GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 15 THỨ NĂM

  

 

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Phêrô Nguyễn Bá Tuần

Anrê Nguyễn Kim Thông

Thứ Năm 15/7

 

 

Tòa Thánh tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Thương Mại và Phát Triển: "Mục đích duy nhất của phát triển không phải là làm cho con người “sản xuất nhiều hơn” mà là bảo đảm phẩm vị của họ và cải tiến khả năng hoạt động một cách tự nhiên của họ."


Trong phiên họp thứ 11 của Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Giao Thương và Phát Triển ở Ba Tây trong những ngày 13-18/6/2004, ĐTGM Silvano Tomasi, đại diện Tòa Thánh đã ngỏ lời về vấn đề này như sau:


Thưa Ông Chủ Tịch,


Đại Biểu Tòa Thánh chúng tôi xin hợp với các phát ngôn viên trước đây để chúc mừng ông và Văn Phòng được ông tuyển lựa cho việc điều hành Hội Nghị Tác Vụ quan trọng này trong dịp mừng kỷ niệm 40 năm thành lập UNCTAD đây. Chúng tôi cũng xin cám ơn Chính Phủ và Nhân Dân Ba Tây về sự đón tiếp và đãi ngộ nơi đây.


1.     Bốn mươi năm trước đây những Quốc Gia tham dự Hội Nghị đầu tiên của LHQ về Giao Thương và Phát Triển ở Geneva đã bày tỏ quyết tâm “tìm kiếm một đường lối hiệu nghiệm hơn trong việc hợp tác quốc tế về kinh tế, nhờ đó xóa bỏ tình trạng chia rẽ trên thế giới thành những miền nghèo khổ và những vùng dồi dào, và tất cả mọi người được trở nên thịnh vượng. Họ đã kêu gọi khử trừ cảnh nghèo khổ ở khắp nơi, và họ đã thấy được nhu cầu là “những mạch giao thương thế giới cần phải giúp loại trừ đi những cái khác biệt giữa các quốc gia…. Công việc phát triển này nhắm đến thiện ích của toàn thể dân chúng” (Final Act of UNCTAD I, adopted on June 15, 1964. Preamble, 1,4).


Ngày nay, UNCTAD vẫn còn là một dụng cụ thực sự để chiếm đạt những ước nguyện ban đấu ấy của mình, cũng như trong việc cổ võ vấn đề phát triển và đối thoại giữa các xứ sở đã phát triển và đang phát triển. Mục đích của hội nghị hiện nay cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết sẵn có giữa vấn đề những chính sách phát triển của quốc gia với những tiến trình kinh tế hoàn cầu.


2.     Vấn đề toàn cầu hóa thật sự là một thực tại. Trong 15 năm qua, tiến trình này đã được tăng phát bởi những đổi thay theo địa dư quốc tế về chính trị, bởi việc giảm thiểu nhanh chóng các thứ tốn phí về vấn đề chuyên chở, nhất là việc lan tràn các kỹ thuật thông tin và truyền thông. Nhiều nền kinh tế trên thế giới đang hội nhập lại với nhau. Về vấn đề tiến bộ và khó khăn, tốn kém và lợi ích, thì mỗi một xã hội và mỗi một nền kinh tế cần phải theo chiều hướng thị trường chung toàn cầu.


3.     Tính cách quan trọng của chiều kích kinh tế, dựa vào tình trạng thống nhất của thị trường, là một tính cách quan trọng mà nhiều tổ chức quốc tế coi nó như là một đặc tính nổi bật của vấn đề toàn cầu hóa. Tuy nhiên, vấn đề toàn cầu hóa còn có những chiều kích khác nữa, như chiều kích về văn hóa và chiều kích về đạo lý. Trước những vấn đề nghèo khổ, vấn đề bảo vệ môi siunh, vấn đề an ninh và quyền phát triển, cộng đồng thế giới đang bắt đầu đặt ra những mục đích chung cho tất cả mọi quốc gia cũng như cho toàn thể xã hội dân sự. Việc chấp nhận quyền phát triển, và tầm quan trọng của việc tham dự của hết mọi người như phương tiện thực hiện quyền này, là một số bước tiến trong việc phát triển một nhận thức chung về các khía cạnh đạo lý và văn hóa liên quan đến tiến trình thống nhất. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Về phần mình, Giáo Hội tiếp tục khẳng định là việc nhận thức về đạo lý liên quan tới vấn đề toàn cầu hóa cần phải được dựa vào hai nguyên tắc bất khả phân ly: Nguyên tắc thứ nhất đó là giá trị bất khả chuyển nhượng của con người, nguồn mạch cho tất cả mọi quyền lợi của con người cũng như cho hết mọi cơ cấu xã hội…. Nguyên tắc thứ hai đó là giá trị của văn hóa con người mà không một quyền lực nào có quyền coi thường và thậm chí hủy hoại” (John Paul II, Address to the 7th Plenary Session of the Pontifical Academy of Social Sciences, 25-28 April, 2001).


