính yếu này nơi mối liên hệ Công Giáo và Do Thái”.


“Cuộc trao đổi đối thoại huynh đệ này đã dẫn đến việc hiểu biết và tương kính. Chúng ta hy vọng tiến đến những lãnh vực rộng lớn hơn và chạm tới tâm trí của người Công Giáo và Do Thái, cũng như của toàn thể cộng đồng”. Bản văn cũng không quên những đóng góp của Đức Gioan Phaolô II về vấn đề ấy.


Bản tuyên cáo nhấn mạnh đến “việc dấn thân hỗ tương cho công lý và bác ái”, “việc con người hợp tác với dự án thần linh để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.


Theo chiều hướng ấy, “chúng ta nhận thấy nhu cầu cần phải tìm giải pháp cho những thách đố lớn lao này: đó là tình trạng chênh lệch về kinh tế gia tăng giữa các dân tộc, việc tàn phá cả thể về môi sinh, những khía cạnh tiêu cực về vấn đề toàn cầu hóa, và nhu cầu khẩn trương cần phải hoạt động cho hòa bình và hòa giải”.


Bản tuyên cáo này cũng đề cao việc “hoàn toàn bác bỏ vấn đề bài Do Thái trong tất cả mọi hình thức tỏ hiện của vấn đề”, và lấy làm tiếc trước “hiện tượng chống Công Giáo ở tất cả mọi hình thức của họ được bộc lộ trong toàn thể xã hội loài người chúng ta”.


Những người Công Giáo và Do Thái cũng cần phải dấn thân để chiến đấu với nạn khủng bố “là tội phạm đến con người cũng như đến Thiên Chúa”, như vụ khủng bố tấn công Hoa Kỳ 11/9/2001, và “hai cuộc khủng bố thảm hại ở Buenos Aires đây, một thập niên về trước, nhắm vào người Do Thái”.


“Chúng ta dấn thân thực hiện và làm sáng tỏ nơi cộng đồng của chúng ta chúng ta đã hứa quyết với nhau ở Buenos Aires, nhờ đó công việc hoạt động cho công lý và bác ái của chúng ta giúp cho chúng ta có thể đạt được tặng ân cao cả nhất là hòa bình”.


Bản tuyên cáo này được phổ biến bởi ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo; ĐHY William Keeler, TGM Baltimore và là điều hợp viên của hàng giám mục về liên hệ Do Thái và Công Giáo ở Hiệp Chủng Quốc; Israel Singer, chủ tịch Tiểu Ban Giao Liên Quốc Tế Công Giáo Và Do Thái, và Joel Meyer phó chủ tịch của tổ chức này.


 

ĐTC với Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 8 về Hoạt Động Giáo Dục Và bác Ái của Giáo Hội: "Những Tổ Chức Tôn Giáo, Giáo Dục và Bác Ái… phát xuất từ Lòng Giáo Hội”


Thứ Năm 24/6/2004, ĐTC GPII đã tiếp các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 8 thuộc các giáo tỉnh Tây Bắc là Portland, Seattle và Anchorage. Ngài đã tiếp tục chủ đề thứ hai về vai trò ngôn sứ của các vị giám mục, một chủ đề Ngài đã bắt đầu từ đợt Giám Mục thứ 6. Tuy nhiên, chủ đề về sứ mệnh ngôn sứ này được Ngài nói đến với các vị giám mục đợt 8 này về vấn đề giáo dục và công việc bác ái xã hội. Sau đây là một số tư tưởng tiêu biểu chính yếu trong bài chia sẻ của ĐTC với đợt giám mục Hoa Kỳ thứ 8 này.


Quí Huynh Giám Mục thân mến,


1.     Trong việc các vị Giám Mục Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tiếp tục viếng thăm mộ của Hai Thánh Tông Đồ, Tôi hân hoan chào mừng quí huynh, những vị giám mục thuộc các giáo tỉnh Portland Oregon, Seattle và Anchorage. Trong loạt bài chia sẻ về việc thi hành thừa tác vụ đã được ký thác cho chúng ta như là thành phần kế thừa các Vị Tông Đồ, chúng ta đang bàn đến “munus docendi” sứ vụ giảng dạy của hàng giám mục theo chiều hướng chứng từ ngôn sứ của Giáo Hội loan truyền Vương Quốc của Thiên Chúa mà trên thế gian này Giáo Hội là mầm mống và là khởi nguyên (x Lumen Gentium, 5). Ngoài chứng từ bản thân sống đức tin và thánh đức mà mỗi Kitô hữu cần phải tỏ ra bởi Phép Rửa đã lãnh nhận, Giáo Hội cũng được kêu gọi để thực hiện một chứng từ quan trọng về cơ cấu trước thế giới nữa.


