GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 2 THỨ SÁU

 

Tòa Thánh gửi điện văn chúc mừng tân chính phủ lâm thời Iraq được chuyển nhượng chủ quyền


Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh Angelo Sodano đã nhân danh Đức Thánh Cha gửi một điện văn chúc mừng đến Tổng Thống Iraq Sheikh Ghazi Ajeel Al-Yawar trong ngày tân chính phủ lâm thời của ông được chuyển nhượng chủ quyền, như sau:


“Trong dịp vui mừng chuyển nhượng quyền bính cho Chính Phủ Lâm Thời Quốc Gia Iraq, Đức Thánh Cha gửi đến Tổng Thống cùng đồng bào thuộc xứ sở của Tổng Thống lời chúc mừng thân ái của Người. Người nguyện xin cho những niềm hy vọng hòa bình, tự do và thịnh vượng của nhân dân Iraq sớm được toại nguyện trong dịp mở ra một trang sử mới trong đời sống của đất nước này. Đức Thánh Cha luôn luôn hết lòng quan tâm đến nhân dân đau khổ Iraq. Người đã bày tỏ lòng Người gắn bó với họ vào nhiều dịp, không phải chỉ qua sự hiện diện liên lỉ giữa họ vị Khâm Sứ Tòa Thánh đại diện của Ngài. Giờ đây, nhân dịp thi hành chức vụ Tổng Thống của Ngài, Giáo Hội Công Giáo khắp thế giới hoàn toàn ủng hộ và phấn khích ông trong việc xây dựng một tân Iraq. Xứ sở cao quí của ông, đã từng là nhà của Abraham, giờ đây là nhà cho sự phong phú của các truyền thống đức tin. Đức Thánh Cha tin tưởng rằng tất cả mọi nhóm tôn giáo trong xứ sở này có thể góp tiếng nói và đóng vai trò xứng hợp của họ trong việc hình thành một tân xã hội dấn thân cho tự do thật sự của lương tâm, cho công lý của tất cả mọi người cũng như cho việc đối thoại ôn hòa. Hứa cầu nguyện cho Ngài cũng như cho toàn thể nhân dân Iraq, Đức Thánh Cha xin Thiên Chúa Toàn Năng ban xuống trên ông muôn vàn ân phúc”.


Những sứ điệp tương tự cũng được ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi đến cho Thủ Tướng Iraq Iyad Allawi, và được ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư Văn Phòng Liên Hệ Các Quốc Gia gửi đến cho Bộ Trưởng Ngoại Giáo Hoshyar Zebari.

 

Chính phủ lâm thời Iraq đã tuyên thệ nhậm chức hôm Thứ Hai 28/6/2004, lúc 10 giờ 26 phút sáng (giờ địa phương), khi vị quản nhiệm Hoa Kỳ L. Paul Bremer trao cho Thủ Tướng Iraq Ayad Allawi văn bản chuyển nhượng được bọc bằng da. Ông Paul đã đọc những lời quan trọng trong bản bàn giao này là:

“Như được công nhận trong quyết định 1546 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì Thẩm Quyền Liên Minh Tạm Thời sẽ hết vào ngày 28/6, ngày việc chiếm đóng sẽ chấm dứt và chính phủ lâm thời Iraq sẽ thay cho nhân dân Iraq lãnh trách nhiệm thi hành trọn chủ quyền. Tôi hoan hô những bước tiến của người Iraq trong việc ở vào một vị thế bình đẳng và danh dự xứng đáng giữa các quốc gia tự do trên thế giới. Chân thành, L. Paul Bremer, Mãn Quản Nhiệm Viên Thẩm Quyền Liên Minh Tạm Thời”.

Như thế, việc chuyển nhượng này đã xẩy ra sau khi Liên Hiệp Quốc trao trả chủ quyền cho nước này hai ngày trước hạn định 30/6/2004.
 

Sau đó một chút, một lễ nghi tuyên thệ ngắn được diễn ra, trước loạt cờ Iraq dọc theo bức tường phòng, Thủ Tướng Allawi và tân nội các đặt tay trên Sách Koran thề hứa sẽ phục vụ một cách thành thực và không thiên vị.