4.     Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng những thành đạt hiện nay ở dưới mức độ rất sâu đối với những gì cần phải có, và guồng máy toàn cầu hóa đã đưa đến tình trạng loại trừ, nếu không muốn nói là bần cùng hóa, đối với nhiều người trên thế giới này. Đó là lý do mà những khía cạnh khác nhau của vấn đề toàn cầu hóa, dù tích cực hay tiêu cực, đều phải được đối đầu bởi những diễn viên khác nhau thi hành cùng một trách nhiệm. Vấn đề toàn cầu hóa mang lại những thành quả khác nhau ở những môi trường khác nhau. “Vấn đề toàn cầu hóa tự mình không tốt mà cũng chẳng xấu. Nó sẽ trở thành những gì con người làm nên nó. Không có một đường lối nào lại là cùng đích của mình, nên cần phải nhấn mạnh rằng vấn đề toàn cầu hóa, giống như bất cứ một đường lối nào khác, cần phải phục vụ cho con người; nó phải phục vụ cho tình đoàn kết cũng như cho công ích” (John Paul II, Address to the 7th Plenary Session of the Pontifical Academy of Social Sciences, 25-28 April, 2001).


5.     Con số người sống dưới mức 1 Mỹ kim mỗi ngày mỗi người đã được giảm bớt từ những năm 1980. Việc gặt hái kết quả tích cực này là do tiến trình hội nhập kinh tế được một số quốc gia áp dụng.


Tuy nhiên, vẫn còn một thứ chênh lệch đáng kể theo miền. Có một số quốc gia đã giảm thiểu một cách đáng kể con số rất cao dân chúng sống trong nghèo khổ nhờ việc tăng trưởng mạnh mẽ, thì ở những miền khác, nhất là ở Hạ Mạc Sahara Phi Châu và Mỹ Châu Latinh, con số này lại gia tăng.


Nói chung, mối liên hệ của việc cởi mở về kinh tế với việc giảm thiểu nghèo khổ dường như không phải là một liên hệ hiệu nghiệm. Vấn đề tăng phần tham dự và hội nhập là những gì tiêu biểu cho một đường lối quan trọng đối với một đời sống xứng đáng hơn. Cần phải đào sâu và cải tiến việc hiểu biết về mối liên hệ giữa vấn đề hội nhập kinh tế với việc giảm thiểu nghèo khổ.


6.     Vấn đề được nhận thấy là việc hội nhập kinh tế, ở một số mô thức hiện nay, càng dẫn đến chỗ chênh lệch hơn nữa. Khoảng cách nơi lợi tức tính theo đầu người giữa thành phần giầu nhất và nghèo nhất đã gia tăng đáng kể, và không có một dấu hiệu nào cho thấy có thể đảo ngược được khuynh hướng này.


Hơn thế nữa, tiến trình này thường liên hệ tới tình trạng chênh lệch gia tăng trong quốc gia. Chúng ta thấy các quốc gia phát triển kinh tế mạnh mẽ được kèm theo cả tình trạng gia tăng mức chênh lệch về lợi tức cũng như gia tăng khoảng cách giữa những thành phần dân chúng nơi những khía cạnh nghèo khổ khác, như khía cạnh giao dịch thị trường, khía cạnh điều kiện sức khỏe, khía cạnh tử vong – nhất là trẻ em tử vong – và khía cạnh giáo dục. Tình trạng chênh lệch này, nếu tồn tại, sẽ dẫn đến chỗ mạnh mẽ loại trừ hết mọi thành phần dân chúng và gây ra một thứ khó khăn lưỡng đôi về cấu trúc vốn đã suy sụp. Chẳng hạn như tình trạng dân chúng bị đẩy ra ngoài lề xã hội ở những miền làng quê rộng lớn, và việc gia tăng con số thất nghiệp nơi khu vực bán chính thức so với các khu vực chính thức ở những miền đô thị của các quốc gia phát triển, thì những vấn đề về cấu trúc là những gì cần phải được giải quyết một cách thích hợp.