Bởi thế, lệnh truyền của Chúa Phục Sinh là hãy đi tuyển mộ môn đồ từ khắp các dân nước và dạy cho họ “thi hành mọi điều Thày đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20) cần phải là điểm qui chiếu bất khả châm chước cho hết mọi hoạt động của Giáo Hội. Các tổ chức tôn giáo, giáo dục và bác ái của Giáo Hội hiện hữu chỉ vì một lý do duy nhất, đó là loan báo Phúc Âm. Chứng từ của những việc làm ấy bao giờ cũng phải phát xuất từ chính lòng của Giáo Hội ‘ex corde Ecclesia’. Bởi thế, vấn đề hết sức quan trọng là những cơ cấu của Giáo Hội phải thực sự là Công Giáo theo ý nghĩa của những việc ấy cũng như là Công Giáo theo căn tính của chúng. Những ai tham gia vào việc tông đồ của những cơ cấu tổ chức ấy, bao gồm cả những người không có niềm tin, đều phải tỏ ra thực sự và trân trọng cảm nhận được sứ vụ làm nên nguồn cảm hứng và căn nguyên sâu xa cho sứ vụ ấy.


2.     Ngày nay, đặc biệt cần đến tính cách sáng tạo để có những cơ cấu giáo hội tốt đẹp hơn trong việc làm trọn sứ vụ rao giảng của Giáo Hội. Điều này có nghĩa là tìm kiếm những đường lối mới mẻ để làm cho ánh sáng Chúa Kitô có thể rạng ngời soi chiếu, hầu quà tặng ân sủng Ngài ban thực sự “canh tân tất cả mọi sự” (Rev. 21:5; x. “Novo Millennio Ineunte, 54). Nhiều cơ cấu tổ chức của Giáo Hội ở Hiệp Chủng Quốc, như các trường học, đại học, bệnh viện và các cơ quan từ thiện bác ái, chẳng những phải giúp cho tín hữu nghĩ tưởng và hành động hoàn toàn am hợp với Phúc Âm, bằng cách thắng vượt tất cả mọi phân rẽ giữa đức tin và đời sống (cf. "Christifideles Laici," 34), mà còn phải cống hiến một chứng từ cho sự thật cứu độ một cách hiển nhiên về cơ cấu tổ chức nữa. Điều cần đòi phải liên lỉ tái kiểm điểm về tính cách ưu tiên của những việc làm này theo chiều hướng truyền giáo cũng như về việc thể hiện trong một xã hội đa dạng một chứng từ có tính cách thuyết phục về giáo huấn của Giáo Hội, nhất là liên quan đến vấn đề tôn trọng sự sống con người, đời sống hôn nhân và gia đình, cũng như về trật tự đúng đắn nơi đời sống xã hội.


3.     Các cơ cấu giáo dục của Giáo Hội chỉ có thể đóng góp một cách hiệu nhiệm vào việc tân truyền bá phúc âm hóa nếu chúng bênh vực và minh nhiên duy trì căn tính Công Giáo của chúng. Điều này có nghĩa là những nguyên tắc về giáo dục được những cơ sở giáo dục này truyền đạt phải liên lỉ căn cứ vào Chúa Giêsu Kitô cũng như vào sứ điệp của Ngài, hoàn toàn đúng như những gì Giáo Hội trình bày nơi giáo huấn về tín lý và luân lý của mình ("Ecclesia in America," 71). Ngoài ra, việc giáo dục thực sự Công Giáo còn phải cổ võ một thứ hội nhập kiến thức theo chiều hướng của một quan niệm về con người cũng như về thế giới được Phúc Âm hướng dẫn. Tự bản chất của mình, các đại học Công Giáo được kêu gọi để cống hiến một chứng từ về cơ cấu cho thấy chúng trung thành với Chúa Kitô cũng như với lời của Người là những gì được truyền lại cho chúng ta qua Giáo Hội, một chứng từ chung được diễn đạt qua việc đòi hỏi theo pháp chế của sứ vụ này (CIC, c. 812; cf. USCCB, "The Application of 'Ex Corde Ecclesiae' in the United States," Part 2, art. 4, 4, e).


Là những cộng đồng dấn thân theo đuổi sự thật và thiết lập một tổng hợp giữa đức tin với lý trí, những cơ cấu này cần phải đi tiên phong trong việc đối thoại trao đổi với văn hóa, vì “một đức tin ở ngoài lề văn hóa là một đức tin không phản ảnh tấm mức trọn vẹn của những gì lời Chúa muốn biểu lộ và mạc khải, một đức tin bị cắt xén, thậm chí là một đức tin đang tiến đến chổ tự diệt ("Ex Corde Ecclesiae," 44).