Vị tân Thủ Tướng đã ngỏ lời trong buổi tuyên thệ nhậm chức này. Ông cho rằng mối hiệp nhất quốc gia là “một nhiệm vụ thánh”, và kêu gọi cộng đồng quốc tế, kể cả các nước Ả Rập, “hãy cùng nhau làm việc để giải quyết các vấn đề trong vùng một cách văn minh. Chúng tôi sẽ không quên ai đứng về phía chúng tôi cũng như ai chống lại chúng tôi”. Ở đây ông có ý nói đến thành phần phiến loạn muốn lật đổ tân chính phủ lâm thời của ông. “Việc chuyển từ tình trạng độc quyền sang một xã hội dân sự (là) một công việc trọng yếu” cần phải nhiều năm mới thực hiện được.
 

Được hỏi là tại sao vấn đề chuyển nhượng quyền bính xẩy ra trước hai ngày, một viên chức trong tân chính phủ đã trả lời là đó là do tân thủ tướng yêu cầu vì “các vấn đề hằng ngày” và những vị lãnh đạo Iraq sẵn sàng ra tay chống bạo lực. Một trong những công việc chính của tân chính phủ lâm thời này là vấn đề phiến loạn bạo động.
 

Một số người Iraq cho biến cố này chỉ là những gì vô nghĩa bao lâu quân đội Hoa Kỳ vẫn còn chiếm đóng xứ sở của họ, còn những người khác thì cho rằng đây là một hướng đi đúng. Cũng thế, trong khi đa số các quốc gia Ả Rập ủng hộ việc chuyển nhượng chủ quyền này, thì hầu hết các báo chí của các nước này cảnh giác rằng còn nhiều vấn đề cần phải cấp thời tu chính.
 

Vào chính ngày 30/6/2004, ngày hạn cho vấn đề trao trả chủ quyền Iraq, tân chính phủ lâm thời Iraq chính thức nắm quyền canh giữ nhà lãnh tụ Saddam Hussein và 11 người khác thuộc chế độ cũ. Những nhân vật này là Abd Hmood Mahmoud, Aziz Saleh al-Numan, Ali Hassan al-Majid, Barazan Ibrahim al-Hassan, Kamal Mustafa Abdallah Sultan Tikriti, Muhammed Hamza al-Zubaidi, Sabir Abdul Aziz Al-Douri, Sultan Hashim Ahmad, Taha Yasseen Ramadhan, Tariq Aziz and Watban Ibrahim al-Hassan. Còn một viên chức cao cấp thuộc cựu chế độ nữa hiện không bị giam giữ như 12 người kia, chẳng hạn như Izzat Ibrahim al-Duri, cũng sẽ bị xử vắng mặt.

 

 

Tình Trạng Tự Do Tôn Giáo ở Á Châu và Thế Giới Hồi Giáo


Cha Bernardo Cervellera, giám đốc Hãng Thông Tấn Á Châu đã tiết lộ cho biết sự kiện này khi trình bày bản “Tường Trình Năm 2004 Về Tự Do Tôn Giáo” được biên soạn bởi hiệp hội tòa thánh Hỗ Trợ Giáo Hội Thiếu Thốn mà ngài là một hợp tác viên. Theo ngài thì đây là cách thức để đàn áp tự do tôn giáo ở Á Châu.


“Ở những vùng Cộng Sản và những chỗ bị ảnh hưởng bởi trào lưu cực thủ tôn giáo thì họ không mãn nguyện với việc đàn áp cá nhân; họ còn phá hủy tất cả mọi thứ đồ và cơ sở gắn liền với vấn đề tự do thờ phượng.


“Dĩ nhiên là các nhà thờ bị phá hủy, như đang xẩy ra ở Nam Dương, Trung Hoa và Ấn Độ.


“Thế nhưng, họ cũng phá hoại các nhà cửa của Kitô hữu nữa, nhất là các trường học của Kitô hữu. Việc phá hủy các trường học là một yếu tố bắt bớ hầu như là một khuynh hướng hiện nay ở Trung Hoa, Hồng Kông, Nam Dương, Nepal, Ấn Độ và Pakistan.