7.     Kiểu bị đẩy ra ngoài lề xã hội này là những gì vi phạm đến phẩm vị con người, tước đoạt con người quyền được tham dự hoàn toàn trọn vẹn vào những cơ hội phát triển, và dập tắt đi việc phát triển, từ đó gây nên hậu quả tai hại, ở chỗ, nhiều quốc gia không được giao tiếp mau chóng với những gì năng động phức hợp của một nền kỹ nghệ toàn cầu và bị đẩy đến chỗ sống trong những hình thức bần cùng mới.


8.     Tình trạng chênh lệch là căn nguyên gây ra vấn đề xung khắc. Những niềm mong đợi bị khước từ trong một số trường hợp và theo những điều kiện nào đó gây ra tình trạng bất ổn về xã hội, thậm chí tiến đến chỗ bạo động như một hình thức bày tỏ phản ứng vậy.


9.     Tóm lại, mặc dù việc hội nhập kinh tế có thể dẫn đến chỗ gia tăng phát triển, và “nhờ phát triển, vấn đề giao thương có lợi cho thành phần nghèo”, vẫn phải chú trọng tới tình trạng chênh lệch trong tiến trình phát triển. Dù tự mình vấn đề cởi mở của kinh tế là một chính sách chống nghèo, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu những cách thức để làm sao cho những chính sách hội nhập giao thương này có thể thực sự trở thành những chính sách giảm nghèo.


10.     Việc loại trừ tình trạng nghèo khổ làm gia tăng mối liên kết về xã hội và trở thành một phương tiện cho việc phát triển khả thủ. Để đạt được thành quả này, chúng ta cần phải mạnh mẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “việc nhổ tận gốc rễ cảnh nghèo khổ” như là một mục đích chung, và con đường để chiếm được mục đích này nó cần trải qua đó là việc củng cố thị trường quốc gia, nhất là bằng việc đầu tư vào việc phát triển nguồn lực nhân loại, cũng như bằng việc cải tiến khả năng tham dự vào các cơ hội có được từ vấn đề hội nhập kinh tế, trước hết cho thành phần dân chúng năng động rồi tới cho chung cộng đồng dân chúng.


11.     Mục đích duy nhất của phát triển không phải là làm cho con người “sản xuất nhiều hơn” mà là bảo đảm phẩm vị của họ và cải tiến khả năng hoạt động một cách tự nhiên của họ.


Nói đến vốn liếng nhân bản và nguồn lực nhân bản là muốn nhắm đến yếu tố chính yếu trong tiến trình phát triển. Việc phát triển không phải chỉ để loại trừ tình trạng nghèo khổ, mà còn nhắm đến cả tình trạng sức khỏe và giáo dục được tốt đẹp hơn nữa, đến việc bao gồm trong xã hội cũng như đến việc trọn vẹn hoan hưởng nmhững quyền lợi về dân sự và chính trị. Những khía cạnh về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị của việc phát triển là những gì liên kết với nhau bất khả phân ly. Cái mấu chốt của những chiều kích này đó là con người trong tất cả mọi liên hệ của họ.


12.     Nếu những con người nam nữ cần phải trở thành những nhân vật đóng vai chính, trước hết họ cần có một gia đình và môi trường xã hội họ có thể được hướng dẫn để đáp ứng những thách đố của cuộc đời một cách hữu trách. Bởi thế, những chính sách phát triển cần phải mới mẻ hơn khi chú ý tới những khía cạnh ấy. Vấn đề bình đẳng để bảo đảm việc phát triển cân bằng là vấn đề phái tính. Việc giải quyết các vấn đề phái tính tức là việc chấp thuận những chính sách và những mẫu hành sử bảo đảm việc tham dự trọn vẹn của nữ giới, nhất là giới phụ nữ trẻ, nơi guồng máy xã hội, từ đó bảo đảm cho họ được bình đẳng về các thứ quyền lợi và về phương tiện học hành, sức khỏe và phát triển. Vấn đề tăng quyền cho nữ giới là những gì góp phần thay đổi và mang lại thành quả trước mắt đối với tính cách hiệu năng, tăng gia lợi tức, và tăng gia vấn đề đầu tư vào vốn liếng nhân bản.