Sự hiện diện của Giáo Hội nơi mức độ giáo dục sơ cấp và tiểu học cũng cần phải được quí huynh với tư cách là những vị mục tử Dân Chúa đặc biệt chú trọng. Những trường xứ địa phương đã cống hiến rất nhiều cho nhiều người Hoa Kỳ, cả người Công Giáo lẫn không Công Giáo, một nền giáo dục vững chắc về học vấn, luân lý và đạo lý. Lợi dụng dịp này Tôi xin tri ân cảm tạ công việc dấn thân của vô số linh mục, tu sĩ và giáo dân trong lãnh vực giáo dục, và Tôi kêu gọi quí huynh hãy cùng Tôi khuyến khích họ kiên trì với sứ vụ cần thiết này (cf. Congregation for Catholic Education, "Consecrated Persons and Their Mission in Schools," 84). Tôi cũng xin quí huynh hãy khích lệ thành phần linh mục của quí huynh hãy tiếp tục hiện diện và sinh động nơi các học đường Công Giáo, và hết sức để làm sao bảo đảm được rằng, bất chấp những khó khăn về tài chính, vấn đề giáo dục Công Giáo vẫn phải sẵn sàng phục vụ người nghèo và thành phần kém may mắn trong xã hội.


4.     Cả những chương trình giáo dục tôn giáo nữa cũng là yếu tố tối quan trọng trong sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội. Các chương trình giáo lý cho trẻ em và giới trẻ, đặc biệt liên quan đến việc sửa soạn lãnh nhận bí tích vẫn là những gì thiết yếu, nhưng cũng cần phải chú trọng hơn nữa đến nhu cầu đặc biệt của thành phần thanh niên và người lớn. Những chương trình hiệu nghiệm về việc giáo dục đạo giáo, cho dù ở cấp độ giáo phận hay giáo xứ, cũng cần phải liên lỉ nhận thức được những nhu cầu thực sự của các lứa tuổi khác nhau và các nhóm người khác nhau, cũng như nhận thức được việc thẩm định sáng tạo về phương tiện hay nhất trong việc đáp ứng các nhu cầu ấy, nhất là nhu cầu đào luyện việc tâm nguyện, việc đọc sách thiêng liêng Thánh Kinh (cf. "Dei Verbum," 11), và việc lãnh nhận các phép bí tích một cách hiệu năng. Việc liên tục nhận thức này cần đến sự đích thân dự phần của Vị Giám Mục, cũng như của các vị mục tử, những vị trực tiếp có trách nhiệm trong việc hướng dẫn về tôn giáo được thực hiện ở các giáo xứ của các vị, của những chuyên viên giáo dục về tôn giáo, có một tinh thần dấn thân và kinh nghiệm là nguồn lực dồi dào cho các Giáo Hội địa phương của quí huynh, và của các vị phụ huynh, những người được kêu gọi trên hết mọi người khác để huấn luyện cho con cái của mình sống đức tin và đời sống Kitô hữu (cf. CIC, c. 774 ậ 2).


5.     Nhiều hoạt động của người Công Giáo Hoa Kỳ phục vụ thành phần lão niên, bệnh nạn và thiếu thốn, qua những dưỡng viện, bệnh viện cùng các trung tâm nâng đỡ và trợ giúp khác, bao giờ cũng là và tiếp tục là một chứng từ hùng hồn cho “đức tin, đức cậy và đức mến” (1Cor 13:31), những nhân đức làm nên đời sống của hết mọi người môn đệ của Chúa. Ở Hiệp Chủng Quốc, các thế hệ giáo dân đạo hạnh và nhiệt thành, bằng việc xây dựng một hệ thống các tổ chức Công Giáo chăm sóc sức khỏe, đã hùng hồn làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng chữa lành hồn xác con người, cũng như cho phẩm vị của con người.


Những thách đố quan trọng mà các tổ chức này đang phải đối diện trong những hoàn cảnh thay đổi về xã hội và kinh tế không được làm suy yếu đi chứng từ hợp tác ấy. Những qui chế được phác họa hoàn toàn am hợp với giáo huấn về luân lý của Giáo Hội cần phải triệt để thực hiện ở những tổ chức chăm sóc sức khỏe của Công Giáo, và hết mọi khía cạnh đời sống của họ phải phản ảnh thao thức đạo hạnh của họ và mối liên hệ sâu xa giữa họ với sứ vụ của Giáo Hội trong việc mang ánh sáng siêu nhiên, sự chữa lành và niềm hy vọng cho con người nam nữ ở mọi đoạn hành trình trần thế của họ.


6.     Quí huynh thân mến, với lòng sâu xa biết ơn về nhiều đóng góp được các tổ chức Công Giáo thực hiện nơi các Giáo Phận của quí huynh vào việc phát triển Giáo Hội địa phương của quí huynh, Tôi cùng với quí huynh nguyện xin để những tổ chức này trở thành những tác nhân hiệu năng hơn bao giờ hết, trở nên những mạch nguồn sinh lực linh động cho việc tông đồ, và trở thành muối men đích thực của Vương Quốc Thiên Chúa (x. Mt 13:33) nơi xã hội Hoa Kỳ. Tôi xin ơn khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần xuống trên tất cả hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đang tham gia những công việc phục vụ của giáo hội, và thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh như là một lời bảo chứng ân sủng và sức mạnh trong Chúa.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến ngày 27/6/2004.