“Trong trường hợp này họ chẳng những muốn bịt miệng đức tin của một cộng đồng mà còn tất cả mọi ảnh hưởng có thể về xã hội gây ra bởi các tôn giáo, nhất là bởi Kitô Giáo. Việc phá hoại chẳng những để tiêu diệt đức tin mà còn làm bại hoại, làm cản trở dân chúng, làm giảm sút những quan điểm về xã hội.


“Người Ấn Giáo chống lại các học đường Công Giáo và Tin lành muốn giữ thành phần cùng đinh xã hội trong thân phận của những kẻ nô lệ bị trị.


“Những người Hồi Giáo (ở Nam Dương) đốt phá đại học đường ở Ambon không muốn những người Kitô hữu hoạt động và muốn những người Moluccas làm mồi ngon cho các chính sách ngoại bang”.


Chính phủ Hồng Kông, vì bị áp lực của Bắc Kinh, cũng đang gây kho dễ cho vấn đệ chủ quyền của các trường học Kitô Giáo.


Trái lại, ở thế giới Hồi Giáo, tình hình tự do tôn giáo lại đang tiến bộ khả quan, bất chấp nạn khủng bố ở Iraq, Thánh Địa và Saudi Arabia.


Đúng thế, theo một chuyên viên về Trung Đông là Camille Eid, một phóng viên người Labanon sống ở Ý, cũng trong buổi trình bày về “Bản Tường Trình 2004 Về Tự Do Tôn Giáo”, một bản tường trình có phần đóng góp của ông về thế giới Ả Rập, đã cho biết rằng ở “những vùng (Hồi Giáo) xẩy ra những kỳ thị theo luật Hồi Giáo, từ việc cấm những người Hồi Giáo không được theo đạo khác, đến việc bắt các người công dân khác phải tuân theo những qui luật pháp chế của Hồi Giáo.


“Từ 3 đến 4 năm qua đã có tiến bộ đáng kể về những cải tiến theo chiều hướng dân chủ, cũng như chiều hướng bình quyền giữa nam nữ, hy vọng rằng những điều này trong một thời gian ngắn có thể cũng sẽ dẫn tới những cải tổ về việc tự do thờ phượng.


“Điều này xẩy ra chẳng hạn như việc chấp thuận ở Morocco về luật ‘mudawwana’, luật tân gia đình, hay như Bản Hiến Pháp mới tạm thời ở Iraq.


“Tuy nhiên, theo việc phân hạnh mới đây về vấn đề tự do tôn giáo ở các quốc gia Ả Rập được Hội Chuyên Viên Kinh Tế phổ biến thì các quốc gia Vùng Vịnh kém nhất trong vấn đề này, Saudi Arabia được đánh dấu ‘0’ và các nước khác được đánh dấu ‘4’”.


Nước Qatar tỏ ra tiến bộ nhiều trong vấn đề cởi mở bằng việc tổ chức vào tháng Năm vừa rồi Hội Nghị Đối Thoại Hồi Giáo Và Kitô Giáo Về Vấn Đề Tự Do Thờ Phượng, một hội nghị đã bày tỏ ý muốn có cả sự tham dự của Do Thái Giáo vào lần tới.


“Ở Kuwaitt, trái lại, trong khi thực hiện những cải tiến về tình trạng của cộng đồng giáo phái Hồi Giáo Shiite thì lại cấm đoán những người không phải Hồi Giáo được tổ chức các lớp giáo lý”.



Chúc Tụng Thiên Chúa Toàn Năng
về những việc lạ lùng và đường lối công chính của Ngài

(Bài Giáo Lý Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh 111 của ÐTC GPII Thứ Tư 23/6/2004 về Ca Vịnh Khải Huyền 15:3-4 cho Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Nhất)


1.     Cùng với các bài Thánh Vịnh, phụng vụ giờ kinh chiều cũng có cả một loạt các bài ca vịnh được trích từ Tân Ước. Một số bài, như bài chúng ta vừa nghe, là đoạn Sách Khải Huyền, một cuốn sách kết thúc cho cả bộ Thánh Kinh, và thường được điểm bằng những bài ca và ca đoàn, bằng những đơn ca và thánh ca của hội đồng thành phần được tuyển lựa, bởi những tiếng kèn, tiếng thụ cầm và tiếng đa huyền cầm.