13.     Tất cả mọi lãnh vực, quốc gia và quốc tế, công cộng và tư riêng, có thể nắm được sự thành công tốt đẹp hơn, nếu theo mục đích chung của mình, họ ôm ấp một quan niệm về vấn đề phát triển, cùng một lúc, lưu ý tới khía cạnh vừa hỗ trợ ngành tiểu kinh tế cho việc phát triển cá nhân cũng như xã hội dân sự, vừa có những qui chế nâng đỡ ngành đại kỹ nghệ của quốc gia và quốc tế.


14.     Trên lãnh vực quốc tế, các qui chế nâng đỡ này cần phải bao gồm: việc cải tổ vấn đề phân phối ODA, việc chấp nhận những hình thức tân tiến trong vấn đề giảm nợ để bảo đảm cho vấn đề phát triển xã hội, việc chấp thuận những qui lệ chung trong vấn đề kiểm soát tình trạng vi phạm các thị trường tài chính, việc kiểm xét các luật lệ giao thương ở thị trường là những gì quan trọng cho việc phát triển của các quốc gia nghèo. Ngoài ra, lãnh vực riêng tư cũng phải ý thức hơn nữa về trách nhiệm của mình trong việc tham gia như là một vai chính trong việc theo đuổi mục đích phát triển này.


15.     Trong tình trạng liên thuộc hiện nay, các Quốc Gia cần phải dấn thân trao đổi để tìm ra những đường lối đặc biệt và những phương tiện cho vấn đề phát triển quốc gia của mình. Đối với tiền trình cải tiến này, trách nhiệm chính vẫn là ở nơi mỗi một chính phủ. Phương tiện giáo dục và sức khỏe, tình trạng bình đẳng hơn nơi việc quản trị quần chúng, việc cai trị tốt đẹp, việc huấn luyện các viên chức chính quyền, inter alia, đều là tất cả những yếu tố bất khả châm chước cho vấn đề bảo đảm một thứ phát triển khả thủ.


16.     Đây không phải là vấn đề đối chọi quân bình giữa trách nhiệm quốc gia và quốc tế, mà là một vấn đề tái điều hướng tác hành chung của những thành phần đóng vai chủ yếu, trong việc, cùng một lúc và gắn bó với nhau, nhắm tới cùng một mục đích, đó là việc phát triển được rộng rãi góp phần bởi tất cả những yếu tố trong xã hội cũng như bởi một hệ thống quốc tế bình đẳng và công bình.


Thưa Ông Chủ Tịch,


17.     Tôi không thể kết thúc ở đây mà không đề cập đến vai trò nống cốt và tiên phong của UNCTAD này trong 40 năm qua trong việc thi hành sứ vụ ba chiều của mình. Không có UNCTAD này thì vấn đề trao đổi và việc đồng thuận với nhau giữa các quốc gia đang phát triển và đã phát triển sẽ không được năng động, hiệu nghiệm và ý nghĩa. Trong một thế giới càng ngày càng trở nên liên thuộc hơn đây thì vai trò của UNCTAD đây vẫn hiệu nghiệm và cần thiết nếu chúng ta muốn đạt tới tối đa những tiến bộ về vấn đề toàn cầu hóa và giảm bớt, nếu không muốn nói là loại trừ, một số hậu quả tai hại. Tòa Thánh muốn lợi dụng dịp này để tái khẳng định việc Tòa Thánh ủng hộ vấn đề tái sinh động của UNCTAD, hầu nó đáng được tôn kính hơn trong sứ vụ của nó và đạt được những mục tiêu được sự hợp tác chặt chẽ của những tổ chức quốc tế liên hệ.


Trong chiều hướng ấy, tôi cũng xin được nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vai trò Bí Thư của UNCTAD và đặc biệt có lời chúc mừng Vị Tổng Thư Ký Rubens Recupero, về việc ông dấn thân và hy sinh cho việc phát triển toàn cầu.


Thưa Ông Chủ Tịch, chúng ta tin rằng, UNCTAD XI này sẽ là một giây phút quyết liệt trong một cuộc hành trình lâu dài và khó khăn của việc phát triển.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 22/6/2004.