Bài ca vịnh của chúng ta đây rất ngắn, được lấy từ Đoạn 15 của cuốn sách này. Một cảnh trí uy nghi s8áp sửa xẩy ra: 7 vị thiên thần, những vị đã mang lại nhiều tai họa thần linh, giờ đây có thêm 7 tô cũng đầy hoạn nạn nữa, theo tiếng Hy Lạp là “pleghe”, một từ ngữ tự bản chất có ý nghĩa là một cú đấm mãnh liệt gây ra thương tích, đôi khi làm chết đi nữa. Ở đây rõ ràng là ám chỉ về những tai họa xẩy ra ở Ai Cập (x Ex 7:14-11:10).

“Tai họa cực hình” ở Sách Khải Huyền là biểu hiệu cho một thứ phán quyết về sự dữ, đàn áp và bạo lực của thế giới. Vì lý do đó nó cũng là dấu hiệu hy vọng cho thành phần công chính. Bảy tai họa, như đã rõ, theo Thánh Kinh, số bảy là biểu hiệu cho những gì vuông tròn, được diễn tả như là những hoạn nạn “cuối cùng” (x Rev 15:1) , đã hoàn trọn việc can thiệp thần linh trong vấn đề chấm dứt sự dữ.

2.     Bài thánh thi ca này được cất lên bởi thành phần được cứu độ, thành phần công chính trên trái đất, thành phần “đứng” theo cung cách của Con Chiên phục sinh (x câu 2). Như những người Do Thái trong cuộc Xuất Hành, sau khi vượt biển, đã hát lên bài ca Moisen (x Ex 15:1-18) thế nào, thì thành phần được tuyển chọn cũng dâng lên Chúa “bài ca Moisen, người tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca Chiên Con” (Rev 15:3), sau khi đã chiến thắng được Con Mãnh Thú, kẻ thù của Thiên Chúa (x câu 2).

Bài thánh thi ca này phản ảnh phụng vụ của các nhà thờ Thánh Gioan và tổng hợp một tuyển tập các câu Cựu Ước, nhất là các Bài Thánh V ịnh. Ngay từ ban đầu, cộng đồng Kitô Giáo đã coi Thánh Kinh chẳng những là linh hồn của đức tin cũng như của đời sống cộng đồng, mà còn là lời nguyện cầu và phụng vụ của họ, đúng như những gì xẩy ra trong các giờ kinh ban chiều chúng ta đang bắt đầu đây.

Vấn đề cũng quan trọng là bài hát được phụ họa bởi các thứ nhạc cụ: Kẻ công chính cầm trong tay chiếc đa huyền cầm (ibid.), chứng cớ về một thứ phụng vụ được rộn ràng bởi thánh nhạc.

3.     Bằng những bài thánh thi ca của mình, ngoài việc vui mừng về sự kiên trì và hy sinh của mình, thành phần được cứu độ tuyên tụng “những kỳ công cao cả” của “Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng”, tức là những công việc cứu độ của Ngài khi quản trị thế giới và lịch sử. Thật vậy, lời nguyện cầu thực sự không phải chỉ là một lời cầu xin mà còn là một lời chúc tụng, tạ ơn, ca ngợi, cử hành và tuyên xưng đức tin vào Chúa là Đấng cứu độ.

Trong bài ca vịnh này vấn đề quan trọng nữa là chiếu kích phổ quát, được thể hiện bằng những từ ngữ của bài Thánh Vịnh 85(86): “Tất cả mọi dân nước được Chúa tạo dựng sẽ đến cúi đầu trước Ngài là Chúa” (câu 9). Thế nên ánh mắt của chúng ta vươn đến toàn thể chân trời và người ta thấy có những con sông dân chúng qui tụ về Chúa trong việc nhìn nhận “những phán quyết công minh” của Ngài (Rev 15:4), tức là những gì Ngài can thiệp vào lịch sử để đánh bại sự dữ và ca ngợi sự thiện. Việc tìm kiếm công lý nơi tất cả mọi nền văn hóa, nhu cầu cần đến chân lý và yêu thương được chất chứa nơi tất cả mọi linh đạo, qui hướng về Chúa là Đấng duy nhất làm thỏa nguyện con người khi họ tìm gặp Ngài.

Thật là tuyệt vời khi nghĩ đến bầu không khí phổ quát tôn giáo tính và hy vọng này, một bầu không khí có tính cách tôn giáo phổ quát tính này đã được những lời của các tiên tri nói đến và dẫn giải: “Vì từ lúc mặt trời mọc lên, thậm chí cho đến khi nó lặn xuống, danh Ta là danh cao cả giữa các dân nước; đâu đâu cũngỉ hiến dâng cho danh Ta một của lễ tinh tuyền; Vì danh ta cao cả giữa các dân nước, Chúa các đạo binh phán” (Mal 1:11).

4.     Chúng ta đức kết bằng việc hợp tiếng với tiếng vũ hoàn. Chúng ta làm thế theo những lời lẽ trong bài ca của Thánh Grêgoriô Nazianzen, một vị đại Giáo Phụ của Giáo Hội ở thế kỷ thứ 4. “Vinh danh Chúa Cha và vinh danh Chúa Con là Vua vũ trụ, vinh danh Thánh Linh rất đáng ngợi khen. Một Thiên Chúa Duy Nhất là Chúa Ba Ngôi: Ngài đã tạo dựng và đã làm cho mọi sự được tràn đầy, trời cao đầy những tinh thể, trái đất đầy những địa thể. Biển cả, sông ngòi và suối nguồn Ngài đã cho tràn đầy những thủy thể, sống động bởi tất cả Thần Linh của Ngài, nhờ đó toàn thể thế giới thiên nhiên tạo vật chúc tụng Đấng Hóa Công khôn ngoan: sự sống và việc sinh tồn đều được bắt nguồn từ một mình Ngài. Chớ gì loài tạo vật hữu tri trước hết biết hát khen chúc tụng Ngài như là một Đức Vua uy quyền và là một Người Cha thiện hảo. Với linh hồn, miệng lưỡi và tâm tưởng của tôi, xin làm cho tôi biết tôn vinh Chúa trong tinh thần một cách vẹn tuyền, Ôi Chúa Cha” (Poems, 1, Collection of Patristic Texts 115, Rome, 1994, pp. 66-67).

Anh Chị Em thân mến,

Bài giáo lý hôm nay tập trung vào Đoạn 15 của Sách Khải Huyền, nhất là vào bài ca vịnh của nó ở câu 3 và 4. Nó là một bài thánh thi ca tôn thờ và chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng thực hiện những việc “quyền năng và lạ lùng”, Đấng có những đường lối “chân chính và chân thực”.

Bài thánh thi ca này được xướng hát bởi thành phần được cứu độ, thành phần công chính trên trái đất đứng trước Con Chiên phục sinh của Thiên Chúa. Rất giống như việc người Do Thái hát lên bài ca Moisen sau khi vượt qua biển cả thế nào thì thành phẩn được tuyển chọn cũng dâng lên Thiên Chúa “bài thánh thi ca Moisen và Chiên Con” như thế, sau khi chiến thắng Con Mãnh Thú là kẻ thù của Thiên Chúa.

Bài ca vịnh này có chiều kích đại đồng nữa: “tất cả mọi dân nước sẽ đến và thờ lạy” trước nhan Chúa. Chúng ta hãy kết luận bài suy niệm của chúng ta bằng việc hợp tiếng của chúng ta trong bài ca hoàn vũ, khi sử dụng những lời lẽ của vị đại Giáo Phụ của Thiên Chúa, vị đó là Thánh Gregory of Nazianzen, ““Vinh danh Chúa Cha và vinh danh Chúa Con là Vua vũ trụ, vinh danh Thánh Linh rất đáng ngợi khen. Một Thiên Chúa Duy Nhất là Chúa Ba Ngôi: Ngài đã tạo dựng và đã làm cho mọi sự được tràn đầy”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 23/6/2004.